Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/11/2018

Xử vụ đánh bạc nghìn tỷ, luật bảo vệ bí mật sức khỏe lãnh đạo

RFA tiếng Việt

Vụ án đánh bạc triệu đô : Tại sao đưa hối lộ 100 tỷ lại miễn truy cứu hình sự ? (RFA, 16/11/2018)

Ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc triệu USD, tại phần công bố quyền và nghĩa vụ các bị cáo tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đã đề nghị Hội đồng xét xử không công bố bản án đối với mình lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Lập tức chủ tọa phiên tòa đồng ý với đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh. Dư luận đặt dấu hỏi : "Vì sao bị cáo lại có quyền ấy ?" giữa lúc giới làm luật thì cho rằng, việc Hội đồng xét xử chấp nhận ngay yêu cầu của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh không công bố bản án lên mạng là không đúng luật.

danhbac1

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh được đưa ra trước phiên tòa. Screen Capture From Video

Đã có nhiều nhận xét hoài nghi về sự công minh về phiên tòa tổ chức đánh bạc triệu đô, một vụ phạm tội với quy mô lớn có nhiều tướng lĩnh công an trực tiếp tham gia tổ chức và điều hành. Đã có nhiều biểu hiện cho thấy, việc xét xử đã được dàn dựng theo một kich bản có lợi cho những kẻ phạm tội, đặc biệt là 02 cựu tướng Công an là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Cụ thể, mặc dù Nguyễn Văn Dương – "ông trùm" của đường dây đánh bạc nghìn tỷ khai cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD, cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng, song quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra nói vẫn chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân.

Đã có bình luận trên báo chí nhà nước nhận định cho rằng "Phiên tòa đã phá vỡ nhiều kỷ lục về tố tụng, buộc tòa án và những người liên quan thống nhất phải bỏ qua một số thủ tục đã được làm rõ. Đáng chú ý, vụ án đánh bạc cũng ghi nhận một số bị cáo được miễn truy cứu tội đưa hối lộ vì lý do khoan hồng".

Trong giai đoạn điều tra, ngày 31/8/2018, với lý do thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước..., Viện Kiểm sat nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội "Đưa hối lộ", cho dù Cáo trạng cho biết "Nguyễn Văn Dương đã đưa Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng, 1.750.000 USD, 1 chiếc áo sơmi, 1 lọ thuốc bổ gan. Đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, Dương khai cho cựu cục trưởng C50 22 tỉ đồng.Ngoài ra Dương còn khai cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD".. Giá trị tài sản mà Nguyễn Văn Dương dùng để hối lộ cho hai viên cựu tướng Công an là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có ước tính tương đương tới 100 tỷ VND.

Song Phan Văn Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương đã cho Vĩnh 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD. Ngoài ra, Dương còn khai tặng Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD, nhưng Vĩnh lại khai là đã trả tiền mua đồng hồ cho Dương 1,1 tỷ đồng, sau đó đã làm mất đồng hồ. Tương tự, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, nhưng không thừa nhận Dương cho 22 tỷ đồng.

Tương tự, bị cáo Lưu Thị Hồng – Tổng giám đốc Cty CNC cũng được miễn truy cứu về tội "Đưa hối lộ" vì lý do thực hiện chính sách khoan hồng. Được biết, bị cáo Lưu Thị Hồng đã khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập Cty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại Cơ quan điều tra.

Cáo trạng của Viện Kiểm sat nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định, "... khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), ông Phan Văn Vĩnh đã cho phép thành lập công ty bình phong - Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), trái với quy định. Đồng thời, cho phép CNC thí điểm các trò chơi trực tuyến qua mạng internet, mà đây thực chất là hoạt động đánh bạc". Cáo trạng cũng đã chỉ rõ, "... hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh đã được các cơ quan tố tụng nhận định là có dấu hiệu "bảo kê", nhận hối lộ, trong đó, ông Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), là người thực hành tích cực. Hai bị cáo này được xác định là người quyết định sự "sống còn" của đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.club".

Tuy vậy vẫn theo cáo trạng cho biết, "Đến nay, CQĐT chỉ khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau".

danhbac2

Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Thanh Hóa (phải) - RFA edit

Câu hỏi được đặt ra là, "Tại sao lại miễn truy cứu hình sự tội đưa hối lộ trong vụ đánh bạc triệu đô ?"

Cứ tạm cho là cơ quan điều tra không có căn cứ làm rõ việc các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa nhận tiền hối lộ từ bị can Nguyễn Văn Dương, ông trùm của đường dây tổ chức đánh bạc này.Nhưng họ không thể không xem xét việc bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai nhận, thời gian Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C.50) hợp tác với Công ty CNC, Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, cũng như việc bị cáo Lưu Thị Hồng đã khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50 ? Đó là chưa kể đến việc, trong thời gian cho C50 hợp tác với Công ty CNC, Phan Văn Vĩnh thừa nhận được Nguyễn Văn Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát với sự có mặt của Dương (Dương khai, các bữa ăn Dương có mặt đều mang rượu đến, tổng trị giá khoảng hơn 10 tỷ đồng).

Được biết, bị cáo Nguyễn Văn Dương còn có biệt danh là Dương "phò mã", bởi Nguyễn Văn Dương là con rể của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Phạm Quang Nghị. Chính vì thế dư luận xã hội trong những ngày này vẫn thắc mắc rằng, "Phải chăng, các bị cáo được miễn truy cứu tội đưa hối lộ, vì lý do liên quan đến việc ông Phạm Quang Nghị bố vợ của bị cáo Nguyễn Văn Dương".

Tại Tòa, bị cáo Vũ Văn Dũng một nhân vật làm Rik trong đường dây tổ chức đánh bạc đã khai, "...có các thế lực rất lớn ở trên bảo kê nên tất cả các bị cáo đều yên tâm làm". Sau khi nghe lời khai của bị cáo Dũng, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chưa cho bị cáo Phan Sào Nam) lập tức xin xét hỏi bị cáo Dũng. Bà Phúc đã chất vấn, "Vì sao với một tình tiết quan trọng thế mà bị cáo không khai báo với cơ quan điều tra, bây giờ tại tòa mới khai ?" Một câu hỏi nữa được đặt ra rằng, Cơ quan điều tra có biết (điều mà ai cũng biết) như trong lời khai của bị cáo Vũ Văn Dũng hay không và tại sao không làm rõ ?

Giá trị tài sản mà Nguyễn Văn Dương khai dùng để hối lộ cho hai viên cựu tướng Công an là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa ước tính tương đương với 100 tỷ VND. Nếu so với vụ án 02 nông dân ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Tuấn và ông Nguyễn Thành Nam, đã từng bị xử tổng cộng 15 năm tù vì đã can tội nhận khoảng 17 triệu đồng của 12 hộ dân tự nguyện để chi cho xăng xe, điện thoại, thời gian công sức làm thủ tục vay vốn thì mới thấy hết sự kỳ lạ của ngành tư pháp Việt Nam !

Kami

******************

Nhiều nghi phạm trong vụ đánh bạc nghìn tỷ đã trốn ra nước ngoài (RFA, 15/11/2018)

Trong phiên tòa ngày 15 tháng 11 xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng, nhiều bị can được xác định phạm tội trong cáo trạng không có mặt vì đã kịp bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị bắt.

danhbac3

Phiên tòa ngày 15 tháng 11 tại tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ. RFA

Theo Tiền Phong, những người bỏ trốn hiện bị truy nã toàn quốc và yêu cầu truy nã quốc tế gồm có ông Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn, Lê Văn Kiên, và Hoàng Đại Dương. Những người này được nhận xét là cánh tay đắc lực cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip/Tipclup, 23Zdo, Zon/Pen của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.

Vụ án đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng hiện đang được xét xử tại tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ với 92 bị cáo. Trong số các bị cáo có hai cựu tướng công an là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, và cựu Thiếu tướng Nguyễn Văn Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Hai viên cựu tướng này bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu bị kết tội, mỗi người có thẻ đối mặt với án từ cao nhất đến 10 năm.

*************************

Luật bảo vệ bí mật Nhà nước : Đảm bảo an ninh quốc gia hay che giấu thông tin (RFA, 15/11/2018)

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội chính thức thông qua hôm 15/11/2018 với gần 92% đại biểu tán thành. Luật mới quy định các bí mật trong 15 lĩnh vực. Đáng chú ý trong danh mục được đưa vào bí mật quốc gia có những thông tin về thân thế và bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại.

danhbac4

Các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội ngày 23 tháng 10 năm 2018 - Photo : RFA

Bí mật sức khỏe lãnh đạo cao cấp

Từ xưa đến nay, tình hình sức khỏe lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam vẫn là điều bí mật dù chưa được luật hóa. Mỗi khi có vị lãnh đạo nào vắng mặt ở các sự kiện cấp quốc gia, hay có vị nào ra nước ngoài thì lập tức người dân bàn tán về tình hình sức khỏe của họ, chẳng hạn như cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hay gần đây nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng cho RFA biết :

"Thực ra bây giờ họ mới công khai nói về điều đó chứ từ xưa đến nay họ vẫn giữ bí mật. Họ có lý do của họ là công dân có quyền bí mật riêng tư, nhưng công dân này là của công chúng, lẽ ra người dân phải có quyền giám sát cả về hành vi và sức khỏe. Các nước dân chủ thì công chúng có quyền giám sát nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Ngay cả những cái gọi là công khai vẫn là bí mật, ví dụ như những phiên tòa gọi là công khai nhưng có ai được vào đâu. Cho nên ở Việt Nam thì ngay khi chưa có luật họ đã giữ bí mật sức khỏe lãnh đạo rồi".

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thì cho rằng vai trò của lãnh đạo hay nguyên thủ quốc gia hết sức quan trọng, khi tình hình sức khỏe chưa có kết luận rõ ràng mà tung tin không tốt sẽ ảnh hưởng đến vai trò, vị trí của người lãnh đạo, cho nên vấn đề này cũng cần phải đưa vào diện bí mật để đảm bảo cho lãnh đạo yên tâm. Không những lãnh đạo mà người dân cũng vậy thôi. Đó là những vấn đề cá nhân thì không nên công khai. Ông cho biết thêm :

"Cái này thì đã có quy định của hiến pháp pháp luật, bây giờ chỉ vận dụng vào luật này thôi. Sức khỏe của các nhà lãnh đạo được nằm trong phạm vi phải giữ bí mật vì theo tôi nghĩ, nếu như công khai cũng không có lợi cho việc điều hành hay dư luận. "

Bí mật chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực chính trị được quy định trong luật mới bao gồm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại ; Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

danhbac5

Hình minh họa. Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam dự lễ tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 14/6/2008 AFP

Cựu đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông nhận định rằng không phải là tất cả các chủ trương, đường lối của đảng hay chính sách của Nhà nước là đều bí mật. Quốc hội cũng đã cân nhắc để giới hạn những gì thuộc về phạm vi bí mật, những gì có thể công khai.

"Vấn đề này nó liên quan đến thể chế của nước Việt Nam vì những vấn đề, chủ trương đang nghiên cứu có ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia. Nếu công khai, lộ ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia, nên phải giữ trong phạm vi bí mật.

Tôi có suy nghĩ là các nước trên thế giới cũng thế thôi bởi vì không phải vấn đề gì của đất nước liên quan đến an ninh hay lợi ích quốc gia hoặc đang trong quá trình nghiên cứu trong phạm vi hẹp mà công khai ra thì nó không có lợi".

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng luật này được thông qua có nhiều mục đích :

"Thứ nhất là họ che giấu hành động khuất tất của họ. Ví dụ hiệp định biên giới trên biển, trên bộ với Trung Quốc hay Hiệp định Geneve đến bây giờ có công khai cho dân biết đâu. Thứ hai họ dùng luật này để bỏ tù những ai lộ bí mật theo tiêu chí của họ".

Là một Trung tá quân đội, ông hiểu rằng trong chiến tranh thì các chiến dịch quân sự phải bí mật, thế nhưng tiêu chí bí mật không thể áp dụng trong lĩnh vực khác, chẳng hạn như dự án kinh tế hay điện hạt nhân. Những điều đó phải công khai cho dân biết để phản biện vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ông cho rằng hiện ở Việt Nam không có tam quyền phân lập nên không ai giám sát ai và mọi thứ rất nhập nhằng. Ông nói :

"Họ có danh mục cái nào bí mật cái nào không. Lẽ ra họ phải luật hóa cụ thể, chứ họ lợi dụng bí mật này để che giấu những chính sách mờ ám khác để phục vụ lợi ích nhóm chứ không phải lợi ích dân tộc. Cái gì có lợi cho họ thì họ che. Cái gì có hại cho người khác, thậm chí cho dân mà họ có lợi thì họ vẫn làm. Tôi nghĩ là phải có cơ chế nào kiểm soát họ, chứ thực tế bây giờ rất nhập nhằng, rất khó biết cái nào thật sự bí mật".

Cho đến hôm nay người dân Việt Nam vẫn mong chờ Nhà nước công khai hóa nội dung và các thỏa thuận của Hội Nghị Thành Đô - cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh dẫn đầu.

Vì không công khai nên có nhiều thông tin chưa rõ ràng và có những nghi ngờ từ người dân về những thỏa thuận không có lợi cho phía Việt Nam.

Theo luật mới, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Quay lại trang chủ
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)