Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/03/2017

Lợi ích nhóm đang cản trở cải thiện môi trường kinh doanh

Một Thế Giới

Các doanh nghiệp cho rằng trong Nghị quyết 19 có rất nhiều nhóm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp cận đất đai, tín dụng... đang khiến họ phải "mòn mỏi" chờ cải cách.

nhom1

Việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn gặp nhiều rào cản

Doanh nghiệp "vạch" điểm yếu của Nghị quyết 19

Hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ngày 10.3. Đại biểu nêu ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện Nghị quyết 19/2017 ; kết quả và những bài học kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 19 trong 3 năm qua.

Trong 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2016 đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là "một phép cộng đơn giản, tính trên đầu ngón tay" nên nhiều mục tiêu đề ra chưa đạt được. Chưa thu hẹp khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

nhom2

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh : TN

Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho biết trong thực thi Nghị quyết 19 còn nhiều bất cập ở từng ngành. Nghị quyết đã nêu rõ thực trạng, tiêu chí cụ thể cần đạt được, nhưng hành động của các cơ quan hữu quan còn lúng túng.

Ông Giám lấy ví dụ cụ thể trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 19, yêu cầu điện tử hóa các giao dịch hành chính, thực hiện thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạch, hạn chế các tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp và việc đưa vào vận hành Cổng hải quan một cửa quốc gia là trọng tâm. 

Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi hình thức thực hiện các thủ tục hành chính mảng xuất nhập khẩu từ nộp hồ sơ giấy lên thành hồ sơ điện tử trên Cổng một cửa quốc gia là quá ít, hình thức (chỉ nộp đơn điện tử, nộp trực tiếp bản giấy với bộ hồ sơ còn lại). Doanh nghiệp chưa nhận thấy có động thái nghiên cứu, cải thiện từ phía các bộ chuyên ngành.

"Theo tôi, lợi ích nhóm được nhìn nhận là một trở ngại chính. Gạt bỏ được lợi ích nhóm, hoàn toàn có thể thực hiện tốt được chỉ đạo của Chính phủ ; và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ các bộ, ngành chứng minh điều đó", vị này nói.

Nêu một ví dụ khác về những khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh, ông Giám cho biết Điều 192 Bộ Luật Hình sự, Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô ; thuế nhà thầu áp dụng với hàng hóa gửi kho ngoại quan đang gây ra những hậu quả nặng nề với doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan do sụt giảm lượng hàng hóa gửi từ các doanh nghiệp nước ngoài.

"Hơn thế nữa có bộ, ngành, địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn và tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy Nghị quyết 19 chưa thật sự được quán triệt như là phương châm của các cấp, ngành, địa phương trong quản lý hướng tới phát triển. Thay vì tầm nhìn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp lại là lợi ích cục bộ để biện hộ cho chính sách đi ngược tiến trình chung" đại diện VPSF cho biết

Ông Trần Việt Huy - CEO Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ hàng hải TRA-SAS nêu ra 2 vấn đề ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thứ nhất là phí cơ sở hạ tầng tại Hải Phòng. Vấn đề này hiện quá bất cập và làm mất lòng tin trong cộng đồng. Phí chồng phí (trong khi xăng dầu có lệ phí giao thông, xe cũng bị lệ phí giao thông, lại còn phí hạ tầng).

Thứ hai là cách áp dụng mới về xác định trị giá hải quan nhằm tính thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, ngành Hải quan xây dựng danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá ; nếu giá nhập khẩu thấp hơn thì doanh nghiệp phải trải qua "quy trình tham vấn phức tạp". Tuy nhiên, theo ông Huy, việc hướng dẫn áp dụng danh mục nêu trên là kéo lùi lại sự minh bạch, công bằng khi tính thuế nhập khẩu, lùi lại thời điểm khi Việt Nam chưa gia nhập WTO với việc sử dụng "Danh mục giá tối thiểu".

Về phía Hiệp hội phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hiệp hội) cho biết vấn đề bất cập trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành là sự "không ăn khớp" giữa quyết định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Công Thương.

Theo ông Thúy, từ năm 1990 đến năm 2000 nước ta xảy ra nhiều cơn sốt nóng và sốt lạnh về phân bón. Lý do nhập khẩu phân bón đều áp dụng giấy phép hạn ngạch đã gây rất nhiều khó khăn cho các thương nhân nhập khẩu, và gây rối loạn thị trường làm thiệt hại nhiều cho nông dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có Quyết định 46/QĐ-TTg bãi bỏ giấy phép hạn ngạch nhập khẩu các loại phân bón. Từ đó năm 2000 đến nay, việc nhập khẩu phân bón đã trở nên thông thoáng, nhanh nhạy, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đặc biệt cải thiện cơ bản thị trường phân bón lành mạnh.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương lại có sáng kiến ban hành Thông tư 35/2014/TT-BCT ngày 15.10.2014 quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón và qui định cảng nhập khẩu.

Nếu thực hiện Thông tư 35 thì vi phạm, trái với Quyết định 46/QĐ-TTg của Chính phủ và thương nhân gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ đi ngược lại quyết định của Chính phủ, quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương còn đẩy thương nhân nhập khẩu vào tình thế phải làm trái luật vì phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép. 

Cần để "tiếng nói" của doanh nghiệp đến Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và thực tế cho thấy Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91 năm 2016 lên vị trí 82 năm 2017 - vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được trong 10 năm trở lại đây.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu ASEAN 4 (khoảng thứ 43).

Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và giới chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi đáp : Nghị quyết 19 có nhiều yếu tố để gián tiếp giải tỏa những bức xúc hiện nay của doanh nghiệp mà trực tiếp là việc các bộ phải thực hiện. Qua đó, cần cải thiện được môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thì phải từ bỏ những "lợi ích cục bộ" của bộ, ngành, lợi ích cá nhân của cán bộ thực hiện thì mới có được những chính sách tốt.

"Nếu môi trường kinh doanh không cải thiện vượt lên, cứ tà tà như những năm vừa rồi thì chắc chắn không hài lòng. Vì vậy vấn đề không phải là có làm được không mà phải làm mới cơ hội để thành công". Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh doanh nghiệp có lòng tin để nói ra những bức xúc thì cần có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với Chính phủ và các bộ, ngành. 

"Tuy nhiên, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phải tin rằng Chính phủ thực sự muốn nghe, không phải nghe để đấy. Có những thắc mắc ở chính sách, văn bản, ở người thực thi cần được doanh nghiệp chỉ ra. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần có kiến nghị sửa đổi để giúp Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh kịp thời hơn". Phó Thủ tướng cho biết.

Tuyết Nhung

Quay lại trang chủ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)