Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong ngày 10/07, diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm sinh viên Trần Hoàng Phúc ; ông Vũ Quang Thuận và ông Nguyễn Văn Điển với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi 2009.

phientoa0

Cũng như các phiên tòa xử những tù nhân về chính trị khác, nhiều người không kỳ vọng sự thay đổi lớn lao về mặt bản án so với phiên tòa sơ thẩm. Cái chính vẫn là mong ngóng sức khỏe của tù nhân và lời nói sau cùng trước phiên tòa.

Dĩ nhiên, cả hai phản ảnh tâm thế cũng như tinh thần của những người tù nhân lương tâm. Và điều này càng quan trọng, khi mà những người muốn dành lấy quyền tự do – dân chủ cơ bản phổ quát ra tòa trong bối cảnh, người đỡ đầu nhân quyền – dân chủ trên thế giới là Hoa Kỳ vẫn đang mải mê với thương mại, đến mức, trên trang Facebook của Ngài đại sứ quán Hoa Kỳ chỉ hân hoan nhắc về thương mại, và mãi đến ngày 10/07, thì mới thấy đề cập đến 2 chữ 'nhân quyền'.

‘Đấu tranh – ra tòa - ở tù’ là điệp khúc thường thấy, và nó cũng biểu hiện rõ nét cho cái gọi là kịch bản ‘hốt và giam’ của chính quyền.

‘Đánh thức lương tri’ vẫn là điều cần thiết, nhưng câu chuyện lương tri nằm ở đâu trong phiên tòa vẫn là điều tranh cãi. Là ‘lương tri’ của những người phán quyết, không, có lẽ những người cầm cân nảy mực không quá đau đầu hay tự vấn lương tri trong phiên xử tù chính trị - ít nhất là khi nó là án bỏ túi. Nhưng lương tri của những người bên ngoài phiên tòa, những người vẫn còn im lặng mới là điều hướng tới, họ sẽ nghĩ như thế nào, và sẽ làm gì trước những bản án bất công dành cho chàng sinh viên Trần Hoàng Phúc, hay một doanh nhân như ông Vũ Quang Thuận, hay một công dân luôn nghĩ về sự tự do được bảo hiến - Nguyễn Văn Điển ?

Đó có phải là sự tiếp tục im lặng… để cái bất công tiếp tục được trải dài và tung hoành trên Việt nam ; để tiếng nói yêu tự do và quyền cơ bản phổ quát tiếp tục là món hàng thương mại ; hay để giá trị làm người tiếp tục bị bẻ quặt bởi chính những con người ?

Câu hỏi tiếp theo sẽ là sự lựa chọn của ba người sau phiên tòa hôm nay là sao ? Là chấp nhận tỵ nạn hay ngồi cho trọn vẹn các năm tù ? Dù lựa chọn như thế nào đi chăng nữa, thì suy cho cùng nước Việt hay thậm chí cả phía chính quyền đã thua khi phán quyết bất công được vang lên. Bởi những người bị bắt giam trước hết họ đã là những công dân trung thực nhất và dũng cảm nhất ; sự dũng cảm và trung thực đã tạo hình từ chính lương tri con người nhất bên trong họ,… Và chính tính lương tri này đã tạo nên những con người thực sự hành động về mặt tư tưởng và hành vi. Cũng như chính yếu tố đó là cơ sở để xây dựng một quốc gia thực sự giàu mạnh trên tâm thế đứng thẳng - chẳng phải, Hoa Kỳ hùng mạnh như ngày hôm nay chính từ những con người dũng cảm đó sao ?

Điều mâu thuẫn và đau lòng là người tù chính trị ‘tỵ nạn’ hay bị ‘giam cầm’ ; thì cũng chính là góp phần khiến cho việc xây dựng sự giàu mạnh đứng thẳng đó tiếp tục bị ‘treo giò’. Và điều này càng khiến cho công cuộc xây dựng quốc dân trong quốc gia đó theo hướng ‘thẳng tính người và lương tri’ trở nên bế tắc. Khi ‘bế tắc’, thì đồng nghĩa với việc còn lại lớp quốc dân ươn hèn và sống mòn ngày qua ngày. Trong khi những quốc gia tiếp nhận người tỵ nạn chính trị vì đấu tranh nhân quyền lại ngày càng giàu mạnh bởi họ tiếp nhận được tinh hoa của chính quốc gia độc tài đã tìm cách đẩy đi. Và như thế, ‘chất xám’ nhân quyền tiếp tục chảy máu, trong sự thiếu nhận thức của thuộc tính quốc dân và giới cầm quyền. Để lại một đất nước, mà ngay cả giới trẻ cũng chỉ là 'những người trẻ ẻo lả' (theo ý Ls Luân Lê) với sự rỗng tếch về 'tri thức, yếu đuối khí chất và cạn nông tinh thần'.

Phiên tòa ngày 10/07, tiếp tục sẽ là phiên tòa bất công như hàng trăm phiên tòa trước đó ứng xử với người đấu tranh nhân quyền. Nhưng từ tận sâu trong giá trị cốt lõi tìm kiếm ánh sáng trong cuối đường hầm đen tối của dân tộc, người viết vẫn còn mong sự đánh thức lương tri sau phán quyết phiên tòa, ở những người đang sợ hãi, ở những người còn im lặng và bàng quan với thời cuộc. Rằng, giá trị ‘nặng nề’ của bản án phiên tòa trở thành bài học để tự bẻ ngoặt quốc tính bên trong mình, rằng cuộc phán xét ngày 10/07 là phán xét về tính lương tri con người và những người đứng trước phiên tòa không phải là tội phạm, mà là tù nhân lương tâm.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 10/07/2018

Bạn trẻ Trần Hoàng Phúc là người nhiệt huyết và tích cực trong nhận thức chính trị, bày tỏ lòng yêu nước như một người chính trực và có tri thức, ôn hòa và có trách nhiệm với xã hội cũng như tương lai đất nước. Bạn trẻ ấy đang phải đối diện với mức án 6 năm tù giam, nhưng trong một trạng thái tinh thần lạc quan và nhẹ nhàng. Đó là điều đáng quý và cũng là đáng trọng đối với một công dân đã trưởng thành, nhất là với vị thế một người thuộc thế hệ trẻ của quốc gia.

FB Ls Luân Lê

Published in Diễn đàn

"Một đêm Vũ Thư Hiên ngủ ở nhà tôi. Sáng hôm sau, tung chăn dậy, nhìn ra cửa sổ, nghe tiếng loa từ Ngã Sáu vọng vào, Hiên nhíu mày bảo :

– Hình như tao đã gặp buổi sáng như thế này ở đâu rồi.

vqt1

Tiếng loa phường - Ảnh minh họa

Đúng là tiếng loa đã có từ lâu lắm rồi. Nó đã ngấm vào máu thịt, như là tiền kiếp vậy. Bao nhiêu năm chúng tôi đã nghe những bản nhạc hiệu ấy, những giọng nói đanh thép mở đầu ấy và cả những giọng điệu trong nội dung người viết người đọc nữa. Nó đã biến thành một phần của chúng tôi" (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn , Hà Nội, Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2012).

Cứ nghe ra rả cả ngày lẫn đêm (đảng ta, nhà nước ta, xã hội ta, nhân dân ta, quốc hội ta, bộ đội ta, sứ quán ta, người phát ngôn của bộ ngoại giao ta...) suốt "bao nhiêu năm" nên "nó biến thành một phần của chúng tôi" là... phải. Tất nhiên, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên hoặc tình cờ – theo nhận xét của nhà bình luận La Thành :

"Trải qua nhiều chục năm thực hành và thực hành rất thành công, ngành tuyên truyền của Đảng cộng sản đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp và tinh vi vượt xa mọi lĩnh vực còn lại của thực tiễn cầm quyền. Để thí dụ, trong khi đã cân nhắc loại bỏ đi các thuật ngữ ‘ngụy quyền’, ‘ngụy quân’ trong sách giáo khoa lịch sử, các sử gia của chế độ vẫn tiếp tục sử dụng các thuật ngữ ‘Đảng ta’, ‘Nhà nước ta’, ‘quân và dân ta’, v.v. với dụng ý đánh đồng các thành phần trong hệ thống chính trị của Đảng cộng sản với toàn thể quốc dân và xã hội – một phép ngụy biện về lô-gích và một sự trâng tráo về hành xử".

Tuy "trâng tráo" nhưng hiệu quả. Nạn nhân của cách tuyên truyền lì lợm và thô bạo này, với thời gian, có thể biến thành... thủ phạm (dễ) như chơi. Thử nghe đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, trưởng nam của thi sĩ Thế Lữ, nói về bằng hữu của thân phụ ông (trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn) nha :

"Ta ngặt lắm… Khái Hưng là ta… thịt mà. Bác Tam không trốn kịp thì cũng bị" (Trần Đĩnh, Đèn Cù II , Westminster, CA, Người Việt, 2014).

Cũng trong tác phẩm thượng dẫn, chương 44, tác giả viết tiếp :

"...Nguyễn Sinh, xưa phóng viên thường trú Vĩnh Linh, Vĩnh Mốc lên nói... anh đã chứng kiến những người ở phía bên Nam kia bị ta bắt sang chôn sống kêu rất lâu dưới huyệt, tôi lại thấy mọi người lạnh mặt lại".

Ta thịt người này, ta chôn sống kẻ khác... nhưng chả ai áy náy hay phải chịu trách nhiệm gì ráo trọi về những việc làm tàn bạo đến độ vô nhân tính như thế, vì đây là sự tàn ác của cả tập thể mà. Vô số người dân Việt đã vô tình dùng chung căn cước với Đảng Cộng sản Việt Nam (cái tập đoàn hiếu sát, hiếu chiến, bất nhân, tham lam, ác độc, giảo hoạt...) một cách hết sức hồn nhiên và vô tư : Đảng ta, Nhà nước ta, Quốc hội ta, Bộ đội ta, Sứ quán ta, Người phát ngôn của Bộ ngoại giao ta... Cũng không ít kẻ hễ mở miệng ra là cũng ba hoa ("ta/ta") cứ y như loa đài của Nhà Nước vậy.

Dù vậy, Nhà nước vẫn chưa yên tâm nên cả hệ thống truyền thông – gần trăm năm qua – luôn luôn nhắc nhở cho mọi người nhớ "con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã chọn !". Kiểu đánh đồng rất mất dậy và vô cùng trắng trợn này, tuy thế, hầu như đã không gặp phải bất cứ một sự chống đối công khai nào ráo.

Mãi cho đến đầu thế kỷ XXI, vào hôm 24 tháng 7 năm 2016, mới có một công dân Việt Nam – Trần Thị Thảo – đứng giữa phố phường, nói rõ (và nói to, to hơn cả tiếng loa phường) rằng mình hoàn toàn và tuyệt đối không có liên hệ chi với với tập đoàn lãnh đạo của chế độ hiện hành : "Tiên sư cha chúng mày chứ ! Lịch sử sẽ lên án chúng mày, cả một chế độ thối nát, từ trên xuống dưới !

vqt2

Vài tuần sau nữa, vào ngày 17 tháng 9, trong một cuộc phỏng vấn dành cho biên tập viên Mặc Lâm (RFA), Giáo sư Tương Lai cho biết thêm là cái "chế độ thối nát" mà bà Trần Thị Thảo vừa đề cập đến (theo thứ tự từ dưới lên trên) gồm những "thằng" sau :

Từ ông thôn, ông ấy bảo thằng xã nó ăn được thì tại sao tao không ăn được ? Thằng xã bảo thằng huyện nó ăn được thì tại sao tao không ăn được ? Thằng huyện bảo thằng tỉnh nó ăn được thì tại sao tao không ăn được ? Thằng tỉnh bảo Bộ chính trị nó còn ăn, thằng Tổng bí thư nó còn ăn tại sao tao không ăn…

Giáo sư Tương Lai thản nhiên gọi Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh bằng "thằng" khiến không ít người phải lấy làm ái ngại. Họ quan ngại rằng (cũng như bà Trần Thị Thảo) ông đã đi hơi xa trong việc biện biệt giữa "chúng ta" và "chúng nó".

vqt3

Hình Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển chụp cùng với Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Nỗi lo ngại chính đáng này (bỗng) trở thành viển vông khi một công dân Việt Nam khác, ông Vũ Quang Thuận, đột nhiên xuất hiện như một "dàn đại bác" – theo lời tiên tri của blogger Bà Đầm Xoè :

"Với tôi, dù Vũ Quang Thuận là ai thì sự lên tiếng của anh có giá trị khai sáng rất cao cho dân trí Việt Nam. Nó đã như một dàn đại bác liên tục nả vào đầu giới chóp bu cộng sản Việt Nam không trừ một ai, kể cả "linh hồn bất khả xâm phạm" Hồ Chí Minh. Với tôi, những gì Vũ Quang Thuận đã "bắn ra" đã đưa anh vào thế anh có thể biến mất bất kỳ lúc nào trước họng súng của chế độ cộng sản Việt Nam đã bủa vây anh từ bốn phía".

vqt4

Hình Vũ Quang Thuận - Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt.

Quả nhiên, Vũ Quang Thuận và thân hữu của ông trong Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt đã bị bắt giam vào hôm 3 tháng 3 năm 2017 vừa qua. Theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì "việc bắt giữ hai công dân Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là vi phạm nhân quyền, là dùng biện pháp bạo lực để dập tắt và chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của công dân". Ông bạn đồng nghiệp của tôi nói không sai nhưng e chỉ đúng phân nửa mà thôi.

Quả thực là nhà đương cuộc Hà Nội đã "dùng bạo lực chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của công dân" nhưng "dập tắt" được công luận thì vô phương, hay nói chính xác hơn là vô vọng. Trên mặt trận truyền thông, Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhân dân mà Vũ Quang Thuận (và Nguyễn Văn Điển) chỉ là hai cảm tử quân ở tuyến đầu thôi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 15/03/2017 (tuongnangtien's blog)

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa