Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/11/2022

Môi trường : San hô Việt Nam trước nguy cơ bị bức tử

Thanh Phương

Vào tháng 6/2022, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã ra thông báo tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại các điểm lặn xung quanh Hòn Mun kể từ ngày 27/06. Nhưng quyết định này được đưa ra có thể nói là quá trễ, trong bối cảnh mà san hô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, nếu không có biện pháp nhanh chóng để bảo tồn. 

sanho1

Một rạn san hô ở Công viên biển Kisite Mpunguti của Kenya, ngày 11/06/2022. © AP - Brian Inganga

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã ra quyết định nói trên sau khi báo chí trong nước, cụ thể là tờ Thanh Niên, có loạt bài phản ảnh về sự suy giảm rạn san hô tại vịnh Nha Trang, đặc biệt là vùng lõi biển Hòn Mun. Điều đáng nói là chỉ đến khi báo chí lên tiếng, chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới "vào cuộc", mới quan tâm đến ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về tình trạng đáng báo động của san hô tại vịnh Nha Trang.

Nhưng không chỉ có ở vịnh Nha Trang, ở nhiều nơi khác của Việt Nam, san hô cũng đang bị "bức tử" do chính hoạt động của con người, chẳng hạn như tại vịnh Quy Nhơn. Theo tờ Người Lao Động ngày 04/04/2022, rạn san hô ở Hòn Sẹo, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, đang chết hàng loạt, khiến hệ sinh thái biển nơi này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tờ báo ghi nhận : "Hệ sinh thái biển khu vực này vốn khá đa dạng, là nơi trú ngụ và sinh sống của nhiều loài thủy hải sản quý, nhưng nay chỉ còn lác đác vài con cá bơi lượn quanh những rạn san hô đã chết". 

Nhiều ngư dân ở xã Nhơn Lý cho rằng sở dĩ san hô ở Hòn Sẹo chết hàng loạt thời gian qua là do một nhóm người từ địa phương khác đến lén lút khai thác vào ban đêm. Trong khi đó, theo Người Lao Động, chính quyền địa phương có vẻ như không hay biết gì. Cho đến khi có bài báo của Người Lao Động, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Quy Nhơn, mới chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân xã Nhơn Lý "khẩn trương phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định kiểm tra hiện trạng rạn san hô tại Hòn Sẹo nói riêng và các điểm du lịch khác ở xã Nhơn Lý nói chung".

Việt Nam có một bờ biển dài tổng cộng 3.200 km, với nhiều nơi có bãi cát tuyệt đẹp, nước biển trong vắt, thu hút rất nhiều du khách, các vùng biển Việt Nam cũng có những loài sinh vật rất phong phú. Hãng tin AFP vào cuối tháng 6 trích dẫn báo chí Việt Nam cho biết vào năm 2020, khoảng 60% đáy biển sát bờ của Việt Nam vẫn còn được bao phủ bởi san hô sống. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ này nay chỉ là 50%.

Nhằm mục tiêu giải cứu các sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại tại bờ biển miền trung Việt Nam, anh Lê Chiến đã sáng lập một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam mang tên Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển ( SASA ). Trả lời RFI Việt ngữ, anh Lê Chiến báo động về tình trạng của san hô Việt Nam hiện nay : 

"Việt Nam nằm ở khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, mà lại trải dài. Đây là điều kiện rất tuyệt vời cho những rạn san hô biển phát triển, được hình thành trên viền những rạn đá ngầm, hoặc là những rạn san hô nguyên thủy, có rất nhiều ở Việt Nam. Chúng ta còn có những rạn san hô barriere, tức là san hô hàng rào chắn ở những hòn đảo.

Có thể nói tình trạng san hô tại Việt Nam rất là tồi tệ. Tất cả các san hô biển đều không được bảo vệ, vì chúng không nằm trong khu bảo tồn biển. Hơn 90% rạn san hô ở Việt Nam đều bị hủy hoại nghiêm trọng, bởi con người, bởi khai thác du lịch, bởi xây dựng, bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và bởi hành vi khai thác. Còn những rạn san hô trong những khu bảo tồn biển, được bảo vệ, thì rất là nhỏ nhoi. Ở Nha Trang, các báo cáo khoa học đã nêu lên rồi : san hô bị thoái hóa đến 90%. 

Theo những nghiên cứu và những quan sát của chúng tôi, trong 5 năm vừa rồi, chúng ta chỉ có một lần duy nhất có hiện tượng gọi là mass bleaching, tức là tẩy trắng hàng loạt san hô vào năm 2020 do nước biển toàn cầu nóng lên quá nhanh, quá lâu. Trong năm 2020, có một khoảng thời gian, nước biển đạt ngưỡng 30, 31 cho đến 31,5 độ C, từ bề mặt cho đến tầng đáy từ 10 đến 15 mét. Hiện tượng này diễn ra khắp miền Trung Việt Nam và không chỉ ở Việt Nam mà còn ở toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng ta đã mất phân nửa diện tích san hô trong toàn bộ khu vực. Nhưng sau đấy, san hô phục hồi rất tốt. Nhưng cho dù tốt cách mấy, tốc độ kiến tạo của san hô cũng không bằng tốc độ hủy hoại của con người. 

Ở đây, chúng ta thấy là quá trình xây dựng, các dịch vụ khai thác thủy hải sản dẫn đến việc là tất cả các diện tích san hô của Việt Nam đều bị thu hẹp từng ngày. Tốc độ hủy hoại của con người có thể chiếm từ 60 đến 70%. Ví dụ như trong những rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt mà chúng tôi đã khảo sát, thì chúng tôi thấy là ở đâu đó, các mầm sống vẫn thích nghi được và sau đó sẽ phát triển lên, chỉ trong một, hai năm thôi là có thể tái tạo được 10 đến 20% số lượng bị mất đi. Nhưng cá thể đã thích nghi được với biến đổi như vậy rồi, đến lúc con người tham gia vào, gây các ô nhiễm, ô nhiễm về chất lượng nước, ô nhiễm về rác thải nhựa, những hành vi khai thác đã dẫn đến việc là gần như không còn cơ hội nếu chúng ta tiếp tục như vậy".

Trong bài viết với hàng tựa : "Nghĩa địa san hô của Việt Nam ở Vịnh Nha Trang, một hồi chuông cảnh báo về sự tàn phá của biến đổi khí hậu", đăng ngày 24/07/2022, tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn các nhà khoa học ghi nhận là hiện chỉ còn 1% rạn san hô là "khỏe mạnh", những rạn san hô còn lại thì đều đối diện với nhiều nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của chúng. 

Tuy nhiên, tờ báo nhắc lại là vào năm 2017, Viện Hải Dương Học ở Nha Trang cho biết là 42% rặng san hô ở bán đảo Sơn Trà, một khu bảo tồn thiên nhiên ở Đà Nẵng, đã bị "xóa sổ" trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2016, mà nguyên nhân là phát triển đô thị ven biển và khai thác thủy sản quá mức. 

Vịnh Nha Trang, với 250 loài san hô cứng, từng là một nơi có mức độ đa dạng san hô cao nhất ở Việt Nam. Nhưng các kết quả khảo sát cho thấy san hô ở vịnh này đã bị suy giảm 90% trong vòng chưa tới 4 thế kỷ, từ thập niên 1980 đến năm 2019.

Tỉnh ủy Khánh Hòa trong một báo cáo ra ngày 20/06/2022 đã kết luận việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun một phần là do tác động của biến đổi khí hậu, do ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021, nhưng một phần là cũng do "nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch,…)".

Theo lời anh Lê Chiến, riêng trong ngành du lịch, gây tác hại nhiều nhất chính là các dịch vụ đi bộ ngắm san hô dưới đáy biển ( sea trekking ) : 

" Khi chúng tôi quan sát thực tế ở khu vực mà chúng tôi làm việc như Đà Nẵng và Nha Trang, thì đều thấy là sự hủy hoại rất khủng khiếp. Thứ nhất là những hoạt động dịch vụ du lịch lặn sâu ở Việt Nam đều không có quy chuẩn. Chúng ta có luật, nhưng chúng ta không có những người quản lý luật đó, chúng ta không có người hành pháp và chúng ta không xử phạt nặng những người dẫm đạp san hô. Một ví dụ đơn giản : Một nhóm du khách khoảng từ 2 đến 3 người thôi có thể dẫm đạp 100m2 san hô rất nhanh chóng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Mà để tự nhiên cho san hô phục hồi được thì phải mất 10 năm ! Để con người can thiệp vào với tiền bạc và với rất nhiều thứ khác ( để san hô phục hồi ) là phải mất 5 năm !

Thứ hai là những dịch vụ mới phát triển gần đây, đó là dịch vụ sea trekking, tức là đi bộ dưới đáy biển, chúng ta được đội một cái mũ để đi bộ ngắm san hô ở đáy biển. Thế thì câu hỏi được đặt ra đó là san hô đó ở đâu ? Tại sao mà san hô lại ở trước cửa nhà người ta được ? Tất cả những dịch vụ đi bộ ngắm san hô ở Việt Nam đều làm cái việc là khai thác san hô tự nhiên, rồi đưa về, nhưng không làm được cái việc là cố định các cá thể san hô đó, cho nên đến hết mùa, bị sóng đánh bay là nó chết. Họ khai thác cạn kiệt nguồn san hô tự nhiên. Đấy là một trong những yếu tố dẫn đến thảm họa tại Nha Trang : Có quá nhiều dịch vụ ngắm san hô và hầu như chúng ta không có đủ nguồn lực để khống chế việc đó. Họ đi gỡ, bẻ san hô, quật san hô ban đêm… 

Rất là nhiều vấn đề. Nói chung, ý thức khai thác của cộng đồng doanh nghiệp rất là kém. Hiện tại ở Nha Trang hay ở Phú Quốc đã có rất nhiều nơi cấm các dịch vụ sea trekking rồi, bởi vì câu hỏi được đặt ra là con giống đó ở đâu ra ? Chúng ta đều biết san hô là một loài động vật, chúng ta phải có một trang trại ươm con giống, gọi là coral farming hoặc là coral gardening để tạo ra một con giống bền vững, để giảm tải đối với san hô tự nhiên. Nhưng chúng ta chưa làm được như vậy".

Bên cạnh du lịch, ngành nuôi trồng thủy sản cũng góp phần không nhỏ vào việc làm hư hại san hô ở Việt Nam, theo lời anh Lê Chiến : 

" Tác hại lớn nhất của nó là thức ăn cho thủy hải sản. Chẳng hạn ngành thủy hải sản có thể nói là tiêu biểu nhất ở Việt Nam là nuôi tôm hùm. Thức ăn mà người ta cho ăn bao giờ cũng nhiều hơn lượng thức ăn tự nhiên cần thiết. Lượng thức ăn như vậy sẽ tạo ra lượng hữu cơ dư thừa cực kỳ lớn, tạo ra một cái phân hủy, hút dần oxy trong nước và làm cho cả môi trường xung quanh biến đổi theo chiều hướng rất tệ. 

Việc quản lý nuôi trồng thủy sản rất là khó, vì nó liên quan đến sinh kế của người dân. Chính phủ đã có quy hoạch tốt hơn cho 10 tới 20 năm. Chỉ có những khu vực nào mới được nuôi trồng thủy sản. Ở những khu vực đó thì chúng ta phải chấp nhận những rủi ro như vậy. Ở những khu vực khác, dựa trên tính toán dòng nước, tính toán chất lượng nước, không bảo đảm được việc giữ môi sinh chung thì không được làm. Như vậy việc nuôi trồng thủy sản không còn là vấn đề lớn nữa. 

Nhưng có một vấn đề ở những nước nhiệt đới như chúng ta, đó là các cơn bão nhiệt đới, hàng năm vẫn có từ 9 đến 12 cơn bão ở miền trung Việt Nam. Đôi khi những chủ lồng bè không phản ứng kịp với những cơn bão như vậy, nên những lồng bè đó bị bão cuốn đi hoặc đánh chìm dưới đáy, càn quét dáy biển, càn quét các rạn san hô. Chỉ cần một hệ thống lồng bè là có thể càn quét bay cả một dãy rạn san hô. Đó là thảm họa mà chúng ta chưa thể nào quản lý được.

Phải chờ có những công nghệ như bên Úc chẳng hạn, họ có những hệ thống lồng bè có thể chống chọi được sóng bão. Vấn đề là chúng ta phát triển công nghệ đến đâu".

Trong bài báo đăng ngày 26/07, South China Morning Post cho biết bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên (IUCN), đã từng báo động chính quyền thành phố Nha Trang về hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt, kêu gọi họ phải xét lại cách quản lý san hô. Bà Hiền cho biết các vùng bảo tồn biển của Việt Nam chỉ mang tính hình thức, chứ không có một sự đầu tư thật sự nào. Bà cho rằng sự hỗ trợ của các chính quyền địa phương mang tính chất quyết định cho thành công của các nỗ lực bảo vệ môi trường biển. 

Riêng anh Lê Chiến thì đề nghị nên thành lập các khu bảo tồn san hô một cách bền vững : 

 " Chúng ta phải nhân rộng khu vực bảo tồn san hô. Khu vực bảo tồn biển là một khái niệm rất rộng : bảo tồn rừng ngập mặn, bảo tồn thảm cỏ biển, bảo tồn rạn san hô, bảo tồn nguồn lợi thủy sản….. Nhưng chúng ta phải thu hẹp nó lại trong khu vực không thuộc khu bảo tồn biển. Đấy là những khu vực mà theo lịch sử đã có những rạn san hô ở đó và vẫn đang tồn tại ở đó, hoặc có thể tái tạo được, bây giờ chúng ta quy hoạch lại thành khu vực bảo tồn san hô.

 Ở những khu vực bảo tồn san hô như vậy, chúng ta phải có quy hoạch riêng về cơ sở hạ tầng, quy hoạch riêng về phát triển, nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi khai thác và phải xác định xu thế phát triển kinh tế ở khu vực đó là như thế nào, phát triển du lịch bền vững hay du lịch cao cấp. Bắt buộc phải có những cái như vậy thì việc bảo tồn san hô mới bền vững được".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 07/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)