Tổ tiên người Việt xưa sống theo nông nghiệp, nên phải theo dõi thời tiết để gieo trồng cho kết quả, cha ông chúng ta không dừng lại đó mà còn tìm mọi cách sống theo nhịp điệp huyền vi của vũ trụ, vì thâm cảm rằng "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong".
Chợ Tết Trung Thu Hà Nội 2019. Hình minh họa.
Thời gian ăn tết trải dài theo các mùa trong năm, chủ yếu vào hai mùa xuân và thu. Mùa đông, đêm dài hơn ngày, nghiêng nặng về đất, mùa hạ ngày dài hơn đêm, nghiêng nặng về trời. Con cháu Viêm Việt ăn tết vào mùa xuân và mùa thu, vì thời gian ngày và đêm hai mùa này ngang bằng nhau, thuộc về trục nhân của con người, tức là đối tượng phụng sự chủ yếu trong Nho, nguyên nghĩa Nho là nhu thuận, nho nhã, mà Nho cũng có nghĩa là nhu yếu, thứ đường hướng giáo dục con người đáp ứng được các nhu yếu thâm sâu của con người.
Vào mùa xuân và mùa thu, công việc gieo trồng đã thu hoạch xong, là lý do thực tiễn. Đây là thời gian tốt nhất để nghỉ xả hơi, ăn ngon mặc đẹp. Nhất là phải làm mới lại tất cả, làm mới lại mối giao hòa với trời đất, tổ tiên và lân nhân. Vì vậy đáp ứng được cả con người vật chất cần miếng ăn và con người tâm linh cần đời sống tinh thần vui vẻ.
Tết hay đi kèm với hội, hội là các cuộc vui tổ chức cho dân làng, liên làng hay hàng tổng. Mục đích là tập trung đông con người lại vui chơi với nhau, để làm phát triển tinh thần cộng đồng. Hội của người Tây Âu hay diễn ra vào mùa hè hoặc mùa đông, nơi thời tiết khắc nghiệt, còn hội của người viễn Đông, trong đó có người Việt, lại hay diễn ra vào mùa xuân và mùa thu, nơi thời tiết tương đối ấm áp và dễ chịu cho việc ra ngoài.
Trong những đợt này người ta khuyến khích nam nữ tự rèn luyện thể xác và tinh thần để trở thành những người trai hùng, gái đảm. Vào thời mà luân lý chưa khắt khe, có những hội cho nam nữ trao duyên, chẳng hạn như hội trống quân sau khi đối đáp thì đôi trai gái được hợp thân ngay trên bãi cỏ. Đến tận ngày nay, tại nhiều nơi vẫn còn các hội như thế này. Theo Việt tộc thì chuyện trai gái yêu đương là chuyện quan trọng hàng đầu trong những mối nhân luân-quân tử chi đạo tạo đoàn hồ phu phụ. Khi gặp nhau thì khởi đầu bằng lời hát giao duyên, hai bên đối đáp nhau bằng lời thơ câu hát. Sau khi hát xong thì ưng ý lội qua sông, tặng nhau bó hoa hay cành cây, rồi thì hợp thân trên thảm cỏ xanh, gọi là đạp thanh. Cả làng khuyến khích trai gái tự do tìm hiểu nhau, phát triển tính cộng đồng. Lúc này là mùa xuân, đến mùa thu mà người con gái có mang thì hai bên cưới nhau, kết nghĩa vợ chồng. Ý nghĩa hai mùa xuân thu sâu đậm như vậy. Thời hiện đại, khi luân lý thay đổi, ước muốn ấy vẫn còn dó nhưng t ạm chưa có hình thức thay thế ứng hợp với luân lý đời mới. Tính phồn thực của các hội vơi đi, chờ dịp sinh sôi trở lại.
Hội có thể được bảo lưu, còn lễ thì dần dần vắng bóng. Lễ là cung và kính. Lễ là bản chất sự sống của Việt tộc, gồm hai lối xuất nhập, xuất thì kính (trọng người khác), nhập thì cung (trọng chính mình). Cung là trọng mình và kính trọng người. Trọng tha nhân nên thăm viếng, quà cáp, chúc mừng, để hiện thực được những điều tốt đẹp học được nơi lân nhân. Dịp lễ là dịp để tâm hồn vươn lên bắt gặp những tâm hồn cao thượng. Có hai lễ rất quan trọng đã thất truyền là lễ gia quan và lễ cài trâm. Lễ gia quan dùng cho con trai lúc trưởng thành, đánh dấu cậu trai trở thành đại nhân chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình. Lễ cài trâm đánh dấu lúc cô thiếu nữ trở thành người đoan chính, học được hết các phép tắc từ người mẹ. Gốc có vững mạnh thì ngọn mới xum xuê, cậu nam cô nữ ra đường đời mới vững vàng. Nhưng các lễ đã thất truyền, gọi là thất truyền vì đến nay chẳng có nơi nào còn giữ lễ gia quan và lễ cài trâm, họa may có nhà nào giữ cũng chưa chắc hiểu được đúng tinh thần của nó. Muốn phục hồi được hai lễ ấy, nhất thiết phải có được sự hướng dẫn của các vị bô lão hiền triết đang lẩn khuất trong dân. Lễ gia quan và lễ cài trâm cũng được tổ chức vào mùa xuân.
Những lễ hội tôn vinh con người nhân chủ của Việt tộc, những nẻo đường hướng nội đi vào Tâm linh, dẫn con người vào đường đại đạo, để xây dựng con người đại ngã, con người văn hiến. Người ta làm đẹp lại các mối nhân luân với cha mẹ, anh em, bạn bè, họ hàng, làng xóm. Qua một năm, con dân Việt đã sống theo tiết nhịp của vũ trụ, qua sự giao hội của Không gian và Thời gian, nhờ đó mà sự sống được viên mãn, hay cách khác là mẹ tròn con vuông (mẹ biểu thị thời gian, tròn, con biểu thị không gian, vuông). Nét lương hợp xuyên suốt bên trong như vậy nên gọi người Việt là người lưỡng thê, hay người Giao Chỉ (chỉ đất giao nhau với chỉ trời).
Nhìn ra xa xôi một chút và ôn cố tri tân, xây dựng xã hội nhân bản để phục vụ con người. đáp ứng được hai nhu yếu thâm sâu của con người, đó là quyền được ăn và quyền được nói. Người mạnh, người trung bình, người yếu, thậm chí có người tàn tật không làm được gì, tất cả đều được vui chung.
Tôn Phi
Nguồn : VOA, 12/01/2021
Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một chính phủ kiến tạo, gần dân vì dân, một chính phủ hành động, mà các tư lệnh ngành đến lời nói còn "ngủ đông" thì sự hành động hẳn còn phải… mơ về nơi xa lắm ?
Ông Mai Tiến Dũng (bìa trái) và Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc làm việc sáng 14/2
Sáu năm trước đây, vào tháng 8/.2011, khi mới nhậm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng khi đó đã có một phát ngôn ấn tượng : "Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi mới làm được chứ cứ chờ để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho bắn không thì lỡ cơ hội". Đó là một phát ngôn phản ánh tính cách cá nhân thẳng tuột của một quan chức phụ trách một ngành cực kỳ khó khăn, nhưng cũng nói lên yêu cầu về tính quyết đoán và trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng một ngành.
Khái niệm "tư lệnh ngành" từng được một quan chức cao cấp đưa ra, nay được nhấn mạnh hơn. Cái yêu cầu toàn quyền quyết định chiến đấu không chỉ của một ông Bộ trưởng Giao thông vận tải mà phải là của tất cả các bộ trưởng các ngành, trong đó có ngành Văn hóa, thể thao và du lịch.
Những ngày đầu xuân năm mới này có lẽ cũng là lúc mà ngành Văn hóa, thể thao và du lịch được chờ đợi nhiều nhất. Bởi tháng giêng cũng là tháng của các lễ hội, phản chiếu những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tập tục của các dân tộc. Mùa lễ hội năm nay, mặc dù ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đã có sự rút kinh nghiệm trong chỉ đạo về tổ chức và quản lý lễ hội, nhưng vẫn có những lễ hội không chỉ có tiếng khen, mà kèm đó không ít tiếng chê. Có điều, trong thời thế giới phẳng này, không hiểu sao tiếng lành thì đồn gần, mà tiếng dở lại đồn… rất xa.
Đó là sự khắc nghiệt của thời IT.
Và đó cũng là sự "chậm chân" với thời cuộc hiện đại của chính các lễ hội và của vị "tư lệnh ngành".
Bởi ở thời hiện đại, nhất là khi nước Việt hội nhập, tiếp cận văn minh nhân loại, thì không ít tập tục, lễ hội mang tính chất nguyên thủy, thậm chí là hủ tục, chắc chắn và cần thiết phải được điều chỉnh, để lễ hội vẫn giữ được sự linh thiêng mà lại nhân ái thái hòa, đem lại sự bình an cho con người và tâm lý đời sống.
Tiếc thay, một số lễ hội để lại tai tiếng không những đã "chậm chân" trong tiếp cận với văn minh hiện đại, mà còn biến tướng rất phản cảm, phản chiếu tâm lý trục lợi, thương mại hóa của các nhà tổ chức. Tâm lý đó lại gặp tâm lý cầu may của người tham dự, đã biến lễ hội, từ tập quán văn hóa đẹp thành hiện tượng phản văn hóa, lệch lạc đáng buồn và xấu hổ.
Tiếc thay nữa, "tư lệnh ngành" Văn hóa, thể thao và du lịch cũng lại "chậm chân" - im hơi lặng tiếng - trong khi lẽ ra phải "toàn quyền quyết định chiến đấu", xử lý và chỉ đạo những hiện tượng phản cảm, thậm chí tàn bạo của một số lễ hội bị dư luận xã hội lên án, phản đối. Dư âm của một số lễ hội tai tiếng đó do vậy thành công thì ít, thất bại luôn có phần.
Tại cuộc làm việc kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng tại Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sáng 14/2, khi nói về việc quản lý lễ hội của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã bộc bạch : "Sáng nay Thủ tướng gọi tôi nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng lên tiếng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng truyền đạt ý kiến yêu cầu giải trình 05 vấn đề, trong đó có nội dung liên quan đến lễ hội với những biến tướng diễn ra" (VietNamNet, 14/2).
Dư luận xã hội hẳn chưa quên vụ quán café Xin Chào ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, một vụ việc lẽ ra chỉ cần nhắc nhở và xử phạt hành chính, đã suýt biến thành một vụ án hình sự kinh tế nếu không có sự can thiệp rốt ráo, kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bởi vụ việc này nếu không xử lý đúng, sẽ ảnh hưởng tai hại vô cùng tới việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân - một chủ trương quan trọng vừa được triển khai quyết liệt lúc bấy giờ.
Việc can thiệp kịp thời của người đứng đầu Chính phủ là đúng đắn. Nhưng cũng đồng thời cho thấy sự "chậm chân", sự trì trệ trong phản xạ quản lý của những "tư lệnh" lớn, nhỏ, vừa vừa…, tùy sự phân công, phân cấp quản lý trách nhiệm theo quy định nhà nước.
Hơn nữa, nếu việc nào người đứng đầu Chính phủ cũng phải lên tiếng, can thiệp rốt ráo, thì rốt cuộc, các "tư lệnh" ngành sinh ra để làm gì ? Chả lẽ khi có vụ việc xảy ra thuộc ngành mình, lại để Thủ tướng lên tiếng.
Mà phong cách các tư lệnh kiểu đó rất cũ. Cũ như cách đây hai năm, ông Phạm Viết Muôn (Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ lúc đó) cho biết, tình trạng các địa phương, bộ, ngành "đùn" việc lên Thủ tướng diễn ra hằng ngày, kể cả những vụ việc chỉ thuộc cấp quận - huyện, hoàn toàn nằm trong tầm tay xử lý của các cấp. Có những việc nghe đã thấy ngỡ ngàng, tỉ như tỉnh Quảng Nam xin ý kiến về nợ tiền thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu ; vụ lấp sông ở Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội, hay điểm nuôi dạy trẻ nhà Hạnh Phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh (Người Lao động, 23/7/2015).
Nhiều. Nhiều lắm. Chả lẽ những việc cụ thể đó vượt quá năng lực của các cấp có trách nhiệm ?
Bản chất của các hiện tượng "đùn đẩy" lên Thủ tướng giải quyết, mặc dù lẽ ra nó thuộc thẩm quyền của cơ sở, là gì nếu không phải rơi vào bốn tiêu chí sau ? Hoặc năng lực nhận thức và xử lý công việc hạn chế, yếu kém. Hoặc không nắm được thẩm quyền. Hoặc không muốn mất lòng cơ sở, để còn "bảo toàn" phiếu bầu. Hoặc là né tránh trách nhiệm. Trong bốn tiêu chí đó, người viết cho rằng, sự né tránh trách nhiệm có lẽ là bản chất nhất. Bởi đã ở cương vị quản lý, lãnh đạo nhất định, họ đều phải trải qua những năm tháng đào tạo có kiến thức từ chuyên môn đến chính trị, đến quản lý hành chính, v.v... và v.v...
Sự né tránh trách nhiệm thật ra cũng không phải là hiếm ở các cấp quản lý cơ sở, ở các ngành, các lĩnh vực. Nhưng sự né tránh trách nhiệm ở cấp quản lý vĩ mô khi cần "toàn quyền quyết định chiến đấu" sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống. Địa phương làm sai vẫn ung dung tin mình làm đúng. Kẻ cơ hội, trục lợi ung dung làm điều xằng bậy. Sự rối loạn các giá trị cũng vì thế dễ xảy ra, bởi trắng đen lẫn lộn.
Sự né tránh trách nhiệm có khi thể hiện ở sự "đùn đẩy", mà cũng có khi thể hiện ở sự "chậm chân", "ngại lên tiếng".
Nhưng cứ tư lệnh nào cũng "né tránh", "đùn đẩy", "ngại lên tiếng" thì cơ sở sẽ ra sao ?
Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một Chính phủ kiến tạo, gần dân vì dân, một chính phủ hành động, mà các tư lệnh đến lời nói còn "ngủ đông" thì sự hành động hẳn… mơ về nơi xa lắm ?
Kỳ Duyên
Nguồn : Một Thế Giới, 18/02/2017