Một bộ phim tài liệu về nhà hoạt động đang bị cầm tù Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, bị cấm ở Việt Nam nhưng lại đang được đón nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Dù là một bộ phim không có quan điểm chính trị, như lời nhà làm phim Clay Phạm nói, nhưng "Mẹ Vắng Nhà" đã không được phép trình trình chiếu tại Việt Nam. Tuy nhiên bộ phim dài 40 phút về cảnh sinh hoạt của gia đình Mẹ Nấm khi không có cô ở nhà đã được VOICE trình chiếu tại bảy nước, trong đó có một số buổi chiếu không công khai tại các nhà thờ và tòa đại sứ ở Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" tại một phiên xử phúc thẩm hôm 30/11/2017.
Bộ phim tài liệu đầu tay của Clay Phạm nói về bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, và hai cháu ngoại – con của Như Quỳnh, trong các hoạt động thường ngày cùng những hình ảnh của bà Lan đến dự phiên tòa xử con gái cũng như những lần bà đến thăm con tại trại giam.
"Đây là một bộ phim chân thật nhất về gia đình một tù nhân lương tâm", Clay Phạm nói. "Trước đây ở Việt Nam người ta không hiểu tù nhân lương tâm như thế nào. Người ta hiểu sơ sài và phỏng đoán rằng người đó rất nghê gớm và chống chọi lại chính quyền nên mới bị ở tù. Clay muốn cho mọi người nhận thức được rằng họ cũng là những con người bình thường, sinh hoạt rất bình thường và họ rất hiền lành. Chỉ có chăng là Quỳnh đấu tranh cho những điều tự do và công bằng nên mới bị bắt ở tù".
Clay Phạm, người dành hai tháng với gia đình bà Lan để quay những thước phim trên, cho VOA biết ông hiện bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam. Ông bị công an thu hộ chiếu trong một lần tới sân bay để đi ra nước ngoài.
Món quà "nhạy cảm"
Đạo diễn này nói rằng ông không ngờ bộ phim lại "nhạy cảm đến vậy". Ý định ban đầu của ông là làm bộ phim này "như một món quà tặng Quỳnh" để sau khi ra tù Quỳnh sẽ thấy được con mình sống ra sao, mẹ mình cực khổ như thế nào trong thời gian Quỳnh "đi vắng".
Tháng trước, buổi công chiếu thứ 2 của "Mẹ Vắng Nhà" tại Bangkok bị hủy bỏ do sức ép của Việt Nam lên các giới chức Thái Lan.
Trịnh Hội, giám đốc điều hành của VOICE – tổ chức phi lợi nhuận đang trình chiếu "Mẹ Vắng Nhà" trên khắp thế giới – cho VOA biết lý do bộ phim bị chính phủ Việt Nam cấm lưu hành.
"Họ cho rằng trong cuốn phim Mẹ Vắng Nhà đã đưa ra một số thông tin sai lạc về Việt Nam cũng như về Mẹ Nấm, là người được nhắc đến trong cuốn phim Mẹ Vắng Nhà".
Tuy nhiên ông Hội, cũng là một luật sư về nhân quyền, cho rằng nguyên nhân thực sự là vì chính quyền Việt Nam sợ "sự thật sẽ được đưa ra phơi bày trên thế giới và cho nhiều người biết".
Trong cuốn phim mà Clay Phạm mất gần bốn tháng để sản xuất có những hình ảnh bà Lan biểu tình và bị đánh cũng như cho thấy nỗi khổ của một người mẹ của một tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Tuy nhiên ông Hội cho rằng bộ phim không "hô hào khẩu hiệu, không tuyên truyền" kích động.
Bà Lan cho VOA biết bà cũng không hiểu tại sao bộ phim bị cấm chiếu ở Việt Nam.
"[Clay Pham] nói với tôi rằng bộ phim này là để kể về cuộc đời thật, cuộc sống bình thường của gia đình chị Quỳnh để lên tiếng với thế giới rằng họ là những người bình thường trong cuộc sống, có những ước mơ bình thường, đòi hỏi công bằng. Thực ra nó là một bộ phim bình thường thôi".
"Càng cấm, càng nổi"
Chính vì việc Việt Nam cấm bộ phim này mà "Mẹ Vắng Nhà" lại được cộng đồng quốc tế và nhất là những người Việt ở hải ngoại muốn được xem, theo giám đốc điều hành của VOICE.
Ông Hội cho biết VOICE "nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác trình chiếu bộ phim từ khắp mọi nơi từ Châu Mỹ đến Châu Âu, cũng như hàng trăm lời yêu cầu đăng tải công khai bộ phim trên mạng để ai cũng có thể xem được nhất là tại Việt Nam".
Mặc dù cuộc sống và sự an toàn của mình đang bị đe dọa ở Việt Nam nhưng Clay Phạm nói "nếu có phải đánh đổi cũng xứng đáng" vì ông hy vọng với bộ phim này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền sẽ giúp Như Quỳnh được thả tự do.
******************
Hà Giang chỉ kiểm điểm cán bộ ký giấy cướp dinh vua Mèo (Người Việt, 29/08/2018)
Để xoa dịu dư luận, chủ tịch tỉnh Hà Giang cho rằng "do nhận thức chưa đầy đủ" nên cấp huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "không đúng đối tượng".
Dinh thự họ Vương. (Hình : VnExpress)
Theo báo VNExpess, ngày 28 tháng Tám, ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang đã ký văn bản báo cáo thủ tướng cộng sản Việt Nam về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (sổ đỏ) dinh thự vua Mèo (dinh thự họ Vương).
Phúc trình nêu tỉnh đã chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu dinh thự họ Vương, cấp cho Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Đồng Văn. Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường và các đơn vị có liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm vì cấp sổ đỏ sai quy định.
Thế nhưng, phúc trình cũng nêu : "Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước đối với khu di tích, tỉnh Hà Giang tiếp tục quản lý khu di tích theo Luật Di Sản và các quy định pháp luật hiện hành", Hà Giang nêu kiến nghị giải pháp với dinh thự vua Mèo.
Chính quyền Hà Giang cho hay, đến năm 1994 tỉnh có 4 di tích được công nhận, trong đó có di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia khu nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn "trải qua nhiều năm sử dụng song chưa được tu sửa, bị dột nát, hư hỏng nhiều dẫn đến nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng".
Tin cho biết, trước năm 1993, con cháu ông Vương Chí Chư, con trai vua Mèo Vương Chính Đức, anh em kết nghĩa với ông Hồ Chí Minh, sinh sống trong khu trung dinh. Khu hậu dinh không có người ở ; khu tiền dinh là nơi làm việc của ủy ban xã Sà Phìn và các đoàn thể mượn làm trụ sở.
Ngày 11 tháng Chín, 2012, giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường ký giấy "sổ đỏ" khu di tích cho Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Đồng Văn với mục đích "sử dụng đất có di tích, danh thắng".
Khách du lịch tham quan dinh thự "Vua Mèo". (Hình : Người Lao Động)
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang thừa nhận, song né trách nhiệm, đổ việc cướp dinh thự cho nhiều nơi với biện minh : "Do nhận thức chưa đầy đủ, nên các đơn vị : Văn phòng ghi danh quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài Nguyên Môi Trường ; Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Đồng Văn ; Ủy ban xã Sà Phìn đã kê khai, xác nhận và trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng quản lý sử dụng đất.
Về phúc trình của Hà Giang, nói với báo Người Lao Động, ông Vương Duy Bảo cho rằng, chưa thỏa đáng. Trong đơn đại diện cho dòng họ Vương, ông Bảo yêu cầu xem xét trả lại quyền sở hữu hợp pháp toàn bộ khu di tích dinh thự "vua Mèo" nhưng trong báo cáo lại không hề đề cập vấn đề này, cũng không nêu hướng giải quyết.
"Trên thực tế, con cháu dòng họ Vương nói chung cũng như cá nhân tôi nói riêng từ khi khu di tích được đưa vào khai thác thì chưa hề nhận được một đồng nào như báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang. Nói như thế là oan cho chúng tôi !", ông Bảo khẳng định.
Khi ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo đề nghị xem xét lại việc cấp sổ đỏ khu di tích, Sở Tài nguyên và môi trường có văn bản trả lời nhưng "áp dụng căn cứ pháp luật và dẫn chiếu nội dung điều luật không phù hợp".
Trước đó, ngày 23 tháng Tám, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Giang ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương (dinh Vua Mèo) đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn.
Ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thừa nhận : "Hà Giang cấp sổ đỏ dinh họ Vương sai nên chúng tôi sẽ thu hồi và hủy quyết định trước đó".
Tuy nhiên, với đề nghị "trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự" của ông Vương Duy Bảo, lãnh đạo Hà Giang nói "sẽ tính sau". Nếu chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì gia đình ông Bảo mới được cấp sổ đỏ. (Tr.N)
Chính quyền tỉnh Hà Giang mới đây lên tiếng thừa nhận việc cấp sổ đỏ Dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn năm 2012 là sai quy định. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Hà Giang cho biết đề nghị "trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự" của gia tộc họ Vương "sẽ tính sau".
Dinh thự gia tộc họ Vương - Courtesy of soha.vn
Câu chuyện kiến nghị về dinh thự Vua Mèo, một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia qua các giai đoạn 1945, 1975 được các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử nhận định như thế nào ?
Dinh thự Vua Mèo là tài sản cá nhân của dòng tộc họ Vương, được xây dựng bởi ông Vương Chí Sình, còn được mệnh danh là Vua Mèo. Công trình được xây dựng kết hợp 3 nền văn hóa (Trung Quốc, người Mông và người Pháp) từ 100 năm trước. Với chiều dài lịch sử và cấu trúc độc đáo, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia qua các giai đoạn 1945, 1975.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người từng có vài năm sinh sống ngay ở huyện Đồng Văn, và ngay cả trong dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình, cho biết đó là một nơi có vị trí lịch sử rất quan trọng trong bối cảnh chung của lịch sử Việt Nam.
"Qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhân vật Vương Chí Sình là 1 nhân vật có vị trí trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là vùng núi phía Bắc. Cho nên theo tôi, dinh thự của ông là một di tích lịch sử".
Theo lời ông kể, dân tộc H’Mong là 1 dân tộc lớn và gắn bó lâu dài với dân tộc Việt Nam. Do đó, chỉ riêng về đặc điểm này, ông cho rằng đối với những di tích của dân tộc này cũng như của những dân tộc khác phải rất thận trọng và tôn trọng. Ông nói tiếp.
"Thứ hai nữa là cụ Vương Chí Sình, có thể nói là 1 lãnh tụ, đứng đầu 1 tộc người trong 1 thời gian dài và đã có vị trí trong lịch sử. Cụ đã tham gia vào Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đầu tiên từ năm 1946. Ông Hồ Chí Minh đã mời cụ về Hà Nội".
Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng nhìn nhận quan điểm này, cho rằng bản thân nhân vật Vua Mèo ở Hà Giang là một người khá nổi tiếng, có vai trò khá quan trọng, đặc biệt ở khu vực Hà Giang.
"Trường hợp dinh thự họ Vương, nhân gian hay gọi Vua Mèo mang tính hết sức điển hình, vì đây là một nhân vật lịch sử. Nhân vật này đã tham gia vào bộ máy lập pháp là Quốc hội. Và đến bây giờ con và cháu của ông vẫn khẳng định là chưa có việc cống hiến tài sản này cho nhà nước.
Từ xưa đến nay, dinh thự vẫn được coi là 1 địa điểm tham quan du lịch đối với rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đứng dưới góc độ quản lý về mặt di sản văn hóa thì Sở Văn hóa tỉnh Hà Giang có trách nhiệm quản lý về mặt chuyên môn dưới góc độ di sản văn hóa thôi".
Câu chuyện được báo chí trong nước làm rõ chi tiết là UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Vào tháng 6 năm 2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội của "Vua Mèo" Vương Chí Sình đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Phúc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa Dinh thự họ Vương của ông. Trong thư, ông Vương Duy Bảo đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại cho dòng họ Vương mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự hơn 100 tuổi ở Hà Giang.
Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nhận định với RFA rằng việc cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương cho Sở Văn hóa thông tin là sai. Theo ý kiến của bà, nên nhìn nhận dinh thự của Vua Mèo dưới góc độ là 1 tích lịch sử văn hóa và đồng thời là tài sản cá nhân.
Về góc độ pháp lý, bà có ý kiến rằng luật di sản Việt Nam vẫn còn một lỗ hổng khá lớn.
"Đây là 1 vấn đề, 1 khiếm khuyết trong luật của mình. Cho nên có khá nhiều những di tích hay nhà cổ của cá nhân nhưng về giá trị lịch sử văn hóa thì có thể coi đó là di sản của cộng đồng hay di sản nói chung. Nhưng về nguyên tắc thì nó vẫn là 1 tài sản của cá nhân".
Báo Dân Trí có trích lời Luật sư Trương Anh Tú cho biết Luật Di sản Văn hóa không đề cập đến vấn đề quốc hữu hóa tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích, và điều 158 Luật Đất đai 2013 cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của các nhân, hộ gia đình trên đất có di tích lịch sử - văn hoá.
Theo Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, quyền và trách nhiệm của tỉnh Hà Giang chỉ bao gồm việc quản lý và phát huy giá trị, không thể xem quyền quản lý văn hóa là quyền thừa kế hoặc sở hữu tài sản.
Cho đến thời điểm này, theo những thông tin do truyền thông trong nước đưa ra, vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào cho thấy gia tộc họ Vương hiến tặng nhà nước Dinh thự Vua Mèo.
Do đó, quyền thừa kế vẫn thuộc về dòng họ Vương. Đây cũng là lời khẳng định của nhà khảo Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, và cũng là ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc khi nhắc đến dòng tộc họ Vương.
"Tôi đồng tình với kiến nghị của gia tộc họ Vương. Tôi cũng có biết 1 số con cháu của ông Vương Chí Sình ngày xưa, từ thời ông Vương Quỳnh Anh. Tôi nghĩ rõ ràng đó là tài sản lâu đời của người ta, của gia đình đó. Và đó là 1 gia đình có vai trò lịch sử nhất định, đặc biệt với miền núi phía Bắc, đối với người dân tộc nữa. Cho nên tôi nghĩ việc họ đòi lại sổ đỏ, quyền sở hữu đối với đất đó là hoàn toàn chính đáng. Tôi ủng hộ.
Tôi nghĩ cách đúng đắn nhất là trả lại cho họ cho đàng hoàng".
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu tiếp lời.
"Bây giờ nếu tỉnh Hà Giang chưa đưa ra được chứng cứ nào cho thấy dòng họ này đã hiến diện tích đất hay ngôi nhà này cho nhà nước thì tỉnh Hà Giang không thể nghiễm nhiên coi là tài sản của nhà nước mà Sở Văn hóa đứng ra quản lý, mặc dù luật đất đai của mình quy định đất đai là tài sản chung sở hữu của nhà nước, thay mặt toàn dân đứng ra quản lý.
Nhưng rõ ràng dưới luật, chúng ta vẫn phải thừa nhận có những tài sản đất đai do dòng họ gia đình truyền từ đời này sang đời khác".
Đến sáng ngày 23 tháng 8, theo tin trong nước cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý xác nhận việc cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn năm 2012 là sai. Theo ông Trần Đức Quý sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại dinh thự dòng họ gia tộc Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa thông tin Đồng Văn. Tuy nhiên, đối với đề nghị "trả lại quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự", người đại diện tỉnh nói "sẽ tính sau". Ông Quý nói rằng nếu gia đình ông Vương Duy Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ.
Cát Linh
Nguồn : RFA, 27/08/2018