Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

tet1

Gói bánh chưng ngày Tết tại làng gần Hà Nội. Reuters

Việt Nam có nên làm theo những nước như Nhật, tức là bỏ Tết Âm lịch, hay nói đúng hơn là sát nhập Tết Âm lịch vào Tết Dương lịch ? Đó là câu hỏi vẫn gây tranh cãi mỗi khi Tết sắp đến, nhất là kể từ khi giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra ý kiến đó. Những người chủ trương bỏ Tết ta cho rằng thời gian nghỉ Tết quá dài vừa ảnh hưởng đến năng suất, vừa gây tốn kém. Nhưng nhiều người không đồng ý với đề nghị đó, với lý do là phải bảo vệ tục lệ, truyền thống Tết của dân tộc.

Là người đầu tiên đề xuất ký kiến bỏ Tết ta, giáo sư Võ Tòng Xuân nêu lên ví dụ của Nhật, từ lâu đã chuyển sang chỉ ăn Tết Dương lịch cho phù hợp với phương Tây :

" Khi mà Nhật chuyển sang ăn Tết cổ truyền của Nhật vào ngày Tết Dương lịch dường như là từ khoảng năm 1870, cho tới giờ này Nhật Bản vẫn là cường quốc giàu nhất Châu Á. Chuyển sang ăn Tết tây là cho phù hợp với Tây phương, để bên Tây phương nghỉ thì mình cũng nghỉ, còn người ta làm việc thì mình cũng làm việc. Vào thời đại bây giờ, một vài phút chênh nhau là thị trường hay một cổ phiếu nào đó có thể thay đổi. Đó cũng là dịp để nhiều công ty của chúng ta tranh thủ làm giàu.

Năm nay, chúng ta cũng cảm thấy là, tuy còn nhiều người không thích ăn Tết ta vào ngày Tết tây, nhưng không khí của Tết tây cũng tất là tưng bừng, người ta cũng tặng quà Tết trong ngày Tết tây. Đặc biệt ở Việt Nam, thời tiết bây giờ cũng không giống như trước nữa. Một trong những lập luận về việc phải ăn Tết đúng ngày Tết ta đó là để rơi vào dịp hoa mai, hoa đào nở. Nhưng mấy năm nay rồi, hoa mai và hoa đào nở không còn đúng ngày nữa. Cho nên, tôi thấy là lập luận dựa trên thời tiết không còn đúng nữa trong giai đoạn biến đổi khí hậu ở toàn cầu".

Một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng là một trong những người ủng hộ việc sát nhập Tết ta và Tết tây, vì ông cho rằng có quá nhiều ngày nghỉ cho hai dịp Tết này :

" Mỗi lần đón mừng năm mới thì ở Việt Nam chúng ta đón mừng năm mới Dương lịch và lại đón mừng năm mới Âm lịch. Có những năm thì hai Tết đó cách xa nhau khoảng gần 2 tháng. Có những năm như năm nay thì nó chỉ cách nhau khoảng 1 tháng. Nhưng việc đón hai cái Tết thì nó dẫn đến thời gian nghỉ của người lao động diễn ra vào hai đợt.

Thứ hai, theo truyền thống canh tác lúa nước, sau khi cấy xong thì người nông dân ở miền Bắc rỗi việc. Vì vậy mới sinh ra cái câu : " Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè", tuy rằng cũng có câu " Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà". Tóm lại, chúng ta mất nhiều quá thời gian vào việc nghỉ Tết, chơi Tết, ăn Tết, lễ hội, thăm hỏi… Gần đây, do đời sống được cải thiện, cho nên tiêu thụ rượu bia, cờ bạc, các tệ nạn xã hội cũng tăng lên.

Vì vậy, một số người như Giáo sư Võ Tòng Xuân và tôi có đề nghị nên nghiên cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm của Nhật Bản là chỉ nên nghỉ một Tết, và đó là Tết Dương lịch. Điều đó phù hợp với xu thế hội nhập thế giới. Tuy vậy, khi tôi đưa ý kiến đó lên Facebook, tôi đã bị "ném đá" rất kịch liệt và nhiều người phản đối. Nhưng tôi vẫn nghĩ là trước sau gì chúng ta cũng nên xem xét một cách rất nghiêm túc kinh nghiệm của nước Nhật đã làm như thế nào vẫn giữ được thuần phong mỹ tục, mà vẫn khắc phục được tình trạng nghỉ dài ngày quá và sau khi ăn Tết rồi thì năng suất lao động vẫn giảm và sự tập trung làm việc lại kém. Đấy là những điều tôi đang trăn trở. Tôi muốn là chính phủ nên nghiên cứu một cách nghiêm túc, để rồi đưa ra thảo luận và tiến tới có một quyết định nào đấy về việc hợp nhất Tết Âm lịch với Tết Dương lịch".

 Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng chia sẽ ý kiến là quá nhiều ngày nghỉ Tết gây tốn kém, trước hết là cho tài chính gia đình :

" Thứ nhất là trong ngân sách gia đình, người ta tiêu phí quá nhiều, nhất là những người bên phái nam, với chuyện nhậu nhẹt kéo dài, rồi cờ bạc. Nhưng quan trọng nhất là những người ủng hộ tôi thấy rằng mình càng nghỉ ít ngày thì mình càng cứu nhiều sinh mạng. Theo thống kê, mỗi ngày Tết chết ít nhất là 40 người. Ăn Tết ít lại một chút thì mỗi ngày chúng ta tiết kiệm được ít nhất 40 sinh mạng. Ngoài chuyện tiền bạc thì còn vấn đề tai nạn giao thông, bởi vì uống nhiều rượu quá thì gây ra tai nạn.

Một phần nữa là những người có nhiều việc làm quá thì cũng không có nghỉ ngày Tết. Trong trường của đại học của chúng tôi cũng vậy, mặc dù sinh viên nghỉ, nhưng một phần ba cán bộ giảng dạy cũng phải trực. Còn những lực lượng khác như công nhân, quân nhân cũng phải trực ít nhất 50% thời gian, để bảo đảm cho xã hội tiếp tục phát triển như bình thường.

Nói chung là nghỉ Tết lâu thì gây tốn kém nhiều thứ, trong đó có tốn kém thời giờ của lao động, thay vì làm ra thêm tiền, thì mình lại tiêu tốn tiền, tiêu tốn sinh mạng và rồi cuối cùng thì đối với kinh tế gia đình lại là một trở ngại".

Nhưng nếu sát nhập Tết ta và Tết tây thì làm sao có thể duy trì được những phong tục tập quán của ngày Tết Nguyên Đán ? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra một số đề xuất :

" Cái đó thì cần phải có sự nghiên cứu. Tôi nghĩ là các phong tục tốt đẹp thì có thể duy trì, nhưng cũng không nên duy trì mọi phong tục, ví dụ như việc bói toán, đốt vàng mã. Tất cả những việc đó nên cần phải xem xét, kể cả việc " Tháng Hai cờ bạc, tháng ba rượu chè" cũng nên xem xét và tiến tới khắc phục.

Ở những nước khác như Nhật Bản, họ cũng có nhậu nhẹt, nhưng mức độ cũng khác và thời gian họ dành cho việc ấy cũng khác. Họ vẫn duy trì được năng suất lao động của họ. Vấn đề của chúng ta ở đây là tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của chúng ta trong 10 năm gần đây liên tục giảm, bây giờ chỉ còn 3%. Về nguyên tắc thì năng suất lao động tăng thì mới có thể tăng lương. Nếu tăng lương mà không tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh được".

Giáo sư Võ Tòng Xuân thì đề nghị là có thể dùng ngày Tết tây để cử hành những tục lệ cổ truyển chủ yếu của Việt Nam. Ông cho rằng trong vấn đề này, Nhà nước có thể ra những quyết định hành chính, như họ đã từng ra lệnh cấm đốt pháo vào dịp Tết :

" Không phải là chúng ta bỏ hết những tục lệ cổ truyền để đi ăn Tết tây là chúng ta dùng 3 ngày Tết tây để cử hành những tục lệ cổ truyền quan trọng nhất của Việt Nam mình. Ví dụ như ngày Tết mọi người đều phải ăn mặc chỉnh tề, mặc quần áo mới, rồi cúng ông bà, kế đến là các cháu mừng tuổi ba mẹ, ông bà, để được lì xì, rồi đi thăm bạn bè, đi chùa hái lộc. Những người như tôi thì đi thăm các nhân viên, đặc biệt là những nhân viên đã về hưu. Rồi đến mùng 3 thì cũng rước ông bà về.

Còn ngày 23 đưa ông Táo thì mình cũng tính theo Dương lịch luôn. Dĩ nhiên rất nhiều người thấy rằng làm như vậy là không phải : ngày 23 Âm lịch mới đưa ông Táo, chứ không phải 23 Dương lịch ! Tôi nghĩ tất cả những điều này là chuyện tâm linh : chúng ta cứ tưởng tượng ngày 23 này với ngày 23 kia cũng giống nhau ! Mình cũng không bỏ các tục lệ đó.

Đây là việc mà mình phải có những quyết định mạnh dạn từ chính quyền để mọi người theo, chứ còn đưa ra lấy ý kiến đại chúng thì sẽ cãi hoài mà không biết chừng nào mới hết cãi. Tôi lấy ví dụ như trước đây chúng ta có tục lệ đốt pháo. Nhưng Nhà nước thấy đốt pháo quá tốn tiền, có nhiều rũi ro cho nên cấm đốt pháo, thì tới giờ này cũng không đốt pháo (...). Tới đây, chắc chắn là nếu Nhà nước mà mạnh dạn như bên Nhật Bản, thì cũng có thể ra quyết định cử hành những tục lệ truyền thống chính của Tết ta vào ngày Tết tây".

Đối với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu sát nhập được hai cái Tết thì điều đó sẽ giảm được luôn cả điều mà ông gọi là "những ngày nghỉ vô hình " của công chức.

" Nếu là làm được điều đó thì sẽ giảm được những ngày nghỉ chính thức và những ngày nghỉ vô hình. Hiện nay, tuy là quan chức đến công sở, nhưng thực sự thì ít làm việc, sản phẩm làm ra không có và chỉ đi thăm hỏi lẫn nhau. Điều đó dẫn đến công việc trì trệ và phản ứng không còn hiệu quả như mong muốn với những việc mà hiện nay chúng ta đang hội nhập sâu".

Những ý kiến như của giáo sư Võ Tòng Xuân và Lê Đăng Doanh hiện nay ngày càng được ủng hộ, thế nhưng vẫn còn nhiều người không chấp nhận gộp Tết ta và Tết ta. Dầu sao thì đây cũng là một truyền thống đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam, không dễ gì mà thay đổi được. Có thể đây sẽ vẫn là đề tài tiếp tục gây tranh cãi trong nhiều năm nữa, trừ phi Nhà nước ra những quyết định dứt khoát theo hướng này. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI tiếng Việt, 23/01/2017

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Văn hóa

antet1

Ngày Tết truyền thống ở thôn quê Việt Nam 

Trong lúc thế giới đang làm việc hăng say thì nhiều người chúng ta vẫn đang mải tranh cãi việc ăn Tết theo lịch nào và không hề có kế hoạch nâng cao năng suất lao động trong tương lai.

Trong những năm gần đây, ở khoảng giữa thời gian Tết dương và Tết âm lịch thì lại có chủ đề sôi nổi trên mặt báo về câu chuyện : Ăn Tết âm lịch theo lịch Tết dương. Tựu trung thì có 2 luồng ý kiến.

Ý kiến thứ nhất phản đối chuyện gộp chung Tết truyền thống vào Tết dương lịch vì cho rằng như vậy sẽ đánh mất bản sắc truyền thống từ bao đời nay của dân tộc ta. Ở chiều ngược lại, ý kiến thứ hai cho rằng nên gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch vì như thế sẽ giúp đẩy mạnh hơn quá trình hội nhập với thế giới.

Trong cuộc tranh luận này, mỗi bên đều đưa ra những dẫn chứng rất xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Chẳng hạn, những người theo đường lối cách tân muốn gộp Tết đưa ra dẫn chứng rằng Nhật Bản, một nước Châu Á có tinh thần dân tộc rất cao đã chuyển ăn Tết âm theo dương lịch từ thế kỷ 19 và nhờ đó, người Nhật hòa nhập rất nhanh với tác phong làm việc của thế giới.

Ở chiều ngược lại, những người bảo vệ Tết truyền thống cho rằng các nước Hàn Quốc hay các vùng lãnh thổ phồn vinh như Hồng Kông, Đài Loan dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây nhưng họ vẫn quyết ăn Tết truyền thống theo âm lịch và vẫn phát triển cả kinh tế để thành những con rồng Châu Á. Như vậy, ăn Tết theo âm lịch không hề cản trở đến việc phát triển kinh tế mà còn tạo cơ hội để kích cầu mua sắm, quảng bá du lịch...

Với mỗi luồng ý kiến thì đều có sự hợp lý. Nhưng nếu nghĩ vấn đề đổi lịch ăn Tết để làm việc hiệu quả hơn, phát triển kinh tế tốt hơn thì cần nghĩ đến cái gốc của vấn đề.

Khoảng một thế kỷ rưỡi trước, Thiên hoàng Minh Trị bên Nhật quyết đổi ăn Tết truyền thống từ âm lịch sang dương lịch. Việc này không gây khó khăn lắm vì lúc đó người Nhật chưa ăn Tết dương nên việc đổi lịch với họ chỉ là thay mốc thời gian ngắn chứ không gây xáo trộn xã hội nhiều. Còn với Minh Trị thì việc ông quyết đổi lịch như vậy cũng không hẳn là để tiện làm ăn với người phương Tây vì khi đó giao thương của Nhật và phương Tây không nhiều, văn phòng người Tây trên đất Nhật không nhiều như Việt Nam hiện giờ.

Đơn giản là người lãnh đạo nước Nhật khi đó muốn mượn một hành động mang tính biểu tượng để cho dân chúng cả nước thấy họ thật sự muốn "thoát Á", muốn hòa mình với tác phong, văn hóa của phương Tây. Tinh thần đó được Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) đúc kết trong Thoát Á luận (kêu gọi Nhật "tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây"). Với quyết tâm đó, cả dân tộc Nhật đã biến xứ hoa anh đào từ chỗ là một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp hàng đầu. Sang thế kỷ 20, dù thiệt hại sau chiến tranh nặng nề nhưng tác phong Nhật vẫn giúp họ trở lại vị thế siêu cường trong một thời gian ngắn.

Còn với Hàn Quốc hay Đài Loan, có thời điểm họ chịu sự ràng buộc nhất định trong chính sách với Mỹ thì khi ấy nước họ càng có tinh thần dân tộc cao, quyết giữ bằng được các giá trị văn hóa của mình. Đó là lời khẳng định cho niềm tự hào dân tộc dù họ biết rằng nếu đổi ăn Tết truyền thống theo dương lịch thì sẽ nâng hiệu quả công việc lên cao hơn, hòa nhập với thế giới tốt hơn nữa. Và khi chọn nghỉ nhiều để giữ Tết truyền thống thì họ càng làm việc miệt mài, chăm chỉ và nghiêm túc trong những ngày khác để bù đắp cho những ngày xả hơi theo truyền thống.

Thay vì nghĩ đến việc đổi lịch ăn Tết giống như Nhật một thế kỷ rưỡi trước thì chúng ta nên tự hỏi mình đã quyết tâm đoạn tuyệt với những thói xấu của người Châu Á như làm việc hời hợt, thích chè chén say sưa, không dám tiếp cận với cái mới để tiếp thu các tinh hoa của nhân loại hiện giờ hay chưa ?

Và khi nghĩ đến việc học theo Hàn Quốc bảo vệ giá trị truyền thống, nhất là việc giữ nguyên Tết truyền thống thì trước hết cần học cách làm việc của họ. Để học theo người Hàn Quốc thì chưa cần đến Seoul mà thử nhìn sang xung quanh. Thực tế thì ngay cả khi được chơi nguyên cả tháng Tết, thì đến khi bước vào làm việc, chúng ta cũng chẳng bằng ai trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói chi đến một nước công nghiệp như Hàn Quốc. Cuối 2016, Tổng cục thống kê cho biết năng suất lao động của một người Việt chỉ bằng 1/23 Singapore, 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan, hay một nửa người Philippines.

Trong lúc thế giới đang làm việc hăng say thì nhiều người chúng ta vẫn đang mải tranh cãi việc ăn Tết theo lịch nào và không hề có kế hoạch nâng cao năng suất lao động trong tương lai. Chúng ta muốn "thoát Á" (thoát những thói lạc hậu của các nước Châu Á) hay muốn để Châu Á vượt xa chúng ta ?

Anh Tú

Nguồn : Một Thế Giới, 17/01/2017

Additional Info

  • Author Anh Tú
Published in Văn hóa