Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng về y tế mà còn là cuộc chiến về ngoại giao, địa chính trị giữa các nước, nhất là Trung Quốc, Nga, Mỹ và Châu Âu. Về quan hệ Âu-Mỹ, "sự xa cách cả về chính trị và cảm xúc, do chủ nghĩa đơn phương và thái độ khinh thường của chính quyền Donald Trump liệu có bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khủng hoảng virus corona hay không ?" là câu hỏi của báo Le Monde ngày 27/03/2020.

eu1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo tại Bruxelles (Bỉ) ngày 16/03/2020 sau cuộc họp của nhóm G7. Reuters - JOHANNA GERON

Trong những năm gần đây, Châu Âu đã nhiều lần thất vọng về Hoa Kỳ. Hai ví dụ điển hình nhất liên quan tới việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran. Cuộc họp qua cầu truyền hình của ngoại trưởng các nước nhóm G7 hôm thứ Tư 25/03 càng khiến cho công chúng cảm thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.

Hội nghị đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Trong cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một mình thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán" để đổ lỗi cho Trung Quốc. Về phần mình, ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh là "cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị".

Hồi đầu tháng 3, Mỹ đã cho đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 12/03, trong một thông cáo "bất thường", chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, gọi biện pháp nói trên của Mỹ là một quyết định "được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến". Việc Mỹ không áp dụng biện pháp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Vương quốc Anh càng cho thấy rõ ý đồ trừng phạt có chọn lọc của Washington mang tính chính trị.

Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã không thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái cơ bản đối với các đối tác Châu Âu khi các quốc gia này phải vất vả đối phó với virus corona. Trong khi đó, Donald Trump lại gửi một lá thư cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo lời kể của Bình Nhưỡng, để đề nghị hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Hôm Chủ Nhật 22/03, Donald Trump cũng khẳng định "chìa tay" giúp Bình Nhưỡng, và nhắc tới tên một nước khác cũng có khả năng nhận được sự trợ giúp của Mỹ. Đó là Iran.

Mong muốn phá hủy và chia rẽ Châu Âu

Có một điều khó có thể khiến tổng thống Mỹ buồn lòng : Liên Hiệp Quốc đã "biến mất khỏi màn hình radar". Chỉ có các định chế của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) là đang xông pha trên tuyến đầu trong lĩnh vực riêng của họ. Hoạt động bàn bạc thống nhất diễn ra ở nơi khác.

Một hội nghị qua kết nối video giữa các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước thành viên nhóm G7, do Hoa Kỳ chủ trì năm nay, được tổ chức vào ngày 16/03, dựa theo đề xuất của ​​Paris, trước khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố mua 750 tỷ euro trái phiếu, trước khi Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ quy tắc vàng về thâm hụt ngân sách tối đa 3%. Nhóm G7 đã mở đường cho các biện pháp "phi thường" này và cho biết các nước trong khối sẵn sàng làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đảm bảo cho sự ổn định của thế giới.

Chia sẻ hoàn toàn các dữ liệu dịch tễ học, xây dựng các dự án chung về nghiên cứu… Thông cáo cho thấy G7 có rất nhiều dự định tốt đẹp. Tuy nhiên, khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới lại không đưa ra được một đáp án chung nào về hai điểm quan trọng sống còn đối với cuộc chiến y tế chống dịch bệnh : Sản xuất khẩu trang y tế và máy trợ thở. Chỉ có các nước Liên Hiệp Châu Âu là cùng nhau tìm nguồn hàng khẩn cấp để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng này. Đối với các nước còn lại, mọi hợp đồng, thỏa thuận đều diễn ra dưới hình thức ký kết song phương, chẳng hạn giữa một số nước thành viên G7 với Trung Quốc.

Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Donald Trump đã tìm cách giữ độc quyền của nước Mỹ về các nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư nhân CureVac của Đức thực hiện, liên quan đến việc phát triển vác-xin phòng bệnh. Chính phủ Đức đã phản đối động thái của Washington. Ủy Ban Châu Âu đã cung cấp khoản tín dụng 80 triệu euro để tài trợ cho công việc nghiên cứu của CureVac nên hành động của Mỹ không được chấp nhận.

Nhà sử học Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn đàn Hòa bình Paris, nhận xét : "Điều đó vượt xa sự xa cách và thiếu hiểu biết. Điều khiến Donald Trump khác biệt so với Barack Obama, như chúng ta thấy trong giai đoạn này, là mong muốn phá hủy và chia rẽ Châu Âu".

Diễn đàn Hòa bình là một sáng kiến ​​của Pháp. Khi Diễn Đàn được tổ chức lần thứ hai, vào tháng 11/2019 tại thủ đô Pháp, đại sứ Hoa Kỳ tại Paris thậm chí đã không đến tham dự, một cử chỉ rõ rệt cho thấy thái độ thù địch. Đối với Diễn Đàn sắp tới, theo lời mời của phủ tổng thống Pháp, các nhà tổ chức sẽ tập trung vào cách đối phó với virus corona và các biến thể của nó.

Ông Justin Vaïsse muốn tin rằng vẫn tồn tại một nước Mỹ khác, một nước Mỹ gắn bó hơn với chủ nghĩa đa phương. Theo giám đốc Diễn đàn Hòa bình, ông Trump có khả năng cảm nhận nơi nào có tiềm năng chính trị và nơi nào ông có thể tấn công, nhưng nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ông ấy có thể đưa trở lại thế giới một nước Mỹ quen thuộc hơn so với nước Mỹ thời Donald Trump.

Căng thẳng trong nội bộ NATO

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhau hôm thứ Năm 19/03, 2 ngày sau cuộc họp qua video của lãnh đạo các nước G7. Một nguồn tin ngoại giao nhận định với Le Monde : "Cuộc khủng hoảng đa phương không phải là điều mới mẻ, từ 3 năm nay chúng ta đã biết quan điểm của Mỹ như thế nào. Thế nhưng, hợp tác là một nhu cầu cần thiết, chẳng hạn liên quan đến việc hồi hương công dân Pháp từ Mỹ và công dân Mỹ hiện đang ở Pháp".

Tại Điện Elysée - phủ tổng thống Pháp, các quan chức đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch và liên hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Giờ vẫn chưa phải lúc đúc kết các bài học cho lâu dài. Một cố vấn của tổng thống Pháp Macron cho biết : "Chương trình nghị sự về chủ quyền và bảo vệ tại Châu Âu, chúng tôi thấy rằng nó thậm chí còn mang tính thời sự hơn". Lộ trình đã rõ ràng : Châu Âu phải hội nhập nhiều hơn và bớt ngây thơ trước Trung Quốc và Mỹ. 

Tổ chức trong đó quan hệ giữa các đồng minh được xem xét kỹ lưỡng là Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương. Về quân sự, virus corona để lại hai hệ quả. Defender Europe 20 là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, quy tụ 37.000 binh sĩ từ 18 nước, trong đó có 20.000 quân nhân đến từ Hoa Kỳ. Đây là cách phô trương tình đoàn kết một cách ngoạn mục nhắm đến nước Nga. Các cuộc diễn tập theo kế hoạch chủ yếu diễn ra vào tháng Tư và Năm. Tuy nhiên, quân số dự kiến hiện giờ đã phải giảm bớt đi.

Vấn đề điều động quân trong khối NATO cũng được xem xét lại. Khi vội vã đóng cửa biên giới, Ba Lan đã khiến Pháp tức giận, bởi về lý thuyết, Ba Lan cản trở sự di chuyển quân của các lực lượng hỗ trợ cho các nước vùng Baltic nếu những quốc gia này bị tấn công. Việc khả năng đó thậm chí còn không được nhiều nước nghĩ tới cho thấy cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ có thể kéo theo việc sửa đổi các kế hoạch phòng vệ với Mỹ.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 01/04/2020

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Diễn đàn

Từ vài ngày nay, chính quyền Chile đối mặt với phong trào phản kháng xã hội mạnh mẽ chưa từng có suốt gần 30 năm qua, kể từ khi chế độ độc tài Pinochet sụp đổ vào năm 1990.

chile1

Người biểu tình đốt hình nộm của tổng thống Chile Sebastian Piñera, ngày 23/10/2019, tại thành phố Concepcion. Reuters/Jose Luis Saavedra

Ngày 20/10,tổng thống Chile Sebastián Piñera tuyên bố đất nước đang trong tình trạng "chiến tranh". Trước đó hai ngày, vào ngày 18/10, ông ban bố tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài 15 ngày tại thủ đô Santiago sau khi xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình nhằm phản đối chính quyền tăng 3% giá vé métro, kèm theo đó là các cuộc bạo động, cướp bóc, đốt phá bùng lên và lan ra nhiều thành phố khác, bất chấp việc chính quyền đã hủy quyết định tăng giá vé métro.

Gần 10.000 cảnh sát và binh lính được triển khai, lần đầu tiên quân lính đi tuần trên đường phố kể từ sau chế độ độc tài Pinochet. Ngoài thủ đô Santiago với 7,6 triệu dân, lệnh giới nghiêm còn được ban bố tại 9/16 vùng. Bạo lực đã khiến 18 người thiệt mạng trong những ngày qua, trong đó có 1 em bé 4 tuổi. Khoảng 240 dân thường và 50 cảnh sát, binh lính bị thương, hơn 6.000 người bị bắt giữ.

Tại thủ đô Santiago, 78 bến tàu của hệ thống métro hiện đại nhất Nam Mỹ, với tổng chiều dài 140 km, phục vụ mỗi ngày 3 triệu hành khách, đã bị đập phá, thiệt hại lên tới 300 triệu đô la. Nhiều bến tàu bị phá hủy hoàn toàn. Hầu như toàn bộ trường phổ thông và đại học tại Santiago phải tạm đóng cửa. Nhiều chuyến bay bị hủy, hoãn. Hành khách bị mắc kẹt trong sân bay của Santiago. Sau gần 1 tuần, phong trào nổi dậy của dân chúng dường như chưa có dấu hiệu tạm lắng. Bà Michelle Bachelet, cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người từng lãnh đạo đất nước Chile trong hai nhiệm kỳ, kêu gọi chính quyền và dân chúng đối thoại tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Đâu là nguyên do thực sự khiến dân chúng nổi giận ?

Đất nước Chile, với 18 triệu dân, bất ngờ lâm vào khủng hoảng chỉ ít ngày sau khi tổng thống Piñera tự hào ví Chile với một "ốc đảo" ổn định, an toàn, trong khu vực vốn đang bị suy yếu do khủng hoảng rình rập. Trên thực tế, Chile thường được xem như một hình mẫu lý tưởng về thành công kinh tế tại Châu Mỹ La-tinh, là tấm gương cho nhiều nước trong khu vực, với mức tăng trưởng kinh tế mà nhiều nước Châu Âu cũng phải thèm muốn.

Vậy, trong bối cảnh kinh tế phát triển thuận lợi, chính trị ổn định, đâu là nguyên nhân thực sự đẩy người dân Chile vào cuộc phản kháng ? Trả lời báo Le Monde, sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về Châu Mỹ La-tinh (IHEAL) nhận định căn nguyên, nguồn cội của cuộc khủng hoảng lần này là sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nạn bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.

Theo nhà sử học Compagnon, cuộc khủng hoảng bùng nổ tại Chile không có gì đáng ngạc nhiên. Chile là nước đầu tiên cho áp dụng học thuyết tân tự do của trường phái "Chicago Boys" (học thuyết của các nhà kinh tế theo học đại học Chicago, Hoa Kỳ). Dưới thời độc tài Pinochet, những người theo trường phái của nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman, khôi nguyên Nobel 1976, người hăng say bảo vệ học thuyết tân tự do, được giao trách phiệm phục hồi nền kinh tế Chile bằng cách đẩy mạnh tư nhân hóa, giảm vai trò quản lý của Nhà nước và tự do hóa gần như toàn bộ các lĩnh vực, giáo dục, y tế, hưu bổng …

Nhờ chính sách trên, Chile đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng nể, dự kiến đạt 2,5% trong năm nay. Thế nhưng, Chile cũng đồng thời trở thành "quán quân" về bất bình đẳng ở khu vực Nam Mỹ, ngang với Brazil. Giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về Châu Mỹ La-tinh cho rằng cuộc nổi dậy của người dân Chile lần này là "sản phẩm của 40 năm học thuyết tân tự do".

Từ năm 2000 đến năm 2012, việc tăng giá nguyên liệu sản xuất đã giúp nhiều nước Nam Mỹ phát triển kinh tế. Chile, cũng như Brazil, có nguồn quặng đồng rất lớn. Khai thác và xuất khẩu đồng mang lại nhiều lợi nhuận cho Chile. Cũng nhờ đó mà tỉ lệ đói nghèo đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 8,5%. Thế nhưng, theo sử gia Olivier Compagnon số người nghèo giảm không có nghĩa là tỉ lệ bất bình đẳng xã hội cũng giảm theo. Muốn hạn chế bất bình đẳng xã hội, cần thực hiện chế độ tái phân phối. Trong khi đó, suốt 4 thập niên qua, mô hình kinh tế dưới thời độc tài quân sựchưa bao giờ được thay đổi, kể cả sau khi nền dân chủ được tái lập.

Quá chán ngán vì bất bình đẳng xã hội

Trong những ngày này, người dân Chile không đấu tranh để được tăng lương, mà họ chống bất công xã hội. Họ đòi hỏi có quyền được đáp ứng nhu cầu thiết yếu như điện, nước, các quyền lợi, dịch vụ một cách công bằng để được sống đúng nhân phẩm. Biện pháp tăng giá vé métro của chính quyền chỉ là "giọt nước làm tràn ly". Người dân Chile còn đấu tranh chống tham nhũng, phản đối việc các nhà lãnh đạo thâu tóm quá nhiều quyền lực kinh tế.

Quả thực, cho dù là nước Nam Mỹ đầu tiên gia nhập tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE vào năm 2010, nhưng cho đến năm 2018, Chile vẫn nằm ở nhóm các nước có chỉ số bất bình đẳng thu nhập cao nhất OCDE, chỉ sau Nam Phi và Costa Rica. Le Monde trích dẫn số liệu của OCDE cho thấy chỉ số trên cao hơn 65% so với mức trung bình của tổ chức này.

Theo thống kê của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc hồi năm 2007, 33% tổng thu nhập của Chile nằm trong tay 1% dân số. Trong số đó, có tổng thống đương nhiệm Sebastián Piñera, một trong những người giàu nhất thế giới. Theo tạp chí Forbes, tài sản của tổng thống Chile ước tính lên đến 2,8 tỉ đô la.

Theo số liệu năm 2019 của OCDE, tỉ lệ người dân ở các đô thị hài lòng với việc được hưởng các dịch cụ chăm sóc y tế có chất lượng đã giảm mạnh trong vòng 10 năm, từ 43% vào năm 2007 xuống còn 33% vào năm 2017. Cũng giống như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, rất cao. Vì thế, trong số những người tham gia phong trào phản kháng lần này, có đông đảo thanh niên, sinh viên. Le Monde cho biết, vào năm 2017, chỉ có 49% dân chúng hài lòng về hệ thống giáo dục.

Nhà xã hội học Carlos Ruiz, chủ tịch Fundaction Nodo XXI, nhận định cơn giận dữ trong xã hội Chile trước hết là do mọi mặt đời sống hàng ngày của người dân đều bị tư hữu hóa mạnh mẽ, từ sức khỏe, giáo dục, đến chính sách hưu bổng, điện, nước … Công dân Chile chỉ bị coi như một người tiêu dùng đơn thuần. Người dân đã quá chán ngán trước tình trạng bất công xã hội.

Tổng thống Sebastián Piñera liệu có tìm ra giải pháp ổn định lại tình hình ?

Điều khiến giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về Châu Mỹ La-tinh ngạc nhiên nhất chính là biện pháp đàn áp mạnh mẽ của nhà chức trách. Sau khi phong trào phản kháng xã hội bùng nổ, nhà lãnh đạo Chile trao quyền cho một vị tướng kiểm soát tình hình an ninh, ban lệnh giới nghiêm, cho quân đội triển khai binh lính đi tuần, thậm chí điều cả xe tăng ra đường phố. Những biện pháp này gợi nhắc dân chúng Chile về quá khứ đen tối dưới thời độc tài quân sự của tướng Pinochet 1973-1990. Trong các cuộc biểu tình, người dân căng biểu ngữ "Binh lính hãy rút ra ngoài". Không những thế, tổng thống Sebastián Piñera còn nói tới chiến tranh, tới "kẻ thù nội bang". Nhà lãnh đạo Chile như vậy đã chọn củng cố nền dân chủ bằng phương thức từng được sử dụng trong quá khứ độc tài quân sự Pinochet …

Tuy nhiên, đối mặt với làn sóng chống chính phủ, tổng thống Sebastián Piñera đã có quyết định mang tính tích cực là ngưng biện pháp tăng giá vé métro. Do không làm dịu nổi cơn giận dữ của dân chúng, hôm thứ Hai 21/10, nhà lãnh đạo đắc cử hồi năm 2018, sau một nhiệm kỳ 2010-2014, đã tuyên bố sẽ họp với lãnh đạo các đảng phái, kể cả phe đối lập, để tìm kiếm một thỏa thuận xã hội nhằm nhanh chóng thiết lập tình đoàn kết một cách hiệu quả và có trách nhiệm, nhằm hướng tới những giải pháp tốt đẹp nhất cho các vấn đề đang gây ảnh hưởng tới dân chúng. Sau cuộc họp với các đảng, tổng thống thông báo hàng loạt biện pháp cải tổ, trong đó có đảm bảo mức lương tối thiểu, tăng 20% lương hưu và ổn định giá điện. Tổng thống Piñera cũng thừa nhận không lường được chuyện tăng giá vémétro lại khiến xã hội nổi giận đến như vậy và ông xin lỗi dân chúng.

Dường như các các nỗ lực của tổng thống vẫn là chưa đủ để giải quyết những bất công xã hội tích tụ trong xã hội suốt mấy thập kỷ qua, ngày hôm qua 23/10/2019, hàng chục ngàn người, nhất là sinh viên và công chức, tham gia đình công và biểu tình tại nhiều nơi trong cả nước.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 24/10/2019

Published in Diễn đàn

Hôm 10/03/2019 là tròn 60 năm ngày người dân Tây Tạng vùng lên ở Lhassa chống Trung Quốc chiếm đóng rồi bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến hàng ngàn người chết và nhiều người phải sống lưu vong, trong đó có đức Đạt Lai Lạt Ma.

tibet1

Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc sát nhập Tây Tạng. Reuters

Hiện giờ, Tây Tạng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của công an Trung Quốc. Bắc Kinh mạnh tay thúc đẩy Hán hóa Tây Tạng. Việc giảng dạy bằng ngôn ngữ Tây Tạng bị hạn chế. Vào dịp này, khách du lịch nước ngoài còn không được chính quyền Trung Quốc cho phép đến thăm Tây Tạng. Lệnh cấm này kéo dài cho đến ngày 01/04.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :

"Thường thì du khách nước ngoài muốn đến thăm Tây Tạng buộc phải xin giấy phép đặc biệt từ nhà chức trách Trung Quốc. Nhưng hiện giờ tất cả đều bị từ chối.

Trong tuần qua, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng khẳng định việc hạn chế du khách nước ngoài đến Tây Tạng là để "bảo vệ" họ, vì độ cao, việc thiếu oxy và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt có thể gây nguy hiểm cho du khách. Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng, nằm ở độ cao 3.650m so với mực nước biển.

Đây không phải lần đầu tiên Tây Tạng bị đóng cửa với người nước ngoài. Hồi năm 2009, nhân dịp 50 năm cuộc nổi dậy ở Lhassa, du khách quốc tế không được phép đến Tây Tạng. Sau những cuộc nổi dậy hồi năm 2008, Tây Tạng cũng bị đóng cửa suốt gần một năm.

Hiện giờ, các phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao muốn đến Tây Tạng đều phải xin phép, nhưng hầu như đều không được chính quyền đồng ý.

Việc cản trở các nhà quan sát độc lập đến Tây Tạng cho phép Bắc Kinh duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ vùng này, nhưng tránh được sự chỉ trích của thế giới bên ngoài".

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho Tây Tạng ?

Bên lềkhóa họp thường niên của Quốc hội, tuyên bố trước báo giới tại Bắc Kinh, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng, Ngô Anh Kiệt, tuyên bố là đức "Đạt Lai Lạt Ma không làm được gì cho người dân Tây Tạng, người Tây Tạng biết ơn đảng Cộng Sản Trung Quốc vì đã mang lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc".

Bình luận về phát ngôn trên, ông LobSang Nyima, thành viên chính phủ lưu vong Tây Tạng, đặc trách về truyền thông với cộng đồng người Hoa ở Châu Âu, phát biểu với đài RFI tiếng Trung :

"Để đáp lời ông ấy, tôi chỉ muốn hỏi lại ông ấy một câu đơn giản là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho người dân Tây Tạng sau khi xâm chiếm Tây Tạng ?

Dưới góc nhìn lịch sử, sau khi xâm nhập Tây Tạng, trong suốt 50 năm gần đây, họ đã giết hại toàn bộ giới tinh hoa Tây Tạng. Hồi năm 1959, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đàn áp cuộc đấu tranh đòi quyền tự do của dân tộc Tây Tạng. Từ năm 1966 đến năm 1976 (giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc), chính quyền Bắc Kinh đàn áp người Tây Tạng cả về thể xác và trí tuệ, để tiêu diệt toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng.

Sau này, người Tây Tạng phản kháng. Thế nhưng, Trung Quốc tiếp tục đàn áp và biến Tây Tạng thành một nhà tù khổng lồ. Mặc dù tên đầy đủ của Tây Tạng là vùng tự trị Tây Tạng, nhưng Tây Tạng hoàn toàn không có quyền tự trị.

Ngô Anh Kiệt, người có những phát ngôn nói trên, vừa là lãnh đạo vùng, vừa là đại diện của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại vùng tự trị này, thế nhưng ông ta lại là người Trung Quốc chứ không phải người Tây Tạng.

Đó là chưa kể đến chuyện chưa từng có lãnh đạo chính nào của vùng tự trị Tây Tạng là người Tây Tạng".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 10/03/2019

Published in Châu Á

Paris mang dáng dấp hiện đại như ngày nay, với những đại lộ trải dài, rộng thênh thang, những công trình kiến trúc hoành tráng, không gian xanh rải rác khắp nơi … là thành quả 17 năm quy hoạch của nam tước Haussmann, từ năm 1853 đến năm 1870, dưới triều hoàng đế Napoléon III, thời Đệ Nhị Đế Chế Pháp. Haussmann đã tạo cho Paris một dấn ấn riêng hiếm có. "Paris Haussmannien", tạm dịch là "Paris theo phong cách Haussmann" đã góp phần không nhỏ đưa Paris lên tầm thành phố tráng lệ nhất thế giới.

paris1

Paris phong cách Haussman - Ảnh internet.

Nhìn lại lịch sử, cho tới thế kỷ XIX, kinh thành Paris vẫn giữ cấu trúc cũ từ thời Trung Cổ, với các con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, các tòa nhà chen chúc, chật chội, nhiều khu phố ngột ngạt, xấu xí. Cơ sở hạ tầng dần xuống cấp nghiêm trọng, toàn thành phố chỉ có 100km cống thoát nước, đường phố bẩn thỉu, dân cư nhiều nơi sống trong cảnh bần cùng. Thêm vào đó, nhiều người từ nông thôn đổ về Paris kiếm kế sinh nhai, khiến dân số Paris tăng nhanh, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của dân cư. Điều kiện vệ sinh tồi tệ đã góp phần không nhỏ khiến đại dịch hạch thế kỷ XIX (1832-1834) tàn phá Paris.

Vào năm 1848, nước Pháp bước sang Đệ Nhị Đế Chế, Louis-Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế. Đã từng trải qua một thời gian tại Luân Đôn, bị mê hoặc bởi các khu vườn và sự thoáng đãng trong các khu phố của thành phố này, hoàng đế Napoléon III thấy Paris thực sự cũ kỹ, tối tăm và không đảm bảo vệ sinh, nhất là sau dịch hạch 1849.

Napoélon III đã nghĩ tới một dự án quy hoạch lại Paris cho sạch đẹp, sáng sủa, nhằm cải thiện điều kiện sinh sống cho người dân thành phố, mở nhiều trục lộ giao thông mới, thúc đẩy giao thương phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm và giúp người dân đi lại được thuận tiện. Ngoài ra, xây dựng một Paris hiện đại, đẹp bậc nhất Châu Âu cũng nhằm góp phần khẳng định, minh chứng uy lực của hoàng đế.

Thực ra, hoàng đế Napoélon III không phải người đầu tiên tính đến việc cải tạo bộ mặt của Paris. Hoàng đế Napoléon I đã từng có một dự án lớn quy hoạch lại Paris, nhưng chưa có thời gian và chưa hội tụ đủ điều kiện thực hiện mong muốn đó. Trong giai đoạn 1815-1830, khi chế độ quân chủ được tái lập và dưới nền Quân Chủ tháng Bảy - giai đoạn 1830 -1848, chính quyền cũng đã đầu tư cải tạo Paris : lắp đặt nhiều đài nước ở nơi công cộng, cải thiện hệ thống chiếu sáng đường phố, …

Nhưng phải đến thời Napoélon III, công cuộc tái quy hoạch thực sự Paris mới được tiến hành. Vào năm 1853, hoàng đế bổ nhiệm nam tước, luật sư George-Eugène Haussmann, 44 tuổi, người vùng Alsace, làm tỉnh trưởng tỉnh Seine (nay là Paris) và giao cho Haussmann nhiệm vụ mở rộng, cải tạo kinh thành Paris, đưa Paris trở thành một trong những đô thành đẹp nhất Châu Âu.

Trong bối cảnh hòa bình, kinh tế phát triển khả quan, hoàng đế Pháp nắm nhiều thực quyền, thêm vào đó, với lòng trung thành tuyệt đối, nam tước Haussman đã được sự ủng hộ vô điều kiện của hoàng đế Napoléon III, khiến công cuộc tái quy hoạch Paris tiến triển thuận lợi.

Các dự án cải tạo của Haussmann phải được Nhà nước thông qua và điều hành, nhưng công việc thực hiện được giao cho các công ty tư nhân, với nguồn vốn vay khổng lồ. Vào năm 1860, khoảng 8.000 doanh nghiệp tham gia dự án Haussmann sử dụng tới 31.000 thợ nề, 6.000 thợ đúc sắt, 3.500 thợ lợp mái nhà, 8.000 thợ mộc, 600 thợ sơn … Tổng cộng, 55.000 lao động tham gia công trường khổng lồ ở Paris.

Paris thay đổi bộ mặt

Xét về tổng thể, 60% bộ mặt Paris đã thay đổi hoàn toàn sau 17 năm quy hoạch dưới thời Napoléon III. Tính tới năm 1868, 18.000 ngôi nhà (hơn 50% số nhà ở của người dân) đã bị phá hủy để xây dựng đường sá mới và các khu nhà mới. Haussman mở rộng Paris bằng cách cho sáp nhập một số làng mạc ở ngoại ô, chẳng hạn Passy, Auteuil, Monceau, Monmartre, Charonnne, Bercy... Từ 12 quận, Paris được mở rộng thành 20 quận. Ngoài tòa thị chính thành phố, mỗi quận đều có tòa chính riêng của mình. Diện tích Paris tăng từ 3.000 ha lên thành 6.000 ha, dân số tăng từ 800.000 người lên thành 2 triệu người.

Một trong những thay đổi lớn đầu tiên là về giao thông. Haussman đã cho phá nhiều công trình cũ để mở những tuyến đường mới, những đại lộ dài rộng, thẳng tắp, thông thoáng theo hai trục bắc - nam, đông - tây (boulevard Sébastopol, de Strasbourg, Magenta, Voltaire, Diderot, Saint Germain, Malesherbes, Saint Michel, avenue Kléber, Foch, Victor Hugo, Carnot, Niel, Iéna …) và những con phố khang trang (rue de Rivoli, Soufllot, Réamur, rue du Quatre-Septembre, de Rennes, des Ecoles …). Tổng cộng, 175 km đường lộ mới được hình thành.

Thêm vào đó, Haussmann cho xây dựng các ga xe lửa lớn : Gare de Lyon (1855), Gare du Nord (1865) và Gare Saint Lazare (1885). Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : "Napoléon III có một câu nói rất hay về các ga xe lửa. Ông nói rằng nhà ga là cánh cửa mới của thành phố. Hoàng đế nói rằng giao thông đường bộ cơ bản sẽ biến mất. Con người sẽ đi lại và vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường sắt và đến Paris tại các ga xe lửa". Cho đến nay, các ga này vẫn là các ga lớn với lưu lượng tàu xe rất cao. Gare du Nord và Gare Saint Lazare hiện là hai ga có số hành khách đi lại hàng ngày nhiều nhất Châu Âu.

Các không gian xanh bao quanh thành phố được phân bố đều : rừng Boulogne nằm ở phía tây và rừng Vincennes ở phía đông, ngoài ra còn có hai công viên lớn là Buttes-Chaumont ở phía bắc và Montsouris ở phía nam. Trong trung tâm thành phố có công viên Monceau … Ngoài ra, còn có rất nhiều vườn hoa công cộng, công viên nhỏ trong các khu dân cư.

Để khắc phục tình trạng vệ sinh yếu kém của thành phố, Haussmann cho cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp và thoát nước. Nước sạch được dẫn đến từng tòa nhà. Từ năm 1865 đến năm 1900, Paris có thêm 600 km đường ống dẫn nước sạch, nhiều đường ống quy mô lớn gọi là aqueduc, dẫn nước từ những nguồn nước từ các nơi xa về thành phố. Haussmann còn cho xây bể chứa nước lớn nhất thế giới vào thời đó ở nội thành, gần công viên Montsouris, phía nam Paris, để trữ nước sạch dẫn từ vùng ngoại ô Vannes về.

Song song với hệ thống cấp nước sạch, 500 km cống thoát nước cũng được lắp đặt. Dưới mỗi con phố, đều có hệ thống cống ngầm. Các ống cống ngầm đều có kích cỡ đủ lớn để công nhân dễ dàng di chuyển và bảo dưỡng, nạo vét lòng cống. Nước đã qua sử dụng từ các tòa nhà phải được dẫn vào hệ thống cống ngầm chứ không được đổ ra cống lộ thiên trên phố như trước đó. Cả hai hệ thống cấp và thoát nước trên sau Đệ Nhị Đế Chế đều được tiếp tục mở rộng và hiện vẫn duy trì hoạt động.

Kỹ sư về cấp thoát nước, ông Olivier Jacques, giải thích : "Trong những năm đầu thế kỷ XIX, các vấn đề vệ sinh ngày càng nghiêm trọng. Dân số lại tăng đáng kể, nên thường xảy ra dịch bệnh. Hàng trăm ngàn người đã chết vì bệnh dịch trong nửa đầu thế kỷ XIX. Với quy hoạch của Haussmann, Paris mới thực sự có một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Một mục tiêu khác là cung cấp nước sạch tới mọi tòa nhà ở Paris".

Phong cách kiến trúc Haussmann

Dấu ấn Haussmann còn hiện hữu rõ nhất cho đến bây giờ qua kiến trúc nổi bật của các tòa nhà được gọi là "immeubles haussmanniens". Hàng chục ngàn tòa nhà kiến trúc Haussmann đã được xây dựng, kể cả sau khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ. Hiện nay, 60% số tòa nhà trong Paris có kiến trúc Haussmann. Đặc trưng kiến trúc Haussmann thể hiện rõ nhất ở mặt tiền tòa nhà. Các tòa nhà trong cùng một tuyến phố phải có chiều cao bằng nhau, gồm tối đa 6 tầng, cùng phong cách trang trí mặt tiền, tạo sự thống nhất về tổng thể kiến trúc. Độ cao của các tòa nhà tỉ lệ thuận với bề rộng của con phố.

Quy định thiết kế mặt tiền phải được tuân thủ chặt chẽ, chỉ nhà ở tầng hai và tầng năm (tầng ba và tầng sáu nếu tính theo kiểu Việt Nam) là có balcon. Mái nhà thường dốc 45o. Tường phía mặt tiền tòa nhà thường được xây bằng đá đẽo chất lượng cao, lấy từ các mỏ đá Saint-Maximin, vùng Oise và mỏ Petit-Montrouge ngay tại Paris. Tường đầu hồi và tường phía mặt hậu cũng được cũng được xây bằng đá đẽo nhưng chất lượng kém hơn.

Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : "Mặt tiền tòa nhà bắt buộc phải được xây bằng đá khối. Đó là một điều khoản bắt buộc được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng đất. Đó là điều Haussmann làm. Vào thời kỳ đó, chưa có giấy phép xây dựng. Khi một người mua một mảnh đất để xây khu nhà, người ta ghi rõ loại đá khối và cả khu khai thác đá. Người ta cũng nói rõ các tòa nhà phải ngay hàng thẳng lối, tạo thành sự hài hòa, thống nhất. Một số người không thích phong cách này thì coi sự đồng nhất đó là nhàm chán, tẻ nhạt. Ý định của Haussmann là tòa nhà đầu tiên được xây dựng trong khu phố trở thành hình mẫu cho các tòa nhà kế tiếp. Thiết kế các tòa nhà được lặp lại và tạo sự đồng nhất".

Tầng trệt thường dành cho việc buôn bán, trừ tại các tòa nhà được gọi là "de haute bourgeoisie", có nghĩa là dành cho giới quý tộc giàu sang, chẳng hạn ở khu phố Monceau. Thời đó, do chưa có thang máy, tầng hai (tầng ba theo cách tính của người Việt Nam) là tầng "có giá nhất", dành cho các gia đình giàu có, vì không cao quá nên việc trèo thang bộ không quá bất tiện, nhưng tầng hai lại đủ cao để ngắm được quang cảnh xung quanh. Các căn hộ ở tầng này cũng có độ cao lớn nhất so với các tầng còn lại, ô cửa sổ cũng được trang trí cầu kỳ hơn. Tầng áp sát mái thường dành cho người nghèo. Như vậy là giữa các tầng nhà đã có sự phân hóa xã hội lớn.

Suốt một thời gian dài, các tòa nhà Haussman được coi là hình mẫu nhà ở lý tưởng, tiện ích, với không gian thông thoáng, sáng sủa nhờ các ô cửa sổ lớn. Cho đến nay, sau 150 năm xây dựng, các căn hộ này vẫn được ưa chuộng và có giá cao.

Chi phí khổng lồ

Công cuộc quy hoạch tiến triển thuận lợi cho đến năm 1867, khi ngày càng có nhiều lời than phiền về chi phí quá tốn kém cho dự án. Quốc Hội Pháp quyết định tái thiết việc giám sát công việc của tỉnh trưởng Haussmann, điều nam tước không hề mong muốn. Quả thực, tổng số tiền chi cho sự án của Haussmann lên tới 2,5 tỉ franc, tăng 2,27 lần so với số tiền 1,1 tỉ franc dự kiến ban đầu.

Việc bội chi đặc biệt nghiêm trọng đã khiến tiền thuế người dân Paris phải đóng cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, vào năm 1852, trước khi có quy hoạch, chính quyền Paris thu 52 triệu franc tiền thuế. Con số này là 232 triệu franc vào năm 1869 (tăng gần 4,5 lần), nhưng một phần cũng do dân số Paris đã tăng hơn 2,5 lần.

Quy hoạch cũng khiến nạn đầu cơ ngày càng nghiêm trọng, giá bất động sản ở Paris tăng chóng mặt khiến sự phân tách về không gian sống giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn. Tới năm 1870, chỉ vài tháng trước khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ, Haussmann vẫn hy vọng được bổ nhiệm làm bộ trưởng để có thể mở rộng quy hoạch tầm quốc gia, nhưng cuối cùng ông bị cách chức vào ngày 05/01/1870 và để lại một món nợ lớn cho ngân sách Nhà nước.

Vào những tháng ngày cuối của Đệ Nhị Đế Chế, nam tước Haussmann là nhân vật bị công chúng chế giễu, đả kích nhiều nhất. Thậm chí, Jules Ferry còn viết một bài văn đả kích nối tiếng có tiêu đề "Sự chi tiêu quái dị của Haussmann".

Giờ đây, sau gần 150 năm, khi nhìn lại lịch sử, bất chấp những mặt trái trong quá trình mở rộng, cải tạo Paris, không ai có thể phủ nhận giá trị lớn lao của công cuộc cải tạo kinh đô Paris của "bộ đôi" Napoléon III - Haussmann. Nếu không có 17 năm quy hoạch đó, liệu Paris có được sự hiện đại, tráng lệ như bây giờ ? Chẳng ai dám chắc là nếu không có "bộ đôi" lừng danh đó, Paris có trở thành một trong những thành phố lộng lẫy nhất thế giới, một điểm đến mơ ước của du khách quốc tế.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 23/02/2018

Published in Văn hóa

Đội Vệ Binh Cộng Hòa Pháp, trước đây là Vệ Binh Paris, được thành năm 1666 dưới thời vua Louis XIV. Vào thời kỳ đó, 120 kỵ binh của đội Vệ Binh Paris chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua, bảo vệ thủ đô Paris cũng như dân chúng sống trong thành phố. Dưới thời hoàng đế Bonaparte, vào đầu thế kỷ XIX, đội Vệ Binh Paris trở thành một đơn vị của quân đội Pháp và tham gia công cuộc chinh phục Châu Âu.

kybinh1

Lính Vệ Binh Cộng Hòa Pháp trước Điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) tại Paris. Ảnh chụp ngày 28/08/2017. LUDOVIC MARIN / AFP

Giờ đây, Vệ Binh Cộng Hòa có hai trung đoàn bộ binh, trong đó có một đội xe moto, một đội quân nhạc, dàn đồng ca, thêm vào đó có một trung đoàn kỵ binh. Quân số tổng cộng của Vệ Binh Cộng Hòa là 3.000 người.

Pháp là nước mà các nghi lễ quân đội đã ăn sâu bám rễ và trở thành truyền thống quốc gia. Vì thế, Vệ Binh Cộng Hòa có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, lễ nghi quân đội cấp nhà nước, tại các sự kiện có sự hiện diện của tổng thống Pháp hoặc các nguyên thủ nước ngoài. Đội nhạc và đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng hòa đặc biệt có vai trò quan trọng trong các buổi lễ chính thức như lễ diễu binh chào mừng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 trên đại lộ Champs-Elysées. Họ cũng có nhiệm vụ thực hiện nghi lễ tôn vinh chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện vào mỗi phiên họp của Hạ Viện và Thượng Viện.

kybinh2

Lính Vệ Binh Cộng Hòa đứng gác trong một sự kiện ngoại giao được tổ chức tại điện Elysée, ngày 10/04/2017. LIONEL BONAVENTURE / AFP

Vệ Binh Cộng Hòa cũng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho phủ tổng thống, phủ thủ tướng, trụ sở Hạ viện và Thượng Viện, trụ sở Hội đồng bảo hiến, trụ sở các cơ quan chính phủ như bộ Nội Vụ, bộ Tư Pháp, bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng, tòa án Paris … Trong một số tình huống đặc biệt, Vệ Binh Cộng Hòa được huy động làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ đại sứ quán Pháp tại nước ngoài. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh được 900 binh lính đảm bảo mỗi ngày, trong đó có những lính bắn tỉa thiện xạ được đơn vị đặc nhiệm GIGN của quân đội Pháp sát hạch hàng năm.

Nhiệm vụ thứ ba của Vệ Binh Cộng Hòa là bảo đảm an ninh tại các nơi công cộng, quanh các sân vận động, trên đường phố, tại các khu trung tâm có đông khách du lịch … Vệ Binh Cộng Hòa có bảy trung đội chuyên làm nhiệm vụ truy tìm, khám xét nơi ở của các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, hộ tống các tù nhân đặc biệt … Các lính lái moto của Vệ Binh Cộng Hòa thực hiện nhiều chuyến tháp tùng, hộ tống nguy hiểm, đảm bảo an ninh trong các giải đua xe đạp, trong đó phải kể tới giải đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp kể từ năm 1953. Nhiệm vụ an ninh còn có sự góp mặt của khoảng 40 kỵ binh, được đặt dưới sự chỉ huy của sở Cảnh Sát Paris.

Ngoài ra, với uy tín của mình, Vệ Binh Cộng Hòa còn được nhiều nước mời ký kết đào tạo kỵ binh hoặc các hỗ trợ thành lập các đơn vị kỵ binh cho các nước này.

Đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa

Trung đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là đơn vị non trẻ nhất trong quân đội Pháp, nhưng lại là đội kỵ binh lớn nhất thế giới, với tổng cộng 480 chú ngựa. Ngoài 3 đơn vị kỵ binh (mỗi đơn vị có 3 sĩ quan và 115 hạ sĩ quan), một trung tâm huấn luyện, một đội kèn trống, một đơn vị bác sĩ thú ý, một đơn vị thợ bịt móng ngựa và các xưởng nghề truyền thống : xưởng may đo trang phục, xưởng chế tạo vũ khí và xưởng chế tạo yên ngựa.

Nói về nhiệm vụ của kỵ binh, Trung tá Philippe Delapierre, chỉ huy trưởng trung đoàn kỵ binh giới thiệu : "Trung đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là trung đoàn được thành lập sau cùng trong quân đội Pháp. Kỵ binh có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ được biết đến nhiều nhất là thực hiện nghi thức lễ tân với đoàn hộ tống bằng ngựa. Mang tính biểu tượng lớn nhất là đoàn hộ tống trong lễ Quốc Khánh Pháp 14/07 với 240 kỵ binh hộ tống tổng thống trên đại lộ Champs-Elysées. Nhưng một nhiệm vụ khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của đội kỵ binh là bảo vệ an ninh công cộng : đi tuần tra bằng ngựa trong thành phố Paris hoặc ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ nước Pháp. Chẳng hạn ở giải vô địch bóng đá Châu Âu tháng Sáu 2016, chúng tôi chia thành nhiều nhóm, bảo vệ nơi ăn ở hay tập luyện của nhiều đội tuyển và bảo vệ khu vực fanzone ở quảng trường Champs de Mars".

Xưa kia, đội kỵ binh thường hoạt động ở nông thôn, nhưng nay họ lại hoạt động chủ yếu ở thành thị. Tại Paris, nhiều nhóm kỵ binh làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh cho người dân Pháp và du khách quốc tế trước nạn trộm cắp, móc túi, cướp giật, bán hàng rong trái phép trên phố, buôn bán ma túy, tuần tra quanh các nơi diễn ra các sự kiện văn hóa - thể thao tập trung đông người, và đặc biệt là khi Pháp tổ chức các sự kiện quốc tế quy mô lớn như thượng đỉnh G8, thượng đỉnh G20, giải vô địch bóng đá thế giới, giải vô địch bóng đá Châu Âu. Các kỵ binh cũng tham gia các hoạt động ở những nơi mà ngựa có ưu thế hơn xe cơ giới, chẳng hạn đi tìm kiếm người mất tích trong rừng. Tổng cộng, đội kỵ binh thực hiện mỗi năm hơn 12.000 chuyến đi tuần tra. Ngoài ra, đội kỵ binh còn thực hiện các nghi thức lễ tân, tổng cộng khoảng 500 lần, tại phủ tổng thống, phủ thủ tướng, trụ sở Quốc Hội … và trong các buổi đón tiếp các nguyên thủ nước ngoài.

kybinh3

Kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa Pháp đi biễu binh nhân ngày Quốc Khánh 14/07/2017. Etienne Laurent/PoolReuters

Ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa là những con ngựa đẹp nhất, có giá nhất được tuyển chọn trong toàn nước Pháp. Để được tuyển vào bầy ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa, những con ngựa phải cao to, ít nhất là cao 1,65m, để các kỵ binh có thể nhìn bao quát toàn cảnh xung quanh. Chúng cũng phải vạm vỡ, xương chân phải to, chắc khỏe để chở được các kỵ binh và thậm chí là thêm các nhạc cụ nặng có khi tới 25-30 cân. Và để có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ an ninh và nghi thức lễ tân, các kỵ binh và cả những chú ngựa phải tập luyện 4-6 tháng trong các trung tâm huấn luyện.

Anh Olivier Laurendin, phụ trách nhóm "vực ngựa" giải thích : "Thường thì các con ngựa được Vệ Binh Cộng Hòa mua khi chúng mới 3 tuổi. Chúng tôi huấn luyện ngựa trong khoảng 6 tháng. Chúng tôi tập cho ngựa đeo yên, tập cho chúng để kỵ binh cưỡi trên lưng. Cần tập cho những chú ngựa này thuần tính và huấn luyện chúng thành những chú ngựa biết đi diễu hành trên đại lộ Champs Elysées".

Trung tâm huấn luyện ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa được đặt tại vùng Saint-Germain-en-Laye, ngoại ô Paris. Trong khóa huấn luyện, các học viên phải tập luyện mỗi ngày 1 giờ, mỗi tuần 5 ngày với ngựa, theo các bài tập giả định tình huống, chẳng hạn tập bắn thật nhanh và chuẩn xác khi đang cưỡi ngựa rồi sau đó khẩn trường rời đi ẩn náu hoặc chuyển sang mục tiêu khác. Huấn luyện viên Laurent Veillas giải thích các chú ngựa phải tập làm quen để không sợ khói, không sợ tiếng ồn, tiếng súng và làm quen với hoạt động theo nhóm để phát huy sức mạnh của cả đội. Ngoài ra, học viên còn phải tập giao tiếp với các chú ngựa. Theo huấn luyện viên Laurent Veillas : "Về bản chất tự nhiên, ngựa hay bỏ chạy. Cứ sợ là chúng bỏ chạy. Ngựa không phải loài săn mồi, vì thế phải tập cho chúng biết chiến đấu với các buổi tập đều đặn, từng bước, từng bước một".

Thường thì mỗi kỵ binh được giao phụ trách một chú ngựa riêng của mình và gắn bó với chú ngựa đó cho tới khi chú ngựa về hưu. Các chú ngựa có thể phục vụ Vệ Binh Cộng Hòa tới 15-16 năm. Khi về hưu, các chú ngựa lại được đưa về chăm sóc tại một trại ngựa riêng ở nông thôn.

Mặc dù Vệ Binh Cộng Hòa có một dàn nhạc, nhưng đội kỵ binh cũng có riêng đội kèn trống gồm 52 người. Như vậy là các nhạc sĩ - kỵ binh vừa phải biết chơi nhạc cụ như kèn, trống …, vừa phải cưỡi ngựa thuần thục. Còn các chú ngựa thì đương nhiên cũng phải tập luyện để làm quen với những tiếng kèn, tiếng trống vang lên ngay bên tai. Đây là một trong số ít ỏi các đội kỵ binh chơi nhạc trên toàn thế giới.

kybinh4

Đội Vệ Binh trong lễ diễu binh mừng Quốc Khánh trên đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 14/07/2017. Reuters

Trong những năm gần đây, có nhiều tranh luận về việc có nên duy trì đội kèn trống của kỵ binh hay không. Theo một báo cáo của Thẩm Kế Viện, Vệ Binh Cộng Hòa đã tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Đội kèn trống của kỵ binh bị chỉ trích là chỉ thực viện nhiệm vụ nghi thức, nhưng nhiều người Pháp tin rằng đội kèn trống của kỵ binh sẽ không bị giải thể, vì đó là một biểu tượng cho các nghi thức lễ tân của Pháp. Không ai có thể tưởng tượng một ngày lễ Quốc Khánh 14/07 mà lại thiếu vắng lính Vệ Binh Cộng Hòa nói chung và đội kèn trống của kỵ binh nói riêng.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 03/11/2017

Published in Văn hóa