Ba dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho Tổng thống Trump nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam (RFA, 22/02/2019)
Ba Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ gửi thư cho Tổng thống Donald Trump kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính phủ Việt Nam, khi ông đến Hà Hội gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un trong khuôn khổ cuộc thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai người.
Dân biểu Alen Lowenthal, một trong ba người ký tên vào thư gửi Tổng thống Trump. Ảnh minh họa, chụp hồi 5 năm 2016 - AFP
Bức thư đề ngày 19 tháng 2 gửi đến Tổng thống Donald Trump được ký bởi ba Dân biểu Alan Lowelthal, Dân biểu Chris Smith và Dân biểu Zoe Lofgren. Ba vị này cũng là đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc hội Về Việt Nam.
Nội dung thư nêu rõ theo ba vị Dân biểu Quốc hội Liên bang vừa nêu thì địa điểm được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một vinh dự cho quốc gia nước chủ nhà ; tuy nhiên theo ba vị Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ ký tên gửi thư cho Tổng thống Trump thì chính quyền Việt Nam không xứng đáng được vinh dự đó.
Lý do được nêu ra vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam, rồi việc bắt giữ tùy tiện công dân Hoa Kỳ như trường hợp anh Will Nguyễn, ông Michael Phương Minh Nguyễn, và Luật An ninh Mạng có hiệu lực kể từ đầu năm nay dẫn đến việc kiểm duyệt thông tin mạng xã hội.
Thư nêu rõ Việt Nam có một kỷ lục đáng lo ngại về về nhân quyền, đặc biệt là lĩnh vực tù nhân lương tâm. Theo một danh sách do tổ chức Ân Xá Quốc Tế nêu ra thì trong năm 2018 có gần 100 cá nhân lương tâm bị cầm tù bởi có quan điểm không được chính phủ Việt Nam chấp nhận.
Đối với hai trường hợp công dân Hoa Kỳ bị phía Việt Nam bắt giữ tùy tiện thì có thông tin họ bị đánh đập tàn bạo khi về thăm Việt Nam, hiện công dân Michael Phương Minh Nguyễn vẫn còn bị giam kể từ ngày 7 tháng 7 năm ngoái đến nay.
Ba vị dân biểu yêu cầu Tổng thống Trump nên đặt ưu tiên các vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính phủ Việt Nam khi ông đến Hà Nội. Đối với công dân Hoa Kỳ đang bị Việt Nam giam giữ, Michael Phương Minh Nguyễn, thì Tổng thống Trump cần thúc giục Việt Nam trả tự do cho ông này.
******************
Ba dân biểu Mỹ đề nghị ông Trump nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam (BBC, 22/02/2019)
Ba dân biểu liên bang vừa cùng gửi thư đến Tổng Thống Donald Trump kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền với chính quyền Việt Nam khi ông đến Hà Nội dự thượng đỉnh.
Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tụ họp vẫn là chủ đề được các quốc gia tra vấn phía Việt Nam nhiều nhất
Hôm 19 tháng 2, ba dân biểu liên bang và là đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Về Việt Nam, tức Congressional Caucus on Vietnam, gồm Alan Lowenthal (Dân Chủ), Chris Smith (Cộng Hòa), và Zoe Lofgren (Dân Chủ) cùng gửi một lá thư đến Tổng Thống Donald Trump, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam khi ông đến Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Cho rằng địa điểm được chọn làm nơi tổ chức buổi họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một vinh dự cho quốc gia chủ nhà, ba vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm về việc Hà Nội được chọn làm địa điểm cuộc họp, vì theo họ, chính quyền Việt Nam không xứng đáng được vinh dự này.
Lý do các vị dân biểu đưa ra gồm có hồ sơ vi phạm nhân quyền tội tệ của chính quyền Việt Nam, việc bắt giữ tùy tiện các công dân Hoa Kỳ như Will Nguyễn và Michael Phương Minh Nguyễn, và luật an ninh mạng Việt Nam mới ban hành năm nay đã đưa đến việc kiểm duyệt thông tin mạng xã hội của các công dân Hoa Kỳ và Đức.
"Việt Nam có một kỷ lục đáng lo ngại về nhân quyền, đặc biệt là lãnh vực tù nhân lương tâm. Trong năm 2018, một danh sách được đưa ra [từ Ân Xá Quốc Tế] bao gồm gần 100 cá nhân tù nhân lương tâm bị cầm tù vì có quan điểm không được chính quyền Việt Nam chấp nhận", một đoạn trong thư này viết.
Lá thư nêu rõ : "Công dân Hoa Kỳ đã bị bắt giam và có thông tin họ bị đánh đập tàn bạo trong lúc viếng thăm Việt Nam và Michael Phương Minh Nguyễn vẫn còn đang bị giam với các vu cáo từ ngày 7 tháng 7, 2018 đến nay".
Các dân biểu liên bang Alan Lowenthal, Chris Smith và Zoe Lofgren yêu cầu ông Trump đặt ưu tiên các vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam trong lúc ông đến Hà Nội. Đặc biệt, họ nhấn mạnh lời kêu gọi Tổng Thống Trump thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho công dân Hoa Kỳ là ông Michael Phương Minh Nguyễn, đồng thời trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un và hội nghị Mỹ - Triều là cơ hội cho một số doanh nghiệp nhỏ ở HN tháng 2/2019
Gửi kèm thư là danh sách gồm 94 tù nhân lương tâm được tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận, trong đó nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số và các nhà hoạt động được nhiều người biết đến như : Bùi Văn Trung, Hồ Đức Hòa, Hoàng Đức Bình, Hoàng Văn Giang, Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Lưu Văn Vịnh, Ngô Hào, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Oai, Phạm Văn Trội, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Trương Minh Đức, và nhiều tù nhân lương tâm khác, cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, đang bị chính quyền Việt Nam quản thúc.
*******************
VietJet ký hợp đồng 13 tỷ USD với Boeing nhân thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 22/02/2019)
Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam VietJet dự kiến sẽ ký một thương vụ lớn mua máy bay của hãng Boeing bên lề hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra vào tuần tới, Reuters dẫn các nguồn tin thông thạo vấn đề cho biết.
Máy bay A320 của hãng hàng không giá rẻ VietJet.
Việc tổ chức lễ ký kết trong chuyến thăm của ông Trump sẽ giúp nêu bật mối quan hệ kinh tế và quân sự ngày càng chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, theo Reuters.
Mặc dù không phải là doanh nghiệp nhà nước, nhưng hãng hàng không VietJet đang gia tăng việc sử dụng các chuyến thăm cấp nhà nước để ký kết các đơn đặt hàng lớn mua máy bay một cách cân bằng giữa Boeing và Airbus. Khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Hà Nội vào năm 2016, hãng này cũng đã ký một thỏa thuận đặt mua 100 máy bay phản lực thân hẹp Boeing 737 MAX.
Các nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết có khả năng VietJet sẽ ký một thương vụ bổ sung riêng biệt khác vào tuần tới, ngoài thương vụ hồi năm ngoái tại cuộc triển lãm hàng không Farnborough, để mua thêm 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá gần 13 tỷ USD, theo giá niêm yết.
Tuần trước, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, một động thái cho phép các hãng hàng không Việt Nam lần đầu tiên được bay thẳng tới Mỹ, và mở các chuyến bay liên doanh với các hãng hàng không Hoa Kỳ.
VietJet cho biết vào tuần trước rằng họ đã lên kế hoạch mua máy bay thân rộng có khả năng thực hiện các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ hầu có thể mở đường bay đến những thành phố Mỹ có đông người Việt cư ngụ, như những thành phố ở bang California.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng còn quá sớm để biết liệu VietJet có đặt hàng mua máy bay thân rộng hay không.
Một nguồn tin khác cho biết thương vụ mua 100 máy bay phản lực 737 MAX đã có trong đơn đặt hàng của Boeing, thông tin này đã được xác nhận trước đó và được ghi là một khách hàng chưa được tiết lộ danh tính.
Boeing từ chối bình luận với Reuters, và VietJet cũng không trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.
Hồi tháng 11, VietJet đã hoàn tất thương vụ mua 50 máy bay phản lực A321neo của hãng Airbus trong chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe.
VietJet hiện khai thác 385 chuyến bay mỗi ngày tại Việt Nam và các tuyến bay phục vụ các điểm đến như Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.
*****************
Cam Bốt bị đưa vào danh sách các nước rửa tiền (RFI, 22/02/2019)
Financial Action Task Force (FATF), một tổ chức chống rửa tiền bất chính trên thế giới, đã đưa Cam Bốt vào danh sách cần theo dõi, kể từ ngày 23/02/2019.
Ảnh minh họa : Thịt heo quay được bán ngoài chợ cho dịp Năm Mới âm lịch ở Phnom Penh, ngày 04/02/2019. Reuters/Samrang Pring
Theo AFP, quyết định này sẽ được thông báo từ Paris. Một khi bị đưa vào "danh sách xám", Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen sẽ mất sức hấp dẫn đối với giới tài chính thế giới cũng như nguồn đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Cá nhân và xí nghiệp làm ăn tại Cam Bốt sẽ gặp khó khăn hơn khi sử dụng hệ thống tài chính quốc tế.
Tin xấu này rơi vào lúc Cam Bốt có nguy cơ bị mất quy chế đối tác ưu tiên của Liên Hiệp Châu Âu vì tình trạng đàn áp nhân quyền.
Được Reuters đặt câu hỏi, phát ngôn viên của bộ Kinh Tế Cam Bốt từ chối trả lời và yêu cầu phóng viên tìm hiểu với Ngân Hàng Nhà Nước. Cơ quan này chưa trả lời các câu hỏi của Reuters.
Trong bản báo cáo, Financial Action Task Force xem Cam Bốt là một quốc gia bị tham nhũng đục khoét, hệ thống tư pháp bị tham ô đến tận thượng tầng.
Tú Anh