Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế lực thù địch là đây chứ còn đâu nữa

Hoàng Mai, VNTB, 18/08/2022

Nói theo thuyết âm mưu thì ông Dương Anh Đức đã bị giới tham mưu cố tình "thuốc" khiến ông có thể thân bại danh liệt về chuyện suýt chút nữa thì Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, và Việt Nam nói chung sẽ nổi danh trên toàn thế giới khi có một Herostratos mới giống như gã Herostratos đốt đền Artemis vào năm 356 trước Công nguyên, để được nổi tiếng và lưu danh trong lịch sử.

tranh1

Đừng vì ghét mặt thằng bố mà "khủng bố" thằng con. Ảnh minh họa ông Phạm Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở, đại diện Sở Văn hóa và thể thao. Ảnh : Nguyễn Trà

Tại buổi họp báo chiều 17/8, ông Phạm Văn Dũng – chánh thanh tra Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh – khẳng định : "Bùi Chát vẽ thể loại tranh trừu tượng, sơn dầu có tính chất thương mại thì phải xin giấy phép. Trong quá trình kiểm tra, lập biên bản hành chính vào ngày 25/7 về hành vi tổ chức triển lãm không có giấy phép, sở có nhận thức rất lớn về việc tự do sáng tạo của nghệ sĩ và rất trân trọng.

Về nguyên tắc làm việc, nếu cứng nhắc sẽ thu giữ tang chứng. Nhưng vì trân trọng sáng tạo của nghệ sĩ nên chúng tôi không thu giữ, mà chỉ chụp hình tang vật và lập biên bản. Nhận định của chúng tôi là áp dụng pháp luật có lý, có tình, có lợi nhất. Trong quá trình làm việc với ông Bùi Quang Viễn (Bùi Chát), chúng tôi cũng rất cầu thị".

tranh2

Liên quan quyết định tiêu hủy tranh được ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký ban hành theo chức trách, đã được ông Phạm Văn Dũng giải thích như sau : "Hiện nay chưa quy định cụ thể tiêu hủy như thế nào, có phải đốt hay không. Câu chữ trong biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào thì chúng tôi viết như thế, chứ từ trước đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Sở chưa từng xử lý hành vi này. Thông thường lực lượng kiểm tra phải thu giữ tang vật và trong vòng 10 ngày phải mời đối tượng lên chứng kiến tiêu hủy.

Tuy nhiên, nhận thấy trong trường hợp này, nội dung tranh chưa vi phạm điều cấm nên chúng tôi tạo điều kiện, chỉ lập biên bản và giao tranh cho họa sĩ xử lý. Về mặt áp dụng pháp luật thì phải ghi, nhưng trong thực tế có sự khác nhau giữa các chủ thể. Cá nhân tự tiêu hủy, chứ pháp luật chưa quy định cơ chế giám sát công việc này. Sở cũng kiến nghị nếu nội dung chưa đến mức vi phạm theo nghị định 38 thì không nên áp dụng quy định tiêu hủy".

Thật ra thì "tham mưu" ở trên rất có thể căn cứ từ tiền lệ của phim Ròm.

Chiều 14/10/2019, Thanh tra Bộ Văn hóa và thể thao đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất bộ phim Ròm là Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm).

Lý do phạt là nhà sản xuất đã phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến. Cụ thể, nhà sản xuất đã gửi Ròm tham dự Liên hoan phim Busan khi chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến.

Sau khi Cục Điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất phải rút phim về nhưng nhà sản xuất vẫn tiếp tục tham dự Liên hoan phim Busan nên bị tính là tình tiết tăng nặng. Theo quyết định xử phạt của thanh tra bộ, nhà sản xuất Ròm phải nộp phạt hành chính 40 triệu đồng.

Trong quyết định, thanh tra bộ yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm, tức bản phim gửi tham gia liên hoan phim, và yêu cầu trong vòng 10 ngày nhà sản xuất phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Nếu hiểu theo quyết định xử phạt hành chính của thanh tra bộ với Ròm, vật dụng lưu trữ bộ phim Ròm (có thể là ổ cứng) mà nhà sản xuất phim gửi tới liên hoan phim Busan sẽ phải bị tiêu hủy.

Oái oăm ở chỗ là Ròm được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 trong ba ngày 4, 9 và 10-10 với kết quả đạt được là Ròm đoạt giải cao nhất – giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.

Tuy nhiên với vụ triển lãm tranh thì cả 29 bức của tác giả Bùi Chát đều là "độc bản", nếu mai này một phiên bản chép lại nào đó trong số 29 bức này có giải thưởng, vậy thì có phải là một vụ việc đã không cách gì có thể "khắc phục hậu quả" ?

Trở lại với ông Dương Anh Đức.

tranh3

Ngày 27/03/2020, ông Dương Anh Đức được bầu làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách mảng văn hóa – xã hội

Lý lịch trích ngang về đường hoạn lộ của ông Dương Anh Đức, như sau : Tháng 4/2007, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tháng 11/2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo bổ nhiệm ông làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông giữ chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7/2017, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 16/9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định ông làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (Thành ủy viên) khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 27/3/2020, tại phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã giới thiệu ông để Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bầu chức danh Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách mảng văn hóa – xã hội. Sau khi các đại biểu bỏ phiếu bầu đạt tỷ lệ 89%.

Ông Dương Anh Đức sinh năm 1968, tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ông có học hàm : Phó Giáo sư, Tiến sĩ Công nghệ thông tin.

Với hàng loạt vị trí từng trải như kể trên thì đúng là trong vụ việc về triển lãm tranh của họa sĩ Bùi Chát, cho thấy chỉ có thể giải thích là thế lực thù địch ngấm ngầm nào đó ngay trong bộ máy công quyền của thành phố này đang tìm cách triệt ngài phó chủ tịch đến mức thân bại danh liệt.

Xin được chứng minh bằng một hoài nghi về pháp luật hẳn hòi, đó là 29 bức tranh không hề có gì bất thường, thì việc không-xin-phép đối với việc triển lãm, cũng là nghị định 38 ngày 29/3/2021 của Chính phủ, vì sao không áp dụng Điều 17 (Mục 4) "Vi phạm quy định về hoạt động mỹ thuật", ở điểm b "không làm lại thủ tục xin cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật theo quy định", thay vì Điều 19 "Vi phạm quy định về hoạt động triển lãm", lại áp dụng thêm "biện pháp khắc phục hậu quả", vì thực chất, hậu quả của nó là gì – chẳng có gì cả với hành vi không-giấy-phép kia – đã phải mất toi 25 triệu bạc tiền đóng phạt.

Lưu ý tại họp báo hôm chiều 17/8, vị Chánh thanh tra Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết điều 17 áp dụng mức biện pháp khắc phục bổ sung là tiêu hủy tác phẩm nên để "hợp tình, hợp lý hơn", cho họa sĩ một mức phạt nhẹ hơn, sở đã vận dụng điều 19, phạt tiền 20 – 30 triệu đồng.

"Mà sao đã nhân từ hạ giá từ mức 30 – 40 triệu xuống còn 25 triệu, tức dưới 50 triệu mà vẫn "ép dầu" ông phó chủ tịch ký tá chi zậy, tầm 25 triệu, theo điều 28 thì thuộc cấp chủ tịch UBND huyện thôi đấy, anh sở ạ. Vậy thì đây là thế lực thù địch chứ còn đâu nữa…" – một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, nhận xét.

Hoàng Mai,

Nguồn : VNTB, 18/08/2022

**************************

Lệnh tiêu hủy tranh có phải là dấu hiệu của vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 18/08/2022

Họ thay thế tòa án, thay thế cơ quan điều tra, tự cho mình quyền hủy hoại tài sản riêng của một nghệ sĩ.

tranh4

Từ 15/7/2022 đến 30/7/2022, ông Bùi Quang Viễn tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Improvisation (tạm dịch :Ứng tác) giới thiệu tới công chúng 29 bức tranh nhưng không xin phép

Giới hội họa Việt Nam nhận một tin được cho là ‘chưa có tiền lệ’ từ năm 1975 tới nay : 29 bức tranh trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station của họa sĩ Bùi Chát vừa có lệnh phải tiêu hủy, và rồi trước phản ứng của công luận, phía nhà chức trách nói thêm rằng đó là chuyện "tự xử lý" của tác giả.

Trước hết, tiêu hủy tranh còn vi phạm đến quyền tài sản của người sở hữu số tranh bị tiêu hủy đó ; và ở đây còn có quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, tức họa sĩ Bùi Chát.

Nói đến quyền sở hữu trí tuệ là nói đến sự công nhận từ phía nhà nước đối với một quyền dân sự là quyền nhân thân, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân đối với tài sản sở hữu trí tuệ nhất định và có chế độ bảo vệ tài sản đó như bất kỳ tài sản nào khác.

Do vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì biện pháp dân sự thường được áp dụng trước tiên để giải quyết. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự đã và đang rất được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới, do đây là biện pháp có nhiều ưu điểm mà pháp luật về sở hữu trí tuệ cần đề cao. Với tư cách là một quyền dân sự cần phải được bảo vệ bằng nhiều biện pháp trong đó cần chú trọng biện pháp dân sự.

Theo pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ là chế định trong pháp luật dân sự, là lĩnh vực thuộc quan hệ pháp luật dân sự, trong đó các yếu tố cấu thành bao gồm chủ thể, khách thể và nội dung.

Quyền sở hữu trí tuệ là một phạm trù pháp lý trong quyền sở hữu nói chung, do vậy, giống như các quyền dân sự khác, quyền sở hữu trí tuệ cũng bao gồm các nhóm quy phạm liên quan đến các hình thức sở hữu, căn cứ phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu, cách thức, biện pháp chuyển quyền sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, trong đó, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng.

Với cách hiểu từ lập luận trên của lý thuyết về quyền sở hữu trí tuệ, cho thấy quyết định hành chính buộc họa sĩ Bùi Chát phải tiêu hủy 29 bức tranh mà ông sáng tác với lý do là "triển lãm không giấy phép", điều đó cho thấy nhà chức trách ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ngang nhiên cho mình cái quyền xâm phạm về quyền sở hữu, trong đó có sở hữu trí tuệ.

Rất có thể một tiền lệ xấu xí đang bắt đầu từ chính quyền của đô thị từng được vinh danh là "hòn ngọc viễn đông", đó là, "Tôi lấy ví dụ một người từ nước ngoài về mang theo bộ sưu tập tranh Đông Dương quý, và mở triển lãm tại nhà, vì không biết thủ tục nên không xin phép. Không lẽ chính quyền đến xử phạt, lập biên bản, rồi tiêu hủy toàn bộ tranh ? Trong khi đó tranh đó có thể được xem là quốc bảo, và giá có thể tới vài chục triệu đô-la ?

Họ không quan tâm đến nội dung tranh là gì, giá trị ra sao, mà chỉ quan tâm đến hình thức là xử phạt. Tôi cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Về văn hóa, đây là một hình thức hủy hoại tương lai văn hóa, gây tội ác cho văn hóa" – họa sĩ Bùi Chát, ý kiến.

Một liên tưởng về "Hào" của họa sĩ Dương Bích Liên (1924 – 1988).

Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam : Nghiêm, Liên, Sáng, Phái. Lịch sử hội họa Việt Nam cho biết, giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên là vào thập niên 70. Trong thời gian này, ông đã gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng sớm bị loại, như bức "Hào" và bức "Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân".

Riêng bức thứ 2, sau khi bị loại, người ta không còn thấy tăm tích tác phẩm này nữa. Bức tranh mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khu Việt Bắc. Lý do bức tranh bị loại là họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện.

Nguồn tin hành lang cho biết hồi ấy, họa sĩ Dương Bích Liên đã phải chịu sự "sinh hoạt tư tưởng" vì là tác giả của hai bức tranh trên, may mắn là khi đó không có lệnh "tiêu hủy" được ban ra nên giờ mới có chuyện bức "Hào" của danh họa Dương Bích Liên, hiện trong bộ sưu tập của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, chủ của Gallery Apricot nổi tiếng ở phố Hàng Gai, Hà Nội.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 18/08/2022

*************************

Vụ buộc tiêu hủy tranh ‘dậy sóng' dư luận, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh họp báo ‘khẩn’, nói gì ?

Công Sơn, Thanh Niên online, 17/08/2022

"Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi muốn lắng nghe từ mọi phía nên tổ chức cuộc gặp gỡ này", Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam mở đầu cuộc họp báo, quanh vụ việc buộc tiêu hủy tranh triển lãm không phép đang "dậy sóng" dư luận.

tranh5

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc buổi họp báo.

Chiều 17/8 tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo "khẩn" để cung cấp những thông tin chính thức một số nội dung về quyết định xử phạt hành chính đối với ông Bùi Quang Viễn (Bùi Chát, sinh năm 1979), một cá nhân tự tổ chức triển lãm tranh không xin phép tại phòng tranh Alpha Art Station (số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Tham dự có ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhắc lại tinh thần cầu thị và lắng nghe dư luận của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Dũng cho biết: "Về nguyên tắc trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện những vi phạm thì về nguyên tắc phải tạm giữ tang vật. Tuy nhiên, xét thấy các bức tranh trừu tượng của họa sĩ Bùi Quang Viễn có nội dung chưa vi phạm điều cấm gì nghiêm trọng, chỉ có triển lãm là không xin phép nên chúng tôi tiến hành lập biên bản và chụp ảnh hiện vật lập hồ sơ. Quá trình xử lý, do hiện nay theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc tổ chức triển lãm không giấy phép sẽ bị phạt tiền nhưng quy định Chánh Thanh tra chỉ được xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng, còn hành vi vi phạm của ông Bùi Quang Viễn từ 20 - 30 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên chúng tôi kiến nghị xử lý. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, điều 19 còn quy định rõ biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm nên chúng tôi đề xuất đưa nội dung này vào quyết định xử phạt. Vì Nghị định 38 có nêu rõ ‘buộc tiêu hủy tang vật vi phạm’, vì vậy phải tuân thủ theo quy định chứ không thể khác được".

Cũng theo giải thích của ông Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Dũng thì đối với triển lãm không phép của Bùi Quang Viễn, hiện quyết định xử phạt hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh buộc tiêu hủy tang vật vi phạm vẫn có hiệu lực.

"Chúng tôi áp dụng xử phạt rất đúng luật, xử lý thận trọng, có tình, có lý vụ việc này. Vì nếu áp dụng theo điều 17 'buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm' thì số tiền phạt lên đến 30 - 40 triệu đồng, nên chúng tôi cân nhắc dữ lắm. Trong quá trình làm việc với Thanh tra, ông Bùi Quang Viễn cũng nhận ra cái sai của mình và cam kết xin phép cho những lần tổ chức sau. Vì thế mà anh em mới không tạm giữ tang vật mà để họa sĩ tự xử lý…", Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Dũng cho biết.

Nói về hiệu lực thi hành quyết định xử phạt của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, vị đại diện Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo quy định là 10 ngày kể từ ngày ký. "Tuy nhiên hình thức tiêu hủy là đốt hay bỏ bức tranh đi như thế nào thì vẫn chưa có quy định chi tiết. Từ trước đến nay, Sở Văn hóa và thể thao cũng chưa xử lý gì về nội dung này mà giao cho cá nhân vi phạm tự thực hiện", ông nói thêm.

Trước những mâu thuẫn trên, mới đây Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh có công văn khẩn gửi Bộ Văn hóa và thể thao-DL nhằm góp ý cho Nghị định 38/2021, trong đó đề nghị hủy bỏ quy định buộc tiêu hủy tang vật với hành vi tổ chức triển lãm mỹ thuật và trại sáng tác điêu khắc không có giấy phép. Theo chính quyền thành phố, quy định này chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian chờ luật sửa đổi, sự việc vẫn được giải quyết theo luật hiện hành.

Tóm lược vụ việc

Từ 15/7/2022 - 30/7/2022 ông Bùi Quang Viễn tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Improvisation (tạm dịch: Ứng tác) giới thiệu tới công chúng 29 bức tranh nhưng không xin phép. Đến 19 giờ 30 phút ngày 22/7/2022, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra. Khi đó, ông Viễn thừa nhận chưa xin giấy phép. Phía đoàn thanh tra không phát hiện bất thường về nội dung và không giữ tang vật. Đến ngày 9/8/2022, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định số 2696/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Quang Viễn (sinh năm 1979). Theo quyết định này, ông Bùi Quang Viễn bị xử phạt vì: "Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại phòng tranh Alpha Art Station địa chỉ số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh mà không có giấy phép theo quy định. Ông Bùi Quang Viễn bị xử phạt hành chính với số tiền là 25 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, ông Bùi Quang Viễn bị yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh đã triển lãm theo quy định tại điểm c khoản 8 điều 19 theo Nghị định này.

*************************

Họa sĩ Bùi Chát bị đánh nguội ?

Cát Tường, VNTB, 16/08/2022

"Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri".

tranh6

Dư luận đang chú ý về việc họa sĩ Bùi Quang Viễn tức Bùi Chát bị xử phạt hành chính và bị buộc phải tiêu hủy 29 bức tranh triển lãm theo quyết định 2696/QĐ-XPHC ngày 08/08/2022 của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giới hoạt động xã hội dân sự thì Bùi Chát là một trong những người chủ trương nhà xuất bản tự do mang tên "Giấy Vụn" ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4/2011, ông Bùi Chát sang thành phố Buenos Aires của Argentina để nhận giải thưởng Xuất bản Tự do năm 2011 do Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế, IPA trao tặng, nhân hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 tổ chức tại đó.

Khi về lại quê nhà, ông Bùi Chát đã gặp trở ngại với công an và hải quan tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Nhiều nguồn tin cho biết sở dĩ ông Bùi Chát phải đối mặt với ngành an ninh vì trong diễn từ nhận giải, ông Bùi Chát đã có ý phản kháng chính trị : "Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lý và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.

Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình".

tranh5

Mới đây ông Bùi Chát đã tổ chức trưng bày tranh do mình vẽ. Nhiều thân hữu, bè bạn trong giới xã hội dân sự đã đến thưởng lãm, ủng hộ, khích lệ Bùi Chát khi bước vào lãnh vực sáng tác hội họa.

Tuy nhiên với "án trảm tiêu hủy" mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ban hành đối với các bức tranh triển lãm của ông Bùi Chát, cho thấy đây có thể là kết quả về những phản kháng chính trị mà ông đã mượn màu sắc hội họa được thể hiện.

Họa sĩ Đỗ Trung Quân bày tỏ bức xúc khi chính quyền đã quản trị thiếu tôn trọng pháp luật : Tôi thấy nổi lên các nội dung chính như sau, quyết định 2696 cho rằng ông Bùi Quang Viễn vi phạm Khoản 4 Điều 19 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 là "Tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại Phòng Tranh Alpha Art Station, địa chỉ số 271/5 đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh mà không có giấy phép theo quy định".

Mức xử phạt bằng tiền là 25 triệu đồng theo Khoản 4 Điều 19 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định".

Biện pháp khắc phục hậu quả : "Buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh triển lãm…", theo quy định tại Điểm c Khoản 8 Điều 19 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, "Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 và Điểm a Khoản 5 Điều này (Điều 19)

tranh0

Mới nhìn qua các nội dung nêu ở các mục nêu trên chúng ta dễ thấy quyết định 2696 là chính xác nhưng theo thiển ý có thể đã có nhầm lẫn rất đáng tiếc. Đó là các cơ quan tham mưu ở đây có vai trò chính là Sở Văn hóa có thể đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc này, cụ thể họ có lẽ đã nhầm lẫn khi áp dụng Điều 19 – Nghị định 38/2021/NĐ-CP "Vi phạm quy định về hoạt động triển lãm".

Thật vậy ngay bản thân Khoản 9 Điều 19 Nghị định 38 đã nêu rõ "Hành vi quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này (Điều 19) không áp dụng đối với triển lãm quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ quy định hoạt động triển lãm".

Vậy Khoản 2 – Điều 1 Nghị định 23/2019/NĐ-CP có nội dung gì ? "Khoản 2.  Nghị định này không điều chỉnh : a) Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh ; b) Các triển lãm xuất bản phẩm, bảo vật cổ vật; triển lãm thuộc hệ thống bảo tang ; c) Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội quốc gia theo quyết định của Thủ tướng chính phủ ; d) Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội của địa phương theo quyết định của UBND tỉnh/thành phố ; đ) Hoạt động trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại trụ sở của tổ chức hoặc tại nhà riêng của cá nhân trong các hoạt động mang tính chất nội bộ".

Như vậy, nếu quản lý theo luật, thì ở đây chỉ có thể giải thích rằng nguyên do đến từ họa sĩ Bùi Quang Viễn chính là Bùi Chát – một trong những người chủ trương nhà xuất bản tự do mang tên "Giấy Vụn" ở Thành phố Hồ Chí Minh, nên giờ ông bị "đánh nguội", vậy thôi (!?)

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 16/08/2022

Additional Info

  • Author Hoàng Mai, Trần Dzạ Dzũng, Lê Công Sơn, Cát Tường
Published in Văn hóa

Họa sĩ Bùi Chát : Vì sao 29 bức tranh bị buộc phải tiêu hủy ?

Mỹ Hằng, BBC, 17/08/2022

Giới hội họa Việt Nam vừa nhận một tin được cho là 'chưa có tiền lệ' từ năm 1975 tới nay : 29 bức tranh trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station của họa sĩ Bùi Chát vừa có lệnh phải tiêu hủy.

tranh1

Họa sĩ, nhà thơ Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Cùng với đó, họa sĩ Bùi Chát bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và lập biên bản xử phạt 25 triệu đồng.

Quyết định xử phạt này do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký, với lý do triển lãm 'không xin phép', dựa theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt ngày 16/8, họa sĩ Bùi Chát xác nhận sự việc nói trên và cho biết ông 'sốc', 'choáng váng vì không ngờ' khi được tin phải tiêu hủy tranh.

tranh2

Một số tác phẩm của họa sĩ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Theo họa sĩ Bùi Chát, khoảng 4-5 ngày sau khai mạc triển lãm, "có một nhóm gọi là đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa giữa An ninh Văn hóa và Sở Văn hóa Thể thao, đến kiểm tra", sau đó hơn ba tuần sau họ ra biên bản xử phạt hành chính.

Đồng thời, biên bản này yêu cầu họa sĩ Bùi Chát phải 'khắc phục hậu quả' bằng cách tiêu hủy toàn bộ 29 tranh trong triển lãm.

'Đánh thức tự do' và 'Mở miệng'

Bùi Chát được biết đến từ lâu là nhà thơ, nhưng ông đã vẽ tranh được 10 năm nay, và đây là triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ của ông.

tranh3

Một số tác phẩm của họa sĩ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Huỳnh Lê Nhật Tấn trong một bài viết mới đây trên BBC khen tranh Bùi Chát 'đánh thức sự tự do'.

Ngoài vẽ tranh, làm thơ, Bùi Chát là thủ lĩnh nhóm Mở Miệng, đã hoạt động khoảng 20 năm cùng với một số nhà thơ khác như Lý Đợi, "đưa ra một lối thơ khác, không giống thơ 'định hướng' theo quan điểm của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của Đảng Cộng sản hoặc Hội Nhà văn Việt Nam".

Nhóm Mở Miệng cũng cho ra đời NXB Giấy Vụn, và một số hoạt động khác.

Có phải vì 'đánh thức tự do' và 'mở miệng' mà nay Bùi Chát bị xử phạt và tranh bị tiêu hủy ?

tranh4

Khách tới thưởng thức tranh của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Họa sĩ Bùi Chát nói không có đủ căn cứ để phủ nhận hoặc khẳng định việc này, dù ông cho hay trong suốt 10 năm qua đã bị chính quyền cấm xuất cảnh.

'Tôi cũng thường xuyên bị gây khó dễ trong kinh doanh làm ăn, thuê nhà cũng không ai dám cho thuê vì bị quấy nhiễu', Bùi Chát nói với BBC.

Nói về nội dung tranh trong triển lãm, Bùi Chát nói tranh của ông "phần lớn là trừu tượng" và ông 'không đưa ý đồ cụ thể gì vào tác phẩm mà chỉ là nghệ thuật thuần túy'.

"Tôi không có quyền nói thay tác phẩm. Người xem mỗi người tự cảm nhận, diễn giải tranh theo cách của mình. Ai nói nó có ý đồ chính trị thì cứ để họ chứng minh", Bùi Chát nói.

'Nghiêm trọng, chưa có tiền lệ' ?

Về hình thức xử lý của cơ quan chức năng, họa sĩ Bùi Chát nói :

"Trên nguyên tắc của luật pháp, sai phạm gây hậu quả thế nào thì khắc phục hậu quả đến đó. Một triển lãm nghệ thuật chỉ có thể gây hiệu quả chứ không thể gây hậu quả được, cho nên không thể khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy hết tranh".

tranh5

Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Ông Bùi Chát cho rằng về mặt áp dụng luật, cơ quan chức năng có thể không sai. Tuy nhiên Nghị định 38/2021 có khả năng vi hiến và đi ngược lại các nguyên tắc về quyền con người.

Ông cũng nói hành động tiêu hủy tranh còn vi phạm đến quyền tài sản của người khác.

"Tôi lấy ví dụ một người từ nước ngoài về mang theo bộ sưu tập tranh Đông Dương quý, và mở triển lãm tại nhà, vì không biết thủ tục nên không xin phép.

"Không lẽ chính quyền đến xử phạt, lập biên bản, rồi tiêu hủy toàn bộ tranh ? Trong khi đó tranh đó có thể được xem là quốc bảo và giá có thể tới vài chục triệu đô la".

"Họ không quan tâm đến nội dung tranh là gì, giá trị ra sao, mà chỉ quan tâm đến hình thức là xử phạt. Tôi cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng.

"Về văn hóa, đây là một hình thức hủy hoại tương lai văn hóa, gây tội ác cho văn hóa.

tranh6

Một số tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

"Họ không quan tâm sau này các tác phẩm có thể có giá trị như thế nào. Có thể 10 năm sau các tác phẩm này sẽ được đánh giá về giá trị ở một mức độ khác. Họ không hiểu được điều đó.

"Nếu các tác phẩm này bị tiêu hủy, sẽ tạo ra vết nhơ trong chính quyền và vết nhơ cho văn hóa Việt Nam.

"Chưa bao giờ ở Việt Nam có trường hợp họa sĩ triển lãm tranh vì không xin phép mà mang ra tiêu hủy", họa sĩ Bùi Chát nói với BBC.

Ông Bùi Chát cũng cho hay sẽ khởi kiện và "bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng".

tranh7

Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Ý kiến từ giới họa sĩ, nghệ sĩ

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện nói :

"Việc nhà thơ Bùi Chát bị lập biên bản và xử phạt cho cuộc triển lãm tranh của anh là điều khá bất ngờ.

"Đây là một vụ việc chưa có tiền lệ. Nếu dựa vào nghị định 38 để vừa phạt Bùi Chát 25 triệu và buộc tiêu hủy tang vật gọi là để "khắc phục hậu quả", tôi e rằng có điều gì quá đáng ở đây.

"Chỉ vì lý do cuộc triển lãm không xin phép, mà nhà nước đưa ra mức hình phạt như thế, khiến người ta có thể đặt câu hỏi : liệu những tác phẩm trong triển lãm đó "có vấn đề" ?

"29 tác phẩm trừu tượng có thể suy diễn về nội dung của nó một cách tùy tiện chăng ?

"Tôi không nghĩ tranh của Bùi Chát mang một nội hàm chính trị hay thái độ chính trị nào. Có lẽ chúng ta cũng cần lưu ý, Bùi Chát vốn là một nhà thơ, và việc vẽ tranh của anh theo lối trừu tượng là điều mà chúng ta có thể hiểu như một hứng thú hơn là một họa sĩ chuyên nghiệp.

"Vì thế, việc xử phạt anh 25 triệu cho một niềm vui đã là quá đáng, huống chi còn buộc tiêu hủy tác phẩm như một "tang vật" của hành vi sai trái, thì tôi tin chắc rằng vụ việc việc này sẽ trở thành một sự kiện mang tính lịch sử cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

"Tôi xin nói thêm, việc lập biên bản đã diễn ra sau 3-4 ngày phòng tranh khai mạc, và cuộc triển lãm đã kết thúc vào ngày 30/7, nhưng đến ngày 9/8 Bùi Chát mới được thông báo đến nhận quyết định xử phạt. Đây cũng là một vấn đề.

Trên Facebook cá nhân, nhà thơ Đỗ Trung Quân chỉ ra rằng Nghị định 38 không áp dụng đối với triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh hay hoạt động trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại trụ sở của tổ chức hoặc tại nhà riêng của cá nhân trong các hoạt động mang tính chất nội bộ.

"Tóm lại theo thiển ý thì với hành vi được cho là 'triển lãm không có giấy phép' 29 bức tranh của họa sĩ Bùi Chát, không thể bị xử phạt tiêu hủy theo quy định của pháp luật hiện hành", họa sĩ Đỗ Trung Quân viết.

Nhà thơ Lý Đợi viết trên Facebook cá nhân :

"Xíu nữa là mất bảo vật quốc gia.

Nếu áp dụng theo cái quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Chát ngày 9/8/2022 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thì Việt Nam trong quá khứ có nguy cơ mất nhiều Bảo vật quốc gia.

Quyết định vừa nêu buộc Bùi Chát phải "tiêu hủy 29 bức tranh", vì "tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép".

Nhìn lại lịch sử. Ví dụ bức tranh "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của Nguyễn Sáng, được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt 2 (năm 2013). Bức này từng không được cấp phép triển lãm và vài lần lén triển lãm không có giấy phép. Rất may nó không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì đâu còn để mà nửa thế kỷ sau công nhận Bảo vật quốc gia.

Hoặc như bức "Hào" của Dương Bích Liên, vài lần bị cấm, tác giả bị mời viết kiểm thảo nhiều lần. Nhưng cũng rất may là không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì Dương Bích Liên và mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã mất đi một kiệt tác.

Còn nếu nói Bùi Chát từng bị "sổ đen" nên dẫn đến buộc phải tiêu hủy tranh, thì càng khiên cưỡng, vô lý. Vì trong quá khứ, các thành viên trực tiếp và gián tiếp của Nhân văn - Giai phẩm đều thuộc "sổ đen" hoặc "sổ rất đen", vậy mà sau này thì sao ?

Đa số tác phẩm của họ được tái xuất hiện, nhiều người còn được đặt tên đường, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải quốc gia… Nếu trong quá khứ cũng áp dụng tiêu hủy tác phẩm, thì việc trao giải sau này còn ý nghĩa gì, khi mà tác phẩm không còn nữa".

Một lãnh đạo của Hội Mỹ thuật Việt Nam (tạm giấu tên) nói rằng quyết định tiêu hủy tranh là chưa có tiền lệ tại Việt Nam kể từ 1975 đến nay.

Từ vài cứ liệu lịch sử như vừa nêu, có thể thấy rằng cái quyết định mà Bùi Chat đang đối diện là một quyết định làm thụt lùi sự văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ mà cả nền hành chính đang hướng tới.

Nó cũng làm xấu đi hình ảnh xã hội pháp quyền, muốn thượng tôn pháp luật mà Việt Nam đang nỗ lực để có được".

Họa sĩ Lương Lưu Biên viết trên Facebook cá nhân :

"Kiểm duyệt ! Tiêu hủy 29 bức tranh" trong triển lãm của Bùi Chát (đã kết thúc triển lãm).

Nếu không có nhầm lẫn gì thì đây là một quyết định xử phạt không phép đáng kinh ngạc. Tranh trừu tượng thì có nội dung gì để suy diễn các kiểu nhỉ ?

"Xưa nay chỉ cấm treo nay thì tới tiêu hủy luôn. Thật không thể chấp nhận được !".

Mỹ Hằng

Người BBC, 17/08/2022

****************************

Thành phố Hồ Chí Minh : Chính quyền quyết định tiêu hủy tranh, phạt tiền họa sĩ vì tổ chức triển lãm không phép

RFA, 16/08/2022

Thành phố Hồ Chí Minh : Chính quyền quyết định tiêu hủy tranh, phạt tiền họa sĩ vì tổ chức triển lãm không phép

tranh1

Họa sĩ Bùi Quang Viễn và thông báo về buổi triển lãm tranh - FB Bui Quang Vien

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 8 ra quyết định xử phạt hành chính đối với họa sĩ Bùi Quang Viễn, với lý do ông này tổ chức triển lãm tranh mà không xin phép. 

Ông Viễn trước làm thơ và có bút hiệu là Bùi Chát, tổ chức triển lãm tranh trừu tượng trong 15 ngày và đã kết thúc từ ngày 30 tháng 7, tại phòng tranh Alpha Art Station ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Điều đáng chú ý là ngoài việc đưa ra mức xử phạt 25 triệu đồng , chính quyền còn yêu cầu họa sĩ "khắc phục hậu quả" bằng cách tiêu hủy toàn bộ 29 bức tranh được trưng bày trong cuộc triển lãm. 

Trong quyết định xử phạt được ký bởi ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, còn nêu rõ nếu vị họa sĩ không chấp hành việc tiêu hủy thì sẽ bị cưỡng chế, ngoài ra còn phải đóng tiền lời nếu chậm trễ nộp phạt hành chính. 

Thông tin trên gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, bởi đây là lần đầu tiên có chuyện một họa sĩ bị ép tiêu hủy tác phẩm của mình chỉ vì tổ chức triển lãm không có giấy phép. 

Điều đáng chú ý là các tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Viễn thuộc trường phái tranh trừu tượng, chứ không phải các tác phẩm khỏa thân, hay hàm chứa các nội dung chống nhà nước. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, vị họa sĩ này cho biết ông cảm thấy "choáng váng" khi biết tin mình bị xử phạt phải tiêu hủy tranh:

"Cái cảm nhận của tôi thì nó hoàn toàn choáng váng, quá bất ngờ, mình không thể tưởng tượng được. Mình biết là sẽ xử phạt tại vì họ lập một cái ban kiểm tra cỡ 15, 16 người. Họ đến họ kiểm tra và họ lập biên bản mình không xin giấy phép. Sau đó thì họ mời tôi lên làm việc. 

Tôi cũng thừa nhận là tôi không xin giấy phép. Tôi cũng nói với họ là ai làm việc đó thôi, nếu họ thấy cần thiết xử phạt thì họ cứ xử phạt. Thì tôi cũng nghĩ là họ sẽ xử phạt thôi, đại khái là bao nhiêu tiền ở trong cái khung. 

Nhưng mà mình hoàn toàn bất ngờ khi biết là trong cái quyết định xử phạt đấy bao gồm cái yêu cầu khắc phục hậu quả, là tiêu hủy toàn bộ tranh. Hoàn toàn bất ngờ, hoàn toàn gây sốc. Tôi không có từ diễn tả".

Về lý do không có giấy phép thì ông Viễn cho biết do quá bận để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, nên không suy nghĩ đến việc xin giấy phép. Bản thân ông cũng không có ý niệm là phải xin giấy phép cho cuộc triển lãm tranh của mình. 

Vị họa sĩ này cũng nêu ra thắc mắc là tại sao có nhiều cuộc triển lãm tranh diễn ra mà không cần có giấy phép và không gặp phải vấn đề gì, nhưng đến lượt cuộc triển lãm của ông thì lại bị phạt. 

"Từ trước đến nay, khoảng một năm nay, thậm chí là đã có nhiều vụ đã diễn ra song song với triển lãm của tôi hoặc trước đó một ít, thì gần như toàn bộ các gallery nhỏ ở Sài Gòn mà mình biết thì không có xin phép. 

Vẫn diễn ra bình thường không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng mà khi triển lãm của tôi diễn ra không xin phép thì họ xử lý". 

Năm 2011, ông Bùi Quang Viễn còn được biết đến với bút danh Bùi Chát trong sáng tác thơ được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải Tự do Xuất bản 2011, tuy nhiên khi ông này đến thủ đô của Argentina để nhận giải và trở về nước thì bị cơ quan an ninh câu lưu thẩm vấn mất hai ngày.

Ông từng phải làm việc với cơ quan an ninh văn hóa nhiều lần vì các sáng tác thơ của mình, nhưng chưa từng bị xử phạt. Và ông cũng không rõ liệu quyết định xử phạt lần này là vì phía chính quyền có thành kiến với ông hay không. 

Kiểm duyệt văn hóa không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, trên thực tế quốc gia do Đảng cộng sản lãnh đạo này có hệ thống kiểm duyệt đồ sộ và ngặt nghèo, thế nhưng theo nhiều người thì kiểm duyệt tranh lại là vấn đề mới. 

Trao đổi với đài RFA, giáo sư Hoàng Dũng, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, cho biết quyết định xử phạt mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra là một "bước lùi" :

"Việt Nam thì nổi tiếng về cái chuyện tiêu hủy sách vở rồi. Thế nhưng mà đây là lần đầu tiên "phần họa". Xưa nay tôi chưa hề biết cái vụ xử phạt do triển lãm tranh mà lại kèm theo cái yêu cầu tiêu hủy tranh, lần đầu tiên tôi biết cái đó.

Nói trắng ra thì đây là một bước lùi trong quản lý văn hóa. Tôi tin rằng bất cứ ai có cái lương tri bình thường, sẽ cảm thấy sốc trước quyết định như thế".

Giáo sư Hoàng Dũng cũng lo ngại rằng đây là tiền lệ "đáng lo" bởi sau này có khả năng các cuộc triển lãm tranh khác cũng sẽ gặp phải số phận tương tự. 

Nội dung của quyết định xử phạt là vậy, còn họa sĩ Bùi Quang Viễn thì cho rằng ông sẽ đấu tranh để bảo vệ tác phẩm của mình, chứ sẽ không dễ dàng từ bỏ :

"Trong chính cái quyết định xử phạt này họ nói mình có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, cho nên chắc chắn vì quyền lợi của tôi thì tôi phải trao đổi với luật sư, và phải tiến hành cái thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ còn không thể nào lại tự tiêu hủy tác phẩm của mình được".

Ông cũng cho biết đại đa số khách tới xem triển lãm đều khen các tác phẩm, và bản thân các thành viên của Ban kiểm tra cũng khen tranh của ông đẹp. Nhưng không hiểu vì sao lại đòi áp dụng kiểm soát cực đoan như vậy. 

Hồi tháng 5, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng cuộc triển lãm "hội họa Điện Biên Phủ" của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc nhằm ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Lý do theo một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội, từng tham gia trong thành phần duyệt triển lãm này, nói với báo Tuổi trẻ cho rằng "lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu".

Nguồn : RFA, 16/08/2022

***********************

Xử phạt vì triển lãm không phép

Ngoài xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì tổ chức triển lãm tranh không xin phép, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu ông Bùi Quang Viễn phải tiêu hủy toàn bộ 29 bức tranh đã triển lãm.

Ngày 9/8/2022, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định số 2696/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính với đối với ông Bùi Quang Viễn (sinh năm 1979) là cá nhân thực hiện triển lãm tranh tại phòng tranh Alpha Art Station (số 271/5 đường Nguyễn Trọng Tuyển - Phường 10 - Quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh).

tranh2

Khách dự khai trương triển lãm tranh mang tên "Ứng tác"

Theo quyết định này, ông Bùi Quang Viễn bị xử phạt vì : "Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức triển lãm tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại phòng tranh Alpha Art Station địa chỉ số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh mà không có giấy phép theo quy định".

Ông Bùi Quang Viễn bị xử phạt hành chính với số tiền là 25 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, ông Bùi Quang Viễn bị yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh đã triển lãm theo quy định tại điểm c khoản 8 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Quyết định xử phạt này được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức thực hiện.

tranh3

Họa sĩ Bùi Quang Viễn tại triển lãm

Trước đó, ngày 15/7 ông Bùi Quang Viễn (bút danh Bùi Chát) đã khai mạc triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Improvisation (Ứng tác) tại Alpha Art Station. Triển lãm gồm 29 bức tranh theo trường phái trừu tượng. Triển lãm kết thúc ngày 30/7.

Trọng Thịnh

**************************

Chính quyền đòi đốt tranh vì ra mắt không xin phép

SaigonnhoNews, 16/08/2022

Mới đây, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vừa có một quyết định gây xôn xao trong giới trí thức, đó là việc ra văn bản phạt cuộc triển lãm tranh cá nhân của nhà thơ Bùi Chát, và sau đó yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh trừu tượng này.

Ủy ban nhân dân của thành phố Hồ Chí Minh đã phát đi công văn đề ngày 9/8, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà thơ Bùi Chát, sinh năm 1979, vì cá nhân này đã dám triển lãm tranh mà không xin phép Sở truyền thông, hiện trường vi phạm tại số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.

Theo đoàn kiểm tra, nhà thơ Bùi Chát trưng bày 29 bức tranh tại Alpha Art Station Gallery mà không có giấy phép theo quy định. Với vi phạm này, họa sĩ Bùi Chát bị xử phạt 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông cũng bi buộc phải tiêu hủy 29 bức tranh được trưng bày trong triển lãm vừa qua.

Quyết định này ký tên Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với lệnh phạt 25 triệu đồng và "tiêu hủy 29 bức tranh" với lý do triển lãm "không có giấy phép". Nhiều trí thức ở Sài Gòn đã ngạc nhiên, và nhắc lại chuyện đốt sách, bỏ tù trí thức sau năm 1975 tưởng chừng như đã là quá khứ, nay như đang quay trở lại.

Bùi Chát được biết đến là đồng sáng lập viên Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành nhiều tác phẩm không qua kiểm duyệt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Có người nói Bùi Chát từng bị vào "sổ đen" của chính quyền do quá trình sáng tác thơ phản kháng và tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bình luận về điều này, ông Chát cho biết.

Một lãnh đạo của Hội Mỹ thuật Việt Nam giấu tên, nói rằng quyết định tiêu hủy tranh là chưa có tiền lệ tại Việt Nam kể từ 1975 đến nay. Ông ta nói quyết định làm thụt lùi sự văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ mà cả nền hành chính đang hướng tới.

Còn nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân bình luận : "Nếu họa sĩ Bùi Chát biến cuộc thiêu hủy tranh, những tác phẩm của mình thành một cuộc trình diễn ngoạn mục mà biên độ sẽ ra khỏi biên giới Việt Nam, thì xin bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn với nghệ thuật một lần nữa lại sáng chói của anh".

Nhiều người bạn của Bùi Chát bày tỏ trên mạng rằng, nếu cuộc tịch thu và tiêu hủy diễn ra, họ sẽ đến và làm nhân chứng cho hành động vô văn hóa này.

Thế nhưng, giữa những lời bàn tán xôn xao, sáng ngày 17/8, có tin là Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không đòi tiêu hủy tranh nữa, mà chỉ phạt tiền. Tuy nhiên, chưa có ai nhìn thấy văn bản mới này.

Nguồn : SaigonnhoNews, 16/08/2022

Additional Info

  • Author Mỹ Hằng, RFA tiếng Việt, Trọng Thịnh, SaigonnhoNews
Published in Văn hóa