Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2019

Chiến dịch bắt bớ, giam cầm và xử án người bất đồng chính kiến gia tăng

RFA tiếng Việt

Kêu gọi hành động khẩn vì sức khỏe của tù chính trị Huỳnh Trương Ca (RFA, 20/03/2019)

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đang phải tiếp tục chịu đựng các chứng bệnh hành hạ trong nhà giam mới, theo Ân xá Quốc tế.

batbo1

Ông Huỳnh Trương Ca ở tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp ngày 28/12/2018 - Courtesy Báo Đồng Tháp

Tại trại giam cũ ở Đồng Tháp, bản thân tù nhân này không được chữa trị đầy đủ và nay ông bị đưa đến trại mới xa nhà hơn khiến cho việc thăm nuôi của gia đình và việc cung cấp thuốc mem, thực phẩm cũng thêm khó khăn.

Tổ chức Ân Xá Quốc tế vào ngày 19 tháng 3 lên tiếng kêu gọi có hành động khẩn cấp để giúp cho tù chính trị Huỳnh Trương Ca. Cụ thể là viết thư đến người đứng đầu chính phủ Hà Nội, Ông Nguyễn Xuân Phúc, trình bày về tình cảnh của ông Huỳnh Trương Ca.

Theo đó thì bản thân Ông Huỳnh Trương Ca đang mắc các chứng bệnh tiểu đường, phổi, cao huyết áp. Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, ông bị chuyển từ trại giam ở Đồng Tháp đến Trại Xuân Lộc, cách nhà ông 250 kilomet.

Vào ngày 8 tháng 3, Ân Xá Quốc Tế cũng ra kêu gọi hành động khẩn cho tù nhân chính trị Huỳnh Trương Ca. Theo tổ chức này thì tù nhân Huỳnh Trương Ca bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của người này.

Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.

Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Trương Ca bị các chứng bệnh phổi, vấn đề về bao tử, cao huyết áp và tiểu đường ; nhưng không được trại giam điều trị đầy đủ. Gia đình nhiều lần gửi thuốc vào tù cho ông nhưng bị từ chối.

Ông Huỳnh Trương Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Ông là một thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp với tôn chỉ giúp cho người dân hiểu rõ các quyền của họ được qui định trong Hiến Pháp Việt Nam.

Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái và bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

******************

Thêm một người dân bị bắt giữ với cáo buộc "xâm phạm lợi ích của nhà nước" (RFA, 20/03/2019)

Báo chí nhà nước hôm 16/3 đồng loạt loan tin, bà Nguyễn Thị Huệ, một người dân ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị công an bắt tạm giam để điều tra vì bị cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.

batbo2

Bà Nguyễn Thị Huệ (bên phải) Courtesy of Facebook

Chị Quỳnh Thương, con gái bà Huệ cho Đài Á Châu Tự Do biết mẹ mình bị bắt từ ngày 12/2/2019 tại nhà.

"Lý do là họ nghĩ mẹ em là đi cấu kết với các tổ chức khác để phá nhà nước, nhưng mẹ em không có làm như thế.

Mẹ em chỉ có là 2 hồ sơ oan của nhà em thì mẹ em đi đòi, rất nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan công an điều tra công an huyện mà họ cứ đùn đẩy họ không giải quyết.

Vừa rồi thêm một vụ nữa mẹ em đã gửi đơn rồi mà công an không giải quyết tiếp tay cho bà đó ở đây xù nợ ở đây hàng bao nhiêu tỷ, mẹ em cũng bị mất khoảng 10 triệu.

Mẹ em mới lên mẹ em bực, mẹ em nói, mẹ em chửi. Ở trên đấy nói mẹ em đi gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện nhiều nơi nên ảnh hưởng, và lợi dụng tự do dân chủ để chửi cán bộ nhưng không phải, nhà em đi tìm công lý thôi", chị Quỳnh Thương nói qua điện thoại hôm 18/3.

Trang thông tin điện tử của Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam dẫn thông tin từ cơ quan công an cho biết, theo điều tra ban đầu, từ năm 2017 đến trước khi bị bắt, bà Huệ lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook để đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung đả kích, xuyên tạc những chủ trương, đường lối, chính sách của đảng Cộng sản và Nhà nước ; nói xấu chế độ, chính quyền các cấp và xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo đảng Cộng sản, Nhà nước…

Biên bản bắt bị can để tạm giam của công an huyện Ia Grai đề ngày 12/3/2019 có ghi nhận ý kiến của bà Huệ là "không đồng ý với lệnh bắt bị can để tạm giam".

Bà Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1968, trú thôn Kim Thành, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai được biết đến như một người dân đi khiếu kiện nhiều lần ở Hà Nội.

Bà cũng có tham gia những bài nói truyện video trực tiếp trên Facebook cùng với nhiều người khác, tuy nhiên theo con gái bà này cho biết bà chỉ nói về sự việc của gia đình mình.

Bà Huệ là trường hợp thứ 8 bị bắt giữ vì nhóm tội liên quan đến An ninh Quốc gia từ đầu năm 2019 đến nay.

Vẫn còn một blogger của Đài Á Châu Tự Do là ông Trương Duy Nhất bị mất tích từ ngày 26/1/2019 và một số trường hợp bị mất tích được cho rằng bị công an Việt Nam bắt giữ nhưng chúng tôi chưa kiểm chứng được thông tin.

******************

Facebooker Lê Minh Thể bị xử 2 năm tù với cáo buộc "chia rẽ nhân dân với Đảng" (RFA, 20/03/2019)

Sáng 20/3/2019, ông Lê Minh Thể bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tuyên phạt 2 năm tù giam vì bị cáo buộc tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

batbo3

Công an đọc lệnh bắt ông Lê Minh Thể hôm 10/10/2018. Courtesy of Bộ Công an

Bà Lê Thị Bình, em gái của ông Lê Minh Thể nói với Đài Á Châu Tự Do ngay sau phiên tòa cho rằng bản án này là quá nặng.

"Bản án đối với anh ấy là quá cao, đối với luật sư cũng không thể chấp nhận bản án như thế này. Thứ nhất là không có ai đứng ra thưa kiện, thứ hai là ảnh không có gây rối an ninh gì hết, khi bị bắt ảnh vẫn còn đi lái xe mà.

Khi ảnh live stream thì chỉ ngồi ở nhà để làm hay lúc nghỉ ở trên xe thì live stream những cái bức xúc như vậy, mà một bản án đến 2 năm thì không có một người nào ngờ được.

Về báo cho hàng xóm thì ai cũng sửng sốt, người ta cứ tưởng giam cho ảnh như vậy là đủ, và có đi chăng nữa thì chỉ là án treo".

Theo lời em gái ông Lê Minh Thể, chỉ có vợ ông Thể là được vào trong để tham dự phiên tòa, còn bà Bình không được tham dự. Khi bà đứng trước tòa để quay video và phát trực tiếp trên Facebook thì bị đưa về phường làm việc nhưng được trả tự do sau đó.

Mạng báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cho hay, trong quá trình sử dụng facebook, từ ngày 22-3 đến 29-8-2018 Thể đã phát trực tiếp các nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị cho là gây phá hoại sự đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước ; gây phương hại đến an ninh trật tự chính trị quốc gia, an toàn xã hội.

Đồng thời ông Thể cũng bị quy kết là câu kết, móc nối, trao đổi thông tin trên các diễn đàn mạng với các đối tượng phản động trong và ngoài nước nhằm kêu gọi biểu tình, đòi thay thế chế độ, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập…

Hành vi của ông Thể bị cho là đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh chính trị, quốc gia ; làm ảnh hưởng uy tín, vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, Nhà nước ; tiếp tay cho các thế lực thù địch phản động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng và lật đổ chính quyền nhân dân trong nước.

Ông Lê Minh Thể, sinh năm 1963 là một tài xế và là cựu quân nhân quân đội nhân dân Việt Nam có thời gian đóng quân tại Lào. Ông từng là thành viên của nhóm Hiến pháp, một tổ chức dân sự không được Việt Nam công nhận chuyên làm việc để phổ biến Hiến pháp Việt Nam. Ông Thể bị công an thành phố Cần Thơ bắt giữ vào ngày 10/10/2018.

Hôm 14/3/2019, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Lê Minh Thể cùng 5 nhà hoạt động khác trong Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết.

Tổ chức quốc tế làm việc về Quyền con người cho rằng những nhà hoạt động này bị truy tố vì các hoạt động chính trị ôn hòa, như lập hội, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, và tham gia nhóm họp đông người.

Kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực đầu năm 2019, đến nay ở Việt Nam đã có 7 người dân bị kết án tổng cộng 73 năm tù giam và 8 người bị bắt giữ về các nhóm tội liên quan đến An ninh quốc gia.

Cũng tin liên quan, cơ quan chức năng Việt Nam đang truy nã Ông Lê Quốc Phong vì cho ông này ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

Mạng báo Pháp Luật chỉ cho biết Ông Lê Quốc Phong sinh năm 1958, có hộ khẩu thường trú tại ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

*****************

Bắt người đưa tin trên Facebook về vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh (RFA, 20/03/2019)

Anh Nguyễn Bá Mạnh, người đưa lên mạng Facebook thông tin liên quan vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, vừa bị Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ vào ngày 19 tháng 3. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.

batbo4

Đoạn viết trên Facebook về thịt lợn nhiễm sán - Courtesy of FB Công Nông Đầu Dọc

Quyết định tạm giữ hình sự đối với anh Nguyễn Bá Mạnh của công an huyện Thuận Thành nêu lý do là do hành vi ‘đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông’ theo điều 288 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Ngoài ra Cơ quan Điều Tra Công an tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết đang củng cố tài liệu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Bá Mạnh vì hành vi ‘phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội’ về trường mầm non ở xã Ngũ Thái sử dụng thịt nhiễm sán nấu cho học sinh trường này ăn.

Trước đó, vào ngày 18/3, trên trang Facebook có tên Công nông Đầu dọc, được công an sau đó xác định là của anh Mạnh, một dòng trạng thái được post viết rằng " cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán họ đe dọa nhà bếp không được nói ra đây nhờ mọi người chia sẻ giúp…".

Công an sau đó đã triệu tập anh Mạnh. Theo truyền thông trong nước, anh Mạnh tại trụ sở công an đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên facebook cá nhân.

Vào chiều ngày 18/3, anh Mạnh đã gỡ các thông tin khỏi facebook và viết dòng trạng thái khác xin lỗi mọi người về thoogn tin và hình ảnh không đúng sự thật.

Vụ việc anh Nguyễn Bá Mạnh diễn ra trong bối cảnh nhiều phụ huynh và người dân tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ; và nhiều nơi trong cả nước đang bức xúc về vụ trường Thanh Khương cho học sinh ăn thịt lợn bị nhiễm sán.

Theo truyền thông trong nước, đã có khoảng 3000 em học sinh phải đi xét nghiệm sán và đã có hơn 200 trường hợp xác định dương tính với sán lợn.

Giới chức huyện Thuận Thành sau đó cho báo chí biết sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm ước tính khoảng từ 700.000 đến 1 triệu đồng một ca cho các em học sinh ở 19 trường mầm non trong huyện Thuận Thành.

Thủ tướng chính phủ mới đây cũng đã có yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn.

*********************

Chính quyền xử lý một số Facebooker đăng tin thịt lợn nhiễm bệnh (RFA, 19/036/2019)

Truyền thông trong nước hôm 19/3 loan tin cho biết một số người sử dụng mạng xã hội Facebook đã bị chính quyền địa phương triệu tập để làm việc về vấn đề mà cơ quan chức năng cho là ‘tung tin thịt lợn bị nhiễm sán và dịch tả lợn sai sự thật’.

batbo5

Hai cá nhân là Nguyễn Bảo Trân và Phạm Hoàng Yên hôm 12/3 đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh kèm thông tin ám chỉ bệnh dịch đã lan tới Cà Mau. Courtesy of Citizen

Theo đó, anh Nguyễn Bá Mạnh, sinh năm 1987, ngụ tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được nói đã đăng lên trang Facebook cá nhân hình ảnh thịt lợn nhiễm sán cùng lời bình luận : "Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán".

Cơ quan công an địa phương đã triệu tập anh Mạnh lên làm việc và yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin bị nói là sai sự thật và yêu cầu anh này đính chính, xin lỗi trên mạng xã hội. Công an huyện Thuận Thành nói vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Tin cũng cho hay hai người dùng Facebook ở tỉnh Cà Mau cũng bị chính quyền triệu tập vì hành vi bị cho là đăng thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau xác nhận cho biết hai cá nhân là Nguyễn Bảo Trân và Phạm Hoàng Yên trước đó hôm 12/3 đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh kèm thông tin ám chỉ bệnh dịch đã lan tới Cà Mau. Các đăng tải trên được nói đã thu hút hàng ngàn lượt người quan tâm, nhưng cơ quan chức năng xác định đây là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng và gây thiệt hại chăn nuôi trong tỉnh.

Báo trong nước nói Công an tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Văn Hóa Thông Tin mời Trân và Yên lên làm việc và nhắc nhở, tuy nhiên không xử phạt vi phạm hành chính. Tại buổi làm việc, hai người này được nói đã khai nhận vì hiếu kỳ và thiếu hiểu biết nên đăng tải thông tin sai sự thật, đồng thời cam kết không tái phạm và gỡ bỏ thông tin.

Ngoài ra, chị Đoàn Phương Loan, 30 tuổi, ngụ tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng bị chính quyền triệu tập hôm 18/3 vì đăng tải trên mạng xã hội nội dung "Thịt heo bệnh về tới Bạc Liêu".

Báo trong nước nói tại buổi làm việc, chị Loan xác nhận hành vi đăng tin sai sự thật, hứa sẽ gỡ thông tin, và nói nguyên nhân vì lo sợ cho gia đình nên đưa thông tin nhằm cảnh báo mọi người.

Trước đó hôm 12/3, Chủ doanh nghiệp Đầm Bầu Thời Trang Mami ở Hà Nội cũng đã bị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử phạt hành chính 20 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi trên tài khoản Facebook cá nhân.

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)