Gạo Việt Nam ‘ngoắc ngoải’ vì chính sách nhà nước (Người Việt, 19/03/2017)
Cả lượng gạo lẫn giá gạo xuất cảng của Việt Nam cùng giảm liên tục. Điều đó không chỉ làm nông dân thua thiệt, khốn cùng và thêm một lần nữa, các chuyên gia công khai kết tội chính sách.
Hình minh họa : JAY DIRECTO/AFP/Getty Images
Theo báo điện tử VnEconomy, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo "Rà Soát Thể Chế Chuỗi Giá Trị Lúa Gạo" hôm 17 Tháng Ba, tại Hà Nội, về những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp và xuất cảng gạo.
Nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo của CIEM chỉ ra rằng, giá gạo xuất cảng của Việt Nam giống như tự nguyện bù lỗ : Trong vài năm vừa qua, giá gạo xuất cảng (từ 5 đến 7 triệu tấn) luôn thấp hơn giá gạo bán lẻ trong nước, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác.
CIEM đã phân tích để chứng minh sự phi lý ấy xuất phát từ chính sách.
Năm 2009, chính phủ Việt Nam ban hành một nghị quyết (63/2009/NQ-CP) để "bảo đảm an ninh lương thực quốc gia", buộc phải duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3.8 triệu héc ta, trong đó có 3.2 triệu héc ta mỗi năm trồng ít nhất hai vụ lúa. Nghị quyết này xác định phải duy trì sản lượng lúa ở mức đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất cảng 4 triệu tấn gạo/năm.
Từ đó đến nay, nghị quyết đó trở thành "kim chỉ nam" cho hoạt động nông nghiệp nói chung, cũng như sản xuất và xuất cảng gạo nói riêng.
Theo CIEM, do nhu cầu về gạo (cả tiêu dùng lẫn xuất cảng) không lớn như dự báo nên sản lượng lúa – gạo trở thành dự thừa. Chính sự dư thừa này làm giá gạo xuất cảng giảm, cả nông dân lẫn quốc gia cùng thua thiệt. Nếu cứ tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa và ép nông nghiệp phải đạt sản lượng như nghị quyết 63 đề ra từ 2009, mức độ thua thiệt sẽ càng ngày càng lớn.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh, phải xóa bỏ những ám ảnh của thời kỳ thiếu đói để đa dạng hóa lĩnh vực nông nghiệp. Việc khăng khăng duy trì diện tích trồng lúa và tiếp tục áp đặt về sản lượng lúa khiến lúa gạo dư thừa, nông dân làm việc cực nhọc mà vẫn không đủ sống nên thi nhau bỏ hoang ruộng đất. Trên thị trường gạo thế giới, dư thừa làm gạo Việt Nam mất nhiều lợi thế, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với lượng gạo xuất cảng vốn càng ngày càng cao của nhiều quốc gia khác. Đó cũng là lý do gạo xuất cảng của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Do quá chú trọng vào sản xuất và xuất cảng lúa gạo, các lĩnh vực khác của nông nghiệp Việt Nam không được đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng nên tiếp tục "giậm chân tại chỗ". Sử dụng đất đai trở thành thiếu hiệu quả, không thu hút được đầu tư vào nông nghiệp.
Cũng theo báo điện tử VnEconomy, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, cho rằng nếu thay đổi từ 10 đến 15 năm trước thì sản xuất và xuất cảng lúa gạo của Việt Nam không trở thành tệ hại như hiện nay.
CIEM đã đưa ra nhiều khuyến cáo, theo đó, không cần phải duy trì đến 3.8 triệu héc ta đất chỉ để trồng lúa. Hủy bỏ hạn điền (bỏ giới hạn về diện tích trong sử dụng đất – hiện đang khống chế không được quá 33 héc ta). Hủy bỏ các quy định khiến giới đầu tư hoang mang vì quyền tài sản đối với đất nông nghiệp mập mờ (khống chế thời hạn sử dụng, nếu bị thu hồi thì chỉ được bồi thường với giá rất thấp…).
Đối với xuất cảng gạo, CIEM khuyến nghị bỏ các đặc quyền trước nay vẫn dành cho Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA), khiến VFA giống như một cơ quan công quyền, tái tổ chức để VFA trở thành một hiệp hội doanh nghiệp như mọi hiệp hội khác để tất cả các thành phần trong chuỗi lúa gạo, đặc biệt là nông dân có thể tham gia.
Sự bi đát của nông nghiệp và nông dân Việt Nam kèm với các khuyến cáo vừa kể của CIEM khiến một số người tin rằng, dù muốn hay không, chính quyền Việt Nam cũng đang bị đẩy đến chỗ phải xem xét, thừa nhận quyền tư hữu đất đai, bởi vì đó là con đường duy nhất giúp nông nghiệp và nông dân Việt Nam tồn tại. (G.Đ.)
********************
Biểu tình bằng xe hơi tại cầu Bến Thủy (RFA, 19/03/2017)
Báo Tuổi trẻ tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết là những người dân này sống tại Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, tức là khu vực gần cầu Bến Thủy, nối liền hai tỉnh này.
Có khoảng 30 chiếc xe hơi của người dân treo biểu ngữ biểu tình chống trạm thu phí cầu Bến Thủy không giảm giá vé qua cầu như đã hứa.
Những người biểu tình cho rằng họ sống gần cầu Bến Thủy cho nên chuyện họ qua lại cây cầu này phải được trả giá thấp.
Cầu Bến Thủy do công ty Xây dựng công trình số 4 xây dựng theo hình thức BOT, tức là xây dựng rồi thu phí để lấy lại vốn. Những người biểu tình cho rằng công ty này có đưa ra một qui định bất hợp lý nữa là những chiếc xe nào được miễn giá vé, sẽ không được di chuyển tại những nơi mà công trình giao thông do các dự án BOT thực hiện.
Theo thông tin từ cơ quan công an thành phố Vinh, thì lực lượng chức năng đã tăng cường đến cầu Bến Thủy để giữ trật tự, với những phương tiện xe cần cẩu sẳn sàng kéo đi những chiếc xa gây cản trở giao thông.
Cuộc biểu tình kéo dài từ 9g30 đến 10g30 sáng thì kết thúc.
****************************
Chi trả không đúng nạn nhân Formosa (RFA, 19/03/2017)
Trong số các trường hợp được báo chí đưa ra thì những người này làm những nghề không có liên quan đến việc đánh bắt hải sản ngoài biển, hoặc chỉ có liên quan không nhiều, ví dụ như người buôn bán ở chợ, nhưng có làm thêm việc thủ quĩ cho một hợp tác xã đóng tàu.
Nhiều người dân tại tỉnh Hà Tĩnh bị cho là đã nhận tiền đền bù của vụ tai họa môi trường Vũng Áng Formosa, nhưng thực ra họ không phải là nạn nhân của vụ này.
Các viên chức địa phương cũng đã sửa lại nghề nghiệp của những người này cho phù hợp với danh sách những nghề mà nhà nước qui định được đền bù. Đặc biệt có trường hợp người dân có tàu để đi thu mua hải sản, sửa lại thành đi đánh bắt hải sản để nhận tiền đền bù.
Xin nhắc lại là tai họa môi trường Vũng Áng Formosa xảy ra hồi tháng tư năm ngoái 2016, do nhà máy Formosa xả chất độc xuống biển tại tỉnh Hà Tĩnh làm cho cá biển chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Công ty Formosa do người Đài Loan đầu tư đã nhận lỗi và đền bù một số tiền là 500 triệu đô la Mỹ.
Việc chi trả số tiền này cho người dân bị cho là chậm trễ. Ngoài ra người ta còn cho rằng không chỉ có hàng chục ngàn ngư dân bị thiệt hại, mà nhiều người có cuộc sống liên quan đến nghề đánh cá cũng bị thiệt hại. Hơn nữa số tiền đền bù sẽ chấm dứt sau một thời gian ngắn, trong khi ngư dân vẫn chưa có thể ra khơi đánh cá trong một thời gian dài.
Thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa được cho là gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, và có thể gây ra nhiều bất ổn xã hội.
************************
Nông dân điêu đứng vì cây chuối (RFA, 17/03/2017)
Giá chuối đột ngột giảm mạnh sau Tết vì thương lái Trung Quốc không mua đã khiến cho nhiều nhà nông trồng chuối ở Đồng Nai lâm vào cảnh khó khăn vô cùng.
Buồng chuối Việt Nam. RFA photo
Phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc
Xã Bàu Hằm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng là nơi có nhiều hộ nông dân trồng chuối tiêu hồng. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Thành và Trần Nhịt Vằn và được anh Thành cho biết :
Chuối phải thật đẹp người ta mới mua thôi, còn những cái chuối bị sâu vẽ bùa, xấu xấu là họ không mua, hay là để mập quá họ cũng không mua. Họ chỉ lấy tầm 6 tuổi đến 7 tuổi thôi. Chuối hơi to hơn một tí, mập là không mua. Nó dạt, mình bán người ta cũng được nhưng mà nó dạt nó vứt hết, vứt quá trời luôn.
Những khắt khe mà thương lái Trung Quốc đưa ra đã làm cho một số lượng chuối không đạt tiêu chuẩn phải bán lẻ, đổ bỏ, hoặc… cho động vật ăn. Anh Thành nói với chúng tôi trong vườn gần nhà :
"Chứ giờ mình làm chuối ra mà mình không biết đầu ra lúc nào nó lấy hay không lấy, nó đắt hay rẻ mình cũng hoảng !
Thì thời điểm lúc đấy giá nó rẻ, nói thẳng ra là mua thì vẫn mua nhưng mà họ mua ép mình giá lúc đấy có 2 ngàn mấy".
Ngoài yêu cầu về độ tuổi, trái chuối còn phải mượt mà, nếu có vết sâu vẽ bùa thì coi như không đạt.
"Nó bị cái đốm đốm này này".
Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tượng sâu vẽ bùa chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi. Qua trò chuyện ở vườn nhà anh Vằn, hai anh cho biết thêm.
"Không biết lý do sao mà năm nay nó nhập ít lắm. Thương lái Trung Quốc nó đổ thừa nhiều cái vấn đề gọi là khí hậu bên đó ổn định hơn, chuối bên Trung Quốc nhiều hơn, …nói tóm lại Trung Quốc nó không mua là dân chết".
Nhưng trước đó, các thương lái Trung Quốc đã có nhiều hứa hẹn.
"Trung Quốc vô đây mua nè, bữa hôm bán nè. Nó nói cứ trồng đi, chuối mô này cứ trồng đi, hai năm ba vụ cỡ nào nó cũng thu hết. Nhưng đến lúc thu hoạch quan trọng giá cả nó như thế nào ? Mua thì vẫn mua mà giá cả quá bèo ! Nó nói trồng đi sau này giá cao. Nhưng mà thực chất mình sản xuất ra cái cây chuối lúc thu hoạch giá cả như năm nay nè, có hai ngàn mấy à ! Thậm chí hai ngàn ba mà nó còn không đóng nữa. …những vườn đẹp may ra hai ngàn tư mà nó kén chuối, một chấm tí xíu nó cũng dạt ra. Đó, nó không lấy như năm kia năm ngoái.
Nói chung là dân thương gia quen biết bên Trung Quốc, trước Tết giá nó là năm ngàn rưỡi, mà ăn Tết xong nó còn hai ngàn mấy luôn. Em nghi chắc con buôn bắt tay nhau ép…
Thương lái ép nhà vườn, chuối mình đẹp cỡ nào thí dụ mình bán được giá thị trường là 33 mà nó ép còn 25 à".
Trong khi chưa tìm được nguồn để bán thì nhà vườn vẫn phải gồng mình chăm sóc, tưới tiêu.
"Mấy ngày nữa là chín rồi đó. Như quầy này thêm 3 ngày nữa là chín…Nếu mà mình xịt nước tưới liên tục á, với giá thành như vậy thì mình cũng lỗ. Mà mình bỏ nước một cái một là nó chín cực kì nhanh. Nếu mà giờ mình bỏ nước một lần cái này cỡ hai ngày chín… giờ mình bỏ nước một tuần nó chín ào ạt luôn".
Như vậy vì nghe theo lời hứa hẹn của thương lái Trung Quốc nhiều nông dân đã mang nợ, nhiều vườn chuối lỡ trồng bị bị bỏ không chăm sóc.
"Hồi nãy mẫu rưỡi đầu tư hết hai trăm triệu, thu vô mới được có hơn trăm triệu lại à.
******************
Con kênh Hy Vọng không còn nữa ! (RFA, 17/03/2017)
Thành phố Sài gòn vốn là nơi hội tụ của nhiều con sông, rạch thiên nhiên, rất gắn bó với đời sống cư dân vùng đất này. Nạn ô nhiễm đã và đang làm mất đi nguồn tài nguyên quí giá đó.
Con kênh Hy Vọng ngập rác. RFA photo
Kênh Hy Vọng, con kênh với cái tên thật đẹp nằm tại quận 5 tân bình, nhưng tình trạng ô nhiễm khiến chúng tôi lạnh người khi chứng kiến. Vị trí cầu bản nằm sát với ‘Xưởng gia công cơ khí’, trên bảng ghi rõ ‘Quân chủng phòng không- không quân- Bộ Quốc Phòng’. Đây là nơi bị người dân phản ánh đã xả nhiều chất thải gây ô nhiễm con kênh này.
"Quân đội người ta cho thuê đất, trong quân đội trong kia kìa, người ta làm nhuộm làm bê tông làm đủ thứ trong đó. Nước thải trong đó chảy ra là chính chứ ở dây dân đổ rác chỉ có góc đó người ta đem tới người ta đổ".
Rác thải sinh hoạt, cộng với nước thải từ ‘xưởng gia công cơ khí’ đã khai tử con kênh Hy Vọng từ nhiều năm nay. Mặc dù địa phương đã phản ảnh việc xả nước gây ô nhiễm nhưng tình trạng không hề thay đổi.
"Nếu mà tính ra con kênh chỗ này là sạch á, tương đối sạch chứ không tới nỗi lắm. Khúc dưới mới ghê ! Dân ở đây ít bỏ rác mà dân khắp nơi lại tới đây bỏ rác. Cô nhớ hôm 27 Tết có chú đó chở nguyên một xe tới chú bỏ góc đăng sau lưng".
Theo lời người dân, chúng tôi tìm đường chạy dọc theo con kênh thì đúng như vậy, nước xuôi dòng càng về phía cuối con kênh thì càng có nhiều rác ứ đọng. Và chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi hỏi tại sao con kênh này ô nhiễm.
"Quân đội mà, đâu phải của mình đây đâu. Này là từ cái con kênh trong quân đội ra mà".
Rác ngập con kênh Hy Vọng. RFA photo
Kênh rạch qua đời, quanh đi quẩn lại cũng vì các nguyên nhân như nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy xí nghiệp, hóa chất thải trực tiếp ra kênh rạch, sông hồ. Nhưng biện pháp xử lý qua loa của chính quyền không đủ để chấm dứt hành vi vi phạm làm ô nhiễm môi trường. Hệ quả tất yếu là người dân luôn phải hứng chịu ảnh hưởng và thiệt hại. Một bà mẹ đang sống cùng các con nhỏ tại khu vực ngập rác nặng nhất kênh Hy Vọng, khu vực giao với đường Trần Huy Ích, cho biết :
"Đi học cực muốn chết, đưa rước rồi nước ngập đâu đi về được đâu. Phải đợi nước xuống mới đi về được. Giống như 5g chiều nó ngập, thì cũng phải tới 9-10g đêm, 11g nó mới xuống. Năm vừa rồi ngập ba bốn lần, ở đây con nít đi học nhiều lắm. Nhà trong kia 4,5 đứa nhỏ đi học còn cực dữ nữa".
Những người dân khác sống trong xóm cũng phản ánh thêm :
"Rác nhiều tới đó nó không qua được, phải hốt mới được. Năm rồi nó hốt liên tục mà năm nay nó không hốt. Ở đây người ta cũng phản ảnh dữ lắm, mình không biết nói ai chứ giờ kiểu dơ vậy đó.
Phản ảnh tỉ như ai lại hỏi thì mình góp ý giờ yêu cầu hốt rác sạch sẽ cho đừng có muỗi, đừng có hôi hám thôi chứ giờ biết ở đâu giờ ?".
Mùa nắng thì sống với mùi hôi thối, mùa mưa thì nước sình ngập mênh mông. Người dân nơi đây phải khổ sở đủ bề.
"Rầu nhất là tới tháng mưa, nó ngập sẽ ngập vô nhà, ngập sâu vậy nè.
Địa phương này dở, đáng lẽ chính quyền người ta coi quan tâm tới cũng đỡ".
Tại Sài Gòn, con kênh Hy vọng không chết lẻ loi vì còn rất nhiều những con kênh, rạch khác cùng chung một số phận như con kênh tại Đường Trần Bá Giao và Lê Đức Thọ, Gò Vấp, vân vân. Tình trạng xả rác và chất thải ra môi trường như hiện nay đã khai tử rất nhiều kênh rạch và cũng chính là dập tắt luôn hy vọng cho một môi trường trong lành để sống.
RFA tiếng Việt