Người mẫu Xuân Lan nói đang mong rằng sẽ có kỳ tích đến với bộ phim đầu tay của cô, và chồng cũng chính là đạo diễn đầu tay ở phim này.
Rạp chiếu phim ế khách - Ảnh minh họa
Tài khoản facebook tích xanh chính chủ Nguyễn Xuân Lan, tự lý giải sở dĩ phim đầu tay của cô và chồng là Nguyễn Ngọc Lâm bị ế khách vì không có nhiều tiền bỏ ra để lăng xê, quảng cáo :
"…Vì thấy phim mình được đánh giá cao mà lại chưa bán vé được như kỳ vọng. Trong tuần đầu khán giả chậm ra rạp để xem thì các rạp đã đánh giá phim em không tạo được hiệu ứng phòng vé, và suất chiếu đã ngày càng ít đi. Và cơ hội hoàn vốn đã trở nên khó khăn hơn.
Vì em là tân binh, tụi em làm phim là dùng hết tâm huyết công sức để làm chứ không có nhiều tiền để phủ sóng truyền thông ồ ạt như mơ ước…"
Thực tế thì không đúng như than vãn của Xuân Lan. phòng vé Việt từ đầu năm tới nay lại chứng kiến nhiều cú ngã chưa từng thấy. Phim Trà của Lê Hoàng ra rạp từ mùng 1 Tết Nguyên đán nhanh chóng rời rạp vì chỉ thu 1,6 tỷ đồng và chưa hẹn ngày trở lại vì bán vé lẹt đẹt, không thể cạnh tranh.
Tương tự là với Sáng đèn, bộ phim rời rạp nhanh chóng trong dịp Tết và quyết định trở lại rạp chiếu sau đó nhưng chỉ thu về 3,4 tỷ. Kế đến là cú ngã ngựa của Quý cô thừa kế 2 với 6,4 tỷ dù nhà sản xuất miệt mài quảng bá phim bằng những cảnh nóng.
Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất phòng vé tính đến thời điểm này là Đóa hoa mong manh khi phim ra rạp từ 12-4 nhưng chỉ thu về 400 triệu dù được lăng xê rầm rộ, với thông tin được quay hoàn toàn tại Mỹ…
Kịch bản bộ phim điện ảnh đầu tay này của cặp Xuân Lan – Nguyễn Ngọc Lâm có thể tóm tắt như sau : Câu chuyện xoay quanh tổ ấm của vợ chồng doanh nhân Đinh Công Thoại (Thái Hòa) và Võ Thùy Dương (Xuân Lan). Bề ngoài, họ có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc, được nhiều người ngưỡng mộ. Bà Dương là phụ nữ kiểu mẫu khi hết lòng vì chồng con, thường được mời trò chuyện trong các talkshow về gia đình. Thoại là giám đốc điều hành một tập đoàn lớn với tương lai xán lạn, sắp thay bố vợ (Hữu Châu) làm chủ tịch. Họ có hai người con ở tuổi trưởng thành.
Phần mở đầu bộ phim, khi vợ chồng bà Dương, ông Thoại đồng ý cho con trai lấy vợ… Đêm tân hôn, mẹ chồng (bà Dương) bắt gặp cảnh chồng mình đang ân ái với chính cô con dâu của mình trên chiếc giường hạnh phúc.
Cảnh gần cuối bộ phim còn rùng rợn hơn nhiều. Cụ thể, để đi tìm "lý lịch" của ông chồng "nhà quê" của mình, bà Dương cất công về tận Bà Rịa – Vũng Tàu tìm đến ngôi trường nơi chồng bà đã từng theo học. Tại đây, thông qua thầy giáo cũ, bà Dương tìm đến nhà người đàn bà đơn thân – người được cho là mối tình đầu của chồng.
Cảnh phim chiếu cho khán giả xem là cô gái con bạn học của của chồng bà mà khán giả có thể ngầm hiểu là chính con gái của chồng với mối tình đầu thời trung học. Năm tháng qua mau, cô con gái của bà mẹ đơn thân-mối tình đầu ông Thoại (chồng bà Dương) trở thành hoa hậu. Sẵn có đồng tiền và ‘máu dê’ trong người, ông Thoại tìm đến tán tỉnh, cầu hôn và cả hai nên duyên vợ chồng.
Một ngày đẹp trời, cô gái đón mẹ lên thành phố để ra mắt chú rể, đồng thời chú rể cũng nhận được một món quà. Mở ra thì nhận được nào là lý lịch của cô gái (vợ mới ông Thoại) và những hình ảnh thời mối tình đầu của ông Thoại (mẹ cô hoa hậu – vợ ông Thoại) mang bầu, ảnh cô gái lúc bé… Xem xong những bức ảnh, ông Thoại mới nhận ra lỗi lầm (có thể ngầm hiểu chính bản thân ông nhận ra con gái của mình) nên gào lên, tự vả vào mặt, tự hành hạ … như phim kinh dị.
Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) thắc mắc sau khi ra rạp xem bộ phim đầu tay này : "Tôi ghê rợn và kinh tởm với thủ đoạn của bộ phim đan xen đặt câu hỏi là tại sao Thái Hoà, diễn viên gạo cội Hữu Châu lại nhận lời đóng bộ phim với nội dung ghê rợn, trái đạo đức đến như vậy ? Đặc biệt, qua báo chí người mẫu Xuân Lan nói rằng ban đầu mời Thái Hoà không nhận lời nhưng sau khi đọc kịch bản thì anh ấy đồng ý. Có thật sự như vậy không ? !
Đặc biệt, Cục điện ảnh lại cấp phép cho bộ phim với nội dung dùng các thủ đoạn hận thù, trả thù tin với thủ đoạn bỉ ổi, trái đạo đức thuần phong mỹ tục và tạo nên hệ luỵ ghê rợn cho giới trẻ ? !
Chắc chắn giữa cuộc đời này nhiều gia đình gặp bi kịch, ải nạn khủng khiếp nhưng để vượt qua và hướng đến hạnh phúc phải có trí, có tấm lòng bao dung chứ không phải tìm kiếm hạnh phúc bởi những suy nghĩ, hành động thù hận một cách trái luật, trái đạo đức… Phải hiểu điều đó may ra mới có được hạnh phúc đích thực !".
…Rất có thể sau vụ tự tạo ra ồn ào kiểu than thân – trách phận này, bộ phim được cho là sản phẩm đầu tay đó lại thu hút sự tò mò khiến khán giả bỏ tiền ra mua vé vào rạp, ít nhất cũng là dịp trốn cái nóng và… ‘rửa mắt’ ( ? !).
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 30/04/2024
Đại biểu quốc hội Nguyễn Xuân Phúc kiêm Chủ tịch nước Việt Nam hôm 23/10/2021 phát biểu tại phiên thảo luận tổ Đại biểu quốc hội cho rằng, những phim Việt được công chiếu gần đây không nhấn mạnh vai trò của các cơ quan hành pháp và tư pháp mà "chỉ toàn thấy cái ác".
Bộ phim Vị của Lê Bảo bị cấm phổ biến ở Việt Nam - TTXVN/RFA edited
"Vừa rồi nhiều bộ phim không tốt đã xuất hiện. Những bộ phim được công chiếu cho thấy vai trò của công an, quân đội, của tòa, viện mờ nhạt đi. Tuy kết thúc có hậu những mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái ác", mạng báo VTC trích lời ông Phúc phát biểu đồng thời yêu cầu cụ thể những hành vi nghiêm cấm, những vi phạm đạo đức xã hội, xu hướng xóa nhoà lịch sử, chuyển hóa tiêu cực.
Đại biểu quốc hội khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng đề nghị chính quyền nghiên cứu cách làm của Trung Quốc trong việc kiểm duyệt phim điện ảnh.
"Không phải học tập theo Trung Quốc nhưng chúng ta cũng phải nghiên cứu mặt tốt họ làm được. Gần đây có một số người nổi danh suốt ngày chửi người này người kia, nói năng thô tục bậy bạ, đó là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị" - ông Phúc cho hay nhưng không nêu ra ví dụ nào cụ thể.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, nhà nước cũng nên đặt hàng kinh phí và hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu, giới thiệu đất nước con người Việt Nam và điện ảnh có trách nhiệm quan trọng trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, Luật điện ảnh phải tạo thành chính sách tốt để thực hiện trách nhiệm này.
Chính quyền Việt Nam đang thảo luận các chính sách để xiết chặt quản lý nền điện ảnh nước nhà nhiều hơn nữa nối tiếp theo các màn "phong sát" của chính quyền Trung Quốc.
Phim Vị (Taste) dù đoạt Giải Đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Berlin hồi tháng 3/2021, nhưng công ty sản xuất bị phạt 35 triệu đồng và phải từ bỏ quyền sở hữu để phim "mang quốc tịch" Singapore.
Thậm chí, Cục Điện ảnh Việt Nam sau đó còn có công văn yêu cầu công ty sản xuất "dừng ngay việc phổ biến phim Vị tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) lần thứ 26", tuy nhiên liên hoan phim từ chối thực hiện theo yêu cầu này.
Làm phim về sex là táo bạo, mới mẻ, tiên phong ?
Nếu chỉ xem phim của Hollywood, Mỹ, chúng ta sẽ nghĩ là phim Mỹ nhiều cảnh sex, cảnh bạo lực. Nhưng thật ra mức độ táo bạo trong cả hai đề tài này của phim Mỹ chả ăn thua gì. Nếu đề cập đến sự độc ác, tàn bạo của con người thì thể loại phim trả thù (revenge movies) của Hàn Quốc hay Nhật Bản ám ảnh hơn nhiều với những cảnh tra tấn dã man, những cách trả thù khiến người kia đau khổ còn hơn cả cái chết. Còn nếu nói về cảnh "nóng", phim Châu Âu cởi mở hơn nhiều, chỉ cần so sánh những phim tham dự và đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế Cannes, Venice, Stockholm… với Oscar của Mỹ là thấy. Phim Pháp đã bạo, phim của các nước Bắc Âu còn thoáng hơn. Lars von Trier chỉ là một trong các ví dụ với những cảnh làm tình hoặc cưỡng hiếp trong các bộ phim "Breaking the Waves" (1996), "Dogville" (2003), đặc biệt là bộ phim về một nhân vật nữ mắc bệnh cuồng dâm "Nymphomaniac" (2013).
100 ngày bên em là một phim ngôn tình nhưng cũng có ý tứ, duyên dáng, văn minh và có công xóa đi mác "hotgirl đóng phim" cho gương mặt tiềm năng của thế hệ diễn viên mới trong thời điểm hiện tại - Ảnh minh họa n
Những năm sau này có một số người làm phim ở Việt Nam, nhất là những bạn trẻ có đi ra bên ngoài hoặc từng đi học ngắn hạn, dài hạn ở nước khác, thường nghĩ rằng làm phim về sex là táo bạo, mới mẻ, là có những suy nghĩ hiện đại, tiên phong… Xin thưa thật là cái gì về sex, người ta cũng làm hết cả rồi, từ đồng tính nam đồng tính nữ, BDSM (Bondage, punition, sadisme, masochisme), cuồng dâm…
Có những bộ phim về đồng tính nam rất thuyết phục, được đánh giá rất cao từ Á sang Âu, từ lãng mạn đến trần trụi, bạo liệt, như "Happy Together" (1997) của đạo diễn Hong Kong Wong Kar-wai, "Brokeback Mountain" (2005) của đạo diễn Đài Loan Ang Lee, "God's Own Country" (2017) của đạo diễn người Anh Francis Lee, "Call Me by Your Name" (2017) của đạo diễn Ý Luca Guadagnino…Đồng tính nữ như "Monster" (2003) của đạo diễn Mỹ Patty Jenkins, "The Kids Are All Right" (2010) của đạo diễn Mỹ Lisa Cholodenko, "Blue Is the Warmest Colour" (2013), của đạo diễn Pháp gốc Tusinia Abdellatif Kechiche,"Carol" (2015) của đạo diễn Mỹ Todd Haynes…
Phim về các dạng BDSM như "Belle de Jour" (1967) của đạo diễn Tây Ban Nha Luis Buñuel, "Quills" (2000) của đạo diễn Mỹ Philip Kaufman, "The Piano Teacher" (2001) của đạo diễn Áo Michael Haneke… Còn nếu nói về cuồng dâm thì như đã kể, chả có bộ phim nào có thể vượt qua mức độ táo bạo, rốt ráo, tới cùng của "Nymphomaniac" nữa.
Phim về những mối quan hệ có thể gọi là quan tâm đến nhau, giữa những cô gái trẻ và những người đàn ông lớn tuổi hơn như "Taxi Driver" (1976) của đạo diễn Mỹ Martin Scorsese, "Léon : The Professional" của đạo diễn Pháp Luc Besson… ; hoặc rõ ràng hơn, câu chuyện của một người đàn ông mắc chứng ấu dâm, bị ám ảnh bởi một cô bé 12 tuổi mà ông ta gọi là "Lolita" với 2 phiên bản khác nhau, sản xuất năm 1962 và năm 1997, dựa theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Vladimir Nabokov… Giữa các chàng trai trẻ và những người phụ nữ lớn tuổi hơn như "The Reader" (2008) của đạo diễn Anh Stephen Daldry, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đức Bernhard Schlink, "Notes on a Scandal" (2006) của đạo diễn Anh Richard Eyre nói về một mối quan hệ giữa cô giáo và học trò v.v…
Phim về các mối quan hệ loạn luân cũng không phải là cấm kỵ. Tóm lại, đề tài về sex đã được khai thác rất nhiều, mọi cung bậc khác nhau từ Tây sang Đông. Bởi sex là một trong những chủ đề lớn trong cuộc sống con người.
Phim của nước nào cũng vậy, nhất là phim của các nền điện ảnh nhỏ hoặc mới, nếu muốn tạo được sự mới lạ, thu hút sự chú ý của quốc tế, cần phải đáp ứng hai điều kiện sau: mới và độc đáo, riêng biệt. Mới, độc đáo ở đây là mới và độc đáo ở câu chuyện, cách khai thác đề tài, cách kể chuyện cho tới ngôn ngữ điện ảnh. Độc đáo, riêng biệt ở đây còn là phải đem đến một cái gì khác chỉ có ở nước mình, từ câu chuyện, số phận nhân vật cho đến bối cảnh xã hội, đặc thù văn hóa.
Từ phim Iran đến phim của các nước Bắc Âu
Phim Iran chẳng hạn, là một ví dụ rất hay cho những nhà làm phim Việt Nam. Từ khoảng vài thập niên gần đây, việc phim Iran thắng lớn tại các giải thưởng danh giá nhất của thế giới, từ Oscars, Cannes, Venice, Berlin, Montreal…không còn là chuyện đáng ngạc nhiên nữa. Những cái tên đạo diễn như Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf, Samira Makhmalbaf, Asghar Farhadi… được cả thế giới biết đến.
Là một quốc gia Hồi giáo, phim của các nhà làm phim Iran bị kiểm duyệt có khi còn gặt gao hơn Việt Nam nhiều. Tuyệt đối không có cảnh "nóng", ngay một cái hôn đúng nghĩa cũng hiếm, bạo lực không, không có những thứ chiêu trò để câu khách, nhiều bộ phim Iran đã tạo thành một dòng phim riêng, với cách làm phim kinh phí ít, bối cảnh đơn giản, câu chuyện đơn giản.
Bộ mặt của nền điện ảnh Iran thực sự thay đổi kể từ khi phong trào làn sóng mới ra đời (Iranian New Wave) vào những năm 60 của thế kỷ XX. Những nhà làm phim đã làm những bộ phim nghệ thuật sáng tạo với tông màu chính trị, triết học cao và ngôn ngữ thơ ca.
Cho đến nay điện ảnh Iran đã đi đến thế hệ thứ ba của phong trào Làn sóng mới và vẫn trung thành với việc mô tả hiện thực Iran, khá tương tự với chủ nghĩa Tân Hiện thực của Ý (Italian Neorealism), nhưng vẫn có ngôn ngữ riêng và những vấn đề riêng của xã hội Iran. Hãy nhìn 2 bộ phim của đạo diễn Iran Asghar Farhadi từng đoạt hai giải Oscars cho hạng mục Best Foreign Language Film "A Separation" (2012) và "The Salesman" (2016), là một trong số ít đạo diễn nước ngoài 2 lần đoạt giải này, chúng ta có thể thấy điều đó.
Những bộ phim của Asghar Farhadi là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Iran hiện đại, với những sự phức tạp không thể tránh khỏi, đặc biệt khi có sự tương tác chéo giữa các tầng lớp và giới tính khác nhau. Asghar Farhadi không đề cập đến những vấn đề chính trị lớn lao như tự do, dân chủ, nhân quyền, những ràng buộc của tôn giáo-những chủ đề mà dẫu sao cũng không thể vượt qua sự kiểm duyệt khắt khe của nhà nước Hồi giáo Iran. Các bộ phim của Farhadi là những bức chân dung đa dạng về mối quan hệ xuyên suốt giữa các tầng lớp, giới tính và các nhóm xã hội. Ông thể hiện nhân vật trong những mối quan hệ cá nhân, quan hệ xã hội, khi các nhân vật thường phải đứng trước những mâu thuẫn, những sự lựa chọn và họ cố gắng làm điều đúng nhất có thể.
Nhưng sự hấp dẫn của phim Asghar Farhadi là ông không lên lớp, không thuyết giảng, không cho người xem thấy ai đúng ai sai.
Hay bộ phim hoạt hình "Tehran Taboo" (2017) do Đức-Áo hợp tác sản xuất, của một đạo diễn trẻ người Đức gốc Iran Ali Soozandeh. Bộ phim thể hiện đời sống tình dục của những người trẻ ở Iran trong một xã hội bị dè nén bởi tôn giáo, thần quyền và độc tài, tạo thành những "tiêu chuẩn kép", những cuộc sống hai mặt. Vì chủ đề quá nhạy cảm, không thể quay ở Tehran, đạo diễn này đã phải sử dụng kỹ thuật rotoscoping, kết hợp hoạt hình với hành động trực tiếp, quay diễn viên thật trên nền hoạt họa hình ảnh thành phố Tehran. Và bộ phim đã thu hút người xem và những lời khen ngợi từ các nhà phê bình quốc tế, bởi họ đã nhìn thấy xã hội Iran dưới một chiều kích mới như thế nào.
Điện ảnh Bắc Âu, không thiếu tiền và vô cùng cởi mở, phóng khoáng trong kiểm duyệt thì lại có nỗi khổ khác, đó là xã hội Bắc Âu quá bình yên đến mức tưởng chừng như không có gì nhiều để kể. Mặc dầu những năm sau này các nước Bắc Âu có số lượng người nhập cư trong đó khá đông là từ các quốc gia Hồi giáo đến định cư và họ cũng phải đối diện với những vấn đề về người nhập cư, sự xung đột và làm cách nào để dung hòa giữa các nền văn hóa, tôn giáo quá khác biệt nhưng nhìn chung các nước này vẫn thiếu đề tài, cốt truyện. Nhưng không vì thế mà họ không thể làm phim hay.
Họ đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn nội tâm, bi kịch trong gia đình, sự cô đơn, trầm cảm, những mối quan hệ yêu-ghét trong gia đình, cái cách mà từ xưa đạo diễn người Thụy Điển Ingmar Bergman (1918-2007) từng khai thác rất giỏi ; và một số đạo diễn Bắc Âu rất sáng tạo từ cách khai thác đề tài rất riêng cho đến ngôn ngữ điện ảnh. Ví dụ như bộ phim "The Hunt" (2012), của đạo diễn Thomas Vinterberg kể về cuộc sống của một người thầy giáo trở thành bi kịch, thành mục tiêu của sự cuồng loạn của đám đông sau khi bị buộc tội sai trái rằng đã lạm dụng tình dục một đứa trẻ trong lớp mẫu giáo của mình. Hay những bộ phim của đạo diễn Lars Von Trier luôn luôn có những tìm tòi, sáng tạo về đề tài và ngôn ngữ điện ảnh.
Họ cũng có những thử nghiệm trong cách làm phim, ví dụ như phong trào Dogme 95 hình thành giai đoạn 1995-2005, của hai đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier và Thomas Vinterberg, với những nguyên tắc, quy định riêng, chẳng hạn kinh phí thấp, máy ảnh cầm tay handheld, không dàn dựng phức tạp, ánh sáng tự nhiên, loại trừ việc sử dụng các hiệu ứng hoặc công nghệ đặc biệt phức tạp…
Nhìn lại Việt Nam
So với các quốc gia Hồi giáo như Iran hay các quốc gia Bắc Âu, các nhà làm phim Việt Nam có những may mắn và những lợi thế tuyệt vời, đó là dù kiểm duyệt gắt gao nhưng không thể gắt như các nước Hồi giáo, xã hội có quá nhiều đề tài, cốt truyện, số phận… để khai thác, thậm chí các nhà viết kịch bản, các nhà làm phim không cần phải tưởng tượng làm gì, hiện thực Việt Nam phong phú, sống động hơn trí tưởng tượng của họ nhiều.
Việt Nam lại có một nền văn hóa lâu đời, nhiều màu sắc với hơn 54 dân tộc cùng sinh sống, hơn 8000 lễ hội hàng năm, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian phong phú, lịch sử nhiều biến động… Chỉ cần đi sâu khai thác những vấn đề, những số phận của Việt Nam, văn hóa Việt Nam với cách kể chuyện khác, là sẽ thu hút được người xem và thuyết phục được quốc tế. Tất nhiên, những người làm phim ở Việt Nam chả dám đụng vào những vấn đề chính trị, vốn là chủ đề cấm kỵ đối với nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng vẫn có thể khắc họa bức tranh xã hội Việt Nam một cách khéo léo.
Cũng đừng quên, các nước Âu-Mỹ tưởng là thoáng nhưng thật ra luật pháp của họ lại rất chặt chẽ, nhất là khi đụng đến trẻ em đóng những cảnh "nóng", cảnh bạo lực hay phim kinh dị chẳng hạn. Có những hệ lụy lâu dài về mặt tâm lý của trẻ khi đóng những cảnh này mà ở những quốc gia còn nghèo và vốn không thực sự tôn trọng quyền con người, quyền trẻ em như Việt Nam sẽ không lường hết được.
Song Chi
Nguồn : RFA, 31/05/2019 (songchi's blog)