Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/02/2022

Trữ tình yếm Việt

Trần Thu Dung

Không đơn thuần là áo lót, yếm đã trở thành biểu tượng đi vào thi ca, nhạc họa nhiều thế kỷ.

yem1

Trang phục Việt xưa (ảnh cuối thế kỷ 19). Ảnh bữa ăn ngoài đồng

Có trang phục nào gắn với văn minh lúa nước Việt Nam nhất là đồng bằng châu thổ sông Hồng hơn chiếc yếm ? Có chiếc áo nào ôm thân, mảnh dẻ mà thân thiết với người phụ nữ từ ngàn năm như yếm ?

Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với những tình khúc về Hà Nội, nhân vật chính trong tác phẩm của ông hầu hết là phụ nữ. Có một ca khúc luôn gây xúc động khi lột tả người đàn bà bé nhỏ đương đầu bão tố, vật lộn mưu sinh, mà vẫn đầy nhẫn nại, nhân hậu, dịu dàng. Đó là Thương lắm tóc dài ơi, với hình ảnh một đời "thân cò lặn lội", hy sinh hạnh phúc riêng mình, tần tảo vì con : "Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che ?"

Trong ca dao, thành ngữ Việt rất nhiều câu liên quan đến chiếc yếm hấp dẫn quyến rũ các chàng trai, các thi sĩ :

"Con cò lặn lội bờ ao

Phất phơ hai dải yếm đào gió bay"

"Hỡi cô áo trắng yếm hồng

Đi trong đám hội, có chồng hay chưa ?"

"Hỡi cô yếm thắm răng đen

Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh"

"Ba cô đội gạo lên chùa

Một cô yếm đỏ bỏ bùa cho sư…"

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822) có câu thơ tả yếm rất tình tứ : 

"Lược trúc lỏng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông".

Yếm, quần cộc ngắn đã có trước khi Pháp thuộc. Những người truyền giáo đầu tiên sang Việt Nam đã tả những trang phục người Việt. Đầu thế kỷ 19, Pháp bắt đầu thôn tính dần Việt Nam. Một số người đã chụp ảnh về trang phục Việt của người miền xuôi, người Hà Nội. Những bưu ảnh, truyền đi khắp nơi thời đó chứng minh sự có mặt của thời trang đậm nét quê Việt.

yem2

Ngày nay, những mốt của các nhà thiết kế mang tầm quốc tế xét thực ra lấy cảm hứng từ trang phục người Việt từ thuở trước. Thời Trung cổ, Hy Lạp La Mã quần áo cũng khác. Thổ dân các nước như Mỹ, Úc, châu Phi toàn mặc khố. Người theo đạo Hồi mặc kín đến bưng bít. Người Trung Quốc không mặc yếm. (Nếu có, thực dân Anh đã chụp ảnh lại).

Pháp là một nước quan tâm bảo tồn văn hóa. Họ đã thành công đề nghị bánh mỳ đũa (baguette) và bữa ăn Pháp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Vậy yếm, quần ngắn chính là di sản văn hóa phi vật thể cần được di sản thế giới công nhận. Trang phục phụ nữ Việt xưa là nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế thời trang ngày nay biến tấu.

Nhiều món dân dã quê mùa nay đã thành đặc sản. Tóp mỡ rang cơm, tương, mắm… Trước kia người thành phố thường khinh những ai ăn mắm, tương... Mẹ tôi kể hồi mới sống ở Hà Nội, sau năm 1954, người Hà Nội không ăn cá biển.

Thứ nhất, cá biển khi vào đến Hà Nội ít tươi do chưa có cách bảo quản đông lạnh như ngày nay. Cá biển mặn hơn cá sông, phơi nắng ướp muối, cá hơn khô khô, mùi vẫn nặng, không hợp khẩu vị người Hà Nội.

Mẹ tôi đã nhờ cá phơi qua vài nắng đó để nuôi đàn con khôn lớn giữa Hà Nội thời chiến. Nhiều người nhìn thấy mẹ tôi làm cá biển phơi qua nắng này rất coi thường. Đến khi thấy đàn con của mẹ tôi học hành đàng hoàng hơn cả đám Hà Nội trong khu phố Bà Triệu, họ im lặng… Giờ đây cá, mực biển phơi một vài nắng trở thành đặc sản ưa thích đắt tiền ở Hà Nội.

Nhiều người đứng tuổi không thích quần áo lớp trẻ ngày nay mặc vì ngắn và hở. Mốt ngắn được gọi nôm na với cái tên "quần áo thiếu vải". Mặc thiếu vải đã thành một xu thế thời trang ; nhưng những mốt xưa vẫn quay lại, được trân trọng bởi sự thanh lịch, nền nã, quý phái.

Thực ra, những năm chiến tranh, mặc dù vải thiếu phân phối, quần áo rất kín đáo với nhiều lý do. Chiến tranh, bom đạn trút xuống, phải chạy trú ẩn, chui rúc xuống hầm, gầm cầu thang.

Những nơi đó thường sâu tối, bị che kín, rất ẩm thấp, không có nắng, trở thành nơi ngự trú của côn trùng, rắn rết, muỗi. Để an toàn, tránh không bị dị ứng, bị đốt, tốt nhất mặc quần dài, áo dài tay.

Một chiếc quần, áo đa năng, vừa đi làm, vừa đi chợ, vừa ra đường, vừa tiện lợi di chuyển khi đi xe đạp, chạy núp bom đạn.

yem3

Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc kết hợp váy yếm với tà áo dài truyền thống và quần lụa đơn sắc.

Việt Nam là xứ nóng. Nhiệt độ mùa Hè có khi lên tới 40°C. Thời xưa không quạt máy, người Việt dùng mo cau thay quạt, dép chống nóng. Những năm sơ tán ngay trước 1975, ở các làng quê Việt, vẫn nhiều người dùng mo quạt.

Về thường phục, ở miền xuôi, những chiếc yếm phin, vải thô, sồi nhuộm củ nâu rất mát, vẫn đủ kín đáo. Miền núi khí hậu lạnh, trang phục dày và kín hơn. Đàn bà nông thôn mặc quần ngắn tũn, hoặc xắn cao để tiện lội xuống mương ruộng bắt tôm bắt tép.

Phụ nữ Việt xưa rất cẩn mẫn chăm chỉ nuôi chồng nuôi con. Tú Xương (1870 - 1907) trong bài thơ Thương vợ đã nói lên cảnh vất vả của phụ nữ xưa : 

"Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông".

Mốt quần áo cũng vậy. Thời vua Tự Đức từng cấm quần không đáy. Thời chiến, ở Hà Nội, chẳng có người Việt nào mặc váy ngoài đường. Bây giờ nhan nhản váy tung bay.

yem4

Phụ nữ Việt Nam có một thời dài, mặc rất kín đáo, ra biển để nguyên cả quần áo xuống tắm. Bây giờ các cô gái thi hoa hậu, người đẹp rất tự nhiên mặc hai mảnh áo tắm (bikini) lên sân khấu trình diễn khoe đường cong được báo chí ca ngợi "mãn nhãn".

Thậm chí, ngay trên các trang cá nhân, họ còn chủ động khoe thân, muốn gây sốc, gây chú ý để nổi tiếng nhanh.

Yếm Việt chính là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thiết kế thời trang ngày nay. Việt Nam nên sớm đệ đơn lên UNESCO để giành quyền tác giả cho tổ tiên chúng ta. Đó cũng là niềm tự hào dân tộc Việt không phải ăn lông ở lỗ, mọi rợ như một số người thực dân đầu tiên đến trông thấy.

Chẳng qua thẩm mỹ mỗi giai đoạn khác nhau. So sánh những trang phục xưa Việt và mốt thời trang thế giới hiện đại, chẳng khác gì ngoài kỹ thuật nhuộm màu. Yếm tơ tằm của các nhà giàu sang quyền quý Việt ngày xưa chắc chắn rất đẹp và hấp dẫn, mới có thành ngữ "Liễu yếu đào tơ".

Mong một ngày yếm đào thắm Việt góp mặt trong bộ di sản văn hóa thế giới !

Nguồn : Nông Nghiệp online, 19/02/2022


Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Thu Dung
Read 523 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)