Các bộ trưởng EU phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Việt Nam (VOA, 26/06/2019)
Các bộ trưởng từ các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Ba đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do mang tính bước ngoặt với Việt Nam, sẽ giảm thuế đối với 99 phần trăm hàng hóa trong thời gian 10 năm.
Container tại cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 7, 2018.
EU hi vọng hiệp định này, đầu tiên thuộc loại này với một quốc gia đang phát triển ở Châu Á và thứ hai với một thành viên của hiệp hội ASEAN, sẽ là bước đệm cho một thỏa thuận thương mại EU-Đông Nam Á rộng lớn hơn. Nó cũng bao gồm các khoản đầu tư.
Một hiệp định EU-Singapore theo lịch trình sẽ đi vào hiệu lực sau đó trong năm nay.
Hai bên sẽ kí hiệp định này tại Hà Nội vào Chủ nhật, ba năm rưỡi sau khi các cuộc đàm phán kết thúc. Nó vẫn sẽ cần sự chấp thuận của Nghị viện Châu Âu, nhưng điều này chưa chắc chắn do một số nhà lập pháp lo ngại về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Việt Nam, hiện đang được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi các thị trường EU theo chương trình của khối này dành cho các nước đang phát triển, sẽ có được hạn ngạch cho các sản phẩm nông nghiệp, như gạo, tỏi và đường.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, hiệp định cuối cùng sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu rất cao của Việt Nam, như lên tới 78 phần trăm đối với xe hơi và 50 phần trăm đối với rượu vang.
Hiệp định cũng sẽ khai mở lĩnh vực mua sắm công và các thi trường dịch vụ, như cho lĩnh vực bưu chính, ngân hàng và hàng hải.
Ủy hội Châu Âu ước tính rằng thỏa thuận sẽ tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam thêm 29 phần trăm và xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu 18 phần trăm.
EU đã có các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, và đã tiến hành đàm phán với các thành viên ASEAN khác là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
******************
Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư Việt Nam-Châu Âu được ký ngày 30/6 tại Hà Nội (RFI, 25/06/2019)
Theo thông báo của Ủy Ban Châu Âu đăng trên website của định chế này, Hội Đồng Châu Âu, ngày hôm nay, 25/06/2019, đã chấp nhận cho ký kết với Việt Nam hiệp định tự do thương mại và hiệp định bảo hộ đầu tư.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (trái), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch UBCA Jean-Claude Juncker (phải) tại thượng đỉnh Á-Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 18-19/10/2018 (European Union)
Hai văn bản này sẽ được ký kết tại Hà Nội, ngày 30/06/2019.
Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu được khởi động năm 2012 và hoàn tất vào ngày 02/12/2015. Chiểu theo quyết định hồi tháng 05/2017 của Tòa Án Công Lý Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu đã quyết định tách thành hai hiệp định riêng rẽ với các thủ tục phê chuẩn khác nhau.
Sau khi ủy viên thương mại Châu Âu, bà Cecilia Malmström cùng với chủ tịch luân phiên EU ký kết, hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu sẽ được trình lên tân Nghị Viện Châu Âu. Văn bản này có hiệu lực sau khi Nghị Viện Châu Âu thông qua.
Trong khi đó, Hiệp định bảo hộ đầu tư, tuy cũng được ký ngày 30/06, nhưng cần có sự phê chuẩn của nghị viện từng quốc gia thành viên, nên viễn cảnh thực thi còn khá xa vời.
Bà Malmström, được AFP trích dẫn, lưu ý : "Việt Nam là một thị trường năng động đầy hứa hẹn, với trên 95 triệu người tiêu thụ". Tuy nhiên "hiệp định này cũng nhằm tăng cường việc tôn trọng nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động". Bà nhấn mạnh, Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT theo tiếng Pháp, ILO theo tiếng Anh) về thương lượng tập thể.
Theo Hội Đồng Châu Âu đại diện cho các quốc gia thành viên, hiệp định thương mại ký với Việt Nam dự trù "các cam kết thực hiện những tiêu chuẩn căn bản của OIT và các hiệp ước Liên Hiệp Quốc liên quan, chẳng hạn đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái".
Việt Nam bị cáo buộc bỏ tù, tuyên những bản án nặng nề cho các nhà ly khai, nhưng đồng thời cũng đánh vào các quan chức tham nhũng.
Cuối năm ngoái bà Cecilia Malmström cũng đã nhìn nhận "các vấn đề trầm trọng liên quan đến nhân quyền". Bà nói thêm : "Hiệp định thương mại tất nhiên không thể biến Việt Nam thành một chế độ hoàn toàn dân chủ trong ngày một ngày hai, nhưng đây là một trong những công cụ mà chúng tôi có được trong quan hệ với Hà Nội".
Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, và Châu Âu là một trong những đối tác thương mại chính, là nhà đầu tư lớn. Trao đổi giữa hai bên hàng năm khoảng 50 tỉ euro hàng hóa, 4 tỉ euro dịch vụ, trong đó phần lợi nghiêng hẳn về phía Việt Nam.
Thụy My
******************
EU sắp ký Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (RFA, 25/06/2019)
Liên Hiệp Châu Âu sẽ ký Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) vào ngày 30/6 tới, theo thông cáo báo chí được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra tại Brussels, Bỉ, hôm 25/6/2019.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn: internet
Thông cáo báo chí của EC cho biết Hội đồng các Bộ trưởng đã phê duyệt EVFTA giữa EU và Việt Nam. Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania, Stefan Radu Opera, sẽ đến Hà Nội và thay mặt EU ký hiệp định này với Việt Nam.
Bà Malmstrom được trích lời trong thông cáo báo chí nói rằng bà rất vui khi thấy các quốc gia thành viên bật đèn xanh cho việc ký hiệp định này với Việt Nam. Bà cũng nhắc đến vấn đề nhân quyền khi nói : "Vượt lên trên lợi ích kinh tế rõ ràng, thỏa thuận này còn nhằm tăng cường việc tôn trọng quyền con người cũng như bảo vệ môi trường và quyền của người lao động".
EU và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán EVFTA từ tháng 12 năm 2015 nhưng việc phê chuẩn Hiệp định đã bị trì hoãn nhiều lần. Một trong những quan ngại từ Nghị viện Châu Âu về Việt Nam là vấn đề nhân quyền trong đó có quyền của người lao động.
Theo thủ tục, sau khi được Hội đồng các Bộ trưởng chấp thuận, hiệp định sẽ được EU và Việt Nam ký và đệ trình lên Nghị viện Châu Âu để được đồng ý. Sau khi Nghị viện Châu Âu đồng ý, hiệp định sẽ được Hội đồng các Bộ Trưởng chính thức duyệt và đi vào hiệu lực.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại giữa hai bên khoảng hơn 49 tỷ Euro, kim ngạch dịch vụ hai chiều là khoảng hơn 3 tỷ Euro. Các mặt hàng EU nhập chủ yếu từ Việt Nam là thiết bị viễn thông, giầy dép, hàng dệt may, đồ nội thất và hàng nông sản. Việt Nam chủ yếu nhập máy móc, hóa chất, thực phẩm và đồ uống từ EU.
********************
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU sắp ký, lợi ích ‘khổng lồ’ (BBC, 25/06/2019)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ rằng dự kiến ngày 30/6, Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) được ký kết ở Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị ASEM Á-Âu hồi tháng 10/2018 tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu ở Brussels
Ông Phúc nói với truyền thông hôm 25/6 : "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu".
EU cũng xác nhận Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh Romania Stefan-Radu Oprea sẽ bay sang Hà Nội ký ngày 30/6.
Tuyên bố của EU đưa ra ngày 25/6 sau khi Hội đồng Châu Âu thông qua thỏa thuận.
EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại "lợi ích chưa từng có" cho hai phía, đồng thời "thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu".
Thỏa thuận thương mại sẽ loại bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa hai bên, theo tuyên bố của EU.
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện Châu Âu chuẩn thuận.
Nếu Nghị viện Châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng Châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh mới đây thăm Châu Âu, làm việc với các nước nhằm thúc đẩy thông qua việc ký và phê chuẩn EVFTA, IPA giữa Việt Nam - EU.
Giữa năm ngoái, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Asean, chỉ sau Singapore.
Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể gỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về Chỉ dẫn Địa lý tại Việt Nam.
EU khẳng định nhờ có hiệp này, các công ty Châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.
Ngoài ra, Hiệp định (tự do thương mại) cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.
Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và đã thông báo với EU ý định phê chuẩn hai công ước căn bản còn lại của ILO muộn nhất là vào thời điểm năm 2023.
Thêm vào đó, hiệp định tự do thương mại có một kết nối về mặt pháp lý và thể chế với Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA), cho phép có những hành động phù hợp trong trường hợp các quyền con người bị vi phạm, theo lời EU.
Hiệp định về bảo hộ đầu tư bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân
'Rất khó đoán'
Trước đó, hôm 20/6, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói :
"Việc đại sứ EU nói EVFTA sẽ được đưa ra nghị viện Châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn".
"Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở nghị viện EU thì chúng ta khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khóa mới (mới được bầu vào tháng 5/2019), mà hình như xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ mậu dịch trong khóa này có vẻ cao hơn trước đây. Chẳng hạn ở Pháp thì số nghị sĩ EU của đảng cực hữu của bà Le Pen và đảng của tổng thống Macron bằng nhau".
"Nếu nói là kết quả này đạt được nhờ phái đoàn Việt Nam vận động hay không thì tôi nghĩ là có. Việc dùng lobby ở Châu Âu hay ở Mỹ là bình thường. Nếu như nghị viện EU thông qua EVFTA thì rất tốt cho hàng hóa Việt Nam, có khả năng vào Châu Âu tăng cao hơn trước đây".
"Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hóa Việt Nam cần phải theo chất lượng Châu Âu nghiêm ngặt. Điều này cũng tốt cho cách làm ăn kinh tế của các doanh nghiệp Việt".
Ông Phú cũng bình luận thêm :
"Theo dõi về việc tường thuật về EVFTA, tôi thấy báo chí Việt Nam ít đưa tin về các thảo luận liên quan đến yếu tố chính trị".
"Đến nay, nhiều nghị sĩ và tổ chức hiệp hội EU đã lên tiếng về việc cần đưa vấn đề nhân quyền vào việc thảo luận EVFTA với Việt Nam, nhưng chắc các báo Việt Nam tránh nhắc tới yếu tố này".
"Thực ra, theo quan sát cá nhân, thì trong quá khứ, nghị viện Châu Âu ít có tác động chính trị lên các nước ngoài Châu Âu về các vấn đề chính trị, nhân quyền. Điển hình là trường hợp Iran, ta thấy trong các nước dân chủ thì chỉ có Mỹ mới có ảnh hưởng thực sự".
"Do đó, theo tôi, các mong đợi về thay đổi chính trị kèm theo EVFTA rất khó đoán trước được".
Một xưởng may ở Hà Nội - Ảnh minh họa
Hồi tháng 1/2019, bà Jude Kirton-Darling, dân biểu EU, cho BBC biết Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng Châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA "sớm nhất là cuối tháng 5/2019".
"Đến tháng Năm, có lẽ Hội đồng Châu Âu sẽ ký FTA, rồi để Nghị viện Châu Âu khóa sau có thể bỏ phiếu", bà Kirton-Darling nói với BBC.
Thời điểm đó, báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện Châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Việt Nam "luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp Châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên".
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015.
Ngày 26/6/2018, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về thương mại ̣(FTA) và một về bảo hộ đầu tư (IPA).
Tháng 8/2018, hai bên hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với FTA và IPA.
FTA thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu.
IPA cần được Nghị viện Châu Âu và nghị viện các nước thành viên phê chuẩn.
Ý kiến một người dân
Hôm 24/6, bà Ngô Thị Thứ, giáo viên trung học nghỉ hưu, nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh : "Tôi mong EU lập văn phòng về nhân quyền để ghi nhận ý kiến của người dân vì Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói đảm bảo tôn trọng nhân quyền nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại".
"Ngoài ra, một vấn đề khác đáng chú ý là Quốc hội Việt Nam đang bàn sửa đổi luật về công đoàn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã biết về xã hội dân sự thì khá chắc nhà nước sẽ cho lập một số công đoàn độc lập trá hình và cũng sẽ đe dọa, làm khó những ai có ý định thành lập công đoàn độc lập thật sự".
"Tôi mong EU có thể lập và công bố một văn phòng trợ giúp công đoàn để những nhóm muốn lập công đoàn độc lập có thể thông báo trực tiếp những khó khăn họ gặp phải từ chính quyền".
"EU có thể giúp huấn luyện những ai muốn học cách thành lập, cách sinh hoạt công đoàn độc lập, và các ràng buộc pháp lý của Nhà nước Việt Nam đối với EU trong lãnh vực công đoàn và nhân quyền".
"Một đề xuất khác là EU nên có bộ phận nhận các báo động trực tiếp của người dân Việt Nam về những vụ gian lận hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam để tránh thuế. Sự gian lận đó đánh mất nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam và có thể cũng vi phạm hiệp định EVFTA".