Trong hơn 10 năm qua đi dạy ở quận Cam, tôi đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam, du học sinh có, mới qua định cư có, và sinh ra ở Mỹ hoặc ở Mỹ từ nhỏ, cũng có.
Coi em thứ nhất và thứ ba. Cô giáo của các em đã luyện từ nhỏ là không việc gì phải sợ làm sai.
Một điều tôi thấy trong nhiều người Việt mới qua, định cư hay du học, là họ rất sợ bị sai. Các em sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ ít có vấn đề này hơn. Bài thi 100 điểm chẳng hạn, họ rất sợ là không được đủ 100 điểm, và họ lo lắng nếu biết đã sai cái gì đó và sẽ bị trừ mất vài điểm.
Điều này có phần tốt, cầu toàn là tốt vì có cầu toàn thì có tiến bộ, nhưng cũng có phần không tốt. Lo lắng vì sợ sai, sẽ gây căng thẳng và có thể dẫn đến những hành vi sai trái như gian lận bài thi. Tôi có đồng nghiệp thắc mắc là tại sao họ lại bắt gặp những em Việt Nam gian lận mặc dù bài làm đã đúng rồi. Sợ sai tới mức làm đúng rồi vẫn chưa yên tâm, là dẫn tới những hành vi như thế.
Có lần tôi vào một trường K-12 Thiên Chúa Giáo của một hội thánh Tin Lành Hàn quốc, thì tôi thấy những tờ giấy này trên tường trong một phòng học lớp 2 hay 3 (quên mất). Các em nhỏ đã vẽ và dán lên.
Coi em thứ nhì và thứ tư. Cô giáo của các em đã luyện từ nhỏ là không việc gì phải sợ làm sai.
Điều này đúng với khoa học. Trong một công trình nghiên cứu đăng trên Psychological Science năm 2011, Tiến sĩ Jason Moser và các cộng sự tại đại học Michigan State University đo các hoạt động trong não của người trả lời đúng hay sai một câu hỏi.
Khi người ta làm sai một việc hay trả lời sai một câu hỏi, não bắn ra một tia điện gọi là ERN (error-related negativity) chỉ 50 mili-giây sau khi trả lời. Cái lạ là não bắn ERN ngay cả khi người đó không biết là mình làm sai. ERN được cho là sẽ bắn ra khi não cảm thấy có sự khác biệt giữa câu trả lời đúng và câu trả lời được đưa ra.
Sau đó não còn bắn thêm một tia điện nữa, gọi là Pe (error positivity). Pe bắn ra khi người ta biết mình trả lời sai và bắt đầu quan tâm tới lỗi lầm.
Hai tia này không bắn ra khi trả lời đúng.
Nói cách khác, não hoạt động nhiều hơn khi sai. Não sẽ phát triển nhiều hơn khi mình mắc lỗi lầm, chứ cứ đúng hoài thì não không phát triển nhiều bằng.
Cho nên "sai thì sửa", ở khía cạnh đó, tốt hơn là không sai.
Nghiên cứu của Moser và cộng sự còn cho thấy nếu người đó có tư duy "growth mindset", một khái niệm của Tiến sĩ Carol Dweck đại học Stanford, thì não hoạt động nhiều hơn người có tư duy "fixed mindset". Nói tóm tắt thì người có tư duy "growth mindset" sẽ cho là người ta nếu chịu khó thì sẽ học được, còn người có tư duy "fixed mindset" thì cho là trí thông minh mỗi người chỉ tới đó, học được tới đó là hết, không học thêm được nữa. Chuyện này hôm nào tôi sẽ trở lại sau.
Vũ Quí Hạo Nhiên
Nguồn : VOA, 25/02/2020