Ngư dân Việt Nam kêu gọi hành động chống lại Trung Quốc (VOA, 30/07/2019)
Một nhóm ngư dân Việt Nam kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để đòi Trung Quốc phải lập tức rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi các vùng biển của Việt Nam.
Trang web của Hội Nghề Cá Việt Nam.
Ngày 29/7, Hội nghề cá Việt Nam ra tuyên bố "kịch liệt lên án hành động tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ngang ngược, cản trở ngư dân hoạt động", theo VNExpress.
Cũng hôm 29/7, Hội nghề cá đã gửi bản tuyên bố này đến Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng và các cơ quan chính phủ khác của Việt Nam, theo Reuters.
Hội nghề cá "kịch liệt lên án và phản đối hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam", "hành vi này gây cản trở việc khai thác hải sản của ngư dân vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ", tuyên bố của Hội viết.
Hội đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam phải phản đối mạnh mẽ hơn các hành động của Trung Quốc ; có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Bản tuyên bố của Hội Nghề Cá Việt Nam hôm 29/7/2019.
Trong khi đó thì Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cáo buộc Việt Nam là "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính từ tháng Năm", theo South China Morning Post hôm 29/7.
"Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam", bà Hoa được tờ báo của Hong Kong trích lời nói tại một cuộc họp báo hôm 26/7. "Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc".
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tung ra lời tố cáo đó một ngày sau khi người đồng cấp Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, lên tiếng về vụ đối đầu ở bãi Tư Chính mà bà mô tả là "nghiêm trọng" và cho biết Hà Nội đã "trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu nước này rút ngay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam".
"Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật", bà Hằng nói trong tuyên bố mới nhất về cuộc "đối đầu" giữa tàu chấp pháp Việt Nam và Trung Quốc nhiều tuần qua.
Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ Bãi Tư Chính, leo thang cuộc khẩu chiến với Trung Quốc.
*******************
Hội nghề cá phản đối hành động vi phạm vùng biển Việt Nam của tàu Trung Quốc (RFA, 30/07/2019)
Hội Nghề cá Việt Nam hôm 29/7 vừa có công văn lên án hành động của tàu Trung Quốc, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Hình minh họa. Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đang đuổi theo một tàu Cảnh sát biển Việt Nam hôm 14/5/2014 ở Biển Đông - AFP
Theo công văn, Hội Nghề cá cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cua Trung Quốc thời gian qua đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần Bãi Tư Chính), gây cản rở công việc khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển này.
Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam phản đối mạnh mẽ hơn nữa đối với các hành động của Trung Quốc.
Trong tháng 7 vừa qua, trên trang mạng Facebook lan truyền một video được ngư dân đảo Phú Quý quay cho thấy các tàu Hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện ở vùng nước của Việt Nam.
Từ tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã liên tục gửi các tàu Hải cảnh và tàu Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính và gần Bãi Tư Chính của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Trung Quốc coi khu vực này thuộc vùng nước lịch sử trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này vẽ ra trên biển.
Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.
******************
Vụ Bãi Tư Chính : Vì sao người dân không biểu tình chống Trung Quốc ? (VOA, 29/07/2019)
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục sau nhiều tuần báo chí trong nước và quốc tế tường thuật, phân tích về tranh chấp giữa hai nước tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông, thể hiện qua việc các đại diện ngoại giao hai nước liên tiếp đưa ra những bình luận mang tính chỉ trích, cao buộc lẫn nhau trong vài ngày gần đây.
Đông đảo nhân viên nhà nước ngăn cản người biểu tình phản đối Trung Quốc hồi hè 2014
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, cho đến nay, chưa có một cuộc biểu tình nào của người dân ở bất cứ địa điểm nào trên toàn đất nước Việt Nam về vấn đề này. Điều này trái ngược với những cuộc tuần hành, biểu tình nổ ra rầm rộ hồi mùa hè năm 2014, khi Trung Quốc đưa một giàn khoan thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Giới những người cổ súy cho dân chủ, tiến bộ xã hội có chung một lời lý giải về tình trạng này. Họ cho rằng người dân từng bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc trong quá khứ, nhưng đổi lại là sự "ngược đãi" của chính quyền. Vì vậy, giờ đây người dân có thái độ "thờ ơ", ngay cả khi xuất hiện bài viết với hàng tít có tính chất giục giã như "Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc" trên các báo nhà nước như VietNamNet, vốn thuộc quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông.
Trong bài viết đăng hôm 27/7 trên Facebook cá nhân có tổng cộng gần 190.000 người theo dõi, nghệ sĩ, đạo diễn Nguyễn Công Vượng nhấn mạnh ngay từ đầu rằng "những người yêu nước bị tổn thương".
Điểm lại sự kiện tàu thăm dò Trung Quốc vào thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014, và các cuộc tưởng niệm những người lính Việt ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới phía bắc, ông Vượng tóm tắt rằng "những người xuống đường đã bị chính quyền quy chụp phản động, bắt bớ, đánh đập". Bên cạnh đó, vẫn theo ông Vượng, các thành phần thân nhà nước thường được gọi là dư luận viên "bêu rếu, bôi nhọ" những người biểu tình bằng những lời "vô liêm sỉ" chỉ vì họ "chống Trung quốc xâm lược Nước Ta".
Nghệ sĩ 39 tuổi còn có tên là Vượng Râu, nổi tiếng cả về diễn hài lẫn sự trực ngôn của ông về các vấn đề thời sự, xã hội, nói thêm : "Có lẽ hiếm nơi nào như Đất Nước chúng ta khi lòng yêu Nước là có tội ! Bởi bất cứ ai yêu Nước muốn gìn giữ non sông mà lên tiếng cho bất công hay phản đối xâm lăng của giặc tàu thì đều bị quy vào là Phản Động".
Hậu quả của việc gắn nhãn "phản động" là nó làm "tổn thương nhiều người, tổn thương đến trái tim Yêu Nước, tổn thương đến tấm lòng vì Sơn Hà Xã Tắc của những người yêu quê hương Việt Nam", ông Vượng bày tỏ quan điểm trong bài viết nhận được gần 7.500 phản ứng yêu, thích, trên 1.200 lời bình luận, và được hơn 2.000 người chia sẻ.
Trong bối cảnh như vậy, khi chủ quyền của đất nước bị đe dọa, "những người yêu nước khi xưa đôi khi họ dửng dưng, thậm chí Nhà nước có cho phép và kêu gọi xuống đường biểu tình thì những nhân sĩ, trí thức, những nhà dân chủ tiên phong cũng sẽ chẳng xuống đường nữa !", nghệ sĩ Vượng Râu nhận định.
Ông viết thêm rằng họ không xuống đường "không phải vì họ sợ" bị bắt bớ, mà đơn giản là "họ đã nản, họ đã chán" sau khi chịu "tổn thương quá nhiều vì yêu nước".
Phần nào chia sẻ quan điểm với nghệ sĩ, đạo diễn Nguyễn Công Vượng, nhà hoạt động nữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, nói qua YouTube hôm 28/7 :
"Thủ phạm làm cho lòng yêu nước bị thui chột, bị vùi dập, đó chính là đảng cộng sản. Về sự thờ ơ đó, mình không thể trách người dân được. Bởi vì những người dân thờ ơ ngày hôm nay chính là những người bị đạp vào mặt, bị quăng xuống đường khi đi biểu tình chống Trung Quốc. Và những người dân thờ ơ ngày hôm nay chính là những người bị kết tội phản động, tuyên truyền chống nhà nước. Cho nên mình không thể nào mình trách dân được. Mình chỉ cảm thấy bi ai".
Xem đây như một chuyện gậy ông đập lưng ông, nhà văn kiêm võ sư Đoàn Bảo Châu viết hôm 29/7 trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 110.000 người theo dõi rằng việc chính quyền đánh đập, bắt bớ người biểu tình phản đối Trung Quốc là cách hành xử "quái gở", khiến nhiều người "trở nên ghét bỏ chính quyền".
"Giờ thì những sự đàn áp, đánh đập người yêu nước đã có kết quả rồi đấy", ông Châu nêu ý kiến trong bài viết nhận được hơn 2.500 phản ứng yêu, thích. Dưới góc nhìn của ông, hành xử của chính quyền làm người dân cảm thấy lòng yêu nước của họ "bị rẻ rúng", đi kèm theo đó là "sự uất ức trong dân chúng tăng cao", dẫn đến thái độ mặc kệ và chờ xem chính quyền cùng với giới dư luận viên sẽ làm gì.
Nhìn về dài hạn, nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng hành động mà ông nói là "ngu xuẩn" của chính quyền "mang lại một sự phân rã tư tưởng trong con người Việt Nam". Ông bày tỏ lo ngại rằng "nếu có chiến tranh, điều ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thắng bại".
Ngay sau khi có tin tàu Trung Quốc hoạt động ở Bãi Tư Chính, gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, hôm 23/7, trên diễn đàn Bàn luận về Kinh tế - Chính trị có gần 192.000 thành viên xuất hiện bài viết ngắn đặt câu hỏi "Biển Đông nếu có chiến tranh mấy anh chị có tự nguyện cầm súng bảo vệ chủ quyền đất nước không ? Giả sử nếu bảo vệ được rồi lại tiếp tục làm trâu ngựa cho lũ búa liềm [ý nói đảng cộng sản] đè đầu cưỡi cổ - vậy chúng ta chọn thế nào ?"
555555555555555
Đa số nói họ "mặc kệ" nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đông (23/7/2019, Bàn luận về Kinh tế -Chính trị)
Theo quan sát của VOA, trong số 255 lời bình luận, đa số ý kiến cho rằng "ngu gì đi làm bia đỡ đạn" hay "thời nông dân cầm súng giữ nước qua rồi. Bây giờ đến thời con ông cháu cha [của các quan chức] đánh giặc nhé". Bên cạnh đó là rất nhiều người khẳng định nếu họ có súng, họ "săn quan tham" trước, hoặc "diệt bọn phản quốc, bán nước, thù trong trước, diệt giặc ngoài sau". Một số ý kiến khác nói "chuyện đó có đảng, nhà nước lo" hay "hãy để cho đảng viên đi trước đã, dân đi theo sau".
Liên quan tới căng thẳng nhiều ngày qua giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/7 nói rằng "Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
"Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật", bà Hằng nói thêm.
********************
Dân Việt ‘biểu tình trên mạng’, kêu gọi đưa Trung Quốc ra tòa (VOA, 29/07/2019)
Hàng trăm người dân Việt Nam và các tổ chức xã hội đã tham gia ký vào một tuyên bố kêu gọi chính phủ Hà Nội kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì cho rằng "đất nước đang đứng trước hình hình rất nguy hiểm" trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động "bất hợp pháp" tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Trung Quốc được cho là đã cử một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh tới khu vực Bãi Tư Chính từ 3/7 và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 19/7 cáo buộc tàu khảo sát Hải Dương 8 đã "vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam".
Theo cập nhật của chuyên gia hàng hải Ryan Martinson của Trường Hải chiến Mỹ hôm 28/7, tàu Hải Dương 8 vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây là cuộc đụng độ căng thẳng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2014, khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 981 vào khu vực mà Hà Nội nói là đặc quyền kinh tế của mình, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước chống lại hành động của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm để nhận được phán quyết có lợi cách đây 3 năm.
Một trong 4 nội dung kêu gọi của Tuyên bố Biển Đông, hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội để lấy chữ ký, là chính phủ Việt Nam "cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Tòa án Quốc tế thích hợp" và "cần lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và [vùng] đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính".
Nhà báo Võ Văn Tạo, nói với VOA từ Nha Trang, cho rằng việc quốc hội Việt Nam không ra được nghị quyết để phản đối Trung Quốc gây bức xúc trong người dân và ông ký vào bản Tuyên bố Biển Đông cũng vì thấy cần phải "đốc thúc chính phủ đưa Trung Quốc ra kiện trước tòa án quốc tế".
"Lý do mà tôi ký vào Tuyên bố Biển Đông chủ yếu là trong đó Tuyên bố đề cập đến vấn đề Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong việc Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam", nhà văn Nguyễn Viện nói với VOA từ Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù ông cho rằng "thật tâm tôi không tin chính phủ Việt Nam đủ dũng cảm kiện Trung Quốc".
Hai chuyên gia Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế của Trường Hải chiến Mỹ James Kraska và Giám đốc chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser, tuần trước nói với VOA rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài. Ông Kraska cho rằng Việt Nam có rất nhiều khả năng thắng kiện.