Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/03/2017

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam cả trong thành phố lẫn ngoài bờ biển

tổng hợp

Hà Nội : Xe máy cũ và tình trạng ô nhiễm (BBC, 06/03/2017)

"Tình trạng ô nhiễm không khí đã tới mức báo động", Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng nói với BBC.

hanoi1

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã lên tới mức báo động đỏ - LINH PHAM/GETTY IMAGES

"Mật độ dân cư Hà Nội tăng rất nhanh, nếu tính cả người vãng lai lẫn cư dân ổn định hiện vào khoảng chín triệu, gần 10 triệu người, tập trung đặc biệt đông trong nội đô".

Xe máy được cho là một trong những nguồn xả khí thải gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất tại thành phố. "Trong điều kiện nhiệt đới ẩm ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do xe máy gây nên là rất lớn", bà An, người cũng từng là đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khóa 13 nói.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu đạt tiêu chuẩn chưa cao cũng càng góp phần làm trầm trọng mức độ ô nhiễm, bà An giải thích thêm. "Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng đang cố gắng cải thiện để đạt chuẩn tốt hơn".

Hà Nội đang nỗ lực từng bước hạn chế xe máy trong thành phố nhằm đối phó tình hình.

Dự kiến giới chức sẽ chính thức đưa ra phương án cụ thể vào tháng 6/2017, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói trong một buổi làm việc với đại diện chính phủ và các bộ ngành hồi trung tuần tháng Hai vừa qua.

Được biết có tới 2,5 triệu trong tổng số khoảng 6 triệu xe máy đang lưu thông tại Hà Nội thuộc diện quá hạn sử dụng, cần thu hồi.

Việc dẹp bỏ xe máy cũ tại Hà Nội là một phần trong chủ trương áp dụng toàn quốc theo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ Chính phủ ban hành hồi giữa năm 2015.

hanoi2

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói hiện có khoảng 2,5 triệu trên tổng số 6 triệu xe máy đang lưu thông ở Hà Nội thuộc dạng quá hạn sử dụng- ảnh HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES

"Đền bù xe bị thu hồi"

Với đa số dân trong thành phố, xe máy là phương tiện đi lại cần thiết hàng ngày. Với một số người, thậm chí đó còn là phương tiện lao động, phương tiện kiếm sống.

"Hiện xe máy ở Hà Nội rất nhiều, bình quân cứ hai người, hai người rưỡi có một xe máy", bà An nói. cho nên việc đền bù đối với các xe bị thu hồi là vấn đề đang được giới chức xem xét.

"Chính quyền sẽ nỗ lực tạo ra các phương tiện công cộng tiện lợi hơn, như đặt thêm nhiều bến xe buýt, tăng chuyến, mở tuyến xe buýt đi nhanh hơn, hay mở thêm các loại giao thông công cộng khác thay thế với tiêu chí rẻ hơn so với việc sử dụng xe máy gia đình, để người dân có thể đi chợ, đi làm được".

"Tôi cho rằng việc đền bù ở đây cần tính cả giá trị vật chất lẫn thời gian lao động, thời gian đi lại sẽ được tiết kiệm từ việc thu hồi xe máy, [chứ không chỉ giá trị tài chính đơn lẻ]. Bởi với việc giảm bớt lượng lớn xe máy, việc lưu thông trên đường sẽ trở nên nhanh hơn, ít bị ách tắc hơn. Đây mới chính là sự đền bù có giá trị lớn, bền vững".

Ngân quỹ đền bù, theo bà An, "có thể sẽ được huy động từ nhiều nguồn".

"Ý kiến cá nhân tôi thì có thể một phần từ ngân sách thành phố, một phần từ việc xã hội hóa. Những công ty được tham gia các dự án giải quyết vấn đề giao thông công cộng trong thành phố có thể sẽ là một nguồn được huy động".

********************

Kỳ Anh : Ô nhiễm mọi mặt (RFA, 06/03/2017)

Vùng biển dài hơn 200 kilomet dọc theo các tỉnh bắc trung bộ của Việt Nam bị ô nhiễm do hóa chất độc hại từ Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thải ra và bị phát hiện hồi đầu tháng tư vừa rồi.

kyanh1

Vùng biển Kỳ Anh. RFA photo

Ngoài việc môi trường biển bị nhiễm độc, nhà máy gang thép của Formosa Hà Tĩnh còn gây nên những tác động khác gồm tiếng ồn, khí thải mà cộng đồng dân cư xung quanh khu vực nhà máy phải hứng chịu.

Anh Trần Văn Quang - một người dân xã Kỳ Lợi - địa phương ngay cạnh Khu liên hợp gang thép này cho biết :

"Nói chung người dân trước đây, khi chưa có Formosa về thì yên tĩnh, từ khi Formosa về, mang theo máy móc, điện đóm, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người dân cũng nhiều".

Các ống khói trong khu liên hợp gang thép Formosa nhả khí thải liên tục, ngày mưa cũng như ngày nắng, ban đêm cũng như ban ngày. Có lúc 1 ống, có lúc 2-3 ống cùng nhả khói đen, khói trắng.

Ông Lê Xuân Thế - một người dân khác tại Kỳ Lợi than phiền rằng khí thải như vậy ảnh hưởng đến nguồn nước mưa. việc Formosa mang chất thải đi chrôn lấp tại nhiều nơi tại Kỳ Anh như báo chí trong nước đã loan tin khiến người dân sợ nguồn nước ngầm, nước giếng cũng có nguy cơ ô nhiễm.

"Nhiều gia đình không lấy nước giếng uống, mà nấu cơm, uống nước. Nước uống phải dùng nước lọc, nấu cơm cũng nấu nước lọc".

Hầu hết những người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung một quan điểm, đó là yêu cầu Formosa trả lại môi trường trong sạch cho người dân.

"Điều mong đợi nhất là làm thế nào nói chung cho biển sạch, để chúng tôi được tự do đi lại như trước, để cho con em buổi chiều chúng nó ra tắm biển. Khi chúng tôi đi biển về thì ăn cá, ghẹ, tôm không phải nghi ngờ gì trong vấn đề độc hại".

Hầu hết mọi người trong vùng chịu tác động bởi thảm họa đều cho rằng mức hỗ trợ, bồi thường theo quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, vẫn thấp hơn so với thu nhập mà họ kiếm được từ biển khơi trước khi xảy ra thảm hoạ Formosa.

Ngoài ra thời hạn mà Nhà nước hỗ trợ, đền bù chỉ là 6 tháng, trong khi phải mất hàng chục năm môi trường mới có thể hồi phục, hải sản không bị nhiễm độc. Do vậy, người dân đã có đơn thư khiếu nại.

"Vừa rồi an hem cũng định đi ra huyện, định biểu tình một lần nữa thử coi, nhưng họ cứ làm như im im, nghe mà chuẩn bị dân có tình hình như thế thì họ cứ nôn nóng, đôn đốc làm hồ sơ nhanh để lấy tiền. Nhưng qua đó rồi họ cứ im lặng, thấy dân im lặng thì họ im lặng. Cho nên tất cả mọi người dân ở đây là đơn thư là họ đã làm sẵn".

Trong hoàn cảnh khó khăn này, người dân Kỳ Anh càng thấm thía giá trị của biển khơi với cuộc sống và sinh mệnh của họ và con cháu đời sau.

"Chúng tôi nói rồi, biển là quê hương, đất liền là tạm trú. Tất cả mọi thứ cho con cái học hành, mọi nghề nghiệp, mọi tài sản chúng tôi cất ở biển, chúng tôi không cất ở nhà. Vì thực sự có khi không có một nghìn, nhưng có khi sáng mai ra đã có tiền chục rồi. Nhất là các mùa nước lên, nhất là các con cá Khoai đó, chục triệu, hơn chục triệu. Chỉ cần 20 ngày là hơn cả trăm triệu bạc. Có như thế con cái mới được học hành. Có như thế gia đình mới đủ khả năng cho con học, rồi đại học các thứ, nếu không có như thế thì khó lắm".

‘Biển bạc’ là cụm từ luôn đi với ‘rừng vàng’ được dùng trước đây để nói đến nguồn tài nguyên quí giá mà thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam. Thế nhưng cho đến này ‘rừng vàng’ bị khai thác, phá hủy đến mức trơ trụi ; còn biển bạc thì bị ô nhiễm khiến hải sản, san hô chết hằng loạt như vừa qua.

Quay lại trang chủ
Read 662 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)