Không đơn thuần là áo lót, yếm đã trở thành biểu tượng đi vào thi ca, nhạc họa nhiều thế kỷ.
Trang phục Việt xưa (ảnh cuối thế kỷ 19). Ảnh bữa ăn ngoài đồng
Có trang phục nào gắn với văn minh lúa nước Việt Nam nhất là đồng bằng châu thổ sông Hồng hơn chiếc yếm ? Có chiếc áo nào ôm thân, mảnh dẻ mà thân thiết với người phụ nữ từ ngàn năm như yếm ?
Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với những tình khúc về Hà Nội, nhân vật chính trong tác phẩm của ông hầu hết là phụ nữ. Có một ca khúc luôn gây xúc động khi lột tả người đàn bà bé nhỏ đương đầu bão tố, vật lộn mưu sinh, mà vẫn đầy nhẫn nại, nhân hậu, dịu dàng. Đó là Thương lắm tóc dài ơi, với hình ảnh một đời "thân cò lặn lội", hy sinh hạnh phúc riêng mình, tần tảo vì con : "Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che ?"
Trong ca dao, thành ngữ Việt rất nhiều câu liên quan đến chiếc yếm hấp dẫn quyến rũ các chàng trai, các thi sĩ :
"Con cò lặn lội bờ ao
Phất phơ hai dải yếm đào gió bay"
"Hỡi cô áo trắng yếm hồng
Đi trong đám hội, có chồng hay chưa ?"
"Hỡi cô yếm thắm răng đen
Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh"
"Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm đỏ bỏ bùa cho sư…"
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822) có câu thơ tả yếm rất tình tứ :
"Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông".
Yếm, quần cộc ngắn đã có trước khi Pháp thuộc. Những người truyền giáo đầu tiên sang Việt Nam đã tả những trang phục người Việt. Đầu thế kỷ 19, Pháp bắt đầu thôn tính dần Việt Nam. Một số người đã chụp ảnh về trang phục Việt của người miền xuôi, người Hà Nội. Những bưu ảnh, truyền đi khắp nơi thời đó chứng minh sự có mặt của thời trang đậm nét quê Việt.