Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc vận động tranh cử tràn sức sống trẻ và niềm tin vào dân chủ

Nếu ví cuộc vận động tranh cử của Quốc Dân Đảng như một lễ hội thì cuộc vận động của Dân Tiến Đảng lại như một hòa nhạc. Và điều này phản ánh những khác biệt sâu xa trong tư tưởng và lối sống của cử tri ủng hộ hai đảng.

baucu1

Không khí sôi động tại cuộc vận đồng tranh cử của bà Thái Anh Văn (Dân Tiến Đảng) tối 10/1 tại đại lộ Ketagalan

Sau khi tham dự cuộc tuần hành vận động bầu cử của Hàn Quốc Du và Quốc Dân Đảng hôm 9/1, tôi đã rất nóng lòng để tham dự cuộc vận động của đương kim Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn và Dân Tiến Đảng diễn ra một ngày sau đó (10/1).

Vẫn tại cùng một địa điểm, nhưng không khí của cuộc tuần hành này rất khác so với những gì đã xảy ra ở đây 24 giờ trước đó.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là, đám đông những người ủng hộ bà Thái đặc biệt trẻ trung hơn rất nhiều so với đám đông ngày hôm trước của ông Hàn.

Trái với sắc xanh - đỏ đồng bộ của những người ủng hộ KMT (Kuomintang-Quốc Dân Đảng), dường như thời trang chính trị của người ủng hộ DPP (Democratic Progressive Party-Dân Tiến Đảng) không có một trường phái màu sắc thống nhất nào. Mọi người mặc theo ý mình muốn.

Cũng không có ai vẫy lá cờ đỏ sao xanh của Trung Hoa Dân Quốc, thay vào đó là lá cờ bảy màu - đặc trưng của cộng đồng LGBT ở Đài Loan.

Năm 2018, chính quyền của bà Thái Anh Văn thông qua luật công nhận hôn nhân đồng tính. Và Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á làm được điều này.

Và điều đó đã đem lại cho bà Thái một lượng lớn cử tri là những người trẻ, có quan điểm và suy nghĩ về tình yêu và giới tính khác biệt so với thế hệ trước.

baucu2

Bà Thái Anh Văn có một lượng lớn cử tri là những người trẻ, với quan điểm và suy nghĩ về tình yêu và giới tính khác biệt so với thế hệ trước

Vinson, 36 tuổi, một kỹ sư từng du học tại Anh, cho biết là anh một người đồng tính. Và một trong những lý do chính khiến anh ủng hộ bà Thái Anh Văn là vì chính quyền của bà đã thông qua luật về hôn nhân đồng giới.

Trong khi đó, Quốc Dân Đảng của ông Hàn Quốc Du lại không ủng hộ điều này.

Và tất nhiên, vấn đề "độc lập" của Đài Loan cũng là một trong những yếu tố quyết định tác động đến lá phiếu.

Bà Thái Anh Văn được xem là "biểu tượng cho sự độc lập của Đài Loan". Thế hệ trẻ của Đài Loan lớn lên trong một môi trường chính trị đa dạng và dân chủ, nhất là kể từ năm 2000, khi hai đảng lớn Đài Loan đã thay phiên nhau cầm quyền, bên cạnh sự xuất hiện của các đảng nhỏ khác.

Trái với thế hệ lớn tuổi, những người trẻ không có sự gắn bó mật thiết với Quốc Dân Đảng, và không còn giữ tư tưởng hướng về đại lục mà Tưởng Giới Thạch cùng KMT sang hòn đảo này cách đây 70 năm trước.

Với phần lớn thế hệ trẻ Đài Loan và những người đang có mặt tại buổi vận động này thì :

"Đài Loan là Đài Loan. Và Đài Loan sẽ không bao giờ là một phần của Trung Quốc".

Nhưng có lẽ, sự khác biệt giữa cử tri của hai đảng không chỉ là quan điểm về sự độc lập của Đài Loan. Khác biệt có lẽ xuất phát từ ngay bên trong lối sống và tư tưởng của chính họ. Và điều này bộc lộ ra bên ngoài, dẫu vô tình hay cố ý.

Những người mà tôi phỏng vấn ngày 10/1 tại buổi tuần hành của Dân TIến Đảng nhiệt huyết không kém những người ủng hộ Quốc Dân Đảng, nhưng họ trả lời một cách từ tốn, chậm rãi hơn và câu cú cũng rõ ràng và gãy gọn hơn.

Họ cũng có vẻ tôn trọng không gian riêng (personal space) của nhau hơn, chứ không quá vô tư khi chen lấn, xô đẩy hay lớn tiếng.

Họ thậm chí còn đồng thanh hát những bài hát bằng tiếng Mân Nam - được cho là phương ngữ chính thức của Đài Loan.

Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, dễ bị bỏ qua như vậy nhưng thực ra lại có ý nghĩa sâu xa.

Ông Su nói, ông từng bầu cho cả Quốc Dân Đảng lẫn Dân Tiến Đảng, nhưng ông luôn chọn người mà ông nghĩ là có thể đem lại lợi ích cho Đài Loan

Việc ăn mặc tự do thoải mái, không đồng nhất, cho thấy cộng đồng cử tri ủng hộ Dân Tiến Đảng là một cộng đồng đa dạng và chấp nhận sự khác biệt của nhau.

Việc hát tiếng Mân Nam thay vì tiếng Quan Thoại cũng là cách thể hiện một nét văn hóa, ngôn ngữ riêng của hòn đảo này.

Việc tôn trọng không gian riêng của nhau, cũng như cái nhìn cởi mở về tình yêu và giới tính, cho thấy họ có hơi hướng Tây hóa.

Có thể ví cuộc vận động tranh cử của Quốc Dân Đảng như một lễ hội. Người ủng hộ tụ tập từng nhóm nhỏ để tìm kiếm sự đồng thuận và hân hoan trong niềm vui. Và nếu như có ai đó mạnh miệng hô vang những lời lẽ cay nghiệt về đối thủ, những người còn lại sẽ lập tức hùa theo. Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa tập thể ?

baucu3

Bầu cử Đài Loan : Ứng viên Hàn Quốc Du và chính sách thân Trung Quốc

Trong khi đó, cuộc vận động tranh cử của Dân Tiến Đảng lại có vẻ giống một buổi hoà nhạc. Những người đến dự có vẻ biết rõ họ cần gì và muốn gì. Họ không cần tìm sự đồng cảm. Họ không cần tụ lại thành nhóm.

Mỗi người đứng một khoảng lặng riêng, ngước lên màn hình sân khấu, vẫy lá cờ của họ trong tay. Sự thể hiện của chủ nghĩa cá nhân chăng ?

Tuy vậy, có một điều đáng lo cho bà Thái Anh Văn, đó chính là đám đông những người ủng hộ bà đêm 10/1 nhỏ hơn hẳn so với đám đông ủng hộ ông Hàn Quốc Du vào tối hôm trước.

Henry - người quay phim của tôi - đưa ra một giả thuyết : "Có thể nhiều người đã về quê rồi".

Henry không phải không có lý. Theo quy định bầu cử của Đài Loan, người dân phải bỏ phiếu tại chính địa phương gốc gác của họ.

Nhiều người, thay vì đến cuộc tuần hành vận động vào chiều thứ Sáu, rất có thể đã lên tàu và hướng về mọi ngả của Đài Loan, thăm nhà và tiện cho việc đi bỏ phiếu vào thứ Bảy 11/1.

Sau khi cảm nhận được cái hồn của buổi vận động tranh cử, chúng tôi ra về với thắc mắc rằng, liệu sự khác biệt trong số lượng người tham gia ở hai cuộc vận động tranh cử có phản ánh đúng tỉ lệ ủng hộ của những người đi bỏ phiếu hay không ?

Và khi đi dọc những con phố nhỏ của Đài Loan, tôi nhận ra càng đến gần ngày bầu cử, tiết trời Đài Bắc lại càng trở nên dễ chịu đến lạ.

Dự báo thời tiết cho biết, ngày bỏ phiếu 11/1 sẽ là một ngày ngập tràn nắng ấm, thôi thúc bước chân cử tri đến phòng bỏ phiếu.

Nhưng ánh sáng vinh quang sẽ dành cho ai ? Chúng ta sẽ sớm biết điều ấy thôi.

Thùy Linh

Nguồn : BBC, 11/01/2020

Additional Info

  • Author Thùy Linh
Published in Diễn đàn
vendredi, 29 décembre 2017 21:55

Hành trình Biển Hồ

Sau hai tiếng lái xe từ thủ đô Phnom Penh, đến tầm trưa hôm 8/12, phóng viên BBC có mặt tại xã Phsa Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, một tỉnh nhỏ ở Biền Hồ, nơi có một số lượng lớn người gốc Việt sinh sống.

1. Kampong Chhnang Bấp bênh với sóng gió

Kể từ khi trở lại Campuchia vào những năm đầu thập niên 1980, nhiều bà con Việt kiều vẫn chưa có mẩu giấy tùy thân hợp pháp nào. Thêm vào đó, những năm gần đây, người dân còn cáo buộc tình trạng bị "ức hiếp, lừa gạt" bởi chính tỉnh hội người gốc Việt.

Tôi gặp với ông Nguyễn Văn Nam, một người dân có chút hiểu biết về luật pháp và thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Việt.

Như nhiều người Việt sinh sống ở đây, ông Nam và gia đình đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn trở về Việt Nam để chạy nạn Khmer Đỏ.

tonlesap1

Những ngôi nhà gỗ màu xanh dương chòng chành chông chênh đặc trưng của người gốc Việt trên Biển Hồ

Đóng nhiều loại phí, nhiều loại giấy tờ mà không có kết quả

Và cũng như hầu hết người dân ở đây đều, sau khi chạy nạn thì đã mất hết giấy tờ tùy thân cũ và cứ liên tục phải làm nhiều giờ khác nhau.

Ông Nam cho biết : "Trong thời gian đó tôi sống ở đây thì có nhiều vấn đề phức tạp về vấn đề giấy tờ vì người Việt ở đây mỗi năm cứ làm giấy mãi làm giấy hoài, cứ đóng mỗi năm vậy đó không nhiều thì ít có lúc 5000, 10.000, 15.000 Riel (1.000 Riel bằng khoảng 5.500 VND)

Người dân cứ đóng các khoản phí "bí ẩn" từ khoảng 20 năm nay nhưng không rõ giấy tờ thủ tục đi đến đâu.

Nhưng khi có người ý kiến tại buổi họp chi hội Hội người Campuchia gốc Việt để xin tiền để hỗ trợ người dân khoản phí trên thì bị "giật mic".

Tuy nhiên, người dân sau đó cùng nhau làm một số lá đơn kiến nghị, xin nhờ giúp đỡ, gửi lên nhiều cơ quan chính phủ Campuchia.

"Sau đó thì tiền về", ông Nam cho biết. "Có quan chức Campuchia xuống đưa tiền cho người dân đóng, sau đó thu lại". Tuy nhiên ông Nam nói không biết số tiền này đến từ đâu.

tonlesap2

Sau khi đóng 250.000 Riel, người dân sẽ được nhận Thẻ Ngoại Kiều (như trong hình), cứ hai năm đóng một lần. Theo luật Campuchia, sau khi được thừa nhận sinh sống hợp pháp 7 năm, tức đóng phí 3 lần, đến năm thứ 7, người gốc Việt đủ tiêu chuẩn để đăng ký nhập quốc tịch Campuchia

Khi BBC hỏi về vấn đề xích mích, kỳ thị với người Khmer bản địa, một người dân khác là ông Nguyễn Văn Mạnh nói theo ông được biết thì ở Kampong Chhnang không có vấn đề gì.

"Mình sống ở đất nước người ta thì sao mà mình xích mích gì với người ta", ông Mạnh nói.

Tuy nhiên, ông Mạnh kể lại một trường hợp khi con dâu là người Khmer sinh cháu, nhưng vì chồng là người Việt, phía chính quyền Campuchia "không chịu làm giấy khai sinh". Phải nhờ đến bà ngoại là người Khmer lên làm giấy thì mới được cấp.

Hiện không rõ những gia đình thuần Việt thì có giấy tờ bằng cách nào.

Cáo buộc tỉnh hội 'lừa đảo bán đất lấy tiền'

Đồng thời vào năm 2015, người dân được thông tin phải di dời rồi vùng Chợ Nồi ở trung tâm tỉnh Kampong Chhnang.

Ông Nam cho biết khi đó "đuổi là tự đi, không ai giúp đất hay tiền để dỡ nhà, số tiên nho nhỏ để cắt nhà chòi tranh cũng không có, là tự mình lên, tự lo".

Mạnh thì nói, "Cuộc sống hồi đó không khó khăn đâu, do tỉnh hội của ông Bé làm khó khăn 8 năm nay. Năm 2000 có ông Bảy Tân là dân bầu. Ông đó ổng lo cho dân sau ổng chết thì Bùi Văn Bé lên làm, cấu kết với chính quyền làm khó dân, ức hiếp dân", ông Mạnh nói.

Ông Bùi Văn Bé mà ông Mạnh đề cập là chi hội trưởng Hội người gốc Việt ở tỉnh Kampong Chhnang.

Năm 2015, người dân bị yêu cầu di dời khỏi khu Chợ Nồi, vùng trung tâm của tỉnh và phải chuyển lên bờ sinh sống.

Người dân cáo buộc khi đó ông Bé nói con trai bán đất cho người dân và ông Bé đứng ra làm chứng với tư cách chủ tịch tỉnh hội.

"Nói ông Bé làm giấy chủ quyền [đất] ông Bé không làm, đòi tiền cũng không trả, nói nặng thì ông Bé đe dọa sẽ cho công an bắt bỏ tù", ông Mạnh cho biết, nói rằng người dân còn bị đe dọa sẽ bị "công an bắt giữ" nếu "tiếp tục có ý kiến".

"Bà con phàn nàn dữ lắm, đòi ông Bé trả tiền. Chi hội gì mà toàn kinh doanh gia đình chứ không lo cho bà con", ông Mạnh nói.

tonlesap3

Một cửa tiệm cơ khi lềnh bềnh trên Biển Hồ ở Kampong Chhnang

"Đất đó là đất ngập nước là đất không được giấy chứng quyền mà ổng nói con trai là Bùi Minh Tâm, thừa nhận ký bán đất rừng bán. Tôi không hiểu làm sao ổng là người Việt lấy đất Campuchia đem bán được, mà nhiều bà con tin tưởng rốt cuộc đưa tiền, rồi giờ nhà nước lấy lại hết trơn", ông Nam giải thích.

Theo luật Campuchia, nếu không có quốc tịch Campuchia thì không thể mua đất. Việc 'mua đất' không thành nên từ 2015 đến nay, người dân vẫn sinh sống trong những căn nhà nổi ở một khu hẻo lánh.

Chúng tôi sau đó đã tìm cách liên lạc với ông Bùi Văn Bé nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn, nói rằng chỉ ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội mới có quyền phát ngôn với báo chí.

Trả lời phóng viên BBC hôm 11/12 tại Phnom Penh, ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt cho biết :

"Các vấn đề tiêu cực này ở đâu cũng có. Chúng ta không thể nói thành việc lớn được, cả nhân dân Campuchia và cả người Cam gốc Việt mình cũng có.

"Nói chung tổng hội hoạt động đúng theo điều lệ của tổng hội. "Có trường hợp bà con bị chèn ép khó khăn thì đại diện bà con sẽ có báo cao cho tổng hội. Tổng hội sẽ kết hợp với các bộ ban ngành để giúp bà con sống ổn định", ông Chi nói.

Khi được hỏi về việc ông Bùi Văn Bé bị tố cáo lừa người dân mua đất lấy tiền, ông Chi nói :"Thông tin này tôi không nắm rõ. Tôi nghĩ là không có đâu, một số bà con chưa đầy đủ thủ tục thì làm sao đứng tên để mua đất được".

'Chỉ mong sống ở mé sông, không chống luật pháp Campuchia'

Nếu khổ vậy thì ông có khi nào nghĩ sẽ về Việt Nam không ? Phóng viên BBC hỏi ông Mạnh.

tonlesap4

Một gia đình Việt-Khmer ở Kampong Chhnang

"Muốn về thì phải làm đơn xin về bển, mà mỗi đơn là 200 đôla. Tiền đâu mà chúng tôi làm. Mà đây là tiền chi hội đòi đóng. Về [Việt Nam] mà không có giấy tờ của chi hội thì họ không nhận", ông Mạnh nói.

"Chi hội kèm cặp quá rất là tội cho dân, tất cả bà con chúng tôi. Anh em chúng tôi không biết sao thoát được cảnh khổ".

"Về chuyện bị đuổi lên bờ, đa số chúng tôi làm ăn nghề chài lưới, không quen cuộc sống trên bờ, nên mong cô bác các hội trong ngoài nước ủng hộ, bà con không chống luật pháp Campuchia, chỉ xin được ở gần mé sông để quản lý xuồng ghe, tài sản, tiếp tục làm nghề chài lưới, đánh bắt cá", ông Mạnh phân trần.

2. Số phận không bến bờ

Từ Kampong Chhnang, mất 4-5 giờ lái xe để đến xã Chong Kneas, Siem Reap. Sau đó, chúng tôi phải đi bè khoảng 10 phút mới tới khu nhà nổi của người gốc Việt, tách biệt khỏi khu chợ trong bờ, đông người Khmer sinh sống.

Chúng tôi gặp gỡ khoảng 10 người dân ở đây. Cuộc trò truyện trong căn nhà tuềnh toàng toát lên nỗi niềm chung mà chúng tôi từng nghe từ gia đình ông Mạnh, ông Nam ở Kampong Chhnang.

tonlesap6

Vùng Biển Hồ ở Siem Reap hiện có 500 hộ người gốc Việt sinh sống, hầu hết đều nằm trong những hộ nghèo và rất nghèo

Dân cáo buộc 'chính quyền làm tiền, ức hiếp'

"Sống từ trước giờ từ 74-75 tụi tôi về Việt Nam, rồi năm 80-81 trở về đây trên Miên này lại, hồi đó ông bà ở trên này, chôn trên này, ở đây thăm xương cốt, làm ăn ở đây. Hồi trước chính quyền nó dễ dàng, không có làm tiền như bây giờ. Giờ chính quyền khó khăn quá", ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Người dân cáo buộc ông Sáu Đầy, tức ông Võ Văn Đầy, phó chủ tịch tỉnh hội Hội người Việt ở Siem Reap cùng ông Đỗ Văn Thanh "ức hiếp, bắt bớ người dân".

tonlesap7

Có gần một trăm đơn từ tường trình, khiếu nại các vụ việc mà người dân cho là sai phạm của các quan chức Campuchia và tỉnh Hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Siem Reap

"Từ khi ông Đầy này lên, không giúp gì được cho bà con. Bà con rất là gian nan vì ông Đầy này", ông Châu Văn Chi, một người dân Chong Kneas, nói trong sự hưởng ứng gật gù của những người dân còn lại.

Sau đó người dân cho phóng viên chúng tôi thấy hai ba tập tài liệu lưu trữ hàng chục đơn tường trình, đơn khiếu nại từ hơn 20 năm chục qua.

Nhiều lá đơn tường trình các vụ việc sai phạm, bắt bớ. Có tờ đơn tới hàng chục người dân lăn tay đỏ.

tonlesap8

Đơn cáo buộc cảnh sát kinh tế Campuchia dùng súng AK ép người dân đưa tiền vào năm 2001

Trường học mang tính hình thức, là tụ điểm cho nhà hảo tâm ?

Ở Chong Kneas có một số trường học, trong đó đặc biệt là trường học tình thương do Quân khu 7 xây dựng ngay trong khu nhà thuyền nổi của người Việt.

Tuy nhiên người dân mà tôi tiếp xúc phản ánh rằng trường học hoạt động như một tụ điểm thu hút nhà hảo tâm hơn là đầu tư vào việc dạy học.

tonlesap9

Cả khuôn viên trường thực ra là một dãy nhà thuyền nối lại, trôi nổi giữa Biển Hồ. Màu xanh dương rực khiến nó trở thành một cảnh quan du lịch bất đắc dĩ

"Trường học này để kinh doanh mà thôi mà không dạy con em gì đâu, chỉ là để các nhà hảo tâm đến đưa tiền chia nhau ăn.

Vậy đi học thì có tốn tiền không ? Tôi hỏi.

"Học không đóng tiền, nhưng tốn tiền đò rồi để cho nó làm từ thiện. Nó bảo các nhà hảo tâm, nó nuôi 300 em học sinh, hảo tâm nghe êm quá. Nó có nuôi mà nuôi phần nào thôi", ông Chi cho biết.

"Tụi tôi sống trong vùng chiến tranh đã dốt rồi, giờ muốn cho con đi học chữ, học mà không biết chữ thì cũng làm cái gì đâu", ông Chi nói thêm.

Mong nhà nước Việt Nam, Campuchia chọn 'người có tài, có đức' giúp dân

Khi được hỏi liệu họ đã phản ánh các vấn đề này và giấy tờ tường trình với chính quyền và tổng hội để giải quyết chưa, một người dân xin giấu tên cho biết : "Họ không có giúp đỡ gì hết. Họ có cấm tụi tôi làm mấy đơn này. Đây là tụi tôi làm lén đó. Họ nói nếu làm thì sẽ bắt tôi bỏ tù".

Phương án quay về Việt Nam cũng không khả thi đối với nhiều người dân.

"Về Việt Nam làm sao mà về, làm sớm mai ăn chiều, hết rồi, làm chỉ đủ ăn. Về không có miếng đất, không có nhà sao ở. Nhà nước Việt Nam có lệnh kéo về là đi liền, kẹt là anh em chúng tôi không có tiền", ông Chi nói.

"Nghề cá nó vô chừng. Một năm trúng vài ngày, còn lại đủ sống qua ngày, bữa nay 30-40 ngàn, bữa sau 20-30 ngàn Riel (1000 Riel bằng khoảng 5.500 VND). Có khi chạy lỗ xăng, giông gió…"

"Anh em sống là nhờ cái chi hội. [Trái] phải gì cũng phải nhờ chi hội can thiệp. Mà chi hội không can thiệp, chỉ chờ đón khách hảo tâm để chia tiền. Mà đâu phải gần đây, gần 20 năm nay rồi, anh em chúng tôi sống rất gian nan.

"Tôi cũng mong muốn nhà nước Việt Nam, Campuchia phối hợp thay đổi thầy giáo mới, có đức dạy cho các em học sinh, để đám này dạy hoài thì nó vẫn dốt như trước thôi".

"Tôi chỉ mơ ước nhà nước Campuchia và Việt Nam hợp tác dẹp người ác, còn người có đức có tài, để anh em sống bình yên. Còn nếu cứ để cái chi hội này hoài, bầu lên những người ác độc thì sẽ đi về Việt Nam nữa", ông Chi nói.

"Tức quá về Việt Nam ăn xin cũng đi nữa", bà Hà, một người dân cũng có mặt hôm đó, tiếp lời.

Hôm 27/12, ông Châu Văn Chi cho chúng tôi biết thêm về các cáo buộc của người dân về ông Đầy và ông Thanh, Chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt :

"Tôi nghĩ mấy người cũng là người dân bình thường. Với vai trò của hội sao có quyền mà bắt người, làm tiền bà con được đâu. Thông tin này phải xem xét lại".

Nếu thành viên tổng hội thực sự vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào ? Tôi hỏi.

Ông Chi đáp : "Tùy theo mức độ nặng nhẹ như thế nào, tùy theo điều lệ. Những anh em tham gia công tác của hội mà có sơ suất, làm những việc không đúng quy chế của hội sẽ bị nhắc nhở lần thứ nhất. Đến lần thứ nhất không sửa chữa thì xóa tên trong danh sách cán bộ hội. Còn sai với luật pháp thì có chính quyền cơ quan ban ngành có thẩm quyền xử lý đúng theo pháp luật".

Khi được hỏi về hàng trăm lá đơn tường trình và khiếu nại của người dân về các vụ việc sai phạm xảy ra từ 20 năm nay, ông Chi nói :

"Nếu bà con có sự việc gì không đúng thì nên làm tường trình kiến nghị gửi lên các cấp hội, theo điều lệ dưới sự chỉ đạo của tập thể ban chấp hành. Kể cả chủ tịch, phó chủ tịch mà làm sai thì theo điều lệ hội ban chấp hành sẽ có những biện pháp xử lý".

"Ông Đầy chỉ là một phó chủ tịch của tỉnh. Ban chấp hành thì trên 10 người lận. Ở Siem Reap thì có văn phòng của tỉnh hội. Nếu bà con khiếu nại khiếu kiện lên ông Võ Văn Đầy mà ông không nhận thì bà con có thể mang lên chỗ văn phòng của tỉnh hội, thì tỉnh hội người ta sẽ xác minh lại rồi người ta xem có đúng không nếu bà con đúng thì sẽ có ủy ban thường trực cấp tỉnh để có giải quyết".

"Nếu ủy ban thường trực ở tỉnh hội đó không giải quyết, thì chuyển cái đơn đó lên cho tổng hội thì tổng hội sẽ giải quyết".

tonlesap10

Một thông báo trong một lớp học ở Trường Tiểu học Việt Nam do Quân khư 7 xây dựng

Còn về trường học cho các em nhỏ thì ông Chi cho rằng người dân đã không nắm rõ tình hình tài chính của hội :

"Hội ta thì hiện không có nguồn tài trợ nào mà hội ta là tự tạo, tự lập ra để làm sao tập hợp được bà con, tuyên truyền vận động tốt theo luật pháp Campuchia, xây dựng trường lớp dạy tiếng Khmer, tiếng việt chỉ để là mục đích là để xóa nạn mù chữ".

"Điều kiện hoàn cảnh của hội chưa có để thành lập trường chính quy được, chỉ có tại Phnom Penh có một điểm trường là cấp tiểu học. Còn ở các tỉnh chỉ mở ra các lớp học hỗ trợ con em xóa nạn mù chữ. "

"Tuy được sự hỗ trợ của quân khu 7 xây dựng trường và giao lại cho tỉnh hội thì trách nhiệm của tỉnh hội là trả lương cho giáo viên và chăm cho khoảng mấy trăm cháu ăn và ăn ba bữa một ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp mà chỉ là khách tham quan thì ta không có một nguồn nào khác để nuôi giáo viên, lo cho các cháu ăn ba buổi".

Ông Chi cho biết, đôi lúc không đủ nguồn tài trợ thì phải đi vận động ở Phnom Penh để tiếp tục.

Thùy Linh

Nguồn : BBC, 29/12/2017

Published in Văn hóa

Tin tức chính quyền Campuchia sẽ 'tước quốc tịch' của 70 nghìn người gốc Việt đã gây ra nhiều hoang mang cho Việt kiều sinh sống tại vương quốc làng giềng.

cam1

Ông Trần Văn Long (bìa phải) và gia đình bên căn nhà thuyền trên hồ Tonle Sap ở tỉnh Kampong Chhnang

Phóng viên Thùy Linh của BBC Việt Ngữ sau đó đã có một chuyến đi năm trong tháng 12/2017 ngày đến đất nước Chùa Vàng, để tìm hiểu về chính sách gây nhiều tranh cãi này :

Thu hồi giấy tờ cũ kết hợp cấp giấy tờ mới

Ông Trần Văn Long, một người dân sinh sống ở tỉnh Kampong Chhnang, cho phóng viên BBC biết, hôm 4/12 ông đã giao nộp quyển Sổ Cư Trú mà gia đình ông đăng ký cách đây 20 năm và nhận lại một biên bản ghi nhận.

Tuy nhiên Thẻ Ngoại kiều, Giấy chứng nhận Ngoại kiều và biên bản đóng phí ngoại kiều ông Long và gia đình có được sau khi làm thủ tục đăng ký ngoại kiều năm 2016 thì không bị thu hồi.

Thực ra, vào cuối tháng 8/2014, chính phủ Campuchia đã tiến hành một cuộc tổng khảo sát điều tra dân số người gốc Việt ở nước sở tại. Và ngay sang năm 2015, Campuchia tiến hành chương trình đăng ký ngoại kiều cho nhiều người gốc Việt, và ông Long và gia đình ông là một trong số đó.

Ông Long cho phóng viên chúng tôi thấy biên lai đóng phí ngoại kiều 250.000 riel vào tháng 8/2015 và sau đó vào 2016 và 2017, ông và vợ được cấp Giấy Chứng nhận Ngoại kiều và một Thẻ Ngoại kiều, được coi như là thẻ căn cước với ảnh thẻ và thông tin cá nhân.

Nhưng khi đó, chính phủ Campuchia không thu hồi giấy tờ cũ, mà theo Chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt Nam Châu Văn Chi, mục đích của Nghị định 129 ban hành năm 2017 là để tiến hành công tác này.

Cũng theo ông Chi, người gốc Việt trên 18 tuổi làm thủ tục đăng ký ngoại kiều sẽ phải đóng phí 250,000 riel hai năm một lần để gia hạn Giấy chứng nhận và Thẻ Ngoại kiều.

Sau ba lần, tức đến năm thứ 7 thì sẽ có thể bắt đầu đăng ký nhập tịch Campuchia nếu có nguyện vọng.

Có nghĩa là trên lý thuyết, trong trường hợp của ông Long, nếu đã đóng phí lần một vào 2016, ông sẽ đóng lần hai vào năm 2018 tới đây và tiếp tục đóng vào 2020. Đến năm 2021 thì ông có thể đăng ký nhập tịch Campuchia. Theo phát hiện của BBC thì đây là thông tin mà nhiều người dân gốc Việt đều không biết rõ.

Thêm vào đó, khoản phí 250.000 riel, tương đương 1,4 triệu Việt NamD là quá khả năng chi trả của phần lớn người gốc Việt đang sống gần như ở "tầng đáy xã hội" ở Biển Hồ.

Tổng hội sẽ 'nỗ lực để giúp đỡ tất cả bà con'

Ông Châu Văn Chi, cho BBC biết rằng Tổng hội đã vận động các nhà doanh nghiệp và nhà hảo tâm giúp đỡ cho 10.000 người dân ở 25 tỉnh thành và đang tiếp tục vận động để hỗ trợ khoản phí này.

Khi chúng tôi kiểm tra lại với ông Long thì ông cho biết ông không phải trả khoản phí này mà "quan chức Campuchia trả cho" dù ông không biết tiền đến từ đâu.

Trước đó, ông Trần Nhân Tuấn, một người dân ở tỉnh Kampong Chhnang đã thay mặt người dân viết đơn gửi lên các bộ ban ngành và các tổ chức quốc tế để xin hỗ trợ bà con với khoản phí này.

Nhưng ông Chi cho biết ông "không hiểu lá đơn của ông Tuấn và không biết rõ, nhưng tổng hội sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ cho tất cả bà con".

Một số người dân khác thì bức xúc cho rằng họ đã sống ở Campuchia hàng chục năm qua, đã đóng quá nhiều phí, nhiều lần cho nhiều loại giấy tờ khác nhau hàng chục năm qua, bây giờ tất cả các loại giấy tờ cũ trở nên mất hiệu lực và họ phải làm lại từ đầu kèm theo một khoảng phí "chua chát".

Luật sư Lyma Nguyễn, một trong những người soạn thảo bản Báo cáo về Tình trạng pháp lý của người gốc Việt ở Cambodia năm 2012 thì cho biết, phải xét theo trường hợp của từng cá nhân, tùy vào thời điểm họ sinh ra để áp dụng loại luật nhập cư phù hợp.

Trong báo cáo này, có chỉ ra một trường hợp người Việt sinh năm 1954 ở Campuchia, mà các tác giả cho rằng người này đáng lẽ phải là công dân Campuchia theo Bộ luật Quốc gia dưới chế độ Bảo hộ Pháp năm 1934.

Nhiều giấy tờ mà người dân cung cấp cho phóng viên chúng tôi cũng đã bạc màu, nhoè chữ hoặc thất lạc. Cho dù các pháp lệnh nhập cư cũ còn được tôn trọng và áp dụng, cũng rất khó có thể có được thông tin đầy đủ cho tất cả 70,000 người với tình trạng giấy tờ khác nhau.

Ông Chi nói những giấy tờ này "không phải là không hợp lệ nhưng hiện giờ chính phủ Campuchia cho là bất thường" nên phải làm lại. Còn những người đã có giấy tờ mới mà có "giấu hiệu bất thường" cũng sẽ phải làm lại.

Người gốc Việt chỉ muốn 'có được giấy tờ hợp pháp'

cam2

Người dân chỉ muốn có giấy tờ hợp pháp những họ cũng không muốn đóng thêm các khoản phí và đăng ký giấy tờ mới nếu không đem lại kết quả.

Nhiều người gốc Việt sinh sống ở vùng Biển Hồ chia sẻ họ chỉ muốn ổn định về mặt giấy tờ để sống hợp pháp và có thể được hưởng các chế độ an sinh xã hội như những công dân Campuchia.

Với những người dân còn sống lênh đênh trên mặt nước Biển Hồ, việc được cấp giấy tờ hợp pháp còn có nghĩa họ có thể mua đất, vay ngân hàng và cải thiện cuộc sống.

Tất cả đều không muốn đóng thêm các khoản phí và đăng ký giấy tờ mới nếu không đem lại kết quả.

Vì vậy, mối bận tâm lo lắng hiện tại của nhiều người gốc Việt là liệu Tổng hội có thể đủ khả năng hỗ trợ hết cho tất cả 70,000 người dân, trong vòng 7 năm hay không ?

Và quan trọng nhất là liệu sau 7 năm, chính phủ Campuchia có thực sự hợp pháp hoá, và công nhận quốc tịch Campuchia cho họ hay không ?

Thùy Linh

Nguồn : BBC, 22/12/2017

Published in Diễn đàn