Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2018

Lỗ hổng pháp lý qua vụ sổ đỏ Dinh Vua Mèo

Cát Linh

Chính quyền tỉnh Hà Giang mới đây lên tiếng thừa nhận việc cấp sổ đỏ Dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn năm 2012 là sai quy định. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Hà Giang cho biết đề nghị "trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự" của gia tộc họ Vương "sẽ tính sau".

meo1

Dinh thự gia tộc họ Vương - Courtesy of soha.vn

Câu chuyện kiến nghị về dinh thự Vua Mèo, một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia qua các giai đoạn 1945, 1975 được các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử nhận định như thế nào ?

Giá trị lịch sử

Dinh thự Vua Mèo là tài sản cá nhân của dòng tộc họ Vương, được xây dựng bởi ông Vương Chí Sình, còn được mệnh danh là Vua Mèo. Công trình được xây dựng kết hợp 3 nền văn hóa (Trung Quốc, người Mông và người Pháp) từ 100 năm trước. Với chiều dài lịch sử và cấu trúc độc đáo, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia qua các giai đoạn 1945, 1975.

Nhà văn Nguyên Ngọc, người từng có vài năm sinh sống ngay ở huyện Đồng Văn, và ngay cả trong dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình, cho biết đó là một nơi có vị trí lịch sử rất quan trọng trong bối cảnh chung của lịch sử Việt Nam.

"Qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhân vật Vương Chí Sình là 1 nhân vật có vị trí trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là vùng núi phía Bắc. Cho nên theo tôi, dinh thự của ông là một di tích lịch sử".

Theo lời ông kể, dân tộc H’Mong là 1 dân tộc lớn và gắn bó lâu dài với dân tộc Việt Nam. Do đó, chỉ riêng về đặc điểm này, ông cho rằng đối với những di tích của dân tộc này cũng như của những dân tộc khác phải rất thận trọng và tôn trọng. Ông nói tiếp.

"Thứ hai nữa là cụ Vương Chí Sình, có thể nói là 1 lãnh tụ, đứng đầu 1 tộc người trong 1 thời gian dài và đã có vị trí trong lịch sử. Cụ đã tham gia vào Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đầu tiên từ năm 1946. Ông Hồ Chí Minh đã mời cụ về Hà Nội".

Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng nhìn nhận quan điểm này, cho rằng bản thân nhân vật Vua Mèo ở Hà Giang là một người khá nổi tiếng, có vai trò khá quan trọng, đặc biệt ở khu vực Hà Giang.

"Trường hợp dinh thự họ Vương, nhân gian hay gọi Vua Mèo mang tính hết sức điển hình, vì đây là một nhân vật lịch sử. Nhân vật này đã tham gia vào bộ máy lập pháp là Quốc hội. Và đến bây giờ con và cháu của ông vẫn khẳng định là chưa có việc cống hiến tài sản này cho nhà nước.

Từ xưa đến nay, dinh thự vẫn được coi là 1 địa điểm tham quan du lịch đối với rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đứng dưới góc độ quản lý về mặt di sản văn hóa thì Sở Văn hóa tỉnh Hà Giang có trách nhiệm quản lý về mặt chuyên môn dưới góc độ di sản văn hóa thôi".

Lỗ hổng pháp lý

Câu chuyện được báo chí trong nước làm rõ chi tiết là UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.

Vào tháng 6 năm 2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội của "Vua Mèo" Vương Chí Sình đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Phúc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa Dinh thự họ Vương của ông. Trong thư, ông Vương Duy Bảo đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại cho dòng họ Vương mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự hơn 100 tuổi ở Hà Giang.

Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nhận định với RFA rằng việc cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương cho Sở Văn hóa thông tin là sai. Theo ý kiến của bà, nên nhìn nhận dinh thự của Vua Mèo dưới góc độ là 1 tích lịch sử văn hóa và đồng thời là tài sản cá nhân.

Về góc độ pháp lý, bà có ý kiến rằng luật di sản Việt Nam vẫn còn một lỗ hổng khá lớn.

"Đây là 1 vấn đề, 1 khiếm khuyết trong luật của mình. Cho nên có khá nhiều những di tích hay nhà cổ của cá nhân nhưng về giá trị lịch sử văn hóa thì có thể coi đó là di sản của cộng đồng hay di sản nói chung. Nhưng về nguyên tắc thì nó vẫn là 1 tài sản của cá nhân".

Báo Dân Trí có trích lời Luật sư Trương Anh Tú cho biết Luật Di sản Văn hóa không đề cập đến vấn đề quốc hữu hóa tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích, và điều 158 Luật Đất đai 2013 cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của các nhân, hộ gia đình trên đất có di tích lịch sử - văn hoá.

Theo Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, quyền và trách nhiệm của tỉnh Hà Giang chỉ bao gồm việc quản lý và phát huy giá trị, không thể xem quyền quản lý văn hóa là quyền thừa kế hoặc sở hữu tài sản.

Cho đến thời điểm này, theo những thông tin do truyền thông trong nước đưa ra, vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào cho thấy gia tộc họ Vương hiến tặng nhà nước Dinh thự Vua Mèo.

Do đó, quyền thừa kế vẫn thuộc về dòng họ Vương. Đây cũng là lời khẳng định của nhà khảo Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, và cũng là ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc khi nhắc đến dòng tộc họ Vương.

"Tôi đồng tình với kiến nghị của gia tộc họ Vương. Tôi cũng có biết 1 số con cháu của ông Vương Chí Sình ngày xưa, từ thời ông Vương Quỳnh Anh. Tôi nghĩ rõ ràng đó là tài sản lâu đời của người ta, của gia đình đó. Và đó là 1 gia đình có vai trò lịch sử nhất định, đặc biệt với miền núi phía Bắc, đối với người dân tộc nữa. Cho nên tôi nghĩ việc họ đòi lại sổ đỏ, quyền sở hữu đối với đất đó là hoàn toàn chính đáng. Tôi ủng hộ.

Tôi nghĩ cách đúng đắn nhất là trả lại cho họ cho đàng hoàng".

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu tiếp lời.

"Bây giờ nếu tỉnh Hà Giang chưa đưa ra được chứng cứ nào cho thấy dòng họ này đã hiến diện tích đất hay ngôi nhà này cho nhà nước thì tỉnh Hà Giang không thể nghiễm nhiên coi là tài sản của nhà nước mà Sở Văn hóa đứng ra quản lý, mặc dù luật đất đai của mình quy định đất đai là tài sản chung sở hữu của nhà nước, thay mặt toàn dân đứng ra quản lý.

Nhưng rõ ràng dưới luật, chúng ta vẫn phải thừa nhận có những tài sản đất đai do dòng họ gia đình truyền từ đời này sang đời khác".

Đến sáng ngày 23 tháng 8, theo tin trong nước cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý xác nhận việc cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn năm 2012 là sai. Theo ông Trần Đức Quý sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại dinh thự dòng họ gia tộc Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa thông tin Đồng Văn. Tuy nhiên, đối với đề nghị "trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự", người đại diện tỉnh nói "sẽ tính sau". Ông Quý nói rằng nếu gia đình ông Vương Duy Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 27/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 661 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)