Tôi nghĩ Đồng Tâm cũng như chuyện của cả nước thu nhỏ lại thôi.
L. S Hà Huy Sơn
Cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm bước sang cục diện mới. Cụ Lê Đình Kình (ngồi giữa) - Ảnh minh họa
Tôi mém viết hồi ký mấy lần, lần nào cũng đang lúc chuyến choáng hơi men. Ngủ một giấc, thức dậy, ngẫm nghĩ thấy đời mình chán như con gián và nhạt còn hơn nước ốc nữa – chả có cái con mẹ gì để mà "ký" cả – nên... thôi !
Thôi, không viết thì đọc vậy. Cho nó đỡ buồn. Năm ngoái, tôi coi lại nguyên bộ Trả Ta Sông Núi của Đại tá Phạm Văn Liễu. Năm nay, nghe Đinh Quang Anh Thái dụ, tôi đặt mua cuốn Hồi Ký Tống Văn Công – do Người Việt Books vừa xuất bản.
Tống Văn Công cùng quê với Xuân Vũ. Cả hai ông đều là dân miền Nam nên không biết làm dáng, cũng không quen mầu mè (riêu cua) gì ráo, viết cứ như nói, và nghĩ sao thì nói vậy thôi. Xin coi chơi một đoạn ở chương dẫn nhập :
"Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng : Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri.
Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình.
Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng ‘ông già Ba Tri’ là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải".
Thiệt, đọc mà ái ngại hết sức : "Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn". May mà còn gặp vị vua nhân đức ("hạ chiếu cho các ông thắng kiện") chớ không thì công cốc.
Thời nay lỡ xẩy ra những chuyện oan khuất tương tự thì chả ai còn phải cất công đi lại xa xôi như vậy nữa. Địa phương nào cũng có hội đồng nhân dân các cấp, trên nữa là quốc hội. Thêm vào đó là hàng ngàn tờ báo, chưa kể vô số các cơ quan truyền thông, mọi chuyện khuất tất đều sẽ bị phơi bầy trước công luận tức thì nên mấy ông già Ba Tri bị thất nghiệp là cái chắc (và cũng hết còn đất sống) đúng không ?
Không !
Tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Năm rồi, xã Đồng Tâm vừa xuất hiện một ông già Ba Tri khiến cả nước phải giật mình kinh ngạc. Ông được Tạp Chí Luật Khoa bình chọn là một trong "Mười Nhân Vật Chính Trị Việt Nam Năm 2017", cùng với không ít lời ưu ái :
"Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.
Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ...".
Về vụ "xô xát" nói trên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết thêm chi tiết :
"Việc ngày 15/4/2017 ba sĩ quan quân đội và đội cảnh sát, an ninh công an Hà Nội mời dân ra đồng Sênh ‘kiểm tra mốc giới’ khi đến mốc 15-20thì nổ súng uy hiếp, trung tá Trần Thanh Tùng phó công an huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2m rồi cùng ‘côn đồ mặc quần bò, áo thun’ xốc nách cụ đưa lên ô tô khóa tay, bịt miệng đồng thời bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo…".
Ông già Ba Tri của xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – bị "côn đồ đấm đá, tra khảo" nhưng cả trăm đại diện của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đều câm như hến. Còn Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải thì đứng về phía... công an, để vu cáo nạn nhân : "Gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân" – theo như tường trình của báo Người Lao Động, đọc được vào hôm 7 tháng 11 năm 2017.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải : Công an Thành phố Hà Nội thực thi nhiệm vụ hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Ảnh : Quochoi.vn
Một năm sau, trên trang Tiếng Dân – đọc được vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 – Nguyễn Đăng Quang (một nhà báo tận tụy và đặc biệt quan tâm về sự việc Đồng Tâm) cho biết :
"Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vẫn đang bế tắc. Người dân đã hai lần gửi TÂM THƯ đến Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội vừa qua, nhưng không có ai trả lời họ. Mới đây, cụ Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm, với danh nghĩa người bị hại trong biến cố Đồng Tâm, đã gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban này một "Thư công dân gửi Đại biểu Quốc hội".
Thư gửi qua ‘Chuyển phát nhanh’, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả !
Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác...
Trong cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, người viết bài này cũng như tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần hồi đáp đơn thư và các nguyện vọng, kiến nghị của người dân".
Khi đất nước còn ở trong tình cảnh một cổ hai tròng (thực dân & phong kiến) nếu bị đám quan lại địa phương ức hiếp, mấy ông già Ba Tri thời trước chỉ cần mất vài tháng đi bộ từ quê mình ra đến kinh đô – nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn – rồi chầu tấu trình sự việc là... kể như xong. Còn bây giờ "tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng hồi đáp đơn thư" thôi nhưng điều "mong muốn" giản dị này – xem ra – vẫn hơi có vẻ xa vời, nếu chưa muốn nói là xa xỉ.
Chúng ta đang sống vào cái thời đại (thổ tả) gì vậy, hả Trời ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 27/08/2018 (tuongnangtien's blog)