Học tập và làm theo tấm gương Ba Dũng, một tờ báo quốc doanh muốn "làm loạn" ?
Mai Hạnh, Thoibao.de, 26/12/2022
10 năm làm Thủ tướng, với 2 nhiệm kỳ, năm 2016 ông Nguyễn Tấn Dũng về vườn sau khi cuộc đấu đá tại Đại hội 12 ngã ngũ. Ông Nguyễn Phú Trọng già hơn lại tiếp tục nắm quyền, còn ông Nguyễn Tấn Dũng trẻ hơn phải ngậm ngùi lui về nhà "đuổi gà cho vợ".
Lời Ba Dũng trước khi về vườn
Trước khi mãn nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nói một câu làm dậy sóng cộng đồng mạng, đó là "Về nghỉ rồi, ráng làm người tử tế". Các tờ báo quốc doanh, khi giật tít, đã đưa câu "làm người tử tế" vào trong ngoặc kép, hàm ý nói rằng, đó là chuyện khó tin đối với ông cựu Thủ tướng. Bởi không ai xa lạ gì sản phẩm mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại. Đó là những "quả đấm thép" đã đấm cho tan nát nền kinh tế. Đó là 12 đại dự án thua lỗ khủng và được tái cơ cấu, để nó sống tiếp và tiếp tục tàn phá nền kinh tế .
Hồi đó, không ai tin ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thật sự "làm người tử tế". Tuy nhiên, đã là 6 năm trôi qua, ông Nguyễn Tấn Dũng không gây thêm tai tiếng gì. Chỉ duy nhất một vụ, đó là vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo – kiện ông Nguyễn Tấn Dũng đòi bồi thường 2,5 tỷ đô la. Tuy nhiên, bà Yến kiện về việc làm của ông Dũng thời ông còn làm Thủ tướng. Có lẽ, cũng bởi vì đã hết quyền lực, mà ông Nguyễn Tấn Dũng không làm ra điều gì tệ hại nữa. Cho đến nay, khi nhắc tới ông Nguyễn Tấn Dũng, người ta lại nhớ đến câu nói "về làm người tử tế" của ông.
Thực chất, khi con người trở thành một nhân tố trong bộ máy nhà nước cộng sản thì không có cơ hội để "làm người tử tế". Bởi lương Chủ tịch nước chỉ có 18 triệu đồng/tháng thì tử tế thế nào được ? Là một thành viên trong bộ máy cầm quyền cộng sản, chỉ có thể giảm sự bất lương xuống mức tối thiểu đã là tốt lắm rồi, chứ làm sao mà "tử tế" cho được ? Đó chỉ là một căn cứ để nhận ra, bộ máy nhà nước cộng sản không thể có người tử tế. Ngoài ra còn rất nhiều căn cứ khác mà không thể nào liệt kê hết trong khuôn khổ một bài báo ngắn được.
Vừa muốn làm báo tử tế nhưng vừa vâng lệnh Ban Tuyên giáo và Bộ 4T, là điều bất khả thi
Ngày 19/12 vừa qua, báo VietNamNet tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 và trao giải "Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng" năm 2022, nhân dịp báo VietNamNet tròn 25 tuổi. Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Bá – Tổng Biên tập khẳng định : "VietNamNet sẽ làm báo tử tế".
Thực ra, làm báo tử tế không dễ, mà đặc biệt còn làm dưới sự điều khiển của Ban Tuyên giáo Trung ương, là điều không dễ dàng gì, nếu không nói là "nhiệm vụ bất khả thi". Ở các nước dân chủ, báo chí là lực lượng quyền lực thứ tư, cân bằng với 3 quyền độc lập trong bộ máy nhà nước, đó là quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Cho nên, ở các nước dân chủ mới có được những tờ báo tử tế. Còn báo chí Việt Nam thì không thể.
Khi báo chí trở thành công cụ cho bộ máy cầm quyền, thì nó làm gì có quyền được nói sự thật trong các vấn đề chính trị của đất nước mà tử tế cho được ? Vietnamnet hay bất kỳ tờ báo chính thống nào ở Việt Nam cũng đều phải vâng lệnh bề trên là Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Chẳng hạn, trong vụ án Đồng Tâm, khi Bộ Công an nửa đêm tấn công vào thôn Hoành, giết chết cụ Kình vào ngày 9/1/2020, thì không một tờ báo trong nước nào đưa thông tin đúng sự thật. Sự thật chỉ được phơi bày trên mạng xã hội facebook và các tờ báo tự do có trụ sở ở nước ngoài.
Năm 2016, tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) liệt ông Nguyễn Phú Trọng vào danh sách "kẻ thù của báo chí"
Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể về "làm người tử tế" sau khi không còn là thành viên trong bộ máy của chính quyền cộng sản. Còn tờ Vietnamnet, liệu họ có dám tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông để làm nên một tờ báo tự do đúng nghĩa được hay không ?
Việc tìm kiếm một tờ báo tử tế dưới chế độ cộng sản là điều không thể, chỉ có thể tìm thấy một tờ báo ít bất lương nhất, cũng đã là tốt lắm rồi.
Mai Hạnh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022
***************************
Có thể ‘làm báo tử tế’ dưới chế độ độc đảng hay không ?
RFA, 23/12/2022
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của báo VietNamNet, Tổng Biên tập tờ báo này là ông Nguyễn Văn Bá cam kết "VietNamNet sẽ làm báo tử tế bằng cách không chạy theo thị hiếu, tập trung vào các nội dung thiết thực như báo chí toàn dân, báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, tạo niềm tin xã hội.
Mặt sau màn hình máy tính của một nhà báo Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội vào ngày 26/01/2021. AFP
Ông Nguyễn Văn Bá mới đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Báo VietNamNet từ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Trước đó, ông Bá giữ vị trí Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Báo VietNamNet là tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng ; chính sách pháp luật của Nhà nước ; thông tin về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tình hình đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong và ngoài nước.
Phát ngôn của vị tân tổng biên tập được dư luận trong nước quan tâm, bởi nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự thật, tôn trọng sự thật khách quan. Nếu đã là nguyên tắc thì tại sao còn phải đặt quyết tâm ?
Liệu đây có là chỉ dấu cho một nền báo chí tự do, tôn trọng sự thật hay không ? Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông :
"Chưa chắc đâu vì VietNamNet là một cơ quan báo điện tử nằm dưới sự lãnh đạo của Ban tuyên giáo, của Bộ chính trị, của trung ương, cho nên cá nhân ông này có thể là xao động trước những tiến bộ của mạng xã hội nên nói thế.
Bây giờ các tờ báo, các trang web của truyền thông chính thống nhà nước mất uy tín, cho nên ổng nói như thế mang tính chất mị dân, mang tính chất vớt vát thôi chứ không tin được đâu Họ nói như thế có nghĩa họ thừa nhận từ trước đến nay truyền thông trong nước bị khống chế, bị chỉ đạo, không được tự do báo chí.
Mà không cẩn thận thì sau tuyên bố như thế ông này có khả năng bị hạ tầng công tác, bị thuyên chuyển công tác vì họ phát hiện ông tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây là điều mà Đảng và Nhà nước chống rất mạnh".
Luật Báo chí Việt Nam hiện hành cũng quy định báo chí không được đưa tin sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả báo chí Việt Nam hiện nay đều nằm dưới sự chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một số nhà báo cho rằng, với sự quản lý như thế thì chuyện làm báo tử tế chỉ là nói cho vui mà thôi. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Séc nói với RFA sáng 22 tháng 12 :
"Không bao giờ có được. Làm sao có thể làm báo tử tế và trung thực trong một thể chế mà báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng ?
Báo chí sẽ có tự do thì mới làm báo tử tế được. Phải thay đổi thể chế để có tự do báo chí. Không thể làm báo tử tế trong một thể chế độc tài với sự kiểm duyệt của ban tuyên giáo và bao nhiêu cơ quan khác như ban văn hóa, ban an ninh… Cái đấy rất khó.
Tôi không lạc quan nhưng tôi thấy đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những người làm báo ở Việt Nam họ sẽ có cách khôn ngoan để họ tồn tại. Chẳng hạn như họ đưa một cái tin lên rồi sau đó bị gỡ xuống. Chuyện đó xảy ra rất nhiều rồi. Tôi hết sức thông cảm cho những người làm báo trong nước. Như thế là họ dũng cảm lắm rồi".
Chuyện báo chí đưa tin lên rồi gỡ xuống, thậm chí xử phạt một số tờ báo từng xảy ra từ nhiều năm qua.
Tháng 7 năm 2021, Báo Dân trí bị xử phạt hành chánh với lý do đưa tin sai sự thật trong bài "Nam sinh 22 tuổi tử vong khi mắc Covid-19" trước đó. Theo cơ quan xử phạt là Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thông tin sai gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước.
Trước đó hai năm, một số cơ quan báo chí gồm các báo điện tử Dân Việt, Tổ Quốc, VnExpress, Báo Thanh Niên, Tạp chí Ngày Nay và tạp chí điện tử Ngày nay bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, mục đích ghi trong giấy phép.
Cụ thể, Báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong bài viết "Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư Thành phố Hồ Chí Minh". Vi phạm này được xác định "do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý tin bài đã xuất bản tin chờ".
Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".
Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và báo Thanh Niên bị xử phạt 45 triệu đồng do đưa "thông tin sai sự thật trong loạt bài viết đăng tháng 5/2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại TP Hải Phòng".
Với những chuyện xảy ra như thế, Nhà báo Võ Văn Tạo không tin Việt Nam sẽ có báo chí tử tế theo đúng nghĩa của nó. Ông nói :
"Có hai cái người ta có thể luận ra được qua câu nói của tân tổng biên tập Nguyễn Văn Bá. Thứ nhất là ông ấy chỉ nói để đánh lừa dư luận thôi. Thứ hai là ổng thật lòng muốn như thế, bởi vì ngành báo chí của Việt Nam bây giờ sa sút chất lượng nhiều quá về mặt đạo đức nhà báo. Ông ấy mới lên tổng biên tập ổng cũng quyết tâm làm một tờ báo cho nó đàng hoàng, nhưng tôi không đặt nhiều hy vọng ở chuyện tử tế ở báo chí Việt Nam. Bởi vì cái này là cả một hệ thống nó sai và họ sống bằng dối trá, bằng tuyên truyền. Những người hiểu về báo chí đều biết rằng Việt Nam không có hệ thống báo chí theo đúng nghĩa của nó. Báo chí là hệ thống tuyên truyền.
Cái chữ ‘tử tế’ ở đây người ta không dùng cho chuyện báo chỉ trung thành với đảng, phải chấp hành những yêu cầu của đảng. Báo chí ‘tử tế’ phải là một tờ báo đàng hoàng, không lem nhem".
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam bị xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.
Nguồn : RFA, 23/12/2022