Việt Nam có quyền đòi lại ấn và kiếm của các vua nhà Nguyễn ?
Thiện Ý, VOA, 08/11/2022
Qua truyền thông trên mạng, được biết, ngày 21/10/2022, nhà đấu giá Millon ở Pháp thông báo vào ngày 31/10/2022 tại Paris sẽ bán đấu giá ấn bằng vàng ròng có tên Kim Bảo Tỷ ; được làm từ thời vua Minh Mạng, biểu tượng quyền lực chính trị của triều đại nhà Nguyễn tại Việt Nam (1802-1955). Cuộc đấu giá này được thông báo trong catalog là Món đồ đấu giá mang số 101/329.
Kim Bảo Tỷ, được làm từ thời vua Minh Mạng, biểu tượng quyền lực chính trị của triều đại nhà Nguyễn tại Việt Nam.
Trước sự kiện trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với Nhà đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá ấn vàng nêu trên. Nhưng theo đánh giá của một vài học giả xuất thân từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thì đề nghị của Bộ này, với mục đích thăm dò khả năng đàm phán mua ấn Kim Bảo Tỷ, còn gọi là Hoàng Đế Chi Bảo, là không phù hợp,vì ấn này, cũng như kiếm Khải Định niên chế thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, đề nghị thăm dò khả năng đàm phán mua ấn Kim Bảo Tỷ của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam là đúng hơn giải pháp "nhà nước đương thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩaVN hiện nay có quyền đòi lại Kim bảo tỷ và kiếm Khải Định niên chế…"
1. Vì về mặt pháp lý, ấn Kim Bảo Tỷ (con dấu) là bảo vật gia truyền của dòng tộc nhà Nguyễn được nhà Millon đem ra đấu giá căn cứ theo Bộ luật Dân sự Pháp. Theo đó vật đấu giá thuộc về người đang chiếm hữu hợp pháp(sở hữu chủ chân chính)là người vợ kế của vua Bảo Đại ; mà theo Nhà đấu giá Millon, Cựu Hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại cho bà Monique Baudot ấn Kim Bảo Tỷ và những người thừa kế của bà đem ấn này ra bán đấu giá.
Vì về mặt thực tế, tập quán quốc tế đã cho thấy cách giải quyết các di vật lịch sử của một quốc gia bị thất tán rơi vào quyền sở hữu của một quốc gia khác (công sản) hay thuộc quyền sở hữu tư nhân (tư sản) bằng điều đình để xin lại vô thường (tặng lại) hay hữu thường (mua lại, đổi chác).Tất cả kết quả tùy thuộc vào sự thương thảo đôi bên (về mặt chính trị, ngoại giao) và mặc nhiên thừa nhận quyền sở hữu di vật lịch sử thuộc chủ thể đang chiếm dụng. Đúng như phân tích, biện giải của ông Lê Công Định, một luật sư nhân quyền trong nước đang bị tước quyền bào chữa vì bất đồng chính kiến. Trang nhà của luật sư Định viết, liên quan đến vụ đấu giá ấn và kiếm của cựu hoàng Bảo Đại, rằng "vài học giả Việt Nam đã viện dẫn Điều 2276 của Bộ Dân luật Pháp để kết luận rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩaVN có quyền đòi lại ấn kiếm bị thất lạc. Tuy nhiên, Điều 2276 đã được quý học giả ấy trích dẫn không đầy đủ và cắt đoạn một cách cố tình, nhằm biện minh cho lập luận về Điều khoản trên của Bộ Dân luật Pháp được tu chính bởi Đạo luật số 2008-561 ngày 17/6/2008 tại Điều 2 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/6/2008. Điều khoản này thuộc Phần 3 quy định về thời hiệu thủ đắc động sản (Section 3 : De la prescription acquisitive en matière mobilière), bao gồm Điều 2276 và 2277)".
Vẫn theo luật sư Lê Công Định, Điều 2276 của Bộ Dân luật Pháp có thể diễn giải một cách dễ hiểu hơn như sau :
1) Đối với động sản, ai đang nắm giữ đồ vật trong tay thì người đó mặc nhiên được xem là chủ sở hữu.
2) Bên cạnh đó, Bộ Dân luật Pháp cũng dự liệu khả năng người chủ sở hữu thật có thể giành lại quyền sở hữu của mình bằng tố quyền (hay quyền khởi kiện) truy đòi lại đồ vật.
3) Tố quyền truy đòi lại đồ vật mà người chủ sở hữu hợp pháp bị lạc mất hoặc bị đánh cắp, tuy nhiên, chỉ có thể được hành xử trong thời hạn ba năm. Sau thời hạn đó, tố quyền bị triệt tiêu.
Luật sư nhân quyền này kết luận :
Như vậy, nếu viện dẫn Điều 2276 của Bộ Dân luật Pháp, thì chính quyền VN hiện thời khó có thể kiện đòi lại ấn kiếm với lập luận rằng hai bảo vật đó bị lạc mất ; khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra từ tháng 12/1946. Bởi lẽ thời hiệu ba năm để hành xử tố quyền nói trên đã chấm dứt từ rất lâu.
2. Về mặt thực tế
Theo nhận định của chúng tôi, nhà nước Việt Nam không có cơ sở pháp lý (không thể dựa trên cơ sở chính trị) để có tư cách là sở hữu chủ chân chính, nên dù thời hiệu ba (3) năm có còn, vẫn không có tố quyền kiện đòi lại. Vì trên thực tế, ấn và kiếm là báu vật gia truyền (động sản) của các triều đại Nhà Nguyễn, sau một quá trình thời gian bị cướp đoạt, nay đã trở về trong tay các sở hữu chủ chân chính là các thừa kế chính danh của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều đại Nhà Nguyễn. Quá trình thời gian chuyển quyền sở hữu ấn và kiếm diễn ra như sau :
1) Khởi đi từ ngày Việt Minh (mặt nạ của Đảng cộng sản Việt Nam) cướp chính quyền vào Tháng 8 năm 1945, giải tán chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập vào cuối tháng 3/1945 sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9/3/1945), trao trả độc lập cho Việt Nam. Vua Bảo Đại đã bị Việt Minh (ép buộc) thoái vị ngày 30/08/1945 tại Ngọ Môn, Huế. Hoàng đế Bảo Đại đã (buộc lòng) trao ấn Kim Bảo và kiếm Khải Định Niên Chế cho các đại diện của"Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (Ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa để che đậy bộ mặt cộng sản trước thế giới và dân Việt, vì bị coi là hiểm họa cộng sản sau Thế Chiến II 1939-1945). Vì thế không thể coi "chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các chính phủ kế nhiệm, trong đó có Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chủ sở hữu của hai báu vật tượng trưng cho vương quyền Việt Nam" (căn cứ chính trị không phải là căn cứ pháp lý xác lập quyền sở hữu mà ở đây là cướp quyền sở hữu vật gia bảo của sở hữu chủ chân chính)
2) Sau khi Việt Minh phát động cuộc kháng chiến chống Pháp (ngày 19/12/1946), hai vật gia bảo ấn và kiếm của nhà Nguyễn đã trở về với sở hữu chủ chân chính là vua Bảo Đại. Theo đó, vào ngày 28/02/1952, trong khi đào móng một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, để tìm có đất xây lô cốt, người Pháp đã phát hiện ấn và kiếm chôn dưới đất. Sau đó vào ngày 8/03/1952, Pháp đã tổ chức lễ trao ấn và kiếm cho Cựu Hoàng Bảo Đại với tư cách Quốc trưởng Việt Nam, vị vua cuối cùng của triều đại Nhà Nguyễn Việt Nam.
3) Năm 1953, Cựu Hoàng Bảo Đại đã chỉ thị cho thứ phi Mộng Điệp vận chuyển ấn và kiếm sang Pháp để giao lại cho Cựu Hoàng hậu Nam Phương và Cựu Thái tử Bảo Long. Năm 1963, Cựu Hoàng hậu Nam Phương qua đời, Bảo Long giữ cả ấn và kiếm.
4) Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, (1980) Cựu Hoàng Bảo Đại đã yêu cầu Cựu Thái tử Bảo Long cho mượn ấn để đóng vào cuối cuốn sách nhưng Bảo Long từ chối. Sau khi tái hôn với bà Monique Baudot vào năm 1982, Cựu Hoàng đã kiện Bảo Long ra tòa án Pháp để đòi lại ấn và kiếm. Tòa án tại Pháp đã ra phán quyết Bảo Đại được giữ ấn và Bảo Long được giữ kiếm.
5) Cuối cùng, bản thuyết trình của nhà đấu giá Millon đã chỉ ra nguồn gốc quyền sở hữu của ấn kim bán đấu giá như sau :
- Hoàng đế Minh Mạng, triều Nguyễn (1791-1841)
- Hoàng gia triều Nguyễn (theo dòng dõi)
- Tài sản của Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (1913 -1997) - Hoàng đế An Nam và nguyên Quốc trưởng Việt Nam.
- Được thừa kế theo di chúc cho Công chúa Vĩnh Thụy (1946-2021) và sau đó được giữ bởi con cháu gia đình.
Đến đây có thể tạm kết luận rằng, việc Nhà đấu giá Millon đem ấn Kim Bảo Tỷ mà Cựu Hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại cho bà Monique Baudot, và những người thừa kế của bà muốn đem ấn này ra bán đấu giá là hoàn toàn hợp pháp về mặt pháp lý, nên có hiệu lực chấp hành. Vì việc đấu giá này chỉ có thể dựa trên căn cứ pháp lý là theo Bộ luật dân sự (quyền thừa kế) của Pháp hiện hành.
Năm 1952, thực dân Pháp đã tổ chức một nghi lễ để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại - không phải trên cương vị "Đại Nam hoàng đế", mà là "Quốc trưởng". Ảnh tư liệu của PTH
Đối với những ai lập luận cho rằng : ấn và kiếm đã được Hoàng đế Bảo Đại giao lại cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau ngày cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, và vì vậy đã trở thành tài sản của Nhà nước Việt Nam cho đến nay, nên nhà nước đương thời Việt Nam có quyền kiện để đòi lại là dựa trên căn cứ chính trị, là không đúng, nên vô hiệu cả về pháp lý cũng như thực tế.
Thực tế nhà đương quyền Việt Nam chỉ còn cách điều đình, thông qua thương lượng với sở hữu chủ chân chính,bà Monique Baudot và những người thừa kế của bà,và nhà bán đấu giá Millon, để mua lại bằng công quỹ, nếu coi đó là di sản lịch sử của quốc gia Việt Nam cần lưu lại cho mai sau.
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 08/11/2022
**************************
Vụ ấn vàng Minh Mạng : Việt Nam nên khởi kiện ngay lập tức ?
VOA, 08/11/2022
Chính phủ Việt Nam nên tiến hành khởi kiện bất cứ ai chiếm hữu chiếc ấn vàng của Vua Minh Mạng ngay lập tức vì quyền sở hữu chiếc ấn được xác lập thuộc về nhà nước Việt Nam và việc thương lượng để mua lại ‘là hành động dại dột’, một luật sư người Việt ở Mỹ nói với VOA.
Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vòng ròng từ thời Vua Minh Mạng, đến nay đã có tuổi gần 200 năm
Theo lịch dự kiến thì chiếc ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ truyền quốc của nhà Nguyễn sẽ được Nhà đấu giá Millon đưa ra bán đấu giá ở Paris, Pháp, vào ngày 10/11 tới, sau khi phiên đấu giá ban đầu được dời lại 10 ngày.
Trong phiên đấu giá các cổ vật Việt Nam vào ngày 31/10, chiếc bát vàng của Vua Khải Định đã được bán với giá là 680.000 euro chưa bao gồm thuế và phí, tức là cao gấp 27 lần so với mức giá khởi điểm mà Millon đưa ra là 15.000 euro. Trong khi đó, chiếc kim ấn của nhà Nguyễn được ấn định giá khởi điểm là trong khoảng từ 2 đến 3 triệu euro.
Chính quyền Việt Nam đang thông qua Đại sứ quán tại Pháp làm việc với Millon để yêu cầu họ hủy đấu giá để cho Việt Nam ‘thương lượng mua lại với giá thấp hơn giá đấu giá’, báo chí Việt Nam đưa tin.
‘Chiếm hữu không ngay tình’
Trao đổi với VOA từ thành phố Garden Grove thuộc Quận Cam, bang California, Mỹ, ông Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong, đã đưa ra những lập luận và chứng cứ để chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam ‘có quyền sở hữu hợp pháp’ đối với chiếc kim ấn và ‘hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đòi hoàn trả vô điều kiện’.
Ông Vũ là luật sư lấy bằng ở Pháp. Bản thân ông có mối quan hệ đặc biệt với chiếc ấn ‘Kim bảo tỷ’ (tên gọi khác của ‘Hoàng đế chi bảo’) vì thân phụ ông, nhà thơ Cù Huy Cận, là một trong hai người đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận ấn, kiếm từ tay Vua Bảo Đại trong buổi lễ thoái vị vào cuối tháng 8 năm 1945.
Ông nói hôm 27/10 ông đã viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi cho chủ tịch hãng Millon là ông Alexandre Millon để khẳng định rằng họ ‘đã làm sai luật’ khi đưa chiếc ấn ra bán đấu giá.
"Trong thư tôi đã khẳng định Kim bảo tỷ thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam và đòi nhà đấu giá Millon rút ấn này ra khỏi phiên đấu giá để Nhà nước Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa ấn về lại Việt Nam", ông Vũ cho biết.
Cơ sở pháp lý của quyền sở hữu này, ông lập luận, là ‘kể từ khi Bảo Đại giao ấn và kiếm thì chúng vĩnh viễn đã thuộc quyền sở hữu của nền Cộng hòa mà đại diện là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’.
Sau khi nhận được ấn và kiếm, Việt Minh đã để chúng lọt vào tay quân Pháp khi họ tháo chạy khỏi Hà Nội lên Việt Bắc. Quân Pháp sau này đã giao lại cho Bảo Đại khi đó là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam.
"Luật Dân sự của Pháp ở điều 2276 có quy định rất rõ ràng rằng bất cứ ai bị mất hoặc bị trộm thứ gì đó thì đều có thể đòi lại được", vị luật sư này giải thích.
Ông khẳng định rằng cả Bảo Đại, người thừa kế của ông là bà Monique Baudot, người vợ sau cùng của ông, và người thừa kế của bà Baudot đều ‘chiếm hữu phi pháp chiếc ấn’ mà ông gọi theo thuật ngữ là ‘chiếm hữu không ngay tình’ (possession de mauvaise foi)
"Chiếm hữu không ngay tình là khi anh mua lại hay được cho một tài sản bất minh như đồ ăn trộm hay thất lạc mà anh biết rõ nhưng vẫn giữ", ông Vũ nói. Khi đó, người chiếm hữu không ngay tình ‘buộc phải hoàn trả tài sản vô điều kiện’.
Chính phủ Pháp làm sai ?
Khi được hỏi khi ông Bảo Đại đã được quân Pháp trao lại ấn, kiếm hồi năm 1952 thì có phải là quyền sở hữu của ông được Chính phủ Pháp thừa nhận hay không, ông Vũ phân tích rằng ‘người tìm thấy và giao lại chưa chắc đã có lỗi vì họ nghĩ là của Bảo Đại’.
"Ông Bảo Đại nghiễm nhiên nhận lại vật mình đã cho đi thì đó là chiếm hữu không ngay tình và đó là bất hợp pháp", ông nói và cho rằng lẽ ra khi nhận lại ông Bảo Đại phải nhận rằng không phải đồ của ông và hứa sẽ trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi có điều kiện.
Ngoài ra, chính quân đội Pháp ở Đông Dương, chứ không phải Chính phủ Pháp vào lúc đó, đã bàn giao ấn, kiếm cho Bảo Đại và ‘không có văn bản nào cho thấy tướng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương được ủy quyền của chính phủ Pháp’ trong việc này, ông lập luận.
Quân Pháp lúc đó không thể trao lại cho Việt Minh vì ‘vấn đề chính trị’, ông Vũ nói, vì ‘Việt Minh lúc đó là đối thủ của họ trong khi Bảo Đại theo Pháp chống Việt Minh’.
Về khả năng Vua Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Việt Minh trong điều kiện cưỡng ép vì lo sợ cho tính mạnh và sự an nguy của hoàng tộc, nên Việt Minh chiếm hữu không chính đáng, vị luật sư này cho rằng ‘Bảo Đại thoái vị là do áp lực công khai của một cuộc cách mạng’.
"Bản thân Bảo Đại trong cuốn hồi ký ‘Con Rồng An Nam’ (Le dragon d’Annam) không có câu nào viết rằng chính quyền Việt Minh từ trung ương đến Huế đã đe dọa tính mạng của ông và vợ con ông", ông Vũ chỉ ra bằng chứng.
Ông cũng cho rằng ấn, kiếm đó ‘không phải là tài sản cá nhân của Bảo Đại hay của vương triều Nguyễn’ mà là tài sản quốc gia, bản thân hoàng đế chỉ là người đại diện để nắm giữ, nên khi có thay đổi chính quyền thì cho dù Bảo Đại không bàn giao chúng cũng thuộc sở hữu của chính quyền mới.
Có từ bỏ quyền sở hữu ?
Khi được hỏi rằng kể từ khi để thất lạc chiếc ấn đến nay, chính quyền Việt Nam không hề lên tiếng đòi lại hay phản đối việc ấn, kiếm được bàn giao hay để di chúc lại từ người này sang người khác thì có đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền sở hữu hay không, ông Vũ lập luận rằng ‘không đòi lại không có nghĩa là không có quyền sở hữu’.
Theo giải thích của luật sư Vũ thì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến 1975 ‘chiến tranh liên miên’ nên ‘có thời giờ đâu mà đi đòi lại ấn kiếm huống chi quân Pháp khi đó là kẻ thù của Việt Minh ?’.
"Nếu như một cá nhân im lặng, không phản đối thì coi như họ từ bỏ quyền sở hữu, còn một chính phủ thì chỉ khi nào họ ra văn bản chính thức tuyên bố từ bỏ mới được", ông giải thích. "Ngay cả khi chính phủ Việt Nam đại diện cho người dân Việt Nam im lặng thì không có nghĩa là 100 triệu người dân Việt Nam đồng ý từ bỏ quyền sở hữu ấn, kiếm".
Nếu sau này có một chính phủ khác, không phải của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đại diện cho người dân Việt Nam thì chính phủ đó cũng có quyền đòi lại ấn, kiếm, cũng theo ông Vũ.
Tuy nhiên, ông chỉ trích chính quyền Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay không hề nghĩ đến việc đòi lại ấn, kiếm đã bị thất lạc mà phải đợi đến bây giờ khi chiếc ấn bị mang ra bán đấu giá.
Ông cũng lên án việc chính quyền trong nước tỏ ý ‘muốn mua lại kim ấn không thông qua đấu giá’ : "Nếu đề nghị mua lại thì chính là họ đã từ bỏ quyền sở hữu hợp pháp của mình".
Kiện tụng và ngoại giao
Luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng đưa ra dẫn chứng để chứng tỏ nhà đấu giá Millon ‘biết rõ chiếc ấn bị chiếm hữu không ngay tình mà vẫn đưa ra bán đấu giá’.
"Chính trong lời giới thiệu của hãng về món đồ đấu giá họ cũng nói rõ là chiếc ấn này được Hoàng đế Bảo Đại trao cho Việt Minh", ông chỉ ra và cho rằng sự kiện Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho Việt Minh là ‘một trong những sự kiện lớn nhất lịch sử Việt Nam hiện đại’ nên nhà đấu giá Millon không thể viện cớ là họ không biết.
"Millon biết rõ mà họ vẫn tiến hành đấu giá thì họ đã cố tình vi phạm luật pháp nước Pháp. Nếu bị kiện thì họ sẽ đối mặt số tiền phạt rất nặng và còn bị mất danh tiếng nghiêm trọng", ông phân tích.
Ông Vũ cũng cho rằng bản thân người chiếm hữu chiếc ấn, tức người thừa kế của bà Baudot, ‘chắc chắn biết họ chiếm hữu không ngay tình’ vì Bảo Đại đã nói rất rõ về ấn, kiếm trong hồi ký của ông.
Nhà bất đồng chính kiến này cho biết bên cạnh lá thư gửi cho Millon, ông cũng đã gửi một lá thư khác cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong đó ông kiến nghị Việt Nam ‘tiến hành khởi kiện các đối tượng chiếm hữu để đòi lại bảo vật’.
"Đây là con đường chính đáng để hồi hương ấn, kiếm", ông nói và cho biết ‘phải khởi kiện cả người thừa kế của bà Baudot và người thừa kế Thái tử Bảo Long (người giữ thanh bảo kiếm) để đòi lại cả ấn và kiếm’.
Theo phân tích của ông thì Việt Nam đã xác lập quyền sở hữu một cách rõ ràng thì ‘trong trường hợp xấu nhất dù chiếc ấn được bán cho bất cứ ai thì Việt Nam cũng có thể đòi lại được’.
"Việt Nam phải khởi kiện ngay cho dù phiên đấu giá có diễn ra hay không", ông nói và cho biết Việt Nam nên thuê các hãng luật bên Pháp để làm đại diện và trưng ra các bằng chứng như hình ảnh, văn bản về việc tiếp nhận ấn, kiếm, kể cả hồi ký của Vua Bảo Đại.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải thông qua con đường ngoại giao nhờ Chính phủ Pháp giúp đỡ, ông Vũ nói thêm, và phải cần Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng với người tương nhiệm Pháp Elisabeth Borne.
"Chính phủ Pháp hiện nay có thái độ rất thiện chí và đi đầu trong việc hoàn trả cổ vật cho các nước", ông nói và chỉ ra mới đây Pháp đã trao trả cho Benin 25 cổ vật và Quốc hội Pháp cũng đã ra luật yêu cầu Chính phủ hoàn trả cổ vật cho các nước cựu thuộc địa.
Không chỉ chính quyền Việt Nam mà bất cứ người dân Việt Nam nào, dù trong nước hay hải ngoại, dù thuộc chính thể cộng sản hay cộng hòa, cũng ‘đều có quyền đòi lại bảo vật về cho Việt Nam’, vị luật sư lưu vong này nói.
Nguồn : VOA, 08/11/2022
***************************
Thừa Thiên-Huế tính huy động tiền dân để hồi hương ấn Hoàng Đế Chi Bảo
VOA, 07/11/2022
Hôm 7/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất với thủ tướng của Việt Nam về việc huy động tiền từ nhân dân và các nhà hảo tâm để mua lại chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo hiện đang ở Pháp và đưa về Việt Nam.
Con dấu bằng vàng ròng của các triều Nguyễn được rao bán đấu giá ở Pháp.
Như VOA đã đưa tin, nhà đấu giá Millon ở Pháp hồi tháng trước loan báo bán đấu giá ấn vàng "Kim Bảo Tỷ", tức Hoàng Đế Chi Bảo theo cách gọi của Việt Nam.
Tuy nhiên, phiên đấu giá đã được hoãn lại cho đến ngày 10/11 vì cổ vật này nhận được "sự quan tâm mạnh mẽ của nhà nước Việt Nam", Millon cho biết cách đây một tuần. Việc hoãn này mở đường cho Việt Nam thương lượng để mua lại ấn vàng trực tiếp từ nhà đấu giá ở Pháp.
Theo công văn của Thừa Thiên-Huế, do Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Phương ký và gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính quyền tỉnh đề nghị thủ tướng đồng ý với chủ trương dùng phương thức "xã hội hóa" để hồi hương ấn Hoàng Đế Chi Bảo.
Ấn vàng này được vua Minh Mạng, người trị vì từ 1820 đến 1841, cho đúc bằng vàng ròng vào năm 1823, cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông và nặng 10,78 kg. Quai ấn là hình rồng cuốn và trán rồng có khắc chữ "vương" trong tiếng Hán, nghĩa là "vua".
Công văn của Thừa Thiên-Huế nêu ra hai phương án khả dĩ, đó là "huy động nguồn lực xã hội hóa" cho Quỹ Bảo tồn Di sản Huế, dùng tiền quỹ để thương lượng với nhà đấu giá Millon nhằm mua lại và hồi hương chiếc ấn ; hoặc là "vận động mạnh thường quân" thương lượng, mua lại chiếc ấn để đưa về nước.
"Xã hội hóa" là cụm từ được dùng ở Việt Nam để chỉ việc người dân và doanh nghiệp tư nhân đóng góp, chi trả một phần hoặc toàn bộ cho các dịch vụ, dự án phục vụ công cộng. Về bản chất, đây là uyển ngữ thay cho cụm từ "tư nhân hóa", bị xem lại khái niệm nhạy cảm ở đất nước có chế độ xã hội chủ nghĩa, với đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế nói trong công văn rằng họ đề nghị thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao hai bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Ngoại giao phối hợp, giúp đỡ tỉnh và các bên liên quan để mua lại và hồi hương ấn Hoàng Đế Chi Bảo.
Theo quan sát của VOA, ở thời điểm bài này được đăng, phía chính phủ Việt Nam chưa có hồi đáp về công văn của tỉnh.
Trước khi Millon hoãn phiên đấu giá chiếc ấn cổ, theo tìm hiểu của VOA, giá khởi điểm mà nhà đấu giá Pháp đặt ra cho chiếc ấn là từ 2 đến 3 triệu euro.
Ấn Hoàng Đế Chi Bảo là bảo vật được truyền qua các đời vua Nguyễn cho đến vua Bảo Đại. Chiếc ấn này nằm trong số các tài sản mà vua Bảo Đại viết di chúc để lại cho người vợ sau cùng của ông, bà Monique Baudot, sau khi ông qua đời vào năm 1997. Một năm sau khi bà Baudot, công dân Pháp, qua đời, chiếc ấn vàng được mang ra bán đấu giá ở Paris.
Nguồn : VOA, 07/11/2022
**************************
Huế đề nghị Thủ tướng cho "xã hội hóa" để đưa kim ấn Triều Nguyễn về nước
RFA, 07/11/2022
Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phan Thanh Hải vào ngày 7/11 cho truyền thông biết Ủy Ban Nhân dân (UBND) tỉnh này vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ cho pháp "xã hội hóa" để mang ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ về nước.
v
Ấn "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh minh họa
Tin nêu rõ văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa ra hai phương thức xã hội hóa cho việc hồi hương ấn Triều Nguyễn. Một là huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn Di sản Huế để cơ quan này thương lượng với hãng đấu giá Millon ở Pháp để mua lại. Hai là vận động mạnh thường quân là các tổ chức, cá nhân quan tâm thương lượng, mua lại ấn.
Ông Phan Thanh Hải cho rằng việc xin ngân sách Nhà nước để mua lại ấn "Hoàng đế chi bảo" vào thời điểm hiện nay là khó khả thi.
Vào ngày 1/11, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam lên tiếng rằng trong thời gian tới cơ quan chức năng Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực để đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước.
Cơ quan này cũng cho rằng việc hãng Millon đưa ấn "Hoàng đế chi bảo" ra khỏi danh mục đấu giá ngày 31/10 vừa qua là một thắng lợi bước đầu của phía Việt Nam.
Trên trang chủ, hiện hãng đấu giá Millon nêu rõ "Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101- chiếc Kim ấn của Vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này đến buổi trưa ngày thứ Năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022".
Hôm 18/10, món bảo vật triều Nguyễn được hãng Millon thông báo sẽ đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022, với giá khởi điểm từ hai đến ba triệu Euro (khoảng 48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).
Theo thông tin được Millon đưa ra liên quan đến món cổ vật triều Nguyễn, thì đây là ấn vàng của vua Bảo Đại đã lưu lạc tại Pháp suốt nhiều năm qua.
Nguồn : RFA, 07/11/2022