Tôi vốn là một tên chết nhát, "ăn cỗ thì thích đi trước, lội nước thì chọn đi sau", còn gặp khó khăn và nguy hiểm thì lại theo chiến thuật "tẩu vi thượng sách" cho nên tôi phục sát đất những người dám tách ra khỏi đám đông để lội ngược dòng. Trong nước đã và hiện có nhiều người như thế. Người ta gọi họ là những nhà bất đồng chính kiến. Bất chấp tù đày và ngay cả cái chết, họ đứng lên để tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và những quyền tự do căn bản của con người. Nhưng "Tù nhân Lương tâm", có lẽ là danh xưng xứng đáng nhứt nên được trao tặng cho họ. Bởi lẽ họ là những người chọn lương tri, lẽ phải và những giá trị đạo đức làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Và sở dĩ gọi họ là "tù nhân lương tâm" là vì dù đang sống trong hay ngoài nhà tù thì trước sau gì họ cũng bị... đi tù.
Huy Đức đã tách ra khỏi đám đông và chọn đi "con đường ít được đi hơn" để nói lên tiếng nói của sự thật, của lương tri và lẽ phải.
Gần đây có một người mà tôi thực sự tâm phục khẩu phục là nhà báo Trương Huy San, người được biết đến nhiều hơn với bút hiệu Huy Đức hay Osin. Một số bạn bè và người quen của ông gọi ông là kẻ sĩ thời đại. Được biết năm 2012, ông được Đại học Harvard bên Mỹ cấp học bổng để nghiên cứu về môn Chính trị và Công quyền. Chính trong thời gian sống tại Mỹ mà ông đã cho in và phát hành tác phẩm nổi tiếng "Bên Thắng Cuộc". Đã từng là một bộ đội và phóng viên làm việc cho một số tờ báo quốc doanh, nhà báo Huy Đức đã có dịp tiếp cận với những sự kiện lịch sử kể từ sau năm 1975, nhứt là với các cấp lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những thâm cung bí sử ấy được phơi bày một cách khách quan và trung thực trong tác phẩm "Bên Thắng Cuộc". Nhiều người Việt ở hải ngoại, sau khi đọc xong tác phẩm, đã bày tỏ lo ngại về số phận của ông, nếu ông trở về nước. "Ngày ấy, Huy Đức cũng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gợi ý và các luật sư chuyên ngành Di trú, Ngoại giao và Chính trị mà chúng tôi quen biết lâu ngày nêu ý kiến "ở lại hay về"... Nhưng Huy Đức đã khẳng khái trả lời dứt khoát : "Dạ, xin cám ơn mọi người. Tôi về lại quê hương" (1). Quả như nhiều người dự đoán, nhà báo Huy Đức đã bị bắt ngày 7 tháng Sáu vừa qua, với tội danh rất quen thuộc ở Việt Nam : "lợi dụng tự do, dân chủ". Là một nhà báo nổi tiếng lại có "quan hệ tốt đẹp" với nhiều cấp lãnh đạo, Huy Đức đã có nhiều cơ hội để leo lên các bậc thang của quyền lực, danh vọng và giàu sang như rất nhiều đảng viên cộng sản hiện nay, nhưng ông đã tách ra khỏi đám đông và chọn đi "con đường ít được đi hơn" để nói lên tiếng nói của sự thật, của lương tri và lẽ phải.
Có một người khác mà tôi cũng thực tâm ngưỡng mộ và đã mang lại cho tôi một niềm cảm hứng sâu xa là khất sĩ Thích Minh Tuệ. Ông không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Ông cũng chưa từng thuyết pháp và cũng chẳng bao giờ chiêu mộ tín đồ. Ông chỉ là một khất sĩ muốn "tập học" sống theo Đức Phật bằng cách thực hành "Hạnh Đầu Đà" (dhutanga), nghĩa là ngày ngày đi bộ, sống bằng thức ăn, nước uống do bá tánh trao tặng và tối lại vào nghĩa trang hay bất cứ nơi vắng vẻ nào để qua đêm. Mặc dù lúc nào cũng tuyên bố là một phật tử theo cách thế riêng của mình, tôi không có đủ quyết tâm và nghị lực để thực hành "Hạnh Đầu Đà" như khất sĩ Thích Minh Tuệ và mặc dù ông chưa bao giờ tự xưng là "sư" hay "thày" và lúc nào cũng một mực "con con" với mọi người, tôi vẫn tôn ông lên bậc "thày" của tôi. Ông là "thày" của tôi, bởi vì như Đức Phật đã dạy, ông chính là "ngón tay" chỉ cho tôi "con đường ít được đi", nhưng đó lại là con đường giúp tôi có thể tìm gặp lại bản thân, bởi vì như "Nhà Đạo" của tôi cũng đã dạy "chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân" (2).
Thích Minh Tuệ chỉ là một khất sĩ muốn "tập học" sống theo Đức Phật bằng cách thực hành "Hạnh Đầu Đà"
Trong một chế độ toàn trị nhìn đâu cũng thấy kẻ thù thì dĩ nhiên có muốn âm thầm bước đi từng bước nhỏ để quên mình cho đến cùng như "thày" Thích Minh Tuệ cũng đâu có được để yên. Sở dĩ chế độ này "ngứa mắt" và ngay cả lo sợ trước những bước chân trần đơn độc của "thày" là bởi vì, như một trong những tờ báo nổi tiếng ở Mỹ là tờ The Christian Science Monitor nhận định : "Mặc dù ông không rao giảng đạo đức, nhưng rất nhiều người coi ông là tấm gương sáng tuyệt vời, đặc biệt khi so sánh cuộc sống xa hoa của các quan chức. Người Việt đặc biệt lấy làm khó chịu trước hình ảnh thu được từ camera cảnh Bộ trưởng Công an (Tô Lâm) ăn món thịt bò dát vàng (giá gần 2000 Mỹ kim) tại một nhà hàng ở Luân Đôn cách đây ba năm" (3). Thì ra thế ! Chính vì muốn kiểm soát toàn bộ tư tưởng của người dân và biến họ thành những con chó của Pavlov cho nên chế độ cộng sản rất sợ những ai dám bước ra khỏi đám đông để nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp lên án sự dối trá, độc ác và tham tàn của họ.
Những bước đi đơn độc và âm thầm của "thày" Thích Minh Tuệ không những là một bản cáo trạng dành cho chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam mà còn là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của một đám đông bơ vơ lạc lõng, hoàn toàn mất phương hướng trong một chế độ từ hơn 70 năm qua đã đục khoét một lỗ hổng đạo đức không đáy trong xã hội. Chỉ cần đến những ngôi chùa lớn, với những tượng phật to của Giáo hội Phật Giáo quốc doanh do nhà nước kiểm soát và biến thành những công cụ để ru ngủ quần chúng, ai cũng có thể nhận diện được cái đám đông bơ vơ lạc lõng ấy. Bơ vơ lạc lõng khiến họ sẵn sàng dâng cúng tài sản, sụp lạy trước những lời xảo trá, ngây ngô đến độ ngu xuẩn của những cán bộ mặc áo cà sa.
Hình ảnh đưa, nhận tiền cho các sư ở chùa Ba Vàng được đưa lên mạng xã hội. (Nguồn : Facebook Chùa Ba Vàng)
Tôi đã từng sống trong chế độ cộng sản liền sau biến cố 1975. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để hiểu được sự khủng bố của chế độ. Ít hay nhiều, ai cũng sợ ! Và chính vì sợ hãi mà con người dễ biến thành một thứ cừu non dễ bị lèo lái, điều khiển và sai khiến. Tôi rất cảm thông trước cảnh người dân Bắc Hàn khóc thảm thiết trước sự ra đi của một lãnh tụ. Đó không chỉ là những giọt nước mắt cá sấu. Nói cho cùng, trong Chế độ Cộng sản, đám đông là nạn nhân đáng được cảm thông, thương hại hơn là lên án. Chính vì thế mà những ai dám bước ra khỏi đám đông để sống với con người thật của mình đáng được tôn vinh là kẻ sĩ hay bậc anh hùng.
Cảm thông và thương hại đối với cái đám đông bơ vơ lạc lõng trong cái lỗ hổng đạo đức do chế độ độc tài cộng sản đào khoét ở Việt Nam, tôi lại không hiểu được tại sao trong một nước dân chủ và tự do như Hoa Kỳ lại cũng có một đám đông mà nhà báo Huy Đức đã gọi là "hoang dã". Trong một bài viết trước khi bị bắt vài ngày, Huy Đức đã nhận định về việc cựu Tổng thống Donald Trump bị kết án về 34 tội danh ở New York : "Trump vừa vị bồi thẩm đoàn tuyên bố có tội với tất cả 34 tội danh. Như vậy là tên tội phạm này đã từng ngồi trên ghế tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ và vẫn còn khả năng làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khi những kẻ thô bạo và vô liêm sỉ nhất, chỉ vì quyền lực cá nhân, cũng có thể biến một nền dân chủ như nước Mỹ trở thành đám đông hoang dã" (4).
Cũng may cho Huy Đức. Nếu còn ở Mỹ mà dám viết như thế về cựu Tổng thống Trump thì có lẽ không những bị nhiều người Việt ở Mỹ ký tên vào thỉnh nguyện thư để yêu cầu Chính phủ Mỹ trục xuất mà chắc chắn còn bị đe dọa giết chết là khác. Còn nhớ khi đại dịch Covid bùng nổ và ông Trump còn làm tổng thống, ông đã đưa ra những lời tuyên bố lố bịch và ngu xuẩn không thể tưởng tượng được về đại dịch. Có một người Việt bất đồng chính kiến vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ là Mẹ Nấm đã "chơi dại" khi đưa ra lời kêu gọi : "Dịch bệnh nên đọc cảnh báo của các chuyên gia y tế đừng nghe lời lãnh đạo nha quý vị". Đúng quá đi chớ ! Vậy mà đã có trên 17 ngàn người Việt ở Mỹ ký tên vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi Chính phủ Mỹ trục xuất Mẹ Nấm về lại Việt Nam, bởi vì cô đã dám "xúc phạm" đến "tổng thống của chúng tôi" (5).
Trong một nước Mỹ, nơi tự do ngôn luận và phát biểu được xem là một trong những quyền cơ bản của con người và nhứt là khi người phát biểu chỉ nói lên sự thật, tôi không hiểu được tại sao vẫn có rất nhiều người vì tôn thờ và muốn bảo vệ lãnh tụ đã có thể hùa nhau để ăn tươi nuốt sống người khác như thế... Áp dụng thuật ngữ "đám đông hoang dã" cho đám đông ấy có lẽ cũng không quá đáng !
17 ngàn người ký tên lên án Mẹ Nấm để bênh vực cho những lời tuyên bố ngu xuẩn của một lãnh tụ quả là một số đông trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhưng nếu so với cái "đám đông hoang dã" đã và đang ăn thua đủ để tôn thờ người được Chúa "tuyển chọn" Donald Trump thì con số đó chẳng là bao. Ngay từ năm 2016, ông Trump đã hiện nguyên hình là một con người ngu dốt về mặt trí tuệ, đồi bại về đạo đức, đốn mạt về nhân cách, bại hoại về tâm lý... vậy mà có đến 80 phần trăm tín đồ Tin lành tại Mỹ đã bầu ông làm tổng thống. Cũng một tỷ lệ không suy suyển ấy đã dồn phiếu cho ông vào năm 2020. Và hiện nay, có lẽ cũng một tỷ lệ ấy vẫn muốn ông trở lại Tòa Bạch Ốc một lần nữa. Cái đám đông hoang dã ấy lại càng bày tỏ sự tin tưởng mãnh liệt hơn sau ngày ông Trump bị ám sát hụt hôm 13 tháng Bảy vừa qua. Họ tin tưởng rằng phải có bàn tay "quan phòng" của Chúa gìn giữ và che chở cho nên ông Trump mới thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như thế. Bà vợ của người bạn thân của tôi, vốn là một người công giáo, cũng cho biết bà đã được xem một tấm hình trong đó có bóng cánh của một thiên thần che phủ phía sau ông Trump, nhờ vậy mà viên đạn đã chỉ xéo qua vành tai của ông chớ không đi xuyên qua đầu ông !
Cũng như trong suốt tám năm qua, cái đám đông hoang dã ấy tin rằng những lời "tiên tri" trong quyển Kinh Thánh của Do Thái Giáo đều đã được ứng nghiệm với ông Trump : ông chính là người được Chúa chọn để giải thoát cái nước Mỹ hiện đang bị Ma Quỷ mà hiện thân là cái đám dân chủ "thổ tả" đã và đang cố tình nhận chìm trong bóng tối của vô số tội ác (6).
Cái đám đông hoang dã ấy tin tưởng rằng phải có bàn tay "quan phòng" của Chúa gìn giữ và che chở cho nên ông Trump mới thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như thế. Ảnh : Brandon Bell/Getty Images North America/Getty Images qua AFP
Hai chữ "hoang dã" mà nhà báo Huy Đức đã sử dụng để nói về một đám đông không nhỏ người Mỹ đã và đang tôn thờ một tên gian manh vô đạo như Donald Trump như một giáo chủ, dĩ nhiên gợi lên trong tôi trước tiên hình ảnh của dã thú sống trong môi trường tự nhiên. Thú vật, nói chung, dù sống trong rừng rú hay được thuần hóa, chỉ sống theo bản năng. Chỉ có "con người, như tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã nhận xét, với tính "Người", mới có hai đặc trưng là lương tâm và trí tuệ (được tượng trưng bởi trái tim và khối óc, tức Tâm và Trí"). Theo ông, như lịch sử đã chứng tỏ, về lý thuyết cũng như thực hành, Chủ nghĩa Cộng sản không có hai yếu tố Tâm và Trí ấy. Do đó, ông khẳng định : "nếu là người thì chớ là người cộng sản, vì đó là cấp bậc thấp hơn so với Con người đúng nghĩa".
Những người như nhà báo Huy Đức hay khất sĩ Thích Minh Tuệ, đã thực sự thể hiện đến cùng những đòi hỏi của hai yếu tố Tâm và Trí ấy. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ họ bởi vì họ là ngọn đuốc chỉ đường cho tôi thấy thế nào mới thực sự là sống cho ra Người.
Chu Văn
(07/08/2024)
Chú thích :
1. Trần Kiêm Đoàn, "Osin Huy Đức bị bắt. Một sự chọn lựa của kẻ sĩ thời đại", Calitoday, 7/06/2024
2. Lời kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi, lời Việt của Linh mục Kim Long.
3. "A simple, selfless dissent for integrety", The Christian Science Monitor, 24/7/2024, bản dịch của Trần Quốc Việt, Thông Luận, 3/8/2024.
4. Nguyễn Thị Sen, "Nhà báo Huy Đức bị bắt", Việt Luận, tháng 06/2024
5. Ngọc Lan, "Mẹ Nấm gây sóng gió trên mạng ?", Người Việt, 05/04/2020.
6. Jamie Seydel, "Donald Trump assassination attempt triggers bizarre theory", News.com.au, 26/7/2024