YouTube, Facebook đã tuân thủ tốt hơn yêu cầu của Việt Nam (RFA, 15/08/2019)
Các công ty Facebook, Google đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Các công ty Facebook, Google đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8. Courtesy mic.gov.vn
Theo ông Hùng, đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài là nan giải, vì họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp…
Tuy nhiên, theo vị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đối với công ty Facebook, cho đến nay tỷ lệ thực hiện yêu cầu của chính quyền Việt Nam là từ 70-75%, tăng nhiều hơn 30% so với trước đây. Còn mức độ hợp tác của YouTube theo ông Hùng là tuân thủ tốt hơn, khoảng 80/85% so với 60% trước đây. Apple trước đây gần như không thực hiện yêu cầu nào, thì gần đây tỷ lệ thực hiện đã đạt 75%.
Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói đến hệ sinh thái truyền thông số của Việt Nam, cho biết : "Chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi ‘không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài’. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh".
Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng 30%. Với tốc độ tăng trưởng đó, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài.
Cũng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tin tiêu cực trên mạng giảm xuống dưới 10%.
Ông Hùng cho biết thêm sau một năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.
Vị Bộ trưởng khẳng định, khả năng xử lý tin của trung tâm này là 100 triệu tin mỗi ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, hiện nay nhờ có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%.
****************
Thông tin tiêu cực trên internet ở Việt Nam có thật sự chỉ còn dưới 10% ? (RFA, 15/08/2019)
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8 rằng thông tin tiêu cực trên mạng đã giảm xuống dưới 10%.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8/2019 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Tin tiêu cực giảm, nhưng…
Lý giải về việc này, ông Hùng cho rằng do Bộ Thông tin và truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng. Xem ra tuyên bố của ông Hùng không có cơ sở khi vừa rồi hôm tháng 3/2019, theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam bị xếp vào top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong năm 2018 và hàng trăm ngàn máy tính ở Việt Nam thường xuyên bị mã độc tấn công…
Trao đổi với RFA hôm 15/8 liên quan vấn đề này, ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ thông tin, có trụ sở tại Bình Dương, đang sở hữu trang mạng xã hội VietNamTa, nhận định :
"Lọc (tin nhắn tiêu cực-pv) thì mình nghĩ làm được, nhưng phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống. Cái lọc đơn giản nhất là lọc từ, chẳng hạn những từ thô tục thì hệ thống sẽ biến đổi, ví dụ mình để ‘abc’ thì hệ thống sẽ đọc quét và tự động đổi, cái đó thuật toán làm được".
Theo vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, khả năng xử lý tin của trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia là 100 triệu tin mỗi ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Ông Hùng đưa ra ví dụ nếu như tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30% trước đây thì hiện nay nhờ có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%.
Tuy nhiên, Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc, hôm 15/8 lại tỏ ra nghi ngờ những số liệu mà ông Hùng công bố :
"Cái quan trọng là kiểm duyệt 100 triệu tin đó theo nền tảng nào, theo khoản thông tin do nhà nước quản lý hay nằm bên ngoài khả năng quản lý của nhà nước. Ví dụ ông Hùng nói 100 triệu tin trên Zalo thì nó khác, chứ 100 triệu tin từ tất cả các nơi từ Facebook cho đến Messenger, Viber, WhatsApp… thì ông ta dùng phương pháp nào mà có thể có đầu vào để kiểm soát. Ông Hùng đã đưa ra một câu rất lờ mờ, 100 triệu tin là tin nhắn sms bình thường hay tin người ta post trên Facebook? Cho nên mình thấy là không khả tín".
Theo ông Hoàng Ngọc Diêu , để có thể xử lý 100 triệu tin nhắn mỗi ngày thì về mặt kỹ thuật phải có khả năng lưu giữ thông tin ở một mức độ rất khủng khiếp. Theo ông, phải xử lý tất cả thông tin trên mạng internet rồi mới lọc ra từng bộ phận một, mà để làm việc đó đối với thời gian thực, theo ông phải cần một bộ phận nhân sự rất ghê gớm và khủng khiếp.
…tin lừa đảo, cờ bạc trá hình đầy rẫy
Thực tế, tin rác hay thông tin tiêu cực trên không gian mạng tại Việt Nam có giảm như lời Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ? Ông Diệp Quang Văn nhìn nhận thực tế thông tin được cho là tiêu cực có giảm. Tuy nhiên ông cho rằng, cũng có loại thông tin tiêu cực giảm không đáng kể. Ông giải thích thêm :
"Lúc trước thì tin rác (thông tin tiêu cực-pv) nhiều, nhưng sau khi có luật an ninh mạng thì theo mình cũng giảm bớt, đó là một thực tế tự nhiên, còn vấn đề sàn lọc là một chuyện khác nữa. Vì theo mình bây giờ người dân cũng ý thức được là nếu đăng lên như vậy thì có thể sẽ bị nhà nước kêu lên hỏi thế này thế kia… vì luật đưa ra rồi. Những thông tin tiêu cực nhạy cảm như nói xấu lãnh đạo này kia thì có giảm, nhưng những thông tin tiêu cực như buôn bán lừa đảo trong cuộc sống bình thường thì mình thấy không giảm bớt đáng kể".
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8/2019 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài là nan giải, vì họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp… Tuy nhiên theo ông Hùng, trong năm qua, các công ty quốc tế như Facebook, Google, Apple đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói đến hệ sinh thái truyền thông số của Việt Nam, đã đưa ra nhận định gây nhiều tranh cãi so với xu thế phát triển internet toàn cầu hiện nay, ông nói :
"Chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi ‘không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài’. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh".
Từ Hà Nội hôm 15/8/2019, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Việt Nam thì cái gì họ cũng muốn quản hết, muốn nắm đầu dân, nhưng bây giờ có mạng xã hội Facebook và mạng nước ngoài khác, thì có nhiều thông tin họ không nắm được nên họ mong muốn như thế. Nhưng mà theo tôi, mong muốn là một chuyện, như câu người ta hay nói là ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm.
Theo ông Nguyễn Chí Tuyến, yếu tố quan trọng nhất chính là yếu tố người sử dụng tại Việt Nam, người dân Việt Nam có muốn dùng mạng xã hội do người Việt phát triển hay không?
Khi nói về việc cần thiết phát triển mạng, ông Bộ trưởng Hùng dẫn chứng, hiện nay các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng 30%.
Tuy nhiên, ông Diệp Quang Văn lại đưa ra nhận định không như lời ông Hùng :
"Mình nghĩ tại Việt Nam, nếu cộng hết các mạng xã hội lại thì con số hàng triệu người dùng là có… chứ còn hàng chục triệu, hai ba chục triệu thì mình không thống kê được".
Theo ông Bộ trưởng Hùng, với tốc độ tăng trưởng của mạng xã hội Việt Nam, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài.
Đây có phải là lời "quảng cáo" quá mức của ông Hùng ? Liên quan vấn đề này, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu nhận định :
"Thật ra vấn đề này trọng tâm không phải là quảng cáo mà trọng tâm là an ninh. Bởi vì nhà cầm quyền cộng sản luôn muốn một sự kiểm soát tuyệt đối về thông tin, tư tưởng mà người dân được biết, được nghe và chia sẻ, cho nên họ mới muốn Việt Nam có mạng xã hội riêng để họ kiểm soát".
Ông Diêu cho rằng, chuyện mạng xã hội Việt Nam có thể thay thế mạng nước ngoài thì họ nói nhiều rồi, nhưng theo ông, rồi cũng chết ỉu, vì thực tế nó không phục vụ nhu cầu thật sự của xã hội.
Còn nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng, đó chỉ là mong muốn của chính quyền Việt Nam, chứ còn thực tế, nếu mà nói trong tương lai gần như năm 2020, năm 2021 mà mạng xã hội Việt Nam có thể thay thế mạng xã hội nước ngoài là điều không dễ…
****************
Việt Nam khen ngợi Google hợp tác tốt (VOA, 15/08/2019)
Chiều 14/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Bộ khen ngợi sự hợp tác của Google, nói rằng Công an Việt Nam hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho công ty này đầu tư hợp tác lâu dài và phát triển tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Google tại châu Á – Thái Bình Dương, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngày 14/8/2019 tại Hà Nội.
Trang Công an Nhân dân trích lời ông Tô Lâm khi tiếp ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Google tại châu Á – Thái Bình Dương, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam : "Bộ Công an Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nước ngoài, trong đó có Google, đầu tư hợp tác lâu dài và phát triển tại Việt Nam".
Ngoài ra, ông Tô Lâm còn đề nghị rằng trong thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam và Google tiếp tục nghiên cứu mở rộng hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Trong hai năm qua, các lãnh đạo của Google từng "khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam" trong khi phía Hà Nội luôn yêu cầu công ty này phải mở văn phòng đại diện ở nước sở tại.
Việt Nam gần đây khen ngợi Google ngày càng "hợp tác tốt" với nhà chức trách. Phát biểu trước Quốc hội hôm 15/8, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Youtube (công ty con của Google) trước đây hợp tác 60%, và hiện tại đến 80 - 85%.
Trong diễn biến liên quan, ngày 15/8/2019, tại Hà Nội, Google và Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết hợp tác thiết lập quan hệ chiến lược mở rộng chương trình "Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0".
Trang Petrotimes cho biết chương trình này nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam nâng cao kỹ năng số, hỗ trợ cho sự tăng tốc của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.
Truyền thông trong nước cho biết Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng.
*******************
Bộ công an Việt Nam và Google mở rộng hợp tác (RFA, 15/08/2019)
Bộ Công an Việt Nam và công ty Google nghiên cứu tăng cường hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an Việt Nam tiếp ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Google tại châu Á-Thái Bình Dương hôm 15/8 ở Hà Nội. Courtesy bocongan.gov.vn
TTXVN loan tin vừa nêu hôm 15/8/2019.
Tại buổi tiếp ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Google tại châu Á-Thái Bình Dương hôm 15/8 ở Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Google, đầu tư hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Qua đó, ông Tô Lâm đề nghị thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam và Google tiếp tục nghiên cứu mở rộng hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Đáp lại, ông Ted Osius cho biết cũng mong muốn Google tiếp tục hợp tác có hiệu quả với Bộ Công an Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cũng trong cùng ngày, Google và Bộ Công thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Qua chương trình này, google mong muốn cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
*****************
Tham vọng của các mạng xã hội Việt Nam thay thế Facebook (VOA, 15/08/2019)
Tại Việt Nam nhiều mạng xã hội đã xuất hiện để cạnh tranh với Facebook, với mục đích tối hậu là một ngày nào đó, có thể hất chân và thay thế luôn anh khổng lồ Facebook của Mỹ, đang thống trị cả thế giới. Nhưng một số nhà bình luận, trong đó có một số chuyên gia, cho rằng mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra, là quá tham vọng, nếu không muốn nói là không tưởng.
Với 60 triệu người sử dụng Facebook (FB) trong dân số 96 triệu người, và một đội ngũ nhân viên hùng hậu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thị trường Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với FB. Cậy thế mạnh đó, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đưa ra một loạt đòi hỏi đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, như đòi FB và Google xóa những thông tin ‘xấu độc’, đóng các trang mạng được cho là nói xấu, chỉ trích nhà nước hay các quan chức, hay đòi các công ty công nghệ cung cấp thông tin của người dùng theo yêu cầu của phía Việt Nam, những điều có thể đi ngược lại tộn chỉ hoạt động ban đầu của các công ty này.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói đã tới lúc ngành công nghiệp CNTổng thống của Việt Nam phải tạo ra những mạng xã hội phù hợp với các điều kiện ‘đặc thù Việt Nam’, có khả năng cạnh tranh và thay thế FB, Google.
Các mạng xã hội nội địa
Theo tạp chí Nikkei Review, thì kể từ đầu năm nay, ít nhất ba mạng xã hội đã ra mắt dân mạng. Mạng xã hội du lịch Hahalolo -trụ sở tại tp.HCM, chính thức ra mắt ngày 10 tháng 6. Ngày hôm sau, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước, ra mắt VCNET, được thiết kế để "chống lại thông tin không chính xác và tin tức giả mạo".
Hai mạng xã hội nữa cũng đang đi vào hoạt động.
Nikkei Review trích nguồn tin từ giới quan sát CNTổng thống nhận xét rằng Luật an ninh mạng được áp dụng từ đầu năm 2019 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội ‘cây nhà lá vườn’.
Luật này đòi hỏi các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trực tuyến và nội dung trực tuyến tại Việt Nam phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước, được cho là sẽ đẩy các tập đoàn công nghệ rời thị trường Việt Nam, nhường chỗ cho các mạng xã hội địa phương.
Hồi tháng Giêng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị cho Bộ Thông tin và truyền thông hãy làm nhiều hơn để bảo đảm các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật an ninh mạng, đồng thời chỉ thị cho Bộ phải tiếp tục cổ vũ việc thành lập các mạng xã hội thay thế cho FB và Google.
Vào tháng Năm, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết FB đã đồng ý đóng cửa 208 trương mục, hơn 2000 nối kết quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp, đóng cửa hơn 200 trang có nội dung chống đối Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Tháng 6 vừa rồi, Bộ Thông tin và truyền thông loan báo đã liệt kê khoảng 55.000 video YouTube vi phạm luật pháp Việt Nam, hoặc có nội dung "xấu". Google và YouTube tại Việt Nam đã xóa 8000 video theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, theo truyền thông địa phương.
Ý kiến của chuyên gia, người sử dụng
Tạp chí Asia Nikkei Review dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), bày tỏ hoài nghi về tham vọng của Việt Nam, có thể cạnh tranh với FB.
"Tôi không tin là Việt Nam có khả năng phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để có thể cạnh tranh với các tay chơi toàn cầu như Facebook và Google", ông nói.
"Chừng nào mà còn FB và Google, thì các nền tảng truyền thông xã hội nội địa không thể là chọn lựa tối ưu của người sử dụng Việt Nam".
Các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, sẵn sàng chi những món tiền khủng hàng năm cho nghiên cứu và để nuôi dưỡng óc sáng tạo của đội ngũ chuyên viên hùng hậu của mình.
Từ ngày FB vào thị trường Việt Nam, Hà nội đã cấp hơn 300 giấy phép cho các mạng xã hội trong nước, tính cho tới năm 2017, nhưng số mạng xã hội hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hahalolo, mạng xã hội du lịch đầu tiên của người Việt, cho biết là hiện đã có 500.000 tài khoản sử dụng, và mục tiêu là đến năm 2024 sẽ đạt 2 tỷ người dùng.
Ngoài Hahalolo và VCNET, còn có Gapo, một đơn vị thuộc G-group có trụ sở tại Hà Nội. Đây là một mạng xã hội gia đình với chức năng trò chuyện, đăng bài và các chức năng khác, chính thức ra mắt vào ngày 23/7.
G-Group đã đổ 500 nghìn tỉ đồng (21,55 triệu USD) đầu tư vào Gapo. Gapo đang hợp tác với Sony Music Entertainment nhắm mục tiêu đạt 3 triệu người dùng trong năm 2019.
Sputniknews dẫn lời CEO Hà Trung Kiên của G-Group nói tại buổi ra mắt Gapo : "Chúng tôi tự tin có thể thu hút 50 triệu người dùng vào năm 2021".
Ông Kiên nói người dùng và các công ty Việt Nam quá lệ thuộc vào FB bởi vì họ không có nhiều mạng xã hội để lựa chọn.
Bất chấp sự tự tin của các mạng xã hội nội địa, cho rằng mình "còn đi trước cả Facebook", và sẽ "vượt mặt, thay thế Facebook", nhiều người sử dụng than phiền các mạng xã hội địa phương "không thân thiện với người dùng", và đa phần các chức năng đều được "sao chép" y hệt FB.
Một số chuyên gia nói rằng Hà Nội muốn siết chặt kiểm soát đối với các mạng xã hội như Trung Quốc, nơi mà các dịch vụ của Facebook và Google bị chặn. Nhưng ông Trần Hồng Ninh, một nhà phân tích kinh doanh kỹ thuật số, sáng lập viên của công ty tham vấn Performance King, trụ sở đặt ở Saigon, nói điều đó khó xảy ra.
"Hà nội sẽ không đóng cửa internet và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng thế giới, chỉ để xây dựng một nền tảng mới hầu thay thế Facebook và Google".
******************
Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam (RFA, 14/08/2019)
Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, và bắt đầu áp dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước, vào ngày 14 tháng 8 cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đang làm việc với Facebook liên quan yêu cầu vừa nêu. Theo đó, Facebook được yêu cầu phải thực hiện định danh tài khoản của người dùng và chỉ có các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (live stream) ; đồng thời Facebook cũng cần phải có chính sách kiểm tra trước và gỡ quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật và hạn chế tình trạng giả mạo fanpage. Một số trang fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước chỉ được phép lập khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và truyền thông hoặc xác nhận của chính cơ quan đó.
Các bộ, ngành còn được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thiết lập phương án để chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google, mà trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho việc quảng cáo thương hiệu Việt Nam trên các video xấu, độc hoặc video quảng cáo có nội dung vi phạm, phản cảm.
Truyền thông quốc nội cho biết nguyên nhân Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam là do Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của phía Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook.
Theo số liệu ghi nhận của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến thời điểm hiện tại, Google đã chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng. Facebook đã gỡ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 links rao bán và hơn 200 links bài viết bị nói có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam cho rằng do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này không đạt kết quả triệt để, vẫn còn tồn tại tới 55 ngàn video độc hại trên kênh Youtube.
******************
Việt Nam tiếp tục siết chặt mạng xã hội (RFA, 14/08/2019)
Trong báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ Việt Nam cho biết vừa yêu cầu Facebook gỡ bỏ hơn 200 link bài viết, được cho là có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật trên Facebook và Youtube...
Mạng xã hội Facebook (Ảnh minh họa). AFP
Siết chặt kiểm soát
Cũng như trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam không nêu rõ, như thế nào là chống phá Đảng, Nhà nước, cũng như quy chuẩn nào để xác định đâu là thông tin sai sự thật.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 14/8 từ Hà Nội cho rằng, nếu là vấn đề tin giả, tin thất thiệt, thì việc các nhà cung cấp như Facebook phải có các chính sách và biện pháp quyết liệt với các tin giả là rất cần thiết. Đây là vấn đề chung của cả thế giới, chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói tiếp về tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay :
"Nhưng vấn đề Việt Nam còn trầm trọng hơn, đó là thông tin mà người ta gọi là chống phá đảng và nhà nước. Những thông tin như thế là những thông tin nói lên sự thật, phê phán đảng cộng sản Việt Nam, chính quyền Việt Nam… việc đấy là cần thiết cho một xã hội lành mạnh, và bản thân đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước cũng cần những thông tin như thế để tự sửa mình. Nhưng mà người ta lại liệt những thông tin như vậy là thông tin chống phá, và rất đáng tiếc là chính quyền đã ép được Facebook gỡ những thông tin như thế".
Đây không phải lần đầu tiên Google và Facebook thực hiện yêu cầu xóa link bài của chính quyền Việt Nam. Vào năm 2018, theo thông tin từ Bộ thông tin và truyền thông công bố, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 4.500 video theo yêu cầu của VN, Facebook cũng đã xóa bỏ 107 tài khoản bị cho là giả mạo và 159 tài khoản bị cho là nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người từng bị khóa tài khoản Facebook trong thời gian dài, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Tôi cho rằng chính quyền đang siết chặt kiểm soát ngày một khắt khe hơn, còn chuyện Facebook tuân thủ họ (VN-pv) thì không có gì khó hiểu, vì làm ăn kinh doanh trên đất nước nào thì tuân thủ pháp luật đất nước đó. Tuy nhiên pháp luật ở đây chúng ta phải nhấn mạnh đó là một pháp luật văn minh, một pháp luật để giữ trật tự, để bảo vệ người dân. Chứ không phải là pháp luật theo kiểm nhà cầm quyền Việt Nam, như câu nói của họ : ‘những gì có lợi cho cách mạng thì cứ làm, làm bậy làm luôn, làm ác làm luôn’, câu đó có từ thời Hồ Chí Minh. Diễn giải trong luật pháp hiện nay về vấn đề Facebook, thì tôi không có gì ngạc nhiên, bởi vì đó là lập luận theo thành ngữ của Việt Nam : ‘gà què ăn quẩn cối xay’".
Nhưng như thế nào là ‘chống phá’ ? Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình phớt lờ, vì về triết lý của luật pháp, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả, vì hình sự là phải chứng minh được hậu quả, phải cho thấy được nguyên nhân, các tổn hại, thiệt hại, thì mới gọi là hình sự. Ông nói tiếp :
"Ở đây họ cứ nói chung chung là chống phá, và họ cứ ghép tùy tiện cái họ yêu thích, hay ghét, hay muốn bắt ai đó, thậm chí họ sử dụng để đấu đá nội bộ. Ví dụ như nhà báo Trương Duy Nhất, trước đây ông Trương Duy Nhất là người của Nguyễn Bá Thanh, và trong vấn đề đấu đá thì rõ ràng chúng ta thấy ông Nhất đã bị xử tội 258. Và mãi sau này cũng rất là nhiều người bị như vậy".
Những yêu cầu vô lý
Mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... (Ảnh minh họa). AFP
Cũng trong báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung được cho là xấu độc trên mạng xã hội YouTube và gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Ngoài ra, Facebook cũng đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản bị cho là giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết bị cho là sai sự thật có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Facebooker Thái Văn Đường, người từng bị xóa nhiều bài viết một cách vô lý, cũng như bị khóa tài khoản Facebook của mình, đưa ra nhận định với RFA liên quan vấn đề này hôm 14/8 :
"Thật sự theo tôi, không phải Facebook trực tiếp can thiệp gỡ các bài viết. Vì ở Việt Nam hiện nay đang có 5 công ty làm đối tác cho Facebook, là những công ty làm quảng cáo thôi, thế nhưng trong các công ty này có 2 công ty là sân sau của an ninh là Vinalink và Yeah1. Có nghĩa là, nếu gỡ bài hay mở khóa tài khoản, thì họ đều liên lạc các công ty đối tác này làm".
Anh Thái Văn Đường đưa ra ví dụ của anh khi những bài viết trên facebook bị gỡ bỏ một cách vô lý :
"Chẳng hạn bài tôi đăng hôm 30 về cưỡng chế đất, thì họ lấy cớ là video mang tính chất bạo lực, và gỡ bay cái bài đó. Cái đấy là minh chứng thôi, thực tế có rất nhiều bài Facebook gỡ rất vô lý. Chẳng hạn tin của tôi rất thật, nhưng họ đưa ra một cái giả khác để dẫn dắt nói rằng tin em nói là không thật… Họ dùng một lượng lớn các tài khoản để báo cáo tin em là giả, thì thuật toán Auto của Facebook sẽ tin và xóa bài viết hay khóa trang Facebook đó".
Khi báo cáo Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, giám sát khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt công khai được tạo ra mỗi ngày trên mạng, để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trong khi liên tục yêu cầu Facebook xóa tài khoản một cách vô lý, thì Bộ Thông tin và Truyền thông lại đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức… Nhưng đồng thời lại yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhận xét về việc hợp tác của Facebook với chính quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, Facebook nên gạt bỏ, xóa những thông tin giả, thất thiệt, còn như thế nào là giả thì bản thân Facebook phải có những tiêu chí riêng tương đối khách quan để phê duyệt chuyện đấy. Còn những thông tin mà chính quyền Việt Nam cho rằng chống phá đảng và nhà nước, thì Facebook phải có một thái độ rất cương quyết là không thể chấp nhận.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra ý kiến của mình :
"Bởi vì người cộng sản không có luật pháp rõ ràng văn minh, và đúng chuẩn mực quốc tế, vì vậy Facebook, Google… chắc là cũng khó khăn. Tuy nhiên tôi nghĩ họ nên đứng về phía người dân yêu chuộng tự do dân chủ, chỉ cất lên tiếng nói ôn hòa, để mà đòi thay đổi xã hội Việt Nam".
Luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật này qui định nhà cung cấp dịch vụ phải công bố những thông tin cá nhân người dùng nếu được lực lượng an ninh Việt Nam yêu cầu. Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng, luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa.