Theo các cơ quan bảo tồn sinh vật biển, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều loài san hô đa dạng nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ sinh thái rất quan trọng này đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng, chất lượng, do tác động từ các hoạt động của con người (du lịch, ô nhiễm biển), cũng như do tác động của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đáng lo ngại hơn cả là hiện tượng tẩy trắng hàng loạt các rạn san hô.
San hô bị tẩy trắng do tác động của biến đổi khí hậu ở ngoài khơi bờ biển Texas, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 16/09/2023. AP - LM Otero
Vùng biển Việt Nam hiện đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Rạn san hô biển tập trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển Hòn Mun (Khánh Hòa). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục Biển đảo Việt Nam, hiện Việt Nam chỉ còn 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển đang trong tình trạng rất tốt ; 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt ; 41% các rạn san hô trung bình, còn lại 31% là các rạn san hô nghèo.
Ðiều đáng lo ngại đó là hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang hứng chịu tác động từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao bởi tình trạng khai thác mang tính hủy diệt. Đi cùng với sự suy thoái của san hô là sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển quý.
Lê Chiến, nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA, một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam chuyên giải cứu các sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại tại bờ biển miền trung Việt Nam, cho biết về hiện trạng của san hô Việt Nam, đặc biệt là hiện tượng tẩy trắng hàng loạt (mass bleaching) :
"Mass bleaching, tẩy trắng hàng loạt, có nghĩa là tẩy trắng trên một diện rất rộng trên một số loài, đặc biệt là loài tạo dạng quan trọng, những loài có mật độ rất lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rạn tại Việt Nam, cũng như tại Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Hiện tại rất nhiều nơi ở Việt Nam, san hô đã bị tẩy trắng hàng loạt. Đấy chính là nguy cơ lớn nhất, chứ còn bây giờ vấn đề phá hoại bởi du lịch không còn là trọng tâm nữa. Hiện chúng tôi ghi nhận hiện tượng tẩy trắng hàng loạt ở một số tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và vịnh ở Côn Đảo, vịnh Thái Lan, Phú Quốc. Đó là ghi nhận trong khả năng của chúng tôi. Có thể có những tỉnh khác cũng bị như vậy, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để đi khảo sát. Rất may là ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ thì chưa thấy bị ảnh hưởng, nhưng nhiệt độ nước biển thì hiện cũng khá là cao".
Cũng theo anh Lê Chiến, về mặt lý thuyết, có những phương pháp giúp đảo ngược tình trạng tẩy trắng hàng loạt san hô ở Việt Nam, nhưng trên thực tế không đơn giản chút nào :
"Trong những phương pháp tái tạo san hô, có việc gây dựng vườn ươm con giống san hô (coral garden), nếu không thì chỉ là transplantation, tức là di chuyển san hô từ điểm A sang điểm B. Giống như trên hai cánh rừng, một cánh rừng trọc và một cánh rừng xanh. Nếu chúng ta lấy cây bên rừng xanh trồng bên rừng trọc thì hai bên sẽ trở lại một bên là rừng xanh, một bên là rừng trọc. Nếu không có vườn ươm thì sẽ không có con giống để cung cấp. Vườn ươm đó có nhiều yếu tố, thứ nhất là khai thác con giống. Hai là người ta có thể dùng nhiều phương pháp để khiến cho san hô stress liên tục để kích thích nó thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng có rất ít nơi làm được việc đó.
Chúng ta có thể dùng công nghệ, kỹ thuật và sức người để đảo ngược xu thế, nhưng đó là một việc rất là khó. Trong đợt tẩy trắng san hô vừa rồi, nước Úc đã gánh chịu một cảnh vô cùng thảm hại, khi hàng trăm ngàn km vuông bị tẩy trắng. Về mặt lý thuyết thì chúng ta có thể thích ứng được, nhưng thực tế rất khó mà triển khai.
Hiện tại chúng tôi cũng đang làm một số mô hình thí điểm cứu hộ san hô bị tẩy trắng, cũng như giúp cho san hô vượt qua được mùa "heat stress", tức là giai đoạn mà nước biển nóng lên từ 2 tuần đến 1 tháng hoặc 2 tháng. Chúng ta có thể gây dựng những vườn ươm hoặc di dời những vườn ươm. Về mặt kỹ thuật thì có thể, nhưng trên thực tế, trở ngại lớn nhất là kinh phí. Kinh phí cho việc này quá lớn, thậm chí nước Úc còn không làm được, Việt Nam lại càng khó làm.
Trên lý thuyết, chúng ta có thể di dời toàn bộ rạn san hô đến một địa điểm khác để dưỡng chúng, qua thời điểm nước nóng lên thì chúng ta tái cấy vào khu vực đã dời đi. Nhưng để di chuyển 1 km2, 5 km2, 10 km2 hay hàng trăm km2 là rất khó. Trên thế giới hiện giờ người ta đã lập ra các vườn ươm. Nếu đó là vườn ươm với quy mô nhỏ thì có thể di dời được đến khu vực biển mát hơn hoặc di dời vào khu vực bễ nhân tạo và dùng những thiết bị, những công cụ làm mát nước, duy trì nhiệt độ nước ổn định".
Trước quy mô quá lớn tình trạng san hô bị suy thoái, những tổ chức phi chính phủ như SASA từ nhiều năm qua đã nỗ lực tham gia tái tạo các rạn san hô bị suy thoái, nhưng phạm vi hoạt động của họ rất giới hạn, theo lời anh Lê Chiến :
"Công việc chính của chúng tôi vẫn là tái tạo các rạn san hô. Về kinh phí thì chúng tôi là một tổ chức nghiên cứu và hoạt động thực hành khoa học một cách độc lập, không có tư cách pháp nhân để nhận tài trợ hay hỗ trợ. Toàn bộ kinh phí là do chúng tôi tự chi trả.
Hiện chúng tôi đang làm tại Đà Nẵng và Phú Quốc. Như tôi đã nói ở trên, rất may là miền Trung Trung Bộ, bao gồm cả Đà Nẵng, Quảng Bình…, chưa bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng hàng loạt. Chúng tôi đã hoạt động ở Đà Nẵng từ 10 năm rồi, còn ở Phú Quốc thì chúng tôi mới triển khai được khoảng hơn 1 năm. Vấn đề ở đây là không phải nơi nào bị thiệt hại thì chúng tôi mới đến đó, hay là nơi nào cần thì chúng tôi đến, mà chúng tôi đi được ở đâu thì chúng tôi đi. Nơi nào cũng cần cả. Rạn san hô trên thế giới thì đang ở mức độ suy thoái từ 40 đến 60% một năm. Ở đâu chúng ta cũng đều phải làm cả !".
Ngay cả việc phục hồi san hô bị tác động của ô nhiễm biển cũng không phải là đơn giản. Theo báo chí trong nước, 8 năm sau sự cố môi trường ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển miền Trung Việt Nam, dự án phục hồi rạn san hô ở vùng biển này vẫn chưa được triển khai xong.
Sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào năm 2016 do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm cho hệ động thực vật biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các rạn san hô nhiều nơi bị chết, suy thoái mạnh, cần phải được nhanh chóng tái tạo.
Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, mặc dù theo quy định phải hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng nay vẫn chưa triển khai thi công. Mãi đến tháng 4/2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới được thủ tướng phê duyệt cấp 170 tỉ đồng để triển khai dự án thả rạn san hô nhân tạo và trồng, phục hồi rạn san hô. Thật ra đây là lần đầu tỉnh này thực hiện dự án như vậy cho nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm ra đủ nguồn giống để trồng và phục hồi san hô.
Do phương tiện và khả năng còn hạn chế, Việt Nam phải cần đến sự hỗ trợ của quốc tế, chẳng hạn như của Úc, quốc gia cũng đang hứng chịu thảm nạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt. Úc vốn nổi tiếng với rạn san hô Great Barrier, hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 3.000 rạn san hô riêng rẽ và vịnh san hô. Do đó, các chuyên gia nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ rạn san hô trước tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt cá quá mức.
Theo báo chí trong nước vào tháng 04/2024, các chuyên gia Úc sẽ đào tạo, hướng dẫn cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới ReefCloud và thiết bị ReefScan. ReefScan là một hệ thống camera dùng để nắm bắt hiện trạng rạn san hô để bảo tồn chúng một cách hiệu quả hơn. Còn ReefCloud là bộ cơ sở dữ liệu lớn dạng mở để quản lý các dữ liệu về rạn san hô.
Không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới, việc phục hồi, bảo tồn ngày càng cấp thiết, do tình trạng san hô suy thoái, nhất là hiện tượng san hộ bị tẩy trắng hàng loạt, đã trở nên hết sức nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, theo cảnh báo của những nhà nghiên cứu như anh Lê Chiến :
"Trong vòng 50 năm qua, chúng ta đã đẩy những rạn san hô của chúng ta đến bờ vực suy thoái nghiêm trọng. Nhiều hệ quả có thể xảy ra. Nó chỉ mới là giả thuyết khoa học, chưa xảy ra, nhưng chúng ta có thể dùng các luận cứ khoa học, dẫn chứng khoa học để có thể đưa ra một số dự đoán.
San hô cung cấp sự sống và dung dưỡng sự sống cho từ 25% đến 40% sinh vật từ đáy đại dương. Khi không còn san hô nữa thì 25% cho đến 40% sinh vật này có thể biến mất và điều này sẽ làm sụp đổ toàn bộ mạng lưới thức ăn dưới đáy đại dương. Về sự sụp mạng lưới thức ăn dưới đáy đại dương, lịch sử của hành tinh này đã trải qua 5 lần đại tuyệt chủng. Nó xuất phát từ nhiều lý do, nhưng một trong những hiện tượng đó là sụp đổ chuỗi thức ăn, dẫn đến đại tuyệt chủng dưới đáy đại dương.
Đại dương của chúng ta không còn là một cái máy tạo oxy nữa, không còn là bộ phận quan trọng trong chu trình carbon của hành tinh này nữa, mà có thể nó trở thành một bể chứa tảo độc. Rạn san hô biến mất là một điều vô cùng nghiêm trọng cho cả nhân loại, chứ không chỉ vấn đề kinh tế của người này, người kia hay nước này, nước kia.
Đại dương không chỉ là nguồn cung cấp thức ăn, mà nó còn là một cỗ máy sinh học lớn nhất trên hành tinh này để vận hành khí hậu. Nếu không có chu trình carbon dựa trên mạng lưới thức ăn vô cùng phức tạp của các đại dương, thì các đại dương sẽ trở thành một cỗ máy tạo ra CO2 và từ đấy thì nhiệt độ của bầu khí quyển sẽ tăng lên rất là nhiều, Trái đất sẽ nóng lên rất nhanh. Sau quá trình nóng lên rất nhanh như vậy là quá trình dẫn đến kỷ băng hà. Đấy là quy trình gần như là bất biến trong các kỳ đại tuyệt chủng đã từng xảy ra".
Thanh Phương
Nguồn : RFI,19/08/2024
Vào tháng 6/2022, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã ra thông báo tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại các điểm lặn xung quanh Hòn Mun kể từ ngày 27/06. Nhưng quyết định này được đưa ra có thể nói là quá trễ, trong bối cảnh mà san hô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, nếu không có biện pháp nhanh chóng để bảo tồn.
Một rạn san hô ở Công viên biển Kisite Mpunguti của Kenya, ngày 11/06/2022. © AP - Brian Inganga
Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã ra quyết định nói trên sau khi báo chí trong nước, cụ thể là tờ Thanh Niên, có loạt bài phản ảnh về sự suy giảm rạn san hô tại vịnh Nha Trang, đặc biệt là vùng lõi biển Hòn Mun. Điều đáng nói là chỉ đến khi báo chí lên tiếng, chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới "vào cuộc", mới quan tâm đến ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về tình trạng đáng báo động của san hô tại vịnh Nha Trang.
Nhưng không chỉ có ở vịnh Nha Trang, ở nhiều nơi khác của Việt Nam, san hô cũng đang bị "bức tử" do chính hoạt động của con người, chẳng hạn như tại vịnh Quy Nhơn. Theo tờ Người Lao Động ngày 04/04/2022, rạn san hô ở Hòn Sẹo, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, đang chết hàng loạt, khiến hệ sinh thái biển nơi này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tờ báo ghi nhận : "Hệ sinh thái biển khu vực này vốn khá đa dạng, là nơi trú ngụ và sinh sống của nhiều loài thủy hải sản quý, nhưng nay chỉ còn lác đác vài con cá bơi lượn quanh những rạn san hô đã chết".
Nhiều ngư dân ở xã Nhơn Lý cho rằng sở dĩ san hô ở Hòn Sẹo chết hàng loạt thời gian qua là do một nhóm người từ địa phương khác đến lén lút khai thác vào ban đêm. Trong khi đó, theo Người Lao Động, chính quyền địa phương có vẻ như không hay biết gì. Cho đến khi có bài báo của Người Lao Động, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Quy Nhơn, mới chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân xã Nhơn Lý "khẩn trương phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định kiểm tra hiện trạng rạn san hô tại Hòn Sẹo nói riêng và các điểm du lịch khác ở xã Nhơn Lý nói chung".
Việt Nam có một bờ biển dài tổng cộng 3.200 km, với nhiều nơi có bãi cát tuyệt đẹp, nước biển trong vắt, thu hút rất nhiều du khách, các vùng biển Việt Nam cũng có những loài sinh vật rất phong phú. Hãng tin AFP vào cuối tháng 6 trích dẫn báo chí Việt Nam cho biết vào năm 2020, khoảng 60% đáy biển sát bờ của Việt Nam vẫn còn được bao phủ bởi san hô sống. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ này nay chỉ là 50%.
Nhằm mục tiêu giải cứu các sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại tại bờ biển miền trung Việt Nam, anh Lê Chiến đã sáng lập một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam mang tên Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển ( SASA ). Trả lời RFI Việt ngữ, anh Lê Chiến báo động về tình trạng của san hô Việt Nam hiện nay :
"Việt Nam nằm ở khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, mà lại trải dài. Đây là điều kiện rất tuyệt vời cho những rạn san hô biển phát triển, được hình thành trên viền những rạn đá ngầm, hoặc là những rạn san hô nguyên thủy, có rất nhiều ở Việt Nam. Chúng ta còn có những rạn san hô barriere, tức là san hô hàng rào chắn ở những hòn đảo.
Có thể nói tình trạng san hô tại Việt Nam rất là tồi tệ. Tất cả các san hô biển đều không được bảo vệ, vì chúng không nằm trong khu bảo tồn biển. Hơn 90% rạn san hô ở Việt Nam đều bị hủy hoại nghiêm trọng, bởi con người, bởi khai thác du lịch, bởi xây dựng, bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và bởi hành vi khai thác. Còn những rạn san hô trong những khu bảo tồn biển, được bảo vệ, thì rất là nhỏ nhoi. Ở Nha Trang, các báo cáo khoa học đã nêu lên rồi : san hô bị thoái hóa đến 90%.
Theo những nghiên cứu và những quan sát của chúng tôi, trong 5 năm vừa rồi, chúng ta chỉ có một lần duy nhất có hiện tượng gọi là mass bleaching, tức là tẩy trắng hàng loạt san hô vào năm 2020 do nước biển toàn cầu nóng lên quá nhanh, quá lâu. Trong năm 2020, có một khoảng thời gian, nước biển đạt ngưỡng 30, 31 cho đến 31,5 độ C, từ bề mặt cho đến tầng đáy từ 10 đến 15 mét. Hiện tượng này diễn ra khắp miền Trung Việt Nam và không chỉ ở Việt Nam mà còn ở toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng ta đã mất phân nửa diện tích san hô trong toàn bộ khu vực. Nhưng sau đấy, san hô phục hồi rất tốt. Nhưng cho dù tốt cách mấy, tốc độ kiến tạo của san hô cũng không bằng tốc độ hủy hoại của con người.
Ở đây, chúng ta thấy là quá trình xây dựng, các dịch vụ khai thác thủy hải sản dẫn đến việc là tất cả các diện tích san hô của Việt Nam đều bị thu hẹp từng ngày. Tốc độ hủy hoại của con người có thể chiếm từ 60 đến 70%. Ví dụ như trong những rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt mà chúng tôi đã khảo sát, thì chúng tôi thấy là ở đâu đó, các mầm sống vẫn thích nghi được và sau đó sẽ phát triển lên, chỉ trong một, hai năm thôi là có thể tái tạo được 10 đến 20% số lượng bị mất đi. Nhưng cá thể đã thích nghi được với biến đổi như vậy rồi, đến lúc con người tham gia vào, gây các ô nhiễm, ô nhiễm về chất lượng nước, ô nhiễm về rác thải nhựa, những hành vi khai thác đã dẫn đến việc là gần như không còn cơ hội nếu chúng ta tiếp tục như vậy".
Trong bài viết với hàng tựa : "Nghĩa địa san hô của Việt Nam ở Vịnh Nha Trang, một hồi chuông cảnh báo về sự tàn phá của biến đổi khí hậu", đăng ngày 24/07/2022, tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn các nhà khoa học ghi nhận là hiện chỉ còn 1% rạn san hô là "khỏe mạnh", những rạn san hô còn lại thì đều đối diện với nhiều nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của chúng.
Tuy nhiên, tờ báo nhắc lại là vào năm 2017, Viện Hải Dương Học ở Nha Trang cho biết là 42% rặng san hô ở bán đảo Sơn Trà, một khu bảo tồn thiên nhiên ở Đà Nẵng, đã bị "xóa sổ" trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2016, mà nguyên nhân là phát triển đô thị ven biển và khai thác thủy sản quá mức.
Vịnh Nha Trang, với 250 loài san hô cứng, từng là một nơi có mức độ đa dạng san hô cao nhất ở Việt Nam. Nhưng các kết quả khảo sát cho thấy san hô ở vịnh này đã bị suy giảm 90% trong vòng chưa tới 4 thế kỷ, từ thập niên 1980 đến năm 2019.
Tỉnh ủy Khánh Hòa trong một báo cáo ra ngày 20/06/2022 đã kết luận việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun một phần là do tác động của biến đổi khí hậu, do ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021, nhưng một phần là cũng do "nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch,…)".
Theo lời anh Lê Chiến, riêng trong ngành du lịch, gây tác hại nhiều nhất chính là các dịch vụ đi bộ ngắm san hô dưới đáy biển ( sea trekking ) :
" Khi chúng tôi quan sát thực tế ở khu vực mà chúng tôi làm việc như Đà Nẵng và Nha Trang, thì đều thấy là sự hủy hoại rất khủng khiếp. Thứ nhất là những hoạt động dịch vụ du lịch lặn sâu ở Việt Nam đều không có quy chuẩn. Chúng ta có luật, nhưng chúng ta không có những người quản lý luật đó, chúng ta không có người hành pháp và chúng ta không xử phạt nặng những người dẫm đạp san hô. Một ví dụ đơn giản : Một nhóm du khách khoảng từ 2 đến 3 người thôi có thể dẫm đạp 100m2 san hô rất nhanh chóng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Mà để tự nhiên cho san hô phục hồi được thì phải mất 10 năm ! Để con người can thiệp vào với tiền bạc và với rất nhiều thứ khác ( để san hô phục hồi ) là phải mất 5 năm !
Thứ hai là những dịch vụ mới phát triển gần đây, đó là dịch vụ sea trekking, tức là đi bộ dưới đáy biển, chúng ta được đội một cái mũ để đi bộ ngắm san hô ở đáy biển. Thế thì câu hỏi được đặt ra đó là san hô đó ở đâu ? Tại sao mà san hô lại ở trước cửa nhà người ta được ? Tất cả những dịch vụ đi bộ ngắm san hô ở Việt Nam đều làm cái việc là khai thác san hô tự nhiên, rồi đưa về, nhưng không làm được cái việc là cố định các cá thể san hô đó, cho nên đến hết mùa, bị sóng đánh bay là nó chết. Họ khai thác cạn kiệt nguồn san hô tự nhiên. Đấy là một trong những yếu tố dẫn đến thảm họa tại Nha Trang : Có quá nhiều dịch vụ ngắm san hô và hầu như chúng ta không có đủ nguồn lực để khống chế việc đó. Họ đi gỡ, bẻ san hô, quật san hô ban đêm…
Rất là nhiều vấn đề. Nói chung, ý thức khai thác của cộng đồng doanh nghiệp rất là kém. Hiện tại ở Nha Trang hay ở Phú Quốc đã có rất nhiều nơi cấm các dịch vụ sea trekking rồi, bởi vì câu hỏi được đặt ra là con giống đó ở đâu ra ? Chúng ta đều biết san hô là một loài động vật, chúng ta phải có một trang trại ươm con giống, gọi là coral farming hoặc là coral gardening để tạo ra một con giống bền vững, để giảm tải đối với san hô tự nhiên. Nhưng chúng ta chưa làm được như vậy".
Bên cạnh du lịch, ngành nuôi trồng thủy sản cũng góp phần không nhỏ vào việc làm hư hại san hô ở Việt Nam, theo lời anh Lê Chiến :
" Tác hại lớn nhất của nó là thức ăn cho thủy hải sản. Chẳng hạn ngành thủy hải sản có thể nói là tiêu biểu nhất ở Việt Nam là nuôi tôm hùm. Thức ăn mà người ta cho ăn bao giờ cũng nhiều hơn lượng thức ăn tự nhiên cần thiết. Lượng thức ăn như vậy sẽ tạo ra lượng hữu cơ dư thừa cực kỳ lớn, tạo ra một cái phân hủy, hút dần oxy trong nước và làm cho cả môi trường xung quanh biến đổi theo chiều hướng rất tệ.
Việc quản lý nuôi trồng thủy sản rất là khó, vì nó liên quan đến sinh kế của người dân. Chính phủ đã có quy hoạch tốt hơn cho 10 tới 20 năm. Chỉ có những khu vực nào mới được nuôi trồng thủy sản. Ở những khu vực đó thì chúng ta phải chấp nhận những rủi ro như vậy. Ở những khu vực khác, dựa trên tính toán dòng nước, tính toán chất lượng nước, không bảo đảm được việc giữ môi sinh chung thì không được làm. Như vậy việc nuôi trồng thủy sản không còn là vấn đề lớn nữa.
Nhưng có một vấn đề ở những nước nhiệt đới như chúng ta, đó là các cơn bão nhiệt đới, hàng năm vẫn có từ 9 đến 12 cơn bão ở miền trung Việt Nam. Đôi khi những chủ lồng bè không phản ứng kịp với những cơn bão như vậy, nên những lồng bè đó bị bão cuốn đi hoặc đánh chìm dưới đáy, càn quét dáy biển, càn quét các rạn san hô. Chỉ cần một hệ thống lồng bè là có thể càn quét bay cả một dãy rạn san hô. Đó là thảm họa mà chúng ta chưa thể nào quản lý được.
Phải chờ có những công nghệ như bên Úc chẳng hạn, họ có những hệ thống lồng bè có thể chống chọi được sóng bão. Vấn đề là chúng ta phát triển công nghệ đến đâu".
Trong bài báo đăng ngày 26/07, South China Morning Post cho biết bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên (IUCN), đã từng báo động chính quyền thành phố Nha Trang về hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt, kêu gọi họ phải xét lại cách quản lý san hô. Bà Hiền cho biết các vùng bảo tồn biển của Việt Nam chỉ mang tính hình thức, chứ không có một sự đầu tư thật sự nào. Bà cho rằng sự hỗ trợ của các chính quyền địa phương mang tính chất quyết định cho thành công của các nỗ lực bảo vệ môi trường biển.
Riêng anh Lê Chiến thì đề nghị nên thành lập các khu bảo tồn san hô một cách bền vững :
" Chúng ta phải nhân rộng khu vực bảo tồn san hô. Khu vực bảo tồn biển là một khái niệm rất rộng : bảo tồn rừng ngập mặn, bảo tồn thảm cỏ biển, bảo tồn rạn san hô, bảo tồn nguồn lợi thủy sản….. Nhưng chúng ta phải thu hẹp nó lại trong khu vực không thuộc khu bảo tồn biển. Đấy là những khu vực mà theo lịch sử đã có những rạn san hô ở đó và vẫn đang tồn tại ở đó, hoặc có thể tái tạo được, bây giờ chúng ta quy hoạch lại thành khu vực bảo tồn san hô.
Ở những khu vực bảo tồn san hô như vậy, chúng ta phải có quy hoạch riêng về cơ sở hạ tầng, quy hoạch riêng về phát triển, nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi khai thác và phải xác định xu thế phát triển kinh tế ở khu vực đó là như thế nào, phát triển du lịch bền vững hay du lịch cao cấp. Bắt buộc phải có những cái như vậy thì việc bảo tồn san hô mới bền vững được".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 07/11/2022