Làm đặc khu phải theo nguyên lý "dọn tổ đón phượng hoàng".
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh minh họa
Tôi sinh tại Sài Gòn nhưng lớn lên và trưởng thành ở Đà Lạt, nơi được mệnh danh là Little Paris. Nửa phần đời kế tiếp, cái mảnh đời của kẻ tha phương cầu thực, tôi thường chỉ sống quanh quẩn ở hai thành phố : San Jose và Westminster (California) nơi còn được gọi là Little Saigon. Thỉnh thoảng, tôi có bay sang tiểu bang Florida thăm bà chị (cả) nên cũng có ghé qua Little Havana – đôi bận.
Cứ tưởng thế giới chỉ có vài ba cái "little" nho nhỏ vậy thôi (Petit Paris, Petit Saigon và Petit Havana) nhưng không phải thế. Năm rồi, đi lòng vòng qua Malaysia và Singapore mới biết có Little India ở cả hai quốc gia này.
Tháng trước, tôi lại vừa có dịp ghé Little Macao. Nói vui vậy thôi, chứ cái tên mới toanh này là do tôi vừa "sáng tác", chứ thật sự (và nguyên thủy) nó được gọi là Kampong Som hay còn được biết đến rộng rãi hơn là Sihanoukville – Krong Preah Sihanouk.
Theo ước tính chung thì đến cuối năm 2018 đã có trên 70 sòng bạc ở Sihanoukville. Còn theo tôi (sau nửa ngày chạy xe gắn máy lòng vòng trong thành phố cảng này) chắc dễ phải tới hơn trăm chứ không thể ít hơn, nếu kể luôn mấy cái casino nho nhỏ nữa. Con số này, tất nhiên, sẽ còn tăng đều đều trong những ngày tháng tới. Lý do, được nữ ký giả Hannah Ellis-Petersen giải thích như sau :
"Các chủ sòng bài người Hoa cũng lợi dụng việc chưa có luật lệ về các sòng bạc và sự thiếu vắng của luật chống rửa tiền để thiết lập một vương quốc, nơi chỉ có người nước ngoài được vào – bởi vì cờ bạc vẫn là bất hợp pháp đối với người Căm bốt".
Chinese casino owners have also taken advantage of the nonexistent gambling regulation and lax money-laundering laws to set up an empire that is accessible only to foreigners – because gambling is still illegal for Cambodian locals" (1).
Nhà báo Philip Dubow cũng lên tiếng bầy tỏ sự quan ngại : "Mặc dù khá rõ ràng là BRI và hoạt động bất hợp pháp sẽ liên kết với nhau theo cách nào đó, nhưng hầu như chưa có nghiên cứu nào nhằm định lượng hay định tính và xác định quy mô của mối quan hệ này.
Although it is fairly self-evident that the BRI and illicit activity are somehow connected, barely any research has been conducted to quantify or qualify the nature and magnitude of these relationships (2).
Sáng đầu tiên ở Kampomg Som, tôi choàng thức dậy trong một cái resort bình dân không phải nhờ tiếng chim kêu hay vượn hú gì ráo trọi mà vì tiếng động bất ngờ và ầm ĩ của một cái building đang thi công kế cạnh. Từ đây ra bãi biển Otres (khoảng cách chưa tới hai cây số) tôi đếm được thêm chừng mười cái cao ốc đang xây cất dở dang. Xen cạnh là khoảng chục restaurant và supermarket của người Hoa – đỏ rực bảng hiệu tiếng Tầu – nằm san sát hai bên con đường lỗ chỗ ồ gà, mịt mù bụi bặm, và ngập ngụa rác rưởi.
Sihanoukville : ảnh (tnt) 2019
Trên trang Trip Advisor , một du khách từ Đài Loan cũng vừa buông đôi lời cay đắng về những bãi biển (vốn nổi tiếng êm đềm và thơ mộng) Otres như sau :
"Nếu bạn muốn dành kỳ nghỉ của mình trong rác và các công trường xây dựng thay vì cát trắng, nếu bạn muốn ngửi không khí hôi thối, cháy và ô nhiễm cao thay vì một làn gió tươi mát, nếu bạn muốn tắm trong nước thải ô nhiễm thay vì sạch nước biển HOẶC nếu bạn thực sự muốn đi du lịch đến Trung Quốc - hãy đến Sihanoukville và những bãi biển của nó - và tự lãng phí !! ".
If you want to spend your vacation in garbage and construction sites instead of white sand, if you want to smell stinky, burnt and highly polluted air instead of a fresh breeze, if you want to bath in polluted waste water rather than turquoise fresh clean ocean water OR if you actually wanted to travel to China - go to Sihanoukville and its beaches - and get wasted yourself !! (3).
Tôi không rành tiếng Anh, tiếng Mỹ gì cho lắm nên đoán (loáng thoáng) là tác giả của đoạn văn thượng dẫn có ý mỉa mai rằng chả cần gì phải đến tận Trung Hoa Lục Địa làm chi – cho má nó khi – chỉ cần ghé qua Sihanoukville là cũng nhìn ra ngay bộ mặt của cái nước Tầu.
Ông (hay bà) Trung Hoa Quốc Gia nào đó e có vì "chống cộng cực đoan" mà quá lời chăng ?
- Dạ, không đâu !
Những tiệm ăn Tầu mà tôi ghé qua ở Sihahoukville thực đơn hoàn toàn ghi bằng tiếng Hoa, không xen lẫn một dòng chữ của bất cứ thứ ngôn ngữ nào khác cả. Tôi sống sót được sau vài ngày ở đây chỉ là nhờ vào may mắn. May mà còn có mấy bức ảnh in hình tô hoành thánh, đĩa cơm vịt quay, hay heo quay dán sẵn trên tường. Chứ không thì phen này "ngộ" dám chết đói như không, chứ chả phải chuyện đùa !
Sihanoukville : ảnh (tnt) 2019
Thức ăn không dở nhưng quá mắc, 6 USD cho một đĩa cơm gà Hải Nam nho nhỏ. Tôi "chuyên trị" cơm gà nên biết chắc rằng nó mắc gấp đôi Singapore, gấp ba Bangkok, và gấp bốn so với Phnom Penh hoặc Yangon. Trong khi tiền lương trung bình của một công nhân ở Sihanoukville chỉ cỡ 10 USD mỗi ngày. Bởi vậy, tuy không có bảng cấm nhưng dân Cambodia chả mấy ai "dám" hẻo lánh đến đây.
Người Trung Hoa cũng ở biệt lập trong những khách sạn sang trọng, hay những khu chung cư cao cấp. Ngoài tiệm ăn, họ còn có chợ riêng, và chỉ chia chung với người bản xứ mấy con suối nước đen lừ đừ và lềnh bềnh rác rưởi.
Sihanoukville là cảng nước sâu duy nhất của Cambodia, và được xem là một trọng điểm trên lộ trình (一带 一路 / nhất đới, nhất lộ) mang đầy tham vọng của Tập Cận Bình. Hàng tỉ Mỹ Kim đã đổ vào đây nhưng không một cắc nào đầu tư cho cơ sở hạ tầng, và cũng chả có mấy đồng rơi vãi vào tay người dân địa phương – nếu họ không thuộc giới quan chức có đủ thẩm quyền để nhận tiền (hối lộ) hay không phải là chủ đất có nhà cho thuê.
Cạnh những công trình kiến trúc hoành tráng là mấy mái tôn lụp xụp, và len lách giữa đám xe du lịch đắt tiền (đậu trước những casino tráng lệ) là những đứa bé phải nhặt rác để mưu sinh – thay vì cắp sách đến trường.
Sihanoukville : ảnh (tnt) 2019
Dù chỉ là thiểu số, khoảng 20/25 phần trăm gì đó, hiện nay người Tầu mới là chủ nhân đích thực của Sihanoukville. Qúi vị tân chủ nhân của thành phố này – xem chừng – không hề muốn giao tiếp thân thiện gì với người dân bản xứ, và cũng chả mảy may quan tâm chi đến môi trường sống xung quanh. Dường như họ có cái khả năng thiên phú là có thể ăn và ỉa ngay cùng một chỗ.
Sihanoukville : ảnh (tnt) 2019
Cách ăn ở vô hậu này, tất nhiên, khiến dân Cambodia rất đỗi bất bình. Tuy thế, đám người Trung Hoa ở Sihanoukville vẫn được ông Thủ Tướng Hun Sen dang rộng vòng tay đón chào và ôm ấp. Còn ở Việt Nam thì họ được qúi vị lãnh đạo của xứ sở này mô tả là một loài chim qúi và đang sẵn sàng dọn tổ để "chào đón phượng hoàng", với niềm tin rằng "một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng." Những người không chia sẻ "niềm tin" này, và biểu tình phản đối, đều đã bị tuyên án và giam giữ.
Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Center for Global Development - CGD) đã báo cáo rằng ít nhất là 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án BRI – Belt and Road Innitiative. Cùng lúc Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và xã hội, Đà Nẵng) vừa bị kỷ luật và khai trừ khỏi Đảng cộng sản Việt Nam vì những lời cảnh báo của ông :
"Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành lưu dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá… Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không thèm làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình".
Đ... má tụi bay, "chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ" mà. Cứ rước chúng nó vô đi rồi cả nước sẽ khóc bằng tiếng Tầu luôn !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 03/04/2019 (tuongnangtien's blog)
(1) "No Cambodia left : how Chinese money is changing Sihanoukville". The Guardian 31 Jul 2018 translated by Bùi Xuân Bách.
(2) " Examining Crime and Terrorism Along China’s Belt and Road. The Diplotmat 8 Mar 2019 translated by Phạm Nguyên Trường.
(3) Trip Advisor , Otres.
BOT đặt sai vị trí là ăn cướp
FB Nho Vu
BOT đặt sai vị trí là ăn cướp
Tôi tạt ngang qua Kuala Lumpur đôi ba lần. Lần nào cũng ngụ ở Phố Tầu vì giá nhà trọ rẻ, lại cạnh bến xe, rất tiện cho việc đi lại và ăn uống. Gần cuối con đường lớn có tiệm Nam Heong Chicken Rice Chinatown, khai trương từ năm 1938, khách khứa lúc nào cũng ra/vào tấp nập.
"Chắc ngon, ngon chắc". Tôi tưởng vậy. Thiệt là Tưởng Tầm Bậy. Cũng tạm được thôi, chớ thua cơm gà Hải Nam (San Jose) hay Nam An và Tasty Garden (Westminster) ở California xa lắc. Chỉ được cái là tiền bạc rất nhẹ nhàng : mỗi phần ăn chỉ cỡ 3 Mỹ kim thôi là no chết mẹ luôn !
Chợ Nhà Lồng, tên chính thức là International Foods Center, cách đó chừng vài trăm mét cũng vậy. Mọi thứ cũng rẻ rề hà. Họ có khoảng hai chục quầy thức ăn của nhiều quốc gia lân cận : Thai, India, Indonesia, China, Pakistan… đủ mặt. Bia bốc thì đủ loại (Tiger, Leo, Heineken, Carlsberg, Chang, Singha, Asahi...) với giá cả vô cùng nhân nhượng.
Với cái nóng ngày hè ở Kuala Lumpur, tôi có thể ngồi trong cái chợ bình dân này và uống (tì tì) từ chiều cho tới khuya luôn. Sau vài năm "cải tạo", tôi trở nên rất tiện tặn về thực phẩm. Không bao giờ dám bỏ thừa thức ăn, và cũng chả dám gọi một thứ gì hơi có vẻ mắc tiền (ăn cái gì mà không được, có ăn là quí rồi) nhưng với rượu bia thì vẫn vô cùng hào phóng.
Tuy thế, tôi chưa bị bạn hàng nơi đây "chặt đẹp" lần nào ; "chặt nhẹ" cũng không luôn. Nói chung là không có nạn chặt chém tại xứ sở này, ngay cả ở chợ trời họ cũng không mấy khi nói thách.
Mấy người chạy bàn cũng thế. Họ chỉ vui vẻ nhận tiền số tiền tip hậu hĩnh cho một hay hai chai bia đầu tiên thôi. Sau đó – nam cũng như nữ – các em đều (cười cười) thân mật rồi nhẹ nhàng đút lại mấy tờ giấy bạc vào túi áo của tôi, với ánh mắt có thể đọc thành lời : "Thôi về ngủ đi cho khỏe tía ơi, ông say hết biết luôn rồi, tiền chớ bộ giấy sao mà cho hoài và cho nhiều dữ vậy !".
Tôi yêu quí nước Mã Lai không chỉ vì ông Thủ tướng Mahathir Mohamad (người vừa dõng dạc yêu cầu Trung Quốc xác định "cái gọi là quyền sở hữu" nhận vơ của họ ở Biển Đông) mà còn vì những công dân thuần hậu và bao dung của họ. Hồi cuối thế kỷ trước, 250 ngàn người Việt Nam tị nạn cộng sản đã tìm đến đất nước này và tất cả đều được đón chào. Tôi đã định sẽ viết vài trang sổ tay để tỏ chút lòng tri ân nhưng chỉ mới "định" thế thôi thì đã xẩy ra một "sự cố" đáng buồn – theo bản tin của báo Tuổi Trẻ, đọc được hôm 9 tháng 2 năm 2019 :
"Đoàn khách Malaysia bị 'chém' 500.000 đồng/phần trứng xào cà chua tại Nha Trang… Trong hai ngày qua trên mạng xã hội lan truyền một hóa đơn của nhà hàng này với mức giá ‘cắt cổ’. Theo hóa đơn này, món trứng xào cà chua giá đến 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần...".
Nói nào ngay thì Nha Trang không phải là nơi duy nhất có những vụ cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày như thế. Du khách ở bất đâu, đến địa phương nào thì cũng vậy – nếu không "lãnh búa" thì cũng "lãnh dao" thôi :
- Táo tợn nạn trấn lột du khách nước ngoài tại trung tâm Thủ đô Hà Nội
- Du khách khốn khổ vì nhóm 'đánh giày trấn lột' giữa Sài Gòn
- Huế : Nạn "chặt chém" làm xấu môi trường du lịch Cố đô
- Tài xế taxi chặt chém du khách 6 triệu đồng cho quãng đường 4km
- Thành phố Hạ Long là điểm du lịch hàng đầu miền Bắc, tuy nhiên … nhiều du khách phản ánh tình trạng bị chặt chém
Ảnh : Soha
Mọi người Việt (ông chủ tiệm ăn, bác tài xế taxi, chú đạp xích lô, bà bán hàng rong, em bé đánh giầy…) đều hành sử y hệt như nhau : chém thẳng tay. Tại sao vậy ?
Tôi trộm nghĩ đây chả qua là một cách "trả thù đời". Người dân Việt bị nhà nước hiện hành bóc lột kỹ quá nên xoay ra trấn lột du khách để... kiếm thêm chút đỉnh, bù đắp cho sự thiếu hụt thường xuyên của họ. Hậu quả, nhãn tiền, theo báo cáo Tổng Cục Du Lịch Việt Nam : "80% du khách đi luôn, không dám quay trở lại !"
Tệ trạng này không xẩy ra ở Malaysia vì nhiều lẽ :
Lợi tức trung bình của dân Mã Lai (vào năm 2018) là 10.703 Mỹ kim, nhiều gấp bốn lần dân Việt. Một quả trứng gà ở Malaysia cũng không phải cõng đến 14 thứ phí, như ở Việt Nam. Người Việt còn phải chịu hằng trăm loại thuế má rất nặng nề qua từng lít xăng, từng cái bóng điện thắp sáng hằng đêm, từng hạt gạo trong bữa cơm hằng ngày... Khi đã bị dồn vào cảnh bần cùng thì dân tộc nào cũng có thể trở nên đạo tặc cả.
Thêm một "lẽ" nữa : BOT bẩn.
Đoạn đường từ Kuala Lumpur sang đến Singapore dài 350 km, và phải qua hai trạm thu phí. Mỗi lần 5 RM – gần 2 USD – nhưng tài xế chìa thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng ("Cấm ngừng quá 5 phút") như ở Việt Nam. Tính ra thì cứ trung bình 125 km xa lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ kim) dù họ đã đóng thuế lưu hành.
Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và ai cũng nhìn thấy được nên không ai phản đối hay phàn nàn gì ráo. Xa lộ rộng đến sáu làn. Xe chạy êm ru. Dải phân cách, ở nhiều đoạn, được trang điểm bởi đủ thứ loài hoa : phượng đỏ, phượng vàng, hoa giấy trắng, hoa giấy mầu xác pháo, hoa giấy mầu cá vàng …
BOT ở Việt Nam thì "vận hành" kiểu khác – theo (nguyên văn) lời của Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao :
"Các dự án BOT của chúng ta chủ yếu là làm trên nền đường cũ, láng lại theo kiểu ‘tráng men’, mở rộng ra một chút rồi thu phí của dân. Mức phí đặt ra cao ngất ngưởng, kéo dài hàng chục năm nhưng người dân không biết, không kiểm soát được mức độ đóng góp của nhà đầu tư như thế nào. Cái đó dường như nằm trong hợp đồng bí mật giữa Bộ Giao thông và vận tải và chủ đầu tư".
Loại "hợp đồng bí mật" này được FB Nguyễn Tiến Tường mô tả là sự "giao duyên hắc ám" giữa hai thế lực đen và đỏ để "đánh thẳng vào dân với những cái BOT vô lý từ vị trí đến giá cả và thời hạn, chặn dân mãi lộ một cách công khai và tự đặt cho mình quyền riêng cao hơn cả pháp luật".
Khi nhà nước đã mặt dầy mày dạn chống lưng cho thế lực đen để thiết lập "những cái BOT vô lý từ vị trí đến giá cả và thời hạn, chặn dân mãi lộ một cách công khai" như thế thì nhà hàng ngại gì mà không trấn lột khách du lịch đến tự nước ngoài ? Đám tài xế taxi, xích lô, bán hàng rong, đánh giầy … cũng chả dại gì mà không nhẩy vô kiếm (thêm) chút cháo ?
Ảnh : nhanammedia
May mà dân Việt vẫn còn nhiều người tỉnh táo, can đảm, và họ đã hành sử theo cách khác – tích cực hơn nhiều. Hiện đang có phong trào giám sát và truy tầm BOT bẩn, theo tường trình của blogger Mặc Lâm :
"Tập trung thành nhiều nhóm nhỏ chia ra theo dõi suốt ngày đêm bằng cách ‘đếm’ số lượng xe chạy ngang trạm BOT và ghi xuống nhằm đối chiếu, làm căn cứ gửi thẳng cho Bộ Giao thông và vận tải. Việc làm cực kỳ khó khăn và không kém phần gian khổ của họ đã khiến xã hội quan tâm và động viên bằng cách tham gia tùy theo giờ giấc rảnh rỗi của từng người, nấu ăn mang tới cho người ngồi đếm xe, đưa tin hàng ngày lên mạng xã hội cho mọi người theo dõi"…
Tất nhiên, cả thế lực đen lẫn thế lực đỏ đều có những phản ứng quyết liệt vì quyền lợi của họ đã bị dòm ngó và đụng chạm. Blogger Từ Thức mỉa mai : "Mất thêm biển đảo sẽ ‘quan ngại’ sau. Chuyện khẩn cấp bây giờ là chiến đấu chống kẻ thù đang đe dọa mấy cái BOT". Blogger Pham Doan Trang báo động :
Từ việc đổ cho đảng Việt Tân tổ chức hoạt động đếm xe ở BOT Ninh Lộc, đến việc hành hung lái xe Hà Văn Nam và sáng nay (05/3/2019) là bắt giữ anh Nam với tội danh ngụy tạo ‘gây rối trật tự công cộng’, công an đang cho thấy một số thực trạng nguy hiểm :
- Sự hợp tác chặt chẽ, sâu rộng giữa chính quyền và nhóm lợi ích (tư bản đỏ).
Công an, viện kiểm sát, tòa án, báo chí sẵn sàng trở thành lính đánh thuê cho phe nhóm nào có tiền …
Cuộc chiến chống BOT bẩn, chống nhóm lợi ích đỏ hẳn sẽ phải kéo dài".
Đúng thế. Rất dài, và rất gian nan vì để sinh tồn dân Việt đang phải chống lại cả một bộ máy nhà nước bẩn thỉu đang dung dưỡng đủ loại tệ trạng xã hội – chứ chả riêng gì BOT.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/03/2019 (tuongnangtien's blog)
Thế sự xác rồi còn đốt pháo
Tú Xương
Nhà văn Bá Dương có cái tật xấu là hay viết những điều không tốt lành gì mấy về đồng bào mình : "Nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp".
Nhận định tiêu cực này được rất nhiều người, nhất là người Việt, nhiệt liệt tán đồng. Tác phẩm Người Trung Quốc Xấu Xí của ông được dịch giả Nguyễn Hồi Thủ chuyển sang Việt ngữ, và bán chạy như tôm tươi.
Trong số độc giả ái mộ Bá Dương, tôi đoán, chắc phải có nhà báo Ngô Nhân Dụng – tác giả của đoạn văn sau :
"Ở Việt Nam bây giờ, trong quán có mấy người cao hứng nói lớn tiếng, tranh nhau nói lấy được, không ai nhường ai, át giọng tất cả mọi người. Lúc đó, chỉ cần một người can ngăn : ‘Ông ơi, đừng nói lớn quá ! Người ta tưởng bọn mình người Trung Quốc’ ! Nhắc nhở vậy đủ rồi ! Người đang cười nói oang oang bỗng đỏ mặt, cái miệng tự đạp thắng, hạ thấp tần số vừa đủ nghe"!
Nói nào ngay thì chả riêng gì Ngô Nhân Dụng mà chính tôi cũng thế, cũng nghĩ về người Trung Hoa với ít nhiều méo mó cùng ác cảm. Thành kiến này, của riêng tôi, chỉ vừa mới "sụp đổ" hôm qua.
Chính xác hơn là đêm qua, sau một chuyến xe đò đường dài – từ Kuala Lumpur đến Singapore – tôi mệt rã rời nên lấy phòng khách sạn xong là lăn ra ngủ say như chết. Mở mắt dậy thì đã khuya, bụng đói, tôi lò dò vào một tiệm ăn đèn đuốc vẫn còn sáng trưng. Vừa ngồi xuống ghế, đã thấy ngay bên cạnh mình là hình một tô hoành thánh mì, cùng dòng chữ song ngữ (Please Keep The Volume Down While Eating After 10:30 PM) dán ngay trên tường.
Ảnh chụp 2019
Thảo nào mà quán đông nhưng không ồn. Hoá ra không phải lúc nào người Tầu cũng tía lia và um xùm như thiên hạ vẫn tưởng. Có nơi, và có lúc, họ cũng ăn nói nhỏ nhẹ bình thường như đa phần nhân loại. Dân Việt Nam thì xem chừng hơi khác, nhất là cái dàn lãnh đạo của đất nước này. Họ nổ long trời, và nổ đều đều – ở khắp mọi nơi – trong mọi tình huống (bất kể giờ giấc) khiến cả thế giới đều bị… ù tai :
- Nguyễn Phú Trọng : "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không ?".
- Nguyễn Thị Kim Ngân : "Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm Châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước".
- Nguyễn Xuân Phúc : "Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam".
- Nguyễn Mạnh Tiến : "Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới".
- Nguyễn Thành Phong : "Đủ cơ sở để thành phố Hồ Chí Minh vào top 10 thành phố đẳng cấp của thế giới".
- Nguyễn Mạnh Hùng : "Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0".
Nguyễn Xuân Thắng : "Việt Nam giúp Đức ‘tìm lại những mặt ưu việt’ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây".
Thực là một tấc đến Giời. Mà đó là mới điểm sơ vài vị họ Nguyễn thôi, chớ gộp chung bá tính lại thì chắc mệt chết luôn. Giấy mực đâu ra mà ghi cho hết. Giới lãnh đạo đã lớn tiếng rồi mà đám truyền thông còn chuyên việc "khuếch âm" nữa nên khó tránh được những vụ nổ chát chúa ("vượt bức tường âm thanh") như vừa xẩy ra ở báo Thanh Niên : "Việt Nam trung tâm hòa giải quốc tế".
Nổ tới cỡ đó thì có lẽ ngay cả đến Chúa/Phật cũng phải nổi khùng, chớ đừng nói chi tới đám facebookers :
- Ngô Thanh Tú : "Trung tâm hòa giải quốc tế con mẹ gì, toàn là lũ thủ dâm tinh thần thôi".
- Ngô Nhật Đăng : "Bệnh đã đến giai đoạn bốc mùi xú uế nồng nặc. Mỗi việc phải hòa giải với nhân dân mà bao nhiểu năm đảng chưa làm được".
- Vĩnh San : "Chắc chắn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có giải Nobel Y học nếu như có ai đó chữa khỏi bệnh ‘nổ’ cho các bác lãnh đạo".
- Nguyễn Văn Đài : "Đây là chứng hoang tưởng tự cao"
Tôi vô cùng tiếc là không thể đồng tình với quan điểm của các vị thức giả thượng dẫn. Theo tôi thì đám lãnh đạo cộng sản Việt Nam chả có ai bị bệnh tật hoang tưởng gì ráo trọi. Tất cả đều "nổ" như nhau, theo đúng truyền thống và phương châm chỉ đạo ("mồm miệng đỡ chân tay") thôi.
Cha đẻ của chế độ hiện hành, Hồ Chí Minh, là kẻ đã khai hỏa cho những phát nổ đầu tiên :
- "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập".
- "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay !".
Sau khi "thắng giặc Mỹ", Lê Duẩn nổ tiếp :
- "Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng".
Rồi khi Lê Duẩn đã dẫn dắt "nhân dân đi trên thảm vàng" để vào ngõ cụt. Tuy thế, kẻ kế vị – Trường Chinh – vẫn không hề nao núng và vẫn lớn tiếng như thường :
- "Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân".
Trường Chinh qua đời năm 1988. Hơn ba mươi năm sau, vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, Tổ Chức Liên Kết Oxfam ái ngại cho biết : "Tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương Châu Á và 74% không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn của Liên minh lương đủ sống toàn cầu".
Blogger Trân Văn nhận xét : "Kết quả cuộc khảo sát vừa kể thật ra không mới. Tình trạng công nhân lao động cật lực nhưng càng ngày càng nghèo khổ, sống triền miên trong cảnh thiếu trước hụt sau, cả tinh thần lẫn sức khỏe cùng suy sụp sau một thời gian ngắn tham gia ‘giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam’ đã kéo dài vài thập niên".
Dù vậy – "vài thập niên" qua – các đồng chí lãnh đạo vẫn cứ thay nhau nổ ròn rã, nổ đều đều, và nổ tỉnh queo hà :
- Nguyễn Minh Triết : "Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc"...
Trương Tấn Sang : "Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ".
Ảnh lấy từ FB Thanh Pham
Nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Mồm miệng đỡ chân tay vốn là truyền thống lâu đời của chế độ hiện hành. Từ năm 1951, tại Đại Hội II, điều lệ của đảng đã ghi :
- "Tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam’ của đảng".
Bởi thế, đường lối/chính sách (cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, tam phản, rèn cán chỉnh quân, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác xã công nông, phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam …) đều do bác Mao chỉ đạo. Bác Hồ chỉ có mỗi việc là sáng tác thơ để minh họa và để… nổ chơi thôi : "Tiến lên ! Toàn thắng ắt về ta !".
Bác Duẩn – xem ra – có vẻ độc lập và độc đáo hơn chút xíu. Ông lập thuyết (làm chủ tập thể) đàng hoàng nhưng xem chừng không được hưởng ứng và tin tưởng gì cho lắm : Riêng còn chẳng có, có gì chung !
Chỉ có Bác Chinh là nổi bật về trình độ học vấn và khả năng sáng tạo. Tạp Chí Cộng Sản mô tả ông là "nhà thiết kế đường lối đổi mới của Đảng ta".
Bộ thiệt vậy sao ?
Thiệt ra, thằng chả không có "thiết kế" cái con bà gì ráo mà chỉ ở vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn một thế cờ ("đổi mới hay là chết") do nhân dân đã sắp sẵn rồi.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận xét hoàn toàn chính xác là về "khoa ăn nói" của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam : "Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…’
Cứ "xoay quanh các khẩu hiệu" như thế mãi thiệt là ớn chè đậu nên lâu lâu "các anh ở trên" phải nổ một phát để … kích thích lòng dân. Cũng chỉ là một chiêu "mồm miệng đỡ tay chân" thôi. Tưởng cũng không có gì đáng để bận tâm hay rầm rĩ quá !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 12/03/2019 (tuongnangtien's blog)
Tuần báo Trẻ - phát hành từ Dallas, Texas - vừa cho đăng một bài phỏng vấn do nhà văn Phạm Thị Hoài thực hiện, với lời mở đầu rất giản dị và ngắn gọn :
"Cuộc trò chuyện này được thực hiện qua thư điện tử, với nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án 13 năm tù, sau giảm thành 5 năm tù và 3 năm quản thúc, nay sống tại Paris, Pháp".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu "Chính Phủ 4.0" không hay biết gì ráo về những lo ngại của cả thế giới hiện nay về những hoạt động tình báo của công ty Hoa Vi
Chỉ đôi dòng giới thiệu thế thôi thì tôi e hơi bị thiếu. Tưởng cũng nên viết thêm năm bẩy chữ nữa, cho nó rõ ràng, theo như nguyên văn bản tin của TTXVN : "Phạm Hồng Sơn bị kết án 13 năm tù về tội gián điệp".
Sau năm năm bị giam giữ, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chưa biết tù nhân chính trị này hoạt động tình báo ra sao nên ông được phóng thích, và chỉ bị quản thúc tại gia thôi. Thiệt là phúc đức và may mắn. Ít ra thì cũng may mắn hơn một người tù khác : Nguyễn Hữu Đang.
Ngày 21 tháng 1 năm 1960, nhân vật này bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị" và "làm gián điệp" bởi Tòa án nhân dân Hà Nội. Đây là một "phiên tòa kín" nên không ai biết ông Thứ trưởng Bộ Thanh Niên / Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền (trong nội các đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã "làm gián điệp" cho quốc gia hay thế lực thù địch nào, và "phá hoại chính trị" ra sao ?
Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Hữu Đang lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình. Nơi đây - trong thời gian 15 năm quản chế - ông sống sót nhờ thịt của… côn trùng và ếch nhái. Mười lăm năm sau nữa, khi đương sự đã bước vào tuổi bát tuần thì… "thánh đế (bỗng) hồi tâm. Thế là ông được cấp thẻ cử tri, và cho lĩnh lương hưu, cứ y như thể là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra hết trơn hết trọi.
Lại thêm một trường hợp may mắn nữa, nếu so sánh với trường hợp ít may mắn hơn (chút nữa) của một tù nhân gián điệp khác nữa : Nguyễn Văn Phổ.
Tuy chỉ được công luận biết đến qua tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 nhưng đây không phải là một nhân vật hư cấu. Ông bị tù với tội danh "gián điệp" và "đốt bệnh viện," dù cái bệnh viện này không hề bị cháy.
Sau gần 20 mươi năm bị giam giữ, Nguyễn Văn Phổ được tha. Khi ra khỏi tù thì mắt bị mù, nhà cửa bị tịch thu, và vợ đã đi tu - theo lời của một người bạn đồng tù :
"Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ "chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng".
- Chị đâu rồi anh ?
- Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.
Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.
- Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.
Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh :
Sư cô Trí Tuệ
Tĩnh xá Tòng Lâm
260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh
cũ), Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi :
- Anh có đọc được không ?
Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.
- Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.
Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế. Trong tù không ai nói với ai điều vì sao ấy. Chỉ đến khi chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay qua khu vực trại, tiếng rầm rầm trên trời ập đến rất nhanh và tắt đi cũng rất nhanh để lại dấu vết là một vệt khói mảnh vắt ngang bầu trời rất lâu mới tan, Nguyễn Văn Phổ ngước mắt nhìn vệt khói nói một mình :
- Tiên sư cái thằng Mỹ. Mình bị nghi là gián điệp Mỹ mà nó còn mạnh thế này thì đến bao giờ được ra hở giời ?
Anh chỉ nói vậy. Qua đó chúng tôi biết anh bị nghi làm gián điệp cho Mỹ. Theo nhiều người kể lại, Nguyễn Văn Phổ tham gia quân đội ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký giấy cho anh trở vào Hà Nội hoạt động tình báo. Tổ tình báo của anh có ba người. Anh, nhà văn Vũ Bằng, và một đảng viên ít tuổi nhất làm tổ trưởng. Năm 1954, khi hiệp nghị Genève được ký kết, cả tổ được lệnh chuyển vào Nam, nhưng Phổ đã xin được ở lại Hà Nội. Ít ngày sau anh bị bắt vì tội đã đốt - hay định đốt ? - nhà in Ideo.
Anh bị xử tù 15 năm. Sau đó xử lại, mức án rút xuống còn 8 năm rưỡi, và thực tù hơn 17 năm. Anh cười :
- Cái tổ tình báo của tôi chỉ có mỗi Vũ Bằng là không bị bắt. Cái anh tổ trưởng đảng viên ít tuổi kia khi vào Nam cũng bị ta bắt như tôi. Vũ Bằng thật là may…
Rồi anh rủ rỉ :
- Tôi về được ít ngày thì một cô sĩ quan công an đến nói năng rất lễ phép, tế nhị. Bác làm cho chúng cháu cái thu hoạch. Cháu biết bác cũng chẳng muốn nghĩ đến những chuyện ấy nữa nhưng đây là ý kiến cấp trên của cháu.
Tôi bảo : Cô nói tôi cũng làm nữa là cấp trên của cô. Tôi viết. Cuối cùng nó lại như một bản thanh minh anh ạ. Mới nghĩ nộp ngay cũng phí. Tôi đem thuê đánh máy. Gửi Viện Kiểm sát một bản. Tháng sau đến Viện Kiểm Sát. Anh cán bộ phụ trách việc của tôi rất phấn khởi nói : Việc của bác thế nào cũng được xử lại. Cháu đang trình viện trưởng. Nửa tháng nữa mời bác quay lại.
Y hẹn, tôi tới. Anh cán bộ kiểm sát ỉu xìu : Không xong rồi bác ơi. Đồng chí viện trưởng không duyệt. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Tù thì tù rồi. Cũng sắp về với tổ tiên rồi. Bẵng đi lâu lâu, đã quên hẳn chuyện khiếu nại, thì anh cán bộ viện kiểm sát tới nhà : Bác ơi ! Bác làm sổ hưu đi. Vụ của bác xử lại rồi. Trắng án". (Bùi Ngọc Tấn, Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn, Tiếng Quê Hương, Fall Church, VA, 2015).
Nghĩ cho cùng thì đây cũng cứ là một trường hợp… may mắn : trắng án ! Chả hiểu đã bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu gia đình đã tan nát vì những cái án "trắng tinh" như thế. Tuy thế, vì an ninh quốc gia nên chiến thuật "thà bắt lầm hơn bỏ sót" vẫn là một chính sách xuyên suốt từ thời cụ Nguyễn Hữu Đang cho đến đám cháu chắt về sau - như lứa Phạm Đoan Trang :
"… có một tội rất nặng luôn lơ lửng trên đầu những người làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài : gián điệp. Làm cộng tác viên cho báo đài nước ngoài : gián điệp. Gặp gỡ các cơ quan ngoại giao để thảo luận về tình hình nhân quyền và dân chủ trong nước và quốc tế : gián điệp. Gửi báo cáo - nghiên cứu cho các tổ chức nước ngoài : gián điệp. Vận động nhân quyền cho Việt Nam trên trường quốc tế, phản ánh tình hình nhân quyền trong nước ra nước ngoài : gián điệp. Vân vân".
Cẩn tắc vô áy náy ! Tôi hoàn toàn tán đồng sự cẩn trọng cùng mức độ nghi ngại (quá cao) của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và chỉ hơi băn khoăn khi biết tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố muốn Huawei hợp tác với các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực an toàn thông tin - vào ngày 13 tháng 1 vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tập đoàn Huawei Ảnh : TTXVN
Hóa ra người đứng đầu "Chính Phủ 4.0" không hay biết gì ráo về những lo ngại của cả thế giới hiện nay về những hoạt động tình báo của công ty Hoa Vi. Ngài cũng phớt lơ luôn sự kiện một quan chức Huawei đã bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp, chỉ vài hôm trước đó, cùng lời tố cáo về hoạt động tình báo của tổ chức này.
Nhà nước ta vốn rất cẩn trọng và nhậy cảm về những hoạt động tình báo, sao bỗng dưng lại khinh xuất và mù mờ thế ? Thế mới biết chủ trương cẩn trọng (thà bắt lầm còn hơn bỏ sót) của nhà nước ta chỉ áp dụng với đám dân mình thôi, chứ còn với bọn tình báo nước lạ thì chính sách lại hoàn toàn khác. Rất "vô tư" và hoàn toàn "thoải mái," hay nói quá ra (chút xíu) là sẵn sàng "nhận giặc làm cha !" Tội danh này, xét ra, còn nặng hơn tội làm gián điệp cho nước ngoài nhiều.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 06/03/2019 (tuongnangtien"s blog)
Hãy nói cho tao biết mày xun xoe với những thằng nào, tao sẽ nói cho mày biết tâm hồn mày chó má tới mức nào !
Phạm Nguyên Trường
Rảnh, tui đi quá giang ghe vô Anglung Raing chơi. Nếp sinh hoạt của bà con Việt Kiều tại cái làng nổi trơ vơ (giữa Biển Hồ) này ngộ lắm. Tối họ dùng bình ắc qui để thắp sáng mấy cái bóng đèn tù mù (và nhỏ xíu xiu) cùng với lời phân trần : "Thầy Tư thông cảm nha. Bị tụi tui ở tuốt luốt ngoài này nên điện câu không tới được".
"Thông cảm" chớ. No electricity, no wi fi, no internet cũng chả sao nhưng bia rượu cũng "no" luôn thì chắc chết, chết chắc. Chưa được ba bẩy (21) ngày tôi đã đành phải gạt nước mắt chia tay.
Chiều qua chạy ra lại Phnom Penh, mới đọc báo Thanh Niên cứ tưởng là cố hương vừa có một tin mừng lớn : "Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Việt Nam Trung Tâm Hoà Giải Xung Đột Quốc Tế".
Ngày vui, cũng như niềm vui-tiếc thay-thường ngắn. Tiếp tục lướt mạng thêm vài phút mới biết té ra đây chỉ là một tin mừng… hụt. FB Nhân Tuấn Trương cố nén một tiếng thở dài (tôi đoán vậy) rồi buông thõng một câu hỏi nhỏ :
Dư âm của Hội nghị Trump-Kim ở Hà Nội là gì ?
Xong, ông trả lời ên :
Là không có gì cả, ngoài tiếc nuối vu vơ, kiểu "phải mà ông Trump khá hơn một chút, bớt "a ma tơ" một chút, "professionnalisme" hơn một chút... kết quả sẽ thì.... là... v.v...
Ý kiến thượng dẫn, xem chừng, không được sự đồng thuận của số đông. Theo nhiều người thì "dư âm" của cái hội nghị này là một nỗi "ô nhục" vì một cái bắt tay ("không đáng có") giữa Kim và Trọng, chớ "tiếc nuối vu vơ" sao được :
FB Rose Mary : "Ông Trọng hãy thử nhìn lại khuôn mặt của chính mình trong gương, để tự đánh gía cho tư-cách và phẩm-cách của Ông...khi Ông đã " Xuống Đường... ! ‘đứng tận bên lề đường để ‘Cung Kính’ đón chào Kim-Jong-Un...và để được nhận ‘Cái Bắt Tay’ của Kim-Jong-Un...khi Ông Un đã thò tay ra khỏi cửa kính của xe hơi để đưa tay cho Ông Trọng bắt...(nắm lấy) ! ?"
FB Đỗ Ngà : "Vì sao giữa Trump và Un không hề có lối bắt tay kiểu này ? Nhưng Un và Trọng lại cách bắt tay kiểu sếp-lính như vậy ?
FB Nguyễn Đức Khang : "Là một Nguyên thủ quốc gia, lẽ ra ông Trọng phải biết giữ ý tứ về thể diện ngoại giao, đằng này ông xử sự có phần thấp kém, thua thiệt khi chìa tay để bắt tay với một kẻ ngồi trong xe thò tay ra ngoài.
FB Phạm Nguyên Trường :
"Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên trông xuống người ta trông vào".
Nếu xét về "phương diện quốc gia" thì quả là đúng thế thật nhưng tôi không tin rằng người dân Việt Nam coi Nguyễn Phú Trọng là "nguyên thủ" của đất nước họ. Ông được một đám đảng viên cộng sản (giả danh dân biểu quốc hội) bầu làm chủ tịch nước nên cái chức vụ này e không hợp hiến, và cũng không hợp pháp.
Tự thâm tâm, có lẽ, chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng không tin là mình đủ tư cách đại diện cho bất cứ ai nên mới có một cú bắt tay "thân thiện và chịu chơi" quá cỡ như vậy. Ngoài cú bắt tay ("không đáng có") vào lúc giã từ, trong buổi tiệc chiêu đãi-vào tối 1 tháng 3-phóng viên TTXVN còn chụp được nhiều cú vỗ tay nồng nhiệt (và cuồng nhiệt) của ông Trọng, bầy tỏ sự đồng tình và tán thưởng những hành vi và cử chỉ của chủ tịch họ Kim.
Ảnh : Trí Dũng/TTXVN
Vấn đề, theo tôi, không nên đặt ra ở bình diện quốc gia (national level) vì nó không đúng tầm mà chỉ cần đặt một câu hỏi nhỏ, rất dễ, và hoàn toàn có tính cá nhân thôi : Cớ sao bác Trọng lại ngưỡng mộ chú Kim quá cỡ (thợ mộc) như vậy cà ?
Bởi "dễ" nên tui trả lời luôn, cho đỡ mất thì giờ :
Hai phần ba thế kỷ qua, cả Đảng của bác Trọng loay hoay mãi vẫn chưa làm được cái đinh vít (loại vặn mà không bị trờn ren) trong khi chú Kim sở hữu cả đống hoả tiễn hạt nhân, nhiều không biết bao nhiêu mà đếm. Không ái mộ thằng nhỏ này cũng uổng ?
Thiên hạ "ớn" chú Kim thấy rõ, đã đành ; dân chúng trong nước cũng vậy. Ở Bắc Hàn bố đứa nào mà dám gọi chú Kim là thằng Ủn ; còn dân Việt thì vô tư và xả láng : Trọng Lú, Phúc Niểng, Ngân Mặt Thớt, Phóng Mặt Lợn …
Bác Trọng phải diễn đủ trò : mặc áo cũ rách cổ, viết thư thăm cô giáo cũ … mà vẫn nghe có điều tiếng eo sèo. Chú Kim thì khỏi. Người tình cũ, anh em bà con ruột thịt … đều bị chú ấy làm thịt ráo nạo-khi cần-mà chả nghe ai than phiền một tiếng, nửa tiếng cũng không luôn. Thế chả đáng nể sao ?
Bác Trọng ném chuột còn sợ vỡ bình, đốt lò phải dòm chừng loại củi nên bọn tham nhũng ở Việt Nam vẫn nhung nhúc. Đất nước của chú Kim tuy vẫn bị tai tiếng về hiện tượng con nít đầu to, hay nhìn bẩy tưởng ba (trẻ con bẩy tuổi mà trông cứ như mới lên ba vì đói khát và còi cọc) nhưng chả hề thấy có tên tham quan nào cả. Rõ ràng là thằng nhỏ tuổi trẻ tài cao.
Một mẫu người lãnh đạo lý tưởng như thế thế nên không chỉ riêng bác Trọng mà cả giới truyền thông VN, xem chừng, cũng đều phải lòng chú Kim ráo trọi. Coi chơi vài cái tựa báo xem :
Quảng Ninh, Hải Phòng siết chặt an ninh, trang hoàng rực rỡ đón phái đoàn Triều Tiên
Những hình ảnh đầu tiên của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam
Ấn tượng về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến công du Việt Nam
Điều ít biết về tài xế từng lái siêu xe chở ông Kim Jong-un tại thượng đỉnh với ông Trump
Đoàn xe bọc thép đảm bảo an ninh đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un và siêu xe triệu USD
Dịch giả Phạm Nguyên Trường kết luận : "Hãy nói cho tao biết mày xun xoe với những thằng nào, tao sẽ nói cho mày biết tâm hồn mày chó má tới mức nào !"
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 05/03/2019 (tuongnangtien's blog)
Chị Dậu à, chị chẳng khổ lắm đâu !
So với các chị thời nay, em nói thật !
Trần Hoàng Trúc
Mỗi ngày một phụ nữ phải vác hàng tấn trên vai kiếm sống. Ảnh minh họa
Ông Trương Minh Tuấn cắp nón rời khỏi Bộ Thông tin và truyền thông, với nét mặt âu lo, giữa tiếng vỗ tay hoan hô vang dội của rất nhiều người. Nhân vật kế nhiệm, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng – tiếc thay – cũng không được chào đón nồng nhiệt gì cho lắm. Lúc ông mới nhậm chức, và vừa mở miệng ("tin xấu chỉ được chiếm 10% mặt báo hàng ngày") là đã bị la ó um xùm.
- Giáo sư Tương Lai : Liệu làm con đà điểu rúc đầu vào cát thì có khiến cho những thảm trạng u tối đang trùm lấp cuộc sống được không nhỉ ?
- FB Nguyễn Thịnh : Không phải tin tốt hay tin xấu mà từ góc nhìn, cách đưa tin, tức là văn hóa người viết, người duyệt bài và cả người thẩm (đọc) bài. Bộ nhất định không thể làm thay hay yêu cầu. Báo chí không thể chỉ có một tổng biên tập.
Tôi e rằng quan niệm của nhị vị thức giả thượng dẫn có phần hơi khe khắt. Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra con số định mức ("chỉ 10/% tin xấu") quá thấp vì đương sự mới nhận việc nên chưa biết rằng bộ thông tin còn có vai trò, và khả năng, định hướng nữa cơ. Nhiều tin xấu sẽ đỡ xấu xí đi (chút đỉnh) sau khi được xào xáo ngôn từ, kiểu như :
- Cướp đất = giải phóng mặt bằng
- Biểu tình = tụ tập đông người
- Thuốc giả = thuốc không có khả năng trị bệnh
- Tát = gạt tay trúng má hay nhỡ tay vung vào mặt
- Đá = giơ chân quá cao
- Ngập = tụ nước
- Lụt = thế nước đang lên
- Chuyến bay bị hủy hay bị chậm = bay chưa đúng giờ
Ngoài những tiểu xảo lặt vặt (vừa kể) đội ngũ của những người cầm bút ở Việt Nam hiện nay còn có "thủ thuật" biến đổi cuộc sống lam lũ, cơ cực, bần hàn của đám dân đen thành những mảnh đời... tươi sáng :
- Cả nhà bán trà đá, kiếm nghìn "đô" mỗi tháng
- Săn chuột bán cho quán nhậu kiếm bạc triệu mỗi ngày
- Mưu sinh trong mùa mưa lũ, "bội thu" bạc triệu mỗi ngày
- Ngư dân Hà Tĩnh thu bạc triệu mỗi ngày từ lộc biển
- Ngồi… vặt lông cũng thu bạc triệu
- Gánh hàng rong đắt đỏ vẫn đắt khách
- Sen tàn, đua nhau hái cuống bán thu bạc triệu
- Người tàn tật bán vé số kiếm trăm triệu/tháng
- Nắng nóng rau má tăng giá, nông dân thu bạc triệu
- Lao động chân tay ở Hà Nội như phá dỡ nhà cũ, dọn vườn, sửa ống nước... không chỉ sống tốt mà còn kiếm bạc triệu mỗi đêm
Khi không có ai hỗ trợ đẩy từ phía sau thì các nữ cửu vạn phải kéo với sức lực bỏ ra gấp nhiều lần bình thường.
Trời ! Kiếm tiền ở Việt Nam sao mà dễ ợt, vậy cà ? Rảnh, xem qua cuộc "sống tốt" và cách "kiếm bạc triệu mỗi đêm" của "Lực lượng cửu vạn nữ nổi tiếng Hà thành" (qua ngòi bút "nhà báo" Anh Tuấn) coi sao :
Cùng với chợ Long Biên, Đồng Xuân là một trong những nơi có nhiều chị em hành nghề khuân vác hàng thuê nhất ở thủ đô. Mỗi ngày một phụ nữ phải vác hàng tấn trên vai kiếm sống. Khu vực bãi xe chợ Đồng Xuân (mặt phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm) luôn tấp nập xe chuyển hàng đến và đi từ 3g30 sáng tới 16g chiều hàng ngày, bất kể mưa nắng.
Chợ là trung tâm đầu mối các mặt hàng vải vóc, thời trang, phụ kiện may mặc lớn nhất phía Bắc. Khu vực này đặc biệt nóng khi vào đợt hàng mới trước dịp chuyển mùa nhằm phục vụ nhu cầu rất lớn tới từ các tỉnh. Đặc biệt, chợ Đồng Xuân xuất hiện nhiều nữ cửu vạn đã hơn chục năm nay. Họ khỏe và làm việc hăng say không kém các đấng mày râu. Các nữ khuân vác chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ hai đến năm người hỗ trợ giúp đỡ nhau làm việc.
Đôi vai của họ khỏe như lực sĩ, có thể vác hàng chục kg. Trong bao tải cồng kềnh kia chủ yếu là vải vóc, sợi bông nên khá êm. "Làm nhiều năm nên quen, đôi chân tôi cũng linh hoạt, khéo léo hơn để di chuyển len lỏi giữa chợ đông", chị Thanh, quê Thái Bình nói.
Có những bao tải nặng cả tạ, vai chưa đủ khỏe, các chị phải dùng tay chống ở hông cho đủ lực. Nhiều người đàn ông nhìn thấy cũng phải nể phục. Hầu hết các chị em ở đây đến từ các tỉnh Nam Định, Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên...
Có người thâm niên đã hơn 10 năm. Chỉ nghỉ về quê vào dịp mùa vụ, cấy hái chăm lo đồng ruộng, xong xuôi lại vội vã lên Hà Nội mưu sinh. Mỗi một lần vác nặng từ xe đến điểm tập kết hàng như thế này các chị được trả công từ 10.000 - 20.000 đồng. Chuyển từ xe vào chợ, từ ki ốt ra xe đi tỉnh và nhặt nhạnh các chuyến nhỏ cho khách lẻ.
Các chị chia sẻ, may mắn là hầu như chẳng bao giờ đau ốm, cùng lắm chỉ sụt sùi, cảm nhẹ một ngày là khỏi. "Chỉ cần đau yếu hoặc nghỉ làm mấy ngày, khi quay lại công việc sẽ vô cùng khó nhọc, đau nhức người và quan trọng là mất đi một khoản thu nhập", một chị nói.
Chị em luôn có một cuốn sổ nhỏ ghi chép các chuyến hàng cho từng ki ốt khác nhau để cuối ngày thanh toán. Ngày nào nhiều việc, có người kiếm được 500.000 đồng đến 700.000 đồng, ngày ít chỉ được hơn 100.000 đồng. "Văn phòng" làm việc cũng như chỗ nghỉ ngơi khi rảnh rang của họ chính là hành lang cầu thang lên xuống tại cổng chợ.
Mỗi chị em trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt hay ăn uống hàng ngày, tằn tiện cũng để ra được từ 5 đến 7 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng, người nào ít thì chỉ được 3 đến 4 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Thập làm phu vác ở chợ Đồng Xuân đã được gần 10 năm. Người phu nữ đến từ Hưng Yên có gia đình và hai con nhỏ ở quê nhà, tuy nhiên phải đôi ba tháng chị mới về một lần. Những lúc nhàn rỗi chờ việc chị lại mang kim chỉ ra thêu thùa tranh và khăn dành tặng cho chồng con ở nhà.
Thiệt là lãng mạn hết biết luôn. Thảo nào mà gần đây trong ngôn từ của báo chí nước nhà mới có thêm cụm từ rất thơ mộng là bóng hồng cửu vạn . Ngó mấy cái "bóng hồng" này đang gồng ghánh, khiêng vác "những bao tải nặng cả tạ" trên hè phố Hà Nội hay Sài Gòn khiến tôi thốt nhớ đến hình ảnh của những những bông hoa nở giữa chiến trường, những bông hoa trên tuyến lửa (và những đoá hoa lan trong rừng cháy) trên Đường Trường Sơn – hồi giữa thế kỷ trước – khi cuộc chiến chưa tàn.
Dân công hỏa tuyến. Ảnh : Tạp Chí Tài Chánh
Thay những danh xưng hoa hòe hoa sói (vừa kể ) thì họ có tên gọi trần trụi, và chính xác, là Lực lượng nữ dân công hỏa tuyến (*). Chính lực lượng này đã đảm nhiệm phần lớn việc chuyển tải lương thực, quân cụ, vũ khí để giải phóng miền Nam.
Hơn bốn mươi năm sau, sau khi vùng đất này được hoàn toàn giải phóng (và đất nước sạch bóng quân thù) thì đám con cháu của những bông hoa trên tuyến lửa, hay những đoá hoa lan trong rừng cháy trở thành những bóng hồng cửu vạn giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại và Hòn Ngọc Viễn Đông !
Vác hàng lậu ở biên giới từng đông như "trẩy hội" - Ảnh minh họa
Với truyền thống định hướng bằng hoa ngôn xảo ngữ của bộ Thông tin và truyền thông của xứ ta thì Tân Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chả phải lo xa đến chuyện định mức bao nhiêu phần trăm tin tốt hay tin xấu. Ở đất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Độc lập – Tự do – Hạnh phúc) thì có tin tức và hình ảnh nào mà xấu được mà lo, cha nội !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/03/2019 (tuongnangtien's blog)
(*) Có thể xem thêm thiên tiểu luận Death and Suffering at First Hand : Youth Shock Brigades during the Vietnam War (1950–1975) [Trực diện với cái chết và nỗi đau : Vấn đề Thanh nên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975) ] của François Guillemot – do Phương Hòa chuyển ngữ – đã đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas, vào năm 2010.
Anh đến thăm em đêm 30
còn đêm nào vui bằng đêm 30
anh nói với người phu quét đường
xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
nhạc : Vũ Thành An, thơ : Nguyễn Đình Toàn)
Anh nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Có lẽ đây là lần đầu tiên, và (không chừng) cũng là lần duy nhất, đám phu phen quét đường của miền Nam nước Việt được giới văn nghệ sĩ của vùng đất này (vô tình) đưa vào tác phẩm. Ở miền Bắc thì hoàn toàn khác, với chủ trương "văn nghệ công nông binh", lớp người khốn cùng này được nhắc nhở đều đều, cùng với rất nhiều "ưu ái !"
Chả những thế, sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (Nam/Bắc hòa lời ca) một công nhân của Sở Vệ Sinh Thành Phố Hồ Chí Minh – bà Lê Thị Thêu – còn được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu ra ứng cử để trở thành đại biểu Quốc Hội nữa cơ.
Chỉ có điều đáng tiếc là nhân vật này hoàn toàn không có năng khiếu gì trong lãnh vực ăn mặc, cũng như ăn nói. Bà Thêu không biết ăn diện như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng chả dám ăn nói liều mạng như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, và trông nhỏ thó dúm dó chứ không được cao lớn đẫy đà như bà Tòng Thị Phóng. Có thể vì những khiếm khuyết vừa kể nên công nhân Lê Thị Thêu chỉ được ngồi ghế đại biểu chỉ trong một khóa mà thôi.
Lê Thị Thêu đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976-1981)
Từ đó, không có thêm một bà (hay ông) phu quét đường nào khác được Đảng "cơ cấu" vào quốc hội nữa. Nhà Nước, tuy thế, không quên sự đóng góp và vai trò quan trọng của giới người này. Theo nhận định của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) thì "đây là lực lượng quan trọng, là tai mắt đường phố, có thể góp phần giữ vững an ninh chính trị, phòng chống, phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội… được công an quận tập huấn một số kỹ năng như : hướng dẫn nắm bắt vụ việc, nhận diện hiện tượng, con người liên quan đến an ninh chính trị ; về hoạt động băng nhóm hoặc nghi vấn đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản cũng như công tác bảo vệ hiện trường".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm hỏi, động viên và lì xì mừng tuổi cho các công nhân của Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3, tại khu vực đường Thanh Niên vào đêm 30 Tết Kỷ Hợi
Đã làm vệ sinh đường phố còn kiêm nhiệm luôn công việc của ngành an ninh tình báo, và bảo vệ hiện trường nữa thì quả là vô cùng vất vả. Để bù lại, trong dịp Xuân Kỷ Hợi vừa qua, các chị em quét rác đã được ông Nguyễn Phú Trọng ưu ái lì xì cho chút tiền sài tết. Nghĩa cử nhân ái, nhân văn, và vô cùng nhân hậu này của vị Chủ tịch nước – tiếc thay – đã không được tán dương mà còn có năm ba lời tiếng eo xèo :
- FB Chánh Lê : "Ôi ... những người quét rác đẹp xinh và sạch sẽ hơn cả diễn viên điện ảnh".
- FB Trần Thị Thảo : "Chỉ nhìn qua hình là biết : 2 em lao công là diễn viên đóng thế, 2 em vừa trẻ vừa xinh bởi biết trang điểm cho làn da, rồi nâng mũi, cặp long mi giả".
- FB Luân Lê : "Làm trò lố bịch để lừa cả ông Tổng bí thư".
- FB Đặng Thiện Chân : "Lừa cả TBT, chúng nghĩ ông ấy già quá không biết gì kkk".
- FB M T Vu Vu : "Đầu năm mới cụ Tổng bị chúng qua mặt".
- …
Tôi e rằng vẫn có sự ngộ nhận rất trầm trọng, và vô cùng đáng tiếc về bác Trọng. Người không lú lẫn, và không dễ bị lừa lọc hay qua mặt như vậy đâu. Nguyễn Tiến Dân, một ngòi bút sắc sảo và khả tín, nhận xét như sau :
"Trước hết, phải khẳng đinh một điều : Nguyễn Phú Trọng, là một con người vô cùng nhân hậu. ‘Kính trên – nhường dưới’, là cái điều, ông luôn khắc sâu trong lòng. Vinh quang và thiêng liêng, có gì sánh được với Nghĩa vụ Quân sự ? Ấy thế mà, ngài cũng lui xuống phía sau, để nhường nó cho những kẻ kém hiểu biết và hiếu danh khác. Không biết đi ắc ê, cũng chưa từng ngửi mùi thuốc súng. Tuy vậy, ngài vẫn giành được chức Chính ủy của toàn Quân. Không dừng ở đó, ngài còn giành tiếp được chức Chủ tịch Nước. Hiển nhiên, thâu tóm nốt quyền Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang. Quá quắt hơn, lại nhảy tiếp vào Đảng ủy Công an Trung ương, để nắm và chỉ đạo nốt công việc nội trị. Gian hùng như Lê Duẩn, cũng không có nổi 1 trong 3 cái chức ấy và suy rộng ra, trên thế gian này, cũng chưa có ai dám nghĩ, chưa có ai dám làm và chưa có ai làm được cái điều như thế".
Một người "quá quắt" tới cỡ đó e khó mà bị đám hậu sinh lường gạt. Tui còn nghi là chính bác Trọng là đạo diễn cái vụ gửi thư cho cô giáo cũ hồi cuối năm rồi. Còn cái vụ lì xì đầu năm nay, không chừng, cũng là sáng tác riêng của thằng chả chớ còn ai vô đó nữa.
Tui còn nghi là chính bác Trọng là đạo diễn cái vụ gửi thư cho cô giáo cũ hồi cuối năm rồi.
Cả hai vụ "diễn" này tuy rất vụng và ngó hơi chướng mắt thiệt nhưng nói nào ngay thì cũng không có gì là sai quấy lắm. Bác Trọng, chả qua, chỉ sống và học tập theo gương của bác Hồ thôi :
"Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu : ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép. Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra"
(Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, California, Văn Nghệ, 1997).
Diễn là động tác tự giác, và tự nhiên, của cả nước chứ chả phải riêng ai :
"Khoảng hai trăm tù binh phi công Mỹ xếp hàng đầy hết lòng đường đi tới. Quần áo bà ba mầu xám khói nhạt. Tôi giật mình : tất cả đoàn người bị trói kia sao quá giống hệt nhau ? Ở chiều cao, ở khổ người, ở dáng đi, ở nét mặt, ở tư thế và thần thái. Lầm lũi ngửng đầu nhìn thẳng vào cái không gian bao quanh đằng đằng sát khí và tiếng la ó...
Dân hai bên đường hò hét, đánh đấm, ném đá. Những cái đầu tù binh quay ngoắt tránh đá, tránh đấm rất nhanh. Những con mắt không một lúc nào cầu van, nao núng...
Ba chúng tôi đứng lặng trên hè. Tương quan sức mạnh quá chênh nhau tự nhiên làm se lòng. Đoàn tù binh đã đến đoạn cuối, chợt Tô Hoài nhào xuống đường, nhảy vội lên đấm một cái trượt vào mặt một người tù binh đi ở ngoài cùng.
Anh trở lại, tôi hỏi khẽ :
- Đánh người ta làm gì ?
- Xung quanh căm thù như thế chả lẽ ba đứa mình đứng yên ?"
(Trần Đĩnh,Đèn Cù, tập I, Người Việt, Westminster, CA, 2014).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng Phòng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết : "Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc !" Giới giáo chức sống thảm hại đến thế thì bác Trọng tiếc gì vài dòng bút mực mà không "vẽ" một cái thư cho cô giáo cũ. Báo Giáo Dục Thời Đại mô tả đây là "Bức thư được viết tay bằng mực xanh, rất ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và ân tình như chính con người của Tổng bí thư vậy". Nhà báo Bùi Hoàng Tám "tám" thêm :
"Việc làm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng là lời động viên, chia sẻ với các thầy, các cô, dù cuộc sống còn không ít khó khăn trong thời điểm tết đến, xuân về… khi đất nước được lãnh đạo bởi một người có nghĩa, có tình, có đạo lý thì đó là khi vận nước đang lên !"
Thật là quí hóa !
Tương tự, bác Trọng cũng chả tiếc gì mấy đồng bạc lẻ để lì xì cho mấy cô công nhân quét rác. Từ bác Hồ đến bác Trọng, bác nào cũng chỉ lừa thiên hạ mà thôi chứ làm gì có chuyện ngược lại bao giờ. Vẫn còn giữ ảo tưởng về quí bác thì còn bị đè đầu, cưỡi cổ là chuyện tất nhiên, không có gì oan uổng cả.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 19/02/2019 (tuongnangtien's blog)
Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.
T.T. Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phán : Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam
Chiều về trên xứ lạ
Cười nụ cười Anglais
Buồn qua hơi thuốc Thái
Thèm một phin cà phê
Chiều về trên xứ lạ
Xe ngược xuôi trăm đường
Trăm ngàn khuôn mặt lạ
Mong một người đồng hương
Tôi viết những câu thơ trên khi đến thủ đô Bangkok lần đầu, vào một chiều hè, năm 1980. Mấy mươi năm sau tôi trở lại nơi này với nụ cười Anglais cố hữu nhưng thuốc lá Thái đã biến mất khỏi thị trường, và "người đồng hương" thì xuất hiện (hơi nhiều) khắp mọi nơi.
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Lan (Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á – The Institute of Southeast Asian Studies) có hơn năm trăm ngàn lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong số này khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại Thái Lan. Phần lớn đều "làm chui", và được gọi một cách lịch sự là những công nhân không có giấy tờ – undocumented workers.
Họ lầm lũi đẩy những chiếc xe bán nước dừa, hay bán trái cây trên đường phố. Họ tất bật quét dọn, lau chùi, bưng bê trong những quán ăn bình dân chật chội và nóng bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường bề bộn.
Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm, ở một làng quê nào đó thuộc Nghệ An hay Hà Tĩnh.
Bên thủ đô Vientiane cũng thế, theo lời của thông tín viên (RFA) Anh Vũ :
"Đất nước Lào nhỏ bé chỉ với 7 triệu dân, song lại là nơi có rất đông người Việt Nam tìm đến để cư trú và làm việc trong điều kiện là lao động bất hợp pháp… Hiện nay số người lao động Việt Nam sang Lào làm việc có khoảng chừng 40 ngàn. Họ thường làm các nghề trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế biến đồ gỗ, bán hàng rong, làm thuê, sửa xe …"
Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam cho biết thêm :
"Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê… Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê".
Tuần rồi, tôi tình cờ gặp gỡ một người đồng hương tại đền thờ Phap Tha Luan. Em mời mua kem nhưng khi thấy mặt tôi ngớ ra vì không hiểu tiếng Lào nên liền gặn hỏi :
- Chú người Việt à ?
- Yes !
Tuy tôi bất giác trả lời một cách ngớ ngẩn bằng tiếng Anh nhưng vẫn được đáp nhận bằng một nụ cười tươi vui, hớn hở. Thái độ thân thiện của em cũng khiến tôi cảm thấy ấm lòng, và nhẹ nhõm. Sau đôi ba câu thăm hỏi thân tình, sợ em bận bán hàng, tôi ngỏ ý mời em ăn tối để có dịp trò chuyện nhiều hơn.
Phap Tha Luan, Vientiane 2019
Chúng tôi hẹn nhau ở quán ăn Việt Nam, Bê Thui Sài Gòn. Em đến rất đúng giờ cùng vợ với một bé trai. Quê hai em ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chỉ sau một chuyến "tham quan" nước Lào là vợ chồng quyết định từ bỏ xứ Việt luôn.
- Ở bên này thoải mái, và dễ chịu hơn nhiều chú ạ.
Vì con chưa đến tuổi đến trường, cháu gái na thằng bé theo khi đi quanh quẩn cắt móng chân và móng tay dạo mỗi ngày trong Khu Chợ Sáng (Morning Market) trên đường Lane Xang. Cũng kiếm đủ tiền ăn và tiền trọ. Còn lợi tức nhờ bán kem thì dành dụm với dự tính sẽ thuê được một nơi tươm tất để mở tiệm làm móng tại nhà.
Ước vọng gần nhất là cả nhà sẽ đi du lịch Myanmar một chuyến. Xa xôi hơn là giấc mơ lớn, khi có điều kiện, sẽ trở về quê hương để làm việc từ thiện ở những bản làng miền núi. Khi tôi hỏi sao không về luôn thì cả hai đều lắc đầu quầy quậy, với một nụ cười buồn.
Tôi chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến Hải Phòng, chỉ được biết vài nhân vật nổi tiếng ở nơi đây vì những nỗi gian truân của họ với chế độ hiện hành : Vũ Cao Quận, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Lê Chí Quang, Phạm Thanh Nghiên, Lê Trí Tuệ, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quí... Tuy thế, tôi tin là mình hiểu tâm cảm và quyết định của hai em vì chính tôi cũng rời bỏ đất nước khi tóc hãy còn xanh và chưa bao giờ trở lại.
Chiều hôm sau tôi được mời cơm tại nhà, với thực đơn đặt sẵn : đậu phụ rán mỡ hành, rau muống luộc dầm cà chua, chấm với nước mắm chanh và ớt. Đó là những món thức ăn mà theo tôi là… ngon tuyệt cú mèo, nếu có chút rượu đi kèm.
Hai thanh niên trong nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, bên Lào. Ảnh & chú thích lấy từ RFA
Dù đã sống qua nhiều thứ trại ̣(trại lính, trại tù, trại tị nạn …) tôi vẫn cảm thấy hơi ái ngại khi bước vào nơi cư trú của đôi vợ chồng trẻ măng này. Cứ y như cảnh sống trong thơ của Lưu Quang Vũ :
Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Đêm nằm mơ,em quờ tay là chạm phải thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Hai em giúp cho tôi hiểu và thêm tin tưởng rằng hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta tuỳ thuộc rất nhiều vào nhận thức, và nhận thức luôn luôn là nhận thức về cái tương đối. Sinh sống như thế mà cả hai cứ suýt xoa mãi là mình may mắn, may là tìm được kế sinh nhai nơi xứ lạ và công việc lại không quá nặng nhọc. Mà sự thực thì đúng vậy nếu so với nhiều người đồng cảnh khác.
Tính hồn nhiên và đôn hậu của hai em khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một nhà văn, cũng từ Thành Phố Cảng :
"Thế hệ nào cũng có người đáng yêu, tài năng, tâm huyết. Sự cảm thông giữa con người, giữa các thế hệ là rất lớn, là tuyệt đối. Sự cảm thông ấy vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian. Càng ngày tôi càng thấm thía bài học ấy. Nó làm tôi an tâm hơn khi tuổi già đang đến, khi tôi nghĩ đến lúc mình vĩnh biệt cõi đời này. Người xấu rất nhiều nhưng người tốt cũng rất nhiều. Không ai có thể tiêu diệt hết những người tốt trên đời. (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương, Fall Church, VA : 2014).
Tôi tận tình chia sẻ với niềm tin lạc quan của tác giả đoạn văn thượng dẫn, và không khỏi phiền lòng khi vừa nghe kỳ vọng (hão huyền) của một vị lãnh đạo tối cao của đất nước (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) như sau :
"Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam".
Ảnh internet
Có người mẹ nào đủ nhẫn tâm đến độ đẩy cả bầy con cái vào con đường tha phương cầu thực, và còn khốn nạn đến nỗi mong mỏi chúng mang được cả "thế giới về" nhà. Tôi không tin rằng ông Phúc hoàn toàn không biết gì về hiện trạng thê thảm hiện nay của tuổi trẻ Việt Nam. Ông ấy chỉ tự dối mình, và dối người cho qua khỏi nhiệm kỳ thôi.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/02/2019 (tuongnangtien's blog)
Bà con kiều bào luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Nguyễn Phú Trọng
Mong kiều bào tích cực đóng góp xây dựng đất nước.
Nguyễn Xuân Phúc
Lấy cớ tết nhất, tôi "hú" cả đống bạn bè tụ tập – uống sương sương vài chai – cho đỡ lạnh lòng viễn xứ. Sau khi cạn mấy ly đầy, và đầy vài ly cạn (rồi lại cạn mấy ly đầy nữa) thì chúng tôi đều "chợt thấy vui như trẻ thơ" – dù tất cả đã ngoài sáu muơi ráo trọi !
Xong "Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương, cả đám tiếp tục đồng ca bài "Thằng Cuội". Bản nhạc mà có lẽ đứa bé nào sinh trưởng ở miền Nam (vào thập niên 1950 - 60) cũng thuộc. Bài đồng dao này được nhạc sĩ Lê Thương viết bằng những lời lẽ rất tân kỳ, dù nền tân nhạc Việt Nam – ở thời điểm đó – còn ở giai đoạn phôi thai.
Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ …
Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…"
Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…
Hát Bộ, hát Chèo, hát Cô Đầu, hát Cải Lương, hát Hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không biết. Chớ còn hát Xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.
Thuở ấu thơ, thỉnh thoảng, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt – vào lúc chợ đông – gẩy những tiếng đàn buồn bã, và hát những bài ca u uất, giữa sự hờ hững của "ông đi qua bà đi lại".
Hát Xẩm - Ảnh minh họa (sankhau.com)
Đó là chuyện hát Xẩm miền Nam, trong trí nhớ non nớt của tôi, khi đất nước đã hoàn toàn chia cắt. Ở miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát Xẩm – có lúc – hoàn toàn khác hẳn :
"Khi hòa bình mới lập lại 1954, ông (nhà văn Thanh Tịnh) được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương".
(Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Saigon Phương Nam, 2002).
Quê hương, tuy thế, xem ra cũng chả "ưu ái" gì lắm với những người ở lại. Ngay cả Thanh Tịnh (một nhà văn tăm tiếng, biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ, sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng) cũng sống dở giữa lòng cách mạng :
"Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn".
(Vương T.N. sđd 181).
Với hàng triệu người di cư thì hậu vận cũng không sáng sủa gì hơn. Họ bị bắt lại, trọn đám, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng ! Từ đây, Nam/Bắc hòa lời ca. Một bản trường ca rất khó hát nên nhiều kẻ đã liều mạng đâm xầm ra biển, hay ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.
Họ thuộc thành phần "bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn…" – theo như nguyên văn lời giải thích của giới truyền thông trong nước với dư luận thế giới, và với lũ cột đèn (còn) ở lại.
Lời nâng bi kiều bào của Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh - RFA
Không hiểu đám người này đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất khách – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu toàn dân, cũng như toàn Đảng, thoát chết (đói) nhiều phen. Từ đó, Bộ Chính Trị bèn đổi mới tư duy, và cũng bắt đầu… đổi giọng. Chỉ qua một đêm, tiếng Việt (bỗng) có thêm nhiều cụm từ rất mới và (nghe) rất thân thương : khúc ruột xa ngàn dặm, sứ giả Lạc Hồng, thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc… Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có thêm một vị Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt ở nước ngoài.
Những bài hát Xẩm về mẹ hay nhất 2017
Nếu bỏ những chức danh vừa kể, cho nó đỡ rườm rà, và nói trắng phớ ra thì đây chỉ là một đoàn hát xẩm tân thời. Nhiệm vụ mới không phải là động viên người dân ở lại (vì chúng đã lỡ đi thoát rồi) mà là kêu gọi họ đừng nỡ ngoảnh mặt đi luôn, tội lắm !
Nói cho chính xác thì trước khi cái "đoàn hát xẩm" này được chính thức thành lập, Chính quyền Cách mạng cũng đã từng có những động thái để hòa giải với cộng đồng người Việt tị nạn, cụ thể là chuyến công du Hoa Kỳ (vào năm 2004) của bà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – Tôn Nữ Thị Ninh. Chỉ tiếc có điều là cái giọng hát xẩm của bà Ninh không được dễ nghe cho lắm :
- Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.
- Mình là thế thượng phong của nguời chiến thắng, mình cần chủ động, người ta không thể chủ động được do mặc cảm, cũng không thể yêu cầu ngươi ta đi trước, họ đứng ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lịch sử.
Đã ngồi ngửa nón giữa chợ đời mà còn ca ông ổng ("mình là thế thượng phong") - Ảnh minh họa
Đã ngồi ngửa nón giữa chợ đời mà còn ca ông ổng ("mình là thế thượng phong") như thế thì có mà ăn cứt. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn – Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt ở nước ngoài – cũng thế, cũng muốn kiếm ăn nhưng nói năng cứ như như là cắn vào mông thiên hạ vậy :
- So sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu.
- Trong rất nhiều người đã về Việt Nam, chúng tôi đã gặp, và chúng tôi biết chứ, rất nhiều người tham gia những cuộc biểu tình trước đây từ những cuộc biểu tình... phản đối chuyến đi thăm của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ năm 2007, trong số họ rất nhiều người đã về Việt Nam và chúng tôi gặp, chúng tôi biết. Chúng tôi có hỏi một vài người tại sao lại tham gia như thế làm gì thì họ bảo là thực tế nói thật là cũng đi để kiếm thêm vài ba chục đô la vì họ phát tiền, họ cho tiền thì tại sao không đi.
Với cái đám "bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn" và sẵn sàng đi biểu tình chỉ "để kiếm thêm vài ba chục đô la" mà Đảng và Nhà nước mong họ "tích cực đóng góp xây dựng đất nước" thì quả là ước mong rất đỗi viển vông. Cũng viển vông y như dự tính huy động tiền và vàng của người dân trong nước vậy.
Túng quá nên hóa quẫn chăng ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 10/02/2019 (tuongnangtien's blog)
Đường đời muôn vạn nẻo
Đâu lối về quê hương ?
Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc
Bên bờ sông Mekong khu Tam Giác Vàng - Ảnh minh họa
Xong mấy việc lặt vặt ở Nam Vang, tôi qua Chiang Rai. Đây là một tỉnh lỵ ở cực bắc của Thái Lan – nằm một phần trong khu Tam Giác Vàng – thuộc vùng tam biên giữa Miến, Lào và Thái. Vì không "gây thương để nhớ" cho ai – ngoài dăm ba đứa trẻ thơ đen đủi, và ngơ ngác giữa Biển Hồ – nên tôi cứ lặng lẽ mà đi thôi, chả có song ca (hay hát đôi) bài Biệt Ly với bất cứ ai !
Ấy thế mà vừa xuống phi trường Mae Fah Luang, đã thấy tin nhắn của cố nhân qua fb :
- Còn ở Phnom Penh không ?
Đáp :
- Sang Thái rồi. Tính mai chạy lên Tam Giác Vàng, rồi mốt đi bộ qua Miến Điện chơi chút xíu...
- Trời ! Muốn qua Burma thì nên xin visa cho nó đàng hoàng, dù có hơi tốn kém và mất công hơn chút xíu. Cũng như Golden Triangle, Myanmar không phải là đất lành đâu nha – thí chủ à !
Tôi cười (khà khà) mình ên. Ông bạn này đã từng ra vô Việt Nam vài lần, và lần nào cũng làm hao tốn không ít giấy mực của báo Quân Đội Nhân Dân (với rất nhiều lời lẽ vu khống và bịa đặt bẩn thỉu) vậy mà sau khi trở thành một nhà sư – sư Minh Trí bỗng trở nên cẩn thận và hiền lành thấy rõ.
Ông bạn (vong niên) khác – một nhà văn tăm tiếng, và nổi tiếng lang bạt kỳ hồ – cũng nói đến Golden Triangle, với ít nhiều dè dặt :
"Với diện tích khoảng 195 ngàn km2 với lịch sử là những năm máu me liên quan tới sản xuất và buôn bán ma túy đem lại lợi nhuận hàng triệu đôla nên có tên là Tam Giác Vàng. Đây là khu vực nổi tiếng với huyền thoại về những đoàn xe do lừa kéo có võ trang chuyên trở toàn thuốc phiện trong một vùng rừng núi rộng lớn không luật pháp chỉ có quyền uy bằng súng đạn giữa các lãnh chúa... Phúc và họa, khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng đôi khi đỏ ngầu ấy vừa là mạch sống và cũng là dòng chảy có lẫn máu và cả nổi trôi những xác chết".
(Ngô Thế Vinh, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng , Văn Nghệ, California, 2000).
Tôi chạy tới nơi thì "khúc sông Mekong chảy qua khu Tam Giác Vàng" chả còn máu me gì nữa, xác chết cũng không, chỉ thấy tấp nập ghe thuyền cùng những đoàn người ồn ào (xì xào) đến từ Trung Hoa lục địa. May là họ đi theo tour nên sự náo nhiệt cũng mất hẳn, khi những chiếc xe bus to đùng chất đầy du khách đã rời bãi đậu, lúc vừa nhạt nắng.
Có lẽ chỉ mỗi mình tôi còn ở lại, ngơ ngác giữa trời chiều, với dòng nước đục ngầu phù sa đang mải miết và cuồn cuộn cuốn nhanh. Rồi ngày tàn, đêm đến. Đêm Golden Triangle êm ả và tĩnh lặng. Hàng quán đóng im ỉm, đèn đóm lờ mờ. Phố xá vắng tanh. Chỉ thấy năm ba con chó ốm loanh quanh, thơ thẩn.
Nhà trọ nằm cạnh bờ, nhìn ra khúc giao lưu của hai nhánh sông từ Lào và Miến. Từ đây Khong River sẽ tiếp tục xuôi dòng theo nước Thái, vượt qua Cambodia, rồi trở thành Cửu Long Giang khi vào đến xứ mình.
Golden Triangle River – ảnh chụp 09/2018
Ôi, xứ mình ! Sao cứ nhắc đến quê nhà là tôi cảm thấy hơi nặng lòng, và muốn... ực vài ly. May là giữa con lộ vắng vẻ chạy ngang Tam Giác Vàng có một tiệm Seven Eleven, mở cửa 24/24, rượu bia không thiếu.
Đêm nay mà không say rất uổng. Mà nào có riêng gì đêm nay. Đêm nào tôi cũng "xỉn" thấy mẹ luôn, dù (thường) chỉ uống một mình !
Sáng, cà phê thuốc lá xong, tôi ghé lên chùa chút xíu (chùa Prathat Pukhao) cho bà má vui lòng nơi chín suối. Chả có một mống khách thập phương nào ráo trọi. Cũng không thấy sư sãi, hay nghe ê a chuông mõ gì cả. Chỉ có tiếng chim lưa thưa, và thánh thót, tự trên những nhánh cây cao.
Cảnh vật trầm lắng, điêu tàn, và hoang phế. Riêng mỗi tượng Phật Thích Ca, đứng sừng sững giữa trời xanh, là trông còn rõ vẻ vẫn thách thức với thời gian.
Chùa Prathat Pukhao – ảnh chụp 09/2018
Chùa chiền, thánh thất, giáo đường, đền miếu... đều là những nơi hoàn toàn không hợp với cái tính hiếu động của tôi nên cũng chả muốn nấn ná làm chi. Thôi thì đi chỗ khác chơi để chư Phật, cùng chư tăng, đỡ phải phiền lòng hay chướng mắt !
Cha tài xế taxi "dụ" đưa tôi đi lên Mae Sai, tới tận cửa khẩu Thái/ Miến luôn, với giá 600 baht. Khoảng hai mươi Mỹ Kim thì cũng chả là bao nhưng tôi vốn không ưa quăng tiền qua cửa sổ nên kiên nhẫn đứng đón một cái xe đò, chỉ tốn 30 baht (cỡ một đô la) là hết mức.
Có thời gian (không ngắn) tôi chạy xe lôi và "đứng bến" ở bến xe Lạc Hồng – Rạch Giá. Bốn mươi năm đã qua tôi mới lại có dịp bước lên một chiếc xe đò già nua, xộch xệch, và thân thuộc với quãng đời xưa cũ. Nó khiến tôi chợt nhớ lại thời mình còn là một chú lơ xe nên vui vẻ và lăng xăng đỡ đần hành khách, lên xuống, dọc đường.
Vô tới trung tâm huyện lỵ Mae Sai hồi nào không hay. Xe vừa ngừng bánh, tôi lại hăng hái phụ giúp mọi người với mớ hành lý cồng kềnh của họ. Nhờ vậy nên bác tài hào phóng phẩy tay, khi thấy tôi loay hoay móc ví.
- Thank you, sir !
Đỡ được đồng nào hay đồng đó. Tôi chỉ là một thằng tị nạn, đi phượt cho nó quên đời, chớ có phải khách du lịch (thứ thiệt) đâu mà bầy đặt chảnh làm chi.
Từ đây đi bộ tới cửa khẩu cỡ chừng hơn tiếng là cùng nhưng (thôi) cứ bắt cái xe tuk tuk cho nó khoẻ thân, và lẹ làng chút xíu, dù tôi chả có hẹn hò với bất cứ ai ở bên kia biên giới.
Tôi chỉ nôn nao muốn biết coi cái vụ "vượt biên bằng đường bộ" nó lạ lẫm ra sao thôi. Và sự thực thì nó chả ra cái (con bà) gì cả. Lằn ranh thiên nhiên giữa hai nước chỉ là một dòng nước đục, nối liền bởi một cây cầu ngăn ngắn. Ngay chính giữa cầu là hai lá cờ khác mầu, cắm kế cạnh nhau. Bên này là nước Thái, nhích thêm một gang tay là qua đất Miến rồi. Hết.
Bên cầu biên giới Thái Lan/Miến Điện – ảnh chụp 09/ 2018
Thủ tục nhập cảnh cũng giản dị không kém, cứ y như mua một cái vé vô cửa coi đá banh hay coi cải lương vậy hà. Thảo nào mà không ít du khách thích ghé ngang đây chỉ vì muốn có con dấu của hải quan Miến Điện (ịn trong sổ thông hành, để kỷ niệm chơi) với giá là 500 baht – cỡ 15 U.S.A dollar – tiền lệ phí.
Tôi không cần cái thứ "kỷ niệm" vớ vẩn như thế vì đã đến Yangon, đôi lần, bằng máy bay rồi. Tôi cũng đã có dịp ngược xuôi giữa Mandalay và Bagan – đôi bận – bằng thuyền, dọc theo dòng sông Irrawaddy. Tôi chả lạ gì với cái nghèo, hiển hiện khắp nơi, ở xứ sở này nhưng vẫn cảm thấy (đôi chút) ngỡ ngàng vì sự nhếch nhác và bệ rạc của thành phố cận biên – Tachileik.
Mấy chú xe ôm đều mời chào khách với câu hỏi mở đầu (nghe) hơi sống sượng :
- Lady ?
Bộ ở đây không còn có sản phẩm gì khác, ngoài gái gú, sao Trời ? Cách đây chưa lâu, chỉ mới đôi ba năm trước, tôi còn cảm thấy vô cùng xúc động khi (lần đầu tiên) nhìn thấy hàng chữ "Moving Myanmar Forward" in trên một chiếc taxi ở tỉnh Bago.
Ở thời điểm này, Miến Điện đang nỗ lực chuyển động và cố nhoai mình về phía trước – moving forward – dưới sự thúc đẩy của hai nhân vật sáng giá, được cả thế giới mến mộ : tổng thống Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2018 vừa qua, Viện Bảo Tàng Holocaust của Hoa Kỳ đã thu hồi giải thuởng nhân quyền trao tặng cho Suu Kyi vì "đã không tỏ thái độ thích đáng trước các vụ giết người tập thể nhắm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya". Sang tháng 9, Hạ viện Canada lại tước danh hiệu công dân danh dự của bà cũng vì những lý do tương tự. Đến tháng 11 năm 2018, theo BBC, Tổ chức Ân xá Quốc tế sẽ tước giải thưởng cao nhất họ đã trao cho Aung San Suu Kyi vì "thất vọng sâu sắc về chuyện bà không lên tiếng bảo vệ cho người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi".
Burma, xem ra, không "nhoai" được bao xa. Và nhân loại, xem chừng, đã đặt kỳ vọng (cũng như ghánh nặng) quá lớn trên đôi vai mảnh mai của người phụ nữ lãnh đạo dân sự của xứ Chùa Vàng.
Tôi vẫy một cái cyclo, ra dấu là mình muốn dạo quanh một vòng thành phố. Tuy thế, chỉ sau vài phút đã phải lật đật nhẩy xuống vì nghe tiếng hơi thở nặng nhọc sau lưng. Hoá ra là con đường dốc quá. Đến lúc đó tôi mới để ý đến thân thể còm nhom của người phu xe, và không dưng lại chợt nhớ đến những ngày tháng đạp xe lôi kiếm sống của chính mình nên dúi vội cho ông bạn đồng nghiệp một nắm tiền – chắc đủ nhậu cả tuần, hay cả tháng – cùng với lời cảm ơn và từ biệt.
Loay hoay một lúc rồi tôi cũng nhắm hướng cây cầu biên giới mà quay trở lại thôi. Thôi, cũng từ biệt xứ Miến luôn dù chưa biết là rồi sẽ đi đâu nữa ? Đi đâu thì đi miễn là đừng có tìm cách quay về, chúng túm được là bỏ mẹ !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/02/2019 (tuongnangtien's blog)