Còn hai hôm nữa là đến ngày khai mạc Thế vận hội mùa hè Paris 2024. Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, lễ khai mạc không được tổ chức trong một sân vận động mà lại diễn ra trên một con sông. Vào đêm 26/07/2024, sông Seine sẽ trở thành tâm điểm của Thế vận hội. Nhân dịp này, nhiều tờ báo Pháp trở lại với tên của sông Seine, mà nhiều chuyên gia ngành thủy văn cho là thiếu chính xác, nếu không nói là vô lý.
Một chiếc thuyền cứu hộ di chuyển trên sông Seine gần tháp Eiffel trong buổi diễn tập cho lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024, Pháp, ngày 17/01/2024. AP - Thomas Padilla
Theo tờ báo Pháp L’Yonne Républicaine, không ai có thể phủ nhận là cũng như Nhà thờ Đức Bà, sông Seine đã trở thành một trong những biểu tượng muôn thuở của Paris. Từ Guillaume Apollinaire cho đến Jacques Prévert, sông Seine đã gợi hứng cho biết bao áng thơ tuyệt đẹp. Nhưng không chỉ có các thi hào, mà còn có nhiều nghệ sĩ từng vẽ tranh, quay phim, viết truyện hay soạn nhạc về sông Seine : dòng nước chảy nhẹ nhàng dưới chân 37 chiếc cầu, Tháp Eiffel bên tả ngạn, Bảo tàng Louvre hữu ngạn.
Trong thi ca Pháp, sông Seine thường được nhân cách hóa tựa như một giai nhân, vì theo truyền thuyết từ thời cổ đại, sông Seine được đặt tên theo vị nữ thần Sequana, rất linh thiêng trong tín ngưỡng của người Celtic và Gaulois (gô loa). Truyền thuyết ngàn xưa huyền ảo lung linh như chuyện cổ tích, thế nhưng trong mắt các nhà nghiên cứu khoa học, thực tế không hẳn là như vậy. Đúng là có một con sông chảy ngang qua thủ đô Paris, tuy vậy không nên gọi dòng nước này là sông Seine, mà nên gọi sông Yonne thì mới đúng.
Cách gọi tên sông Seine không tôn trọng luật thủy văn
Tờ báo L’Yonne Républicaine trích dẫn giáo sư đại học Yves Boquet kiêm Tổng thư ký Hội các nhà địa lý Pháp, cho biết : theo luật thủy văn, khi hai dòng nước gặp nhau tại điểm hợp lưu, dòng nước nào có lưu lượng và dòng chảy mạnh nhất sẽ trở thành "dòng chính", còn dòng kia được xem là "phụ lưu", trở thành một nhánh của dòng nước lớn.
Trong trường hợp của sông Seine, dòng sông này dài hàng thứ nhì ở Pháp (775km) chỉ sau sông Loire (1006 km). Sông Seine khởi nguồn từ xã Source-Seine thuộc vùng Côte-d'Or và đổ vào biển Manche, miền bắc nước Pháp giữa hai thành phố Le Havre và Honfleur. Sông Seine chảy ngang qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng như ngôi nhà của danh họa Claude Monet ở làng Giverny, các thị trấn đẹp như tranh vẽ là La Roche Guyon và Caudebec en Caux.
Sông Seine gặp sông Yonne gần thành phố Fonainebleau. Giao điểm của hai dòng sông này nằm tại Montereau-Fault Yonne, cách thủ đô Paris khoảng 80 cây số. Tuy nhiên, tại điểm hợp lưu, dòng sông Yonne với lưu lượng là 93m³/giây, chảy mạnh hơn nhiều so với sông Seine với dòng chảy là 80m³/giây. Nhìn từ không trung, qua ảnh chụp từ drone, diện tích của sông Yonne cũng lớn hơn nhiều so với sông Seine.
Sông Seine gặp sông Yonne gần thành phố Fonainebleau. Giao điểm của hai dòng sông này nằm tại Montereau-Fault Yonne, cách thủ đô Paris khoảng 80 cây số.
Như vậy, khi dựa vào những quan sát này để xác định tầm quan trọng theo thể tích và dòng chảy, thì sông Yonne mới thực sự là dòng chính, còn sông Seine đáng lẽ ra là dòng phụ và chỉ là một nhánh của sông Yonne, chứ không phải là điều ngược lại. Vì thế cho nên, giáo sư Yves Boquet cũng như hầu hết các chuyên gia địa lý đều khẳng định : nhìn theo góc độ khoa học, gọi dòng nước chảy ngang qua Paris là sông Yonne thì mới chính xác, có như vậy thì các quy tắc thủy văn mới được tôn trọng.
Thế thì tại sao sông Seine lại giành lấy ưu thế so với sông Yonne ? Theo tờ báo L’Yonne Républicaine, có thể giải thích điều bằng hai yếu tố lịch sử và tôn giáo. Từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, dòng sông này đã được đặt tên theo thủy thần Sequana, một nhân vật linh thiêng chuyên phò hộ nguồn nước trong lành trong thần thoại Celtic Gaulois. Cho dù tất cả các nhà sử học chưa hẳn đồng ý về mối liên hệ này, nhưng trên thực tế địa danh Sequana mang đầy ý nghĩa biểu tượng (sau này trở thành sông Seine) vẫn là cách gọi phổ biến, thông dụng nhất.
Cách gọi tên sông Seine : Phép vua thua lệ làng
Trong văn hóa Celtic cổ đại, các pháp sư (druid) từng lập ra một ngôi đền thờ thủy thần Sequana, nơi nhiều khách hành hương đến tìm kiếm nguồn nước linh thiêng được cho là có "phép lạ" để chữa bệnh tật. Còn theo giáo sư Yves Boquet, việc lập đền thờ phụng cũng là một cách để nâng cao tầm quan trọng của sông Sequana (sông Seine), dòng sông này có uy tín hơn so với những dòng nước khác. Đối với những người xem dòng nước này như một điểm mang tính "chiến lược", việc kiểm soát giao thương trên sông Seine là một cách để thiết lập quyền lực của họ.
Còn theo ghi nhận của tờ báo Le Figaro, tranh cãi về cách gọi tên sông Seine không phải là trường hợp riêng lẻ. Trên thế giới, cũng từng có nhiều "địa danh" không tôn trọng luật thủy văn. Tại Hoa Kỳ, đó là trường hợp của sông Mississippi, mà đáng lẽ phải được gọi là sông Ohio.Trong khi đó tại Châu Âu, sông Rhine lẽ ra phải được đặt tên là sông Aar. Trên bản đồ, ít ai biết sông Inn nằm ở đâu, trong khi sông Danube từng là nguồn cảm hứng "bất tận" trong văn học, hội họa, điện ảnh và nhất là âm nhạc, cho nên mỗi lần nhắc tới Danube, giai điệu "Dòng sông xanh" luôn vang lên ở trong đầu. Phép vua còn thua lệ làng, trước cả ngàn năm phong tục, luật thủy văn đành phải "đầu hàng".
Tuấn Thảo
Nguồn : RFI, 24/07/2024
Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Sông Hồng đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng...
Cách đây khoảng 10 năm, với lý do "thiết thực chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long" và nhằm mục đích phát triển đô thị bền vững, Hà Nội lúc bấy giờ đã "hồ hởi" lập dự án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố vào cả phạm vi 2 bên (bãi) sông Hồng hiện tại với tổng diện tích đất bãi dự tính chiếm trên 10.500 ha, thuộc địa phận 5 quận, 4 huyện.
Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)… để biến Hà Nội, từ đô thị có nhà phố ở ngoài phạm vi 2 bãi sông Hồng (thành phố có sông ở trong hiện nay) thành đô thị có nhà phố ở trong phạm vi 2 bãi sông (thành phố ở trong 2 bãi sông Hồng) - thành phố "trong sông".
Thành phố Mới Tiền Giang (bên phải) nằm về bờ bắc sông Tiền Đường ở Hàng Châu. Ảnh: Getty
Muốn biết ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng nêu trên có sáng suốt, tuyệt vời hay không, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu và so sánh sông Hồng với sông Seine.
Sông Hồng dài 1.149 km, có lưu lượng nước (Q=m3/s) rất lớn. Trong khi đó sông Seine chỉ dài 776 km, có lưu lượng nước trung bình, nên chẳng cần phải có 2 bên đê (2 con đê) như sông Hồng. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa 2 sông này.
Mô tả chi tiết sông Hồng bao gồm dòng sông, rồi đến phạm vi 2 bãi sông ở đôi bờ, được giới hạn, bao khoanh, án ngữ bởi 2 con đê. Diện tích lưu vực sông Hồng cũng được xác định bởi diện tích dòng sông, cộng với diện tích 2 bãi sông (được án ngữ bởi 2 con đê). Và từ đó xác định được lưu lượng (Q=m3/s) của sông.
Đặc biệt, đầu nguồn và thượng lưu sông Hồng có chiều dài 649 km, lại thuộc địa phận Trung Quốc. Thuộc địa phận nước Việt Nam ở cuối nguồn và phía hạ lưu sông chỉ có chiều dài 500 km.
Như vậy nước ta có hoàn toàn chủ động với những dự án công trình trị thủy sông Hồng, với tần suất lũ lịch sử theo tính toán lý thuyết tới 125 năm, hoặc tới 500 năm, thậm chí tới 700 năm được không ? Hay chỉ là chủ quan, duy ý chí, "đếm cua trong hang". Bởi vì nước ta chỉ là chủ của non nửa chiều dài con sông.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng việc tính toán lượng lũ về, xem có vượt quá khả năng, sức chứa của sông Hồng hiện tại (dự tính 1 tỉ m3 nước) là 1 bài toán khó (Báo Khoa học & Đời sống, số 36, ngày 24/3/2017).
Du ngoạn trên sông Seine - Ảnh minh họa
Tương lai, nếu quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trong phạm vi 2 bãi sông Hồng, hậu quả lưu vực của sông sẽ bị thu hẹp, dẫn đến lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm thiểu, liệu có thể đáp ứng được lượng lũ lịch sử ? Hay những công trình, nhà phố này sẽ bị lũ (lịch sử) tràn ngập, với vận tốc tăng đột biến, phá hỏng ? Đấy là còn chưa kể đến tính mạng người dân sống trong những nhà phố này sẽ ra sao ?
Đã thế, lại có quan chức "sáng kiến, điếc không sợ súng" quá mạo hiểm, đang định cho lập dự án lấn chiếm đất 2 bãi sông, bằng cách phá 2 con đê cũ, đồng thời đắp xây 2 con đê mới, có thể ví như công trình "Vạn lý trường thành" ở Hà Nội. Chẳng hạn khoảng cách 2 con đê hiện tại, từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn có đoạn rộng nhất tới 3,5 km, nên nếu phá 2 con đê cũ để xây 2 con đê mới thì khoảng cách từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn chỉ còn rộng 1,5 km.
Tuy lấn chiếm được 2 km đất bãi xây dựng công trình, nhà phố nhưng như vậy, lưu vực sông Hồng sẽ càng bị thu hẹp hơn và lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm đi rất nhiều. Hậu quả khi lũ lịch sử xuất hiện, ai dám bảo đảm dòng nước lũ không tràn qua đê mới ? Sẽ có thể dẫn đến "tức nước vỡ bờ" (vỡ đê) cho dù đê mới xây bằng bê tông cốt thép.
Do đó, ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng không phải là thượng sách, nếu chưa muốn nói "coi Trời bằng vung". Chả lẽ với diện tích thủ đô Hà Nội hiện nay rộng 3.329 km2 (rộng gấp hơn 3 lần diện tích cũ) vẫn chưa đủ, để phải hạ sách quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng.
Tôi thiết nghĩ, quy hoạch kiến trúc xây dựng đôi bờ sông Hồng không thể giống sông Seine hay sông Tiền Đường. Tốt nhất chỉ nên quy hoạch xây dựng 1 số đường bê tông xi măng cho các loại xe, máy nông nghiệp hoạt động gieo trồng và thu hoạch rau, mầu (đỗ, lạc, vừng, ngô, khoai…) trên diện tích 2 bãi sông. Và có thể ví 2 bãi sông Hồng như "2 miếng vàng" phù sa được che chắn bởi 2 con đê hiện tại, để có lưu vực lớn, hy vọng thoát được lưu lượng lũ lịch sử.
Mặt khác, khoảng cách rộng rãi giữa đôi bờ sông Hồng hiện tại đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng, trong lành, hiếm thủ đô nước nào trên thế giới có được. Cho nên từ bây giờ và mãi mãi, chúng ta cần giữ gìn khoảng cách tuyệt vời này.
Nguyễn Thành Lập
Nguồn : Một Thế Giới, 31/03/2017