Hết tết Giáp Thìn 2024, hàng triệu chiếc xe máy của những người lao động nghèo lại bắt đầu đi về các thành phố lớn, mà Sài Gòn là một trong những tâm điểm. Những con đường từ miền Tây, kẹt triền miên hàng chục năm nay, lại vẫn kẹt mà chưa thấy có gì thay đổi theo lời hứa của các quan chức địa phương.
Dòng người ùn ùn léo nhau về quê ăn Tết nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh : Bảo Lâm
Điều đáng nói ngay lúc này, tin tức cho biết giá xăng lại tăng vọt trở lại như lúc đầu, sau khi hạ giá được vài ngày trong Tết. Mọi thứ là một quy trình rõ của chiến thuật - chiến lược.
Báo Người Lao Động ngày 15/2, có ghi "sau khi giảm giá khá mạnh tại kỳ điều hành trùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá xăng dầu đã bật tăng trở lại". Tức sau khi tăng giá 4 lần liên tiếp, xăng hạ một chút vào những ngày người dân nghỉ Tết. Cho đến khi người lao động quay lại nơi làm việc, xăng "bật" lên giá trở lại, đón lõng hành trình của hàng triệu chiếc xe máy.
Hồi cuối tháng 1/2024, trong một lần đưa tin giá xăng tăng trước Tết, như một đòn tâm lý của giới độc quyền kinh doanh, trước khi cho giảm giá vào dịp nghỉ Tết, một anh bạn trẻ nồng nhiệt với hoạt động kinh tế nhà nước đã vào trang nhà, trách tôi sao không đưa tin tích cực khi giá xăng hạ, mà chỉ moi móc, đầy tính tiêu cực khi đưa chuyện giá xăng lên.
Một năm, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam lên-xuống giá cũng chục lần, và rồi nhè nhẹ nhích dần lên giá mới, cao hơn. Trong một bài viết của báo Tiền Phong từ cuối năm 2023, có tựa đề "Vì sao giá xăng dầu thế giới giảm, Việt Nam tăng 5 lần liên tiếp ?", ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam - cho biết là Việt Nam có cách tính thuế, phí riêng, không liên quan đến giá xăng dầu thế giới. Các lời giải thích sơ sài khác, là cơ quan chịu trách nhiệm giá xăng không dùng đến Quý bình ổn xăng dầu, nhà máy Nghi Sơn chậm tiến độ hoạt động… nói chung là tăng, theo những cách tính "rất riêng".
Vậy đó, giới kinh doanh nhà nước đã thành công trong nhiều thủ thuật hành động và giải thích nhanh, cũng khiến không ít giới trẻ có học, ngây thơ, hoàn toàn tin vào tính tích cực của bộ máy vận hành, mà bỏ qua các vấn đề thực tế cũng như tính logic của hoạt động.
Vì bởi xăng dầu có giá lên xuống bất thường thường xuyên - và đôi khi cách biệt rất xa với giá dầu chung của thế giới, nên một quốc gia mà dân Việt xã hội chủ nghĩa coi là tầm thường như Campuchia, có giá xăng thấp bình ổn, đã tạo cho dân buôn xăng từ Campuchia về Việt Nam kiếm sống nhiều năm nay, và làm nền cho các chiến công truy bắt tội phạm buôn lậu thuộc các cơ quan nhà nước.
Những người trẻ có đủ điều kiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa hôm nay, phàn nàn về các BOT thu tiền khắp nơi trên dải đất hình chữ S, đã vui mừng lái xe tham gia các tuyến đường đi tránh sang Campuchia được vẽ ra để xuyên Việt mà không tốn đồng bạc nào, vì các BOT đã minh bạch đúng hạn, dỡ bỏ ở đất nước đó.
Có phiền vì trên đất nước đầy bất cập, thì những người Việt trẻ luôn tự hào ấy, cũng chẳng thể nhớ đủ tên của những người đã từng bị tù đày, sách nhiễu, vì dựng lên những cuộc vạch mặt các đại gia ăn chia với địa phương để dựng BOT trục lợi lâu dài vô tội vạ.
Và chắc có thể cũng có những người luôn tự hào những tuyến đường cao tốc mới xã hội chủ nghĩa được dựng nên, nhưng luôn cố làm lơ với các câu chuyện bức bối về BOT lạm thu như vậy.
Có những bạn hỏi tôi vì sao không chịu nhìn thấy những điều tích cực của đất nước, mà chỉ nhìn thấy những điều đen tối. Đơn giản tôi nhìn đất nước này bằng tư duy của một người Việt tự do, không bị thao túng hay dễ tin, chấp nhận bị kiểm soát của ngôn luận một chiều.
Vì bởi, đằng sau cái nhìn của tôi là một chiều dài lịch sử của nước Việt với xương máu cha ông, và niềm kiêu hãnh của một dân tộc độc lập - dù có hỗn loạn đau đớn phân tranh - nhưng không bao giờ chấp nhận cái ác, những kẻ hủ bại ngang nhiên tung hoành mãi, trói buộc con người chỉ được tin yêu vào một lý lẽ, một danh phận được cố sơn son thếp vàng.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 16/02/2024
Nhiều từ liên quan đến chữ ăn chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng vẫn được sử dụng đến bây giờ, có lẽ do người Việt ta đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém nên việc ăn là quan trọng nhất. Bây giờ nó không phải là ăn tết mà là đón xuân vì cái sự ăn nó không quan trọng nữa.
Tết ở làng quê xưa - Ảnh minh họa
"Ăn cưới" thực chất là đi dự đám cưới. Rồi có những việc chẳng liên quan đến ăn như ăn hỏi. Mang đồ sính lễ đến nhà gái, đặt cơi trầu nói chuyện để tác thành cho cặp uyên ương mới là mục đích chính. Nếu nhà gái mời ở lại dùng cơm thì ngồi uống với nhau chén rượu, cụ thể hóa hơn những công việc sắp tới. Chỉ có "ăn cỗ đám ma" thì không gọi thế nữa. Chuyện ăn cỗ đám ma ngày xưa, người chết nằm đấy mà vẫn ăn uống như thường, bây giờ bỏ đoạn ăn uống, gọi là viếng đám tang. Còn ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi... vẫn cứ nói như vậy. Thậm chí bây giờ, người ta uống là chủ yếu, uống đến độ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, gây án mạng nhưng chẳng ai gọi là uống tết, uống cưới hay uống hỏi.
Vì tít bài viết có chữ"ăn tết" nên xin tranh thủ tám mấy dòng cho vui chứ không có ý định bàn về ngôn ngữ.
Hồn quê
Sống với nhịp sống đô thị, mỗi dịp tết đến xuân sang, người người lại náo nức về quê, tìm ở đây cái tình nghĩa con người, tìm về cánh đồng lúa, lũy tre làng và cảnh mùa xuân, cảnh tết nhà quê. Về vào ngày phiên chợ, đi chơi chợ tết thật thú vị, gặp người quen, bạn cũ, ríu rít hỏi han, chúc tụng.
Thấy quê hương thân thương lắm. Điều này giải thích tại sao, những bài thơ, ca khúc ca ngợi xuân quê, tết quê thì nhiều mà gần như không có những sáng tác cùng chủ đề ấy về thành thị. Nếu có thì cũng không thể hay được.
Người ở các tỉnh, làm ăn, sinh sống ở các đô thị lớn, vẫn giữ trong hồn mình một góc quê. Nơi ấy có một thời thơ ấu nghèo khó thiếu thốn nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Hình như chỉ có về quê, lòng người mới hóa thân thiện hơn, chứ còn ở thành thị, người quê đối với nhau cũng nhiều thủ đoạn lắm.
Làng quê bây giờ đang đô thị hóa. Nhà đã thêm tầng, nhưng tình cảm của người nhà quê vẫn còn giữ được nét mộc mạc, chân chất và đằm thắm.
Chợ họp ngay dưới sân chùa ở thôn Thiều Huy, xã Cầu Lộc, từ sáng sớm đến chiều muộn lúc nào cũng đông kẻ bán người mua.
Nhớ quê, không phải lúc nào cứ thích là về được. Ngoài những lúc có việc đột xuất, tôi thường về quê vào vào những dịp giỗ chạp hay tết đến. Đó là những dịp anh em, họ hàng, con cháu làm ăn ở xa gặp nhau đông đủ hơn cả. Sau khi nâng ly rượu tưởng nhớ người đã khuất hoặc ly rượu mừng xuân là những câu chuyện về những kỷ niệm, hỏi han nhau về gia đình hay công việc làm ăn.
Không nói chuyện chính trị ?
Tết nay đã khác tết xưa, những tết thời bao cấp. Vật chất không phải là việc phải lo lắng đầu tiên mỗi khi tết đến hoặc khi nhà có khách. Tuy nhiên, ở đây đó, vẫn có những đứa trẻ thơ không có tết. Người về quê ăn tết đã có xe hơi riêng để đi, hoặc có tiền thuê xe, tuy xe khách hay xe máy vẫn còn là phương tiện phổ biến. Trước sự thay đổi ấy, người ta thường cho rằng nhờ ơn đảng, ơn bác mới có công cuộc đổi mới. Chẳng ai để ý rằng, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã dẫn đến những năm đói kém kinh hoàng vào những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước. Họ cảm ơn đảng đã "cởi trói" mà không nghĩ đến ai đã "trói" họ. "Bây giờ được như thế này còn kêu gì nữa" là câu cửa miệng của nhiều đầu óc bảo thủ. Họ không hề nhìn ra ngoài biên giới. Không nhìn sang Âu Mỹ đã đành, ngay cả cái ao làng Đông Nam Á hay ở ngay bán đảo Đông Dương họ cũng không cần biết. Họ cũng chỉ biết so sánh miếng ăn đã khác trước, chứ không nghĩ đến an sinh xã hội, nghĩ đến quyền con người. Họ không biết những hạn chế trong phát ngôn, hành động mà họ phải tuân thủ đã đành mà còn tự kiềm chế tư tưởng, không dám nghĩ khác những gì đảng nói.
Không dám nói khác, nghĩ khác, họ còn tự cho mình nhiệm vụ canh chừng tư tưởng những của những người khác. Vì là "của hiếm", mỗi khi tôi xuất hiện ở quê, chẳng thiếu người nhìn tôi đầy cảnh giác. Tôi biết vậy nên chẳng có tham vọng "tuyên truyền" cho ai nhưng vẫn bị một vị có chức sắc nào đó trong họ phủ đầu : "Không nói chuyện chính trị".
Một lần tôi ngồi nghe mấy ông anh nói chuyện về vụ án Đinh La Thăng, rồi ông Trần Đại Quang vừa chết. Nói mãi không sao, đến khi tôi vừa mở miệng ra để cải chính một chi tiết sai, một ông anh đã gạt đi : "Không nói chuyện chính trị". Có lần mọi người đang nói về một vụ tai nạn giao thông, công an làm sai lệch hồ sơ. Tôi vừa xen vào hỏi thì bị một chú em nhắc nhở chẳng ăn nhập gì đến vụ tai nạn kia, có lẽ chú chỉ đoán trong đầu tôi đang chứa sẵn những gì : "Anh không ra nước ngoài anh không biết, chứ Thái Lan nó đầy nhà ổ chuột kia". Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ chuyện Mỹ đưa người lên mặt trăng cũng không được nói vì tôi chưa lên mặt trăng bao giờ ?
Chuyện tương tự còn nhiều nhưng hễ tôi xen vào là bị chẹn họng ngay : "Không nói chuyện chính trị". Từ đó, tôi đoán ra, khuôn khổ ấy chỉ đặt ra khi có mặt tôi. Tuy "không nói chuyện chính trị" nhưng anh vẫn nhìn bộ complet tôi đang mặc, khiêu khích : "Bộ này đi Mỹ đấy à ? Hồi tôi vừa mới đi Mỹ về, một ông anh khác hỏi : "Bao giờ thì chú mua ô tô ?". Lại có cô em bảo, anh theo Mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi nói toạc ra : "Theo Mỹ thì sao ? Anh còn muốn cả đất nước này theo Mỹ, người Việt Nam cũng được như người Mỹ kia. Ý cô là phải theo Trung Quốc ?".
"Không nói chuyện chính trị", câu chuyện chỉ ồn ào xung quanh công việc làm ăn của mỗi người, tự hào về dòng họ mình đông đúc, có bao nhiêu người thành đạt (tướng tá hoặc chức sắc trong hệ thống chính trị). Chẳng ai nêu ra dòng họ mình có ai sống khí tiết để mà noi gương.
Trong các buổi họp mặt, thanh niên vẫn là đông nhất. Không phải cháu nào đầu óc cũng u tối nhưng trước các bậc trưởng lão, không đứa nào dám ho he trong khuôn khổ định sẵn : "không nói chuyện chính trị". Có cháu bày tỏ sự cảm thông với tôi nhưng chỉ là câu chuyện riêng : việc chú làm là đúng nhưng cháu không theo được vì còn phải kiếm sống nuôi vợ con. Có chú em họ thẳng thắn nhận em hèn. Có đứa chỉ dám thừa nhận chú can đảm nhưng không dám nói tôi đúng hay sai. Có đứa lại bảo việc chú làm là đúng nhưng chưa đến lúc. Tôi nói, nếu ai cũng chờ "đến lúc" thì ai tạo ra cái "lúc" ấy để mà nói, để mà hành động. Có ông anh lọc lõi, khuyên tôi không được, bảo, thôi, chú viết gì cứ viết, nói gì cứ nói nhưng làm thì để cho đứa khác. Có anh tỏ ra thực tế (thực dụng ?), bảo khi nào biểu tình có tiền thì chú gọi tôi đi với nhé.
Một lần JB Nguyễn Hữu Vinh đưa tôi về quê bằng xe của anh, cũng vào dịp tết. Lần sau tôi về, bà chị dâu bảo : "Lần trước, chú đưa cái thằng phản động nào đó về nhà, nó dám nói xấu đảng, nói xấu bác. Nhà tôi là "nhà cơ bản", toàn đảng viên, công chức nhà nước mà nó chẳng nể. Chẳng nhẽ ngày tết tôi lại đuổi". Tôi nói, thứ nhất, bác của chị à, họ hàng như thế nào ? Thứ hai là mấy đứa nhà chị, nó là đảng viên không có nghĩa nó là đảng. Mà nó là đảng thì đã sao, không dám động đến chăng ? Vợ tôi xen vào, chị xem, đảng nhà chị đã làm được những gì ? Rồi bả kê ra một loạt việc đảng đã làm, đảng viên phạm tội ra sao.
Chuyến về quê tiếp theo, Thanh Hà chở tôi về. Chị dâu tôi nằm bệnh viện. Tôi trêu anh : Lần trước, chị bảo em đưa phản động về nên em không dám nhờ nó nữa. Còn đây là chú Hà, chưa có "tiền án tiền sự" (với nhà anh), anh yên tâm.
Không nói chuyện chính trị nhằm che đậy hiện thực đen tối do chế độ này tạo nên. Nó cũng như Trung Quốc không muốn nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 10 năm sau đó mà thôi. "Không nói chuyện chính trị" vì nói ra, làm sao họ tranh luận nổi, bênh nổi cái đảng của họ. Bây giờ, còn cái gì để khoe ngoài việc tụng kinh "cuộc sống bây giờ đã khá hơn trước" ? Họ muốn bênh đảng của họ vì đảng ấy đã cho họ cuộc sống dư dả hơn người khác, có danh tước, địa vị trong xã hội. Cho nên, "không nói chuyện chính trị" thực chất là bài lảng tránh. Mà nếu có tranh luận, họ cũng chỉ "phản biện" bằng cách "không có đổi mới, làm gì được như bây giờ ?", "chúng mày phản bội lại tao và bố". Tôi có thằng cháu vợ, nó "phản biện" cô chú nó (tức là tôi và vợ tôi) rằng "hết thuốc chữa". Chợt nhớ đến đám dư luận viên hay "phản biện" chúng tôi bằng những câu "đồ phản động", "Không có đảng bác làm gì có chúng mày", "đất nước đang ổn định, chúng mày cứ muốn đảo lộn lên". Tôi phải đóng ngoặc kép hai chữ "phản biện" vì làm gì có lý lẽ để gọi là phản biện.
Như con đà điểu rúc đầu vào cát, họ cố né mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống, không nhìn, không thấy, không nghe, không biết.
Không nói chuyện chính trị, sống ngoài chính trị hình như là một cái mốt của những người tự xem mình là thức thời. Như con đà điểu rúc đầu vào cát, họ cố né mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống, không nhìn, không thấy, không nghe, không biết. Có lẽ, họ chỉ động đến chính trị khi chính bản thân họ bị tấn công, bị cướp nhà cửa, ruộng vườn hay bị oan khiên trong một vụ án nào đó. Khi đó, họ mới biết họ có sống ngoài chính trị được không. Họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, họ sống ngoài chính trị tại sao họ lại phấn đấu vào đảng, bon chen để lên chức và vun vén cho gia đình không bằng lao động của mình ? Không nói chuyện chính trị, vậy ai đã tuyên truyền chính trị cho họ để họ có được bộ não không thể gột rửa được. Trong khi, báo chí vẫn đề cập đến những tiêu cực về mọi mặt của đời sống xã hội thì có ai nhắc đến các từ tham nhũng, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thì họ vội gạt đi : "Không nói chuyện chính trị". Họ còn bảo hoàng hơn vua.
Mồng Hai Tết Kỷ Hợi 2019
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 06/02/2019 (nguyentuongthuy's blog)
Dân ‘choáng váng’ vì chính quyền cộng sản Việt Nam lại in tiền mới vào dịp Tết (Người Việt, 02/02/2019)
Nhiều blogger bày tỏ họ cảm thấy sốc khi đọc tin trên báo điện tử của Đài Truyền Hình Việt Nam rằng "Đưa vào lưu thông hơn 47.500 tỉ đồng (hơn 2 tỉ Mỹ kim)".
Hình minh họa : soha.vn
Tờ báo viết : "Đây không phải là diễn biến bất ngờ bởi những tuần giáp Tết Nguyên Đán, Ngân hàng nhà nước hệ thống khi nhu cầu tiền mặt tăng cao. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng nhà nước tiếp tục mua vào một lượng lớn đô la trong tuần qua cũng khiến tăng cung tiền đồng. Việc bơm ròng thời điểm này giúp lãi suất duy trì ổn định và có khả năng giảm nhẹ vào những tuần sau Tết".
Việc "bơm tiền", nghĩa là in tiền mới và đưa vào thị trường, diễn ra đều đặn hàng năm, nhưng số tiền 47.500 tỉ đồng được chính báo điện tử của Đài Truyền Hình Việt Nam thừa nhận đây là "mức cao nhất trong gần hai năm qua".
Nhà báo Nguyễn Đức của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên trang cá nhân của ông ảnh chụp những tờ tiền 500.000 đồng mới cáu, cùng số sơ ri liền mạch được rút từ máy ATM hôm 1 tháng Hai như một minh chứng. Ông cũng đưa bình luận : "Ngân hàng nhà nước đã bơm hơn 47.000 tỉ cho dân tiêu Tết, thật chu đáo với đồng bào. Chúng ta sướng nhỉ. Dân càng tiêu tiền mới nhiều, GDP càng tăng trưởng mạnh !"
Việc cung một khoản tiền quá lớn ra thị trường khiến giới quan sát lo ngại rằng tình trạng lạm phát năm 2019 ở Việt Nam sẽ diễn biến xấu. Việc chính quyền cộng sản Việt Nam đều đặn in tiền mỗi năm cũng được coi là một công cụ mị dân hiệu quả để tạo ảo giác tăng trưởng GDP trong quần chúng, trong lúc lấp liếm tỷ lệ lạm phát thật sự từ hệ lụy của việc này.
Theo báo Tổ Quốc hôm 2 tháng Hai, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2018 là "4%" trong lúc tăng trưởng GDP "ít nhất đạt 6,8%".
Tuy nhiên, nhìn vào mức độ tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu trên thực tế qua từng năm, người dân bày tỏ sự hoài nghi về tỷ lệ lạm phát được công bố bởi Tổng cục Thống kê.
Trang Nghiên cứu Kinh tế hồi tháng Bảy, 2018 từng nhận định : "GDP chưa bao giờ là công cụ hiệu quả để kiểm chứng sức khỏe của nền kinh tế, việc in tiền để theo đuổi những mục tiêu tăng trưởng ảo sẽ gây ra những tác động xấu đến tương lai nền kinh tế Việt Nam. Nói về những thảm họa kinh tế từ việc in tiền, thế giới mới đây đã chứng kiến sự sụp đổ của Zimbabwe và Venezuela, đây là hai ví dụ nhãn tiền cho Việt Nam".
"Các loại thuế, phí tại Việt Nam đang rất cao, chiếm 32% GDP, cao gần gấp đôi so với đề xuất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) là chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. Nghĩa là, chính phủ vẫn in tiền, người dân vẫn đóng thuế, thì tiền tiết kiệm thì ngày càng mất giá. Đồng tiền mất giá sẽ gây khó khăn cho việc giao dịch và đầu tư, và từ đó có thể khiến tổng sản lượng thực tế suy giảm ; bên cạnh đó là hàng loạt các câu hỏi về mức độ hiệu quả trong chi tiêu chính phủ", trang này viết. (T.K.)
**************
Hàng chục ngàn người vật vã ở bến xe, nhà ga chờ về quê ăn Tết (Người Việt, 02/02/2019)
Hàng chục ngàn người "rồng rắn" đổ dồn đến các bến xe, ga tàu tại ở Sài Gòn sáng 2 tháng Hai, 2019 (28 tháng Chạp), để về quê ăn Tết phải vật vả chờ đợi tàu, xe đến mòi mỏi.
Hôm 1 tháng Hai, hai chuyến tàu trễ giờ khiến hàng trăm hành khách phải vật vã chờ đợi. (Hình : Người Lao Động)
Báo Người Lao Động tường thuật, tại Bến Xe Miền Tây (quận Bình Tân), hôm 2 tháng Hai là lúc gần như cao điểm nhất với lượng khách đông đặc.
Từ sáng sớm, hàng ngàn người đổ dồn đến bến xe này, lỉnh kỉnh đủ loại hành lý, đồ đạc chờ mua vé và xe về quê. Nhiều quầy vé tại bến chật kín người, hành khách phải rồng rắn xếp hàng chờ tới lượt mua vé.
Lượng khách đến Bến Xe Miền Đông trong sáng 2 tháng Hai, 2019 dù giảm so vài ngày trước nhưng vẫn khá đông. (Hình : Người Lao Động)
Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, phó giám đốc Bến Xe Miền Tây, cho biết đến trưa cùng ngày, lượng khách qua bến vào khoảng 25.000 lượt, với hơn 900 xe xuất bến. Dự báo đến hết ngày hôm nay,lượng khách qua bến vào khoảng hơn 60.000 người.
Cùng lúc, tại Bến Xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách đến dù giảm so vài ngày trước nhưng vẫn khá đông, hành khách hầu hết đã có vé mua trước và đến bến chờ lên xe.
Đại diện Bến Xe Miền Đông cho biết, hôm qua (27 tháng Chạp), là ngày cao điểm phục vụ khách tại bến, với khoảng 53.000 lượt khách và lượng khách qua bến đang giảm dần, dự báo hết ngày hôm nay có khoảng 50.000 lượt lượt khách về quê.
Tương tự, tại ga Sài Gòn (quận 3), sáng 2 tháng Hai, đông nghẹt người đến chờ lên xe lửa về quê. Sợ trễ, nhiều gia đình đến ga từ sớm, tay xách nách mang đủ loại đồ đạc, quà quê để về ăn Tết.
Nhiều người ngồi vật vã, ngủ gục trên các băng ghế vì chờ xe quá lâu. (Hình : Người Lao Động)
Theo Chi Nhánh Vận Tải Đường Sắt Sài Gòn, sau vụ xe lửa trật bánh tại Bình Thuận rạng sáng hôm 27 tháng Giêng, tính đến chiều 1 tháng Hai, có đến 33 đoàn tàu bị chậm giờ. Ngay trong ngày 1 có hai chuyến tàu gồm SE22 và SE26 không kịp quay đầu về ga Sài Gòn, chậm hơn 2 giờ đồng hồ, khiến hàng trăm hành khách phải chờ đợi.
Trong khi đó, tin cho biết ở các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố Sài Gòn, giao thông khá thông thoáng, trái với cảnh ùn tắc thường thấy vào những ngày cao điểm Tết như những năm trước. (Tr.N)
********************
Tai nạn rình rập người về quê ăn tết (BBC, 02/02/2019)
Chỉ trong vòng 1 tháng cuối năm, tai nạn giao thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tăng cả 3 tiêu chí, xảy ra 1.526 vụ, làm 728 người chết và hơn 1.100 người bị thương.
Hiện trường vụ xe rước dâu chạy trên Quốc lộ 1 ở Quảng Nam "đấu đầu với ô tô đầu kéo chạy chiều ngược" làm 13 người tử vong
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an vừa công bố số liệu tình hình tai nạn giao thông tại Việt Nam trong tháng 1/2019.
Trong đó, số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong vòng 1 tháng qua, Việt Nam xảy ra 1.526 vụ tai nạn giao thông, tăng 8,2% so với tháng trước.
Tổng số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng vừa qua là 728 người, tăng 15,56%. Các tại nạn đã khiến ít nhất 1.137 người bị thương.
Trong số này có thể kể đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào chiều 2/1 tại Bến Lức (Long An) làm 21 người thương vong. Tài xế Phạm Thành Hiếu dương tính với ma túy, khai nhận không làm chủ tốc độ nên đã điều khiển xe container lao thẳng vào đám đông xe máy đang dừng đèn đỏ.
Tình trạng lái xe tải, xe khách đường dài sử dụng chất kích thích, ma túy đang là mối lo ngại lớn của người dân trong dịp cao điểm về quê ăn Tết Nguyên Đán.
Báo an toàn giao thông đưa tin, chỉ trong 10 ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc phát hiện 65 tài xế dương tính với ma tuý.
Các khu vực phát hiện nhiều tài xế dương tính với ma tuý gồm Lai Châu (14 tài xế), Bình Phước (9 tài xế) và Thanh Hóa (5 tài xế).
Cũng theo báo an toàn giao thông, Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đang thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát các loại xe khách từ 8 chỗ ngồi trở lên. Kế hoạch được cho là kéo dài từ 21/1 đến hết 20/2 năm 2019.
Tai nạn giao thông rình rập
Con số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường tăng cao trong các dịp nghỉ lễ ở Việt Nam.
Báo Lao Động đưa tin, khoảng 7h sáng 2/2, một vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe khách trên Quốc lộ 1A (Quận 12) đã khiến nhiều người trên đường về quê ăn Tết rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Tài xế sử dụng ma túy, uống rượu bia đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. (Ảnh minh họa)
Vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc đã khiến cả 2 xe đều bị hư hỏng nặng, hành khách bị kẹt cứng phải đập cửa ra ngoài và được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Vụ việc cũng làm toàn bộ tuyến Quốc lộ 1A qua khu vực Quận 12 tắc nghẽn nghiêm trọng.
Trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều 31/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập đến vấn đề tai nạn giao thông.
Ông Mai Tiến Dũng phát biểu : "Thủ tướng chỉ đạo lập lại nhanh chóng kỷ cương trong lĩnh vực giao thông, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng như vừa qua".
Trong năm 2018 đã có hàng loạt các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Có thể kể đến vụ vụ xe tải đâm vào đoàn người đi bộ tới nghĩa trang làm chết 8 người, 5 người bị thương vào chiều 21/1. Vụ việc xảy ra tại Quốc lộ 5, địa bàn tỉnh Hải Dương.
Trong vụ đâm xe ở Hải Dương, có nhiều nạn nhân tử vong hoặc bị thương nặng là quan chức công an, Mặt trận Tổ Quốc, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên và cán bộ đảng viên địa phương.
Một chủ tịch huyện được trích lời cho biết rằng "các nạn nhân trên vừa đi đại hội ở xã, sau đó sang viếng nghĩa trang liệt sĩ và trên đường về thì gặp nạn".
Vụ việc ở Hải Dương góp thêm vào con số tai nạn giao thông vốn đã cao ở Việt Nam.
Trong sáu tháng đầu năm 2018 có hơn 4.500 người tử vong và gần 7.000 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Tháng 9/2018, vụ va chạm xe bồn và xe khách ở Lai Châu làm 13 người chết và 3 người khác bị thương.
Cuối tháng 7, một vụ xe rước dâu chạy trên Quốc lộ 1 ở Quảng Nam "đấu đầu với ôtô đầu kéo chạy chiều ngược", khiến 13 người tử vong.
Trong vụ này, chú rể trong đám cưới và mẹ đẻ cùng thiệt mạng khi đang trên xe với nhiều thành viên trong họ hàng, gồm cả trẻ em đi từ tỉnh Quảng Trị vào đón dâu tại Bình Định.
******************
Hong Kong triệt phá đường dây buôn lậu vảy tê tê sang Việt Nam (VOA, 02/02/2019)
Hải quan Hong Kong triệt phá một đường dây buôn lậu lớn các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ Châu Phi, thu giữ một lượng vảy tê tê nhiều kỉ lục cùng với hơn 1.000 ngà voi, trong khi nhà chức trách đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Vảy tê tê là một trong những sản phẩm động vật hoang dã thường được vận chuyển tới Việt Nam.
Giá trị của lượng hàng vừa bị tịch thu - tương đương khoảng 500 con voi và lên tới 13.000 con tê tê - là hơn 62 triệu đôla Hong Kong (7,9 triệu đôla Mỹ), Reuters dẫn lời nhà chức trách cho biết hôm thứ Sáu. Có nguồn gốc từ Nigeria, lô hàng này trên đường hướng tới Việt Nam, họ nói thêm.
Trong một vụ việc khác, các quan chức hải quan tại cảng Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam đã phát hiện thêm 1,4 tấn vảy tê tê trong một container vận chuyển từ Nigeria, thông tấn xã Việt Nam đưa tin hôm thứ Sáu.
Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã chặn hơn tám tấn vảy tê tê và ngà voi, cũng từ Nigeria. Đây là một trong những vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp lớn nhất bị triệt phá tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc là một điểm đen toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã. Thành phố này là một điểm trung chuyển quan trọng, cung cấp một loạt các sản phẩm dã sinh bao gồm gỗ, vây cá mập và sừng tê giác khắp Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đại lục.
Hải quan Hong Kong vào ngày 16 tháng 1 đã thu giữ khoảng 8.300 kg vảy tê tê và 2.100 kg ngà voi tại cảng hàng hóa Quỳ Dũng. Đó là vụ tịch thu các bộ phận tê tê lớn nhất ở Hong Kong vào thời điểm đó.
Về Việt Nam để gần gũi với người thân cũng như được đón một không khí Tết trọn vẹn hơn ở hải ngoại là lý do một số người Việt sống ở nước ngoài muốn về Việt Nam trong ngày lễ trọng nhất của dân tộc Việt Nam trong năm.
Một con đường bán những đồ trang trí cho ngày Tết ở Việt Nam
Vào lúc này, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Âm lịch Kỷ Hợi, trong lúc người dân trong nước đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết thì Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới cũng lũ lượt về nước ăn Tết.
Tình trạng này đã gây nên sự tắc nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Theo báo Pháp luật thì bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 2019 thì số lượng Việt kiều về qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất ‘tăng đột biến’ kéo theo ‘hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành lân cận tổ chức các chuyến xe gia đình đến đón người thân’.
‘Không khí rộn ràng’
VOA đã phỏng vấn một số Việt kiều về nước ăn Tết trong dịp này để tìm hiểu về ngày Tết của họ ở Việt Nam.
Ông Chí Tâm, một nghệ sĩ cổ nhạc và cải lương nổi tiếng trước năm 1975 hiện vẫn đang hoạt động ở hải ngoại, cho biết ông về Việt Nam dịp này vừa để ăn Tết vừa để tham gia trình diễn trong các chương trình văn nghệ mà các nhà tổ chức đã mời ông từ trước.
Trao đổi với VOA từ quê vợ của ông ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, ông Chí Tâm cho biết ông vừa tham gia buổi trình diễn gây quỹ trùng tu một ngôi đình thần ở xã Khánh An do doanh nghiệp đứng ra tài trợ mời nghệ sĩ xuống hát cho bà con ở vùng sâu vùng xa.
"Buổi biểu diễn quy tu hàng ngàn khán giả đến xem trong không khí rộn ràng khi Tết gần đến", ông Chí Tâm, người hiện đang định cư ở Quận Cam, bang California, nói.
Ông nói ông về quê ăn Tết ‘có bà con thân thuộc, có anh em chào đón mình’ nên ông cảm thấy gần gũi hơn. Năm nay là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt Nam sau lần về vào năm 2016 kể từ khi ông định cư ở hải ngoại.
Ông cho biết những ngày này ở Thành phố Hồ Chí Minh không khí Tết đã rộn ràng với ‘đường phố giăng đèn kết hoa’ rất nhiều.
Khi được hỏi về cái Tết của cộng đồng người Việt ở Quận Cam, nơi được xem là ‘thủ đô của người Việt hải ngoại, ông nói không khí ăn Tết ở quanh thương xá Phước Lộc Thọ hay đường Bolsa cũng ‘rất vui’ nhưng không được kéo dài như ở trong nước.
"Các chùa, các nhà thờ quanh vùng đều có tổ chức đón giao thừa, có chương trình văn nghệ", ông nói. "Nếu Tết rơi vào ngày cuối tuần sẽ vui hơn còn nếu rơi vào ngày trong tuần thì bà con còn phải về sớm để chuẩn bị ngày mai đi làm".
Ông cho biết nghi lễ ngày Tết của người Việt ở Quận Cam ‘cũng cố gắng tham khảo ý kiến của các bậc tiền bối để giữ được những nét thuần túy của dân tộc’ nhưng do điều kiện thiếu thốn nhân sự có chuyên môn, thiếu thốn dụng cụ nên không được trọn vẹn.
"Ở trong nước đầy đủ hơn, mỗi địa phương đều có tổ chức lễ hội xuân", ông nói thêm, "Không chỉ có những sự kiện do chính quyền tổ chức mà có những doanh nghiệp, tư nhân tổ chức những buổi lễ tất niên, tân niên, cúng ông Táo, rồi những lễ hội dân gian như cúng Đình, cúng Chùa nữa".
Nghệ sĩ Chí Tâm về nước ăn Tết cùng vợ nhưng các con của ông ‘do bận đi học nên không về cùng được’. Nhưng ông nói rằng bây giờ nhờ vào công nghệ hiện đại nên lúc nào ông cũng có thể gọi điện để thấy mặt con cái nên ‘không cảm thấy xa vắng’.
Khi được hỏi cảm nhận của ông về đời sống người dân trong nước, ông nói ‘tốt hơn, sung túc hơn’ mặc dù ‘ở đâu cũng có người giàu người nghèo’.
"Nhiều doanh nghiệp nổi lên, có thêm nhiều cao ốc, nhiều chung cư giải quyết vấn đề nhập cư cho người dân", ông cho biết nhưng cũng than phiền về vấn đề kẹt xe ở các thành phố lớn khiến mất thời gian di chuyển gấp đôi.
Mặc dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người Việt hải ngoại mà ông cho rằng ‘có kháng thể yếu hơn người dân trong nước’ cũng là một điều đáng lo nhưng ông cho rằng ‘nếu kỹ lưỡng thì không có gì phải ngại’. Tương tự, ông cho rằng giao thông mặc dù lộn xộn nhưng nếu chú ý gìn giữ an toàn thì ‘không phải là điều lo lắng lớn lắm’.
‘Vui hơn bên Pháp’
Bà Hà Mỹ Xuân, vốn cũng là một nghệ sĩ cải lương có tên tuổi ở Sài Gòn trước năm 1975 và nhiều năm qua đã định cư ở thủ đô Paris của Pháp, cho biết ngày Tết ở Việt Nam ‘lớn và vui hơn ở bên Pháp nhiều’.
"Ở bên Pháp chỗ nào có người Việt nhiều thì mới có không khí Tết nhiều", bà nói và cho biết vào ngày Tết ‘cũng có múa lân, đốt pháo’.
"Chỉ có Quận 13 ở Paris có người nhiều Asiatique (Á Đông) thì mới vui còn những chỗ khác không có gì là nhộn nhịp hết".
Bà Hà Mỹ Xuân hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, và qua Tết bà mới quay lại Pháp, bà cho biết.
Khi được hỏi các gia đình người Việt ở Pháp có duy trì phong tục ngày Tết giống như ở Việt Nam không, bà Xuân nói ‘một hai gia đình tụ lại một nhà ăn cơm để đón Tết chứ làm giống như ở Việt Nam thì không có đâu’.
"Tuy nhiên nếu đó là ngày đi học đi làm trong tuần thì cũng như những ngày bình thường thôi".
Bà Hà Mỹ Xuân cho biết bà sẽ về quê ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, ăn Tết vì ‘mồ mả cha mẹ ở đó’. Bà nói bà về quê ăn Tết với các em Út và các cháu.
Theo bà thì ngày Tết ở Việt Nam thì ‘ở dưới quê vui hơn thành phố’ vì ‘Sài Gòn mấy ngày Tết vắng nhiều do người ta về quê hết’.
Điều làm bà nhớ nhất về ngày Tết Việt Nam, theo bà Xuân, là ‘tình cảm gia đình’. Bà giải thích rằng ngày Tết ở bên Pháp chỉ có vợ chồng hai chị em bà còn khi bà về nước ăn Tết có đông thân nhân hơn.
Bà Xuân cũng có cảm nhận giống ông Chí Tâm là ở Việt Nam bây giờ ‘cũng có người giàu, người nghèo’.
"Ở đâu cũng vậy, mà hồi xưa cũng vậy", bà nói, "Đi làm thì sẽ sống được, nếu không thì sẽ khó sống".
Về cuộc sống của người dân, bà Xuân cảm nhận là ‘cải thiện hơn so với trước’. "Trong gia đình mình, các em, các cháu có đầy đủ điều kiện hơn mình hồi nhỏ".
"Nếu có điều kiện, có thời gian thì tôi sẽ thường về nước ăn Tết, nếu không thì ăn Tết ở Pháp nhiều hơn", bà nói và cho biết bây giờ không không cảm thấy quyết tâm về nước ăn Tết như lúc cha mẹ bà còn sống.
Khi được hỏi về nỗi lo khi ở Việt Nam, bà Xuân nói ‘thấy trên mạng nói về vấn đề ăn uống ở Việt Nam cũng thấy sợ’ như cũng như Nghệ sĩ Chí Tâm, bà cho rằng ‘nếu mình cẩn thận thì không phải lo gì hết vì ở Việt Nam cũng có người sống trên trăm tuổi vậy’.
Thích Tết nhưng không muốn về Việt Nam
Khác với hai nghệ sĩ hải ngoại trên, bà T.N., một người Việt đang định cư ở Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, nói bà ‘không hề muốn về Việt Nam ăn Tết’.
Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên, bà T. N. nói rằng bà đã sống ở Mỹ được 14 năm và trong thời gian đó bà ‘chưa bao giờ bỏ qua một ngày Tết Việt Nam nào’ nhưng cũng chưa bao giờ về Việt Nam ăn Tết.
"Cái Tết đối với tôi rất quan trọng", bà nói và cho biết vào ngày Tết bà vẫn đi chùa, vẫn bày biện bàn thờ cúng kiến ông bà ở nhà với đầy đủ bánh tét, bánh chưng, dưa hấu và vẫn duy trì tục xông đất, đạp đất vào ngày đầu năm như ở Việt Nam. Nếu Tết rơi vào ngày đi làm thì bà xin nghỉ phép để ở nhà đón Tết.
Tuy nhiên, bà không muốn về Việt Nam vào dịp Tết vì thời điểm đó công việc của bà bên Mỹ rất bận rộn, bà cho biết.
Lý do trên hết, theo bà T.N., là bà lo sợ về tai nạn giao thông ở Việt Nam những ngày Tết.
"Mấy ngày Tết nhiều người nhậu nhẹt say sưa đi xe rất nguy hiểm", bà giải thích và nói thêm là bà cũng lo ngại về ‘thực phẩm nhiễm độc, thức ăn có hóa chất’ trong khi ‘bệnh viện không được tốt’.
Do không đón Tết ở quê nhà trong nhiều năm, bà T.N. nói rằng trong tâm trí bà vẫn nhớ về ngày Tết ‘với tiếng pháo nổ, hoa mai vàng, dưa hấu đỏ, bánh tét xanh’.
Về không khí ngày Tết của người Việt ở Oklahoma, bà cho biết vào đêm giao thừa nhiều người Việt tập hợp lại ở các chùa để nghe quý Thầy chúc Tết và được lì xì.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 22/01/2019