Hà Nội, Đông Dương, 23 tháng Sáu, 1954
Việc Pháp cam kết ban độc lập hoàn toàn vào mùa hè này đã không khơi dậy sự hăng hái cho cuộc chiến tranh chống cộng ở Việt Nam, nước lớn nhất ở Đông Dương.
Vẻ nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội.
Pháp thua ở Điện Biên Phủ lại khiến cho nhiều người Việt càng quyết tâm đứng ở thế trung lập hơn bao giờ hết, cho tới khi một bên, người Pháp hay cộng sản, chắc chắn thắng.
Các quan sát viên đáng tin cậy ở đây tin hầu như tất cả người Việt thà theo cộng sản còn hơn dốc lòng chống lại những phiến quân Việt Minh cộng sản.
Người Pháp, Hoa Kỳ, và các sứ quán ngoại quốc khác ở đây đều đồng ý rằng chỉ nỗ lực hết sức mình của người Việt mới có thể thắng cuộc chiến tranh này mà không có sự tham gia trên quy mô lớn của các nước khác. Chỉ người Việt mới có đủ người ngay tại chỗ để xây dựng quân đội có khả năng đánh bại Việt Minh. Chỉ họ có thể đánh trận tuyên truyền chống lại các gián điệp cộng sản ở các làng mạc.
Mặc dù hiện nay các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang cố gắng hết sức tập hợp dân chúng lại, nhưng chỉ có một hy vọng là cuối cùng dân chúng sẽ thay đổi quan điểm của họ-hy vọng là hiện thực độc lập sẽ gợi dậy lòng yêu nước dân tộc và cho những ai còn lưỡng lự đủ hăng hái để đứng hẳn sang phía dân chủ.
* * *
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cho đến mùa hè này vẫn cho rằng không thể nào mong đợi dân chúng họ chiến đấu hăng say trong cuộc chiến tranh bảo vệ chế độ cai trị thực dân của Pháp ở Đông Dương mà coi người Việt là công dân hạng hai ở chính nước mình. Họ nói lòng hăng say chỉ có thể được khơi dậy bằng cách cho Việt Nam độc lập hoàn toàn.
Theo tuyên bố chung của họ vào ngày 28 tháng Tư, Pháp và Việt Nam đồng ý Việt Nam sẽ có độc lập ngay khi có thể đạt được các chi tiết pháp lý.
Nhưng ở đây thái độ của người Việt đối với cuộc chiến vẫn hoàn toàn giống như trước đây : "Chúng tôi chẳng thèm quan tâm".
Người Hà Nội thờ ơ với cuộc chiến đến độ họ ít quan tâm hay chẳng quan tâm đến trận Điện Biên Phủ chỉ cách đấy 290 cây số.
Tuy nhiên Điện Biên Phủ và kết cuộc của nó sẽ là điều quan trọng nhất đối với tương lai của những người này. Bây giờ Việt Nam chọn trở thành quốc gia dân chủ, độc lập, liên kết với thế giới Phương Tây ; hay Việt Nam dưới ách cai trị của chế độ độc tài cộng sản hà khắc có thể bị kéo vào đằng sau bức màn tre để trở thành chư hầu của Trung Quốc.
* * *
Đa phần người Việt Nam đều chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng có mối nghi ngờ lâu đời về người Trung Quốc, kẻ thù truyền thống của Việt Nam trong suốt 2000 năm. Nhưng cho đến nay sự oán giận người Pháp đã khiến họ bị xiềng vào chính sự vô cảm của họ.
Thái độ kỳ lạ này của người Việt bắt nguồn từ sự khao khát tự nhiên phẩm giá cho quốc gia và cho cá nhân. Họ tin họ không có cơ hội cho lòng tự trọng dưới chế độ thực dân Pháp.
Thười Pháp thuộc Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) có tới hai chiếc cầu dẫn vào đền Ngọc Sơn. Cây cầu bên trái là cầu Thê Húc, cây cầu bên phải nhỏ hơn, được dựng sơ sài bằng các thân tre. Ảnh minh họa Cảnh người qua lại nườm nượp trên cầu trước năm 1954.
Trong suốt thời kỳ thuộc địa độ 80 năm, Pháp đã đem đến cho Việt Nam sự cải thiện vật chất rất lớn. Người Pháp cũng áp đặt lối sống của họ ở đây. Truyền thống và văn hóa địa phương bị khinh miệt.
Cho nên dưới chế độ cai trị của Pháp, người Việt chẳng có được cơ hội gì nhiều chỉ trừ khi bắt chước người Pháp.
Tuy nhiên Pháp đã thực hiện công cuộc thiết lập thuộc địa rất tốt đến độ Pháp duy trì được sự kính trọng rất lớn và nhiều người bạn ở đây cho tới sau đệ nhị thế chiến. Người Việt từ lâu đã mong mỏi độc lập và tự trọng dân tộc ; sau chiến tranh họ tin họ sẽ trở thành thành viên tự do của Liên Hiệp Pháp giống như Ấn Độ, Pakistan, và Tich Lan đang trở thành thành viên độc lập của Liên Hiệp Anh.
Hầu như tất cả người Pháp ở đây đều đồng ý rằng Pháp ngoài ra đã bỏ lỡ cơ hội để thu phục Việt Nam như người bạn lâu dài, trung thành. Họ nói chính phủ Pháp thường xuyên làm "quá ít, quá trễ" ; những hứa hẹn được đưa ra ở Paris bị các công chức khôn khéo ở đây cắt gọt dần, thực hiện theo nghĩa đen chứ không theo tinh thần ; cho nên sự oán giận của người Việt ngày càng tăng.
Dân chúng trở nên hoài nghi về những hứa hẹn không thành. Rất nhiều người Việt Nam không cộng sản bày tỏ thái độ : "Hãy để cho người Pháp phạm sai lầm và đánh cho cuộc chiến tranh của họ. Chẳng phải việc của chúng ta !".
Vì thế trong cuộc đấu tranh này họ trở thành trung lập như cây lau trước giông tố gió thổi chiều nào ngả theo chiều ấy.
Những kẻ khác sang hàng ngũ Việt Minh. Họ cảm thấy ở Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo sáng suốt của cộng sản, Việt Nam cuối cùng đã tìm thấy được người anh hùng dân tộc có thể đưa cả nước đến tự do và tự trọng.
Nhằm thu hút nhiều người quốc gia theo phe mình, Hồ Chí Minh đã giấu sự thật rằng Việt Minh hoàn toàn dưới sự thống trị của cộng sản. Việt Minh vẫn đang giả dạng là phong trào quốc gia. Tuyên truyền cộng sản cũng đã giữ kín việc Hồ Chí Minh càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga.
Nhờ tuyên truyền khôn khéo Hồ Chí Minh đã lợi dụng sự oán hận chống Pháp và chủ nghĩa dân tộc của người Việt để khích động nhiệt tình thực sự trong phe ông.
Nhưng về phía phe không cộng sản chỉ có một phần ít người Việt có thể có được ít nhiều hăng hái. Nhiều quân nhân, bị bắt đi quân dịch vào quân đội Quốc Gia, người lính chẳng hăng hái. Phần nhiều quân đội này vẫn còn chưa trải qua thử thách. Quân đội này không được dân chúng ủng hộ.
Cho đến nay về phía phe Pháp-Việt chẳng có tuyên truyền gì nhiều để chống lại sự vô cảm này.
Corley Smith (Reuters News Service)
Nguyên tác : "The Vietnamese - Chained to Aphathy", The Christian Science Monitor, 23/06/1954, trang 18.
Trần Quốc Việt dịch
(01/05/2023)