Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2017

Những nỗ lực cứu Đoàn Thị Hương

RFA tiếng Việt

Câu chuyện về nghi phạm Đoàn thị Hương hiện đang bị giam tại Malaysia với cáo buộc ám sát anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn vẫn đang thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam trên toàn thế giới.

dth1

Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo

Chính quyền phản ứng chậm trễ

Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ". Do đó, bất luận Đoàn Thị Hương là một người ra sao, cô vẫn phải được nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Đặc biệt trong tình huống cô đang phải đối diện với cáo buộc giết người và không có người thân bên cạnh, hoảng loạn tinh thần.

Tuy nhiên, từ khi cô Hương bị bắt giữ tại Kuala Lumpur, phía chính quyền Việt Nam bị một bộ phận công chúng chỉ trích về phản ứng chậm trễ và không có hành động cương quyết như phía chính quyền Indonesia, quốc gia cũng có công dân bị tình nghi trong vụ giết ông Kim Jong Nam.

Giải thích cho sự chậm trễ này, Luật sư Nguyễn Hà Luân từ Hà Nội cho rằng :

"Các nhà ngoại giao của Việt Nam ở Malaysia chưa đánh giá và chưa hiểu biết được về mức độ nhanh gọn của hệ thống luật pháp tại nước sở tại. Sự chậm trễ của họ xuất phát từ căn nguyên là thói quen làm việc của hệ thống hành pháp, tư pháp ở đất nước chúng ta thôi".

Bên cạnh đó, nhiều người đưa ra những luận cứ cáo buộc chính quyền chưa làm trọn trách nhiệm bảo vệ công dân ở ngay nước láng giềng như Lào hoặc Thái Lan trong nhiều trường hợp công dân Việt Nam bị giam giữ.

Nguyễn Trường Sơn - một nhà hoạt động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan chia sẻ câu chuyện của những ngư dân Việt Nam vi phạm luật đánh bắt cá trái phép bị giam giữ tại Thái Lan :

"Rất nhiều người ngư dân Việt Nam đã bị giam giữ tại miền Nam Thái Lan 6 hoặc 7 tháng. Tuy nhiên họ mới chỉ được tiếp xúc với cấp Đại sứ quán Việt Nam một lần.

Họ cho tôi biết những lần tiếp xúc như vậy thì nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cũng chỉ hỏi han và giải đáp những thông tin cơ bản mà không hề có bất cứ động thái cụ thể nào để bảo hộ công dân nước mình cũng như là tìm kiếm những sự giải thoát cho họ. Nguồn hy vọng duy nhất của họ là người thân nơi quê nhà.

Những công chức ở nơi mà những ngư dân này đang bị giam giữ cũng nói với tôi rằng họ rất sẵn lòng thả những ngư dân này về Việt Nam tuy nhiên phía Đại sứ quán Việt Nam không chịu bảo lãnh cho những người này nghĩa là chi trả những chi phí hồi hương cho nên tất cả họ bị kẹt lại".

Kêu gọi cộng đồng giúp đỡ

Theo truyền thông Việt Nam, ngày 2/3/2017 - một ngày sau phiên toà đầu tiên xử Đoàn Thị Hương, đại diện của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có cuộc tiếp xúc với thân nhân nghi phạm nhằm giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn thị Hương theo đúng qui định của pháp luật Malaysia và thông lệ quốc tế.

Cùng ngày 2/3, Ông Đỗ Ngọc Thịnh - chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, họ đã chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về việc cử luật sư hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương tại Malaysia. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa có thêm thông tin chi tiết nào về việc này.

Cùng thời điểm trên, đã có nhiều lời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ về tài chính cho gia đình Đoàn Thị Hương bởi cha cô là thương binh và gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhóm kêu gọi bao gồm : Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên Đại học Ngoại Thương, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, và Luật sư Trần Vũ Hải, cùng một số luật sư, doanh nhân và trí thức khác.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết động lực thúc đẩy bà lên tiếng kêu gọi giúp đỡ cho Đoàn Thị Hương :

"Xuất phát từ chuyện đơn giản là một người phụ nữ thương một người phụ nữ và thương đồng bào của mình nên chúng tôi đứng ra kêu gọi thôi".

Ngày 4/3/2017 vừa qua, luật sư Trần Vũ Hải và một số thành viên trong nhóm kêu gọi đã tiếp xúc với ông Đoàn Văn Thạnh - cha của Đoàn Thị Hương. Tại cuộc gặp, Ông Thạnh cám ơn cộng đồng đã quan tâm đến số phận của con gái ông và xin tiếp nhận sự hỗ trợ cho gia đình ông trong lúc gia đình còn nhiều khó khăn. Được biết, gia đình Hương đã nhận số tiền hỗ trợ đi lại ban đầu là 2 triệu đồng. Bà Hoàng Ánh chia sẻ :

"Bọn tôi được khoảng chừng hơn 10 ngàn USD rồi (220 triệu tiền Việt) nhưng chúng tôi phấn đấu phải đủ tiền. Thứ nhất là cho gia đình Hương sang Malaysia. Số tiền cho gia đình sang thì chắc không đắt lắm nhưng số tiền thuê luật sư thì có thể từ 15 cho tới 25 ngàn USD. Do đó số tiền hiện nay chưa đủ".

Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều với lời kêu gọi kể trên, nặng nề nhất là những lời miệt thị nặng nề về Đoàn Thị Hương. Bà Hoàng Ánh nhận định đây là do sự "thiếu bao dung" và cái nhìn vấn đề một chiều của người Việt.

"Tôi nghĩ rằng nếu mình đã có niềm tin thì mình cứ làm thôi".

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)