Dấu hiệu quan hệ Việt-Đức đang sang trang (VOA, 22/02/2019)
Có dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Berlin đang hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ nặng nề sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, với chuyến công du của Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đi thăm nước Đức.
Tư liệu : Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. (AP Photo/Tran Van Minh)
Tại Berlin, ông Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn luôn "trân quý quan hệ đối tác chiến lược với nước Đức", truyền thông trong nước tường thuật.
Hãng tin Reuters hôm 21/2 dẫn lời Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas nói hôm 20/2 rằng ông sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Việt Nam về việc nối lại quan hệ song phương, khép lại một giai đoạn đầy khó khăn mới đây vì vụ bắt cóc ộng Trịnh Xuân Thanh.
Trang mạng VNA cho biết trong cuộc gặp gỡ ở Berlin với ông Hans-Peter Friedrich, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức, ông Phạm Bình Minh ca ngợi quốc hội Đức và Nhóm Thân hữu Đức-ASEAN trong quốc hội đã luôn theo sát tình hình Biển Đông.
Ông Minh kêu gọi Berlin hãy tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng hậu thuẫn lập trường đúng đắn của Việt Nam và ASEAN, là giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS. Ông Minh kêu gọi các bên hãy tự chế, không sử dụng vũ lực, đồng thời nên thực thi đầy đủ và một cách hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong Biển đông (DOC), hướng tới việc hình thành một Bộ Quy tắc Ứng xử trong Biển Đông - COC.
Dịp này, Phó Thủ Tướng Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội Đức hãy tiếp tục ủng hộ việc cấp viện trợ đầu tư phát triển (ODA) cho Việt Nam.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Hans-Peter Friedrich cũng bày tỏ hài lòng về các quan hệ đang phát triển giữa hai viện lập pháp Đức-Việt, và nói ông hy vọng rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục lớn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo nêu bật tầm quan trọng của hiệp định thương mại tự do Việt-EU (EVFTA), và đồng ý hối thúc EU ký hiệp định này vì quyền lợi thương mại của cộng đồng doanh thương của cả hai bên.
Trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier, ông Phạm Bình Minh nêu lên rằng Đức còn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên hiệp Châu Âu. Ông lưu ý về tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam cho giới đầu tư Đức.
Dịp này, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh cảm tạ chính phủ Đức đã cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam trong nhiều năm qua, ông nói các dự án ODA đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp sự phát triển kinh tế và xã hội VN.
Ông Altmaier cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong các dự án được tài trợ bằng ODA và loan báo nay mai sẽ khánh thành Deutsches Haus -Ngôi Nhà Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức và là nơi hoạt động của các doanh nghiệp, các trung tâm văn hóa xã hội và kinh tế của Đức tại Việt Nam. Đây được coi là một biểu tượng quan trọng trong việc đưa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước tiến xa hơn nữa.
*******************
Đức nhắm đến việc thiết lập lại quan hệ với Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 21/02/2019)
Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas hôm thứ tư 20 tháng 2 năm 2019 cho biết ông sẽ nhân buổi họp với người đồng cấp phía Việt Nam để thảo luận về việc nối lại quan hệ giữa 2 nước sau những khác biệt trong quá khứ vì vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. Courtesy of Bộ Ngoại giao Việt Nam
Hãng tin Reuters hôm 21/1 dẫn lời quan chức của phía Đức cho biết như trên nhân chuyến thăm nước Đức của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Heiko Maas nói rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược của Đức ở Đông Nam Á và ca ngợi Hà Nội đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc mở cửa nền kinh tế và ban hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là đối tác hàng đầu về thương mại của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu.
Trong một tuyên bố được đưa ra Ngoại trưởng Đức nêu rõ :
"Trong quá khứ đã có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam, trên hết là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hôm nay chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận về việc thiết lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức và vun đắp bằng chất liệu mới".
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên tệ hơn vào năm 2017 khi nước này cáo buộc Việt Nam đã dùng mật vụ để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khi đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí Việt Nam, sau đó đột nhiên xuất hiện trên truyền thông Việt Nam và nói mình tự về Hà Nội để đầu thú, các phiên tòa sau đó tuyên ông này 2 án tù chung thân với cáo buộc tham ô tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố trước cuộc gặp ở Berlin với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và các giá trị phổ quát trong bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào. Hai quan chức đã không tổ chức một cuộc họp báo nào.
"Việt Nam, giống như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương. Việt Nam đã đảm nhận trách nhiệm toàn cầu ngày càng tăng và tham gia bảo vệ khí hậu.
Đây là tất cả các lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai", ông Maas cho hay.
Ngoại trưởng Heiko Maas cũng tiết lộ, Đức ủng hộ một thỏa thuận nhanh chóng về hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Hai nước bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và nâng mối quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011 nhưng quan hệ này bị tạm hoãn vào năm 2017 khi Đức trục xuất 2 quan chức của Đại sứ quán Việt Nam về nước vì cho rằng họ có liên quan trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một cô gái từ đường phố Berlin về nước.
Báo chí nhà nước Việt Nam khi tường thuật về chuyến thăm Đức của ông Phạm Bình Minh không nhắc gì đến tuyên bố liên quan đến Trịnh Xuân Thanh của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.
Theo tường thuật của TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc trong 2 ngày 20 và 21/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Đức như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.
Theo cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich, hai bên đã nhất trí tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), và cho rằng cần thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn EVFTA vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước ; đồng thời chia sẻ vai trò quan trọng của các cơ chế đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trong các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao các dự án ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của phía Đức và đề nghị Quốc hội Liên bang Đức tiếp tục ủng hộ cung cấp ODA cho Việt Nam.
********************
Đức muốn nối lại quan hệ với Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh (VOA, 21/02/2019)
Ngoại trưởng Đức sẽ nhân cuộc họp với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh thảo luận chuyện nối lại các mối quan hệ bị rạn nứt sau vụ Berlin tố cáo Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết hôm 20/2. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam đang thực hiện chuyến thăm Đức từ ngày 20-21 tháng này.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật chính trong vụ xích mích ngoại giao Việt-Đức.
Ông Maas nói Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đức ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi Hà Nội đã có những tiến bộ đáng kể trong việc mở cửa kinh tế và thi hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là bạn hàng số một của Việt Nam ở Châu Âu.
"Thời gian qua có những bất đồng đáng kể giữa Đức với Việt Nam, trên hết là về vụ bắt cóc công dân Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, ở Berlin", Ngoại trưởng Đức tuyên bố.
"Hôm nay chúng tôi muốn đạt thỏa thuận về chuyện lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Đức và vun đắp bằng chất liệu mới", ông Maas nói.
Quan hệ đôi bên căng thẳng hồi 2017 sau khi Đức tố cáo Việt Nam vi phạm luật quốc tế qua việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn Đức, từ lãnh thổ Đức đem về Việt Nam tuyên án tù chung thân.
Một tòa án Đức hồi tháng 7 năm ngoái tuyên phạt một người gốc Việt 3 năm, 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã tiếp tay với mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Trong thông cáo công bố trước cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Berlin, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và các giá trị chung trong bất kỳ đối tác chiến lược nào. Đôi bên không tổ chức họp báo sau cuộc họp.
"Việt Nam, cũng như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương", Ngoại trưởng Đức nói.
Ông Maas cũng cho biết thêm rằng Đức ủng hộ thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu với Việt Nam.
Việt-Đức bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Đến năm 2011, hai nước nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược.