Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

31/03/2017

Đừng mơ biến đôi bờ sông Hồng như sông Seine hay Tiền Đường

Nguyễn Thành Lập

Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).

songhong1

Sông Hồng đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng...

Cách đây khoảng 10 năm, với lý do "thiết thực chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long" và nhằm mục đích phát triển đô thị bền vững, Hà Nội lúc bấy giờ đã "hồ hởi" lập dự án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố vào cả phạm vi 2 bên (bãi) sông Hồng hiện tại với tổng diện tích đất bãi dự tính chiếm trên 10.500 ha, thuộc địa phận 5 quận, 4 huyện.

Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)… để biến Hà Nội, từ đô thị có nhà phố ở ngoài phạm vi 2 bãi sông Hồng (thành phố có sông ở trong hiện nay) thành đô thị có nhà phố ở trong phạm vi 2 bãi sông (thành phố ở trong 2 bãi sông Hồng) - thành phố "trong sông".

songhong2

Thành phố Mới Tiền Giang (bên phải) nằm về bờ bắc sông Tiền Đường ở Hàng Châu. Ảnh: Getty

Muốn biết ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng nêu trên có sáng suốt, tuyệt vời hay không, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu và so sánh sông Hồng với sông Seine.

Sông Hồng dài 1.149 km, có lưu lượng nước (Q=m3/s) rất lớn. Trong khi đó sông Seine chỉ dài 776 km, có lưu lượng nước trung bình, nên chẳng cần phải có 2 bên đê (2 con đê) như sông Hồng. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa 2 sông này.

Mô tả chi tiết sông Hồng bao gồm dòng sông, rồi đến phạm vi 2 bãi sông ở đôi bờ, được giới hạn, bao khoanh, án ngữ bởi 2 con đê. Diện tích lưu vực sông Hồng cũng được xác định bởi diện tích dòng sông, cộng với diện tích 2 bãi sông (được án ngữ bởi 2 con đê). Và từ đó xác định được lưu lượng (Q=m3/s) của sông.

Đặc biệt, đầu nguồn và thượng lưu sông Hồng có chiều dài 649 km, lại thuộc địa phận Trung Quốc. Thuộc địa phận nước Việt Nam ở cuối nguồn và phía hạ lưu sông chỉ có chiều dài 500 km.

Như vậy nước ta có hoàn toàn chủ động với những dự án công trình trị thủy sông Hồng, với tần suất lũ lịch sử theo tính toán lý thuyết tới 125 năm, hoặc tới 500 năm, thậm chí tới 700 năm được không ? Hay chỉ là chủ quan, duy ý chí, "đếm cua trong hang". Bởi vì nước ta chỉ là chủ của non nửa chiều dài con sông.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng việc tính toán lượng lũ về, xem có vượt quá khả năng, sức chứa của sông Hồng hiện tại (dự tính 1 tỉ m3 nước) là 1 bài toán khó (Báo Khoa học & Đời sống, số 36, ngày 24/3/2017).

songhong3

Du ngoạn trên sông Seine - Ảnh minh họa

Tương lai, nếu quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trong phạm vi 2 bãi sông Hồng, hậu quả lưu vực của sông sẽ bị thu hẹp, dẫn đến lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm thiểu, liệu có thể đáp ứng được lượng lũ lịch sử ? Hay những công trình, nhà phố này sẽ bị lũ (lịch sử) tràn ngập, với vận tốc tăng đột biến, phá hỏng ? Đấy là còn chưa kể đến tính mạng người dân sống trong những nhà phố này sẽ ra sao ?

Đã thế, lại có quan chức "sáng kiến, điếc không sợ súng" quá mạo hiểm, đang định cho lập dự án lấn chiếm đất 2 bãi sông, bằng cách phá 2 con đê cũ, đồng thời đắp xây 2 con đê mới, có thể ví như công trình "Vạn lý trường thành" ở Hà Nội. Chẳng hạn khoảng cách 2 con đê hiện tại, từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn có đoạn rộng nhất tới 3,5 km, nên nếu phá 2 con đê cũ để xây 2 con đê mới thì khoảng cách từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn chỉ còn rộng 1,5 km.

Tuy lấn chiếm được 2 km đất bãi xây dựng công trình, nhà phố nhưng như vậy, lưu vực sông Hồng sẽ càng bị thu hẹp hơn và lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm đi rất nhiều. Hậu quả khi lũ lịch sử xuất hiện, ai dám bảo đảm dòng nước lũ không tràn qua đê mới ? Sẽ có thể dẫn đến "tức nước vỡ bờ" (vỡ đê) cho dù đê mới xây bằng bê tông cốt thép.

Do đó, ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng không phải là thượng sách, nếu chưa muốn nói "coi Trời bằng vung". Chả lẽ với diện tích thủ đô Hà Nội hiện nay rộng 3.329 km2 (rộng gấp hơn 3 lần diện tích cũ) vẫn chưa đủ, để phải hạ sách quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng.

Tôi thiết nghĩ, quy hoạch kiến trúc xây dựng đôi bờ sông Hồng không thể giống sông Seine hay sông Tiền Đường. Tốt nhất chỉ nên quy hoạch xây dựng 1 số đường bê tông xi măng cho các loại xe, máy nông nghiệp hoạt động gieo trồng và thu hoạch rau, mầu (đỗ, lạc, vừng, ngô, khoai…) trên diện tích 2 bãi sông. Và có thể ví 2 bãi sông Hồng như "2 miếng vàng" phù sa được che chắn bởi 2 con đê hiện tại, để có lưu vực lớn, hy vọng thoát được lưu lượng lũ lịch sử.

Mặt khác, khoảng cách rộng rãi giữa đôi bờ sông Hồng hiện tại đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng, trong lành, hiếm thủ đô nước nào trên thế giới có được. Cho nên từ bây giờ và mãi mãi, chúng ta cần giữ gìn khoảng cách tuyệt vời này.

Nguyễn Thành Lập

Nguồn : Một Thế Giới, 31/03/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thành Lập
Read 845 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)