Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Nguyễn Duy
Về chiều, tôi mới để ý đến một hiện tượng khá lạ lùng về trí nhớ của chúng ta vào lúc cuối đời. Tôi quên ngay danh tính của một người vừa được giới thiệu, và không thể nhớ được tên cái khách sạn mà mình vừa rời khỏi chỉ vài hôm trước. Ấy thế mà những chuyện cũ mèm – nghe bên bàn nhậu, hổng biết tự năm nào – tôi lại vẫn nhớ như in :
Khi còn tại chức, bà Phan Thúy Thanh – Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – có nuôi một con két nói năng rất sõi. Một hôm, chả may, nó xổ lồng bay mất. Bà Thanh nhờ báo đăng để tìm lại con thú cưng nhưng báo chưa ra mà đã có người đến gõ cửa.
Hỏi : Sao anh biết là con vẹt này của tôi ?
Đáp : Nó chối leo lẻo suốt ngày nên nhà cháu biết ngay là của bà chứ còn ai vào đây nữa.
Sau đó, bà Phan Thúy Thanh phải bán con két để lấy tiền bù đắp vào số lương hưu ít ỏi. Mua xong, chủ nhân mới hí hửng mang về giao ngay cho vợ rồi tiếp tục đến sở làm. Chiều về, đương sự hấp tấp hỏi ngay :
- Con vẹt đâu rồi ?
- Ở trong lò chứ đâu.
- Ối Giời, vẹt mua cả ngàn đô la mà đem nướng à !
- Vẹt gì mà giá cả ngàn Mỹ Kim ?
- Chứ bộ tôi nói đùa chắc. Nó nói được 29 thứ tiếng cơ đấy.
- Thế mà ban nẫy gạn hỏi mãi nó vẫn cứ chối đây đẩy nên ai mà biết !
Người kế nhiệm bà Phan Thúy Thanh là ông Lê Dũng. Khi bị chất vấn về con số thương vong của người Thượng tại Tây Nguyên – sau cuộc nổi dậy, vào hôm Lễ Phục Sinh 10 tháng 4 năm 2004 – tân Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chối liền :
"Hoàn toàn không có ai bị đánh chết ở Buôn Ma Thuột như tin của Human Rights Watch. Chúng tôi cực lực bác bỏ tin này".
Cứ theo truyền thống "tác nghiệp của người phát ngôn bộ ngoại giao ta" thì cứ chối (bà nó đi) là xong chuyện, và hết chuyện. Khỏi phải nói nhiều.
Truyền thống này, tiếc thay, khó mà giữ mãi. Vào Thời Đại Thông Tin, thế giới mỗi lúc một thêm bằng phẳng (và sòng phẳng) nên cứ cực lực bác bỏ – chối ngay, chối bay, chối biến, chối phăng, chối phắt, chối nằng nặc, chối bai bải, chối đây đẩy, chối quầy quậy, chối tuốt luốt – không còn là chuyện dễ nuốt như trước nữa.
Bởi vậy, mấy bữa sau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho vietnamnet.vn – vào ngày 17 tháng 4 năm 2004 ông Phạm Thế Duyệt (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc) – đành phải nhận rằng :
"Chỉ có hai người trong số những người cố ý gây rối trật tự công cộng bị chết do chính họ ném đá vào nhau. Ngoài ra, còn có vài chục người bị thương trong các cuộc ẩu đả lẫn nhau thôi !".
Yàng ơi, coi kìa : Sao khi khổng khi không cái hàng chục ngàn người Thượng, bỏ buôn làng, lũ lượt kéo vô thành phố, chia làm hai phe, dàn hàng ngang, rồi "ném đá vào nhau" và " ẩu đả lẫn nhau" cho… tới chết luôn – vậy cà ? Nói (đại) như vậy mà nói được sao ? Thằng chả, rõ ràng, nói láo !
Bà Nguyễn Phương Nga còn khá trẻ, có những cử chỉ nhẹ nhàng, từ tốn và dĩ nhiên tôi đoán là một người có học thức cao, nói tiếng Anh lưu loát…
Con két của bà Thanh đã lìa đời. Bà ấy đã hết thời. Ông Phạm Thế Duyệt và ông Lê Dũng cũng thế. Kẻ kế nhiệm, bà Nguyễn Phương Nga, làm ăn ra sao tôi không rảnh lắm nên không để ý nhưng chỉ nghe qua dư luận thì cũng có (dăm/ba) lời tiếng eo sèo :
- Trịnh Hội : "Tôi đã từng có lần gặp bà Phương Nga... Bà là người vẫn còn khá trẻ, có những cử chỉ nhẹ nhàng, từ tốn và dĩ nhiên tôi đoán là một người có học thức cao, nói tiếng Anh lưu loát. Nhưng kể từ khi tôi nghe chính lời bà tuyên bố những câu quá trơ trẽn thì tất cả những tình cảm thiện chí của tôi dành cho bà lúc ban đầu bỗng nhiên biến mất".
- Tạ Phong Tần : "Bà là một kẻ dối trá, dối trá một cách trơ trẽn, mặt dạn mày dày không biết ngượng. Tôi thật xấu hổ thay cho bà, nếu bà còn biết xấu hổ và còn có lương tâm con người, thì bà đã không quanh năm suốt tháng lặp đi lặp lại cái câu ‘Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền".
- Nguyễn Hưng Quốc : "Ở Việt Nam, người ta hay nói đến chữ ‘nhà nước pháp quyền’. Người sử dùng chữ này nhiều nhất không chừng là bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao. Hình như bất cứ khi nào bị phóng viên ngoại quốc hạch hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam là bà lại xào lại món ăn cũ : ‘Việt Nam là một nhà nước pháp quyền’ ! Tôi đã có dịp chuyện trò với một số phóng viên ngoại quốc từng làm việc ở Việt Nam. Hỏi cảm tưởng của họ khi nghe những câu trả lời như thế, ai cũng cười. Và người Việt Nam chúng ta cũng cười…".
Có lẽ sợ thiên hạ cười quá rồi lỡ có kẻ bị bể bụng chết lại gây ra chuyện kiện tụng (lôi thôi) nên nhà đương cuộc Hà Nội đã "điều" bà Nga đi làm công tác khác. Bà ấy làm công tác gì (khác) ở đâu – thưa thiệt – là tôi hoàn toàn không biết, và cũng không muốn biết làm chi. Loại quan chức vớ vẩn ở ta, cỡ như bà Nga, đông lắm nên tôi (mém) quên luôn y thị cho mãi tới tháng rồi.
Tháng rồi, vào ngày 27 tháng 9, phóng viên của AFP chớp được hình của một thành viên trong phái đoàn Việt Nam đang ngủ giữa phiên họp tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 73) ở New York. Chuyện nhỏ (như con thỏ) thôi nhưng bức ảnh này được lan truyền rộng rãi, với không ít lời châm chọc hay chỉ trích.
Blogger Hiếu Bá Linh cho biết thêm : "Nhân vật ‘gây bão’ trên mạng đang phụ tá cho Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga".
Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao. Ảnh : vnmission-newyork.mofa.gov.vn
Oh, cố nhân ! Mừng là bà Nga đã tiến khá xa trong sự nghiệp ngoại giao. Báo Tiền Phong – số ra ngày 29 tháng 9 năm 2018 – liền có ngay một cuộc phỏng vấn dành cho Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga khẳng định : "Chuyến công tác của Thủ tướng tại Liên Hiệp Quốc đã thành công tốt đẹp, cả trên bình diện song phương và đa phương".
Ai cũng có thể thấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã cắm cúi đọc một bài diễn văn viết sẵn (huyênh hoang, khoác lác, dốt nát, dối trá, và chắn ngắt) giữa một hội trường trống lốc – chả có ma nào nghe ráo. Ngay cả thành viên Việt Nam cũng phải lăn ra ngủ mà bà Phương Nga vẫn nói (lấy được) là "chuyến công tác đã thành công tốt đẹp, cả trên bình diện song phương và đa phương".
Cứ với cái kiểu nói không ngượng miệng này thì bà Nga, chắc chắn, sẽ còn có nhiều cơ hội tiến thân xa hơn nữa trong cái hệ thống ngoại giao (mặt dầy mày dạn) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dù chức vụ có mỗi lúc một cao nhưng trách nhiệm của bà Nga (chắc) vẫn giản đơn y như cũ thôi : chối hay nói dối, hoặc cả hai. Công việc này rất đơn giản, chả cần đến đầu óc và suy nghĩ gì cả, chỉ cần mấp máy mỗi có cái mồm.
Ấy thế những người chỉ chuyên dùng mồm như Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Lê Thị Thu Hằng ... đều được Wikipedia (tiếng Việt) mệnh danh là chính khách hết trơn. Bằng vào tinh thần cởi mở này thì giới quan chức xứ Việt còn do dự gì nữa mà chưa hợp pháp hoá cái nghề mãi dâm đi cho xong. Dùng mồm, hay dùng l... (để mưu sinh) thì có khác gì nhau đâu, đúng không ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 10/10/2018 (tuongnangtien's blog)
Em mãi mãi là người đi gieo hạt
Dù đất cằn hay đất lẫn phù sa
Tôn Sỹ Dũng
Bữa coi phim Titanic, tui khóc ướt áo luôn khiến mấy đứa nhỏ cười bò lăn, bò càng :
- Trời ơi, sao nghe nói "tuổi già hạt lệ như sương" mà ba lại nhiều nước mắt dữ vậy cà ?
Sau con, tới vợ :
- Chắc tại cái tuyến nước mắt của ổng bị bể (ngang) nên nó mới tràn lan quá xá ể như vậy !
Tui (ra đường) hay đi tròng ghẹo thiên hạ nên (về nhà) bị mẹ con nó xúm lại chọc quê kể cũng... đáng đời. Tui không giận dỗi hay buồn phiền gì ráo mà chỉ cảm thấy mình cũng hơi kỳ.
Tui không chỉ yếu xìu trong chuyện làm tiền (cũng như làm tình) mà còn yếu ớt trong đủ thứ chuyện tào lao khác nữa. Tui đi mua hàng bị thối thiếu tiền nhưng sợ người bán ngượng nên đành nín lặng cho qua. Sáng sớm chạy tập thể dục, lỡ đạp nhằm con ốc sên ("nghe cái rốp") là tui bần thần cho tới tận trưa luôn. Dọn vườn – có khi – lỡ tay làm gẫy một cành hoa, cũng khiến tôi đâm ra áy náy.
Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của tâm lý học phổ thông, là tui thuộc loại người đa cảm và có hơi nhiều... nữ tính. Đây không hẳn vì tính trời sinh đâu mà còn do ảnh hưởng của giáo dục từ những năm thơ ấu.
Không hiểu tại sao, và bằng cách nào, khi vừa đến tuổi cắp sách đến trường thì tôi (và năm bẩy thằng nhóc khác) lại được nhận vô trường nữ tiểu học Đoàn Thị Điểm – ở Đà Lạt. Thành phố này vốn sẵn nhiều bông, tui lại lâm vào cảnh "lạc giữa rừng hoa" nên trở thành "mong manh" là phải.
Các cô giáo của tôi đều là những phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, hiền lành và vô cùng tận tụy. Qua năm năm tiểu học, tôi được dậy dỗ kỹ càng nhiều điều cần thiết để thành người tử tế : phải rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi ngủ, phải viết chữ (thay vì con số) ở đầu câu, phải xuống hàng sau mỗi đoạn văn đã đủ ý, phải vâng lời cha mẹ và anh chị, kính mến người già, tôn trọng thiên nhiên, thương mến xúc vật, quí trọng bạn bè, yêu quê hương đất nước, thương người như thể thương thân...
Tuy không thành công hay hiển đạt (gì ráo trọi) tôi vẫn sống được như một người đàng hoàng cho mãi đến hôm nay là nhờ luôn ghi khắc (và biết ơn) những gì đã được học hỏi vào thưở ấu thời. Hình ảnh của những cô giáo (thiên thần) của tôi cũng thế, cũng mãi mãi in đậm trong tâm trí của một kẻ tha hương – dù tóc đã điểm sương.
Ảnh : Marc Riboud
Trên con đường học vấn, tôi tự cho mình là một kẻ may mắn. Ít nhất thì cũng may mắn hơn rất nhiều những đứa bé thơ, hiện đang lớn lên ở đất nước Việt Nam :
- Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ
- Viết sai chính tả, học sinh bị cô giáo đánh thâm tím mặt
- Giáo viên buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng
- Thầy giáo cấp 1 bị tố dâm ô 9 học sinh lớp 3 ...
- Phụ huynh biểu tình phản đối lạm thu
Như đã thưa, tôi vốn đa cảm và yếu đuối. Nghe tiếng vỡ vụn của một cái vỏ ốc sên dưới gót chân (lỡ bước) cũng đủ khiến tôi cảm thấy bất an nên không khỏi hoang mang, lo ngại cho những mầm non xứ sở vì những mẩu tin thượng dẫn.
May thay – tuần rồi – tôi tình cờ quen được một cô giáo trẻ, đang đi thăm người thân ở thủ đô Bangkok. Khi được hỏi về nghề nghiệp, cháu hãnh diện cho biết mình là một giáo viên dậy học tại một vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An.
Ảnh : Phạm Thông
Tính cởi mở, và vẻ bặt thiệp, của người đồng hương khiến tôi bớt ngần ngại khi đặt những câu hỏi về tình trạng trẻ thơ bị ngược đãi hay bạo hành nơi trường học. Cháu xác nhận là có nhưng không nhiều lắm, và nói thêm rằng trở ngại lớn của nền giáo dục Việt Nam (hiện nay) là mức sống quá thấp nơi những thôn làng heo hút. Ở lắm chỗ, chuyện ăn mặc vẫn còn là vấn đề nên việc học hành gần như đang bị lãng quên hay bị coi như là điều xa xỉ.
Trước khi chia tay, chúng tôi trao đổi fb, email... Có lẽ vì sợ tuổi tác khiến cho tôi khó cập nhật thông tin nên vài hôm cô giáo trẻ gửi cho tôi vài bài báo, rất cảm động, về công việc của nhiều bạn đồng nghiệp :
- Cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao
- Cô giáo trẻ mang lời ca tiếng hát ra hải đảo
- Ngưỡng mộ cô giáo trẻ năng động, tâm huyết ở bãi bồi ven bờ sông Hậu
- Cô giáo 19 năm hi sinh hạnh phúc riêng vì học trò vùng cao
Tuần qua, tôi cũng tình cờ đọc được một đoạn văn ngăn (ngắn) nhưng đầy ắp tình cảm của nhà báo Mai Thanh Hải . Ông viết vì quá xúc động sau cái chết của một cô giáo vùng cao, bị lũ cuốn trôi :
Vẫn nhớ gương mặt em hòa lẫn cùng hơn 20 gương mặt giáo viên Mầm non toàn nữ, trong những ngày rét nhất, rét đến cứng đơ người của mùa rét 2011 năm trước, khi các em tập trung về điểm Trường chính Sàng Ma Sao (Bát Xát, Lào Cao) nhận áo ấm, thực phẩm, chăn màn của Gánh Hàng xén - "Cơm có thịt" cho bọn lít nhít đang ngồi yên ở điểm Trường Ki Quan San, đợi cô về.
Hôm ấy, mình phải ngủ lại điểm trường chính vì đường rừng bị sạt lở và lần đầu tiên, mấy thằng đàn ông bị "quây" rượu bởi hơn 30 cô giáo trẻ măng, vừa học xong đã phải lên trên bản dạy học, cả tháng may ra về Thị trấn được 1 lần.
Cuộc rượu về đêm, không say nổi bởi nghe các em thay nhau kể về cái cảnh thiếu thốn, chịu đựng và còn cả khát khao rất tầm thường của những thiếu nữ mới hơn 22-23 tuổi, đang ở phố thị, nhoằng cái phải lên rừng dạy học.
Sống cuộc sống không điện đóm, không tivi, không đài, không bạn bè, không tiếng người Kinh qua lại. Thiếu thốn từ hạt muối cho đến thanh củi, đêm nằm trong căn nhà tranh dột nát, gió lùa hun hút, không ngủ được vì lạnh, thành mất ngủ triền miên... Gần 2 năm, dự định gần Tết lại mang áo của Áo ấm biên cương lên Sàng Ma Sáo, gặp lại các em. Vậy mà !
Vĩnh biệt em, cô giáo Lý Thị Hồng (SN 1987, dân tộc Giáy, cư trú ở thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai) - Giáo viên thuộc phân hiệu Ki Quan San, Trường Mầm non xã Sàng Ma Sáo…
Hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Ảnh & chú thích : Dân Trí
Họ hy sinh mọi thứ (kể cả tính mạng) nhưng họ chỉ được nhận lại khoản tiền thù lao vô cùng ít ỏi. Theo BBC, đọc được vào hôm 23 tháng 8 năm 2018 : "Một nhà khoa học Việt Nam đưa ra đánh giá nói công an và quân đội có thu nhập chính thức cao nhất, còn nghề giáo và làm nông là thấp nhất nước này". Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng Phòng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết thêm chi tiết : "Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc !".
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định : "Không đâu chăm lo mầm non tốt như ở nước ta !". Tôi e khó mà chia sẻ với sự lạc quan của vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước thực trạng "thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc !".
Dù thế, không ai có thể phủ nhận được sự tận tụy, cùng tấm lòng vị tha, của hằng vạn giáo viên trên khắp nẻo đường đất nước. Xin chân thành cảm ơn các em, các cháu – những cô gái Việt Nam vô danh và thầm lặng – đã vì những mầm non bất hạnh mà hy sinh, và trao trọn tuổi thanh xuân, để tương lai của xứ sở đỡ được phần đen tối.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 06/10/2018 (tuongnangtien's blog)
Les lois sont des toiles d’araignées à travers lesquelles passent les grosses mouches et où restent les petites.
(Luật là những mạng lưới nhện qua đó những con ruồi lớn thoát khỏi và những con ruồi nhỏ bị giữ lại).
Honoré de Balzac
Balzac qua đời năm 1850. Từ đó đến nay cả đống nước sông, nước suối (cùng với nước mưa, nước mắt) đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống. Theo thời gian, loài người mỗi lúc một thêm tiến bộ và văn minh hơn. Luật pháp – nói chung – cũng vậy, cũng được cải thiện dần dần, nghiêm minh và đàng hoàng hơn thấy rõ. Ruồi lớn, giờ đây, cũng bị vướng vòng lao lý đều đều.
Ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề
Cả Tổng Thống Đài Loan (Trần Thủy Biển) lẫn Tổng Thống Nam Hàn (Park Geun-hye) đều bị ngồi tù chỉ vì lem nhem về tiền bạc. Mới đây, ngày 20 tháng 09 năm 2018, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng vừa phải vác chiếu hầu tòa vì tội biển thủ công qũi.
Nhân loại – tất nhiên – không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm tay nhau, hướng về phía trước, và cùng đồng nhịp tiến bước. Ở Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe (một con ruồi lớn) vừa thoát lưới dễ dàng vì luật pháp ở xứ sở này – xem ra – có hơi xộc xệch.
Nói vậy rất dễ gây ngộ nhận là (dường như) luật pháp tại Á Châu tiến bộ hơn ở Phi Châu chăng ?
Chưa chắc hơn đâu !
Việt Nam thuộc Đông Nam Á, và hệ thống pháp luật của quốc gia này, rõ ràng, đang có khuynh hướng thụt lùi. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hạ cánh an toàn, không một phiên tòa hay ngày tù tội gì ráo trọi, dù ông được công luận ghi nhận là một nhân vật "đầy tì vết tham nhũng" và "phá chưa từng có !".
Ngành tư pháp của đất nước Zimbabwe hình thành và lùi/tiến ra sao, nói thiệt, tui hoàn toàn mù tịt nên không dám lạm bàn. Còn ở Việt Nam của mình thì tui có biết (sơ) nên xin phép được nói qua chút xíu, nghe chơi, để rộng đường dư luận.
Đại Học Đông Dương khai giảng lần đầu vào năm 1907. Tác giả Trần Thị Phương Hoa (Institute for European Studies) cho biết thêm :
"Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường - đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật. Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945 khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố : trường Y, trường Luật và trường Khoa học.
Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng thành viên, uy tín chuyên môn của Đại học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris".
Không chỉ muộn màng, ngành luật học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều trắc trở :
"Ngày 17/11/1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán tòa án nhân dân huyện lên tòa án nhân dân tỉnh…Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam".
(Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II, OsinBook, USA, 2012).
Muốn biết "quan điểm lựa chọn thẩm phán ‘chủ yếu là đảng viên cộng sản’ và ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam" ra sao, xin đọc qua một mẩu đối thoại (giữa quan tòa và bị cáo) trong phiên tòa xử Phan Thắng Toán và những người đồng vụ – vào năm 1971 – do nhạc sĩ Tô Hải ghi lại :
Chánh án : Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm : Dạ ! Thưa quý tòa, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hòa Dân Chủ Đức thôi ạ !
Chánh án : Anh nói láo ! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai ?
Toán Xồm : Dạ ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sĩ biểu diễn ạ !
Chánh án : Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không ?
Toán Xồm : Dạ ! Có ạ ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ !
Chánh án : Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả ?
Toán xồm : Dạ không ! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hóa. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước xã hội chủ nghĩa đều sử dụng cả ạ !
Chánh án : Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện !
Toán Xồm : Dạ ! Đánh y hệt ạ ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ !
Chánh án : Anh hãy im miệng ! Đồ ngoan cố !
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu "Im miệng ! Đồ ngoan cố" để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
Cuối cùng, tòa luận án và tuyên án :
"Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, tòa quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân ; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân ; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân…"
("Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử", báo Hà Nội Mới 12/01/1971).
Với truyền thống ban phát án tù vô tội vạ như trên của nền tư pháp công nông (hóa) ở Việt Nam, nên không có gì ngạc nhiên khi ông Lê Đình Lượng đã bị kết án đến 20 năm tù – vào ngày 16 tháng 8 vừa qua – chỉ vì "có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng".
Luật sư Đặng Đình Mạnh còn cho BBC tiếng Việt biết thêm là "ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố".
Hơn ba tuần sau, vào hôm 14 tháng 9 năm 2018 – tại một phiên tòa khác – ông Nguyễn Văn Túc bị kết tội "tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị".
Tôi, bị đem ra xử, cũng nói : "Địt mẹ tòa !"
Ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề.
Khác với ông Lê Đình Lượng, ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật tiếng chửi thề. Sự kiện này khiến nhà thơ Thái Bá Tân đã buông đôi câu cảm thán :
Hôm qua xử phúc thẩm
Y án mười ba năm
Với anh Nguyễn Văn Túc
Một tù nhân lương tâm.
Anh chấp nhận bản án,
Không van xin, kêu ca.
Nghe nói chỉ nhếch mép
Và chửi : "Địt mẹ tòa !"
FB Bùi Thị Minh Hằng bình phẩm : "Chắc chắn câu chửi thề này sẽ trở thành ‘dấu ấn ô nhục’ cho nền tư pháp cộng sản".
Tôi thì nghĩ hơi khác, câu chửi thề này không phải là dấu ấn, mà là dấu chấm (hết) cho hệ thống tư pháp công nông mù lòa và thô bạo của thể chế hiện hành. Từ nay, vẫn theo lời Thái Bá Tân :
Đừng nhắc đến công lý
Với tòa án nước ta.
Tôi, bị đem ra xử,
Cũng nói : "Địt mẹ tòa !"
Ai cũng đều nói thế cả thì kể như xong phim !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 03/10/2048 (tuongnangtien's blog)
Có bào chữa kiểu gì đi nữa, có tô vẽ kiểu gì đi nữa, có khoác áo mục tiêu gì đi nữa, thì cuối cùng về bản chất, đặc khu là hình thức nhượng chủ quyền lãnh thổ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu
Như bao nhiêu triệu người Việt Nam tị nạn khác, tôi là kẻ vượt biên và còn sống sót nhờ vào may mắn ; bởi thế, mọi chuyện (xa gần) có liên quan đến ranh giới của đất nước này đều nhớ như in :
"Nguyên Hồng là người phàm tục. Anh thích nhắm ngon, thích rượu ngon, nhưng thích nhất là khi có những thứ đó mà quanh anh là bè bạn. Nhưng trong bữa ăn khoái khẩu hôm ấy anh chỉ lẳng lặng uống. Sau mỗi miếng nhắm anh chống đũa, tư lự. Có vẻ anh buồn.
- Bên Tàu loạn to. Nhiều người chạy sang ta, chạy loạn hay là chạy chính phủ không biết, trông tội lắm. - anh nói, giọng rầu rầu
- Mình ở Hải Phòng lâu, các cậu biết đấy, cả thời trẻ mình sống lẫn với người Hoa, mình có cảm tình đặc biệt với người Hoa. Họ chăm làm, tử tế...
Trông những người chạy loạn gày còm, đen đủi, nhếch nhác, mình thương quá. Họ tưởng mình cũng là công an, quỳ xuống mà lạy, nước mắt lã chã. Họ xin đừng đem họ trả Trung Quốc, đem trả họ sẽ bị giết hết, họ nói thế.
Mình can mấy cậu công an, bảo từ từ xem thế nào đã, nhưng mấy cậu không nghe, một hai đem trả, nói luật biên giới là thế, không trả không được. Những người Hoa kia lăn lộn, kêu khóc ầm ĩ, phải lôi xềnh xệch...
Thảm lắm !
- Rồi sao ? - Chúng tôi hỏi.
- Ðồn biên phòng ta cách đồn bên kia có một quãng. Lát sau, mình vẫn ngồi đấy, nghe phía bên kia có tiếng súng nổ. Hôm sau, những người khác chạy sang nói mấy người bị trả về bị bắn chết hết, bắn tại trận".
(Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, California, Văn Nghệ, 1997).
Cái thưở "bên Tầu loạn to" mà Nguyên Hồng vừa kể, xẩy ra hồi cuối thập niên 1950, có nguyên do từ những cú hích (Đại Nhẩy Vọt - Great Leaps Forward) của Mao Trạch Đông. Nhà báo Dương Kế Thằng – tác giả cuốn Bia Mộ – tính chẵn rằng ba mươi sáu triệu dân Tầu đã biến thành những con ma đói, chỉ vì mấy cú nhẩy ngoạn mục này. Đó là chưa kể mấy con ma lẻ (tẻ) bị bắn chết khi tìm cách chạy ra khỏi biên giới của nước Trung Hoa Vĩ Đại.
Hơn nửa thế kỷ sau, báo VnExpress (đọc được vào hôm 18 tháng 4 năm 2014) loan tin :
"Bẩy người chết trong vụ nổ súng ở cửa khẩu Quảng Ninh. Bị bắt vì nhập cảnh trái phép, nhóm người Trung Quốc đã cướp súng của bộ đội biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh), bắn xối xả... Khi lực lượng chức năng siết chặt vòng vây, một số người cố thủ tự sát thương mình, một số khác nhảy lầu tự tử".
Thi thể người tị nạn Uyghur bị vứt chất chồng trên xe kéo. Ảnh : internet
Ở thời điểm này, mọi cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam cũng đều đồng loạt đăng những mẩu tin với nội dung tương tự. Tất cả đều cố tình che giấu một chi tiết nhỏ (nhóm vượt biên này không phải là dân Trung Hoa mà là người Uyghur, Ngô Duy Nhĩ, đến từ khu tự trị Tân Cương) và đều lờ tít một câu hỏi lớn : tại sao họ phải bỏ xứ ra đi, và khi bị bắt lại đều lựa chọn một thái độ vô cùng quyết liệt : "cố thủ tự sát" hay "nhẩy lầu tự tử" ?
Thi thể người tị nạn Uyghur, bất kể còn sống hay đã chết, bị vứt chất chồng trên xe kéo. Ảnh : internet
Không có nơi nào trên thế giới, có lẽ thậm chí kể cả Bắc Triều Tiên cũng không bằng, mà dân cư lại bị theo dõi, kiểm soát rộng khắp như trong "Khu tự trị Uyghur Tân Cương"...
Trong khi việc thực hiện dự án dò xét này ở các vùng đông đúc khác dân cư của Trung Quốc tiến triển tương đối trễ nải và chỉ làm được vài nơi mà thôi, thì tại Tân Cương, người Uyghur dường như đã được bao phủ bởi một hệ thống tính điểm tương tự. Nó tập trung chủ yếu vào các chi tiết mà giới công an muốn biết.
Số điểm ban đầu của mỗi gia đình là 100 điểm, nhưng bất kỳ ai đó có liên hệ hoặc có thân nhân ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Malaysia, đều bị phạt với khoản khấu trừ lớn. Nếu bạn có ít hơn 60 điểm, thì bạn đang gặp nguy cơ. Một lời nói sai, một lần cầu nguyện thêm hoặc một cuộc gọi điện thoại quá nhiều, và bạn có thể được gửi đi "học" bất cứ lúc nào.
Đi "học" cái gì, và "học" ở đâu ?
Hãng thông tấn Reuters , hôm 10 tháng 8 năm 2018, cho biết : "U.N. says it has credible reports that China holds million Uyghurs in secret camps" ("Liên Hiệp Quốc nói rằng họ có những báo cáo đáng tin là Trung Hoa đã giữ hằng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong những trại giam bí mật").
So với Tập Cận Bình, Hitler vẫn còn có thể coi là một người đứng đắn. Ông ta chưa bao giờ "mệnh danh" những ghetto là... khu tự trị, và cũng không hề che giấu việc giam cầm hằng triệu dân Do Thái. Chỉ cần thêm mấy cái lò thiêu người nữa là nhân loại sẽ trở lại với thời Nazi Holocaust.
Ảnh : FB
Từ Khu tự trị (Autonomous Region) đến Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone) khoảng cách bao xa, hoặc bao lâu ? Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì chỉ trong... cái trở bàn tay :
"Chưa bao giờ đất nước đối mặt với nguy cơ mất nước trong cái trở bàn tay của Trung Quốc như hiện nay. Từng ngày từng giờ ngàn vạn dây thòng lọng từ Trung Quốc đang vươn rộng đón chờ khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Trong số đó là ở ba đặc khu mà người Việt đang sắp tự nghĩ ra để tự mình chui đầu".
Ảnh : FB
Tôi hoàn toàn chia sẻ với nỗi quan ngại thượng dẫn, chỉ xin phép được thưa thêm đôi điều – cho rõ – rằng không hề có người Việt nào " tự nghĩ ra để tự mình chui đầu" vào rọ cả. Đây là vài sự kiện đã được ghi nhận trong tháng 6 năm 2018 :
- Ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân đã biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng ở những địa phương sau : Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu...
- Ngày 11 tháng 6, công nhân của Công ty Pou Chen Corporation biểu tình trước cổng công ty, yêu cầu bỏ Luật Đặc khu. Công nhân ở Khu công nghiệp Chà Là cùng tuần hành trên suốt tuyến đường từ khu công nghiệp này đến Ngã 3 Bàu Năng, huyện Dương Minh, với lý do tương tự.
- Ngày 17 tháng 6, dân chúng Nghệ An và Hà Tĩnh tham gia cuộc tuần hành ôn hòa kéo dài nhiều tiếng đồng hồ để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.
...
Chỉ có những kẻ rắp tâm bán nước mới mặn mà với những dự án đặc khu, và xem đây là "ổ phượng hoàng", chứ dân Việt thì không. Chúng tôi biết cả, và biết rất rõ, tiến trình Hán hóa cũng như tình cảnh thảm thương của những người dân ở Tân Cương hay Tây Tạng.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 26/09/2018 (tuongnangtien's blog)
Câu chuyện ông Trần Huỳnh Duy Thức không chỉ cho thấy vấn đề tù nhân lương tâm, tình trạng vi phạm nhân quyền hoặc thân phận trí thức dưới chế độ cộng sản, mà còn cho thấy một vấn đề lớn hơn và có tính xã hội rộng hơn : vai trò và sự chọn lựa chỗ đứng của người trí thức.
Mạnh Kim
Tại sao báo chí chính thống không có một dòng nào về chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực ?
Trang Dân Luận vừa đăng tải một bài viết ngắn ("Tại sao báo chí chính thống không có một dòng nào về chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực") của nhà báo Nguyễn Công Khế, với phần kết luận – như sau :
"Còn một việc nữa, mấy hôm nay, râm rang trên mạng xã hội, và các cơ quan báo chí nước ngoài đang nói chuyện tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực 27 ngày có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Trần Huỳnh Duy Thức cũng được trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài đánh giá là một người có trí tuệ trong giới bất đồng chính kiến. Thế thì tại sao trước một tin tức như vậy, phía Nhà nước và báo chí chính thống không hề có một dòng nào, hoặc có việc đó, hay không có ?
Tôi luôn nghĩ rằng, và luôn nhắc lại rằng, bài toán minh bạch thông tin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn nạn trong xã hội ta, và từ đó mới loại được những tin giả, tin ‘bịa như thật’ trên mạng xã hội.
Và tôi cũng tin rằng, hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay làm được việc này. Đó là ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Mạnh Hùng".
Ngay bên dưới bài viết này là phản hồi của hai vị độc giả vô cùng nhanh nhảu :
- Nguyễn Phương : Sao nó tuyệt thực lâu vậy mà chưa chết nhỉ ?
- Đức Cường : Nó có dám tuyệt thực đéo đâu, nó lừa cho mấy thằng ngu hải ngoại tin để cho tiền nó mà.
Hai ông Nguyễn Phương và Đức Cường đã giúp cho người đọc lý giải được, phần nào, nỗi băn khoăn (Tại sao báo chí chính thống không có một dòng nào về chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực) của nhà báo Nguyễn Công Khế. Ngoài những phản ứng kịp thời (thượng dẫn) còn có rất nhiều trang trang mạng, với vô số những bài viết có liên quan đến Trần Huỳnh Duy Thức :
- Diễn Đàn Dân Chủ : Màn tuyệt thực làm hàng của Trần Huỳnh Duy Thức
- Tre Làng : Trần Huỳnh Duy Thức bị tố tuyệt thực đểu
- Nền Dân Chủ : Tuyên bố tuyệt thực đến chết – Có phải Trần Huỳnh Duy Thức đang muốn đi Mỹ ?
- Mõ Làng : Đám ăn theo trò tuyệt thực của Trần Huỳnh Duy Thức
- Việt Nam Mới : Trần Huỳnh Duy Thức tung tin tuyệt thực để làm gì ?
- Người Con Yêu Nước : Trần Huỳnh Duy Thức "tuyệt thực" và trò tung hứng của các nhà rận chủ
- Chống Luận Điệu Xuyên Tạc : Về vụ Trần Huỳnh Duy Thức tung tin tuyệt thực ...
- Loa Phường : Trần Huỳnh Duy Thức có thực sự nhịn đói ?
Giọng điệu, cũng như lời lẽ, của những cái "loa phường" kể trên (nghe) quen lắm, cũng y như cách ăn nói của đám dư luận viên thuộc Binh Đoàn 47 vậy thôi. Bởi vậy, hai ông ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng khó mà chối được rằng mình (hoàn toàn) vô can với cái thứ ngôn từ "đầu đường xó chợ" này.
Trong nhiều "trường hợp nhậy cảm", nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn thường dùng "quần chúng tự phát" (hay đám dân phòng) vào việc "trị an", thay vì lực lượng công an sắc phục. Tương tự, Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin đang sử dụng đám dân phòng trên mạng – thế cho báo chí chính thống – là điều hoàn nhất quán với đường lối và chính sách của Đảng hiện nay.
Có thể vì bận rộn công việc gia đình (vì phải xuất ngoại thường xuyên) ông Khế đã không nắm vững tình hình nên đặt vấn đề trật (lất). Trong khi Nguyễn Công Khế chất vấn "hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay" thì dưới bài viết (thượng dẫn) của ông, cũng có vị độc giả nêu câu hỏi như sau :
- Xuan Nguyen Van : Nguyễn công khế từ thằng chiêu hồi đến kẻ cơ hội nay trở thành kẻ biên chất. Không đủ tuổi và tư cách để chém gió về vấn đề dân chủ và minh bạch chính hắn môi giơi để Thằng Phước tặng sách cho nguyên chủ tịch nước rồi tung lên mang thực hiện cáo mượn oai hùm bị cựu chủ tịch nước nổi giận yêu cầu rỡ xuống không hiểu ông khế có thấy sấu hổ không ?
Tôi hoàn toàn không biết chi về những chuyện lùm xùm ("tặng sách cho nguyên chủ tịch nước, cáo mượn oai hùm") vừa dẫn. Lời than phiền của ông Nguyễn Văn Xuân chỉ khiến tôi chợt nhớ đến một trường hợp khác, một nghi vấn khác, theo như cách nhìn (khe khắt) của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn :
"Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất ? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông ‘cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’ như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa.
Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng)".
Tôi chả có sống "ở Hà Nội thời bao cấp" ngày nào cả nhưng vẫn thông cảm được cái "tâm trạng" xếp hàng hai cửa, nếu đúng, của một người ở hoàn cảnh (chân trong/chân ngoài) như ông Nguyễn Công Khế. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, với hai ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng, nơi chốn quan trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nói một đằng làm một nẻo là chủ trương xuyên suốt của Đảng cầm quyền. Do đó, tuy tuyên bố là "tổ chức đối thoại" nhưng ông Trưởng ban Tuyên giáo và ông Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền vẫn thản nhiên xua đám lâu la ra "đối thụi" bằng cái thứ ngôn ngữ của bọn đầu đường xó chợ.
Ảnh : FB Huỳnh Thục Vy
Trong một xã hội mà không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn nên qúi ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Công Khế ... có thể dùng mọi phương tiện để biện minh cho cứu cánh của mình. Điều an ủi là giữa lúc nhiễu nhương như hiện cảnh tổ quốc vẫn còn có những người từ chối sống béo tốt, và sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì lẽ phải như ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhà báo Mạnh Kim nhận xét : "Ông Trần Huỳnh Duy Thức sẳn sàng chấp nhận cái chết đến, vì biết khó mà thuyết phục một nhà cầm quyền như Việt Nam biết thượng tôn pháp luật một cách đơn giản theo lẽ nhân loại văn minh".
Nếu chả may mà sự việc có xẩy ra bi thảm như vậy chăng nữa thì cái chết của ông cũng khiến cho đám thường dân đỡ phần tủi hổ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng yên ủi khi biết rằng dù quê hương rơi vào hoàn cảnh bi đát đến thế nào chăng nữa thì đất nước này vẫn còn có những vị nhân sĩ đáng kính, hết lòng vì dân tộc, chứ không chỉ thuần là một lũ trí thức trùm chăn hay một đám cơ hội ăn theo.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 13/09/20148 (tuongnangtien's blog)
Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.
Erik Harms
Từ Varsovie, nhà báo Mạc Việt Hồng vừa gửi đến độc giả của trang Đàn Chim Việt một câu chuyệ́n (nghe) hơi ngộ nghĩnh :
"Tôi đã từng đi xin giấy phép chặt một cây sồi trong chính mảnh vườn của nhà mình. Sự việc diễn ra vào năm 2011. Thủ tục này mất đúng 3 tuần. Khi tới quận kê khai đơn xin chặt cây, họ đã đặt ra những câu hỏi rất chi tiết như : Đó là cây gì, cao khoảng bao nhiêu, đường kính gốc bao nhiêu cm ?
Nhưng có một câu hỏi, hoàn toàn bất ngờ và ‘đương sự’ ấp úng không trả lời được, vì thực sự không biết, không chú ý. Đó là : Trên cây có tổ chim hay không ?
Sau đó vài tuần, một nhân viên hành chính quận tới thực địa. Ảnh ngó nghiêng chiếc cây rồi dùng một ống nhòm soi lên ngọn. Cây không có tổ chim. Và nhờ đó, gia đình tôi đã được phép chặt nó.
Vâng. Cơ quan hành chính Ba Lan ‘rỗi hơi’ vậy đó...".
Những di dân da trắng ở Hoa Kỳ đều có nguồn gốc từ Châu Âu nên dân Mỹ cũng "rỗi hơi" không kém. Năm 1996, tiểu bang California bán 90 mẫu đất – vốn là khuôn viên của bệnh viện tâm thần Agnews, nơi mà tôi đã được gửi đến thực tập cả năm thưở còn đi học – cho công ty Sun Microsystems khai thác.
Tiền trao, cho múc xong rồi thiên hạ mới khám phá ra là trong khu đất này có vài cây cổ thụ, vốn là nơi trú ngụ của một loài cú (burrowing owls) có tên trong danh sách cần được bảo vệ. Để giải quyết vấn đề chính quyền tiểu bang đồng ý mua lại một khoảnh đất thích hợp cho chim cú nương thân, với sự trự giúp tài chính của cả thành phố San Jose lẫn công ty Microsystems.
Phú qúi sinh lễ nghĩa chăng ?
E cũng không hẳn thế đâu. Trong phim Seven Years in Tibet, tôi nhớ có đoạn Đức Đạt Lai Lạt Ma bầy tỏ sự quan ngại về sinh mệnh của giun dế khi ngài nhìn thấy phu phen đang đào đất làm nền để xây tu viện. Mà Tây Tạng thì có giầu sang hay phú qúi (mẹ) gì.
Năm ngoái, sau vài tháng đi giang hồ vặt (và tiêu sài đến đồng bạc cuối cùng) tôi buộc phải quay về với ... mái ấm gia đình. Vì ở townhouse nên taxi đỗ sau nhà, ga ra đã mở sẵn, vừa xách ba lô ra khỏi xe đã thấy con gái đứng ngay cửa cười toe nhưng lại đưa ngón trỏ lên miệng, và bàn tay còn lại thì xua lia (xua lịa) ra dấu im lặng và dừng bước ...
Tôi đứng yên ngơ ngác... Gần cả phút con bé mới chạy ào ra đón bố, giọng hớn hở :
- Có đôi chim gi đến làm tổ trong giàn bông giấy bố ơi. Chim con nở rồi. Chim mẹ vừa tha mồi về nên nếu bố bước vào ngay sẽ làm nó sợ !
- Sau đó, "ái nữ" phổ biến ngay qui luật mới của gia đình vì nhà chúng tôi vừa có thêm mấy "thành viên" nữa :
- Từ nay, mỗi khi muốn ra sân sau tôi phải dòm chừng. Nếu chim bố hay chim mẹ đang tha mồi về tổ thì dừng bước ngay, chờ cho chim con ăn xong mới được tiếp tục...
- Từ nay, tôi phải hút thuốc ở sân trước vì khói thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của lũ chim non.
- Từ nay, tôi phải ....
Ah, đù !
Tôi mới rời nhà một khoảng thời gian ngăn ngắn mà khi quay lại đã bị "tịch thu" nguyên cả cái sân sau. Nói là cái sân (nghe cho nó bảnh) chứ thực ra chỉ là mảnh đất nhỏ xíu xiu, vừa vặn để giồng một cây ngọc lan và giàn bông giấy. Chấm hết.
Sân trước rộng nhưng là đất chung với nhiều căn khác. Chúng tôi chỉ sở hữu cái townhouse (cũng chung vách với nhà kế cạnh) bé tí teo, mua theo kiểu trả góp, và vẫn còn nợ ngân hàng cả đống tiền chứ không phải ít. Tài sản rất nhỏ hẹp, bấp bênh như thế mà con bé vẫn vui vẻ mang chia sẻ với lũ chim trời (ơi) không biết từ đâu đến.
Cái kiểu "rỗi hơi" của người dân Ba Lan, Hoa Kỳ (và ngay cả con cái trong nhà) khiến tôi cũng hơi bị ... lây lan, rồi suy nghĩ lan man tới những vụ "thu hồi đất" ngang xương nơi quê hương đất nước của mình. Tiến sĩ Erik Harms (tác giả cuốn Luxury and Rubble Civility and Dispossession in the New Saigon) nhận xét như sau :
"Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại".
Lạ nhỉ ?
Trước khi cho phép nhà báo Mạc Việt Hồng đốn hạ một cái cây – trong khu vường của chính chủ nhân – nhà nước Ba Lan đã cử nhân viên đến tận nơi, dùng ống nhòm săm soi, sợ có dăm ba con chim mất ổ. Còn chính phủ Việt Nam hiện hành thì giải tỏa nguyên cả bán đảo Thủ Thiêm mà sáu chục ngàn cư dân ở phần đất này đều "bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại" vậy !
Cảnh sống tạm cư ở Thủ Thiêm. Ảnh : Lê Quân
Tác giả Lê Hồng Hà nhận diện :
"Ở Thành phố Hồ Chí Minh, ‘bộ tứ’ Lê Thanh Hải – Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang – Lê Hoàng Quân cũng cùng nhau ‘xẻ thịt’ đất đai Sài Gòn, bất chấp tất cả".
Bốn vị quan chức cao cấp này đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến tôi không khỏi tôi băn khoăn tự hỏi cái đảng này chủ trương thế nào, và giáo dục họ ra sao để tất cả đều có thể trở thành những kẻ "bất chấp" (và bất nhân) đến vậy ?
Trước khi đốn hạ vài cái cây cổ thụ thiên hạ còn lo cho bầy cú, sợ chúng mất nơi nương náu. Vậy mà mấy ông đảng viên cộng sản Việt Nam ("vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh") lại có thể nhẫn tâm cướp đất của cả trăm ngàn lương dân, và đẩy họ vào cảnh bần cùng (hay màn trời chiếu đất) một cách lạnh lùng và thản nhiên như thế – được sao ?
Gần hai mươi năm sau, sau khi cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống, cho đến lúc vụ cưỡng chế đất Thủ Thiêm sắp chìm xuồng (tới đáy) thì thì bỗng có tin vui giữa giờ tuyệt vọng : Ban Bí thư Thành ủy và Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với dân chúng Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân "vi hành" giữa vòng vây an ninh ở Thủ Thiêm hôm 16 tháng. Ảnh : từ trangviet-studies
Thật là quí hóa !
Thế là dàn đồng ca của Bộ Thông Tin thi nhau hợp xướng, cứ như thể là chuyện cưỡng chế đất đại ở Thủ Thiêm mới xẩy ra hồi tuần vừa rồi, hay tháng trước vậy thôi :
- Người dân Thủ Thiêm đem bản đồ cỡ lớn trình Đại biểu quốc hội ...
- Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân "vi hành" đến khu ở của cư dân Thủ Thiêm...
- Ông Nguyễn Thiện Nhân : Sẽ gặp dân cho đến khi giải quyết xong bức xúc ...
- Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp Đại biểu quốc hội...
- Bà con Thủ Thiêm mong tin vui từ Bí thư Nguyễn Thiện Nhân
Không dưng, tôi cũng muốn "trào nước mắt" khi chợt nhớ đến một bản nhạc đã xưa :
Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ
Mà niềm vui như đến bất ngờ
Niềm vui, cũng như ngày vui, thường ngắn. Hai tháng sau, sau "chuyến vi hành" của ông Nguyễn Thiện Nhân, bản tin của trang Tiếng Dân – đọc được vào hôm 8 tháng 9 năm 2018 – có đoạn (xem) rất não lòng :
"Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả kiểm tra liên quan đến việc khiếu nại của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn. Sự việc liên quan tới nhiều vấn đề nhức nhối, người dân khiếu kiện suốt 20 năm qua, thế nhưng Thanh tra Chính phủ chỉ cho ra báo cáo đúng 10 trang giấy".
Mười trang giấy sơ sài, cùng vài "đề nghị" rất chung chung và rất mông lung !
Ngay từ khi nhà đương cuộc Hà Nội có quyết định "lật lại hồ sơ Thủ Thiêm", nhà báo Phạm Chí Dũng đã bầy tỏ nghi ngại rằng đây chỉ là một cách mà các đồng chí lãnh đạo "mượn lò" để tống tiền nhau thôi ! Tương tự, FB Bùi Văn Thuận cũng vừa miảa móc : "Lại đánh nhau nữa à ?".
Tôi không hoàn toàn chia sẻ với quan điểm bi quan của nhị vị thức giả thượng dẫn nhưng rất đồng ý (và "nhất trí") với nhận xét của FB Trần Đức Anh Sơn :
"Câu chuyện ‘dân oan mất đất’ ở Thủ Thiêm, đã khiến họ đau đớn, cực nhục, oán hận trong suốt 20 năm qua không phải là duy nhất. Đã, đang và sẽ có hàng vạn vụ Thủ Thiêm khác diễn ra ở khắp mảnh đất hình chữ S này. Tất cả chỉ vì cái việc xác định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’, và bị những kẻ đại diện cho ‘quyền sở hữu đó’ ăn cướp để chia chác và bán cho những nhóm lợi ích. Chúng chính là kẻ cướp. Những kẻ cướp được cấp license để cướp".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 12/09/2018 (tuongnangtien's blog)
Trung Quốc đang ở vào một "thời cơ lịch sử", bước vào một "kỷ nguyên mới" sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một "lực vĩ đại" [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.
Tập Cận Bình
Trả lời phỏng vấn báo chí dịp xuân Mậu Tuất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chuyển biến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin.
Cơn suyễn đến bất ngờ khiến tôi phải nằm bẹp (dí) trong một cái nhà trọ tồi tàn, ở ngoại ô Bangkok. Thái Lan lại đang ở giữa mùa mưa, mưa nhiệt đới : tơi tả, xối xả, và tá lả...
Trời buồn, lòng buồn, cả vũ trụ – tất nhiên – cũng buồn luôn và buồn thê thảm ! Rượu không dám nhấp môi, đã đành ; bia cũng khỏi dám đụng tới luôn. Thuốc lá chỉ cần nhìn cái bao thôi... đã muốn ho hen rồi.
Phen này chắc chết, chết chắc. Adieu, nhân loại. Vĩnh biệt cuộc đời !
Nằm chờ vài ngày mà Thần Chết vẫn chưa chịu đến nên đâm ra chán. Tôi bèn bật TV coi chơi chút xíu. Màn hình bất ngờ hiện ra cảnh trận bóng U 23 Việt Nam vs U 23 Nam Hàn, trên sân cỏ Indonesia. Dù hoàn toàn không mặn mà gì lắm với thể dục thể thao, tôi cũng ráng xem cho đến giây phút cuối. Để lỡ mà qua đời (thiệt) còn có chuyện mà "tám" với mấy con ma, ở thế giới bên kia.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cầu thủ đồng hương tranh tài. Thiệt không có gì để có thể phàn nàn. Các em chơi rất tới, rất hết mình, và rất đáng ngợi khen.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe những lời bình, bằng tiếng mẹ đẻ, trong một trận túc cầu. Bình luận viên hay nhắc đi nhắc lại những cụm từ rất nặng nề : xử lý tình huống, quật khởi, nỗ lực kiên cường, phương cách đá, tham gia lấy bóng, khoảng cách lợi thế, sự tiếp cận, sự thay người, toả sáng ...
Nghe sao mà mệt cầm canh. Tiếng nước tôi (vốn) đâu có gò bó, nghiêm trọng, và thậm xưng dữ vậy – hả Trời ? Đến phút thứ 69, cầu thủ Minh Vương sút một quả banh tuyệt đẹp vào lưới đối phương, bình luận viên mô tả đây là ... một "siêu phẩm " của bóng đá !
Loại ngôn ngữ cường điệu này (tôi đoán) đã phát triển qua hệ thống loa đài – giăng mắc khắp phố phường, len lách vào từng thôn xóm, và ăn sâu vào tâm trí người dân – từ rất lâu rồi :
Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như dụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên Viên, Cầu Giát…
Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả. Các cô các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy !
Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà :
Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi ! Lão chồng tôi tàn ác, thâm độc như đế quốc thực dân. Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi ?
…
Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm :
Ới bà con xã viên ơi ! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi. Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà !
(Tô Hoàng, Nỗi Buồn Lâu Qua, Talawas blog).
Cuộc chiến đã tàn từ lâu nhưng "nỗi buồn chiến tranh" bao giờ mới "qua" thật khó khó có câu trả lời chính xác nhưng rõ ràng là mãi cho đến tuần rồi (vào hôm 29 tháng 8) thì ngôn ngữ thời chiến, cùng mùi thuốc súng lẫn mùi vị tuyên truyền, vẫn còn thoang thoảng trong buổi tường thuật của trận cầu Asiad 2018. Miệng lưỡi của các đồng chí lãnh đạo hiện nay cũng vậy, cũng vẫn còn âm điệu (phèng la) của những người bán thuốc Sơn Đông :
- Toàn cầu bất ổn nhưng Việt Nam rất ổn
- Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam trong top 3 thế giới
- Việt Nam là nước giàu nhanh nhất thế giới 10 năm qua
- Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc
- Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới
Những gánh Sơn Đông Mãi Võ có nguồn gốc tuốt luốt bên Tầu. Bởi thế, ngay tại sân nhà, đồng chí Tập Cận Bình còn "nổ" lớn hơn nhiều, lớn đến độ mà có lẽ ngay cả chính đương sự cũng phải... ù tai.
Tập Cận Bình đã thành công trong việc củng cố quyền lực ngay trong nội bộ Đảng cộng sản - Ảnh minh họa
Trung Quốc đang ở vào một "thời cơ lịch sử", bước vào một "kỷ nguyên mới" sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một "lực vĩ đại" [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.
Những lời bình có cánh không thể làm thay đổi được tỷ số (3 – 1) trong trận banh Olympic vừa qua. Những câu tuyên bố thậm xưng và cường điệu của những vị lãnh đạo quốc gia cũng thế. Cũng không thể nâng cao "vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế," hay thay đổi được "chỉ số thị trường chứng khoán" – đang rơi tự do – bên nước (bạn) Trung Hoa Vĩ Đại.
Đến khi mà thực trạng bị phơi bầy hằng ngày, ở khắp mọi nơi, và vô phương che đậy thì giới quan chức của nhà nước Việt Nam lại loay hoay tìm một cách nói mới (newspeak) để làm giảm nhẹ sự nghiêm trọng của mọi vấn đề :
- Cướp đất = giải phóng mặt bằng
- Thuốc giả = thuốc không có khả năng trị bệnh
- Cầu gẫy = cầu tạo hình chữ V
- Tát = gạt tay trúng
- Đá = dơ chân quá cao
- Ngập = tụ nước
- Lụt = thế nước đang lên
- Chuyến bay bị hủy hay bị chậm = bay chưa đúng giờ
- Tầu lạ = tầu Trung Quốc
- Biểu tình = tụ tập đông người
Joseph Goebbels nổi tiếng với câu nói: "Chúng ta không muốn (không cần) thuyết phục dân chúng về tư tưởng của ta. Chúng ta chỉ muốn thu nhỏ cái vốn ngữ vựng của họ, tới độ họ chỉ còn đủ chữ để diễn tả tư tưởng của ta".
Theo nhà báo Từ Thức thì những "nhúm từ ngữ ngây ngô" này cũng chả phải là "chuyện tình cờ." Ông trích dẫn lời của Joseph Goebbels (Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền của Đức Quốc Xã) để minh thị cho nhận xét của mình : "Chúng ta không muốn (không cần) thuyết phục dân chúng về tư tưởng của ta. Chúng ta chỉ muốn thu nhỏ cái vốn ngữ vựng của họ, tới độ họ chỉ còn đủ chữ để diễn tả tư tưởng của ta".
Thời của Joseph Goebbels đã qua, vã đã xa như dĩ vãng. Mọi thứ ngôn từ ma mị (cùng những trò ma bùn/ma tịt/ma mãnh) đều trở thành lố bịch, và không còn đất sống trong thế giới phẳng hiện nay.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 04/09/2018 (tuongnangtien's blog)
Without national boundaries, working in unity. Thank you (from) the people of Thailand.
Không biên giới quốc gia, hành động hợp nhất. Sự tri ân (từ) dân chúng Thái Lan.
Nhà văn Trung Hoa Bá Dương than phiền rằng đồng bào của ông bị "dị ứng" với hai tiếng cám ơn :
"Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người Trung Quốc ra cái câu ‘cám ơn ông’ e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được".
Người Thái lại hoàn toàn khác. Họ không chỉ nói mà (đôi khi) còn thể hiện sự biết ơn rất trang trọng, bằng cách chắp tay cúi đầu chỉ vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt – như khi được nhường bước lên xe buýt hay vào thang máy.
Ở bình diện quốc gia cũng vậy. Theo tin của tờ Nation ("Thailand’s video thank-you to the world airs on CNN ") số phát hành hôm 15 tháng 17 năm 2018, chính phủ Thái đã cho phát hành một video bầy tỏ lòng tri ân của xứ sở với toàn thế giới – về sự đồng cảm và hổ trợ của mọi người – trong công việc giải cứu đội banh Wild Boars ra khỏi một hang động ngập nước, ở tỉnh Chiang Rai. Đoạn phin ngắn ngủi này khởi chiếu trên CNN, và được chia sẻ rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông.
Ngay trên màn hình đặt trong những toa tầu điện (BTS - Skytrain) dọc ngang khắp Bangkok, cả tuần nay, ngày nào tôi cứ có dịp ngồi xem đi xem lại hình ảnh – cùng những hàng chữ – vô cùng cảm động :
Without national boundaries, working in unity. Thank you (from) the people of Thailand. Thank you (from) the people of Thailand. Không biên giới quốc gia, hành động hợp nhất. Lòng tri ân (từ) dân chúng Thái Lan.
Đất nước Thái hân hoan và ân cần đón nhận sự giúp đỡ của của mọi người. Nhân loại cũng sốt sắng đến cùng họ với cả tấm lòng tận tụy. AECNews bình phẩm : "For one brief period ‘The World was One’ and Thailand was the one who brought it together" ("Trong khoảnh khắc ‘Thế giới là một’ và Thái Lan đã tạo ra sự nối kết này").
Đất nước tôi ở đâu trong cái thế giới hợp nhất này ? Câu trả lời có thể tìm được qua tiêu đề của những bản tin, đang lan truyền trên mọi trang mạng truyền thông :
- Slovakia trừng phạt ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
- Đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Chính phủ Pháp vào cuộc
- Nghi vấn Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Vietnam Airlines tiếp tay cho Tô Lâm áp tải Trịnh Xuân Thanh về nước
- Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Đức phát lệnh truy nã Trung tướng Đường Minh Hưng
- Cuba đã thức, Việt Nam vẫn ngủ
Gần đây là mẩu tin (TOÀN DÂN ĂN CẮP, CẢ NƯỚC XEM TRỘM ) đọc được trên trang Tiếng Dân, vào hôm 17 tháng 8 năm 2018 :
"Việc VTV không chịu mua bản quyền ASIAD đã làm phát sinh một vụ trộm lớn nhất mọi thời đại, đó là vụ trộm bản quyền truyền hình các trận đấu bóng đá nam trong khuôn khổ Á vận hội, đặc biệt là những trận có đội tuyển Olimpic Việt Nam tham gia… Cho nên, ‘bần cùng sinh đạo tặc’, ai muốn xem thì không thể không ăn cắp, dù không muốn tí nào…
Thế là toàn dân ăn cắp, cả nước xem trộm !
Mọi văn hóa trên thế giới này đều lên án tệ ăn cắp. Người Việt đã từng bị bêu danh ở một số nơi trên thế giới vì tệ ăn cắp. Một trong những trở ngại cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế là vấn đề xâm phạm bản quyền còn rất nghiêm trọng, luật sở hữu trí tuệ chưa được tôn trọng".
Có ai mà muốn giao du với phường đạo tặc, đám côn đồ, chuyên bắt cóc người và trộm cắp tài sản trí tuệ ?
Đất nước không chỉ bị cô lập mà còn đang bị đe doạ bởi hoạ xâm lăng. Trong hoàn cảnh nguy nàn này thì tìm kiếm đồng minh là sự khôn ngoan tối thiểu. Điều đáng tiếc là những kẻ cầm đầu chế độ hiện hành chả có tí khôn ngoan nào ráo trọi. Họ rất gian tham, và vô cùng ngu ngốc.
Ở bãi biển Đồ Sơn hiện nay vẫn có bảng lưu niệm với hai hàng chữ Việt/ Anh như sau :
NƠI ĐÂY NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 1955 NHỮNG TÊN THỰC DÂN PHÁP CUỐI CÙNG RÚT KHỎI HẢI PHÒNG
HERE THE LAST FRENCH COLONIALIST SOLDIERS WITHDREW FROM HAI PHONG
Nguồn ảnh : maithanhhaivietnam
Chưa hết, những ngày qua trên rất nhiều trang báo của nhà nước vẫn loan truyền về tin một cựu sĩ quan tình báo Việt Nam vừa từ trần với không ít ... căm hận. Xin xem thử đoạn giới thiệu bài viết ("Ngày Trở Về Của Người Bị CIA Cưa Chân 6 Lần") xuất hiện trên trang Vietnamnet , vào hôm 15 tháng 8 năm 2018 :
LTS : Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vừa từ trần ở tuổi 80. Ông được biết đến là người mà CIA không thể mua chuộc, với 6 lần cưa chân. Tuần Việt Nam trích đăng lại loạt bài viết về ông cách đây hơn 10 năm, như một nén nhang tưởng nhớ người anh hùng được nhiều người cảm phục...
Bên dưới bài báo thượng dẫn là nhiều lời tiếc thương và "cảm phục", xin ghi lại dăm ba :
Thu Hà : Chúng cháu có được cuộc sống như hôm nay là nhờ vào những người kiên cường, dũng cảm như bác. Cháu xin được thắp một nén nhang lòng kính cẩn tiễn biệt bác-niềm tự hào của người con đất Việt.
Nguyễn Đình Hảo : Kính cẩn vĩnh biệt người Anh Hùng của dân tộc VN, tôi đã đọc và hiểu nhiều về Anh qua nhiều tư liệu, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ noi theo đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
quangviet : Thật oanh liệt, đáng trân trọng.
Vinh Pham : Tấm gương anh hùng của ông là bài học lớn về lòng yêu nước của người chiến sỹ cách mạng. Cần đưa vào sách giao khoa để thế hệ trẻ nhớ và học.
Thực ra thì không cần thiết phải đưa vào sách giáo khoa" vì Wikipedia (tiếng Việt) đã có cả trang viết về ông Nguyễn Văn Thương rồi, xin ghi lại đôi đoạn để cả nước ... cùng nhau học tập :
Nguyễn Văn Thương đã vượt qua khó khăn, gian khổ,và nguy hiểm, thực hiện hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu và đưa đón hàng trăm cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ an toàn. Ngày 10/2/1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị máy bay Mỹ phát hiện, hạ thấp định bắt sống.
Ông đã chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được ông, nhưng ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt.
Tôi không đủ rảnh để bàn về mức độ "khả tín" của những dòng chữ thượng dẫn. Chỉ xét đến việc Ban Tuyên Giáo cứ nhắc đi nhắc lại chuyện CIA cưa chân những "chiến sĩ cách mạng" qua mọi phương tiện truyền thông – vào thời điểm này, lúc mà giặc Tầu đã vào đến ngõ – cũng đủ thấy sự "khôn ngoan tối thiểu" của cái đám lãnh đạo hiện nay ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong những ngày tháng lang thang ở Thái Lan, tôi cứ nhìn những dòng "loằng ngoằng" ở khắp nơi mà trộm nghĩ rằng đất nước này sẽ hoà nhập với thế giới nhanh chóng hơn (và ngược lại) nếu ngôn ngữ của họ được biểu đạt bằng mẫu tự abc – alphabetique – như đa phần nhân loại. Sau khi thấy cảnh mọi người (ở khắp mọi nơi trên trái đất) túa đến hang động Tham Luang, để giải cứu đội banh Wild Boars, tôi mới biết thêm rằng : không có gì tệ hại hơn trong việc cô lập một xứ sở bằng chủ trương ngu xuẩn và thái độ đốn mạt của bọn cầm quyền.
Mưa ở đâu cũng buồn nhưng những chiều mưa xa xứ mà nằm chèo queo trong một cái nhà trọ rẻ tiền ở Vọng Các thì buồn muốn chết, nếu cứ loay hoay nghĩ chuyện quê hương. May mà có bia, đời đỡ thảm thương.
Bangkok 28/08/2018
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 28/08/2018 (tuongnangtien's blog)
Tôi nghĩ Đồng Tâm cũng như chuyện của cả nước thu nhỏ lại thôi.
L. S Hà Huy Sơn
Cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm bước sang cục diện mới. Cụ Lê Đình Kình (ngồi giữa) - Ảnh minh họa
Tôi mém viết hồi ký mấy lần, lần nào cũng đang lúc chuyến choáng hơi men. Ngủ một giấc, thức dậy, ngẫm nghĩ thấy đời mình chán như con gián và nhạt còn hơn nước ốc nữa – chả có cái con mẹ gì để mà "ký" cả – nên... thôi !
Thôi, không viết thì đọc vậy. Cho nó đỡ buồn. Năm ngoái, tôi coi lại nguyên bộ Trả Ta Sông Núi của Đại tá Phạm Văn Liễu. Năm nay, nghe Đinh Quang Anh Thái dụ, tôi đặt mua cuốn Hồi Ký Tống Văn Công – do Người Việt Books vừa xuất bản.
Tống Văn Công cùng quê với Xuân Vũ. Cả hai ông đều là dân miền Nam nên không biết làm dáng, cũng không quen mầu mè (riêu cua) gì ráo, viết cứ như nói, và nghĩ sao thì nói vậy thôi. Xin coi chơi một đoạn ở chương dẫn nhập :
"Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng : Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri.
Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình.
Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng ‘ông già Ba Tri’ là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải".
Thiệt, đọc mà ái ngại hết sức : "Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn". May mà còn gặp vị vua nhân đức ("hạ chiếu cho các ông thắng kiện") chớ không thì công cốc.
Thời nay lỡ xẩy ra những chuyện oan khuất tương tự thì chả ai còn phải cất công đi lại xa xôi như vậy nữa. Địa phương nào cũng có hội đồng nhân dân các cấp, trên nữa là quốc hội. Thêm vào đó là hàng ngàn tờ báo, chưa kể vô số các cơ quan truyền thông, mọi chuyện khuất tất đều sẽ bị phơi bầy trước công luận tức thì nên mấy ông già Ba Tri bị thất nghiệp là cái chắc (và cũng hết còn đất sống) đúng không ?
Không !
Tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Năm rồi, xã Đồng Tâm vừa xuất hiện một ông già Ba Tri khiến cả nước phải giật mình kinh ngạc. Ông được Tạp Chí Luật Khoa bình chọn là một trong "Mười Nhân Vật Chính Trị Việt Nam Năm 2017", cùng với không ít lời ưu ái :
"Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.
Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ...".
Về vụ "xô xát" nói trên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết thêm chi tiết :
"Việc ngày 15/4/2017 ba sĩ quan quân đội và đội cảnh sát, an ninh công an Hà Nội mời dân ra đồng Sênh ‘kiểm tra mốc giới’ khi đến mốc 15-20thì nổ súng uy hiếp, trung tá Trần Thanh Tùng phó công an huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2m rồi cùng ‘côn đồ mặc quần bò, áo thun’ xốc nách cụ đưa lên ô tô khóa tay, bịt miệng đồng thời bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo…".
Ông già Ba Tri của xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – bị "côn đồ đấm đá, tra khảo" nhưng cả trăm đại diện của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đều câm như hến. Còn Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải thì đứng về phía... công an, để vu cáo nạn nhân : "Gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân" – theo như tường trình của báo Người Lao Động, đọc được vào hôm 7 tháng 11 năm 2017.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải : Công an Thành phố Hà Nội thực thi nhiệm vụ hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Ảnh : Quochoi.vn
Một năm sau, trên trang Tiếng Dân – đọc được vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 – Nguyễn Đăng Quang (một nhà báo tận tụy và đặc biệt quan tâm về sự việc Đồng Tâm) cho biết :
"Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vẫn đang bế tắc. Người dân đã hai lần gửi TÂM THƯ đến Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội vừa qua, nhưng không có ai trả lời họ. Mới đây, cụ Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm, với danh nghĩa người bị hại trong biến cố Đồng Tâm, đã gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban này một "Thư công dân gửi Đại biểu Quốc hội".
Thư gửi qua ‘Chuyển phát nhanh’, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả !
Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác...
Trong cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, người viết bài này cũng như tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần hồi đáp đơn thư và các nguyện vọng, kiến nghị của người dân".
Khi đất nước còn ở trong tình cảnh một cổ hai tròng (thực dân & phong kiến) nếu bị đám quan lại địa phương ức hiếp, mấy ông già Ba Tri thời trước chỉ cần mất vài tháng đi bộ từ quê mình ra đến kinh đô – nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn – rồi chầu tấu trình sự việc là... kể như xong. Còn bây giờ "tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng hồi đáp đơn thư" thôi nhưng điều "mong muốn" giản dị này – xem ra – vẫn hơi có vẻ xa vời, nếu chưa muốn nói là xa xỉ.
Chúng ta đang sống vào cái thời đại (thổ tả) gì vậy, hả Trời ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 27/08/2018 (tuongnangtien's blog)
Không dừng ở những phương cách "dầu nhớt, mắm tôm" như trước. Cuộc trấn áp các nhà bất đồng chính kiến và phong trào dân chủ Việt đã sang giai đoạn rất bạo tàn.
Trương Duy Nhất
Ghé thăm Myamar, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng "phát hiện" ra đôi điều hơi khác lạ về xứ sở này :
"Té ra mắm tôm cũng là thức ăn gia vị thông thường của người Miến Điện. Tuy nhiên, trong những ngày chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp khủng khiếp phe đối lập, tôi chưa bao giờ nghe nói công an Miến Điện liệng mắm tôm vào cửa nhà bà lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi …".
Bà Trần Thị Nga bị đánh đập đến thương tích, nhà báo Phạm Đoan Trang bị an ninh đánh gãy cả hai chân - Ảnh : FB
Tuy bị rất nhiều tai tiếng, chính phủ Burma – ít ra – cũng còn có được một ưu điểm nhỏ : họ ngại những việc làm bẩn thỉu. Các đồng chí lãnh đạo ở nước ta lại khác, rất khác, không ngại ngùng chi cả. Tác giả Nguyễn Duy Vinh cho biết :
Ngày Nhân Quyền ở Việt Nam từ nay sẽ được cả thế giới biết đến nhờ vào cách sống mới : văn hóa đàn áp và khủng bố dùng… mắm tôm. Mắm tôm đã được các ông công an không mặc đồng phục và một vài dân phòng thi nhau ném vào đám dân hiền hòa đang họp mặt để cùng nhau ôn lại Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.
("Cách dùng mắm tôm trong văn hóa đàn áp ở Việt Nam", Dân Luận, 10/12/2013).
Hàm huyết phun nhân. Tiên ô tự khẩu. Ngậm cứt phun người hay ném mắm tôm vào tha nhân cũng vậy. Bởi vậy, qua năm sau, đám công an Việt Nam đổi cách đàn áp. Gọn ghẽ và sạch sẽ hơn, chút xíu. Họ bạo hành bằng tuýp sắt – theo tường thuật của RFA, vào hôm 25/5/2014 :
"Bà Trần Thị Nga, một người tham gia đấu tranh tích cực cho quyền con người tại Việt Nam, hôm qua bị đánh đập đến thương tích. Thủ phạm được cho là người của an ninh".
Nạn nhân kế tiếp là nhà báo Phạm Đoan Trang. Cô cũng bị an ninh đánh gãy cả hai chân khi tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ cây xanh năm 2015.
Nếu vì sợ què chân mà chúng ta không dám bước đi thì có khác chi là chân mình đã bị què rồi. Có lẽ vì qua niệm như thế nên dù với đôi chân đã bị thương tật, Đoan Trang vẫn đi đến tham dự buổi trình diễn ca nhạc của Nguyễn Tín.
RFA tường thuật :
"Ca sĩ trình diễn tại buổi nhạc các ca khúc trước năm 1975 và một số nhà hoạt động tham dự bị hành hung nặng nề vào tối ngày 15/8. Tin tức từ những người trong cuộc cho biết ca sĩ Nguyễn Tín, anh Nguyễn Đại – người tham gia tổ chức chương trình, và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang là những người bị hành hung nặng nề sau khi bị đưa đến đồn công an làm việc cũng như trước khi bị bỏ xuống giữa đường vắng trong đêm".
Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.
Hai hôm sau, Đoan Trang cho biết thêm chi tiết :
"Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống, nói tôi phải tự đi về vì họ có việc phải vào viện gấp thăm người nhà bị tai nạn ...
Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà. Chỉ vài phút sau, có 6 ‘đồng chí’ to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Mũ bảo hiểm bị vỡ là mũ của họ. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.
Cầm chiếc mũ vỡ nát, tôi nghĩ hoặc là đầu tôi quá cứng, hoặc là công an xài mũ rởm. Càng về sau tôi càng ngả về khả năng thứ hai hơn".
Dùng một cái mũ bảo hiểm đánh lên đầu người ngay giữa đường phố là hành động sát nhân. Ác độc và tàn bạo đến cỡ này thì tôi đề nghị, từ nay, công an Việt Nam cứ dùng búa cho nó khoẻ. Hung khí này hiệu quả hơn nhiều, cũng chả bị hư hại bao giờ, lại đậm nét truyền thống cách mạng – theo ghi nhận của Giáo Sư Nguyễn Tuấn :
Cây búa dưới đây được chụp ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam. Phía dưới kỉ vật có ghi như sau : ‘Búa. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước’. Ngoài ra, còn có dòng chữ tiếng Anh : ‘Hammer. With this, Camarade Nguyen Van Thang, Deputy chief of Mo Cay military district, Ben Tre province, killed to death a total of 10 local tyrants’. Có lẽ không cần nói gì thêm, đây là một chứng từ về tội lỗi trong chiến tranh.
Ảnh : Nguyễn Lân Thắng
Nhìn cây búa này và dòng ghi chú làm tôi nhớ đến kỉ niệm chiến tranh thời tôi còn nhỏ ở dưới quê. Lúc đó tôi đã độ 10 tuổi, tức là vào tiểu học rồi. Tôi thường hay theo Má đi chợ làng, cách nhà tôi độ 500 mét. Ở chợ có một bến đò rất tấp nập, nơi người dân đậu xuồng, ghe và vỏ tắc ráng để đem nông sản ra bán. Thỉnh thoảng tôi thấy xác người ở bến đò và người ta bu quanh. Má tôi bằng mọi cách không cho tôi đến gần xem, nhưng về nhà thì tôi nghe chuyện mới biết là có người bị giết chết. Người chết thường bị đập đầu, rồi quăng xuống sông, xác trôi theo lục bình.
Lạ một điều là khi đến khu chợ thì mấy xác người ‘dừng’ lại ở đó ! Thế là dân làng vớt lên và mai táng. Sau này nghe ca khúc ‘Bài ca dành cho những xác người’ của Trịnh Công Sơn, tôi thấm lắm :
Xác người nằm trôi sông
phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ ?
dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
trên thềm nhà hoang vu
Thời đó, đập đầu là một cách giết người rất phổ biến của mấy người mà người dân quen gọi tắt là ‘VC’. Sợ lắm. Lúc đó tôi có biết VC là gì đâu, mãi đến khi lớn lên mới biết. Hôm nay, nhìn cây búa này, kỉ niệm về những chết chóc thời còn chiến tranh lại ùa về.
Mới đây, tướng Lê Đức Anh có một bài quan trọng có tựa đề là ‘Lòng nhân ái làm nên 30/04/1975’ trên Vietnamnet. Nhưng cây búa đó và những lời chú thích rất rõ ràng, nói theo ngôn ngữ phản nghiệm (falsificationism) của Karl Popper, thì khái niệm ‘nhân ái’ không phù hợp với cuộc chiến vừa qua".
Tôi thì e rằng "khái niệm nhân ái" hoàn toàn (và tuyệt đối) không phù hợp với chế độ hiện hành, bất kể vào thời bình hay thời chiến, và tự hỏi : liệu sự tàn bạo của của những người cộng sản Việt Nam có mang lại "hiệu quả" mà họ mong muốn hay không ?
Cảm ơn nhà báo Đoan Trang đã có lời giải đáp cho nỗi băn khoăn của kẻ hèn này : "Chúng ta không thể sợ những kẻ đáng khinh, những thứ đáng lên án".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 21/08/2018 (tuongnangtien's blog)