Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 01 mai 2024 23:07

"Về thu xếp lại"

Tôi thích đọc những tản văn của một trong những tác giả nổi tiếng trong nước hiện nay là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, kiến thức khoa học lại uyên bác, tác giả viết về sức khỏe, bệnh tật, tuổi già và ngay cả cái chết với giọng điệu lúc nào cũng lạc quan. Cách đây vài năm, khi bước vào tuổi bát tuần, ông đã thu thập lại những bài viết về cũng những chủ đề trên dưới tựa đề "Về thu xếp lại".

vethuxeplai1

Từ vài năm nay, nhứt là khi bước vào tuổi 75 mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho là tuổi đẹp nhứt của đời người, tôi cũng đã bắt đầu "về thu xếp lại". Từ nơi ăn chốn ở, vườn tược cho đến quần áo... tôi đã từ từ thu dọn lại cho gọn gàng hơn. Nhưng mới đây ý tưởng "về thu xếp lại" trong tôi đã trở nên mãnh liệt và thúc bách hơn sau vài lần thăm viếng một người bạn thân vừa trải qua một cuộc giải phẫu để lấy ra một khối u trong đầu. Cuộc giải phẫu tương đối thành công.

Tôi mừng cho bạn tôi và gia đình bạn tôi. Nhưng tôi mừng cho tôi nhiều hơn. Tôi mừng vì vẫn còn một người bạn tri kỷ theo đúng nghĩa. Chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau về đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Ở tuổi già, tôi ngộ ra rằng có được một người bạn tâm giao là điều quan trọng nhứt. Có lúc tôi nghĩ : có được một người bạn thân trong tuổi già là có tất cả !

Những lần thăm viếng người bạn già vừa trải qua cơn bạo bệnh đã khiến tôi "về thu xếp lại" chuyện "bạn bè". Trước kia, tôi rất thích giao du với nhiều người và cũng có rất nhiều "bạn bè". Gặp nhau trong các bữa tiệc để chén chú chén anh là chuyện thường tình. Nhưng phải nói thẳng rằng kể từ ngày "có Trump", cánh cửa xã hội của tôi từ từ khép lại, "bè" từ từ biến mất. Giữa đám đông "bè" nhiều hơn "bạn", tôi cảm thấy tu chính án thứ nhứt của người Mỹ hoàn toàn không có giá trị đối với tôi nữa. Trước kia, giữa đám đông, tôi thấy mình vui vẻ, hoạt náo "tự do ngôn luận" bao nhiêu thì nay tôi lại càng thấy giá trị của châm ngôn "thinh lặng là vàng" tốt hơn bao giờ hết. Một chút sa sẩy trong một phát biểu về "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" cũng đủ để ăn miểng, nhứt là từ những người đồng đạo của tôi. Kể từ đó, sinh hoạt xã hội của tôi ngày càng thu hẹp lại. "Lời mẹ dặn" chọn bạn mà chơi được tôi triệt để áp dụng. Ở tuổi già, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người, vì tôi vẫn còn một vài người bạn tâm giao.

Song song với việc vun vén tình bạn, tôi cũng thấy mình đang "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo của tôi. Thật ra, "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo không phải là chuyện ngẫu hứng tôi chỉ mới có sau những lần thăm viếng người bạn thân vừa trải qua cuộc giải phẫu, mà là chuyện trăn trở mỗi ngày của tôi. Nhưng có lẽ qua những lần thăm hỏi với hiền thê của bạn tôi mà tôi thấy ý nghĩ "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo trở nên thúc bách hơn trong tôi. Thật vậy, trước và sau cuộc giải phẫu của bạn tôi, người vợ hiền của ông, vốn là một phụ nữ rất mực đạo đức, lúc nào cũng nói đến sức mạnh của niềm tin tôn giáo, đặc biệt là hiệu năng của lời cầu nguyện. Trước cuộc giải phẫu, gặp bất cứ ai bà cũng xin cầu nguyện và sau cuộc giải phẫu thành công, bà xem đó như một phép lạ và không hết lời tạ ơn Chúa. 

vethuxeplai2

Cuộc sống đức tin rốt cục với tôi là một cuộc đối thoại không ngừng với Thượng Đế về chính nỗi khổ đau và cái chết trong kiếp người.

Từ nhiều năm nay, với những ai xin tôi cầu nguyện hay nói đến "phép lạ" của lời cầu nguyện, tôi thường giữ thái độ thinh lặng. Không hiểu từ lúc nào, câu hỏi mà nhà văn Mỹ gốc Do Thái Elie Wiesel (1928-2016), khôi nguyên của giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đã từng đặt ra cho mình lúc bị giam trong một trại tập trung Đức quốc xã : "Thượng Đế ở đâu ?" cũng chính là câu hỏi mà tôi thường tự đặt ra cho mình khi đứng trước bao nhiêu thảm kịch, đau khổ, chết chóc mà những người vô tội trên khắp thế giới đã và đang trải qua từng ngày từng giờ. Elie Wiesel đã nêu lên câu hỏi ấy khi chứng kiến cảnh những người lính Đức trong một trại tập trung Đức quốc xã treo cổ một thiếu niên. Với câu hỏi "Thượng Đế ở đâu ?", cuộc hành trình niềm tin tôn giáo của tôi không còn là một chuỗi những lời van xin "phép lạ", mà là một cuộc tra vấn Thượng Đế. Cuộc sống đức tin rốt cục với tôi là một cuộc đối thoại không ngừng với Thượng Đế về chính nỗi khổ đau và cái chết trong kiếp người.

Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo thuần thành. Mới ba ngày tuổi, chưa mở mắt và còn đỏ hỏn, tôi đã được ẵm tới nhà thờ để được rửa tội và đặt cho một cái "tên thánh" lạ hoắc lạ huơ. Ba tuổi, vừa bập bẹ biết nói, tôi đã được dạy để học thuộc lòng bài giáo lý vỡ lòng : con ai ? – thưa con Chúa ; cháu ai ? – thưa cháu ông Adong và bà Evà ; dòng dõi ai ? – thưa dòng dõi vua David... Thế giới thần tiên tuổi thơ của tôi là thế giới của các thiên thần, của những người hùng trong sử thi của người Do Thái và dĩ nhiên cũng của người Tây phương da trắng. Chúa Giêsu và Đức Mẹ chẳng phải là người da trắng đó sao ? Qua các hình tượng của Chúa Giêsu, ánh mắt trẻ thơ của tôi nhìn người da trắng nào cũng đẹp đẽ cả. Cả thể xác lẫn tinh thần ! Nhớ có lần một nữ tu thày dạy tiểu học của tôi đã thốt lên khi nhìn những người lính đánh thuê "Lê dương" (légionnaire) : "Sao họ giống Chúa Giêsu quá !". Có lẽ bà quên rằng chính mấy ông giống Chúa Giêsu này từng rượt những phụ nữ trong làng tôi chạy bán sống bán chết.

Tôi đã không chọn niềm tin tôn giáo. Chính cha mẹ tôi đã trao niềm tin tôn giáo cho tôi như một sản nghiệp quí giá. Mà quí giá thiệt. Lúc nào tôi cũng biết ơn cha mẹ tôi vì đã trao cho tôi một sản nghiệp quí giá, bởi nhờ sản nghiệp đó tôi đã làm quen và hấp thụ được nền văn minh Tây Phương và cũng chính sản nghiệp ấy đã hun đúc trong tôi một lý tưởng phục vụ cao đẹp cũng như giúp tôi rèn luyện nhân cách. Nhưng cùng với sản nghiệp cao quí đó là cả một gánh nặng của vô số tội ác mà chính tôn giáo của tôi đã gây ra trong suốt dòng lịch sử của mình. Trong hàng bao thế kỷ, tôn giáo của tôi đã sử dụng bạo lực để tiêu diệt người Do Thái với lý do họ là người "kẻ giết Chúa" vì đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Thời Trung Cổ, với những cuộc thập tự viễn chinh nhằm chiếm lại điều được gọi là "thành thánh Giêrusalem", tôn giáo của tôi cũng đã sử dụng bạo lực để sát hại người Hồi giáo. Song song với những cuộc thập tự viễn chinh, tôn giáo của tôi cũng đã sử dụng tối đa bạo lực để loại trừ và ngay cả xử tử một cách tàn bạo những người bị cho là lạc giáo. Rồi sang Thế kỷ 16, kể từ sau cuộc Cải Cách của Tin Lành, tôn giáo của tôi lại dính vào không biết bao nhiêu cuộc chiến tương tàn giữa những người tự xưng là tín hữu Kitô, tức bạn hữu của Đấng mà cốt lõi của những lời giáo huấn chỉ xoay quanh sự khoan nhượng, tình yêu thương, sự cảm thông và lòng tha thứ và đã chết trên thập giá để thể hiện chính lời rao giảng ấy.

Mà có riêng gì Kitô giáo của tôi đâu. Dường như tôn giáo nào, ít hay nhiều và mãi cho đến ngày nay, cũng đều sa vào con đường bất khoan nhượng và bạo lực. Tựu trung, khi cái cốt lõi của tôn giáo, như ông bà ta thường nói : "đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành", bị đẩy ra lề niềm tin tôn giáo thì đó chính là lúc tôn giáo chạy theo những phù phiếm, mê hoặc.

Xét cho cùng, bỏ qua một bên chủ trương bạo động, khủng bố, đấu tranh giai cấp và hận thù, Karl Marx cũng có lý phần nào khi ông lên án : "tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng".

Có lẽ nắm vững chân lý "tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng" cho nên các đệ tử của Karl Marx ở Việt Nam ngày nay đã dùng thứ thuốc phiện đó để ru ngủ quần chúng. Sau khi thu tóm và biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo "nhà nước" hay được gọi một cách nôm na là "quốc doanh", Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thành công trong việc sử dụng tôn giáo này để mê hoặc một bộ phận không nhỏ quần chúng Việt Nam hiện nay. Tôn giáo đã trở thành một thứ tà giáo, nhưng lại có sức thu hút và mê hoặc một đám đông không nhỏ. Tiến sĩ Chu Mộng Long, một tác giả thường xuất hiện trên báo điện tử Tiếng Dân trong nước, đã nhận định về hiện tượng này trong một bài viết có tựa đề "Tà giáo lộng hành": "Có thể phòng chống tham nhũng chưa đạt được như mong muốn, nhưng dẫu sao, vẫn đang được nhà nước giải quyết bằng những vụ khởi tố ra tòa. Trong khi tà giáo thì lại được tự do hoành hành. Nó tự do đến mức, chỉ cần một cá nhân cạo trọc đầu là có thể ngang nhiên tuyên truyền mê tín dị đoan, công khai những thủ đoạn lừa đảo mà hàng triệu người là nạn nhân. Việc các tăng lữ dùng ma đe dọa dân, gieo rắc sự sợ hãi trong dân để thu gom tiền vàng, nhà đất và hứa hẹn "kiếp sau" cho dân làm ma giàu sang, phú quý, là lừa đảo trắng trợn, không thể biện minh" (1).

vethuxeplai3

"Trong "lễ sớt bát", hàng ngàn Phật tử xếp hàng hai bên đường, đứng, quỳ gối, chắp tay dâng hoa, tiền, bánh kẹo… trong khi các nhà sư chùa Ba Vàng đi dọc đường trong chùa thu nhận liên tục từ tay người dân.

Khi cái cốt lõi của tôn giáo bị gạt ra bên lề niềm tin tôn giáo thì tôn giáo trở thành tà giáo để mê hoặc quần chúng. Bị cực đoan hóa hay đánh mất tính khoan nhượng vốn là cốt lõi của tôn giáo, con người cũng trở nên mê muội. Trong những ngày này, thế giới đang chú ý theo dõi cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ, quốc gia được xem là có nền dân chủ lớn nhứt thế giới. Đảng đang cầm quyền tại nước này có tên là Đảng Quốc gia Ấn giáo (Bharatiya Janata Party gọi tắt là BJP) muốn biến Ấn giáo thành quốc giáo. Mahatma Gandhi đã dựa vào cốt lõi của tôn giáo này là sự khoan nhượng để đề ra chủ trương tranh đấu bất bạo động và thành công trong việc chấm dứt chế độ thực dân của người Anh tại nước này. Nhưng ngày nay, tinh thần khoan nhượng ấy đã nhường chỗ cho bạo lực chống lại các tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo.

Tại một quốc gia văn minh và tiến bộ nhứt thế giới hiện nay là Hoa Kỳ tôi cũng đang nhìn thấy sự trỗi dậy của một trào lưu bất khoan nhượng tôn giáo như thế. Cựu tổng thống Donald Trump là một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Về trí tuệ thì ngu dốt, về luân lý và đạo đức thì đồi bại, về tư cách thì đốn mạt, về tâm lý thì bất ổn... Chỉ cần nghe những gì ông nói, cụ thể qua những lời cầu chúc sặc mùi hận thù vào những dịp lễ lớn của Kitô giáo cũng đủ để thấy tư cách của ông. Vậy mà năm 2016, người Mỹ đã bầu ông vào vị thế lãnh đạo quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới cũng như lãnh đạo thế giới tự do. Chính lá phiếu của đa số tín hữu Tin Lành da trắng là yếu tố then chốt đã đưa ông lên cầm quyền. Ngày nay, mặc dù biết rõ, như trường hợp cựu Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr, Donald Trump không có đủ tư cách để làm tổng thống, nhóm tín đồ Tin Lành da trắng này vẫn không tỏ ra suy suyển trong sự ủng hộ dành cho ông. Một thái độ như thế, nếu không gọi là mê muội, thì phải dùng tĩnh từ nào cho xác đáng hơn ?

v

Chính lá phiếu của đa số tín hữu Tin Lành da trắng là yếu tố then chốt đã đưa Donald Trump lên cầm quyền năm 2016.

Mỗi khi suy nghĩ về những chế độ chuyên chế hay độc tài hiện hành hoặc có khuynh hướng trở thành độc tài, tôi vẫn cứ phải nhớ mãi lời của cụ Tản Đà : "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó dễ làm quan". Không biết có liên tưởng đến lời cụ Tản Đà không, một người bạn thời tỵ nạn của tôi và nay đang là một luật sư, vốn là một người ủng hộ ông Trump hết mình, đã nói như tát vào mặt tôi : "Bộ ông tưởng người Mỹ chúng tôi ngu cả sao ?".

Gần đây, ở Úc Đại Lợi này, khi bàn về tình hình chính trị ở Mỹ, một người bạn trẻ, cũng đã nêu lên thắc mắc : "Có rất nhiều người Mỹ đang ủng hộ ông Trump, chẳng lẽ họ ngu cả sao !".

Mỗi lần có ai đó biện luận như thế, tôi thường nghĩ đến hiện tượng Đức Quốc Xã của Adolf Hitler. Người dân Đức có ngu và mê muội không khi họ đưa Hitler lên cầm quyền để cai trị với bàn tay sắt và sát hại 6 triệu người Do Thái cũng như gây ra đau thương tang tóc cho cả thế giới ?

Ngày 30 tháng Tư hằng năm, tôi cũng có một suy nghĩ tương tự. Đất nước có lâm vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn và ngày nay đang bị cai trị bởi một lũ tham tàn độc ác, cũng bởi một nửa nước, trong đó cả một lớp trí thức khoa bảng, đã mê muội chạy theo những lời dụ dỗ của một tên điếm đàng. Một mình Hitler, một mình Hồ Chí Minh hay một mình bất cứ một nhà độc tài nào trên thế giới này... cũng không có đủ ba đầu sáu tay để gây ra tội ác, nếu không có một đám đông ngu muội tiếp tay.

vethuxeplai5

Sống theo cái cốt lõi của tôn giáo là tình yêu thương, sự khoan nhượng, tính cảm thông và sự tha thứ.

Trong tiến trình "về thu xếp lại" về niềm tin tôn giáo của tôi, tôi luôn cố gắng gạt bỏ hết lớp phấn phù phiếm dễ làm cho lòng người ra cực đoan và mê muội để chỉ chú tâm sống theo cái cốt lõi của tôn giáo là tình yêu thương, sự khoan nhượng, tính cảm thông và sự tha thứ. Tựu trung cái cốt lõi ấy được gói ghém trong hai chữ "Tử tế". Tôi nghĩ có lẽ đã cắt xén và chắt lọc giáo huấn của Phật Giáo cho đến cùng cho nên trong một cuộc phỏng vấn dành cho một nhà thần học người Ba Tây cách đây khá lâu, khi được hỏi : "Theo ngài, tôn giáo nào là tôn giáo tốt nhứt ?", nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng đã trả lời : "Tôn giáo nào giúp bạn trở thành tử tế đó là tôn giáo tốt nhứt". Nữ minh tinh Kiều Chinh có ghi lại trong cuốn Hồi ký của bà rằng trong lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ dạo tháng Tư năm 2014, nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói với bà : "I am just a simple monk. My religion is very simple, it is kindness" (tôi chỉ là một tu sĩ. Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó là sự tử tế) (2). Lời dạy thật đơn sơ, nhưng hẳn phải chất chứa một lẽ khôn ngoan thâm sâu. Khi con người cố gắng sống tử tế với mọi người, họ mới thật sự "sống đạo" và thoát ra khỏi sự ngu muội và u mê của mình.

Chu Văn

(01/05/2024)

Chú thích :

1. Chu Mộng Long, Tà giáo lộng hành, Thoibao.de, 26/04/2024

2. Kiều Chinh, Nghệ sĩ lưu vong, Hồi ký, Văn học Press 2021, trg 406

Published in Văn hóa

Học tập và làm theo tấm gương Ba Dũng, một tờ báo quốc doanh muốn "làm loạn" ?

Mai Hạnh, Thoibao.de, 26/12/2022

10 năm làm Thủ tướng, với 2 nhiệm kỳ, năm 2016 ông Nguyễn Tấn Dũng về vườn sau khi cuộc đấu đá tại Đại hội 12 ngã ngũ. Ông Nguyễn Phú Trọng già hơn lại tiếp tục nắm quyền, còn ông Nguyễn Tấn Dũng trẻ hơn phải ngậm ngùi lui về nhà "đuổi gà cho vợ".

tute1

Lời Ba Dũng trước khi về vườn

Trước khi mãn nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nói một câu làm dậy sóng cộng đồng mạng, đó là "Về nghỉ rồi, ráng làm người tử tế". Các tờ báo quốc doanh, khi giật tít, đã đưa câu "làm người tử tế" vào trong ngoặc kép, hàm ý nói rằng, đó là chuyện khó tin đối với ông cựu Thủ tướng. Bởi không ai xa lạ gì sản phẩm mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại. Đó là những "quả đấm thép" đã đấm cho tan nát nền kinh tế. Đó là 12 đại dự án thua lỗ khủng và được tái cơ cấu, để nó sống tiếp và tiếp tục tàn phá nền kinh tế .

Hồi đó, không ai tin ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thật sự "làm người tử tế". Tuy nhiên, đã là 6 năm trôi qua, ông Nguyễn Tấn Dũng không gây thêm tai tiếng gì. Chỉ duy nhất một vụ, đó là vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo – kiện ông Nguyễn Tấn Dũng đòi bồi thường 2,5 tỷ đô la. Tuy nhiên, bà Yến kiện về việc làm của ông Dũng thời ông còn làm Thủ tướng. Có lẽ, cũng bởi vì đã hết quyền lực, mà ông Nguyễn Tấn Dũng không làm ra điều gì tệ hại nữa. Cho đến nay, khi nhắc tới ông Nguyễn Tấn Dũng, người ta lại nhớ đến câu nói "về làm người tử tế" của ông.

Thực chất, khi con người trở thành một nhân tố trong bộ máy nhà nước cộng sản thì không có cơ hội để "làm người tử tế". Bởi lương Chủ tịch nước chỉ có 18 triệu đồng/tháng thì tử tế thế nào được ? Là một thành viên trong bộ máy cầm quyền cộng sản, chỉ có thể giảm sự bất lương xuống mức tối thiểu đã là tốt lắm rồi, chứ làm sao mà "tử tế" cho được ? Đó chỉ là một căn cứ để nhận ra, bộ máy nhà nước cộng sản không thể có người tử tế. Ngoài ra còn rất nhiều căn cứ khác mà không thể nào liệt kê hết trong khuôn khổ một bài báo ngắn được.

tute2

Vừa muốn làm báo tử tế nhưng vừa vâng lệnh Ban Tuyên giáo và Bộ 4T, là điều bất khả thi

Ngày 19/12 vừa qua, báo VietNamNet tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 và trao giải "Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng" năm 2022, nhân dịp báo VietNamNet tròn 25 tuổi. Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Bá – Tổng Biên tập khẳng định : "VietNamNet sẽ làm báo tử tế".

Thực ra, làm báo tử tế không dễ, mà đặc biệt còn làm dưới sự điều khiển của Ban Tuyên giáo Trung ương, là điều không dễ dàng gì, nếu không nói là "nhiệm vụ bất khả thi". Ở các nước dân chủ, báo chí là lực lượng quyền lực thứ tư, cân bằng với 3 quyền độc lập trong bộ máy nhà nước, đó là quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Cho nên, ở các nước dân chủ mới có được những tờ báo tử tế. Còn báo chí Việt Nam thì không thể.

Khi báo chí trở thành công cụ cho bộ máy cầm quyền, thì nó làm gì có quyền được nói sự thật trong các vấn đề chính trị của đất nước mà tử tế cho được ? Vietnamnet hay bất kỳ tờ báo chính thống nào ở Việt Nam cũng đều phải vâng lệnh bề trên là Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Chẳng hạn, trong vụ án Đồng Tâm, khi Bộ Công an nửa đêm tấn công vào thôn Hoành, giết chết cụ Kình vào ngày 9/1/2020, thì không một tờ báo trong nước nào đưa thông tin đúng sự thật. Sự thật chỉ được phơi bày trên mạng xã hội facebook và các tờ báo tự do có trụ sở ở nước ngoài.

tute3

Năm 2016, tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) liệt ông Nguyễn Phú Trọng vào danh sách "kẻ thù của báo chí"

Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể về "làm người tử tế" sau khi không còn là thành viên trong bộ máy của chính quyền cộng sản. Còn tờ Vietnamnet, liệu họ có dám tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông để làm nên một tờ báo tự do đúng nghĩa được hay không ?

Việc tìm kiếm một tờ báo tử tế dưới chế độ cộng sản là điều không thể, chỉ có thể tìm thấy một tờ báo ít bất lương nhất, cũng đã là tốt lắm rồi.

Mai Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022

***************************

Có thể ‘làm báo tử tế’ dưới chế độ độc đảng hay không ?

RFA, 23/12/2022

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của báo VietNamNet, Tổng Biên tập tờ báo này là ông Nguyễn Văn Bá cam kết "VietNamNet sẽ làm báo tử tế bằng cách không chạy theo thị hiếu, tập trung vào các nội dung thiết thực như báo chí toàn dân, báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, tạo niềm tin xã hội.

tute4

Mặt sau màn hình máy tính của một nhà báo Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội vào ngày 26/01/2021. AFP

Ông Nguyễn Văn Bá mới đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Báo VietNamNet từ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Trước đó, ông Bá giữ vị trí Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Báo VietNamNet là tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng ; chính sách pháp luật của Nhà nước ; thông tin về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tình hình đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong và ngoài nước.

Phát ngôn của vị tân tổng biên tập được dư luận trong nước quan tâm, bởi nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự thật, tôn trọng sự thật khách quan. Nếu đã là nguyên tắc thì tại sao còn phải đặt quyết tâm ?

Liệu đây có là chỉ dấu cho một nền báo chí tự do, tôn trọng sự thật hay không ? Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông :

"Chưa chắc đâu vì VietNamNet là một cơ quan báo điện tử nằm dưới sự lãnh đạo của Ban tuyên giáo, của Bộ chính trị, của trung ương, cho nên cá nhân ông này có thể là xao động trước những tiến bộ của mạng xã hội nên nói thế.

Bây giờ các tờ báo, các trang web của truyền thông chính thống nhà nước mất uy tín, cho nên ổng nói như thế mang tính chất mị dân, mang tính chất vớt vát thôi chứ không tin được đâu Họ nói như thế có nghĩa họ thừa nhận từ trước đến nay truyền thông trong nước bị khống chế, bị chỉ đạo, không được tự do báo chí.

Mà không cẩn thận thì sau tuyên bố như thế ông này có khả năng bị hạ tầng công tác, bị thuyên chuyển công tác vì họ phát hiện ông tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây là điều mà Đảng và Nhà nước chống rất mạnh".

Luật Báo chí Việt Nam hiện hành cũng quy định báo chí không được đưa tin sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả báo chí Việt Nam hiện nay đều nằm dưới sự chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Một số nhà báo cho rằng, với sự quản lý như thế thì chuyện làm báo tử tế chỉ là nói cho vui mà thôi. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Séc nói với RFA sáng 22 tháng 12 :

"Không bao giờ có được. Làm sao có thể làm báo tử tế và trung thực trong một thể chế mà báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng ?

Báo chí sẽ có tự do thì mới làm báo tử tế được. Phải thay đổi thể chế để có tự do báo chí. Không thể làm báo tử tế trong một thể chế độc tài với sự kiểm duyệt của ban tuyên giáo và bao nhiêu cơ quan khác như ban văn hóa, ban an ninh… Cái đấy rất khó.

Tôi không lạc quan nhưng tôi thấy đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những người làm báo ở Việt Nam họ sẽ có cách khôn ngoan để họ tồn tại. Chẳng hạn như họ đưa một cái tin lên rồi sau đó bị gỡ xuống. Chuyện đó xảy ra rất nhiều rồi. Tôi hết sức thông cảm cho những người làm báo trong nước. Như thế là họ dũng cảm lắm rồi".

Chuyện báo chí đưa tin lên rồi gỡ xuống, thậm chí xử phạt một số tờ báo từng xảy ra từ nhiều năm qua.

Tháng 7 năm 2021, Báo Dân trí bị xử phạt hành chánh với lý do đưa tin sai sự thật trong bài "Nam sinh 22 tuổi tử vong khi mắc Covid-19" trước đó. Theo cơ quan xử phạt là Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thông tin sai gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước.

Trước đó hai năm, một số cơ quan báo chí gồm các báo điện tử Dân Việt, Tổ Quốc, VnExpress, Báo Thanh Niên, Tạp chí Ngày Nay và tạp chí điện tử Ngày nay bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, mục đích ghi trong giấy phép.

Cụ thể, Báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong bài viết "Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư Thành phố Hồ Chí Minh". Vi phạm này được xác định "do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản tin chờ".

Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và báo Thanh Niên bị xử phạt 45 triệu đồng do đưa "thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5/2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP Hải Phòng".

Với những chuyện xảy ra như thế, Nhà báo Võ Văn Tạo không tin Việt Nam sẽ có báo chí tử tế theo đúng nghĩa của nó. Ông nói :

"Có hai cái người ta có thể luận ra được qua câu nói của tân tổng biên tập Nguyễn Văn Bá. Thứ nhất là ông ấy chỉ nói để đánh lừa dư luận thôi. Thứ hai là ổng thật lòng muốn như thế, bởi vì ngành báo chí của Việt Nam bây giờ sa sút chất lượng nhiều quá về mặt đạo đức nhà báo. Ông ấy mới lên tổng biên tập ổng cũng quyết tâm làm một tờ báo cho nó đàng hoàng, nhưng tôi không đặt nhiều hy vọng ở chuyện tử tế ở báo chí Việt Nam. Bởi vì cái này là cả một hệ thống nó sai và họ sống bằng dối trá, bằng tuyên truyền. Những người hiểu về báo chí đều biết rằng Việt Nam không có hệ thống báo chí theo đúng nghĩa của nó. Báo chí là hệ thống tuyên truyền.

Cái chữ ‘tử tế’ ở đây người ta không dùng cho chuyện báo chỉ trung thành với đảng, phải chấp hành những yêu cầu của đảng. Báo chí ‘tử tế’ phải là một tờ báo đàng hoàng, không lem nhem".

Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam bị xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.

Nguồn : RFA, 23/12/2022

Published in Việt Nam