Ai là vị tổng thống Mỹ trục xuất di dân bất hợp pháp nhiều nhất ? Tổng thống Bill Clinton trục xuất nhiều hơn người tiền nhiệm, George W.H. Bush. Năm 2012, trong khi tranh cử lần thứ nhì, Tổng thống Barack Obama đã bị tố cáo với nhãn hiệu "Tổng Tư lệnh Trục Xuất" (Deporter-in-chief). Nhưng ông George W. Bush đã qua mặt ông Obama. Tổng thống Donald Trump có thể vượt qua thành tích của tất cả những người tiền nhiệm. Ông từng hứa trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ trục xuất từ 15 đến 20 triệu di dân bất hợp pháp, theo Time.
Toà nhà Sở Di Trú Hoa Kỳ tại Phoenix, Arizona. Hình minh họa.
Hàng triệu di dân không giấy tờ hợp pháp đang bị giam giữ ở Mỹ, ai cũng đồng ý nên trục xuất hết. Nhưng trục xuất hàng chục triệu người sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, và rất tốn tiền.
Phải tìm cho ra hàng trục triệu dân không giấy tờ chưa bị bắt. Phải xây dựng hàng trăm ngàn trại giam cho họ tạm trú. Phải huy động cảnh sát, quân đội. Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Mỗi người nhận được lệnh trục xuất đều có quyền phản đối và kiện chính phủ Mỹ, theo đúng hiến pháp. Các vụ kiện này có thể kéo dài không biết bao nhiêu năm. Tòa án Di dân của Mỹ còn ứ đọng một số lượng lớn các ca di dân bất hợp pháp chưa được đem xử. Nếu tòa ra lệnh trục xuất, rồi làm sao gửi tất cả dân bất hợp pháp này về nước gốc của họ ? Đa số từ Venezuela, Columbia hoặc Nicaragua, vân vân, đã lẻn vào Mexico để mượn đường qua Mỹ. Các quốc gia đó có chịu gánh lấy những đứa con lưu lạc này hay không ?
Chi phí cho việc trục xuất hết di dân bất hợp pháp sẽ tốn đến 315 tỷ mỹ kim, theo báo mạng Newsweek ngày 29/11/2024. Đó là chưa kể những thiệt hại gây ra trong cả nền kinh tế Mỹ. Các nông trại không thể tìm được người làm chịu lãnh lương thấp như các di dân bất hợp pháp. Giá thực phẩm sẽ tăng lên. Nhiều công trường xây cất sẽ thiếu người làm việc. Sẽ khó tìm ra đủ số người làm lao công trong bệnh viện, săn sóc người già hay người bệnh tại nhà, đời sống hàng triệu dân Mỹ bị ảnh hưởng. Các quán ăn, ngay trong vùng Little Saigon ở California, sẽ khó kiếm người làm phụ bếp, rửa chén, bưng thức ăn hoặc quét dọn !
Nhiều người nói rằng di dân đã cướp việc làm của người Mỹ bản xứ vì họ chấp nhận lãnh lương thấp. Theo Andy J. Semotiuk, trên tạp chí Forbes ngày 29/11/2024 thì nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng tỏ ý kiến này không đúng. Giáo sư Paul Krugman, Đại học MIT, đã lý luận : Nếu di dân chiếm làm công việc của dân bản xứ thì trong mấy năm qua, khi số di dân lên cao, tỷ số người bản xứ thất nghiệp phải tăng lên. Nhưng điều này không xảy ra ; tỷ số xuống thấp chưa từng thấy. Ngày 7/6, Tổng thống Joe Biden mới khoe rằng trong hơn ba năm nước Mỹ đã tạo thêm được 15,6 triệu công việc làm, thất nghiệp bằng hoặc xuống dưới 4% trong 30 tháng liền, thời gian dài nhất trong nửa thế kỷ.
Ông Paul Krugman nhớ lại trước đây vài chục năm ông cũng nghĩ rằng các di dân đã tranh giành công việc của người lao động bản xứ. Bây giờ ông và nhiều nhà kinh tế khác công nhận rằng di dân thường tìm và nhận làm những việc mà dân bản xứ không làm. Trong thực tế, trong mấy năm gần đây, số di dân vào Mỹ lên cao nhưng đồng lương tối thiểu ở Mỹ cũng tăng lên. Lương bổng tăng đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, không thể nói di dân là nguyên nhân gây ra lạm phát ; mà có thể nói ngược lại. Sau bệnh dịch Covid-19, nhiều người Mỹ ngần ngại không muốn đi làm vì lo nhiễm bệnh ; các xí nghiệp phải tăng lương để thu hút nhân công, giá hàng hóa cũng lên theo. Chính nhờ nhiều di dân mới vào Mỹ, đi tìm việc làm và nhận đồng lương thấp cho nên lạm phát không lên cao quá và đã dần dần giảm xuống.
Di dân còn tạo được một ảnh hưởng tốt lâu dài trên quỹ hưu bổng xã hội (Social Security) và y tế của chính phủ Mỹ (Medicare). Hầu hết các di dân bất hợp pháp đều ở tuổi đang làm việc và sẽ còn làm việc nhiều năm nữa. Trong thời gian đó, mỗi lần lãnh lương họ đều phải "đóng thuế" cho các quỹ Social Security và Medicare, các chủ nhân tự động cắt tiền thuế gửi cho các quỹ trên. Nhưng họ thường không có nhu cầu, không rút ra đồng nào từ các quỹ xã hội của nước Mỹ. Không những thế, vì quy chế đi làm không hợp pháp, sau này họ cũng không thể thụ hưởng trên số tiền mà họ đã đóng góp.
Di dân, hợp pháp hay không, giúp kinh tế Mỹ đủ người làm việc ; vì thế giúp cho lạm phát bớt lên mạnh và giữ mức lãi suất không cao.
Trước cơn bệnh dịch Covid, các nhà kinh tế làm việc cho quốc hội Mỹ tiên đoán trong năm 2024 có thể tạo thêm từ 60.000 đến 100.000 công việc làm mới mà không lo gây lạm phát vì số người tìm việc làm cũng vào khoảng đó, theo tin CNBC, ngày 17/6/2024. Nếu số người không đủ so với số việc làm thì sẽ phải tăng lương cho công nhân, kéo vật giá tăng theo. Nhưng trong tháng Năm năm nay, số công việc làm mới tăng vọt lên tới 272.000 mà lạm phát không vọt lên quá cao ; vì thị trường lao động đã được tiếp viện với các di dân mới từ biên giới phía Nam vào nước Mỹ. Nhờ thế, khi chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ, Jerome Powell, tăng lãi suất để ngăn lạm phát, ông không bắt buộc phải đưa lên mức quá cao – lãi suất cao có thể khiến kinh tế giảm tốc độ phát triển.
Nước Mỹ do các di dân thành lập, và phát triển nhờ tiếp tục thu hút di dân mới. Từ nay đến cuối thế kỷ 21, dân số các nước tiến bộ ở Châu Âu, dân số Nhật Bản và Trung Quốc đều di xuống. Chỉ có dân số Mỹ hy vọng sẽ còn giữ vững được, chính là nhờ hấp dẫn di dân mới.
Stuart Anderson, trên mạng Foster News, cho biết một nghiên cứu của cơ quan National Foundation for American Policy tìm ra rằng 55% các công ty mới lập (startup) ở Mỹ trị giá 1 tỷ đô la có ít nhất một di dân góp công thành lập. Trong số các doanh nghiệp loại này, California được 33 công ty đặt đại bản doanh, sau đến New York (8), Massachusetts (5), Illinois (2), Florida (1) and Washington state (1).
Những di dân nổi tiếng đã vào nước Mỹ phải kể đến Albert Einstein, đến từ Thụy Sĩ, Áo, Hungary và Đức ; Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo! gốc Đài Loan ; Sergey Brin di cư từ Liên Xô cũ, cùng với Larry Page lập ra công ty Google. Phải kể thêm, bà Melania Trump, từ Slovenia, Nam Tư cũ, sang Mỹ làm người mẫu trước khi kết hôn với ông Donald Trump.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 05/12/2024
Nhìn người và xem lại chính mình, dường như đó là thông điệp mà các tạp chí Pháp đưa đến độc giả trong tuần này. Chính trường Mỹ, chiến lược thống trị của Trung Quốc, Covid-19, di dân, mỗi chủ đề là một bài học cho Châu Âu suy gẫm.
Khi cơn sốt hạ nhiệt, khi Donald Trump thật sự rời Nhà Trắng, hy vọng rằng các nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực, từ chính trị đến xã hội, từ tâm lý học đến sử học… bình tĩnh tìm hiểu bối cảnh lịch sử chúng ta đang sống có một ứng cử viên tổng thống Mỹ từ chối công nhận kết quả bầu cử và tìm cách phi pháp hóa chiến thắng của đối thủ. "Hiểu Donald Trump" là tựa bài thời luận của tuần báo L’Obs.
Bernie Sanders, ứng cử viên không may của phe tả trong đảng Dân chủ, là người đầu tiên đã đặt vấn đề một cách chính xác : "Donald Trump là một nhà chính trị độc tài phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ hơn bất cứ một ai khác trong lịch sử cận đại của Mỹ ?".
Trích dẫn nhận định này, nhà báo Pierre Haski, cũng là tác giả quyển sách "Lưu Hiểu Ba, Người thách thức Bắc Kinh (Liu Xiao Bo, l’Homme qui défie Pékin), cho đó là "sự thật", và ông nhìn rộng ra hơn : Cốt lõi vấn đề không phải chỉ có "hiện tượng Trump", mà chính là nền dân chủ Hoa Kỳ và không phải chỉ giới hạn ở nền dân chủ nước Mỹ mà thôi.
Giới chuyên gia phải tìm hiểu vì sao Donald Trump được 72 triệu phiếu và phải làm như thể nào để xây dựng một mô hình dân chủ sinh động mà người dân ở đó có quyền thừa hưởng ? Đây cũng là câu hỏi liên quan đến nhiều dân tộc khác trên thế giới : tại sao những lãnh đạo mị dân, những nhà độc tài có thể huy động được sự ủng hộ của dân chúng, mà không cần mang lại giải pháp hiệu quả cho người dân ? Ví dụ không thiếu. Trong nội bộ Châu Âu có Viktor Orban của Hungary, tình trạng mập mờ (biện pháp phong tỏa, giới nghiêm hạn chế tự do) ở ngay trong nước Pháp cũng rất đáng lo. Cũng sát nách với Châu Âu, hãy nhìn tổng thống Erdogan tàn phá kinh tế quốc gia, nhưng gia tăng hành động phiêu lưu quân sự, hay nổi bật hơn nữa là Tập Cận Bình, với thái độ ngạo mạn khoe khoang, với chúng ta có sức mạnh của mô hình độc tài, trong khi các nền dân chủ Tây phương còn vất vã chống đại dịch.
Để trả lời hai câu hỏi của Bernie Sanders, chúng ta phải ý thức thế giới đang trải qua môt giai đoạn lịch sử đặc biệt, từ tương quan địa chính trị cho đến khí hậu, công nghệ, nhân khẩu, tất cả đều biến đổi, không còn như trước.
Kết quả bầu cử tại Mỹ cho thấy gì ? Cỗ vũ cho xu hướng đối nghịch với những gì chúng ta bác bỏ không đủ sức thuyết phục thành phần cử tri ủng hộ các biện pháp độc tài. Do vậy, không nên xem thường trường hợp Donald Trump và phải hiểu rằng, ngoài tính chất đặc thù của Mỹ, chính là do những bế tắc và thất bại của một nền dân chủ đã tạo ra khoảng trống cho giải pháp độc tài, chứ không phải độc tài hay hơn dân chủ.
Về thời sự Châu Âu, tuần báo thiên tả này đưa độc giả qua Serbia, ứng viên xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, con ngựa thành Troie, làm nội gián cho Bắc Kinh. Nhưng nạn nhân đầu tiên chính là Serbia : biết thế nào là bụi mù ô nhiễm khi "hợp tác" với doanh nhân Trung Quốc. "Người đàn anh Trung Quốc làm nghẹt thở Serbia", đó là tựa của bài phóng sự của L’Obs.
Bor, lá phổi công nghiệp của Serbia từ đầu thế kỷ, có một nhà máy luyện kim và mỏ đồng thuộc loại nhất nhì Châu Âu, từ hai năm nay do tập đoàn Trung Quốc Tử Kim Khoáng Nghiệp (Zilin) làm chủ.
Nhà máy do Pháp lập ra, nhưng bị Đức kiểm soát trong Thế chiến thứ hai và sau đó thuộc Serbia cho đến khi được bán cho tập đoàn Trung Quốc số một thế giới về tinh lọc vàng và số ba thế giới về đồng.
Zilin hứa đầu tư một tỷ euro để canh tân, nhưng trong khi chờ đợi, từ hai năm nay, công nhân phải gia tăng năng suất.
Như là một trái nấm bằng sắt khổng lồ nằm giữa thành phố, 24 giờ trên 24, nhà máy luyện kim lỗi thời này liên tục phun ra những cột khói làm đau rát khí quản, bụi phủ rau quả bày bán, bầu trời tối sậm như bị một lớp sương mù dày đặt, nhuộm bộ lông bầy chó hoang thành màu xám. Zaran Jakovic, chủ tịch hiệp hội bảo vệ môi trường địa phương, cho biết : chim bồ câu cũng không dám đến. Nồng độ lưu huỳnh và hạt tử bụi trong không khí nhiều gấp 10 lần định mức tối thiểu an toàn sức khỏe. Trung Quốc gây ô nhiễm một cách tự nhiên sát cửa Liên Hiệp Châu Âu.
Bor, cũng như Serbia, nằm trên "con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh. Từ đây, Trung Quốc xuất khẩu đồng sang Liên Hiệp Châu Âu nhanh và gần. Từ 2012, với tư cách là quốc gia đang xin gia nhập Liên Âu, Serbia được miễn trừ một số luật lệ khắt khe. Thành viên cột trụ của Nam Tư cũ trở thành lá chủ bài của Trung Quốc tại Châu Âu. Điều gì đã kết nối Bắc Kinh với Beograd ? "Hữu nghị keo sơn", câu trả lời của tổng thống Aleksander Vucic. Nhà máy cũ, đường sắt, xa lộ, cầu cống… danh sách hạ tầng cơ sở của Serbia giao cho đối tác Trung Quốc ngày càng dài, không kể đường xe lửa cao tốc nối liền Beograd đến Budapest, giúp vận chuyển hàng hóa từ hải cảng Piraeus, Hy Lạp (cũng do Trung Quốc làm chủ), vào thị trường Châu Âu.
Tại Bor, nơi mà người Trung Quốc từng được hoan hô là cứu tinh, nay người dân bắt đầu thất vọng tràn trề. Ô nhiễm lên đến cực điểm. Đeo khẩu trang thời nội chiến 1990, họ biểu tình nhiều lần đòi khí trời trong sạch, trước khi nộp đơn khiếu kiện gần đây lên thị trưởng thành phố. Ung thư, suyển, bệnh phổi, thiếu máu… là những hệ quả của ô nhiễm. Lãnh tụ đối lập địa phương bị kẻ lạ mặt đánh trọng thương sau một cuộc biểu tình phản đối công ty Trung Quốc.
Chính quyền địa phương còn đứng trước một hoàn cảnh khó xử khác : trong khi công nhân Serbia không có nhà, phải ngủ trong các kho hàng trước cổng nhà máy, thì 200 cán bộ, nhân viên do Trung Quốc gửi sang chiếm trọn một khu khách sạn bốn sao, có hồ bơi và các biệt thự chung quanh. Ban giám đốc không có một dấu hiệu nào lưu tâm đến tình trạng ô nhiễm.
Theo giải thích của Jacques Rupnik, giám đốc nghiên cứu Đại học Chính trị Paris, chính quyền Trung Quốc khai thác khoảng trống mà Liên Hiệp Châu Âu để lại, cho dù nguồn vốn của Châu Âu lên đến 2 phần 3 vốn đầu tư trực tiếp. Sự kiện Bắc Kinh không ủng hộ cuộc oanh kích của NATO vào năm 1990 sau vụ thảm sát người Hồi giáo Bosnia ở Racak và không công nhận Kosovo giúp cho Trung Quốc được cảm tình ở Serbia.
Phát biểu trên đài truyền hình Trung Quốc, tổng thống Serbia ủng hộ chính sách đàn áp "khủng bố" tại Tân Cương, phó tổng thống hoan nghênh luật an ninh mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông.
Trong khi tại Bor có những ngày ô nhiễm đến mức đứng ở nhà bên này đường không thấy nhà bên kia đường và trẻ con không thể đi học.
Le Point với bài xã luận "Châu Á vượt lên bỏ xa Châu Âu" trở lại với Hiệp định thương mại cấp vùng mà 15 nước Châu Á vừa ký kết vào chủ nhật tuần trước. Châu Á tung vó ngựa trong khi Châu Âu còn lúng túng đối phó với đại dịch, với phong tỏa, với suy thoái kinh tế, khủng bố Hồi giáo… Vì sao nên nỗi ?
Theo nhận định của tác giả, Luc de Barochez, Châu Á đi tới với vận tốc phi mã trong khi Châu Âu vẫn theo chính sách đà điểu, không nhìn vào thực tế. Nếu có nhìn ra bên ngoài thì nhìn về hướng tây. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thu hút Châu Âu, làm như Washington vẫn còn là trung tâm thế giới, trong khi Viễn Đông mới là trục xoay của địa cầu.
Để chứng minh, tác giả trích dự báo của Ngân Hàng Thế Giới, "tăng trưởng kinh tế của Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cao gấp ba lần Mỹ và Châu Âu" trong thập niên tới. Hiệp định tự do thương mại cấp vùng RCEP hấp dẫn giới đầu tư quốc tế hơn, và đại dịch Covid-19 sẽ làm cho cách biệt này sâu rộng thêm. Cụ thể là các công ty xe hơi của Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ xâm nhập thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn là các hãng xe Châu Âu.
Trung Quốc sẽ tăng tốc củng cố vị trí cường quốc thương mại số một thế giới. Tham vọng trở thành quốc gia áp đặt luật chơi không còn là chuyện viển vông.
Khi huy động Châu Á vào trục, Bắc Kinh củng cố sức mạnh kinh tế trong tay để chống Washington, vào lúc Joe Biden còn đứng bên thềm quyền lực. Thế áp đảo của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng cho trật tự thế giới, vì Bắc Kinh thường dùng trọng lượng kinh tế khổng lồ của mình để bắt chẹt các chính phủ ở mọi châu lục, kể cả Châu Âu, để bảo vệ quyền lợi và quảng bá cho mô hình độc đoán.
Khi lôi kéo Nhật, Úc, Hàn Quốc vào RCEP, Trung Quốc còn phá tan được lằn ranh trong kịch bản chiến tranh lạnh giữa phe chống và thân Mỹ trên địa cầu.
Trong tình thế này, theo tác giả, Châu Âu và Mỹ cần nỗ lực chủ động xu hướng toàn cầu hóa hơn là ngây thơ mong nó chấm dứt.
Trong bốn năm qua, trước áp lực của xu hướng dân túy, sợ Trung Quốc cạnh tranh nên Donald Trump đã bỏ TPP. Còn Châu Âu, với sự "xúi giục" của Paris, cản trở dự án mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương.
Trở lại thời sự Hoa Kỳ, Le Point và Courrier international cùng quan tâm đến bang Georgia : chìa khóa của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biben là từ đây.
Le Point tập trung phân tích vì sao Georgia, với 10,6 triệu dân, lại là "chiến trường", cũng như giải thích vì sao một số cử tri thất vọng vì Donald Trump hoặc vì sao họ cương quyết chọn Joe Biden. Cùng chiều hướng, Courrier International giới thiệu phóng sự của New York Times dự báo một cuộc chạy đua căng thẳng sau Tết Dương lịch.
Tháng Giêng 2021, đảng Dân chủ Hoa Kỳ hy vọng giành được hai ghế Thượng nghị sĩ của Georgia để kiểm soát Thượng viện. Quyền lực của tổng thống mới sẽ được quyết định từ bang miền nam mà tỷ lệ cử tri người da trắng giảm dần, từ 70% trong thập niên 1970 còn 60% trong cuộc bầu cử vừa qua, trong lúc thất nghiệp gia tăng vì Covid-19.
Tại đây, năm 2016, Hillary Clinton thất bại, nhưng lần này Joe Biden chiến thắng. Dù đa số khít khao (hơn nhau 0,23%), nhưng thành quả này là tín hiệu tốt cho vòng hai Thượng viện vào đầu năm tới. Biết thế, cho nên đảng Cộng hòa đã nỗ lực bẻ gẫy đà tiến của phe Dân chủ. Trận chiến sẽ diễn ra "ở từng cử tri, từ con đường", theo tuyên bố của Roy Barnes, cựu thống đốc Dân chủ, được Courrier international trích dẫn.
Về xã hội, Courrier international tìm hiểu vì sao nước Pháp, quê hương sản sinh ra thiên tài sinh học Louis Pasteur, cha đẻ thuốc chủng ngừa, mà "lực lượng" hoài nghi vắc-xin (46%) đông như thế ?
Nghịch lý ? Không đâu ! Câu trả lời từ nhà báo Anh John Lichfield. Theo một kết quả thăm dò ý kiến tại 144 nước do Gallup thực hiên, một phần ba dân Pháp nghĩ rằng tất cả vắc-xin đều có hại, tỷ lệ cao nhất. Tiếp theo đó, thăm dò của viện Ipsos cho thấy có 46% người Pháp từ chối hoặc tuyên bố sẽ từ chối vắc-xin chống Covid của Pfizer hay của bất cứ viện bào chế nào khác .
Tại sao nước Pháp, quê hương của Louis Pasteur, của Pierre và Marie Curie lại chống thuốc ngừa mãnh liệt như thế, hơn tất cả mọi nơi khác ? Theo tác giả, thuyết âm mưu có phần nào ảnh hưởng nhưng cốt lõi là do hai lý do :
Lý do thứ nhất là niềm tin: Người dân không tin vì thời gian chế tạo quá ngắn. Theo quy trình chế tạo vắc-xin, hay dược phẩm tại Pháp, tối thiểu phải mất 10 năm từ lúc phát hiện hiệu năng của hoạt chất. Do vậy, thái độ nghi ngờ của dân Pháp là chính đáng.
Lý do thứ hai xuất phát từ thái độ đáng ngờ của một số nhà khoa học và chính phủ. Như trường hợp bác sĩ Didier Raoult ở Marseille, cuồng nhiệt quảng bá cho thuốc chống sốt rét mà ông cho rằng rất hiệu nghiệm diệt siêu vi corona. Ông còn là tác giả một quyển sách khẳng định "vắc-xin có lợi trong nhiều trường hợp… trừ một số ca".
Nhiều người dân cũng nghi ngờ giới chính trị móc ngoặt với các công ty dược phẩm chuyên đi hối lộ bất chấp quyền lợi chung. Tai tiếng ra trước tòa không ít.
Nhưng hiện tượng này không giới hạn ở trong nước Pháp, theo nhà báo Anh John Lichfield. Một sử gia y tế cộng cộng Pháp tin rằng tâm lý hoài nghi do bản năng sẽ biến mất trước một căn bệnh mới gây chết người và người Pháp sẽ xếp hàng chủng ngừa chống Covid-19, cho dù "đại dịch hoài nghi" sẽ tồn tại mãi mãi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho hơn một triệu di nhập cư vào năm 2015 khi chiến sự Syria lên đến đỉnh điểm, nên đã bị một bộ phận công luận cực hữu và cực tả phê phán mạnh mẽ vào những tháng sau đó. Thế nhưng, 5 năm sau, quyết định khó khăn này, ngốn của công quỹ 80 tỷ euro, đã mang lại những kết quả tích cực, như phân tích của L’Express.
Với 14 trang báo dài phân tích tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được trải nghiệm quyền lực và hàng loạt khủng hoảng trong ba năm qua làm thay đổi như thế nào, L’Express không quên một nhà lãnh đạo Châu Âu khác là nữ thủ tướng Đức, sau 14 năm cầm quyền, uy tín vẫn cao phất phới. Năm năm sau khi đón một triệu di dân, nước Đức, từ dân thường đến giới công kỹ nghệ, đều đồng ý là Merkel đã lấy quyết định chính xác, chứng tỏ bà là nhà lãnh đạo viễn kiến.
Trên thực tế, nếu không có Giáo hội Công giáo và tư nhân giàu tình nhân ái, có lẽ nước Đức không thắng được thách thức lớn lao này. Không một nước láng giềng nào dám tiếp đón cùng lúc đông đảo di dân như thế, các tổ chức thiện nguyện bày tỏ. Thống kê cho biết hơn 40% di dân đó tìm được việc làm hoặc đang theo một khóa dạy nghề.
Như gián tiếp tán đồng với nỗ lực của Đức, từ Tokyo, không hẹn mà nên, Nikkei Asia, báo mạng của giới doanh nghiệp trả lời thắc mắc : "Tại sao các nước giàu cần di dân nhập cư".
Dịch Covid và phong trào bài ngoại ở các nước giàu làm làn sóng nhập cư giảm phân nửa trong năm 2020. Hệ quả là tại các quốc gia này, nguy cơ thiếu tay nghề gia tăng và điều đó có thể làm suy yếu nền kinh tế.
Tại nước Mỹ của Donald Trump, việc nông dân Texas và Oklahoma không tìm ra đủ thợ để thu hoạch nông phẩm là một trong những ca cụ thể. Trong hai năm qua, 580 nông gia Mỹ đã khai phá sản, tăng 8% so với một năm trước. Theo Liên Hiệp Quốc, trong năm 2019, 91 triệu di dân định cư tại các nước giàu có là đến từ các nước đang phát triển. Dân số di dân tăng kéo theo tăng trưởng kinh tế, theo một kết quả nghiên cứu của đại học Washington.
Nikkei Asia đưa hai thí dụ cụ thể : Tại Nhật, dân nhập cư chỉ chiếm 2% dân số, sinh suất tại Nhật cũng thấp, cho nên nước này thiếu tay nghề. Trong khi đó tại Đức, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố : "Không có nhân công chuyên môn, các xí nghiệp không thể phồn vinh. Nếu không có di dân, hãng xưởng sẽ di cư".
Tú Anh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan ngày 09/3/2020 đến Bruxelles để thảo luận cùng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề di dân đang gây ra những căng thẳng giữa Athens và Ankara từ hơn 10 ngày qua. Tổng thống Erdogan muốn tìm kiếm điều gì ở Liên Hiệp Châu Âu ? Liệu khối 27 nước thành viên này có thể làm được gì để đối phó trước những áp lực từ Ankara ?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul hồi tháng 2/2020. Press Office/Handout via Reuters
Mọi việc bắt đầu từ ngày 27/02/2020, khi nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho phép người tị nạn ùa về biên giới ở Hy Lạp, cửa ngõ vào Châu Âu. Cảnh tượng hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua rào chắn ở cửa khẩu hay vượt sông bị cảnh sát Hy Lạp và lực lượng Frontex của Liên Hiệp Châu Âu thô bạo đẩy lùi, khiến nhiều tổ chức nhân đạo không khỏi lo lắng, lên tiếng chỉ trích là vô nhân đạo và bất hợp pháp.
Phía Liên Hiệp Châu Âu, các nước thành viên đồng loạt lên án quyết định trên của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động "bắt chẹt" không thể chấp nhận. Một ngày trước khi đến Bruxelles, tổng thống Erdogan còn có những lời lẽ thách thức Châu Âu khi tuyên bố "Hy Lạp, hãy mở hết các cánh cổng đi ! Những người này chỉ đi nhờ qua đây để đến các nước Châu Âu khác (…) Hãy trút bỏ gánh nặng này đi !". Một thông điệp không chỉ dành riêng cho lãnh đạo Hy Lạp mà cả toàn bộ khối Liên Hiệp Châu Âu.
Tuyên bố này của nguyên thủ Thổ chẳng khác gì như gióng chuông báo tử cho "thỏa thuận 2016" được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Theo đó, Ankara chấp nhận kềm giữ dòng người tị nạn chạy trốn chiến sự tại Syria, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro.
Giờ đây, ông Erdogan cho rằng khoản trợ giúp đó không đủ để lo cho gần 4 triệu di dân tạm trú trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chỉ trích thái độ "phủi trách nhiệm" của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Lời chỉ trích này còn nặng nề hơn bao giờ hết trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị "yếu thế" trước Syria và Nga tại Idleb. Lo ngại dòng người tị nạn đổ về biên giới, tổng thống Thổ đề nghị NATO và Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn nhưng không được đáp ứng. Bởi vì trong hồ sơ Syria, tiếng nói của Châu Âu hầu như không còn có trọng lượng. Và trong thế đường cùng này, Erdogan nghĩ rằng vấn đề di dân là một công cụ hiệu quả nhất để có thể tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía Châu Âu.
Đây có lẽ là một trong những mục tiêu chính của chuyến đi Bruxelles lần này của ông Erdogan. Nguyên thủ Thổ đã nhiều lần nhắc lại "giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria là Châu Âu phải ủng hộ ông trong việc chống chế độ Bachar al-Assad".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn cũng sẽ thương lượng lại thỏa thuận 2016, theo đó, chi phí kiểm soát di dân phải do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý chứ không phải là do các tổ chức phi chính phủ. Ngoài vấn đề di dân, theo nhận định của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, "Liên minh thuế quan" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu và việc "mở lại các cuộc thương lượng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập mái nhà chung Châu Âu" cũng nằm trong chương trình nghị sự lần này.
Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được gì trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Billion trên đài Franceinfo, Liên Hiệp Châu Âu không có nhiều phương tiện để gây áp lực với Ankara. Hình ảnh cảnh sát biên phòng Hy Lạp và lực lượng biên phòng Frontex tăng viện của Châu Âu thẳng tay trấn áp những người di dân nào tìm cách vượt rào đã cho thấy rõ một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại trong việc tham vấn và thông qua một chính sách phân bổ người xin tị nạn.
Áp lực di dân lần này làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của một cuộc khủng hoảng di dân cách nay 5 năm. Từng dòng người lũ lượt đổ về Châu Âu từ khắp mọi ngả, khiến Châu Âu rúng động và bị lúng túng. Những căng thẳng về bản sắc, các cuộc khủng bố đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp Châu lục.
Xã luận của Le Monde cảnh báo : Thiếu chiến lược chung thì "Không một chính sách đối ngoại, không có rào cản nào có thể đủ để khống chế dòng người tị nạn do các cuộc khủng hoảng từ Cận Đông và Châu Phi" đổ ùa về Châu Âu.
Dường như Châu Âu đang bị Thổ Nhĩ Kỳ dồn vào chân tường.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 09/03/2020
Kinh tế Hy Lạp đã dần phục hồi ?
Tuần báo Le Point dành trang nhất cho "Sự hồi sinh của Hy Lạp", hàng tựa lớn chạy trên trên nền bức ảnh về hòn đảo du lịch nổi tiếng của đất nước này. Phía bên dưới là bức ảnh nhỏ với nụ cười rạng ngời của thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với câu phát biểu : "Trước đây, không ai có thể tin vào chuyện này". Còn tuần báo L’Obs chạy tít : "Trận chiến ở cho kỳ bầu cử thị trưởng Paris đã bắt đầu. Tất cả đều chống lại thị trưởng Hidalgo".
Một siêu thị ở thủ đô Athens : Kinh tế Hy Lạp đã dần phục hồi sau cơn khủng hoảng. ©FAYEZ NURELDINE/AFP
Trong khi đó, tuần báo L’Express giới thiệu với độc giả một gương mặt nổi tiếng trong giới văn sĩ Pháp : nhà văn Bernard Pivot, chủ tịch Viện Hàn Lâm Goncourt của Pháp qua hàng tựa "Pivot, những bí mật của một biểu tượng". Tuần báo Courrier International lại quan tâm đến xe hơi và đặt câu hỏi : "Ô nhiễm, tắc đường : xe hơi không còn được ưa chuộng. Nhưng liệu chúng ta có thể sống thiếu xe hơi hay không" ?
Châu Âu : Hồ sơ đặc biệt di dân
Tuần báo L’Obs đặc biệt chú ý tới đề tài người nhập cư : "Di dân và chúng ta". Bài xã luận mang tựa đề "Thảm kịch của sự khác nhau". Hình ảnh những con tàu chở di dân lênh đênh trên biển những ngày qua khiến nhà xã luận của L’Obs đặt câu hỏi tại sao nhiều người từ bỏ đất nước ra đi mà không chắc chắn có thể tới đích ? Họ ra đi vì họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác tốt đẹp hơn. Nhưng tại sao họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác lại tốt đẹp hơn ? Bởi vì họ thấy rằng không có gì tồi tệ hơn cuộc sống của họ ở thời điểm hiện tại và tại nơi họ đang sống.
Đây là suy nghĩ của rất nhiều người ở các nước Châu Phi đang bị nội chiến tàn phá. Chính suy nghĩ phải đi tìm cuộc sống ở những nơi khác với nơi họ đang sống đã đẩy họ tới các cuộc phiêu lưu nguy hiểm và khiến các nước Châu Âu phải đón tiếp nhiều di dân những ngày qua bị chỉ trích là ác độc khi từ chối tiếp đón 630 di dân trên con tàu Aquarius.
Trong khi đó, tuần báo Courrier International tổng hợp hồ sơ lớn 7 trang với nhiều bài viết xoay quanh chủ đề xe hơi : bài viết "Liệu chúng ta đang tiến tới "ly dị" xe hơi " ? đăng trên báo Anh The Guardian, "Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh" từ báo Chinadialogue, bài viết "Diesel, con đường người Đức phải lựa chọn" của Washington Post, "Những con đường xanh giúp Bangkok thoát nạn tắc đường, kẹt xe" của báo Khaosod, Thái Lan và bài "Một thành phố không bãi đậu xe hơi" từ báo Detroit Free Press.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, tuần báo L’Express dành 13 trang cho các biểu tượng bằng hình ảnh : "Các émoji chinh phục hành tinh và khối óc con người". Các biểu tượng hình ảnh hiện "thống trị" mọi màn hình máy tính, điện thoại thông minh và được cư dân mạng trên toàn thế giới sử dụng trong tin nhắn, bình luận trên các mạng xã hội… L’Express đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu các biểu tượng hình ảnh émoji có phải là một ngôn ngữ toàn cầu mới, hay là triệu chứng của sự suy giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói chung, hay là tổng hợp cả hai ?
Hy Lạp liệu đã hồi sinh ?
Tuần báo Le Point nói về"sự hồi sinh" của Hy Lạp. Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói, 45% thanh niên thất nghiệp. Những người có công ăn việc làm thì cũng chỉ được trả lương rất thấp. Người Hy Lạp đa phần không còn sức để tiếp tục "chiến đấu". Còn theo quan sát của bác sĩ tâm lý Marina Oikonomou, thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Athens, sự suy sụp tinh thần đã len lỏi vào từng gia đình : hộ dân nào cũng có một vài người thất nghiệp. Tỉ lệ tự sát và tỉ lệ dùng thuốc an thần để giảm stress đã tăng 30%. Số nợ khổng lồ của Hy Lạp là 320 tỉ euro - 180% PIB nước này.
Cách đây 3 năm, Hy Lạp đang trên bờ phá sản, nhưng nay quốc gia này đang gượng mình đứng dậy, nhiều người bắt đầu hình dung Hy Lạp sắp thoát khỏi đường hầm tối tăm. Theo đặc phái viên tuần báo Le Point tại Athènes, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường quốc tế. Mặc dù theo Stavros Messinis, người sáng lập ra hiệp hội các startup Hy Lạp các công ty khởi nghiệp không giải quyết được nạn thất nghiệp trên diện rộng nhưng các start-up lại cho ra đời một thế hệ chủ doanh nghiệp mới.
Từ một năm nay, các chỉ số kinh tế của Hy Lạp đã chuyển biến theo hướng tích cực. Một chuyên gia theo dõi sát sao các cuộc thương lượng giữa Athènes và Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định thủ tướng Alexis Tsipras đã làm tốt công việc của mình.
Rất đông du khách quốc tế quay trở lại Hy Lạp và góp phần vực dậy kinh tế nước này. Nếu trong năm 2016, Hy Lạp chỉ đón 27 triệu du khách quốc tế thì theo dự báo, con số này trong năm 2018 sẽ là 37 triệu du khách. Không chỉ du lịch, mà các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng cơ sở và năng lượng cũng có cơ hội tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis nhận định sau 8 năm không nghiên cứu, không đầu tư, với 500.000 thanh niên rời bỏ Tổ quốc để ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, Hy Lạp sẽ phải mất thêm hai năm mới có thể khôi phục chất lượng sản xuất.
Một điểm yếu là công tác tổ chức Nhà nước và các cơ quan hành chính công. Tại Liên Hiệp Châu Âu, Hy Lạp là nước mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất nhưng chỉ được hưởng ít dịch vụ nhất. Cải cách Nhà nước là một thử thách lớn, vì theo nhà nghiên cứu chính trị Ilias Nikolopoulos, chỉ có 15% công chức Hy Lạp làm việc thực sự, số còn lại chỉ "ăn không, ngồi rồi", "ngồi chơi, xơi nước". Một cơn ác mộng khác đối với người dân Hy Lạp và các nhà đầu tư nước ngoài là các đạo luật chồng chéo nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau.
Le Point nhận định, cuộc khủng hoảng đã để lại "những vết sẹo sâu" cho Hy Lạp và sẽ phải mất nhiều năm thì những vết sẹo mới mờ đi.
Liệu con người đã sẵn sàng từ bỏ xe hơi ?
Nếu như trước đây, xe hơi là biểu tượng của tự do, độc lập, các cuộc phiêu lưu, thậm chí là quan hệ tình dục phóng khoáng thì nay ô tô tượng trưng cho sự gò bó và độc hại. Tác giả của bài viết mà tuần báo Le Courrier International dịch từ báo Anh The Guardian khẳng định sự bùng nổ tình yêu dành cho xe hơi đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu : 1/4 lượng khí CO2 thải ra trên toàn thế giới là từ ô tô và xe hơi là nguyên nhân gây ra cái chết cho 1,3 triệu người/năm. Và giờ đây, khắp nơi trên thế giới, xe hơi không còn được ưa chuộng nhiều như trước đây. Số người trẻ tuổi lái xe hơi tại Anh Quốc đã giảm mạnh. Tại Mỹ, vào năm 1984, khoảng 92% thanh niên có bằng lái xe hơi, nhưng nay tỉ lệ trên đã giảm 15%.
Nhưng từ bỏ ô tô không phải là điều dễ dàng, vì thói quen đi xe hơi đã ăn sâu vào xã hội, từ công việc tới giải trí. Cuộc sống của người Mỹ gắn với xe hơi, cho dù họ biết ô tô là nguồn gây nguy hiểm, tắc đường và "ngốn" rất nhiều tiền. Tác giả Cotten Seiler kết luận : "Chúng ta không còn yêu xe hơi, và có thể là chúng ta chưa bao giờ thực sự yêu chúng, nhưng chúng ta vẫn luôn kết đôi với chúng".
Hiện tốc độ và quy mô bùng nổ xe hơi tại Trung Quốc tương tự như tại Mỹ hồi giữa thế kỷ XX. Nhưng với quy mô dân số khổng lồ và các vấn đề ô nhiễm môi trường mà nước này đang phải đối mặt, thì các nhà sản xuất xe hơi buộc phải cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ xe hơi không người lái, thay xăng dầu bằng các nhiên liệu giá rẻ nhưng không phát thải khí CO2.
Trong bài viết "Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh" Courrier International dịch từ báo Chinadialogue, tác giả Liu Shaokun cho biết vốn nổi tiếng vì ô nhiễm không khí và nạn kẹt xe, nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc đang hy vọng khắc phục được vấn đề thông qua cải tạo các phương tiện giao thông công cộng và đầu tư phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khuyến khích người dân đi xe đạp trong thành phố. Xe đạp hiện là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại nhiều thành phố ở Trung quốc. Năm 2017, Hàng Châu đã đạt một giải thưởng quốc tế về dịch vụ xe đạp công cộng, còn Thâm Quyến mới đây đã cải tạo hệ thống xe bus sang dùng điện 100%.
Mạng lưới tàu xe chạy trên đường ray (métro, xe điện, xe lượn một đường ray…) của hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dày đặc, có tần suất cao hơn và có nhiều hành khách hơn cả ở Luân Đôn và Paris. Thành phố Quảng Châu thì lại phát triển mạng lưới xe bus tốc độ cao với nhiều đường chạy riêng. Còn Thượng Hải thì đầu tư phát triển đường dành riêng cho người đi bộ và những tuyến đường thông thoáng cho xe đạp.
Nhiều thành phố khác, trong đó có Vũ Hán và Nam Kinh, ưu tiên phát triển xe đạp điện. Năm 2014, Trung Quốc có hơn 200 triệu xe đạp điện. Xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại phổ thông nhất của nhiều gia đình, nhất là ở những nơi giao thông công cộng kém phát triển.
Kể từ khi dịch vụ xe đạp công cộng phát triển, số chuyến đi ngắn dưới 5km bằng xe hơi đã giảm, chẳng hạn giảm 5% ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nếu chính quyền tìm được các phương tiện giao thông bền vững thay thế xe hơi thì cư dân thành thị sẽ chẳng ngần ngại từ bỏ ô tô. Tại Nam Ninh, Trung Quốc, 45% số người đi xe đạp điện có xe hơi nhưng họ không sử dụng.
Còn tại quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, chính quyền Bangkok đang tiến hành một cuộc cách mạng nhỏ : thực hiện dự án đường dài 10km dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp dọc các con kênh phía tây nam thủ đô. Tác giả bài viết "Những con đường xanh giúp Bankok thoát nạn tắc đường, kẹt xe" cho biết đây sẽ là một giải pháp thực thụ cho những người không muốn đi xe hơi.
Còn thành phố Detroit, thủ phủ xe hơi của Mỹ, lại chọn giải pháp giảm số bãi đậu xe để khuyến khích người dân chuyển sang các phương tiện khác ít ô nhiễm hơn. Từ lâu nay, các quy định về quy hoạch không gian tối thiểu cho các bãi đậu xe đã khiến chi phí xây dựng bị đẩy lên cao, nhiều bãi đậu xe một tầng hoặc nhiều tầng đầy rẫy thành phố trông xấu xí. Tác giả bài viết "Một thành phố không bãi đậu xe" cho rằng các bãi đậu xe gây lãng phí không gian, nhưng cần kiên trì chờ đợi vì người dân sẽ làm mọi việc để bảo vệ chỗ đậu xe của họ. 95% thời gian xe hơi nằm trong bãi đậu xe. Đối với người Mỹ, xe hơi không chỉ là một phương tiện đi lại, họ gắn bó với xe hơi như một thứ tôn giáo. Và họ sẽ sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ tôn giáo đó.
Du khách quốc tế làm gì khi tham quan các nước Đông Nam Á ?
Trên lĩnh vực du lịch, tuần báo Courrier International dịch và giới thiệu bài viết "Đông Nam Á : Du khách làm gì " ? đăng trên báo The Straits Times của Singapore. Vào năm 1992, năm Cam Bốt tổ chức kỳ tổng tuyển cử quốc gia đầu tiên sau nhiều thập kỷ nội chiến, chỉ có 90.000 du khách quôc tế tới Cam Bốt. Con số này là hơn 2 triệu trong năm 2017. Cam Bốt trở thành một trong những điểm đến được du khách quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, giờ đây đi tham quan Cam Bốt lại là những trải nghiệm không mấy thích thú của du khách. Năm ngoái, Aspara - cơ quan quản lý khu di tích Angkor - quyết định hạn chế số khách được treo lên đỉnh đồi Phnom Bakheng để ngắm mặt trời lặn.
Tại Thái Lan, cơ quan quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã ra lệnh đóng cửa vịnh Maya, trên đảo Phi Phi. Tàu thuyền sẽ không được cập bến ở vùng biển nổi tiếng này từ tháng Sáu đến tháng Chín. Còn tổng thống Duterte hồi tháng Tư ban hành lệnh cấm du khách tới thăm đảo Boracay trong vòng 6 tháng để tránh nguy cơ môi trường bị phá hủy. Quyết định của tổng thống Philippines bị đánh giá là quá khắt khe. Cái thời mà du khách được tự do tới các địa điểm tham quan đã qua. Báo Straits Times cho rằng việc hạn chế lượng du khách và thời điểm đóng cửa các khu du lịch sẽ ngày càng tăng, trong khi các nhà chức trách rất khó hạn chế lượng du khách vẫn đổ xô tới các khu du lịch nổi tiếng này.
Trở lại với đảo Boracay, Philippines, đối với các chuyên gia trong ngành công nghiệp du lịch, vấn đề chủ yếu không phải à do có quá nhiều du khách mà là các nhà quản lý, quy hoạch nơi đây mắc nhiều sai lầm. Tại Thái Lan cũng vậy, theo dự báo, năm nay Thái Lan đón 38 triệu du khách. Trong khi theo Ngân Hàng Thế Giới, Pháp - quốc gia có dân số và diện tích tương đương với Thái Lan - hồi năm 2016 đã đón tới 83 triệu du khách.
Các điểm đến du lịch ở Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với tình trạng chưa từng có. Sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ và lượng du khách Trung Quốc giàu tác động tiêu cực tới cân bằng sinh thái ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Bali, số du khách năm nay là khoảng 7 triệu người, so với 5,6 triệu du khách hồi năm ngoái, chủ yếu là do du khách Trung Quốc tăng (1,3 triệu người vào năm 2017) và sinh thái ở Bali hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng. Số du khách Trung Quốc tới đảo Phuket, Thái Lan vào năm 2017 cũng tăng 20 % so với năm 2016.
Ông Utung Pratama, thuộc Diễn đàn môi trường Indonésia giải thích vấn đề nằm ở chỗ rác rưởi bị vứt bừa bãi ở các bãi biển, trong khi các khu nghỉ dưỡng hút cạn kiệt nguồn nước ngầm, còn các nhà kinh doanh du lịch không hề tính tới các hậu quả đối với môi trường, sinh thái.
Thùy Dương
Di dân, Liên Hiệp Châu Âu bất lực !
Các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 05/06/2018 tập trung vào ba chủ đề lớn : Phong trào dân túy lên cầm quyền tại Ý buộc Châu Âu phải xem xét lại chính sách di dân ; Thủ tướng Đức phát biểu quan điểm về tương lai Liên Hiệp Châu Âu và Thủ tướng Israel công du Châu Âu kêu gọi cản trở Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Di dân sống tại các lều trại dọc theo kênh Saint-Denis ở Paris, 04/05/2018. Reuters/Charles Platiau
Nước Ý có chính phủ do hai đảng cực hữu và mang tư tưởng dân túy cầm quyền đã buộc Liên Hiệp Châu Âu xem xét lại chính sách di dân. Le Figaro trên trang nhất buột miệng thốt lên : "Khủng hoảng di dân : Châu Âu dưới áp lực của Ý". Bởi vì, ông Salvini một lần nữa "khẳng định đường lối cứng rắn về nhập cư", theo như nhận định của Les Echos.
Tân bộ trưởng Nội Vụ Ý đã có tuyên bố gây sốc "Chúng ta sẽ không còn là trại tị nạn của Châu Âu nữa", đồng thời cam kết thúc đẩy hơn nữa nhịp độ các vụ trục xuất khoảng 500.000 người nhập cư trái phép về nước như ông đã hứa trong kỳ tranh cử.
Sự việc một lần nữa đã đẩy "Châu Âu rơi vào bế tắc về quyền tị nạn". Hôm nay, theo lịch trình, các bộ trưởng Nội Vụ họp tại Luxembourg. Vấn đề tái phân bổ số người tị nạn đang sống các trại tiếp nhận gần như không có hy vọng tìm được một giải pháp. Và tình trạng bế tắc này được thể hiện rõ qua việc bộ trưởng Nội Vụ bốn nước Ý, Pháp, Đức và Tây Ban Nha thông báo không đến dự phiên họp.
Nhập cư : Xử lý yếu kém, Liên Âu trả giá
Trong tình cảnh này, Libération chua chát nhìn nhận "Chủ nghĩa dân túy, cái giá phải trả cho sự bất lực của Châu Âu trước cuộc khủng hoảng di dân". Tờ báo thiên tả thẳng thắn chỉ trích : Liên Hiệp Châu Âu đã và luôn không có khả năng xử lý "áp lực" di dân, cho dù đỉnh điểm không còn như năm 2015 nữa.
Chính sự bất lực này đã làm trỗi dậy các phong trào dân túy và các đảng cực hữu trên khắp Châu Âu, với một tỉ lệ cao chưa từng thấy kể từ khi chủ nghĩa phát-xít sụp đổ năm 1945. Đây chính là cái giá chính trị mà Châu Âu đang phải trả.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn nữa là các chính đảng truyền thống bất kể là bảo thủ, tự do hay xã hội-dân chủ, trước tình thế này, lại có những luận điệu mị dân mang hơi hướm bài di dân và thông qua một số biện pháp mà trước giờ họ vẫn luôn từ chối.
"Khủng hoảng nhập cư, ngày 11/9 cho Châu Âu"
Do vậy, nhật báo thiên hữu Le Figaro, trong bài xã luận "sự bật dậy không thể thiếu" kêu gọi các nước thành viên nên nhanh chóng tìm ra các giải pháp. Thiếu một câu trả lời thực tế, Liên Hiệp Châu Âu có rủi ro gánh lấy thất bại, và nhất là xem như đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chính mình.
Le Figaro cảnh báo : "Cuộc khủng hoảng di dân này sẽ là ngày 11/09 của Châu Âu". Cuộc khủng hoảng đó sẽ gây ra một sự xáo trộn đạo đức và văn hóa giữa các nước thành viên. Nó nuôi dưỡng sự giận dữ của người dân chống lại chính các đại diện của mình, những người mà họ đang lần lượt tìm cách "tống khứ" đi.
Ý : Một nhà nước, hai lãnh đạo
Liên quan đến nước Ý, nhật báo Le Monde ghi nhận "Tại Ý, với Di Maio và Salvini, một bộ máy chính quyền với hai lãnh đạo".
Mặc dù tổng thống Ý đã chấp nhận đề nghị cử ông Giuseppe Conte của hai đảng dân túy làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng theo nhật báo, có lẽ người điều hành thật sự cơ quan nhà nước này là hai ông, Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào M5Sao (M5S) và Matteo Salvini, chủ tịch đảng cực hữu Liên Đoàn Liga.
Cả hai ông đều nắm giữ vị trí phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Nhưng người thứ nhất kiêm chức bộ trưởng Lao Động và Phát Triển Kinh Tế. Còn người thứ hai giữ ghế bộ trưởng Nội Vụ. Đôi bên cùng cam kết thực hiện các dự án chung thực hiện các chính sách xã hội như đã hứa hẹn với cử tri như ấn định mức lương tối thiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ… nhưng lại đối lập nhau trên vấn đề thuế khóa.
Châu Âu theo cách nhìn của Merkel
Khủng hoảng di dân, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, sự trỗi dậy của các phong trào dân túy… đã làm lộ rõ những yếu kém các định chế của Châu Âu, do đó đã đến lúc phải tiến hành cải tổ Liên Hiệp Châu trên nhiều lĩnh vực. Đề nghị này của tổng thống Pháp đưa ra cách nay gần một năm, nay mới được thủ tướng Đức đáp lại. La Croix trên trang nhất đề tựa "Châu Âu thận trọng của Angela Merkel".
Thận trọng trong các đề xuất, cũng như trong phương pháp trình bày, một thói quen thường thấy của thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà đã chọn nhật báo cánh hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung để trình bày quan điểm của bà về tương lai Liên Hiệp Châu Âu với hy vọng thông tin này có thể đến gần với dân chúng hơn.
"Chừng mực", "thận trọng" là nhận định chung của các báo Pháp. Bởi vì, các chủ đề đưa ra cho thấy bà chấp nhận cải cách Châu Âu như kêu gọi của tổng thống Pháp, nhưng theo cách thức và nhịp độ của bà, từ từ chậm rãi và không ầm ĩ. "Merkel khẳng định vị thế của mình trước Macron", Le Figaro nhìn nhận.
Ngoài chủ đề cải cách khu vực đồng euro là gây thất vọng cho Paris, những đề xuất khác của bà Merkel đều đưa ra một cách dè chừng, tối thiểu. Theo đó, nước Đức ủng hộ việc chuyển Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu thành Quỹ Tiền Tệ Châu Âu FME, có khả năng hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn về kinh tế, nhưng cũng có khả năng xem xét tái cấu trúc nợ.
Thủ tướng Đức tán đồng một ngân sách đầu tư cho khu vực đồng euro, nhưng thấp hơn mức do tổng thống Pháp đề xuất. Tuy nhiên, vì lo ngại va chạm với các đối tác chính trị, thủ tướng Đức từ chối thành lập cái gọi là "nợ chung".
Trong hồ sơ di dân, bà ủng hộ ý tưởng thành lập một cơ quan di dân Châu Âu và yêu cầu một sự hài hòa về quyền tị nạn. Về quốc phòng và an ninh, Angela Merkel tán đồng sáng kiến can thiệp Châu Âu của Pháp cũng như là nên hình thành "một chiến lược văn hóa" chung.
Tóm lại, phát biểu này của bà Merkel đã làm cho "Paris và Bruxelles thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn phải cẩn trọng", bởi vì "hố ngăn cách hệ tư tưởng giữa Paris và Berlin vẫn còn sâu", Les Echos lưu ý.
Netanyahu đến "lôi kéo" Châu Âu chống Iran
Một đề tài khác cũng được các báo Pháp hôm nay nói nhiều đến là vòng công du Châu Âu của thủ tướng Israel. Báo Le Monde dành một góc nhỏ trên trang nhất nhận xét : "Chiến dịch Châu Âu của Netanyahu chống hạt nhân Iran". Les Echos có bài viết đề tựa "Netanyahu vận động gây áp lực lên Iran".
Thủ tướng Israel chủ yếu đến gặp lãnh đạo ba nước Châu Âu hàng đầu : thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh, bà Theresa May. Cũng nhân dịp này, báo Libération đặt câu hỏi với nhà báo Vincent Nouzille về quan hệ Pháp- Israel. Vincent Nouzille là tác giả tập sách "Những câu chuyện bí mật : Pháp-Israel giai đoạn (1948-2018)".
Theo giải thích của ông Nouzille, quan hệ Pháp-Israel khắng khít chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa và khoa học. Pháp có cùng lập trường về một số chính sách đối ngoại khu vực với Israel ngoại trừ hồ sơ Palestine. Ông Netanyahu lần này đến Paris trong bối cảnh Hoa Kỳ thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một quyết định mà cả Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đều phản đối.
Do đó, mục đích công du Pháp và Châu Âu lần này của thủ tướng Israel là hòng dập tắt ảo tưởng khả năng tác động của Paris và Bruxelles lên những hồ sơ gây tranh cãi.
Bắc Triều Tiên : Mù mờ nguyên nhân chỉnh đốn quân đội
Thời sự Châu Á hầu như vắng bóng. Riêng Le Figaro có một bài viết ngắn chú ý đến việc "Kim thay đổi bộ tham mưu trước thượng đỉnh với Trump".
Nhật báo khẳng định chưa hiểu rõ động cơ thay đổi nhân sự này. Tuy nhiên theo phán đoán của một số quan chức Mỹ thì quyết định thay đổi nhân sự này có lẽ có liên quan đến việc Bình Nhưỡng xích lại gần với Seoul và Washington theo sáng kiến của Kim Jong-Un.
Còn theo các chuyên gia thuộc trang mạng 38 vĩ tuyến Bắc, khi tiến hành "siết chặt kiểm soát quân đội", lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn bảo đảm rằng ông ấy có thể trông cậy vào những tầng lớp tướng lĩnh trẻ hơn và còn trung thành hơn vào thời điểm chế độ đang phải đối phó với những thách thức từ bên trong cũng như bên ngoài.
Quyết định thay đổi này cũng có thể được giải thích bằng ý muốn trao thêm cho quân đội một vai trò lớn hơn trong các dự án hạ tầng.
Minh Anh
Cho dẫu nổi trôi như bọt sóng
Đời mình rồi cũng giạt vào bờ
(Trần Mộng Tú)
Thành phố Kent của tiểu bang Washington là thành phố phần đông dân chúng cư ngụ thuộc thành phần Lao Động Chân Tay (Working class/ Blue collar). Ở đây cũng rất nhiều dân thuộc các sắc tộc khác nhau cư ngụ. Thành phố này có một ngôi trường Đại Học Cộng Đồng - Highline Community College.
Hôm 15 tháng 6 vừa qua chúng tôi tới dự lễ ra trường của cô em họ bên chồng tôi. Cô Sarah, 63 tuổi, cô sống độc thân. Hồi trẻ cô bỏ học ngang làm đủ mọi công việc : Bán hàng trong các tiệm bách hóa, cầm bảng Stop sign đứng đường phụ công việc lục lộ, làm việc vặt ở các trường học, việc cuối cùng cô đi chụp hình dạo. Cô có sở trường chụp hình thú vật. Bây giờ với sự giúp đỡ của người anh họ (chồng tôi) cô trở lại trường, cô hoàn tất chương trình 2 năm về Graphic Design.
Đã lâu lắm chúng tôi không đi dự lễ ra trường. Con thì quá lớn, cháu thì quá nhỏ nên tôi quên mất cái không khí vừa vui vừa cảm động của một ngày ra trường. Hôm nay đến dự lễ ra trường ở một ngôi trường phần đông sinh viên là người lớn tuổi và đủ mọi thành phần di dân. Buổi lễ này có hơn 500 sinh viên, họ tốt nghiệp 4 năm, 2 năm và GDE (General Education Development) họ đủ mọi màu da, sắc tộc.
Di dân là thành phần đang làm xôn xao cả nước Mỹ.
Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Showare Center, trung tâm trình diễn thể thao với gần 7000 chỗ ngồi. Hội trường rộng nên vào cửa không cần vé như những nơi khác. Có sinh viên thuộc diện di dân được cả một cộng đồng đi dự. Tiếng hét đầy hạnh phúc của họ làm vang dội cả một góc hội trường.
Từ trên những hàng ghế cao chung quanh hội trường cho phụ huynh và gia đình, bạn hữu, chúng tôi nhìn xuống hơn 500 sinh viên đủ mọi sắc tộc. Bên trong cái áo choàng tốt nghiệp giống nhau, lấp ló quốc phục của một vài nước (nhìn rõ hơn sau khi tan buổi lễ) Những sinh viên Hồi Giáo, phụ nữ có đội khăn hijab dưới chiếc nón ra trường, có một sinh viên Nhật mặc kimono, thấy cả cái gùi áo sau lưng nhô lên nữa. Sinh viên Việt với họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Phạm chiếm một số không nhỏ (Nhóm này tuổi còn trẻ). Có một nhóm nữ tu người Việt mặc đồng phục đen của tu viện ngồi ngay sau lưng chúng tôi. Các nữ tu đi dự ra trường của một nữ tu khác. Những năm gần đây tôi gặp khá nhiều nữ tu sang Mỹ học với sự bảo trợ của Hội Thánh Công Giáo Mỹ.
Có nhiều sinh viên rất đặc biệt trong cộng đồng đa chủng của trường học này. Bài chào mừng quan khách của anh Chủ tịch Trường Highline College cho ta hiểu thế nào là trường đời và trường học và bài phát biểu của cô sinh viên tốt nghiệp ưu tú cho hiểu sự cố gắng, vất vả của một sinh viên có hoàn cảnh nghèo muốn hoàn tất môn học mình theo đuổi.
Anh sinh viên ngoài 30 tuổi chủ tịch hội sinh viên của Highline Community College nói về cuộc đời của mình. Anh là người Mỹ da đen (American-African). Anh biết dùng ma túy từ lúc 5 tuổi, bắt đầu mua bán ma túy khi 13 tuổi, anh bỏ học ở lớp 8. Lúc 27 tuổi anh bị bắt và kết án 10 năm tù. Anh không nói rõ anh ở tù bao nhiêu năm với cái án đó, nhưng anh kể ở trong tù muốn được tham gia chơi các môn thể thao thì phải ghi tên học chữ, nên anh nhận lớp và anh khám phá ra rằng anh thích học và anh được thầy giáo khuyến khích. Anh học xong trung học ở trong tù. Khi ra tù anh xin vào học ở trường Highline College này. Anh đã ra trường trong ba năm với hai chứng chỉ AA.
Tôi nghe mà ngẩn người : 5 tuổi biết dùng ma túy, như vậy có thể cha mẹ anh là người dùng ma túy hoặc cha mẹ bỏ con ở nhà cho khu xóm (một khu xóm nghèo, xì ke, ma túy) đi đâu đó kiếm sống. Suốt cả bài diễn văn anh cám ơn Thượng Đế, cám ơn thầy giáo trong tù, cám ơn thầy cô, bạn học trong trường. Tuyệt nhiên anh không hề nhắc đến cha mẹ và gia đình.
Đó là điều rất đau lòng cho anh và cho cả mấy trăm sinh viên và quan khách ngồi nghe trong buổi lễ.
Cô thủ khoa nói về nỗi vất vả của sinh viên nghèo, cô thuộc Quinault Nation (Ấn Độ). Cô kể, chúng tôi ở những hoàn cảnh khác nhau : có người đến từ một nơi xa xăm nào đó trong dạng nhập cư, họ lớn tuổi, không sinh ra trên đất nước này, vừa đi làm, vừa đi học để có một tương lai khá hơn ; có người sinh ra ở đây nhưng khi còn trẻ bỏ học, đi làm đủ thứ nghề, thất bại. Bây giờ quay lại trường, họ ở trong tình trạng còn phải thay tã cho con hay săn sóc cha mẹ già trước khi đi học. Chúng tôi đều phải đi làm nhiều hơn được đi học, phải trả tiền học bằng thẻ tín dụng, phải vay, phải nợ.
Sau hai bài khai mạc, nhà trường mời đại diện của mỗi quốc gia nên nói lời chào mừng, lời cám ơn ngắn gọn bằng quốc ngữ mình. Các sinh viên tuần tự đi lên, không phân biệt tuổi tác : Mỹ, Nhật, Việt, Lào, Cam Bốt, Phi Châu, Tây Tạng, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Ấn, Thái, Phi Luật Tân…
Buổi lễ ra trường này là buổi lễ rất đặc biệt tôi được dự trong 42 năm ở Mỹ.
Trên đường về, bỗng nhiên chúng tôi nhìn nhau, hỏi : So sánh những buổi ra trường của các trường Đại Học Mỹ, từ trường công, trường tư, trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Yale, v.v… cho học sinh xuất sắc hay cho các con nhà giàu, nơi những bài diễn văn của sinh viên ra trường đôi khi làm người nghe thán phục, gật gù liên tưởng đến tương lai sáng lạn của một chính trị gia, một ứng cử viên sáng giá trong tương lai cho những chức vụ quan trọng, thì hai bài diễn văn chúng tôi vừa được nghe chắc là hai bài diễn văn sẽ ở lại trong lòng chúng tôi lâu nhất. Chúng tôi nghĩ đến công lao của những thầy cô ở Mỹ đã âm thầm giúp đỡ những học trò, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kém may mắn, có cha mẹ nghiện ngập hay chính họ rơi vào chỗ nghiện ngập. Những học trò di dân sức học yếu kém, đến từ nơi xa lạ, không cùng một ngôn ngữ. Thầy cô đó là những bậc phụ huynh thứ hai của họ. Chắc chắn học trò nhớ mãi mãi những thầy cô này. Chúng tôi nghĩ đến những học viên đã qua tuổi đi học, vẫn tìm đường trở về trường (như cô em họ chúng tôi), những học viên đi ra từ cánh cửa nhà tù bước vào cánh cửa nhà trường, những học trò từ nhóm di dân chính thức hay không chính thức, cố gắng có một mảnh bằng, một chứng chỉ trong tay để hội nhập vào xã hội mới có đời sống khả dĩ hơn. Họ là những người có nhân phẩm.
Mảnh vàng nhặt ra rừ bãi cát, có giá trị hơn mảnh vàng lấy ra từ trong chiếc hộp bằng vàng.
Trường học và trường đời đôi khi đảo ngược. Không phải ai cũng bước vào trường học trước khi bước ra trường đời.
Những học sinh, sinh viên, với hoàn cảnh khó khăn hay thuộc diện di dân, họ có khác chi những bọt sóng bập bềnh nổi trôi trong một dòng sông lạ. May mắn với vòng tay bao dung của những thầy cô đó họ được hướng dẫn nương theo con nước, trôi giạt vào bờ.
Trần Mộng Tú
Nguồn : VOA, 19/06/2017