Việt Nam : Đảng muốn 'ra quân' xử các đại án 'đúng tiến độ' (BBC, 21/05/2018)
Thường trực Ban bí thư thay Tổng bí thư chủ trì cuộc họp phòng chống tham nhũng.
Ông Trần Quốc Vượng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Tin cho hay ông Trần Quốc Vượng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp hôm 21/5 tại Hà Nội.
Truyền thông trong nước cho hay cuộc họp nhấn mạnh nhu cầu "hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ; xác minh, xử lý các vụ việc theo "Kế hoạch của Ban Chỉ đạo".
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tại cuộc họp nói đã kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật "nhiều cán bộ cấp cao" có sai phạm liên quan đến tham nhũng kinh tế và được "nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao".
"….Phấn đấu từ nay đến hết năm 2019, kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc", trang web ban Nội chính đưa tin về phiên họp lần này".
Được biết cuộc họp này nói việc "tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm" 8 vụ án được mô tả là nghiêm trọng, phức tạp".
Các vụ án được mô tả là "dư luận xã hội quan tâm trong năm nay" liên quan tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty Hải Thành, Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Ngân hàng Phương Nam, Sabeco, thất thoát lãng phí đất đai Đà Nẵng và dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết cuộc họp này là cũng là để để "biểu dương, thảo luận, và cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay".
Phiên họp thứ 15 do Tổng bí thư Trọng chủ trì hồi tháng 1/2019 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ (Đại hội 12) xây dựng cơ chế phòng ngừa để "không thể tham nhũng" và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt".
Phiên họp đó cũng nhắc tới nỗ lực chống tham nhũng "không có vùng cấm" trong khi tăng cường điều được mô tả là "chống suy thoái, tự diễn biến và tự chuyển hóa".
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với 17 thành viên với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tuy nhiên sự vắng mặt của ông Trọng trong hôm 21/05 và hôm 19/05, khi người ta không thấy ông có mặt trong đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy dường như ông chưa được khỏe hẳn.
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 của Đảng cộng sản Việt Nam hôm 16/05 ở Hà Nội, ông Trọng nhấn mạnh về yếu tố luật pháp và con người trong nỗ lực chống tham nhũng.
"Sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, con người, phương thức, lề lối làm việc, chế độ chính sách, luật pháp.
"Trị nước bằng luật pháp, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thế mới chống được tham nhũng. Đây cũng là sơ hở đẻ ra tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng, rồi đảng xuống cấp".
Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp quản vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ ông Nguyễn Tấn Dũng, đưa ban này từ Chính phủ về để Đảng nắm.
Tám đại án dự kiến xử tại Việt Nam năm 2019
- Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Hải Thành ;
- Vụ án "Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Đà Nẵng ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco) ;
- Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
*******************
Tranh cãi việc Hà Nội chi thêm 4 triệu đôla để quảng bá du lịch (VOA, 21/05/2019)
Hôm 20/5, chính quyền thành phố Hà Nội đã ký bản ghi nhớ để quảng bá ngành du lịch thủ đô "như là một điểm đến hàng đầu thế giới" trị giá hơn 4 triệu đôla trên đài truyền hình CNN.
Báo Tiền Phong loan tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, hôm 20/5, đã ký kết văn bản hợp tác với bà Sunita Rajan, Phó Chủ tịch cấp cao khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đại diện CNN khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore và Việt Nam, về chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019-2024.
Một số người dân thủ đô bày tỏ quan ngại rằng việc quảng bá này phần nhiều mang ý đồ đánh bóng tên tuổi, làm lợi về mặt chính trị cho chính quyền, hơn là mang lại hiệu quả thực tế cho người dân.
Trao đổi với VOA, ông Trương Thanh Đức, một người dân sống ở phố cổ Hà Nội, nói rằng làm du lịch nên bắt đầu từ những nền tảng căn bản như an ninh trật tự, giao thông… hơn là đầu tư cho quảng cáo.
"Bốn triệu đôla cũng là một số tiền lớn. Quảng bá du lịch phải bắt đầu bằng việc chính quyền làm những điều tốt đẹp thì người dân mới tin, phải có nền tảng tốt như an ninh trật tự, giao thông, môi trường lành mạnh…".
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng chia sẻ :
"Tôi nhận thấy nhiều du khách bay thẳng từ Sài Gòn ra Vân Đồn và bỏ qua Hà Nội. Quảng bá du lịch phải đi kèm theo một chiến lược tổng thể phát triển du lịch, chứ không có các biện pháp khác thì không ổn".
Theo truyền thông trong nước, chủ đề quảng bá cho từng năm trong giai đoạn 2019-2024 là : Hà Nội mở ra với bạn, Hà Nội : Sẵn sàng xuất phát, Hà Nội : Hơn là một điểm đến du lịch, Hà Nội : Trung tâm sáng tạo, Hà Nội : Một tư duy dẫn đầu.
Vẫn theo truyền thông Việt Nam, dự kiến chi phí 5 năm quảng bá trên CNN của chính quyền Hà Nội là 4,2 triệu đôla.
Trước đó, chính quyền Hà Nội đã ký gói hợp tác truyền thông trị giá 2 triệu đôla trong thời gian từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018.
Theo ông Lã Việt Dũng, không loại trừ đây là một chiến dịch quảng bá mang màu sắc chính trị để nâng vị thế của thủ đô Việt Nam trên thế giới.
"Ý đồ chính trị ở đây là quá rõ rồi. Bất cứ sự kiện nào thì chính quyền luôn gắn hình ảnh đất nước tươi đẹp dưới sự cai trị của họ. Còn tính về mức độ cần thiết thì Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, chứ không chỉ đầu tư cho du lịch".
Trang An ninh Thủ đô hôm 20/5 trích báo cáo của Sở Du lịch thành phố cho biết, chương trình hợp tác giữa UBND Thành phố Nội với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN để quảng bá hình ảnh về thành phố Hà Nội đã mang lại "hiệu quả truyền thông đáng kể".
Sở Du lịch Hà Nội đưa ra con số tăng trưởng khách du lịch như một chỉ số đo hiệu quả của các chiến dịch quảng bá du lịch của Thủ đô. Theo Sở này, khách du lịch tới Hà Nội năm 2017 đạt 23,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 5 triệu, tăng 23% và trong năm 2018, có hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 21%.