Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2020

Đại dịch Vũ Hán : Bắc Kinh bị tố cáo che giấu sự thật và phô trương

Nhiều tác giả

Tình báo Mỹ tiết lộ - Trung quốc đã "giả mạo" số tử vong

Hoàng Lan, Thoibao.de, 03/04/2020

Những hũ tro cốt chất đống tại nhà quàn ở Vũ Hán, tỉ lệ hỏa thiêu chính thức của thành phố, và các báo cáo về hệ thống chăm sóc y tế quá tải đã gây nên những suy đoán là con số người chết thực sự vì Cúm Vũ hán có thể lên đến hàng chục ngàn người-dù rằng chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ có 2.535 người chết trong số hơn 50.000 ca lây nhiễm virus Cúm Vũ hán.

vuhan1

Virus Cúm Vũ hán bùng phát được ghi nhận lần đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 12 năm 2019, trước khi lây lan trên toàn cầu, giết chết hơn 33.000 người tính đến ngày 29/3.

Những biện pháp chế ngự tích cực của Trung Quốc đã làm chậm đà lây lan của cúm Vũ Hán trong nước, với số ca nhiễm hạ giảm trong vài tuần qua. Cho đến nay Bắc Kinh xác nhận gần 81.000 ca nhiễm và 3.300 người chết, hầu hết tại Vũ Hán, trung tâm bùng phát của cúm chủng mới. Tuy nhiên nhiều người, kể cả các chính trị gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc hạ thấp số người chết vì Cúm Vũ hán.

Những nghi ngờ của họ phát sinh từ những nỗ lực che giấu sự nghiêm trọng của dịch bệnh từ ban đầu -trước khi bệnh này lây lan rộng rãi ra nước ngoài- và từ nhiều lần Trung Quốc duyệt xét lại cách thức đếm những ca trong nước.

Hệ thống y tế Vũ Hán quá tải trong thời kỳ dịch bệnh lên đến cao điểm tại Trung Quốc gây thêm những nghi vấn nữa về con số tử vong được chính thức báo cáo là 2.535 người.

Trong quý 4 năm 2019, Vũ Hán cũng chứng kiến 56.007 vụ hỏa thiêu, cao hơn 1.583 vụ so với quý 4 năm 2018, và hơn 2.231 vụ so với quý 4 năm 2017, theo dữ liệu do cơ quan dân sự vụ Vũ Hán công bố. Vào năm 2019, dân số Vũ Hán tăng chỉ có 1,1% so với năm 2018, theo ước tính của Liên hiệp quốc. Những con số này có thể cho thấy là cúm Vũ Hán xuất hiện vào tháng 12 làm cho con số người chết gia tăng-một khuynh hướng chắc là kéo sang quý một năm nay.

Các hình ảnh được loan truyền trên truyền thông xã hội Trung Quốc trong tuần này cho thấy những hũ tro cốt gửi về tâm dịch, sau khi các gia đình mất người thân vì virus Cúm Vũ hán được chỉ thị thu nhặt tro cốt tại một trong những nhà quàn địa phương trong thành phố.

Những hình ảnh này gây nên những nghi ngờ mới về con số tử vong thực sự vì cúm Vũ Hán tại Trung Quốc. Người dân trong nước và những chỉ trích quốc tế dựa vào số lượng các hủ tro cốt để cáo buộc chính phủ Trung Quốc gian dối về thống kê.

Newsweek liên lạc bằng email với văn phòng Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải để yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao cũng được tiếp xúc để yêu cầu đưa ra nhận xét, nhưng cho tới giờ báo phát hành vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Các xe tải giao khoảng 2.500 hũ tro cốt trong hai ngày 25 và 26/3 tại một trong tám nhà quàn địa phương, một tài xế nói với hãng tin Trung Quốc Caixin. Hãng tin này cũng công bố một ảnh khác cho thấy 3.500 hủ tro cốt khác chất đống trong cơ sở này. Con số các hủ tro cốt đưa về riêng một nhà quàn này thôi đã cao hơn nhiều so với tổng số tử vong vì Cúm Vũ hán do thành phố đưa ra.

Có tin nói số tử vong không tính đến những người chết trước khi được xét nghiệm về Cúm Vũ hán. Nhân viên y tế được phỏng vấn cũng cho biết nhiều người không được xét nhiệm vì bệnh viện Vũ Hán quá tải.

vuhan2

Ảnh : người dân đứng hàng dài trước cổng Nhà tang lễ ở Vũ Hán để nhận lại tro cốt người thân

Một số cư dân Vũ Hán ước lượng là tổng số người chết có thể là 26.000 người căn cứ vào số lượng các hủ tro cốt được chuyển giao và phân phối trên toàn tỉnh.

Những người sử dụng truyền thông xã hội Trung Quốc nói 7 nhà quàn Vũ Hán đã phân phối trung bình 3.500 hủ tro cốt mỗi ngày từ ngày 23/3 đến 4/4 là lễ Thanh Minh tảo mộ truyền thống. Với ước lượng này, 42.000 hủ tro cốt sẽ được giao trong thời gian 12 ngày.

Bằng cách hạ giảm con số tử vong tại Vũ Hán vào khoảng 16.000 người, căn cứ trên tỉ lệ tử vong hàng năm của Trung Quốc trong hai tháng rưỡi, họ ước đoán là các hủ tro cốt cho thấy là cúm Vũ Hán có thể gây ra khoảng 26.000 ca tử vong. Tuy nhiên hiện chưa rõ có cả thảy bao nhiêu hủ tro cốt được sử dụng.

Phép tính căn cứ trên các hủ tro cốt, giả thuyết và truyền thông xã hội không phải là chính xác tuyệt đối. Nhưng nó cho phép ước lượng số người chết thực sự và củng cố thêm hoài nghi của một số người về tính chính xác của các báo cáo chính thức từ chính phủ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton ngày 29/3 nhắc đến việc chuyển giao những hủ tro cốt để cáo buộc Trung Quốc không trung thực về tác động của cúm Vũ Hán. "Chỉ riêng một nhà quàn tại Vũ Hán thôi được báo cáo đặt mua số hủ tro cốt trong hai ngày đã nhiều hơn con số Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo về tử vong trên toàn quốc", ông viết trên Twitter. "Tôi chắc chắn là bạn bị sốc trước bằng chứng về sự gian dối của Trung Quốc".

Trung Quốc đã giảm hơn 21 triệu thuê bao điện thoại di động kể từ đầu năm 2020, theo tuyên bố vào ngày 19/3 của chính quyền Bắc Kinh. Nhiều nhận định cho rằng có khả năng những ca tử vong do virus Vũ Hán chiếm một phần trong số lượng thuê bao ngừng hoạt động này.

Điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Người dân sử dụng điện thoại di động để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày (mua sắm, mua vé tàu xe, thanh toán hoá đơn…) cùng các yêu cầu của chính phủ về lương hưu và an sinh xã hội.

Ông Tang Jingyuan, một nhà bình luận về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ngày 21/3 nói rằng chính quyền Trung Quốc yêu cầu tất cả người dân Trung Quốc sử dụng điện thoại di động của họ để tạo mã sức khỏe. Hiện tại, chỉ người Trung Quốc nào có mã sức khỏe xanh mới được phép di chuyển tại Trung Quốc. "Gần như là không thể hủy đi thuê bao điện thoại của mình", ông Tang nói.

Ngoài ra, tài khoản ngân hàng và tài khoản an sinh xã hội của người dân Trung Quốc cũng gắn liền với số thuê bao di động.

Theo dữ liệu của cả ba nhà mạng điện thoại di động Trung Quốc, số thuê bao di động liên tục tăng vào các tháng trước đó, nhưng giảm mạnh từ đầu năm 2020.
China Mobile là nhà mạng lớn nhất, nắm giữ khoảng 60% thị phần.
China Mobile mất 8,116 triệu thuê bao trong tháng 1 và tháng 2. Sự sụt giảm mạnh này là một điều rất bất thường.

China Telecom với khoảng 21% thị phần di động, đã ghi nhận mất 5,6 triệu thuê bao trong tháng 1 và 2. China Unicom với khoảng 19% thị phần di động, mất 7,787 triệu người dùng trong 2 tháng.

Trước sự sụt giảm bất thường này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó có nghi vấn liệu số lượng tài khoản điện thoại di động giảm mạnh có phải là do tài khoản của những người đã chết vì virus Vũ Hán bị đóng lại hay không.

Ông Tang cho biết có thể một số lao động nhập cư đã có hai số điện thoại di động. Vào tháng Hai, họ có thể đóng thuê bao công việc vì không thể đến thành phố làm việc do lệnh phong toả. Tuy vậy, ngày 17/3, Trung Quốc đã báo 90% lao động trên cả nước (trừ tỉnh Hồ Bắc) đã trở lại làm việc như bình thường.

"Nếu có 10% tài khoản điện thoại di động bị đóng vì người dùng đã chết vì virus Vũ Hán, thì số người chết sẽ là 2 triệu", ông Tang ước tính.

So sánh với tình hình ở Ý cũng cho thấy Trung Quốc đã không báo cáo đầy đủ về số người chết. Ý cũng đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn khá tương tự như Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Ý ở mức 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 4% tại Trung Quốc.

Do thiếu dữ liệu, nên số người chết thực sự ở Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, việc hơn 21 triệu số điện thoại di động "biến mất" đã cho thấy số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều so với số chính thức.

Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan - một trong những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến tỉnh Hồ Bắc, cùng với sự hộ tống của các quan chức địa phương, bà phó Thủ tướng đã đi thị sát khu phức hợp biệt lập ở quận Qingshan (Vũ Hán).

Nhưng khi các quan chức lãnh đạo đang dạo quanh khu phức hợp để đánh giá các biện pháp khử trùng, cũng như chế độ cung cấp thực phẩm cho người dân bị cách ly, có lẽ họ chẳng mong đợi phải nghe những tiếng la hét phẫn nộ từ các tòa nhà cao tầng dội xuống : "Đồ giả dối". Các cư dân trong khu phức hợp (vốn không được phép xuống dưới) đã mở cửa sổ ra hét lớn : "Giả, giả" ; "Tất cả đều là giả" ; "Chúng tôi phản đối" ; "Mọi người đang phải trả tiền cho thực phẩm đắt đỏ"…

Các cư dân đã hét lớn cho biết rằng, chính quyền Trung Quốc đã bỏ mặc người dân phải đối mặt với sự thiếu thốn các nhu yếu phẩm.

Các video mà Global Times đăng tải tương phản với những gì mà truyền thông nhà nước hằng ngày ra rả đưa tin, rằng chính quyền luôn "cung ứng đầy đủ, vật giá ổn định" cho nhân dân. Dối trá đã trở thành thói quen của Đảng cộng sản Trung quốc và được đem "ứng dụng" trong mọi hoàn cảnh.

Việc một quan chức cấp cao của Bắc Kinh đi thị sát tại Vũ Hán - "ổ dịch nguy hiểm nhất" thế giới đã gửi đến người dân Trung Quốc "thông điệp", rằng chính phủ đã nỗ lực đẩy lùi được dịch bệnh trên toàn quốc, và đã đến lúc các công ty, hãng xưởng và người lao động quay trở lại công việc kinh doanh như thường lệ.

Các quan chức tình báo Mỹ đã gửi báo cáo mật về cúm Vũ Hán cho Nhà Trắng hồi tuần rồi. Hãng tin Bloomberg ngày 1.4 dẫn lời các nguồn tin tiết lộ báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ kết luận chính phủ Trung Quốc cố tình công bố số liệu "không đầy đủ".

Hai quan chức tình báo Mỹ nói với Bloomberg rằng báo cáo kết luận số liệu công bố chính thức của Trung Quốc là "giả mạo".

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 03/04/2020

********************

Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu giám đốc WHO từ chức

B urgess Everett , VNTB, 03/04/2020

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Martha McSally đang kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới từ chức vì những gì bà cho là giúp bao che báo cáo dịch bệnh corona của Trung Quốc.

who0

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Martha McSally, kêu gọi Tổng Giám đốc WHO từ chức vì tổ chức này bao che cho Trung Quốc

Đảng Cộng hòa ở Arizona cho biết trên Fox Business hôm thứ Năm rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cần phải từ chức vì việc xử lý dịch bệnh của WHO.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố về cơ bản họ đã giảm hẳn số ca nhiễm mới vốn đang cướp đi sinh mạng hàng ngàn người Mỹ, thì báo cáo mới đã nghi ngờ tuyên bố màu hồng của Trung Quốc.

"Tôi không bao giờ tin tưởng một tên cộng sản nào. Và việc họ che đậy dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc đã gây ra những cái chết không cần thiết trên khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới" - bà McSally nói.

Bà McSally yêu cầu WHO phải chấm dứt bao che cho Trung Quốc và cho rằng Tiến sĩ Tedros cần phải từ chức, vì theo bà đó là điều cần phải làm. Bà cho rằng những gì mà WHO đã làm là vô trách nhiệm và vô lương tâm.

Đầu tuần này, Thượng nghị sĩ Rick Scott đã kêu gọi một cuộc điều tra của Quốc hội về WHO và cho ra rằng có lẽ Hoa Kỳ nên ngưng tài trợ cho "việc bao che Trung Quốc".

Burgess Everett

Nguyên tác : Martha McSally calls on WHO director to resign, Politico, 04/02/2020

Ngân Bình dịch

Nguồn : VNTB, 03/04/2020

_______________

(*) Cho tới thời điểm này, kiến nghị yêu cầu ông Tedos từ chức đã thu thập được gần 700.000 chữ ký *

Chú thích :

(*) https://www.change.org/p/united-nations-call-for-the-resign…

**********************

Trung Quốc đang dần tự lột mặt nạ

Diễm My, VNTB, 03/04/2020

Khi các thiết bị y tế đang khan hiếm trầm trọng trên thế giới, Trung Quốc đã đánh mất uy tín vì cách làm việc vô trách nhiệm và vô lương tâm với lần lượt nhiều quốc gia trên thế giới. 

vuhan4

Khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc được vận chuyển đến Châu Âu - Ảnh minh họa

Hà Lan "mua khẩu trang thường để làm khẩu trang y tế".

Chính phủ Hà Lan đã phải cho thu hồi lại số khẩu trang đặt mua từ Trung Quốc vì chất lượng không đảm bảo. 600.000 trong số 1,3 triệu khẩu trang kém chất lượng vì khẩu trang không ôm vào mặt để có thể bảo vệ nhân viên y tế không bị truyền nhiễm, ngoài ra van lọc khí cũng không hoạt động.

Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là lên tiếng trên Twitter rằng chính phủ Hà Lan phải biết kiểm tra cho kỹ và chối bỏ đó là các khẩu trang kém chất lượng.

Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố : nhà sản xuất Trung Quốc đã chỉ định rõ đây không phải là khẩu trang y tế và yêu cầu phải kiểm tra lại hướng dẫn để chọn và đặt mua đúng loại khẩu trang cần thiết. Bà Hoa Xuân Oánh còn khuyển cáo thêm rằng đừng có mua khẩu trang thường để làm khẩu trang y tế.

Trong khi đó, lô hàng test kit mà chính phủ Anh đã đặt mua từ Trung Quốc thông qua công ty Eurofins có trụ sở ở Luxembourg bị phát hiện đã nhiễm virus corona trước khi được vận chuyển đến Anh.

Để có thể đáp ứng nhu cầu xét nghiệm lên đến 25.000 người một ngày vào cuối tháng Tư này, Anh đã đặt một lô hàng từ Trung Quốc. Nhưng hôm thứ hai các phòng xét nghiệm cả nước Anh đã được thông báo các bộ xét nghiệm sẽ được giao trễ hơn dự định.

Công ty Eurofins cho biết các nhà cung cấp riêng khác cũng gặp vấn đề tương tự tuy nhiên vẫn không rõ làm thế nào mà các bộ xét nghiệm này lại nhiễm virus corona.

Bỉ nhận khẩu trang trong thùng chuối

Trong tuần rồi, chính phủ cũng gặp rắc rối với hàng trăm ngàn khẩu trang phát cho nhân viên y tế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giám đốc một bệnh viện ở Antwerpen cho biết khẩu trang này có nguồn gốc từ Colombia và được đóng gói trong các thùng đựng chuối hay thùng cornflakes đã qua sử dụng. Ngoài ra họ còn phát hiện thấy chất thải động vật trong thùng.

Những khẩu trang này đã lọt lưới hải quan vì thế cần phải kiểm tra kỹ xem liệu các khẩu trang này có còn an toàn cho nhân viên y tế hay không.

Úc thu giữ thiết bị y tế bị lỗi

Các nhà chức trách đã bắt đầu thu giữ khẩu trang Trung Quốc và quần áo bảo hộ y tế bị lỗi đang được nhập vào Úc

ABC cho biết trong những tuần gần đây, Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) đã chặn một số đợt giao hàng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) giả hoặc bị lỗi.

Ước tính ABF đã thu giữ 800.000 khẩu trang với giá trị tổng cộng hơn 1,2 triệu đô la trên thị trường Úc.

Các mặt hàng này được nhập ồ ạt vào Úc theo đường hàng không sau khi dịch corona ở Úc bùng phát.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ chỉ trích hàng lỗi của Trung Quốc và tuyên bố rằng hàng loạt các nhà máy Trung Quốc đang hoạt động suốt ngày đêm để giúp các quốc gia trên thế giới cứu người.

Chính phủ Anh tức giận

Chính phủ Anh được cho là rất tức giận với việc xử lý dịch corona của Trung Quốc, hôm chủ nhật các quan chức Anh cảnh báo rằng Bắc Kinh phải đối mặt với "trả giá" khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc.

Các quan chức chính phủ Anh tin rằng Trung Quốc đang đưa thông tin sai lệch về mức độ nghiêm trọng dịch corona.

Tờ the Mail on Sunday reports cho hay các nhà khoa học đã cảnh báo Johnson rằng Trung Quốc có thể đã hạ thấp số lượng ca nhiễm corona đã được xác nhận "theo hệ số từ 15 đến 40 lần". Trung Quốc đã báo cáo chỉ 81.439 nhiễm bệnh khi đó.

Tờ báo cho biết thêm rằng chính phủ Johnson giận tới mức thủ tướng có thể hủy bỏ quyết định cho công ty viễn thông Trung Quốc Huawei phát triển mạng lưới 5G của Anh trước đây.

Nghị sĩ Mỹ : Trung Quốc đang nói dối

Nghị sĩ Mỹ Tom Cotton nói rằng "Trung Quốc đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim trên toàn quốc ngay sau khi mở cửa lại. Ai tin được là họ đã kiểm soát được dịch bệnh hay không ? Tôi cũng không tin được. Trung Quốc đang nói dối".

Nghị sĩ Cotton cho rằng Trung Quốc đã gian dối ngay từ đầu và giờ vẫn tiếp tục gian dối.

Lời nhận xét của Nghị sĩ Cotton được đưa ra khi số người tử vong vì dịch corona ở Ý lúc đó đã cao gấp bốn lần số tử vong của Trung Quốc và Ý vẫn chưa ở đỉnh dịch.

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng Trung Quốc sẽ phải vất vả để lấy lại niềm tin của các quốc gia phương Tây

Diễm My

Nguồn : VNTB, 03/04/2020

*******************

Trung Quốc bị tố lợi dụng lúc Châu Âu lâm nguy để bành trướng thế lực

Mai Vân, RFI, 02/04/2020

Trong nhiều tuần lễ gần đây, guồng máy tuyên truyền Trung Quốc đã ra sức ca ngợi lòng hào hiệp của Bắc Kinh, năng nổ giúp Ý và một số nước Châu Âu chống virus corona, đồng thời nhấn mạnh đến hiệu quả của chế độ Trung Quốc.

vuhan5

Nhân viên sắp xếp lại các thùng vật liệu y tế tại kho hàng sân bay quốc tế Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc để chuyển sang Ý. Ảnh chụp ngày 10/03/2020 Reuters - CHINA DAILY

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 30/03/2020, một số lãnh đạo Châu Âu không còn che giấu thái độ bực tức trước các động thái của Bắc Kinh, bị cho khoác vỏ hào phóng và nhân đạo cho những ý đồ bành trướng thế lực địa chính trị và viết lại lịch sử trận đại dịch đã bùng lên từ Trung Quốc.

Quốc vụ khanh Pháp đặc trách Châu Âu, bà Amélie de Monchalin, là quan chức Châu Âu gần đây nhất đã lên tiếng chỉ trích dụng tâm chính trị của Trung Quốc, và của Nga. Hôm 29/03, bà đã cho rằng hai nước này đã "công cụ hóa" và "phô diễn" những hoạt động trợ giúp quốc tế của họ.

Bóp méo thực tế, tỏ lòng hào phóng để giành ảnh hưởng

Nhận định của quốc vụ khanh Pháp được đưa ra vài ngày sau khi lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrel, hôm 24/03, đã lên tiếng rất gay gắt trước "cuộc chiến thế giới về chuyện kể" và "cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng" bằng cách "bóp méo" các sự kiện thực tế và "chính sách hào phóng".

Ông Borell đã nhắc lại rằng nếu ngày nay đang có "những nổ lực để hạ uy tín" Châu Âu, thì vào tháng Giêng vừa qua, khủng hoảng chỉ giới hạn ở Trung Quốc, ở tỉnh Hồ Bắc, nhưng "đã nghiêm trọng thêm do việc lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc giấu diếm những thông tin thiết yếu", và Châu Âu đã lao vào trợ giúp Trung Quốc, như nước này đang làm hiện nay để trả lễ.

Ông Borell còn ghi nhận là Trung Quốc đã "hung hăng chuyển đi thông điệp là khác với Mỹ, Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy và hữu hiệu".

Bắc Kinh vào hôm thứ Hai 30/03, đã lập tức phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thắc mắc : "Họ muốn gì ? Muốn Trung Quốc khoanh tay đứng nhìn trước nạn dịch nghiêm trọng này sao ?".

Bắc Kinh đòi Bruxelles kín đáo những bản thân lại khoe khoang

Đối với AFP, đại cường Châu Á quả là đang bị nghi ngờ tận dụng một kiểu "ngoại giao khẩu trang" để phô trương mô hình thế lực của mình.

Hãng tin trích dẫn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Hiệp Hội Nghiên Cứu Chiến Lươc Pháp FRS, trong một bản ghi nhận về "Con đường tơ lụa y tế", đã nêu bật thái độ hai mặt của Bắc Kinh, một mặt thì đã yêu cầu Châu Âu kín đáo khi đến giúp Trung Quốc, nhưng một mặt khác thì đã phô trương hành động trợ giúp của mình qua "một chiến dịch thông tin tuyên truyền chưa từng thấy".

Chuyên gia Pháp đã liệt kê một loạt động thái như tặng 20 triệu đô la cho WHO, cử chuyên gia y tế qua Iran và Ý, xây dựng phòng thí nghiệm ở Irak, chuyển thiết bị xét nghiệm đến Philippines, cung cấp thiết bị bảo hộ y tế đến Pakistan và Pháp.

Sứ quán Trung Quốc : Thiên hạ "thèm muốn" mô hình Trung Quốc

Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp, theo AFP, cũng ngang nhiên mở chiến dịch phô trương hệ thống chính trị Trung Quốc và sự "thành công" trong việc chống virus corona chủng mới.

Trang web và tài khoản Twitter của đại sứ quán đã viết : "Một số người trong thâm tâm của họ, rất ngưỡng mộ thành công của cách điều hành của Trung Quốc. Họ thèm muốn sự hữu hiệu của mô hình chính trị của chúng ta và chán ghét sự bất lực của đất nước họ không làm được tốt như chúng ta".

Đối với ông François Heisbourg, chuyên gia Pháp về địa chính trị, những hành động trên của sứ quán Trung Quốc là điều "không thể chấp nhận được đứng trên mặt ngoại giao", vì "liên quan đến uy tín của nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa", cho dù chính quyền trung ương ở Bắc Kinh không trực tiếp loan truyền những thông điệp này.

Trung Quốc muốn xóa bỏ "tội gốc" về đại dịch Covid-19

Theo AFP, cuộc chiến chung quanh Covid-19 quả đã tiếp nối theo cuộc chiến để kiểm soát đường hàng hải ở Biển Đông hay hệ thống 5G.

Bà Alice Ekman, chuyên gia phân tích đặc trách Châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu EUISS, giải thích là từ 7 năm qua, Bắc Kinh đã lao vào một cuộc đọ sức giữa các hệ thống chính trị và nắm bắt mọi cơ hội ở cấp quốc gia hay quốc tế để "phô trương" tính chất ưu việt của mô hình Trung Quốc.

Rút ra kết luận về tình hình trước mắt, François Heisbourg, nhận định là Trung Quốc "muốn xóa bỏ, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, "tội gốc" của họ, tức là để virus lây lan từ vùng đất của họ.

AFP trích một nguồn tin ngoại giao, xin giấu tên, cho rằng vấn đề là giải thích của Trung Quốc về dịch Covid-19 có sức thuyết phục hay không. Nhưng nếu họ ra khỏi khủng hoảng này một cách nhanh chóng, nhất là trên bình diện kinh tế, thì sức mạnh và sự tự tin của họ sẽ tăng lên gấp bội.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 02/04/2020

****************

Covid-19 : Theo tình báo Mỹ, Trung Quốc gian dối về số liệu dịch

Thanh Phương, RFI, 02/04/2020

Theo hãng tin Bloomberg hôm qua, 01/04/2020, một báo cáo mật của tình báo Mỹ kết luận là Trung Quốc đã gian dối về số liệu của dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, đưa ra các con số thấp hơn thực tế. 

vuhan6

Nhân viên y tế và cảnh sát trong trang phục bảo hộ vào giờ bế mạc một cuộc họp về dịch Covid-19, Vũ Hán, Hồ Bắc, ngày 09/03/2020. Reuters - Stringer.

Bloomberg cho biết báo cáo mật này của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ IC (tập hợp 17 cơ quan tình báo Mỹ) đã được gởi đến Nhà Trắng và đã được một số nghị sĩ Mỹ đề cập đến.

Phản ứng về báo cáo của tình báo Mỹ, thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse tuyên bố : "Đảng cộng sản Trung Quốc đã nói dối, đang nói dối và sẽ tiếp tục nói dối về virus corona để bảo vệ chế độ". Đối với dân biểu William Timmons ở Hạ Viện, "tình báo Mỹ kể từ nay xác nhận điều mà chúng ta đã biết : trong suốt nhiều tháng, Trung Quốc đã che giấu tầm mức nghiêm trọng của dịch Covid -19". Ông nói : "Cả thế giới hiện đang trả giá cho những sai lầm của họ". Về phần dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Mỹ, dựa theo báo cáo nói trên, ông cũng khẳng định chính quyền Bắc Kinh đã "che giấu con số thật sự về những người bị nhiễm bệnh".

Chính quyền tổng thống Donald Trump trong những tuần qua đã kịch liệt chỉ trích Bắc Kinh, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không tỏ ra minh bạch với thế giới về tình hình dịch virus corona ở nước đông dân nhất thế giới này. Cho tới nay, Nhà Trắng chưa hề cáo buộc một cách rõ ràng là Bắc Kinh gian dối về số liệu của dịch Covid-19. Nhưng hôm qua, chính tổng thống Trump đã cho rằng các số liệu thống kê của Trung Quốc "có vẻ hơi nhẹ". Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien thì cho biết là Washington không có cách nào để biết được các số liệu do Bắc Kinh đưa ra có chính xác hay không.

Nhiều chuyên gia cũng đã nghi ngờ các số liệu do Trung Quốc đưa thấp hơn thực tế rất nhiều. Mối nghi ngờ của họ dựa trên con số các gia đình trong những ngày qua đến nhận hũ tro cốt của thân nhân chết vì dịch Covid-19, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch.

Phản ứng về báo cáo nói trên của tình báo Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay xem những nghi ngờ của phía Mỹ là những bình luận "sỗ sàng", khẳng định là Bắc Kinh vẫn minh bạch thông tin về dịch bệnh. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu chính quyền Trump đừng "chính trị hóa" một vấn đề y tế công cộng, và nên tập trung nhiều hơn vào việc bảo đảm an toàn cho công dân Mỹ.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 02/04/2020

****************

Virus corona : Đại sứ Trung Quốc giải thích vì sao có nhiều bình tro ở Vũ Hán

BBC, 02/04/2020

Đại sứ Trung Quốc ở Pháp lên tivi giải thích người dân xếp hàng nhận tro cốt ở Vũ Hán không phải là dấu hiệu Trung Quốc giấu số người chết do Covid-19.

vuhan7

Lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán tiến hành từ ngày 23/1

Đại sứ Trung Quốc ở Pháp nói khoảng 10.000 người qua đời tại Vũ Hán hai tháng qua, cộng thêm nạn nhân của Covid-19. Điều này giải thích vì sao người dân xếp hàng trước các nhà tang lễ sau khi mở cửa lại ngày 23/3.

Đại sứ Lu Shaye nói với kênh truyền hình Pháp BFM TV rằng tại Vũ Hán, 2.500 người chết vì virus, nhưng còn 10.000 người đã chết vì nhiều nguyên nhân khác.

"Các nhà tang lễ chỉ mở cửa lại từ ngày 23/3. Bạn thấy nhiều người xếp hàng vì trong hai tháng phong tỏa Vũ Hán, ngoài các ca tử vong vì virus corona, còn khoảng 10.000 người chết vì các nguyên do khác".

"Chúng tôi không giấu con số tử vong, các con số là chính xác".

Đại sứ Lu nói hạn chế đi lại tại Vũ Hán từ 23/1 đã khiến người dân không thể đến nhận tro cốt người thân.

Vì thế khi giao thông mở cửa lại mới đây, người dân mới xếp hàng dài như vậy trước nhà tang lễ.

Ông nói năm 2019, khoảng 51.200 người qua đời ở Vũ Hán, tức trung bình mỗi tháng 4.000 người qua đời.

Con số tử vong tháng Giêng và Hai cao hơn các tháng còn lại trong năm vì thời tiết lạnh.

Đến hôm 1/4 Trung Quốc nói đã có 3.199 ca tử vong vì virus corona, trong đó có 2.559 ở Vũ Hán.

Đã có những nghi ngờ và cáo buộc Trung Quốc che giấu số ca tử vong vì Covid-19.

Mới nhất, Bloomberg dẫn nguồn ba viên chức tình báo Mỹ giấu tên nói Trung Quốc đã che giấu mức độ bùng phát thực sự của virus corona ở nước này, công bố không đủ ca nhiễm và con số tử vong.

Ba quan chức trên, theo Bloomberg, yêu cầu không được nêu tên, vì điều họ nói dựa trên một báo cáo bí mật được cộng đồng tình báo gửi cho Nhà Trắng, và từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Nhưng điều cốt yếu, những quan chức này nói, là báo cáo công khai của Trung Quốc về các trường hợp nhiễm và tử vong không đầy đủ.

Hai trong số họ cho biết báo cáo gửi Nhà Trắng kết luận rằng con số Trung Quốc đưa ra là giả.

Nhà Trắng nhận được báo cáo này từ tuần trước, một quan chức nói với Bloomberg

Tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Trump nói rằng "chúng tôi chưa nhận được" bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy Trung Quốc đã đánh giá thấp số lượng bị nhiễm virus corona của mình.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng kiểu đếm của Bắc Kinh có vẻ "hơi bị ít một chút, và tôi đang rất là tử tế khi nói như thế, so sánh những gì chúng ta đã chứng kiến và những gì được báo cáo".

Nguồn : BBC, 02/04/2020

****************

Virus corona : Trung Quốc che giấu sự bùng phát của bệnh dịch, tình báo Hoa Kỳ nói

BBC, 02/04/2020

Trung Quốc đã che giấu mức độ bùng phát thực sự của virus corona ở nước này, công bố không đủ ca nhiễm và con số tử vong, Bloomberg tường trình, theo báo cáo của ba quan chức tình báo Hoa Kỳ.

vuhan8

Đời sống đang dần dà trở lại bình thường tại Trung Quốc. Một phụ nữ đeo hộ khẩu ở Bắc Kinh hôm 2/4. Chính quyền nước này nói họ đã vượt đỉnh điểm của virus corona từ ngày 12/3

Ba quan chức trên, theo Bloomberg, yêu cầu không được nêu tên, vì điều họ nói dựa trên một báo cáo bí mật được cộng đồng tình báo gửi cho Nhà Trắng, và từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Nhưng điều cốt yếu, những quan chức này nói, là báo cáo công khai của Trung Quốc về các trường hợp nhiễm và tử vong không đầy đủ.

Hai trong số họ cho biết báo cáo gửi Nhà Trắng kết luận rằng con số Trung Quốc đưa ra là giả.

Nhà Trắng nhận được báo cáo này từ tuần trước, một quan chức nói với Bloomberg

Tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Trump nói rằng "chúng tôi chưa nhận được" bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy Trung Quốc đã đánh giá thấp số lượng bị nhiễm virus corona của mình.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng kiểu đếm của Bắc Kinh có vẻ "hơi bị ít một chút, và tôi đang rất là tử tế khi nói như thế, so sánh những gì chúng ta đã chứng kiến và những gì được báo cáo".

Phản ứng của Trung Quốc

Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về bản tin của Bloomberg.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc "cởi mở và minh bạch" trong phản ứng với Covid-19.

"Một số viên chức Mỹ chỉ muốn đổ lỗi", bà nói.

"Chúng tôi không muốn cãi nhau với họ, nhưng đối diện với sự bôi nhọ đạo đức liên tục của họ, tôi phải nói ra sự thật lần nữa".

"Chúng tôi muốn giúp đỡ họ theo khả năng của mình. Nhưng các bình luận của các chính trị gia Mỹ chỉ đáng xấu hổ".

"Những sự bôi nhọ, đổ lỗi không thể bù lại cho thời gian đã mất mà sẽ chỉ làm tốn thời gian và sinh mạng".

Vẫn có nhiều hoài nghi đáng kể về các con số được Trung Quốc báo cáo.

Việc Trung Quốc có lẽ đã không báo cáo trung thực tình trạng lây lan của virus corona trên đất nước họ đã bị nghi ngờ từ nhiều tuần lễ nay.

Bình luận khác

Trong tuần qua, hình ảnh cũng như những khúc phim ngắn mô tả hàng ngàn chiếc hũ đựng tro cốt bên ngoài các nhà tang lễ ở tỉnh Hồ Bắc lại càng khiến công chúng nghi ngờ báo cáo của Bắc Kinh.

Biên tập viên James Palmer nhiễm trên cả nước vào tháng Hai. của Foreign Policy cho là rất có khả năng Bắc Kinh đang cố tình đánh giá thấp số người chết ở Vũ Hán, và tổng số trường hợp bị

"Những con số tồi tệ ở Trung Quốc luôn được báo cáo thấp xuống, đặc biệt là khi hình ảnh quốc gia bị đe dọa, và Trung Quốc hiện đang muốn chiến thắng virus này để tương phản với những thất bại của phương Tây". James Palmer viết.

Nhưng ông vạch ra : "Tuy nhiên, không phải như thể giới lãnh đạo Trung Quốc có một bộ sách bí mật chứa những số liệu chính xác hơn. Họ cũng vậy, đang phải vật lộn để tìm ra chính xác những gì đang diễn ra trong đất nước rộng lớn của mình".

Lý do, James Palmer giải thích, là vì : "Chính quyền địa phương một mặt được lãnh đạo khuyến cáo không được 'giấu các trường hợp bị nhiễm vì mục đích báo cáo bằng không', nhưng mặt khác lãnh đạo cũng đang yêu cầu gần như không có trường hợp nhiễm mới nào trong nước. Một loạt các cuộc thanh trừng trước đại dịch đã khiến các quan chức đứng ngoài cuộc, và bất kỳ chính quyền địa phương nào chẳng may mắn có một ổ dịch trên lãnh thổ của họ đều có thể gặp nguy hiểm chính trị nghiêm trọng".

Câu hỏi được đặt ra là trước tình trạng đó, giới phân tích có thể làm gì để có đánh giá tương đối xác thực về cơn bão dịch đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới.

James Palmer đề nghị hai giải pháp : Trước tiên là giải pháp "đo lường gián tiếp". Phương pháp này, theo Foreign Policy, được sử dụng bởi chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc, là việc xem xét dữ liệu thay thế, ít bị cố ý bóp méo để có được ước tính về con số thực.

Ví dụ, cư dân ở Vũ Hán đã ước tính số người chết thực sự ở đó, do những chiếc bình được trao cho các gia đình, dẫn đến suy đoán khoảng 40.000 người trở lên đã chết.

Tuy nhiên phải rất cẩn thận, vì phỏng đoán theo dự liệu thay thế chỉ đưa ra những con số rất võ đoán, khó chính xác.

Ước tính hũ đựng tro cốt ở Vũ Hán có thể bao gồm bất kỳ ai chết trong thành phố trong thời gian hai tháng phong tỏa, không chỉ những tử vong vì Covid-19.

Và đôi khi những dự đoán như vậy hoàn toàn sai, chẳng hạn như tuyên bố rằng việc mất đi 21 triệu thuê bao điện thoại di động cho thấy cái chết hàng loạt. Nhiều người ở Trung Quốc duy trì nhiều thẻ SIM, với các số cũ thường xuyên bị xóa khỏi hệ thống.

Giải pháp thứ hai là 'quan sát hành vi.

James Palmer giải thích : "Một cách khác để tìm ra những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là xem xét cách các nhà chức trách hành xử, thay vì những gì họ đang nói. Ngay bây giờ, thì đó là tin tốt : Cuộc sống đang trở lại gần như bình thường ở hầu hết Trung Quốc, và các biện pháp cách ly đã bị giảm nghiêm trọng. Các bệnh viện không tràn ngập, và nhân viên y tế đang bị rút ra khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hoàn hảo, vì cũng đã có những đảo ngược bất ngờ, chẳng hạn như các rạp chiếu phim được mở cửa lại và lại bị đóng cửa trong vòng một ngày".

Nói tóm lại, có rất nhiều nghi ngờ và suy đoán là Trung Quốc che giấu sự bùng phát của virus, nhưng không ai biết chính xác sự che giấu này nghiêm trọng đến đâu.

Nguồn : BBC, 02/04/2020

*******************

"Ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc gặp trắc trở vì hàng dỏm

Thụy My, RFI, 02/04/2020

Trung Quốc ra điều kiện cho bốn nước Châu Âu muốn được cung cấp khẩu trang phải thay đổi quan điểm về Hoa Vi (Huawei), vận động các nước G7 chống lại việc Hoa Kỳ gọi con virus corona xuất phát từ Vũ Hán là "virus Vũ Hán". Trang nhất báo chí Hoa lục tràn ngập hình ảnh những chuyến hàng y tế gởi đến các nước, tạo cảm giác Trung Quốc đang "cứu nhân độ thế"…

vuhan9

Nhân viên y tế mang khẩu trang làm việc tại khoa hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân virus corona tại dưỡng đường Ambroise Pare, ngoại ô Paris ngày 01/04/2020. © Reuters/Benoit Tessier

Chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh có vẻ đang trên đà thành công rực rỡ, tuy nhiên mới đây lại trục trặc vì tai tiếng hàng dỏm.

Cuối tuần rồi, Bộ Y tế Hà Lan đã phải cho thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2, tức phân nửa lô hàng 1,3 triệu chiếc được Trung Quốc giao hôm 21/03/2020 vì không đạt chất lượng. Thứ Năm 26/3, chính quyền Tây Ban Nha rút lại 58.000 bộ xét nghiệm của công ty Trung Quốc Shenzhen Bioeasy Biotechnology vì độ tin cậy chỉ có 30%. Tại Cộng hòa Czech, các bộ xét nghiệm nhanh được giao cho một bệnh viện ở Ostrava cũng bị phát hiện chất lượng tồi.

Đây là những món hàng thuận mua vừa bán được giao theo đơn đặt hàng, chứ không phải là quà tặng của Bắc Kinh. (Trong khi lúc Trung Quốc khốn đốn vì con virus ở Vũ Hán, Châu Âu đã viện trợ 56 tấn trang thiết bị y tế trong đó có khẩu trang nhưng không hề tuyên truyền, để giữ thể diện cho Bắc Kinh).

Trước những chỉ trích, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng. Le Monde cho biết đại sứ Trung Quốc ở Amsterdam nói rằng sẽ hợp tác với cuộc điều tra đang diễn ra. Tại Madrid, đại sứ quán Trung Quốc ra thông cáo giải thích công ty ở Thâm Quyến (Shenzhen) không nằm trong danh sách các nhà cung cấp được chuyển cho Tây Ban Nha.

Còn tại Bắc Kinh, tờ Global Times liên tục có những bài xã luận và ý kiến đổ cho phương Tây muốn "chính trị hóa" vấn đề, nhưng đồng thời cũng kêu gọi chính quyền kiểm soát kỹ hơn hàng xuất khẩu. Thứ Hai 30/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tỏ ra không ngại miệng khi tuyên bố trong những tuần lễ đầu khi xảy ra nạn dịch, "có những nước gởi đến những vật liệu không hợp với tiêu chuẩn Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược nhận xét những sự cố trên đây "thực sự tạo ra vấn đề cho hình ảnh của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn tránh bị ảnh hưởng chung đến các khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc và những món hàng trợ giúp của mình bị coi là đồ dỏm". Theo ông, đa số có chất lượng tốt, tuy nhiên vấn đề là sản xuất ồ ạt tăng lên, và xuất hiện thêm những khuôn mặt mới. "Như thường lệ tại Trung Quốc, xảy ra hiện tượng tham nhũng, làm ăn gian dối, cơ hội, cho dù đã tăng cường thanh tra".

Trong lúc dịch bệnh hoành hành, chính quyền vừa ra chỉ thị vừa kêu gọi ngành kỹ nghệ và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Đủ loại nhà sản xuất, từ bình điện cho đến băng vệ sinh phụ nữ bèn lao vào cuộc chiến. Chuyên gia Bondaz cho biết : "Có đến 3.000 doanh nghiệp tham gia cùng với 4.000 công ty trong lãnh vực này", và sản lượng từ 20 triệu khẩu trang/ngày đến cuối tháng Hai đã tăng vọt lên 120 triệu chiếc/ngày, trong đó có 1,66 triệu khẩu trang loại FFP2.

Chiến dịch này nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, không chỉ khẩu trang mà cả những bộ kit xét nghiệm và máy thở. Nhưng trước tốc độ lây nhiễm giảm xuống vào tháng Ba, nhiều nhà sản xuất quay sang thị trường quốc tế, ngay cả trước khi được phép bán tại Hoa lục.

Có 102 công ty sản xuất bộ xét nghiệm được cho xuất sang Châu Âu, theo chủ tịch Hiệp hội chẩn đoán trong phòng thí nghiệm Trung Quốc, được South China Morning Post dẫn lại. Thế nhưng chỉ có 13 công ty trong số này được Hiệp hội sản phẩm y tế cho phép phân phối tại Trung Quốc. Tờ báo Hồng Kông nêu ra trường hợp một công ty ở Trường Sa (Changsha) chỉ có giấy phép sản xuất bộ xét nghiệm PCR (lấy mẫu thử ở mũi và họng) dành cho…thú vật, nhưng hôm 17/3 đã được sử dụng nhãn CE và chuẩn bị sản xuất 30.000 bộ xét nghiệm PCR Covid-19.

Coi mặt hàng khẩu trang là vũ khí địa chính trị, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc rục rịch tung ra tài liệu mang tên "Đại Quốc Chiến Dịch" để tự ca ngợi thành tựu chống dịch. Nhưng chừng như "ngoại giao khẩu trang" đang bị khựng lại vì cách làm ăn chụp giựt.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 02/04/2020

******************

Virus corona : Dường như chắc chắn có làn sóng dịch thứ hai tại Trung Quốc

Đức Tâm, RFI, 01/04/2020

Trang mạng tuần báo Courrier International ngày 25/03/2020, có bài viết "Sự lây lan thầm lặng : Tại Trung Quốc, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai dường như tất yếu xẩy ra" cho biết, vào lúc cuộc sống tại Bắc Kinh đang trở lại bình thường, một chuyên gia dịch tễ được nhật báo Canada Globe and Mail hỏi, lên tiếng báo động rằng tỷ lệ người Trung Quốc bị nhiễm virus corona trong mùa đông qua quá thấp để có thể hy vọng là dịch bệnh này đã chấm dứt tại Trung Quốc.

vuhan10

Hành khách chờ tàu tại bến xe lửa Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 28/03/2020 Reuters - Aly Song

Đó là những cảnh "không thể tưởng tượng nổi" cách nay một tuần, giờ đang diễn ra tại thủ đô Trung Quốc, phóng viên của nhật báo Canada Globe and Mail, tại Bắc Kinh viết : "Đông đảo người tụ tập trong các quán ăn. Giao thông nghẹt thở lại xuất hiện trên các tuyến đường. Tàu điện ngầm ngày càng đông hơn. Một cuộc chạy đua hối hả để quay lại sinh hoạt bình thường đang diễn ra trên toàn nước Trung Quốc". Hôm thứ Ba (24/03), một tờ báo thân chính quyền tuyên bố rằng "Trung Quốc đã chiến thắng dịch Covid-19".

Thế nhưng, theo các chuyên gia mà nhật báo Canada phỏng vấn, thì lịch sử các đại dịch cho thấy, thái độ tự đắc như vậy dường như là quá sớm : "Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo về việc Trung Quốc vội vã tái thúc đẩy nền kinh tế trong lúc một phần rộng lớn của lãnh thổ trước đây ít bị phơi nhiễm với virus và do vậy, vẫn còn có nguy cơ bị dịch Covid-19".

Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ thuộc đại học Hồng Kông, giải thích tình hình một cách rõ ràng như sau : "Do một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc không thực sự có số người bị nhiễm cao trong đợt một, nên dân cư ở đó rất dễ bị nhiễm và có thể phải hứng chịu một đợt dịch nghiêm trọng. Sớm hay muộn, tất yếu sẽ có làn sóng dịch thứ hai. Đây là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi".

Sự lây lan thầm lặng

Chuyên gia Benjamin Cowling nói đến khả năng một sự "lây lan thầm lặng" từ phía những người không biểu hiện hoặc có ít triệu chứng. Họ chỉ được phát hiện vào thời điểm xuất hiện khá nhiều trường hợp và do vậy, làm cho việc ngăn chặn virus khó khăn hơn.

Tờ Globe and Mail lưu ý, nếu như chính quyền Trung Quốc vẫn giữ thái độ cảnh giác, họ cũng cho biết là các biện pháp cách ly đối với hàng chục ngàn du khách từ nước ngoài vào không hoàn toàn hiệu quả và vẫn còn phát hiện ra những trường hợp bị lây nhiễm.

Hiệu trưởng trường y tế công cộng thuộc đại học Jiaotong Thượng Hải thừa nhận với nhật báo Canada : "Cuộc đấu tranh chống virus corona sẽ là một cuộc chiến lâu dài". Ông nói : "Chúng tôi cần phải chuẩn bị không chỉ để đối phó với làn sóng dịch thứ hai mà phải đối phó mỗi ngày và mỗi tháng, cho đến khi có một vác-xin được bào chế thành công và được chứng minh là có hiệu quả".

Đức Tâm

Nguồn : RFI, 01/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Lan, Burgess Everett, Diễm My, Mai Vân, Thanh Phương, BBC tiếng Việt, Thụy My, Đức Tâm
Read 662 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)