Ngư dân Việt ‘bị ép’ đánh bắt phi pháp, đối mặt ‘lạm dụng nhân quyền’ (VOA, 10/06/2019)
Ngư dân Việt Nam phải đánh bắt bất hợp pháp ở các vùng biển nước ngoài vì không còn nguồn hải sản trong vùng biển nội địa, và đối diện với nguy cơ bị bắt giữ cũng như những lạm dụng về lao động và nhân quyền.
Các ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ trong các cuộc tuần tra ngày 10/3 và 11/3. Báo cáo của EJF ghi nhận những lạm dụng nhân quyền đối với các ngư dân Việt Nam trên tàu đánh cá lậu ở hải phận nước ngoài. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Quỹ Công lý vì Môi trường (EJF) cho biết như vậy trong một báo cáo mới, với bằng chứng từ các cuộc điều tra gần đây của tổ chức này cùng các tổ chức phi chính phủ khác và ghi nhận của truyền thông về những sự lạm dụng trong ngành công nghiệp đánh bắt trên biển trị giá nhiều tỷ đô la.
Nhiều trường hợp lạm dụng trên các thuyền đánh bắt mang cờ của 13 quốc gia phát triển và đang phát triển, từ Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ tới Châu Á và Mỹ Latinh được ghi nhận, theo báo cáo của EJP có tên "Máu và nước : Lạm dụng nhân quyền trong ngành công nghiệp hải sản toàn cầu", công bố hôm 5/6.
Các điều tra được nêu ra trong báo cáo này cho thấy những sự lạm dụng nghiêm trọng, trong đó có các trường hợp trên các tàu đánh cá bằng lưới của Việt Nam xâm phạm khu vực ven biển của Thái Lan do "sự sụp đổ trong hệ thống đánh bắt hải sản của chính nước họ".
"Tình trạng của các tàu đánh bắt cá của Việt Nam, theo chúng tôi thấy là tuyệt vọng vì nó đang đi xuống theo đường xoáy chôn ốc, phần lớn do sự tham nhũng và quản lý vô cùng yếu kém nguồn hải sản của (chính phủ) Việt Nam", Steven Trent, Giám đốc điều hành của EJF, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Anh, chuyên xúc tiến các giải pháp phi bạo lực cho những lạm dụng nhân quyền và các vấn đề môi trường liên quan, nói với VOA.
Một thuyền trưởng của một tàu đánh cá Việt Nam được EJF phỏng vấn trong báo cáo này, nhưng không nêu tên, cho biết : "Không đáng để đánh bắt ở (vùng biển) Việt Nam. Chủ tàu ép tôi phải ra khỏi vùng biển Việt Nam bởi vì nếu không làm thế chúng tôi sẽ không mang đủ tiền về".
"Những ngư dân Việt Nam mà chúng tôi phỏng vấn luôn nói rằng do không còn gì trong vùng biển (Việt Nam) nên họ phải đi xa ra khỏi lãnh hải – khoảng 80 - 90 hải lý – mà nhiều tàu do nhỏ nên có thể không đánh bắt được gì", ông Trent nói.
EJF phỏng vấn 24 ngư dân từ các tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở Thái Lan trong vòng 6 tháng và phát hiện ra rằng họ đã làm việc khi sử dụng các thiết bị đánh bắt cá đã hỏng hóc, thậm chí đã bị cấm, bao gồm lưới và các thiết bị đánh cá bằng điện.
Các thuyền viên này cho biết phải làm việc nhiều giờ trên tàu, bị hạn chế tiếp cận với thực phẩm và nước uống, và chỉ được trả tiền nếu đánh bắt được nhiều hải sản. Nhiều người trong số họ nói với EJF rằng các khoản nợ của họ với chủ tàu tích lũy dần lên, và theo báo cáo, "đó là một chỉ dấu chung cho thấy sự lệ thuộc vì nợ nần và lao động cưỡng bức".
Các tàu cá của Việt Nam bị bắt khi đánh bắt trái phép ở Vịnh Thái Lan thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. © EJF
Đánh bắt phi pháp
"Chính phủ Việt Nam đã không thể quản lý được nguồn tài nguyên trong vùng biển quốc gia của chính họ hầu như là trên mọi phương diện", theo ông Trent, trong khi đội tàu đánh cá của Việt Nam "phát triển một cách nhanh chóng trong vòng 20-30 năm qua" mà "không có hệ thống quản lý từ trung ương đối với việc đăng ký tàu".
Việt Nam hiện là một trong những nước có số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi lớn nhất thế giới, với khoảng 180.000 tàu, theo ông Trent. Báo cáo của EJF cho biết, Việt Nam đứng sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, và Nhật về số lượng tàu đánh bắt cá ngoài khơi trên biển.
Đây là lý do vì sao ngư dân Việt Nam phải đi vào các vùng biển của nước khác để đánh bắt một cách bất hợp pháp. Điều này khiến cho các tàu có nguồn gốc từ Việt Nam thường xuyên bị những nước ở khu vực Thái Bình Dương bắt giữ, đặc biệt trong những năm gần đây. Khoảng 1.100 ngư dân Việt Nam bị các nhà chức trách Indonesia bắt giữ trong năm 2016, tăng so với con số 700 trong năm 2015, theo báo cáo của EJF.
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số lượng tàu cá đánh bắt ngoài khơi. (EJF)
Các tàu đánh cá của Việt Nam cũng bị các nước khác như Australia, Malaysia và Thái Lan bắt giữ khi đánh bắt trong vùng biển của họ trong những năm gần đây. Theo báo cáo của EJF, các tàu đánh bắt phi pháp của Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển cách xa Việt Nam đến 7.000 km của khu vực các đảo Caledonia.
Tháng 9/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã rút "thẻ vàng" cảnh cáo Việt Nam vì không có tiến bộ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Nếu Việt Nam nhận "thẻ đỏ", điều này có thể dẫn tới lệnh cấm nhập khẩu vào Châu Âu đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia Đông Nam Á.
Ông Trent còn cảnh báo rằng, với việc các tàu cá Việt Nam bị phát hiện lạm dụng quyền lao động, Việt Nam có thể mất đi sự tiếp cận vào các thị trường như EU.
"Các khu vực như Liên Hiệp Châu Âu, với 500 triệu người tiêu dùng, không muốn tiếp nhận các sản phẩm hải sản có thể là bất hợp pháp hoặc có ‘dính vết nhơ’ của lạm dụng nhân quyền và lao động", ông Trent nói.
Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đưa ra mục tiêu trở thành một "quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển" trong hơn một thập kỷ nữa. Mục tiêu này được đưa ra trong Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hôm 22/10/2018.
Dự kiến, kinh tế của 28 tình, thành phố ven biển sẽ ước đạt 65-70% tổng GDP vào năm 2030, theo truyền thông trong nước.
Giám đốc của EJF cho rằng "mục tiêu này có thể đạt được trong ngắn hạn" nhưng nếu Việt Nam tiếp tục theo cách thức trong đó họ "không thể kiểm soát và áp đặt các luật lệ phù hợp" thì về lâu dài họ sẽ không duy trì được mục tiêu trên.
Theo ông Trent, chính phủ Việt Nam "cần coi vấn đề này một cách nghiêm túc" và phải hành động vì quyền lợi của chính họ.
*********************
Thái Lan bắt 8 ngư dân Việt ‘đánh cá trái phép’ (VOA, 10/06/2019)
Hôm 8/6, hải quân Hoàng gia Thái Lan đã bắt giữ tám thuyền viên trên ba tàu đánh cá Việt Nam đang đánh cá ở vùng biển Thái Lan, theo Bangkok Post.
Trang Bangkok Post hôm 8/6/2019 đăng tin 8 ngư dân Việt bị Thái Lan bắt giữ. Photo Bangkok Post.
Chuẩn Đô đốc Banchobe Pohdaeng, Chỉ huy của Hải quân Hoàng gia Thái Lan Khu vực 1 kiêm Giám đốc Trung tâm Chỉ huy Thực thi Hàng hải Thái Lan, được Bangkok Post trích lời nói rằng vụ bắt giữ diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 8/6 tại vùng biển phía đông nam đảo Koh Juang thuộc huyện Sattahip của tỉnh Chon Buri.
Một tàu tuần tra của hải quân đã phát hiện ba con tàu này vào sáng sớm. Khi các thuyền viên người Việt biết có tàu hải quân Thái tiến đến, họ đã cố gắng chạy trốn khỏi hiện trường.
Một trong ba con tàu này đã sử dụng tên tiếng Thái và mang theo cờ Thái Lan để đánh lừa các viên chức. Các cuộc thẩm vấn ban đầu cho thấy, cả tám thuyền viên đều là người Việt Nam và các tàu đều xuất phát từ đảo Phú Quốc, Việt Nam.
Tám người đã bị buộc tội vi phạm Đạo luật năm 1939 về Quyền đánh bắt cá ở Vùng biển Thái Lan và vi phạm Đạo luật Nghề cá năm 2015.
Kể từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay, các viên chức Thái đã bắt giữ 10 vụ bao gồm 23 thuyền đánh cá và 63 thuyền viên Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Thái Lan, vẫn theo Bangkok Post.
Theo trang Times of News, chính phủ Thái sẽ thông báo với Đại sứ quán Việt Nam để dẫn độ các ngư dân này về nước.
https://youtu.be/XmoBS4P2M3o?list=PL231429C17BE39E34
******************
Tôm Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra về cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá (RFA, 09/06/2019)
Công ty Minh Phú của Việt Nam có thể sẽ bị Mỹ điều tra về cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 13/7/2017 : công nhân Việt Nam làm việc ở nhà máy thuỷ sản Khanh Sung, Mỹ Xuên. AFP
VnExpress trích lời của dân biểu tiểu bang Illinois Darin LaHood cho biết ông đã nhận được đơn tố cáo Minh Phú trốn thuế chống bán phá giá lên tôm Ấn Độ vào Mỹ. Ông đã gửi đề nghị Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ để điều tra xem liệu một công ty nhập khẩu của Mỹ và các công ty liên quan ở việt Nam có trốn thuế bán phá giá hay không.
Trả lời báo chí trong nước, đại diện công ty Minh Phú cho biết công ty có nhập 10% số tôm sản xuất từ Ấn Độ để bù đắp thiếu hụt tôm Việt Nam và đảm bảo công việc và thu nhập cho công nhân khi không phải mùa tôm. Đại diện Minh Phú cho biết cách làm này rất phổ biến và hoàn toàn không vi phạm luật pháp nước nào.
Tôm xuất khẩu của Minh Phú chiếm khoảng 20% tổng số tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái. Tuy nhiên Minh Phú cho biết xuất khẩu tôm của Minh Phú sang Mỹ đã giảm bớt vì công ty đang đa dạng hoá thị trường.
Theo dân biểu Darin Lahood, Bộ Thương Mại Mỹ hồi năm 2005 đã áp thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ và Việt Nam cùng một số nước khác. Tuy nhiên đến tháng 7/2016, Mỹ đã bỏ thuế này với tôm từ Minh Phú. Công ty cũng không còn phải cung cấp các thông tin và chịu những thanh tra hàng năm của giới chức Bộ Thương mại Mỹ.