Câu chuyện nữ đại úy công an Lê Thị Hiền hành hung, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất vài tuần trước tưởng đã nguội bớt đi vì những tin tức thời sự chồng chất, nào ngờ lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Nữ đại úy công an Lê Thị Hiền "đại náo" sân bay Tân Sơn Nhất.
Chứng cứ, thái độ lỗ mãng của người nữ đại úy này như thế nào thế nào thì những thước phim mộc được quay tại chỗ và đưa lên mạng đã thể hiện rõ ràng với bất cứ ai xem qua. Nhưng nay bà bỗng tố ngược là phim đã bị "chỉnh sửa, photoshop ", phim thiếu cảnh bà "bị sỉ nhục, hành hung trước" nên mới nổi cơn thịnh nộ và người nữ nhân viên bị bà chửi mắng, ôm mặt khóc là "diễn sâu" đóng kịch. Cũng như cả hai mẹ con đã bị "giam lỏng" như thế nào.
Tất nhiên những điều này chỉ làm công luận nếu không cười nụ thì cũng khiến họ giận dữ công kích những lời tự bào chữa đầy vô lý và lố bịch này thêm nặng nề hơn. Nhưng khi người nhân viên hàng không đưa clip phim lên mạng đã phải tháo gỡ phim và đóng tài khoản facebook của mình, cũng như cơ quan an ninh hàng không bối rối giải thích rằng đã bị bà "hiểu lầm" và công an Quận Đống Đa đang "tiếp tục xem xét và báo cáo lên thành phố" ( ! ?), thì người ta có quyền hỏi rằng, "thật ra người nữ công an này là ai, con cháu của "thần mặt trời" nào ?" mới có thể tiếp tục ngang ngược, thách thức lại công luận khi xem mình là nạn nhân và tố ngược lại cho những người đã bị bà ta hành hung, chửi mắng và các cơ quan liên quan phải dè chừng như vậy.
Hay là dù chỉ là một đại úy công an bà vẫn là một "trời con" như vô số ông hay bà "trời con" đang có trên khắp đất nước Việt Nam hiện nay ? Dù thế nào, thì nữ đại úy này xem ra đã "có cửa" thật sự để phán "mày có biết tao là ai không ?" tại phi trường.
Một tài xế hay hành khách chạy xe biển xanh - tức xe công vụ, chạy quá tốc độ hay đang có mùi rượu nồng nặc cũng sẽ bước xuống xe buông câu "mày có biết tao là ai không ?" ngày càng phổ biến hơn.
Chỉ sau vụ Đại úy Hiền vài tuần thì mới tuần trước một người đàn ông chạy xe biển xanh tại Thanh Hóa cũng chỉ mặt, tát tai cảnh sát giao thông với thái độ "ông trời con" như vậy. Những người công an đứng đường dù có quen việc xách nhiễu, thô bạo với người dân có lẽ cũng sẽ dè chừng, né tránh với kẻ buông câu nói "mày có biết tao là ai không ?" Bởi theo tâm lý và trên thực tế, chỉ có những kẻ có quyền hay thế lực sau lưng mới có thể buông ra câu nói này. Dân thường khó lòng có thể bước xuống xe mà buông lời "mày có biết tao là ai không ?" để chơi đòn cân não, hăm dọa với cảnh sát giao thông.
Hai năm trước, cộng đồng mạng ắt không quên thước phim đã được đưa lên mạng cảnh trung tướng hồi hưu Võ Văn Liêm, từng là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Quân Ủy Trung Ương thuộc Bộ Quốc Phòng sỉ mắng, văng tục người cảnh sát giao thông bằng thái độ "mày có biết tao là ai không ?" tại Cần Thơ. "Giám đốc mày tao còn cách chức được chứ đến mày". Lời dọa của tướng Liêm quả có thật khi Giám Đốc Công An Cần Thơ phải "trình lên Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An xin ý kiến (!?)" và tin tức sau đó lan truyền rằng viên trung úy cảnh sát dừng xe tướng Liêm bị kỷ luật vì "cư xử thiếu tế nhị, để lan truyền hình ảnh cự cãi làm xấu hình ảnh cán bộ cao cấp...".
Cái văn hóa "trời con" rằng, "mày có biết tao là ai không ?" dường như ngày càng đậm đặc tại Việt Nam, không chỉ với những người có quyền hành cùng con cái, người thân của họ như nữ đại úy Hiền hay tướng Liêm. Nó lan vào cả xã hội dân sự. Một người vợ hay bồ nhí của sếp đến công ty mà nhân viên mới "lỡ dại" không biết, không cho vào thì cũng có thể bị đối diện cái thái độ hung hăng "mày có biết tao là ai không ?" này.
Mới tháng trước, báo chí trong nước đưa tin một "đại gia" địa ốc sàm sở, quấy rối tình dục với hành khách và tiếp viên trên phi cơ của Hàng Không Việt Nam cũng đã buông lời "mày có biết tao là ai không ?" khi bị nhân viên ngăn chận. Họ đem cái vị thế hay thế lực, sự quen biết sau lưng để buông lời hăm doạ, tạo áp lực với người khác trước hành vi sai trái của mình. Chỉ dăm vụ tình cờ bị người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội cùng công luận, còn hàng trăm, hàng ngàn vụ khác đã và đang có thể đang xảy ra hàng ngày và khắp mọi nơi thì sao ? Từ những kẻ có quyền đến có tiền, họ xem mình những ông hay bà "trời con", có thể đứng trên pháp luật, thậm chí tấn công cả người thi hành công vụ. Cái văn hóa ông/bà "trời con" này cho thấy một nhóm người tự coi mình là đứng trên người khác, đứng trên pháp luật và hệ thống pháp luật đã dung dưỡng cho những người này, cho họ cái đặc quyền như vậy.
Họ không hiểu rằng, ở một xã hội dân chủ, như tại Mỹ chẳng hạn, những người liên quan đến công quyền càng phải có thái độ và hành xử thận trọng, đúng mực hơn với người dân lẫn cơ quan công lực. Các trang mạng của các tổ chức dân sự và đăng thông tin liên quan đến các ứng cử viên cùng báo chí luôn theo dõi và báo cáo các vi phạm, sai trái như bạo hành, uống rượu lái xe, các cáo buộc xách nhiễu tình dục... của những cấp dân biểu liên bang đến địa phương, từ thẩm phán đến cảnh sát trưởng, của các ứng cử viên, của những người được đề bạt vào trọng trách..., để xem họ có xứng đáng phục vụ người dân hay không. Hoặc họ có buộc phải từ chức khi vướng vào những điều như vậy.
Chuyện kể rằng, có một đêm bình thường ngoài công vụ, xe chở ngài thủ tướng Winston Churchill của Anh bị chận lại. Một cận vệ xuống xe và giải thích rằng trong xe đang chở ngài thủ tướng nhưng viên cảnh sát vẫn khăng khăng ghi phạt người tài xế phạm lỗi giao thông. Nghe được câu chuyện, Churchill viết thư cho cảnh sát trưởng London đề nghị khen ngợi viên cảnh sát. Vị cảnh sát trưởng viết thư phúc đáp rằng, "chúng tôi không khen thưởng những người đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình". Chỉ khi nào, từ những người đứng đầu quốc gia xuống đến nhân viên công lực bình thường, có cùng thái độ thượng tôn pháp luật và quân pháp nghiêm minh như câu chuyện trên thì cái văn hóa "trời con" và "mày có biết tao là ai không" kia mới chấm dứt. Nhưng xem ra đây là điều không tưởng tại xã hội Việt Nam hiện nay.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 31/08/2019
Kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ hồi cuối năm trước đã tạo ra nhiều kỷ lục trên chính trường Hoa Kỳ, trong đó con số dân biểu phụ nữ và gốc thiểu số đắc cử đông đảo nhất từ trước nay là một. Bốn trong số những phụ nữ da màu lần đầu tiên đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ đã được nhắc đến nhiều ngay từ những ngày đầu tiên là nữ đội "The Squad" bao gồm Alexandria Ocasio-Cortez gốc Mỹ La Tinh của New York, Ayanna Pressley gốc Châu Phi của Massachusetts , Rashida Tlaib từ Michigan và Ilhan Omar từ Minesota cùng là Hồi giáo. Nhóm nữ dân biểu thuộc đảng Dân chủ này là ai mà đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tổng thống và gây nhiều tranh cãi từ công luận ?
Từ trái : Rashida Tlaib, Ilhan Omar, Ayanna Pressley và Alexandria Ocasio-Cortez.
Hơn cả tuần trước, truyền thông thế giới cùng công luận Hoa Kỳ lại xoay quanh mẩu tweet bị cho là có màu sắc kỳ thị của tổng thống Donald Trump đòi đuổi nhóm nữ dân biểu này về nước vì đã chỉ trích ông và các chính sách của chính phủ quá nhiều, cho dù ba trong bốn dân biểu này đã sinh đẻ ngay tại Mỹ và chỉ nữ dân biểu Pressley là người tị nạn đến từ Somalia từ bé. Như điều tất nhiên, sự việc được nhìn nhận và tranh cãi theo sự binh-chống giữa hai nhóm ủng hộ và chống đối tổng thống. Còn ở đây, chúng ta thử cùng nhìn kỹ hơn chân dung của những tân nữ dân biểu trẻ tuổi, cấp tiến đến độ bị xem là "nổi loạn" ngay từ chính đảng Dân chủ khi bất tuân với đường lối chung từ cấp lãnh đạo, có nguồn gốc và xuất thân như thế nào khi bước vào chính trường Hoa Kỳ.
Nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, thường được gọi tắt là AOC từ New York là nữ dân biểu trẻ nhất từng đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ . Sinh năm tháng 10 năm 1989 tại New York trong một gia đình Công giáo trung lưu có nguồn gốc từ Puerto Rico - lãnh thổ của Hoa Kỳ, Ocasio-Cortez - 29 tuổi hiện nay, đã gây sự chú ý ngay trước kỳ bầu cử giữa mùa năm trước khi cô chiến thắng dân biểu kỳ cựu Joe Crowley thuộc đảng Dân chủ đã phục vụ tại Hạ Viện suốt 10 nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử sơ bộ, một chiến thắng bất ngờ và được xem là "ngựa về ngược". Chiến thắng này đã dẫn đến việc thắng cử ứng viên đảng Cộng hòa Anthony Pappas - một giáo sư kinh tế học để chính thức bước vào Quốc hội. Là một sinh viên năng động với nhiều hoạt động xã hội và chính trị ngay từ thời sinh viên, trong đó có thời gian làm việc cho văn phòng Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, cô từng là nhân viên pha chế rượu và phục vụ nhà hàng, Ocasio-Cortez theo học Đại học Boston và tốt nghiệp ưu hạng chuyên khoa Đối ngoại và Kinh tế và phục vụ trong các tổ chức phi chính phủ, giáo dục và nhóm lãnh đạo gốc Mỹ La Tinh. Mùa bầu cử tổng thống 2016, Ocasio-Cortez phục vụ trong ban tranh cử của Thượng nghị sĩ Bernie Sander và đến năm 2018, cô quyết định ra tranh cử vào Hạ Viện như đã nói trên. Cô bị xem là con "ngựa chứng" cứng đầu và gây nhiều tranh cãi nhất trong nữ đội này.
Nữ dân biểu Ayanna Pressley sinh năm 1974, tại Ohio nhưng lớn lên tại Chicago, là con một trong một gia đình đối diện nhiều thử thách khi mẹ cô phải làm nhiều công việc cùng lúc để nuôi gia đình, buộc phải ly dị với người cha dù có nhiều bằng cấp và từng dạy đại học nhưng lại nghiện ngập, vào tù ra khám và trở thành nhà văn về sau. Ảnh hưởng từ mẹ là một nhà hoạt động xã hội tích cực tại Chicago, từ lúc còn đi học Pressley đã là một học sinh có tài hùng biện, liên tục làm chủ tịch hội học sinh từ lớp bảy và được bạn bè, thầy cô xem như người có khả năng và triển vọng trở thành thị trưởng Chicago trong tương lai. Vừa làm vừa theo học gián đoạn tại đại học Boston, ra trường Pressley lần lượt làm việc cho văn phòng các dân biểu Joseph Kennedy II (chú : con trai cựu Bộ trưởng Robert Kennedy, cháu ruột cố Tổng thống Kennedy), rồi Thượng nghị sĩ John Kerry trong hàng chục năm trời. Năm 2009, Pressley ra tranh cử vào Hội đồng Thành phố Boston và đắc cử, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đắc cử vào hội đồng thành phố trong suốt 100 năm lịch sử của thành phố này. Từ 10 năm qua, Pressley liên tục được bình chọn và trao giải thưởng là một trong những nữ lãnh đạo trẻ tài năng, một ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ.
Nữ dân biểu Rashida Tlaib, 42 tuổi, sinh năm 1976 tại Detroit trong một gia đình di dân đông con gốc Palestine. Là chị cả trong một gia đình có tổng cộng đến 14 đứa con, Tlaib đã phải thay cha mẹ để chăm lo cho các em mình khi họ là nhân công lắp ráp trong các hãng xe hơi tại Detroit. Dù hoàn cảnh gia đình như vậy, Tlaib vẫn cố gắng hoàn tất đại học rồi tốt nghiệp tiến sĩ Luật khoa, trở thành một luật sư tranh đấu cho những người bị kỳ thị, bị đối xử thiếu công bằng. Năm 2008, Tlaib ra tranh cử vào Hạ Viện tiểu bang Michigan theo lời khuyến khích của vị dân biểu mà cô đã từng tập sự và phụ tá cho ông. Trong một địa hạt có nhiều cư dân gốc Mỹ La Tinh và Mỹ Phi Châu, cô đã qua mặt nhiều ứng cử viên thuộc các sắc dân này để rồi chiến thắng áp đảo với tỉ lệ 92 % trước ứng viên đảng Cộng hòa, trở thành người phụ nữ Hồi Giáo đầu tiên đắc cử vào lập pháp tiểu bang Michigan. Năm 2018 vừa qua, Tlaib đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, là dân biểu gốc Palestine đầu tiên tại Quốc hội cũng như cùng với nữ dân biểu Ilhan Omar là hai dân biểu Hồi Giáo đầu tiên vào ngành lập pháp trong lịch sử nước Mỹ.
Người nữ dân biểu duy nhất trong nhóm nữ đội không sinh đẻ tại Mỹ mà là một di dân đến Mỹ từ năm 12 tuổi là dân biểu Ilhan Omar của Minnesota. Sinh năm 1982 tại Somali , Omar mồ côi mẹ từ năm lên hai và là con út trong một gia đình bảy anh chị em. Chạy trốn chiến tranh, Omar theo gia đình lánh nạn sang Kenya năm lên tám và ở trong trại tị nạn bốn năm trời trước khi được sang Mỹ định cư. Có ông nội từng là một giám đốc cục vận tải đường biển quốc gia Somalia và cha cùng các cô, chú làm việc trong ngành giáo dục, Omar được khuyến khích tham gia vào chính trị từ rất sớm. Tốt nghiệp đại học North Dakota ngành chính trị học và quốc tế học. Omar được học bổng để tiếp tục theo học về chính sách quốc gia tại đại học Minnesota, nơi cô làm việc như một nhà giáo dục về dinh dưỡng cộng đồng sau khi tốt nghiệp. Tiếp tục tham gia ban tranh cử của các dân biểu tiểu bang và làm việc tại Bộ Giáo Dục Minnesota, năm 2016 Omar ra tranh cử vào Hạ Viện tiểu bang Minnesota và đắc cử, trở thành một người gốc Somali đầu tiên nắm giữ chức vụ công quyền cao nhất và phục vụ cấp lập pháp tiểu bang. Hồi tháng 11 năm trước, Omar đắc cử vào Hạ Viện với số phiếu áp đảo là 78%, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên của Minesonta đắc cử vào quốc hội Hoa Kỳ.
Nhìn lại thân thế của cả bốn nữ dân biểu thiểu số này, hầu như họ đều có chung một mẫu số là, tất cả đều xuất thân từ các gia đình lao động, thể hiện khả năng và tinh thần dấn thân từ rất sớm. Trẻ trung, học thức và mang tinh thần phục vụ cộng đồng cùng quốc gia, họ xứng đáng để trở thành những dân biểu đại diện cử tri của mình. Tuy nhiên sự cấp tiến đến độ cực tả, để bị xem là "những kẻ nổi loạn" khi thường xuyên đối đầu cùng tổng thống và chính phủ lẫn chính với cấp lãnh đạo của đảng Dân chủ thay vì tập trung vào các vấn đề chính sách quốc gia, có lẽ không phải là điều tốt nhất cho sự nghiệp chính trị lâu dài của họ. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một thái độ can đảm và là con đường mà những nữ dân biểu này đã chọn lựa.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 22/07/2019
Có lẽ Hồng Kông là một quốc gia gắn bó và ảnh hưởng nhiều với người dân Việt Nam về nhiều mặt, trong đó phải kể đến văn hóa, xã hội. Từ trước năm 75, tất nhiên còn nhiều điều khác hơn để nhắc đến, nhưng với giới trẻ miền Nam Việt Nam thì khi nhắc đến Hồng Kông, người ta khó lòng quên được Kim Dung cùng các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của ông hay các bộ phim võ thuật Hồng Kông với những minh tinh nổi tiếng như Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ... mà nhiều người đã từng say mê một thời. Sau 75, những năm thập niên 80 khi phim bộ Hồng Kông trở thành một hiện tượng tại Châu Á thì hệ thống an ninh dày đặc của công an Việt Nam cũng không ngăn được người dân thuê mướn chui, chuyền tay lén lút xem những bộ phim Hồng Kông hấp dẫn, cuốn hút cho đến khi chúng được chính thức cho phép công chiếu rộng rãi về sau. Từ trong nước ra đến hải ngoại, phim bộ Hồng Kông đã lấy đi bao nhiêu giấc ngủ cùng nước mắt của nhiều người khi thức sáng đêm xem các bộ phim tình cảm xã hội hay xã hội đen của Hồng Kông. Giới trẻ rành và hâm mộ Lưu Đức Hòa, Trương Mạn Ngọc hơn cả những lãnh tụ cách mạng luôn được nhà cầm quyền tô vẽ và ra sức tuyên truyền.
Người biểu tình Hong Kong ngoài Trụ sở Cảnh sát ngày 21/6/2019 - AFP
Hương Cảng, tên gọi của Hồng Kông được đặt tên với ý nghĩa là một "cảng thơm hương" bởi tương truyền nó từng là bến cảng vận chuyển những mộc dược, thảo hương của thế giới. Là một thương cảng và quân cảng có vị trí chiến lược, Hồng Kông được phương Tây chú ý khi sang giao thương với đại lục từ vài thế kỷ trước. Về mặt địa lý, Hồng Kông là một đảo duyên hải vùng Đông Nam của Trung Hoa Lục Địa, từ Hải Phòng đến Hồng Kông chỉ hơn 600 hải lý nên Hồng Kông cũng từng là một điểm đến của làn sóng thuyền nhân Việt Nam từ những năm cuối thập niên 70, trong đó có không ít thuyền nhân miền Bắc đã tìm đường vượt thoát chế độ để đến với Hồng Kông. Với diện tích chỉ hơn một ngàn cây số vuông và khoảng hơn bảy triệu dân , Hồng Kông có thể xem như tương đương với Sài Gòn về diện tích và dân số, hay chính xác hơn là rộng hơn khoảng phần tư và ít dân hơn cả Sài Gòn hiện nay nhưng lại là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu tại Châu Á và thế giới, cũng như là một quốc gia phát triển cao, thuộc hàng giàu có của thế giới khi GDP bình quân đầu người cao hơn cả Hoa Kỳ, theo số liệu từ World Bank và IMF.
Để hiểu lý do tại sao Hồng Kông từng là nhượng địa của Anh rồi được trao trả lại Trung Quốc năm 1997, để rồi cùng với Macau đã trở thành một đặc khu hành chính (SAR - Special Administrative Region) của Trung Quốc, có lẽ cần nhắc lại đôi điều lịch sử. Dù theo sau các quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc thám hiểm, tìm kiếm thuộc địa và giao thương, Anh nhanh chóng bắt kịp các nước này để trở thành một cường quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khắp thế giới. Từ Châu Mỹ, Châu Phi sang đến Châu Á-Thái Bình Dương, rồi Úc Châu, Tân Tây Lan, nơi đâu cũng có thuộc địa và lãnh thổ của Anh. Giai đoạn cực thịnh kéo dài hàng thế kỷ từ đầu thế kỷ 19, Đế Chế Anh xem như kiểm soát khoảng một phần tư dân số và diện tích thế giới. Từ Ấn Độ, người Anh đến với Trung Hoa trong mục đích giao thương hơn là tìm kiếm thuộc địa vì xứ sở này quá rộng lớn. Trong khi hàng hóa từ Trung Hoa được bán sang Châu Âu như tơ lụa, trà, gốm sứ... khá nhiều thì ngược lại hàng hóa của Anh và Châu Âu bán lại cho vùng đất này không bao nhiêu, nên các hãng Anh tại Ấn Độ đã tuồn bán nha phiến sang Trung Hoa để bù đắp và đó là một nguồn lợi lớn lao. Triều đình Mãn Thanh từng nghiêm cấm và tịch thu nha phiến lậu trong nhiều năm cho đến khi một số lượng nha phiến khá lớn của Anh bị tịch thu, cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ nhất đã xảy ra vào năm 1839. Đông quân nhưng vũ khí thô sơ, triều đình nhà Thanh nhanh chóng thất trận và đầu hàng, buộc phải ký Thỏa Ước Nam Kinh vào năm 1942, nhường lại Hồng Kông cho Anh và để cho phương Tây tràn vào lục địa. Những bất đồng và tranh chấp giữa hai nước lại tiếp tục gia tăng nên đến năm 1856, Chiến Tranh Nha Phiến lần hai lại diễn ra giữa liên quân Anh-Pháp với sự kết quả đương nhiên là nhà Thanh lại thất trận, nhường thêm bán đảo Cửu Long (Kowloon) phía Bắc Hồng Kông, hợp pháp hóa việc giao thương nha phiến và cho phép tự do tôn giáo qua Thỏa Ước Bắc Kinh năm 1860.
Đến cuối thế kỷ 19, từ sự suy yếu và thất bại của nhà Thanh sau cuộc chiến Thanh-Nhật trong việc tranh giành ảnh hưởng với Triều Tiên, Nga cùng các nước phương Tây một lần nữa chiếm đất Trung Hoa qua các điều ước mang danh nghĩa thuê nhượng. Năm 1898, theo sau các khế ước thuê đất của Nga và Pháp, Anh đã mở rộng thêm Hồng Kông thành vùng Tân Giới (New Territories) để ký Thỏa Ước Bắc Kinh lần hai, buộc nhà Thanh cho thuê Hồng Kông miễn phí trong vòng 99 năm, thời hạn mà người Anh nghĩ rằng sẽ là vĩnh viễn và không bao giờ trao trả. Trong tay người Anh, Hồng Kông đã thật sự trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm thương mại và tài chính hùng mạnh nối liền giữa Đông-Tây, không chịu nhiều ảnh hưởng theo các biến động tại Châu Á và thế giới trong suốt thế kỷ 20.
Nhưng một thế kỷ trôi qua nhanh hơn người Anh của thế kỷ trước đã từng suy nghĩ, sau nhiều năm thương thuyết, đến năm 1984 chính phủ Anh dưới thời Thủ Tướng Maragret Thatcher và Trung Quốc dưới quyền Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang đã đi đến thỏa thuận là Anh đồng ý giao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc khi hết thời hạn thuê mướn vì không muốn những biến động xảy ra với Hồng Kông. Cuộc bàn giao đã xảy ra vào giữa năm 1997, bất kể sự phản đối của người dân Hồng Kông cũng như làn sóng rời bỏ Hồng Kông sang Canada cùng nhiều quốc gia khác trước cuộc trao trả. Theo như thoả thuận này, Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc theo chính sách một quốc gia, hai thể chế như hiện nay. Hồng Kông được toàn quyền tự trị như một quốc gia dân chủ có chủ quyền, có hệ thống kinh tế, hành chính, pháp luật tiếp tục như xưa nay, ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng trong vòng 50 năm, tức cho đến năm 2047. Đồng thời Hồng Kông có quyền đa đảng và người dân có quyền tự do ngôn luận như vốn dĩ. Nhưng điều này xem ra đang bị lung lay trong các năm qua, khi Trung Quốc đã không tuân thủ theo cam kết sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông. Bởi Trung Quốc không phải là các quốc gia dân chủ Tây Phương.
Chỉ hơn bảy triệu dân nhưng các nguồn tin cho biết đã có đến hai triệu dân xuống đường phản đối dự luật dẫn độ của Trung Quốc và đòi giới chấp pháp thân Trung Quốc của Hồng Kông phải từ chức, quốc gia dân chủ lâu đời như Hồng Kông không thể dễ dàng khuất phục trước "mẫu quốc". Joshua Wong, tức chàng thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong 22 tuổi từng phát biểu đầy khẳng khái rằng, "Tôi hy vọng rằng, ngay cả khi tôi phải vào tù thì việc này cũng thôi thúc ngày càng nhiều người Hồng Kông dự phần quyền tự quyết cho tương lai của mình thay vì trông vào giới cầm quyền đã đang chi phối đến tương lai chúng ta". Xin gởi lời ủng hộ và lòng ngưỡng mộ đến cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông hiện nay.
Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
Nguồn : RFA, 08/07/2019