Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/01/2017

Nhật ăn Tết theo dương lịch, Hàn Quốc vẫn ăn Tết âm còn chúng ta muốn học theo ai ?

Anh Tú

antet1

Ngày Tết truyền thống ở thôn quê Việt Nam 

Trong lúc thế giới đang làm việc hăng say thì nhiều người chúng ta vẫn đang mải tranh cãi việc ăn Tết theo lịch nào và không hề có kế hoạch nâng cao năng suất lao động trong tương lai.

Trong những năm gần đây, ở khoảng giữa thời gian Tết dương và Tết âm lịch thì lại có chủ đề sôi nổi trên mặt báo về câu chuyện : Ăn Tết âm lịch theo lịch Tết dương. Tựu trung thì có 2 luồng ý kiến.

Ý kiến thứ nhất phản đối chuyện gộp chung Tết truyền thống vào Tết dương lịch vì cho rằng như vậy sẽ đánh mất bản sắc truyền thống từ bao đời nay của dân tộc ta. Ở chiều ngược lại, ý kiến thứ hai cho rằng nên gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch vì như thế sẽ giúp đẩy mạnh hơn quá trình hội nhập với thế giới.

Trong cuộc tranh luận này, mỗi bên đều đưa ra những dẫn chứng rất xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Chẳng hạn, những người theo đường lối cách tân muốn gộp Tết đưa ra dẫn chứng rằng Nhật Bản, một nước Châu Á có tinh thần dân tộc rất cao đã chuyển ăn Tết âm theo dương lịch từ thế kỷ 19 và nhờ đó, người Nhật hòa nhập rất nhanh với tác phong làm việc của thế giới.

Ở chiều ngược lại, những người bảo vệ Tết truyền thống cho rằng các nước Hàn Quốc hay các vùng lãnh thổ phồn vinh như Hồng Kông, Đài Loan dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây nhưng họ vẫn quyết ăn Tết truyền thống theo âm lịch và vẫn phát triển cả kinh tế để thành những con rồng Châu Á. Như vậy, ăn Tết theo âm lịch không hề cản trở đến việc phát triển kinh tế mà còn tạo cơ hội để kích cầu mua sắm, quảng bá du lịch...

Với mỗi luồng ý kiến thì đều có sự hợp lý. Nhưng nếu nghĩ vấn đề đổi lịch ăn Tết để làm việc hiệu quả hơn, phát triển kinh tế tốt hơn thì cần nghĩ đến cái gốc của vấn đề.

Khoảng một thế kỷ rưỡi trước, Thiên hoàng Minh Trị bên Nhật quyết đổi ăn Tết truyền thống từ âm lịch sang dương lịch. Việc này không gây khó khăn lắm vì lúc đó người Nhật chưa ăn Tết dương nên việc đổi lịch với họ chỉ là thay mốc thời gian ngắn chứ không gây xáo trộn xã hội nhiều. Còn với Minh Trị thì việc ông quyết đổi lịch như vậy cũng không hẳn là để tiện làm ăn với người phương Tây vì khi đó giao thương của Nhật và phương Tây không nhiều, văn phòng người Tây trên đất Nhật không nhiều như Việt Nam hiện giờ.

Đơn giản là người lãnh đạo nước Nhật khi đó muốn mượn một hành động mang tính biểu tượng để cho dân chúng cả nước thấy họ thật sự muốn "thoát Á", muốn hòa mình với tác phong, văn hóa của phương Tây. Tinh thần đó được Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) đúc kết trong Thoát Á luận (kêu gọi Nhật "tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây"). Với quyết tâm đó, cả dân tộc Nhật đã biến xứ hoa anh đào từ chỗ là một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp hàng đầu. Sang thế kỷ 20, dù thiệt hại sau chiến tranh nặng nề nhưng tác phong Nhật vẫn giúp họ trở lại vị thế siêu cường trong một thời gian ngắn.

Còn với Hàn Quốc hay Đài Loan, có thời điểm họ chịu sự ràng buộc nhất định trong chính sách với Mỹ thì khi ấy nước họ càng có tinh thần dân tộc cao, quyết giữ bằng được các giá trị văn hóa của mình. Đó là lời khẳng định cho niềm tự hào dân tộc dù họ biết rằng nếu đổi ăn Tết truyền thống theo dương lịch thì sẽ nâng hiệu quả công việc lên cao hơn, hòa nhập với thế giới tốt hơn nữa. Và khi chọn nghỉ nhiều để giữ Tết truyền thống thì họ càng làm việc miệt mài, chăm chỉ và nghiêm túc trong những ngày khác để bù đắp cho những ngày xả hơi theo truyền thống.

Thay vì nghĩ đến việc đổi lịch ăn Tết giống như Nhật một thế kỷ rưỡi trước thì chúng ta nên tự hỏi mình đã quyết tâm đoạn tuyệt với những thói xấu của người Châu Á như làm việc hời hợt, thích chè chén say sưa, không dám tiếp cận với cái mới để tiếp thu các tinh hoa của nhân loại hiện giờ hay chưa ?

Và khi nghĩ đến việc học theo Hàn Quốc bảo vệ giá trị truyền thống, nhất là việc giữ nguyên Tết truyền thống thì trước hết cần học cách làm việc của họ. Để học theo người Hàn Quốc thì chưa cần đến Seoul mà thử nhìn sang xung quanh. Thực tế thì ngay cả khi được chơi nguyên cả tháng Tết, thì đến khi bước vào làm việc, chúng ta cũng chẳng bằng ai trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói chi đến một nước công nghiệp như Hàn Quốc. Cuối 2016, Tổng cục thống kê cho biết năng suất lao động của một người Việt chỉ bằng 1/23 Singapore, 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan, hay một nửa người Philippines.

Trong lúc thế giới đang làm việc hăng say thì nhiều người chúng ta vẫn đang mải tranh cãi việc ăn Tết theo lịch nào và không hề có kế hoạch nâng cao năng suất lao động trong tương lai. Chúng ta muốn "thoát Á" (thoát những thói lạc hậu của các nước Châu Á) hay muốn để Châu Á vượt xa chúng ta ?

Anh Tú

Nguồn : Một Thế Giới, 17/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Tú
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)