Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/07/2019

Làm ăn ở Việt Nam, tôm hùm Mỹ, vịnh Hạ Long ngập rác, phát ngôn lạ về kinh tế

Tổng hợp

Khó khăn gặp phải khi làm ăn ở Việt Nam ? (RFA, 20/07/2019)

Các chuyên gia Nhật Bản vừa qua đã gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin lùi thời hạn kết thúc dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Hà Nội hôm 9/7/2019 đã xả hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, cuốn trôi tất cả kết quả nghiên cứu của họ. Trong khi đó, công ty thoát nước Hà Nội - cơ quan mở cửa xả - cho rằng họ làm đúng theo quy trình. Từ câu chuyện của các chuyên gia Nhật Bản, cho thấy sự phối hợp không đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc điều phối, quản lý… ngay cả với những dự án đã được cơ quan các cấp đồng thuận thực hiện…

kho1

Một đoạn sông Tô Lịch nhìn từ trên cao - Photo : Kinhtedothi

Khó khăn gặp phải

Sông Tô Lịch chảy qua thủ đô Hà Nội, con sông này bị ô nhiễm nặng nề do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở thành phố này. Chỉ trên đoạn sông dài chưa đến 15km đã có hàng trăm cống nước thải ra dòng sông, chưa kể hàng chục loại rác thải do người dân vứt xuống dọc sông.

Con sông này đã từng được đề xuất làm sạch bằng rất nhiều công nghệ nhưng bất thành. Hai tháng qua, nước sông dần có sự chuyển biến khi người Nhật áp dụng phương pháp Nano Bioreactor kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên. Khi dự án sắp kết thúc thì toàn bộ kết quả đều bị dòng nước Hồ Tây cuốn đi….

Đây không phải lần đầu chuyện này xảy ra trên cùng một dòng sông.

Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ kinh nghiệm của ông với báo chí trong nước cũng như trên tài khoản facebook cá nhân của ông rằng cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, ông đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về để làm sạch sông Tô Lịch và các hồ nước không sạch nhằm chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Ông xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu. Công việc tiến triển từng ngày. Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm cuồn cuộn cuốn phăng kết quả thí nghiệm. Nguyên nhân là công ty cấp thoát nước mở cống xả không thông báo trước.

Đồng cảm với câu chuyện của chuyên gia Nhật, ông David Dương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution - VWS), kể cho RFA những khó khăn mà không ít doanh nghiệp hay nhà đầu tư gặp phải, đó là nạn văn bản được diễn giải theo ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ông chia sẻ :

"Thứ nhất là phải thường xuyên phải cạnh tranh với công ty trong nước. Thứ hai là các văn bản chồng chéo với nhau từ lãnh đạo này tới lãnh đạo kia. Hôm nay ra văn bản này, ngày mai lại ra văn bản khác. Đặc biệt mỗi lần họ thay đổi lãnh đạo, cấp dưới muốn đưa ra hướng nào thì vấn đề sẽ theo hướng đó.

Nhiều khi họp với lãnh đạo cấp cao ra những quyết định như thế này, nhưng cấp dưới lại ra văn bản khác với những quyết định đó, có khi ngược hẳn, có khi họ thêm những điều không có trong cuộc họp nên nó gây khó khăn rất nhiều".

Theo ông những chuyện như thế xảy ra thường xuyên bởi sau buổi họp, thường lãnh đạo sẽ giao cho cấp dưới ra văn bản rồi cho phát hành luôn. Nếu nhà đầu tư có mối quan hệ với lãnh đạo thì yêu cầu lãnh đạo coi lại, nếu không thì phải điều đình với cấp dưới cho đến khi văn bản được sửa đúng như tinh thần trong cuộc họp với cấp cao trước đó. Điều này đưa đến nhiều phiền toái cho nhà đầu tư bởi cấp dưới họ "dẫn" nhà đầu tư phải đi theo hướng của họ.

Ngoài những khó khăn về văn bản, giấy tờ. Một khó khăn nữa mà các nhà đầu đầu tư cả trong và ngoài nước đều có thể gặp phải, đó là sự canh tranh không lành mạnh từ các công ty ‘sân sau’ của lãnh đạo :

"Trong nước họ gọi là sân sau, tức là bà con, bạn bè thân thuộc của họ làm trong ngành nghề đó, hoặc họ muốn lấy thầu một dự án nào đó. Chuyện đó xảy ra thường xuyên và mình bị đối xử không công bằng nhưng mình không biết sân sau của họ là ai.

Nói về chuyện "mơ hồ" từ cách thực hiện văn bản đến cách xử lý công việc tại hệ thống công quyền Việt Nam mà không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp phải khi trực tiếp "đụng chuyện", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện là cố vấn cấp cao tại National Citizen Bank trụ sở tại Hà Nội, từng về nước làm việc từ đầu những năm 1990 chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của mình : 

"Tôi phải mất một thời gian rất lâu để thích nghi. Cũng may hồi tôi làm luận án tiến sĩ đề tài của tôi là nghiên cứu về sự độc lập của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tôi hiểu Ngân hàng Trung ương họ vận hành như thế nào, và tại sao gọi là Ngân hàng Trung ương, chức năng của nó như thế nào.

Khi đem kiến thức đó về đến Việt Nam thì tôi thấy ở Việt Nam, ngân hàng này lại là một bộ phận của chính phủ Việt Nam. Chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương với Bộ trưởng Tài chính. Việt Nam không có tên gọi Ngân hàng Trung ương vì họ không thực sự có tính độc lập".

Cách giải quyết

Theo ông David Dương, khi về nước đầu tư, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải nắm thật chắc luật để khi làm việc, phải đưa luật ra "ứng phó". Đó là "chìa khóa" để tránh phải đút lót hay tốn thêm chi phí không đáng có. Đặc biệt, theo ông Dương, việc tham khảo với luật sư và nắm rõ luật pháp Việt Nam khi mình muốn đầu tư vào ngành nghề gì cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, ở Việt Nam có những văn bản thấy vậy nhưng không phải vậy. Thậm chí có những văn bản ra sau lại "ngáng chân" cái trước. Ông nói :

"Nếu mình có luật sư và nắm vững về pháp lý thì mình ép họ phải tuân thủ pháp lý. Tuy nhiên pháp lý ở Việt Nam thì họ muốn nói như thế nào là họ nói. Nhiều khi mình nói đúng luật đúng lý nhưng nếu lãnh đạo họ không thích họ cũng ra oai, bởi vì tất cả những văn bản được hiểu tùy theo người. Mình hiểu theo ý của mình nhưng người thực hiện hiểu theo ý của họ, bởi khi ra văn bản hay luật họ thòng thêm câu "trong trường hợp khác" để những người thực hiện có quyền theo suy nghĩ của họ, hoặc để họ lấy câu thòng thêm đó để họ áp đảo việc thay cả luật".

Bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào về Việt Nam vì việc đầu tiên họ nhắm đến là lợi nhuận trên nền tảng kinh doanh hợp pháp, lâu dài. Còn phía Nhà nước Việt Nam thì được hưởng lợi với việc tăng trưởng kinh tế, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước, tăng nguồn thu cho ngân sách…tức là đôi bên cùng có lợi. Nhưng nếu họ không được đối xử công bằng dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi, doanh thu thì họ sẽ khởi kiện các cơ quan chức năng vi phạm.

Luật sư Lê Công Định, một chuyên gia về Luật thương mại quốc tế, từng là chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lên tiếng với RFA :

"Tôi nghĩ không chỉ có những vụ kiện của doanh nghiệp trong nước, mà những nhà đầu tư nước ngoài nếu bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn, thiệt hại cho những dự án kinh doanh của họ thì họ hoàn toàn có thể kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế".

Tuy nhiên theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố vào tháng 11/2018 thì do giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp, trong các biện pháp giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp có cả sử dụng xã hội đen.

Cụ thể, 9% doanh nghiệp đã tiếp xúc với toà án lựa chọn biện pháp sử dụng xã hội đen, 41% nhờ cán bộ nhà nước tác động, 23% chọn giải pháp đưa ra báo chí, 47% chọn trọng tài thương mại.

******************

Tôm hùm Mỹ giá rẻ ‘bèo’ ào ạt vào Việt Nam (Người Việt, 20/07/2019)

Thương chiến với Trung Quốc khiến nguồn cung tôm hùm từ Mỹ dư thừa đã ồ ạt nhập cảng vào Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng một nửa so với tôm hùm Khánh Hòa, Phú Yên.

kho2

Tôm hùm Mỹ đang được bán với giá rẻ hơn tôm hùm Việt. (Hình : VietnamNet)

Theo báo VnExpress ngày 20 tháng Bảy, 2019, hiện thị trường Việt Nam giá tôm hùm loại 400-500 gram một con của Việt Nam đang bán ở mức khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/kg (51,5 USD -60 USD), còn loại từ 900 gram đến 1 kg có giá gần 2 triệu đồng (86 USD).

Anh Lê Văn Hòang, chủ một vựa hải sản ở Trần Phú (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết gần đây khá nhiều đầu mối chào hàng loại tôm hùm Alaska (Mỹ) có trọng lượng 400-500 gram nhưng giá chỉ khoảng từ 500.000-700.000 đồng (21,4 USD -30 USD) một ký. Loại tôm trên một ký, giá cũng chỉ khoảng 800.000 đồng (34,3 USD).

Giá rẻ hơn tôm hùm Việt nên anh Hoàng đang có ý định nhập cảng khoảng vài tạ bán cho khách du lịch. "Tôi thấy mùi vị của tôm hùm Mỹ và Việt Nam không khác nhau nhiều. Trong khi giá tôm hùm Việt Nam có giảm nhưng chỉ khoảng 5% vẫn còn cao so với nhiều loại hải sản nhập khác", anh Hoàng cho biết.

Là đơn vị chuyên cung ứng hải sản nhập cảng với số lượng lớn, vựa hải sản của chị Phạm Thu Tuyết (ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Sài Gòn) hơn một tháng nay cũng nhập về hàng tấn tôm hùm Mỹ.

"Giá tôm hùm Mỹ giảm 20% so với trước đó. Hiện tôm hùm tươi sống loại 500 gram có giá khoảng từ 340.000 đồng (14,6 USD) một con và khoảng 1 triệu đồng (42,9 USD) cho loại 1-4 kg mỗi con. Với mức giá này, tôm hùm nhập cảng tươi tại Mỹ về Việt Nam đang rẻ hơn một số loại tôm hùm trong nước", chị Tuyết cho biết.

Xác nhận giá tôm hùm Mỹ đang rẻ, anh Nguyễn Minh, chủ cửa hàng hải sản trên đường Nguyễn Sỹ Sách (quận Tân Bình, Sài Gòn) tính toán mỗi con tôm hùm loại nhỏ của Mỹ rẻ hơn hàng Việt khoảng 200.000 đồng (8,6 USD), dù đã tính chi phí vận chuyển.

"Cũng nhờ giá rẻ nên lượng tiêu thụ có thể vài ngàn con một tháng, trong khi tôm hùm Việt bán rất chậm chỉ ở mức vài trăm con", anh Minh cho biết.

Theo các đầu mối nhập cảng, nguyên nhân khiến tôm hùm Mỹ vào Việt Nam rẻ là do ở Mỹ đang vào mùa đánh bắt chính. Trong khi đó, nguồn cung cấp tôm năm nay dồi dào mà thị trường tiêu thụ không kịp nên giá giảm mạnh.

"Nếu so với cùng kỳ năm 2018, giá tôm hùm Mỹ đang giảm thêm 15%. Do đó, chúng tôi đang tăng cường nhập thêm hàng", ông Thành, một thương nhân nhập cảng tôm từ Mỹ về Việt Nam nói với báo VnExpress.

Ông Thành cho rằng ngoài nguồn cung lớn, Mỹ đang vào mùa thu hoạch tôm thì tác động của thương chiến Mỹ-Trung cũng khiến giá tôm Mỹ giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế Maine (Hoa Kỳ), để đáp trả thuế quan với hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Trump, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mỹ, trong đó có mặt hàng giáp xác. Đồng thời Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển dịch tìm nguồn cung giáp xác từ Canada thay Mỹ.

Do vậy, ngành công nghiệp tôm hùm của Mỹ "đã chứng kiến tình trạng 84% kim ngạch xuất cảng sang Trung Quốc bị xóa sổ. Mất mát đã được ước tính cho đến nay là 138 triệu".

Mỹ đang tìm nhu cầu trên thế giới để mở rộng xuất cảng mặt hàng này, trong đó Việt Nam đang là thị trường có tiềm năng bên cạnh Nhật Bản, Pháp…

Tại Mỹ, giá tôm hùm ở Maine cũng đang giảm mạnh, nhiều website bán hải sản sống ở đây cũng giảm giá để kích cầu. Một số nơi bán loại kích cỡ lớn 4-7 kg chỉ ở mức 42 USD một kg.

Maine là bang sản xuất tôm hùm lớn nhất nước Mỹ. Tôm hùm thường được đánh bắt bằng cách đặt bẫy hoặc lưới. Năm 2018, theo Bộ Tài nguyên Hàng hải Maine, giá trị đánh bắt tôm hùm đạt hơn 484.5 triệu USD và tổng giá trị cho tất cả hải sản Maine là hơn 637,1 triệu USD(Tr.N)

***************

Vịnh Hạ Long phải hứng chịu 7 tấn rác thải mỗi ngày (Người Việt, 20/07/2019)

Lượng rác thải trên Vịnh Hạ Long đang ở mức báo động khi mỗi ngày cơ quan hữu trách phải thu gom khoảng bảy tấn rác để đưa vào bờ tiêu hủy.

kho3

Rác thải lềnh bềnh trên vịnh Hạ Long. (Hình : Thanh Niên)

Tờ Thanh Niên dẫn tin từ Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long ngày 19 tháng Bảy, 2019, cho biết hiện lượng rác thu gom trên Vịnh Hạ Long "không giảm đi mà ngày càng nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày kỳ quan này phải ‘gánh’ khoảng bảy tấn rác, trong đó đa phần là rác thải nhựa trôi nổi do người dân và du khách vô tư ném xuống biển".

Cũng theo Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, mỗi năm các đơn vị hữu trách ở thành phố này thu gom khoảng 1.000 tấn rác trên vịnh. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng rác thu gom trên Vịnh Hạ Long là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 353 tấn ngoài biển.

Để thu gom và xử lý được số lượng rác kể trên, chính quyền thành phố Hạ Long đã phải chi gần 14 tỷ đồng (601.326 USD) nhưng chưa đủ để hợp đồng với hai doanh nghiệp là Công ty Phúc Thành làm nhiệm vụ gom rác ven bờ, với sáu tàu cùng 30 nhân viên. Các vị trí xa bờ và những điểm dừng chân của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long được giao cho Công ty cổ phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh với 30 tàu thuyền cùng 50 người thực hiện.

kho4

Trung bình mỗi ngày vịnh Hạ Long "nhận" được khoảng 7 tấn rác. (Hình : Thanh Niên)

Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Công Ty Cổ Phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, cho biết : "50 người chúng tôi dùng 30 thuyền nan chia nhau đi thu gom rác, mỗi ngày tám tiếng gom được ba tấn rác nhưng đến hôm sau thì rác lại đầy".

Lý giải nguyên nhân Vịnh Hạ Long thời gian gần đây luôn ngập rác, anh Nguyễn Văn Hiền, công nhân Công Ty Cổ Phần Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, nói : "Cứ có gió mạnh là rác thải trôi từ Vịnh Lan Hạ (huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng) sang. Rác thải gom được có đủ loại, nhưng đa phần là vỏ chai lọ, túi ni lông, phao xốp".

kho5

Hầu hết rác thải nhựa thu được là vỏ chai, lọ do du khách ném xuống biển. (Hình : Thanh Niên)

Trong khi đó, ông Phạm Đình Huỳnh, phó trưởng Ban Thường Trực Ban Quản Lý Vịnh Hạ Long, cho rằng để giảm lượng rác trên vịnh, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thải. Còn nếu cứ áp dụng biện pháp thu gom như hiện nay thì chẳng ăn thua gì.

"Theo tìm hiểu của chúng tôi, rác là phao xốp phần lớn từ Vịnh Lan Hạ và một phần từ Vịnh Bái Tử Long dạt về, bởi ở khu vực Vịnh Hạ Long, chính quyền đã cấm dùng vật liệu xốp làm phao cho các nhà bè mà thay thế bằng phao nhựa. Ngoài ra, một bộ phận du khách từ các tàu tham quan thuê theo giờ, thậm chí từ tàu nghỉ đêm vẫn xả rác xuống biển", ông Huỳnh biện minh. (Tr.N)

*********************

Nguyễn Xuân Phúc lại bị dân mạng chế nhạo vì phát ngôn ‘lạ’ về kinh tế (Người Việt, 20/07/2019)

"Nếu quyết tâm cao thì trong vòng 15, 20 năm nữa, Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Lào Cai được ví như con rùa vàng, một trong tứ linh của văn hóa Việt (long, ly, quy, phượng), lại ở địa đầu tổ quốc, hình tượng Kim Quy càng tôn nên vị thế vững chãi, uy nghi…". Phát ngôn của Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Lào Cai diễn ra hôm 20 tháng Bảy được báo Công Thương dẫn lại.

kho6

Ông Nguyễn Xuân Phúc bị dân mạng chế diễu là đi đến đâu cũng nói toàn ‘cụm từ sáo rỗng’. (Hình : Báo Công Thương)

Không chỉ tại Lào Cai, ông Phúc, như mọi lần, khi đến các địa phương thì luôn hào hứng đặt mục tiêu phát triển "ấn tượng" cho địa phương đó. Sau khi bị dân mạng cười nhạo về "điệp khúc" của ông Phúc khi đi đến đâu cũng mạnh miệng nói nơi đó "phải là đầu tàu của…", ông này đã không còn dùng cụm từ sáo rỗng đó nữa mà phải liên tiếp chế ra những mỹ từ khác.

Hồi tháng Năm, 2019, trang tin BaoQuocTe.vn (Thế Giới và Việt Nam) dẫn phát ngôn mang tính đánh đố của ông Phúc khi đến thăm Hải Phòng : "Hải Phòng có muốn trở thành trung tâm phía Bắc không ? Và muốn như vậy, phải làm gì ? Câu trả lời là có và cần thiết !".

Ngay trước chuyến đi dự hội nghị ở Lào Cai, ông Phúc cũng gây hoang mang khi ban hành công văn yêu cầu các bộ, địa phương phải chủ động nghiên cứu chính sách… "kinh tế ban đêm" của Trung Cộng.

Thuật ngữ này được trang tin VietnamFinance giải thích : "Kinh tế ban đêm" là một trong những biện pháp mới nhất được Trung Quốc áp dụng. Cụ thể, 10 con đường có các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm. Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện cũng đã được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm. Tại Bắc Kinh, từ tháng Năm đến tháng Mười hằng năm, các phương tiện giao thông công cộng sẽ kéo dài thời gian hoạt động khoảng 1 giờ rưỡi vào các ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy, đặc biệt là các tuyến đi qua những con đường kinh doanh sầm uất vào ban đêm. Ngoài Bắc Kinh, khoảng hai năm trở lại đây, một loạt thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân… cũng đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cho các hộ kinh doanh".

Như vậy, thay vì nói đơn giản là có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ giải trí, ẩm thực vào ban đêm để thu hút thêm du khách, người đứng đầu chính phủ cộng sản Việt Nam đã khái quát thành cụm từ "kinh tế ban đêm" cho thêm phần kỳ bí.

Đến nay, ông Phúc luôn tự hào rằng bộ máy của ông là "chính phủ kiến tạo", "chính phủ số", "4.0",… tuy vậy, các khái niệm này chỉ thể hiện ở phát ngôn thay cho hành động. Bằng chứng là một trong những người cấp dưới của ông, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đòi doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu tạo nên sản phẩm mạng xã hội và công cụ tìm kiếm "đủ sức thay thế Facebook, Google" mà bất chấp năng lực thực tế của doanh nghiệp công nghệ trong nước. Tham vọng này làm dấy lên suy đoán rằng chính phủ cộng sản Việt Nam đang muốn dọn đường cho mạng xã hội Weibo và công cụ Baidu của Trung Quốc vào Việt Nam để dễ bề kiểm soát hành vi và tư tưởng của người dân trên không gian mạng. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 621 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)