Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối thứ Sáu, 15/0/2021, sau một thời gian bị nhiễm Covid-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt. Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.
Danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình : Nguyễn Lập Hậu)
Trước đó, hôm 29/12/2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể : "Mẹ tôi nhiễm Covid-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức".
Cô kể tiếp : "Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy".
Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như "Nước mắt mùa thu", "Hạ trắng", "Thu hát cho người"… mà trong đó, "Mùa thu chết" của nhạc sĩ Phạm Duy là nhạc phẩm được nhiều người nhớ nhất.
Sự ra đi của bà để lại bao nhiêu lưu luyến trong giới nghệ sĩ.
Nước mắt mùa thu - Lệ Thu (ASIA 69)
Nhạc sĩ Cung Tiến cho biết ông vô cùng ngạc nhiên trước tin buồn này. Ông nói : "Thật là bất ngờ. Về giọng ca, tôi khá hài lòng với cách trình diễn của Lệ Thu qua hai sáng tác của tôi là ‘Hương xưa’ và ‘Hoài cảm.’ Lệ Thu có giọng ca rất hấp dẫn dễ đi vào lòng người nghe. Chúng tôi quen biết nhau từ hồi ở Việt Nam nên tôi coi cô như người thân quen".
Ông cho biết lúc đó ông thường gặp Lệ Thu khi bà hát ở câu lạc bộ Không Quân, Quân Đoàn 33 ở phi trường Tân Sơn Nhất.
"Tôi có nghe Lệ Thu hát những nhạc phẩm của tác giả khác và hiểu vì sao cô được nhiều người mến mộ như vậy", ông tiếp.
Lệ Thu cũng được nhiều người ái mộ qua bài "Mắt lệ cho người" của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Vị nhạc sĩ nhận xét : "Lệ Thu là người có một giọng ca không thay đổi với thời gian. Từ ngày còn trẻ đến bây giờ, giọng ca ấy gần như vẫn như vậy".
Giới ca sĩ cũng nói về Lệ Thu với tình cảm đằm thắm. Cố kìm hãm sự nghẹn ngào, ca sĩ Thanh Thúy nói : "Tôi xin thành thật chia buồn cùng gia đình Lệ Thu. Sự mất mát này để lại nỗi nuối tiếc trong lòng tôi cũng như trong lòng mọi khán giả".
"Mấy bữa trước, có lúc nghe ai đó đồn là Lệ Thu khỏe lại, được về nhà rồi, tôi mừng quá mà rơi lệ vì Lệ Thu đã thắng được Covid-19 rồi. Rồi khi hay tin ‘nàng’ đã qua đời, tôi buồn quá nên lại khóc thêm một chập, cả đêm ngủ không được. Đời Lệ Thu sao quá nhiều nỗi buồn", bà thêm.
Thanh Thúy cảm thấy rất gần gũi với Lệ Thu vì hai người rất hợp tính : "Lệ Thu thích sống tự lập và tôi cũng thích sống tự lập nên chị em rất hợp nhau".
Ký ức với Lệ Thu mà Thanh Thúy nhớ nhất là những đêm nằm nghe Lệ Thu tâm sự trong những lần cùng đi ca, gần đây nhất là ở San Jose, California. "Tôi luôn luôn thương ‘nàng’ vì sao gặp toàn chuyện rủi ro hoài", Thanh Thúy chia sẻ. "Kỷ niệm buồn vui với Lệ Thu thì vô số nhưng bây giờ còn xúc động quá, tôi không nhớ hết được".
Riêng về kỷ niệm đầu tiên có với Lệ Thu, Thanh Thúy kể : "Lúc cả hai đứa tụi tôi mới tập tễnh học ca nên còn rất ngây thơ, cùng mặc áo dài kiểu học sinh đến Trúc Lâm Trà Thất ở đường Ngô Tùng Châu xin hát. Ông chủ phòng trà lúc đó là Mạnh Phát từ chối khéo vì thấy tụi tôi ăn mặc quê quá".
Bà tiếp : "Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, Lệ Thu nói là được ông Mạnh Phát nhận cho hát ở Trúc Lâm năm 1962, nhưng đó là Lệ Thu nhớ lộn thôi vì phòng trà này bị đóng cửa năm 1959. Nhưng chuyện này không quan trọng".
Một ca sĩ khác cũng bắt đầu đi hát cùng thời với Lệ Thu là Trúc Mai. Bà kể : "Hồi đó tụi tôi rất thân với nhau vì cả hai cùng xuất thân từ Cục Tâm Lý Chiến, tôi bên Pháo Binh còn Lệ Thu bên Quân Nhu. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên khi đi hát trong thời gian từ 1958 đến 1968".
Theo Trúc Mai, vì từ 1968 trở đi, Lệ Thu thường hát trên Đà Lạt nên hai người ít gặp nhau. "Qua Mỹ, lần đầu chúng tôi đi hát chung là năm 1983. Lần đó, chúng tôi được cộng đồng Việt Nam ở Oregon mời qua trình diễn chương trình Tết. Hai chị em ở đó đêm Giao Thừa", Trúc Mai nói.
Danh ca Lệ Thu. (Hình : Kiệt Trần)
Lần cuối Trúc Mai gặp lại Lệ Thu là tháng 6/2019, khi cả hai cùng dự đám tang nhạc sĩ Hoàng Thi Thao. Bà kể : "Lần đó, ở nhà quàn Peek Funeral Home, vì giữa đám tang nên hai người chỉ nói đùa vài câu với nhau rồi không có dịp gặp lại nữa".
Nhận xét về Lệ Thu, Trúc Mai nói : "Lệ Thu là người hiền lành, có ít bạn thân và không bon chen. Lệ Thu không bao giờ lên mặt kẻ cả với ca sĩ đàn em hết".
Ca sĩ Lê Uyên cho biết bà nghe và ngưỡng mộ giọng ca Lệ Thu từ năm 1967 khi Lệ Thu còn ca tại phòng trà Tulipe Rouge ở Sài Gòn. "Show cuối cùng tôi trình diễn với chị Lệ Thu là ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, năm 2017. Đây là chương trình kỷ niệm cho anh Phương (Lê Uyên Phương). Lệ Thu và tôi song ca bài Dạ khúc cho tình nhân".
"Dĩ nhiên sự ra đi của chị Lệ Thu là một nỗi buồn cho rất nhiều người, trong đó có tôi. Sự giết chóc của Covid-19 thật là ghê gớm", bà chia sẻ.
Bà khuyên : "Nhưng chúng ta không nên quá sợ sệt. Cứ làm hết sức để giữ vệ sinh nhưng đừng để sự sợ sệt làm mình mất đi hứng thú sống".
Ca sĩ mới đứng cùng sân khấu và ca cùng một nhạc phẩm với Lệ Thu gần đây nhất là Thanh Lan. "Tháng Giêng, 2019, Thanh Lan được song ca bài ‘Như cánh vạc bay’ của Trịnh Công Sơn với chị Lệ Thu ở San Diego, California", ca sĩ Thanh Lan nói.
Buổi diễn có chủ đề là "Đêm Lệ Thu" và chỉ có bốn ca sĩ là Lệ Thu, Thanh Lan, Tuấn Ngọc và Trần Thái Hòa.
Thanh Lan tiếp : "Đêm ấy là lần đầu và cũng là lần cuối cùng hai người cùng trình diễn với nhau. Dù không có thời gian tập dượt nhưng Thanh Lan và chị Lệ Thu rất ăn khớp. Hai chị em hát bè đoạn điệp khúc đúng với phần soạn nhạc của Trịnh Công Sơn, nghe hay lắm".
Đó là một kỷ niệm với Lệ Thu đáng nhớ của Thanh Lan. "Hai chị em còn cùng mặc áo dài đen rất dễ thương", Thanh Lan kể.
Tưởng nhớ nữ danh ca Lệ Thu - PBN Collection
Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16/07/1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.
Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.
Trong khi theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu lên sân khấu trình bày nhạc phẩm "Dang dở, " tức "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn & Từ Linh.
Ngay sau đó, Lệ Thu được mời ký hợp đồng trình diễn diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.
Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu nói : "Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó không có trong tiềm thức tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu".
Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục học một thời gian nhưng quyết định nghỉ để theo đuổi con đường ca hát.
Sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như "La vie en rose", "A certain smile", "La mer", "Love is a many splendored thing"…
Lệ Thu nổi tiếng và trở thành ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.
Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.
Ngoài việc đi hát hàng đêm, Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.
Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.
Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.
Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.
Sau 1975, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để trình diễn và hát.
Tháng 11/1979, Lệ Thu vượt biên đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980.
Bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên "Hát trên đường tử sinh".
Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian.
Ca sĩ Lê Uyên khuyên : "Hãy sống như Lệ Thu, làm việc hết mình và vui hết mình với nghề mình thích". [qd]
Đằng Giao
Nguồn : Người Việt, 16/01/2021
Âm nhạc Việt Nam có những sự kết hợp đôi đặc biệt khi một số ca sĩ gắn liền với một nhạc sĩ hay bản nhạc nào đó. Nhắc đến người nhạc sĩ hay bản nhạc nào đó là nhắc đến ca sĩ và ngược lại. Như Thái Thanh với Phạm Duy, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, Sơn Ca, Họa Mi cùng Hoàng Thi Thơ, Lê Uyên trong Lê Uyên Phương...
Nhạc phẩm 'Xin còn gọi tên nhau' của Trường Sa.
Còn các ca sĩ khác thì hầu hết cũng định hình danh tiếng và gắn vào một hay đôi bản nhạc nào đó. Như Chế Linh với Thành Phố Buồn của Lam Phương, Phương Dung với Nỗi Buồn Gác Trọ của Hoài Linh-Mạnh Phát hay Elvis Phương với Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang của Ngọc Chánh-Phạm Duy... Có thể kể thêm nhiều tên tuổi và bản nhạc như vậy.
Ca sĩ Lệ Thu trong một lần trình diễn ở Việt Nam - Ảnh báo Lao Động online (16/01/2021)
Chỉ có danh ca Lệ Thu là một trong những ngoại lệ hiếm hoi. Đầy ưu ái. Bởi nhắc đến Nước Mắt Mùa Thu, Mùa Thu Chết của Phạm Duy là nhắc đến bà. Nhắc đến Hoài Cảm của Cung Tiến không thể quên bà. Nhắc đến Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển thì còn ai khác bà. Nhắc đến Lệ Đá của Trần Trịnh-Hà Huyền Chi cũng là tên bà. Ca sĩ Lệ Thu.
Không chỉ vậy, Lệ Thu thậm chí còn "cạnh tranh" cả với không ít những ca sĩ khác khi họ đã trình bày thành công và "cầu chứng" tên mình vào bản nhạc trước đó. Như Hạ Trắng qua tiếng hát Khánh Ly trong nhạc Trịnh Công Sơn, như "Dạ Khúc cho tình nhân" với Lê Uyên trong nhạc Lê Uyên Phương. Giọng ca riêng biệt của bà đã cho chúng một cái hồn, một hơi thở khác thường để gắn tên mình thêm vào những bản nhạc này. Hay nhiều bản nhạc khác.
Nhưng chắc chắn, và không phải cuối cùng, phải kể đến tình khúc "Xin Còn gọi tên nhau" và những ca khúc khác của nhạc sĩ Trường Sa. Điều mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng nhận xét rằng, tiếng hát của Lệ Thu vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn đã giúp cho tên tuổi cùng những bản nhạc của nhạc sĩ Trường Sa bay xa theo tiếng hát của bà. Bởi không ai khác hơn, bà là ca sĩ đã trình bày trọn vẹn các tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa. Một điều hiếm hoi nghịch, vì hầu hết các ca sĩ thành danh từ một bài hát nào đó của những nhạc sĩ hơn là giúp họ được nổi tiếng.
Không dễ có mấy ca sĩ được như Lệ Thu. Họ thành danh, nổi tiếng, ca nhiều bài hát, một hay nhiều thể loại của nhiều nhạc sĩ. Nhưng không phải ai cũng có một bài hát "iconic" mang tính biểu tượng và định hình tên tuổi của mình như bà. Người đã có nhiều bài hát "iconic" như kể trên, nhiều hơn các đầu ngón tay nếu cần kể ra thêm.
Dăm người trong nghề thường khiêm cung bảo là "tổ đãi" khi cảm tạ sự thành công của mình. Người thưởng ngoạn như tôi xem đó là tài năng, là sự cống hiến cho nghệ thuật. Để cảm ơn những người như bà, đem tiếng hát dâng tặng cho đời, cho người. Há không phải nghệ thuật, hay âm nhạc nói riêng là điều cần thiết vô bờ để nhắc mỗi chúng ta rằng, trong tâm hồn mỗi người luôn có một góc nhỏ để lưu giữ những hoài niệm về dăm câu thơ, tản văn hay những bản nhạc đặc biệt đã ở lại cùng mình theo năm tháng.
Xin còn gọi tên nhau - Lệ Thu (thu âm trước 1975)
Trong vô vố những thương tiếc, quý mến mà người thưởng ngoạn bày tỏ trước sự ra đi của danh ca Lệ Thu, tôi cảm nhận đặc biệt lời chia sẻ của một người bạn trên trang Facebook cá nhân của anh. Họa sĩ Đinh Trường Chinh, thứ nam của họa sĩ Đinh Cường viết rằng, "Nếu được chọn năm ca sĩ Việt Nam thích nhất, chắc chắn tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu được chọn ba, tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu chỉ được chọn một người, tôi cũng sẽ chọn Lệ Thu. Vì tiếng hát ấy là tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng, là hơi thở của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ của tôi".
Vâng, tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng và hơi thở của nhiều thế hệ. Nhưng tôi còn tin rằng, nó sẽ còn đó trong nhiều năm nữa chứ không chỉ đi vào quá khứ và lãng quên. Bởi như những bản nhạc của các nhạc sĩ tài hoa trong nền âm nhạc Việt Nam, như những tiếng hát chuyên chở tâm tình thế hệ như ca sĩ Lệ Thu, họ không thể mất đi theo cái mất của thể phách, của vật thể.
"Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa Thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình..."
(Xin còn gọi tên nhau -Trường Sa)
Sáng nay bấm vào những clip nhạc bạn bè đã để lên, tiếng hát Lệ Thu như có thể đã nói giùm ai đó một điều gì. Để bất chợt "chợt nghe mùa Thu bay trên trời không". Tiếng hát bà như đang phát ra từ giàn máy Akai lắm khi bị rối băng. Của những bồi hồi và kỷ niệm những ngày còn cố quận. Mà tôi đã trải qua.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 17/01/2021