Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/01/2017

Nhiều tỷ phú Việt Nam bị chỉ trích không đóng góp cho nền kinh tế

RFA tiếng Việt

typhu1

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, đứng thứ hai trong số 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2016 ở Việt Nam. Photo courtesy of forbes.com

Danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 mới được công bố có sự góp mặt của nhiều tỷ phú bất động sản. Điều này đã gây quan ngại đối với một số chuyên gia kinh tế trong nước vì cho rằng họ không có đóng góp nhiều cho nền kinh tế, thậm chí có thể gây bất ổn về lâu dài.

Có đến một nửa trong số 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 mới được công bố là những doanh nhân trong kinh doanh bất động sản với tổng tài sản tính theo giá trị cổ phiếu của mỗi người được ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ và hiện là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, tin về các tỷ phú mới chưa hẳn đã là tin tốt lành cho nền kinh tế.

Điều đáng ngại nhất là họ ăn chệnh lệch giá, họ giàu lên một cách rất nhanh chóng mà họ không có sáng kiến, phát minh, không có đóng góp gì cho sự phát triển của lực lượng sản xuất cả. Họ không giống như ông Bill Gate hay ông Elon Musk. Họ là những người ăn chênh lệch giá và họ sống bằng mối quan hệ thân hữu, bằng những mối quan hệ không được minh bạch, không được công khai lắm. Dĩ nhiên họ có tạo được công ăn việc làm và họ xây dựng nhiều cao ốc, đóng góp cho việc thay đổi hình ảnh ở các thành phố lớn ở Việt Nam… chỉ có điều sự phân phối thu nhập đó là không minh bạch và không công bằng.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể, thành viên của Diễn đàn Dân sự, bày tỏ nghi ngờ về sự giàu có thực sự của những người nằm trong danh sách tỷ phú mới của Việt Nam.

Mình không rõ thế giới họ đánh giá thế nào. Nếu mà họ chỉ đánh giá tổng số tài sản của người đấy có bao nhiêu mà chủ yếu bằng số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhân với mệnh giá rồi tính ra như thế thì có thể có rất nhiều tỷ phú ở Việt Nam. Không hiểu người ta có trừ đi số nợ mà người đấy phải gánh hay không. Ví dụ doanh nghiệp có một thời ông chủ Hoàng Anh Gia Lai là tỷ phú. Tính ra nhân lên, cộng trừ tính ra mấy chục ngàn tỷ nhưng lại không tính đằng sau là ông ấy nợ 14 hay 15 ngàn tỷ của ngân hàng.

Ông Đoàn Nguyên Đức là chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, một doanh nghiệp tham gia vào nhiều mảng kinh doanh bao gồm làm đồ nội thất và bất động sản. Ông cũng đã được xếp là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2008 và vào năm 2011 được tạp chí Wall Street Journal xếp vào danh sách 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, báo cáo tài chính những năm gần đây cho thấy tập đoàn của ông đang gánh những số nợ khổng lồ chiếm đến hơn 60% tổng tài sản, khiến một số chuyên gia cho rằng các khoản nợ của ông có nhiều rủi ro. Ông cũng không nằm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm nay.

Tiềm ẩn bất ổn

Life in Ho Chi Minh City

Xe gắn máy lưu thông trước một dãy nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 1/11/2016. AFP photo

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những tỷ phú bất động sản của Việt Nam làm giàu phần nhiều nhờ sự thiếu minh bạch trong chính sách mà cụ thể là quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Điều này gây ra những bất bình đẳng trong xã hội và tiềm ẩn những bất ổn :

Quy định đất đai là sở hữu toàn dân mà toàn dân không phải là pháp nhân, vì vậy nhà nước không chịu trách nhiệm là người chủ sở hữu nhưng lại được hưởng quyền là người sử dụng và nhà nước sử dụng quyền đó bằng cách tịch thu đất của nông dân với giá rất thấp rồi dùng quyền của mình chuyển đất đó thành đất xây dựng và cho một số người nào đấy với một lý do nào đó rất không minh bạch để thuê lại…. sự bất bình đẳng, bất công và sự bất ổn trong xã hội là điều đáng lo ngại.

Thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam gần đây cho thấy khiếu nại, tố cáo về tranh chấp đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy trong năm 2014 bộ này đã tiếp nhận hơn 3,300 đơn thư tố cáo, khiếu nại, tranh chấp đất đai, chiếm tới 97% tổng số đơn thuộc các lĩnh vực bao gồm đất đai, môi trường và khoáng sản gửi về bộ để giải quyết. Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2015 có đến 64% khiếu nại, tố cáo của công dân gửi lên cơ quan này là liên quan đến đất đai. Cơ quan này nhận xét, khiếu nại tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai vẫn diễn ra phổ biến, có chiều hướng phức tạp, kéo dài, đông người tham gia. Thậm chí, nhiều đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan trung ương gây mất trật tự, an toàn xã hội, tạo ra những dư luận tiêu cực trong xã hội và nhân dân.

Để răn đe những người khiếu kiện đất đai ngày một đông lên trung ương, trong những năm qua, các tòa án tại Việt Nam cũng đã xét xử một số những dân oan khiếu kiện lên trung ương vì mất đất với các tội danh chủ yếu như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ. Cụ thể như trường hợp của nhà hoạt động về đất đai, bà Cấn Thị Thêu, người cũng đã bị mất đất canh tác ở ngoại thành Hà Nội cho một dự án phát triển đô thị. Bà bị kết án 20 tháng tù giam vào tháng 9 vừa qua với tội danh gây rối trật tự công cộng.

Không đóng góp nhiều cho nền kinh tế

Trong một bài viết được đăng trên trang facebook cá nhân hôm 30 tháng 12 vừa qua, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn từ Đà nẵng viết rằng VinGroup, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt nam, đã tham nhũng chính sách. Tác giả viết rằng các nhóm lợi ích coi nhà nước như công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, và thiệt hai cho cộng đồng, quốc gia. Theo tác giả, với việc VinGroup thâu tóm được khu đất vàng ở Giảng Võ, thành phố Hà Nội với giá rẻ không chỉ làm mất mát một không gian công cộng mà còn làm thiệt hại cho nền kinh tế. Theo tác giả, VinGroup chỉ trả khoảng 21,5 triệu đồng/ m2 cho khu đất trong khi giá thị trường của khu đất này hiện vào khoảng 200 đến 300 triệu đồng/ m2.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong bài phỏng vấn mới đây dành cho tờ Vietnam Finance thì cho rằng bất động sản là quả bom nợ của nền kinh tế vì tình trạng cho vay bất động sản quá nhiều làm ngân hàng phải ôm những khoản nợ xấu lớn. Theo bà những khoản nợ xấu ở ngân hàng hiện đa phần là từ cho vay bất động sản. Trả lời báo Một Thế Giới hôm 3 tháng 1, bà Phạm Chi Lan cho rằng dù bất động sản có vai trò nhất định trong nền kinh tế, giúp tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì lo ngại về tính cạnh tranh của những doanh nghiệp bất động sản làm giàu bằng chủ nghĩa thân hữu và chính sách không minh bạch khi mà nền kinh tế Việt Nam phải hội nhập với quốc tế.

Việt Nam hội nhập rất sâu vào thế giới rồi mà những công ty này giàu lên nhờ những mối quan hệ và họ không có năng lực cạnh tranh trên thế giới vì họ không thể dùng thủ thuật quan hệ trong dấu nháy nháy để mà họ thắng ở Việt Nam để áp dụng ở các nước khác được. Nếu họ làm các trò đó ở các nước khác thì có thể họ bị tù chứ không phải là đơn giản vì ở đấy có sự công khai minh bạch, phải có đấu thầu và giám sát.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh việc VinGroup gần đây đã mở rộng kinh doanh sang nông nghiệp sạch và công nghệ cao là một dấu hiệu đáng mừng.

Trong hội nghị học tập quán triệt, triển khai nghị quyết trung ương 4 khóa 12 hôm 30 tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói đến việc chính phủ phải đưa ra các chính sách vì nhân dân, tuyệt đối tránh ‘lợi ích nhóm’ và chống tham nhũng chính sách’. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hy vọng những phát biểu nhân dịp cuối năm qua của Thủ tướng Việt Nam liên quan đến tham nhũng chính sách hay các dự án bất động sản sẽ biến thành những chính sách thực sự để đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Việt Hà, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)