Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/04/2020

Virus corona : Khủng hoảng đào sâu hố ngăn cách Âu-Mỹ

Thùy Dương

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng về y tế mà còn là cuộc chiến về ngoại giao, địa chính trị giữa các nước, nhất là Trung Quốc, Nga, Mỹ và Châu Âu. Về quan hệ Âu-Mỹ, "sự xa cách cả về chính trị và cảm xúc, do chủ nghĩa đơn phương và thái độ khinh thường của chính quyền Donald Trump liệu có bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khủng hoảng virus corona hay không ?" là câu hỏi của báo Le Monde ngày 27/03/2020.

eu1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo tại Bruxelles (Bỉ) ngày 16/03/2020 sau cuộc họp của nhóm G7. Reuters - JOHANNA GERON

Trong những năm gần đây, Châu Âu đã nhiều lần thất vọng về Hoa Kỳ. Hai ví dụ điển hình nhất liên quan tới việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran. Cuộc họp qua cầu truyền hình của ngoại trưởng các nước nhóm G7 hôm thứ Tư 25/03 càng khiến cho công chúng cảm thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Âu.

Hội nghị đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Trong cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một mình thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán" để đổ lỗi cho Trung Quốc. Về phần mình, ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh là "cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị".

Hồi đầu tháng 3, Mỹ đã cho đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 12/03, trong một thông cáo "bất thường", chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, gọi biện pháp nói trên của Mỹ là một quyết định "được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến". Việc Mỹ không áp dụng biện pháp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Vương quốc Anh càng cho thấy rõ ý đồ trừng phạt có chọn lọc của Washington mang tính chính trị.

Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã không thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái cơ bản đối với các đối tác Châu Âu khi các quốc gia này phải vất vả đối phó với virus corona. Trong khi đó, Donald Trump lại gửi một lá thư cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo lời kể của Bình Nhưỡng, để đề nghị hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Hôm Chủ Nhật 22/03, Donald Trump cũng khẳng định "chìa tay" giúp Bình Nhưỡng, và nhắc tới tên một nước khác cũng có khả năng nhận được sự trợ giúp của Mỹ. Đó là Iran.

Mong muốn phá hủy và chia rẽ Châu Âu

Có một điều khó có thể khiến tổng thống Mỹ buồn lòng : Liên Hiệp Quốc đã "biến mất khỏi màn hình radar". Chỉ có các định chế của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) là đang xông pha trên tuyến đầu trong lĩnh vực riêng của họ. Hoạt động bàn bạc thống nhất diễn ra ở nơi khác.

Một hội nghị qua kết nối video giữa các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước thành viên nhóm G7, do Hoa Kỳ chủ trì năm nay, được tổ chức vào ngày 16/03, dựa theo đề xuất của ​​Paris, trước khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố mua 750 tỷ euro trái phiếu, trước khi Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ quy tắc vàng về thâm hụt ngân sách tối đa 3%. Nhóm G7 đã mở đường cho các biện pháp "phi thường" này và cho biết các nước trong khối sẵn sàng làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đảm bảo cho sự ổn định của thế giới.

Chia sẻ hoàn toàn các dữ liệu dịch tễ học, xây dựng các dự án chung về nghiên cứu… Thông cáo cho thấy G7 có rất nhiều dự định tốt đẹp. Tuy nhiên, khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới lại không đưa ra được một đáp án chung nào về hai điểm quan trọng sống còn đối với cuộc chiến y tế chống dịch bệnh : Sản xuất khẩu trang y tế và máy trợ thở. Chỉ có các nước Liên Hiệp Châu Âu là cùng nhau tìm nguồn hàng khẩn cấp để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng này. Đối với các nước còn lại, mọi hợp đồng, thỏa thuận đều diễn ra dưới hình thức ký kết song phương, chẳng hạn giữa một số nước thành viên G7 với Trung Quốc.

Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Donald Trump đã tìm cách giữ độc quyền của nước Mỹ về các nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư nhân CureVac của Đức thực hiện, liên quan đến việc phát triển vác-xin phòng bệnh. Chính phủ Đức đã phản đối động thái của Washington. Ủy Ban Châu Âu đã cung cấp khoản tín dụng 80 triệu euro để tài trợ cho công việc nghiên cứu của CureVac nên hành động của Mỹ không được chấp nhận.

Nhà sử học Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn đàn Hòa bình Paris, nhận xét : "Điều đó vượt xa sự xa cách và thiếu hiểu biết. Điều khiến Donald Trump khác biệt so với Barack Obama, như chúng ta thấy trong giai đoạn này, là mong muốn phá hủy và chia rẽ Châu Âu".

Diễn đàn Hòa bình là một sáng kiến ​​của Pháp. Khi Diễn Đàn được tổ chức lần thứ hai, vào tháng 11/2019 tại thủ đô Pháp, đại sứ Hoa Kỳ tại Paris thậm chí đã không đến tham dự, một cử chỉ rõ rệt cho thấy thái độ thù địch. Đối với Diễn Đàn sắp tới, theo lời mời của phủ tổng thống Pháp, các nhà tổ chức sẽ tập trung vào cách đối phó với virus corona và các biến thể của nó.

Ông Justin Vaïsse muốn tin rằng vẫn tồn tại một nước Mỹ khác, một nước Mỹ gắn bó hơn với chủ nghĩa đa phương. Theo giám đốc Diễn đàn Hòa bình, ông Trump có khả năng cảm nhận nơi nào có tiềm năng chính trị và nơi nào ông có thể tấn công, nhưng nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ông ấy có thể đưa trở lại thế giới một nước Mỹ quen thuộc hơn so với nước Mỹ thời Donald Trump.

Căng thẳng trong nội bộ NATO

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhau hôm thứ Năm 19/03, 2 ngày sau cuộc họp qua video của lãnh đạo các nước G7. Một nguồn tin ngoại giao nhận định với Le Monde : "Cuộc khủng hoảng đa phương không phải là điều mới mẻ, từ 3 năm nay chúng ta đã biết quan điểm của Mỹ như thế nào. Thế nhưng, hợp tác là một nhu cầu cần thiết, chẳng hạn liên quan đến việc hồi hương công dân Pháp từ Mỹ và công dân Mỹ hiện đang ở Pháp".

Tại Điện Elysée - phủ tổng thống Pháp, các quan chức đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch và liên hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Giờ vẫn chưa phải lúc đúc kết các bài học cho lâu dài. Một cố vấn của tổng thống Pháp Macron cho biết : "Chương trình nghị sự về chủ quyền và bảo vệ tại Châu Âu, chúng tôi thấy rằng nó thậm chí còn mang tính thời sự hơn". Lộ trình đã rõ ràng : Châu Âu phải hội nhập nhiều hơn và bớt ngây thơ trước Trung Quốc và Mỹ. 

Tổ chức trong đó quan hệ giữa các đồng minh được xem xét kỹ lưỡng là Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương. Về quân sự, virus corona để lại hai hệ quả. Defender Europe 20 là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, quy tụ 37.000 binh sĩ từ 18 nước, trong đó có 20.000 quân nhân đến từ Hoa Kỳ. Đây là cách phô trương tình đoàn kết một cách ngoạn mục nhắm đến nước Nga. Các cuộc diễn tập theo kế hoạch chủ yếu diễn ra vào tháng Tư và Năm. Tuy nhiên, quân số dự kiến hiện giờ đã phải giảm bớt đi.

Vấn đề điều động quân trong khối NATO cũng được xem xét lại. Khi vội vã đóng cửa biên giới, Ba Lan đã khiến Pháp tức giận, bởi về lý thuyết, Ba Lan cản trở sự di chuyển quân của các lực lượng hỗ trợ cho các nước vùng Baltic nếu những quốc gia này bị tấn công. Việc khả năng đó thậm chí còn không được nhiều nước nghĩ tới cho thấy cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ có thể kéo theo việc sửa đổi các kế hoạch phòng vệ với Mỹ.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 01/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)