Kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ hẳn đã tạo ra một chấn động "kinh hoàng". Kinh hoàng đến độ ở cách nửa vòng trái đất và bình lặng như Úc Đại Lợi mà, bên cạnh rất nhiều người vỡ òa vì vui mừng "ăn theo" cũng không thiếu người thật sự đau buồn. Đã hơn hai tuần rồi mà nhà tôi vẫn còn cảm thấy bần thần. Riêng tôi, đây là lần thứ hai trong cuộc đời sắp đến ngày tàn của mình, tôi cảm được thế nào là nỗi đau buồn nhức nhối vì thời cuộc.
Nghị Viện Âu Châu công bố Nghị Quyết 1481 để quăng chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác của lịch sử
Lần thứ nhứt, dĩ nhiên, đó là ngày Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Ngày hôm đó tôi cảm thấy như trời sập đến nơi. Phải nói là "buồn muốn chết được". Chỉ có điều tôi không có đủ khí tiết và dũng cảm của một số tướng lãnh và sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa để tự kết liễu cuộc sống của mình. Nhưng có lẽ cũng nhờ sống lây lất dưới chế độ cộng sản hơn 7 năm mà năm 1982, khi đặt chân đến Pháp, tôi đã tự hào tuyên bố với bất cứ người Pháp nào mà tôi được dịp tiếp xúc và trao đổi rằng tôi đã "sờ" được (toucher du doigt) ý thức hệ và chủ nghĩa cộng sản. Nó chẳng là cái quái gì cả.
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 và nhứt là năm 2006, sau khi Nghị Viện Âu Châu công bố Nghị Quyết 1481 để quăng chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác của lịch sử, thế giới và nhứt là nước Pháp, nơi tôi được đón nhận làm người tỵ nạn, mới nhận ra rằng các chế độ độc tài cộng sản trong thực chất chỉ là một bọn dối trá, lừa bịp, thù hận, độc ác và nhứt là tham tàn và trong suốt hơn 70 năm qua, tất cả các lãnh tụ cộng sản từ Lenin, Stalin đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và ngày nay Tập Cận Bình, Kim Jong Un và các lãnh tụ chóp bu ở Việt Nam, tất cả đều là những tên bịp bợm, độc ác và tham lam.
Ngày nay, khi những người bạn Úc tỏ ý muốn tìm hiểu về ý thức hệ hay chủ nghĩa cộng sản, tôi thường bảo họ hãy dẹp sách vở qua một bên và nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra trong chính trường Việt Nam. Chắc chắn họ sẽ thấy rằng chẳng có đấu tranh giai cấp, chẳng có cái búa nào của công nhân hay cái liềm nào của nông dân như lúc nào cũng được in trên những lá cờ đỏ nhuộm mọi góc trời Việt Nam. Và dĩ nhiên nếu có bình đẳng thì đương nhiên các lãnh tụ và các đảng viên "bình đẳng hơn" thường dân ! Còn chuyện "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" có lẽ chỉ có trong "thiên đường mù". Thực tế trước mắt mà mọi người đều có thể thấy được là : "ông quan" cộng sản nào cũng có xe hơi hạng sang, biệt phủ "hoành tráng", lương tháng thua cả tiền trợ cấp được chính phủ Úc dành cho một người già như tôi, vậy mà vẫn thừa tiền để gởi con cái du học ở các nước dân chủ Tây phương. Tầng lớp lãnh đạo hiện nay đã trâng tráo hiện nguyên hình là một bọn cướp ngày.
Quyền lực, quyền lợi và cụ thể tiền : đó là "lý tưởng cộng sản" hiện nay. Mới đây, một cặp vợ chồng quen đang nghỉ hưu, nhân dịp qua Úc thăm con, có ghé chơi với chúng tôi. So với với rất đông người Việt Nam khác, họ có một cuộc sống không hơn ai nhưng tương đối ổn định. Về hưu, ngoài lương hưu thì họ cũng có vài căn hộ nhỏ cho thuê mà theo họ là tất cả dành dụm sau khi lo cho con học thành tài. Họ cũng thành thật cho biết cả hai đều đã từng là đảng viên. Đã là đảng viên thì đương nhiên hàng tháng phải đi họp chi bộ và làm theo những chỉ thị của đảng. Thế rồi nghỉ hưu họ cũng nghỉ chơi với đảng luôn. Họ giải thích rằng ở Việt Nam hiện nay vào và ra khỏi đảng cũng dễ như trở bàn tay : chả cần phải tuyên bố trả thẻ đảng gì cả ; rời cơ quan, không họp chi bộ, không khai báo với chi bộ địa phương là xong chuyện.
Họ là điển hình của trên 5 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam hiện nay. Đa số vào đảng là vì một chút cơm thừa canh cặn từ bàn ăn quyền lợi của giai cấp lãnh đạo. Ngày nay, có lẽ ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng, người đã từng ra rả tuyên bố quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa cho đến cùng dù có phải mất đến cả trăm năm nữa, có lẽ từ trên xuống dưới chẳng còn ma nào là một người cộng sản nữa.
Thật là mỉa mai khi trong các cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, nhứt là tại Hoa Kỳ, hễ ghét nhau là người ta chụp lên đầu đối thủ của mình cái mũ cộng sản. Tại cái quốc gia luôn tự hào là vĩ đại này, có lẽ ông thánh tổ của đạo chụp mũ cộng sản không ai khác hơn là tổng thống đắc cử Donald Trump. Vào những dịp lễ nghỉ của Hoa Kỳ như Giáng Sinh, Phục Sinh hay Tạ Ơn, nội dung không bao giờ thay đổi của thông điệp của ông lúc nào cũng là rủa sả cái bọn dân chủ Mác xít, cộng sản... Trong suốt thời gian tranh cử vừa qua, cái mũ to tướng nhứt mà ông chụp lên đầu bà Kamala Harris là hai chữ "đồng chí".
Kỳ thật, ai mới thực sự xứng đáng được tặng cho cái mũ cộng sản cho bằng ông. Ai quán quân về việc nói dối trong chính trường Mỹ ? Ai gọi báo chí và truyền thông trong một thể chế dân chủ là "kẻ thù của nhân dân" ? Ai gọi những đối thủ của mình là "những kẻ nội thù" và đòi đưa họ ra xử bắn ? Ai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà độc tài ? Ai muốn các cộng sự viên, nhứt là các tướng lãnh trong quân đội, phải tuyệt đối trung thành với mình như các tướng lãnh của Hitler ?... Tôi nghĩ người được đa số dân Mỹ bầu làm nguyên thủ quốc gia của họ hội đủ tất cả những thuộc tính của một người cộng sản như đang hiện hình trong các chế độ cộng sản, nhứt là tại Việt Nam. Và đây chính là điều mà một người đã từng sống dưới chế độ cộng sản và biết thế nào là cộng sản như tôi cảm thấy đau buồn.
Đau buồn nhứt là vì tôi không thể hiểu được tại sao người dân tại một quốc gia đầu tàu và là ngọn hải đăng của nền dân chủ trên thế giới đã đưa lên bệ nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo thế giới một người xét về mọi mặt đều tồi tệ như Donald Trump.
Trong hai tuần lễ vừa qua, ngày nào tôi cũng cố theo dõi các phân tách của báo chí để tìm hiểu lý do tại sao một người như Donald Trump đã chiến thắng và chiến thắng oanh liệt như thế trong cuộc bầu cử vừa qua. Riêng tôi thấy có hai lý do.
"Không cần biết" Donald Trump có dối trá, kỳ thị, hận thù, ngu dốt và đồi bại cỡ nào, miễn là ông hứa "Maga" : "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là được.
Chiến thắng áp đảo của ông đến từ lá phiếu của 80 phần trăm tín đồ Tin Lành da trắng tại Mỹ. Năm 2016, rồi năm 2020 và năm nay, tỷ lệ ủng hộ ông của thành phần Kitô hữu này không hề thay đổi. Với họ, dù ông có đồi bại đến đâu, ông vẫn là người được Chúa "tuyển chọn" để đưa Kitô giáo, dĩ nhiên của người da trắng, trở lại địa vị thượng tôn và độc tôn. Mặc dù chống Trung Quốc cỡ nào, ông vẫn nhờ nước này in quyển "Kinh Thánh của Trump" (Trump Bible) để phát huy và quảng bá Kitô giáo. Ông cho biết đã đọc và nghiền ngẫm "Kinh Thánh" đến độ khi được hỏi đâu là câu Kinh Thánh ông ưa thích nhứt, ông đã trả lời rằng đó là câu "mắt đền mắt răng thế răng" (Sách Leviticus trong Cựu Ước 24, 19-21). Chúa Giêsu mà có trở lại chắc cũng phải tôn ông lên bậc thầy !
Những người Mỹ vỗ ngực tự xưng "có đạo" đã bầu một người như thế làm tổng thống hai lần. Điều đáng suy nghĩ là ngày nay hầu hết các xã hội phát triển đều ngày càng có khuynh hướng "thế tục" hóa, nghĩa là ngày càng có ít người tuyên xưng hay thực hành một tôn giáo. Nhưng Mỹ là một ngoại lệ. Quốc gia giàu mạnh nhứt thế giới này vẫn có tỷ lệ những người có tôn giáo cao. Có đến 69 phần trăm người dân Mỹ đòi hỏi rằng tổng thống của họ phải là người có niềm tin tôn giáo (Kitô giáo) vững mạnh. Nhưng xét về mặt xã hội, liệu cái quốc gia lúc nào cũng "được Chúa chúc lành" (God bless America) hay "cầu mong Chúa chúc lành" (May God bless America) này có tốt hơn những quốc gia có tỷ lệ "vô thần" cao không ? Điều làm tôi suy nghĩ là những nước như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Hòa Lan, vốn là những xã hội tục hóa và vô thần nhứt thế giới lại là những nước trong đó người dân có tuổi thọ cao, tỷ lệ tội phạm thấp, học vấn cao, bình đẳng giới tính và kinh tế cao, mọi người dân đều được hưởng chăm sóc y tế và giáo dục như nhau, chính trị ổn định, hầu như không có tham nhũng, quảng đại trợ giúp các nước nghèo... (1).
Ngày nay có lẽ ở đâu cũng có những chính trị gia dân túy. Nhưng tôi tin rằng ở những nước Bắc Âu "vô thần" có lẽ người ta sẽ chẳng bao giờ có cái "can đảm" bầu vào vị trí lãnh đạo một người vỗ ngực tự xưng "có đạo" như Donald Trump.
Ngoài tôn giáo, một yếu tố khác đã đưa một người tồi tệ như Donald Trump lên làm nguyên thủ quốc gia đó là thái độ mà một nhà báo Việt Nam nổi tiếng ở Úc là Nguyễn Hoàng Văn gọi là thái độ "không cần biết" của những người theo chủ nghĩa "Maga" (2). "Không cần biết" Donald Trump có dối trá, kỳ thị, hận thù, ngu dốt và đồi bại cỡ nào, miễn là ông hứa "Maga" : "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là được. Như nhà báo Nguyễn Hoàng Văn đã viết : "Triết lý đầu tiên của bất cứ "Maga quân" nào, như cái tên của nó, là "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", ngụy tín xây dựng trên nền tảng "không cần biết". "Không cần biết" là nước Mỹ phải quay trở lại với thời kỳ cụ thể nào, đời tổng thống nào, bởi như sử gia Robert Kagan từng nhấn mạnh, nước Mỹ chưa bao giờ có một thời "hoàng kim" như thế để mà hoài cổ hay phục hưng. Chỉ biết Trump đã đưa ra một khẩu hiệu như thế, tất phải hò reo theo như thế".
Báo Huffpost đã ghi lại một thái độ "không cần biết" điển hình. Một buổi sáng nọ, sau cuộc bầu cử, một cựu nhân công trong ngành xây dựng chỉ mới 45 tuổi, nhìn vào cảnh nghèo tại một thành phố thuộc Tiểu bang Pennsylvania và nghĩ rằng đất nước này cần thay đổi lãnh đạo. Người đàn ông này nói rằng ông không thích khuynh hướng độc tài của ông Trump, nhưng cho rằng đây là cách để giúp cho đất nước khỏi chiến tranh và có thể mang lại hòa bình cho những nơi đang có xung đột như Ukraine. Người công nhân này nói : "Ông ta (Trump) vừa tốt vừa xấu. Người ta nói ông là một nhà độc tài. Tôi tin thế. Tôi thấy ông giống Hitler. Nhưng tôi đã bỏ phiếu cho ông" (3).
Nhắm mắt làm ngơ, dửng dưng trước tội ác cũng là tội ác bởi lẽ chính trị cũng là đạo đức.
Thái độ "không cần biết" của đa số người dân Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua đưa tôi trở về thời kỳ Hitler và Đức Quốc Xã cai trị nước Đức. Viktor Frankl, một chuyên gia tâm lý trị liệu người Áo nổi tiếng đã từng bị giam giữ trong nhiều trại tập trung của Đức Quốc Xã. Được may mắn sống sót và trở về sau Đệ Nhị Thế Chiến, thay vì bỏ nước ra đi, ông đã chọn ở lại để nói cho mọi người biết sự độc ác của Đức Quốc Xã. Những người Áo mà ông đã trở về để sống với họ đã khiến ông ngỡ ngàng khi nói rằng họ không hề hay biết về những điều khủng khiếp đã xảy ra trong các trại tập trung. Nhưng theo ông, không phải họ không biết mà đã "chọn lựa" không biết ! Frankl cho rằng động lực khiến rất nhiều người dân Đức và Áo đã "chọn lựa" không biết những tội ác của Đức Quốc Xã chính là lẩn tránh mọi ý thức trách nhiệm hay tội lỗi về những những tội ác ấy (4).
Theo tôi, nhắm mắt làm ngơ, dửng dưng trước tội ác cũng là tội ác bởi lẽ chính trị cũng là đạo đức. Liệu dồn phiếu cho một kẻ mà mình biết rõ là một tên bịp bợm, dối trá, lừa đảo, kỳ thị, hận thù, độc ác, tồi tệ về mọi mặt... có nên bị xem là một hành vi vô đạo không ?
Còn tôi, tôi có nên "không cần biết" sự thật là "người mà ai cũng biết là ai đó" một lần nữa đã được bầu làm nguyên thủ nước Mỹ và lãnh đạo cả thế giới ?
Chu Văn
(19/11/2024)
Chú thích :
1. Sam Harris, The Moral Landscape, Bantam Press, 2012, trg 188-189
2. Nguyễn Hoàng Văn, Từ Mao đến Trump và lời cảnh cáo của Sakharov, Việt Báo, 15/11/2024
3. Josephine Harvey, "Maga in a nutshell" : voter’s wild explanation for backing Trump goes viral, Huffpost, 13/11/ 2024
4. Victor E.Frankl, Yes to life in spite of everything, Penguin Random House, UK 2019, trg 12-13
Mục tiêu thiết lập xã hội đồng giọng là để bảo vệ sự độc tài của chế độ. Nhưng điều đó không phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và lợi ích của đất nước.
Trong một xã hội đồng giọng, nhân dân không lên tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tán thành chế độ.
Chu Văn An, trung thần nhà Trần, người từng được tôn là bậc "Vạn thế sư biểu" (hiểu nôm na là người thầy của muôn thế hệ). Ông thường được nhắc đến với sự kiện dâng "Thất trảm sớ" cho hôn quân bấy giờ là vua Trần Dụ Tông để xin chém 7 kẻ nịnh thần. Không được vua chấp thuận, ông treo ấn từ quan về sống ẩn dật.
Ngẫm xem, nếu tái thế vào thời nay, cái thời mà gian thần, loạn đảng sống nhung nhúc khắp xứ sở, nếu lại gởi một "Thất trảm sớ" hay một "Bách trảm sớ" đến chế độ, ông chẳng phải sẽ bị gọi là phản động, xếp vào đối tượng thế lực thù địch và cáo buộc tội danh hình sự "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 117 hay sao ? Và "Thất trảm sớ" hoặc "Bách trảm sớ" chẳng phải sẽ là chứng cứ được Sở Thông tin và Tuyên truyền giám định rồi kết luận "Tài liệu tâm lý chiến, gây hoang mang trong nhân dân, làm mất uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước…" hay sao ?
Chế độ, ít nhất từ thời điểm "Cướp chính quyền" vào năm 1945 cho đến nay, chưa bao giờ chấm dứt việc đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân trong một ngày nào cả. Đỉnh điểm của thời kỳ đầu chính là việc đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm để đày đọa hàng loạt văn sỹ, thi sỹ. Trong năm 2018 trở lại đây, sự đàn áp lại càng gia tăng khốc liệt theo cách vô pháp và bất công chưa từng thấy.
Nhiều công dân đã từng lên tiếng, góp ý, phản biện, phê bình, chỉ trích, phân tích… về hiện tình đất nước đều bị xem là thách thức quyền lực chính trị của chế độ, để rồi phải đối diện với sự trừng phạt. Nhiều người thất vọng chuyển sang thái độ im lặng, bàng quan từ nhiều năm, thế nhưng, lần lượt từng người một, họ vẫn tiếp tục phải trả giá bằng những cáo buộc hình sự đầy phi lý, phi nháp… Họ bị gọi là phản động, là thế lực thù địch.
Chế độ tung tài lực sử dụng vài chục nghìn dư luận viên để theo dõi, phỉ báng, báo cáo về tất cả mọi công dân có tiếng nói trên mạng xã hội. Chúng theo dõi từng lời bình luận, thậm chí, từng cái nhấp vào các biểu tượng cảm xúc để báo cáo, trừng phạt công dân.
Không chỉ thế, nhiều người dùng mạng xã hội còn tin rằng chế độ đã có thể can thiệp, buộc các doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội như Meta, Googlexóa bài, xóa tài khoản người dùng FaceBook, YouTube bên cạnh việc đưa chương trình SocialBeat vào sử dụng để kiểm soát, theo dõi người dùng mạng xã hội
Chế độ đặt ra mục tiêu đàn áp khốc liệt đối với quyền tự do ngôn luận của người dân với thông điệp quá rõ ràng, họ chỉ muốn có một xã hội đồng giọng, một xã hội mà mọi lời lên tiếng đều chỉ được phép nói theo, phụ họa, tô hồng theo định hướng có sẵn từ tuyên giáo, qua hệ thống truyền thông với cả hàng nghìn đài báo trong cả nước. Mọi tiếng nói khác biệt, ngược ý… đều là biểu hiện phản động, thù địch, thách thức quyền lực chế độ.
Trong một xã hội đồng giọng như thế, sẽ không còn tiếng nói nào chỉ ra các chủ trương, chính sách sai lầm của chế độ cả, nhất là trong bối cảnh chế độ không hề có khả năng xây dựng nên những chủ trương, chính sách tốt đẹp.
Nhìn vào lịch sử thế giới cận đại, Adolf Hitler thiết lập chế độ Quốc xã độc tài với một xã hội đồng giọng ở Đức quốc, cho nên, đã dập tắt mọi tiếng nói phản biện để đưa đến cuộc chiến tranh thế giới lần hai với hậu quả để lại hết sức nặng nề. Hàng chục triệu sinh mạng mất đi, hàng nghìn thành phố từ Châu Âu, Châu Á và Bắc Phi trở thành đống gạch vụn…
Ngay tại Việt Nam từ sau năm 1945, một xã hội đồng giọng đã ngăn cản những lời phản biện để triệt phá toàn bộ cơ sở tôn giáo như đền đài, chùa chiền, nhà thờ cũng như bắt giữ các tu sỹ… đã tiêu diệt nền tảng gìn giữ đạo đức dân tộc. Hoặc tại miền Nam sau năm 1975, về các chính sách "Cải tạo" để vô hiệu hóa vốn nhân lực khổng lồ từ hàng triệu cán bộ, công chức… là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đang rất cần để tái thiết lại xứ sở thời hậu chiến. Về chính sách "Đánh tư sản" đã phá hoại sạch trơn nền tảng kinh tế thị trường tại miền Nam đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước đó. Về chủ trương "Bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ - Ngụy" để đưa đi đốt nhiều sách vở, vốn là nền tảng tri thức của nhân loại mà miền Nam may mắn thụ đắc được…
Thật ra :
- Trong một xã hội đồng giọng, nhân dân không lên tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tán thành chế độ.
- Dùng bạo tàn để thiết lập xã hội đồng giọng, thì có thể ép buộc nhân dân im lặng, nhưng điều đó không thể dập tắt được sự ý chí phản kháng trong suy nghĩ của họ.
Mục tiêu thiết lập xã hội đồng giọng là để bảo vệ sự độc tài của chế độ. Nhưng điều đó không phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và lợi ích của đất nước. Hầu như chế độ đã quên rằng "Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" [1]. Khi thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước.
Thế nên, khi thiết lập một xã hội đồng giọng, là chế độ đang đi dần vào giai đoạn cuối của con đường mà nhiều chế độ độc tài trước đây từng đi qua. Nó không chỉ là dấu hiệu, mà là quy luật chẳng thể nào đảo ngược.
Đặng Đình Mạnh
Nguồn : VOA, 29/03/2024
Tác giả Đặng Đình Mạnh là một luật sư nhân quyền đến từ Việt Nam. Trong 10 năm qua, ông tham gia bào chữa trong hơn 80 phiên tòa chính trị. Nhiều người trong số thân chủ của ông là những tù nhân chính trị hoặc những vụ án nổi tiếng như nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Huỳnh Thục Vy, ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Vụ án Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ...
Năm 2021 ông bị Bộ Công an ban hành quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2023, ông bị Bộ Công an yêu cầu Cơ quan An ninh Điều tra tiến hành điều tra đối với ông.
Tháng 06/2023, ông được chính quyền Hoa Kỳ cho phép nhập cảnh để tỵ nạn chính trị tại Mỹ.
Hà Nội, Đông Dương, 23 tháng Sáu, 1954
Việc Pháp cam kết ban độc lập hoàn toàn vào mùa hè này đã không khơi dậy sự hăng hái cho cuộc chiến tranh chống cộng ở Việt Nam, nước lớn nhất ở Đông Dương.
Vẻ nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội.
Pháp thua ở Điện Biên Phủ lại khiến cho nhiều người Việt càng quyết tâm đứng ở thế trung lập hơn bao giờ hết, cho tới khi một bên, người Pháp hay cộng sản, chắc chắn thắng.
Các quan sát viên đáng tin cậy ở đây tin hầu như tất cả người Việt thà theo cộng sản còn hơn dốc lòng chống lại những phiến quân Việt Minh cộng sản.
Người Pháp, Hoa Kỳ, và các sứ quán ngoại quốc khác ở đây đều đồng ý rằng chỉ nỗ lực hết sức mình của người Việt mới có thể thắng cuộc chiến tranh này mà không có sự tham gia trên quy mô lớn của các nước khác. Chỉ người Việt mới có đủ người ngay tại chỗ để xây dựng quân đội có khả năng đánh bại Việt Minh. Chỉ họ có thể đánh trận tuyên truyền chống lại các gián điệp cộng sản ở các làng mạc.
Mặc dù hiện nay các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang cố gắng hết sức tập hợp dân chúng lại, nhưng chỉ có một hy vọng là cuối cùng dân chúng sẽ thay đổi quan điểm của họ-hy vọng là hiện thực độc lập sẽ gợi dậy lòng yêu nước dân tộc và cho những ai còn lưỡng lự đủ hăng hái để đứng hẳn sang phía dân chủ.
* * *
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cho đến mùa hè này vẫn cho rằng không thể nào mong đợi dân chúng họ chiến đấu hăng say trong cuộc chiến tranh bảo vệ chế độ cai trị thực dân của Pháp ở Đông Dương mà coi người Việt là công dân hạng hai ở chính nước mình. Họ nói lòng hăng say chỉ có thể được khơi dậy bằng cách cho Việt Nam độc lập hoàn toàn.
Theo tuyên bố chung của họ vào ngày 28 tháng Tư, Pháp và Việt Nam đồng ý Việt Nam sẽ có độc lập ngay khi có thể đạt được các chi tiết pháp lý.
Nhưng ở đây thái độ của người Việt đối với cuộc chiến vẫn hoàn toàn giống như trước đây : "Chúng tôi chẳng thèm quan tâm".
Người Hà Nội thờ ơ với cuộc chiến đến độ họ ít quan tâm hay chẳng quan tâm đến trận Điện Biên Phủ chỉ cách đấy 290 cây số.
Tuy nhiên Điện Biên Phủ và kết cuộc của nó sẽ là điều quan trọng nhất đối với tương lai của những người này. Bây giờ Việt Nam chọn trở thành quốc gia dân chủ, độc lập, liên kết với thế giới Phương Tây ; hay Việt Nam dưới ách cai trị của chế độ độc tài cộng sản hà khắc có thể bị kéo vào đằng sau bức màn tre để trở thành chư hầu của Trung Quốc.
* * *
Đa phần người Việt Nam đều chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng có mối nghi ngờ lâu đời về người Trung Quốc, kẻ thù truyền thống của Việt Nam trong suốt 2000 năm. Nhưng cho đến nay sự oán giận người Pháp đã khiến họ bị xiềng vào chính sự vô cảm của họ.
Thái độ kỳ lạ này của người Việt bắt nguồn từ sự khao khát tự nhiên phẩm giá cho quốc gia và cho cá nhân. Họ tin họ không có cơ hội cho lòng tự trọng dưới chế độ thực dân Pháp.
Thười Pháp thuộc Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) có tới hai chiếc cầu dẫn vào đền Ngọc Sơn. Cây cầu bên trái là cầu Thê Húc, cây cầu bên phải nhỏ hơn, được dựng sơ sài bằng các thân tre. Ảnh minh họa Cảnh người qua lại nườm nượp trên cầu trước năm 1954.
Trong suốt thời kỳ thuộc địa độ 80 năm, Pháp đã đem đến cho Việt Nam sự cải thiện vật chất rất lớn. Người Pháp cũng áp đặt lối sống của họ ở đây. Truyền thống và văn hóa địa phương bị khinh miệt.
Cho nên dưới chế độ cai trị của Pháp, người Việt chẳng có được cơ hội gì nhiều chỉ trừ khi bắt chước người Pháp.
Tuy nhiên Pháp đã thực hiện công cuộc thiết lập thuộc địa rất tốt đến độ Pháp duy trì được sự kính trọng rất lớn và nhiều người bạn ở đây cho tới sau đệ nhị thế chiến. Người Việt từ lâu đã mong mỏi độc lập và tự trọng dân tộc ; sau chiến tranh họ tin họ sẽ trở thành thành viên tự do của Liên Hiệp Pháp giống như Ấn Độ, Pakistan, và Tich Lan đang trở thành thành viên độc lập của Liên Hiệp Anh.
Hầu như tất cả người Pháp ở đây đều đồng ý rằng Pháp ngoài ra đã bỏ lỡ cơ hội để thu phục Việt Nam như người bạn lâu dài, trung thành. Họ nói chính phủ Pháp thường xuyên làm "quá ít, quá trễ" ; những hứa hẹn được đưa ra ở Paris bị các công chức khôn khéo ở đây cắt gọt dần, thực hiện theo nghĩa đen chứ không theo tinh thần ; cho nên sự oán giận của người Việt ngày càng tăng.
Dân chúng trở nên hoài nghi về những hứa hẹn không thành. Rất nhiều người Việt Nam không cộng sản bày tỏ thái độ : "Hãy để cho người Pháp phạm sai lầm và đánh cho cuộc chiến tranh của họ. Chẳng phải việc của chúng ta !".
Vì thế trong cuộc đấu tranh này họ trở thành trung lập như cây lau trước giông tố gió thổi chiều nào ngả theo chiều ấy.
Những kẻ khác sang hàng ngũ Việt Minh. Họ cảm thấy ở Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo sáng suốt của cộng sản, Việt Nam cuối cùng đã tìm thấy được người anh hùng dân tộc có thể đưa cả nước đến tự do và tự trọng.
Nhằm thu hút nhiều người quốc gia theo phe mình, Hồ Chí Minh đã giấu sự thật rằng Việt Minh hoàn toàn dưới sự thống trị của cộng sản. Việt Minh vẫn đang giả dạng là phong trào quốc gia. Tuyên truyền cộng sản cũng đã giữ kín việc Hồ Chí Minh càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga.
Nhờ tuyên truyền khôn khéo Hồ Chí Minh đã lợi dụng sự oán hận chống Pháp và chủ nghĩa dân tộc của người Việt để khích động nhiệt tình thực sự trong phe ông.
Nhưng về phía phe không cộng sản chỉ có một phần ít người Việt có thể có được ít nhiều hăng hái. Nhiều quân nhân, bị bắt đi quân dịch vào quân đội Quốc Gia, người lính chẳng hăng hái. Phần nhiều quân đội này vẫn còn chưa trải qua thử thách. Quân đội này không được dân chúng ủng hộ.
Cho đến nay về phía phe Pháp-Việt chẳng có tuyên truyền gì nhiều để chống lại sự vô cảm này.
Corley Smith (Reuters News Service)
Nguyên tác : "The Vietnamese - Chained to Aphathy", The Christian Science Monitor, 23/06/1954, trang 18.
Trần Quốc Việt dịch
(01/05/2023)
Cách đây 6 năm ngày 8/7/2012 Hà Nội nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông lần thứ 2 trong năm 2012. Ngày đó lúc đầu cuộc biểu tình căng lắm. Từ sáng sớm các lực lượng an ninh, công an phường, băng đỏ các loại đã đi rầm rập xung quanh Bờ Hồ, Nhà hát lớn từ mờ sáng.
Ngày 8/7/2012, Hà Nội nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông - Ảnh minh họa
8 giờ sáng bắt đầu lác đác có một số anh chị em đấu tranh đảo qua đảo lại ở khu vực Bờ Hồ. Đúng 8g50 cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Trong vỏn vẹn có 2 phút thôi khi bố con tiến sĩ Đào Tiến Thi bước lên đầu tiên thì có khoảng 300 người ào lên chiếm lấy bậc thềm Nhà hát lớn, giương cao khẩu hiệu và hô vang. An ninh băng đỏ rối rít gọi bộ đàm kêu cứu viện. 10 phút sau đoàn người ngày càng đông và đủ lực lượng ngang ngửa với an ninh dân phòng. Và rồi tất cả rùng rùng bước xuống đi thành đoàn rất lớn từ đó tiến thẳng về hướng Bờ Hồ trên con đường Tràng Tiền. Tiếng hô vang rợp trời. Đoàn người ngày càng đông như thác đổ, vượt qua 2 chốt chặn ở đầu Hàng Bài, rồi đầu Quang Trung cắt Tràng Thi.
Trong đoàn người biểu tình có thể thấy những gương mặt như cụ Lê Hiền Đức, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Lê Anh Hùng, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Dũng Vova, Lê Thu Trà, Vinh Trần, Lan Đặng, Dũng Aduku, JB. Nguyễn Hữu Vinh, bố con tiến sĩ Đào Tiến Thi, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, Đoàn Minh Sơn, Ngô Duy Quyền, đảng trưởng đảng Bia Từ Anh Tú, bác Nghiêm Ngọc Trai, ông Khải ozon, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên, giáo sư Ngô Đức Thọ, bà Trâm còng vợ bác Khánh, phóng viên ảnh Hoàng Đình Nam, luật sư Lê Quốc Quân, tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, nhà văn Thùy Linh, ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, phóng viên Mai Kỳ, mẹ con nhà Thúy Nga, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Người Buôn Gió, khoảng 300 bà con bên Văn Giang... và còn rất rất nhiều người khác nữa tôi không thể kể tên hết. Cuộc biểu tình ngày 8/7/2012 đã diễn ra tốt đẹp.
Còn rất nhiều sự kiện, nhiều hình ảnh ngày hôm đó có ngồi cả ngày kể ra không hết chuyện, nhưng có một bức ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Đó là bức ảnh của nhà văn Thùy Linh chộp được khi đoàn biểu tình đi qua đầu phố Hàng Bài cắt Hai Bà Trưng. Trong ảnh tiền cảnh là một đám 4 người đàn ông chúi mũi vào một bàn cờ bày trên vỉa hè, hậu cảnh là một đám đông nô nức những người đi biểu tình. Những người đàn ông đó hoàn toàn tập trung vào bàn cờ, không hề có một động thái để ý hay ngoái lại nhìn đoàn người. Bức ảnh này năm đó đã là chủ đề lớn trong nhiều bài viết, để bàn về sự vô cảm của người Việt Nam nói chung trước tình hình đất nước.
Những người đàn ông đó hoàn toàn tập trung vào bàn cờ, không hề có một động thái để ý hay ngoái lại nhìn đoàn người.
Thú thật là ở vào thời điểm đó, trong tâm trạng của tôi cũng không tránh khỏi cảm xúc khinh bỉ những người đàn ông đánh cờ. Họ là hình ảnh đại diện cho một bộ phận rất lớn hàng chục triệu người Việt Nam khác, vô cảm, thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết đến bàn cờ nhỏ nhoi của họ, mà không thấy được bàn cờ lớn của đất nước, không thấy được nguy cơ xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải vô cùng to lớn với dân tộc này.
Tại sao họ vô cảm ? Trước kia tôi luôn có một thái độ đổ lỗi cho họ, phán xét họ. Nhưng rồi theo thời gian, khi bình tâm lại tôi thấy mình đã có một thái độ hoàn toàn sai. Trung Quốc từ lâu đã bắt đầu xâm chiếm biển Đông, cướp Hoàng Sa rồi Trường Sa, đánh phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đổ hàng hoá độc hại kém chất lượng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước vào Việt Nam. Rồi những cuộc biểu tình nổ ra từ năm 2007, 2008... lúc đó tôi đã ở đâu, tôi đã làm gì vào lúc đó. Nếu như anh Hải Điếu Cầy, rồi Người Buôn Gió, Đoan Trang, Mẹ Nấm, Nguyễn Xuân Bình... và rất nhiều anh chị em đi trước có một thái độ khinh bỉ tôi, coi thường tôi, xin hỏi rằng liệu tôi có đủ mặt mũi nào để có những hoạt động sôi nổi từ năm 2011 đến giờ. Xin tất cả mọi người hãy tha lỗi cho tôi!
Công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ những quyền con người và bảo vệ những giá trị tự do là một công cuộc rất lâu dài, đòi hỏi cả một dân tộc phải đứng lên. Tôi đã từng là một người rất thờ ơ vô cảm. Tôi đã từng là kẻ rong chơi và chỉ quan tâm đến miếng ăn của mình. Tôi đã từng sợ hãi và tự bảo mình rằng không làm được gì đâu... đó là điều tôi muốn nói với tất cả những bạn còn chưa lộ diện. Chúng ta đều là nạn nhân của một nền giáo dục và truyền thông xã hội mang tính một chiều, không có tính phản biện. Chúng ta từ lâu vô cảm với đất nước. Chúng ta không nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta. Nhưng tôi nghĩ giờ đã khác rất nhiều rồi. Bằng tình yêu, sự quan tâm, sự khích lệ và cả sự tha thứ... chúng ta sẽ đoàn kết để cùng dũng cảm đứng lên đòi những thứ thuộc về mảnh đất này, thuộc về dân tộc này.
Hãy tha lỗi cho tôi, một con người từng vô cảm.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 09/07/2018 (nguyenlanthang's blog)
Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông ; nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan ; nhìn lên rừng : gần hết cây...
Các cụ nhà ta ngày xưa dùng câu "cha chung không ai khóc" để nói đến chuyện những gì là của chung thường không được quan tâm, bị bỏ mặc không ai ngó ngàng tới.
Hàm ý trong câu nói này là phê phán thái độ vô trách nhiệm đối với việc chung, tài sản chung bao gồm cả của tập thể và nhà nước.
Sau cải cách ruộng đất, vùng nông thôn xuất hiện hình thức "Tổ đổi công", "Hợp tác xã", đó là mô hình "tập thể" đầu tiên của nền kinh tế Việt Nam.
Dần dần khái niệm "tập thể" được vận dụng "đại trà" trong các lĩnh vực phi kinh tế, chẳng hạn như "làm chủ tập thể", "tập thể lãnh đạo" hoặc "quyết định tập thể",…
Chắc chắn khái niệm "tập thể" được nêu trên không phải "cha chung", thậm chí cũng chẳng có "họ hàng xa" gì với "cha chung", thế thì tại sao có nhiều thứ của "tập thể" lại "không ai khóc" ?
Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông ; nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan ; nhìn lên rừng : gần hết cây ; nhìn xuống sông, xuống biển tôm cá cạn kiệt.
Chỉ một vụ tôm hùm chết ở Phú Yên, sơ sơ cũng khoảng 770.000 con, thiệt hại ước tính khoảng 700 tỷ đồng.
Viêt Nam có điểm bất hợp lý mà chẳng quốc gia nào giống như chúng ta. (Ảnh minh họa : nguồn tuoitre.vn).
Liên quan đến những vụ việc ấy, ngoài dân ra có ai "khóc" cùng dân ?
Hàng loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm mục đích "động viên" hay là chỉ đích danh người cần phải "khóc" :
Tai nạn giao thông : "xử" lãnh đạo địa phương ? (nld.com.vn 19/3/2017)
Thực phẩm bẩn : lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. (Tuoitre.vn 10/5/2016)
Giáo viên dạy thêm không phép, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. (Giaoduc.net.vn 15//2/2017)
Về vụ "thực phẩm bẩn" nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần quy định một Bộ (cơ quan) duy nhất chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm thay vì ba Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp như hiện nay.
Có điều chẳng Bộ nào tự nguyện nhận cái "của nợ" (thực phẩm bẩn) ấy dù tất cả các bộ được sinh ra để phục vụ nhân dân.
Bởi thế, dân mới có lý luận rằng : Cứ để "bẩn" như hiện nay, có xảy ra chuyện gì mỗi bên chịu một tí, đôi khi lại còn tìm được lý do đổ lỗi cho bên kia, thế mới là nhất cử nhưng "ba bốn tiện" !
Chính vì được "tập thể" quan tâm như vậy nên suốt mấy chục năm qua, ngành Sư phạm vẫn chưa thoát cảnh "chuột chạy cùng sào". Đội ngũ giáo viên phổ thông cũng rơi vào tình trạng "một cổ ba tròng" như thực phẩm, chuyên môn do ngành Giáo dục quản, nhân sự do bên Tổ chức/Nội vụ quản còn quỹ lương thì do Tài chính nắm.
Chuyện xử lý một vụ án phụ thuộc vào quyết định của "liên ngành" báo chí đã đề cập quá nhiều.
Thông thường "Liên ngành" là bộ tam "Điều tra - Kiểm sát - Tòa án", đôi khi còn có thêm sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc cơ quan chính quyền.
Với cách làm việc "tập thể" như vậy, nếu xảy ra án oan sai đương nhiên sẽ chẳng có cơ quan nào phải gánh chịu một mình, và cũng đương nhiên chẳng ai trong "liên ngành" phải bỏ tiền túi ra đến bù cho người bị oan sai.
Chuyện quản lý nợ công cũng thế, lại cũng ba cơ quan cùng tham gia vào quá trình "vay tiền, tiêu tiền và trả nợ".
Có lẽ đây là sự sáng tạo độc đáo của Việt Nam nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới cho rằng : "một người đi đàm phán vay, một người phân bổ số tiền vay, một người đi trả nợ. Đây là điểm bất hợp lý mà chẳng quốc gia nào giống như chúng ta" !
Không phải năm 2017 này những người có trọng trách mới phát hiện ra cái việc "chẳng quốc gia nào giống như chúng ta".
Chín năm trước, nhiều đại biểu của dân đã nói, đã chỉ rõ sự phi lý trong quản lý tiền vay của Nhà nước nhưng "Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giải trình trước Quốc hội và kết luận tạm thời trước mắt sẽ thực hiện như vậy và tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi.
Đến nay, qua 9 năm tổ chức thực hiện, tại lần sửa đổi này cũng chưa được thể hiện trong dự thảo luật" [1].
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, gần cuối nhiệm kỳ đã phải thốt lên : "Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm".
Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm thì cho rằng "chẳng quốc gia nào giống như chúng ta" trong chuyện vay tiền, tiêu tiền và trả nợ !
Từ ý kiến của hai vị Chủ tịch Quốc hội về quản lý nợ công và nền hành chính công, từ các dẫn chứng về quản lý thực phẩm, quản lý cán bộ,… có thể thấy rằng những năm qua, quá nhiều thứ của chúng ta "chẳng giống quốc gia nào".
Có phải vì thế mà chúng ta - dù có rừng vàng, biển bạc, có người dân cần cù thông minh, chịu khó - nhưng chỉ mới lọt vào hàng ngũ quốc gia có thu nhập trung bình ?
Sẽ thế nào nếu trong tương lai, chúng ta đảo ngược tình hình từ chỗ "chẳng quốc gia nào giống như chúng ta" thành "chúng ta chẳng giống như quốc gia nào" ?
Chúng ta khác người thì rõ rồi, vấn đề là khác như thế nào ?
Đó là nhận thức về vai trò của người đứng đầu trong điều hành, quản lý nhà nước.
Nếu không có người dám làm, dám chịu, nếu cái gì cũng "tập thể", cũng "liên ngành" thì câu hỏi mà Đài Tiếng nói Việt Nam nêu lên : "Vì sao "một bộ phận không nhỏ" cán bộ cứ mãi suy thoái đạo đức ?" vẫn mãi sẽ không tìm được câu trả lời [2].
Muốn trả lời, cách tốt nhất là trở về quá khứ, khi "Tổ đổi công", "Hợp tác xã" không còn phát huy tác dụng, khi đất nước thiếu ăn thì "Khoán 10" ra đời và đất nước trở nên "thừa" lương thực.
Mỗi năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo là minh chứng cho thấy khi người nông dân làm chủ mảnh đất của mình thì họ có cách - với sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật - đưa đất nước lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Không phải ngẫu nhiên gần đây, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, được Chính phủ xác định là trọng tâm phục vụ.
Tại Đại hội XII, Trung ương khẳng định : "…kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế ; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật".
Cũng tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương : "khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước" [3].
Điều này cho thấy trong phát triển kinh tế, quan điểm của Đảng đã có những thay đổi căn bản, không còn dị nghị với các "ông chủ", không nhất thiết phải là "tập thể lãnh đạo" bởi trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân (chứ không phải tập thể) nắm quyền quyết định thành bại của doanh nghiệp.
Vậy chúng ta có hy vọng trong tương lai gần, quan điểm tiến bộ trong kinh tế này sẽ được áp dụng cho công tác cán bộ, cho chỉ đạo điều hành, cho quản lý nhà nước ?
Nói rõ hơn, liệu trong các lĩnh vực đó, chúng ta có thể loại bỏ "quyết định tập thể" để công nhận quyền quyết định của người đứng đầu ?
Một khi đất nước được lập trình theo "cơ chế tập thể", cái gì cũng do một "tập thể" nào đó quản lý thì hậu quả là nếu có sai sót "tập thể" sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải một cá nhân nào đó.
Vấn đề là "các tập thể" đã chịu trách nhiệm thế nào trước dân, trước vận mệnh quốc gia và trước lịch sử dân tộc khi để xảy ra sai phạm ?
Bài viết "Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị" trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương có đoạn :
"Thực tế cho thấy, khi tham nhũng được phát hiện, hầu như không ai dám đứng ra nhận trách nhiệm ; khi thì người đứng đầu, lúc thì là cấp phó của người đứng đầu, ai cũng cho rằng mình là người ngoài cuộc, đổ lỗi cho nhau.
Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh, trong việc xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng" [4].
Khi một cá nhân phụ trách dưới sự lãnh đạo của "tập thể" thì người ta có trăm nghìn lý do để không nhận trách nhiệm, để "đổ lỗi cho nhau" mà thực chất là đổ trách nhiệm về phía "tập thể" và cũng từng ấy lý do khiến "người có thẩm quyền nể nang, né tránh" bởi đơn giản vì sợ "rút dây động rừng".
Chủ trương "Nhất thể hóa" các chức danh Đảng và chính quyền đang được thí điểm thực hiện tại Quảng Ninh và một số đơn vị có phải nhằm khắc phục chuyện "đổ lỗi cho nhau" ?
Về điều này, không gì rõ ràng hơn ý kiến của ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 về chuyện tỉnh này bổ nhiệm thừa lãnh đạo cấp sở :
"Nói thực, lúc đó cũng không dám nói bởi vì công tác cán bộ trong vụ việc này là công tác của Đảng. Bên Đảng họ nắm cả và chỉ gửi thông báo sang cho chúng tôi thực hiện tham mưu quyết định bổ nhiệm thôi" [5].
Phải chăng chính vì có tới "mấy bên" liên quan đến bổ nhiệm cán bộ (Thường vụ tỉnh, Ban Tổ chức, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ,..), nên đây là quyết định của "tập thể" và cuối cùng không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào ?
Có người đã mạnh dạn nêu ý kiến : "là tư lệnh ngành, tôi phải được toàn quyền quyết định", tiếc rằng hình như đó là ý kiến duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Sợ chịu trách nhiệm đã trở thành đặc tính cố hữu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả một số người giữ chức vụ quan trọng.
Chính vì thế họ mới dựa vào "tập thể", xem "tập thể" là lá bùa hộ mệnh, là "cái rọ an toàn" trên con đường quan lộ.
Khi một người, vừa nắm chủ trương vừa nắm quyền lực thực hiện chủ trương đó thì không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác khi người đó không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là khi gây thiệt hại trong phạm vi trách nhiệm được giao.
Có một vấn đề "chung" thậm chí là "rất chung" đang làm nóng dư luận, ấy là Giáo dục.
Dù được Hiến pháp quy định là "quốc sách hàng đầu" nhưng Giáo dục bị chi phối bởi ba đạo luật : Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Bị phân mảnh quản lý cho các bộ, ngành, địa phương kể cả doanh nghiệp và tổ chức quần chúng.
Hậu quả của quá trình "cha chung" đó là một nền giáo dục tụt hậu, không đáp ứng được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế, nghiên cứu và quản lý xã hội.
Quốc hội khóa 14 đã phải miễn nhiệm tới ba người (Trịnh Xuân Thanh, Đặng Thị Nguyệt Hường, Võ Kim Cự), vấn đề là nếu không qua "Hội nghị hiệp thương", nếu không có ý kiến của "tập thể" những người này có thể trúng cử ?
Khi đương sự bị miễn nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội thì người/cơ quan giới thiệu có vô can ?
Người viết cho rằng, Trung ương nên đẩy nhanh tiến trình "nhất thể hóa" bằng việc ban hành các quy định pháp luật, trong đó cần có luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Cần đồng bộ hóa các mức độ kỷ luật của Đảng với tội danh trong Luật Hình sự, chẳng hạn hình thức cảnh cáo trong Đảng tương đương (hoặc thấp hơn hay cao hơn) so với tội danh "ít nghiêm trọng" quy định trong luật ?
Cần luật hóa trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử, đề bạt các cá nhân đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.
Nếu bố trí, đề bạt, tiến cử nhầm những cán bộ xấu, cán bộ không đủ phẩm chất, tiêu chuẩn thì người bố trí, đề bạt, tiến cử phải bị xử lý cả về phía Đảng lẫn phía Chính quyền.
Chính vì "cha chung không ai khóc" nên những điều nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726 -1784) chỉ ra từ hơn 200 năm trước về nguy cơ mất nước :
"Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt" cho đến hôm nay vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Làm công bộc của dân, không quan trọng khi dân khen, quan trọng là việc mình làm.
Làm việc tốt cho quốc gia, dân tộc có thể hàng chục, hàng trăm năm sau mới được công nhận. Đó mới là tiếng thơm để dành cho hậu thế chứ không phải những câu xưng tụng chỉ chờ có dịp là vội vã vang lên.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 07/06/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/870121/3-co-quan-cung-quan-no-cong-bat-hop-ly-khong-giong-quoc-gia-nao
[2] http://vov.vn/chinh-tri/dang/vi-sao-mot-bo-phan-khong-nho-can-bo-cu-mai-suy-thoai-dao-duc-554437.vov
[3] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2016/41886/Quan-diem-cua-Dang-ve-kinh-te-tu-nhan-qua-cac-ky.aspx
[4] http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201502/xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-khi-de-xay-ra-tham-nhung-trong-co-quan-to-chuc-don-vi-296984/
[5] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Thuong-vu-Tinh-Thanh-Hoa-bo-nhiem-nhieu-cap-pho-trai-luat-sao-khong-ai-to-cao-post177104.gd