Chung cư cũ ở Sài Gòn (VOA, 28/03/2017)
Trước năm 1975, người ta gọi đây là chung cư Minh Mạng với hàng chục lô được đánh dấu theo bảng chữ cái, được xây dựng để làm nơi an cư cho những nhà dân bị đạn pháo Mậu Thân 1968 đốt cháy rụi ở góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh. Sau 1975, chung cư đổi sang tên Ngô Gia Tự. Hiện tại chung cư này nằm trong danh sách 474 chung cư cũ ở Sài Gòn cần đập bỏ để xây mới.
Chung cư Ngô Gia Tự nằm trong danh sách 474 chung cư cũ ở Sài Gòn cần đập bỏ để xây mới.
Anh Lâm Quang Trường, một cư dân nơi đây, nói rằng tuy sống chật chội, nhưng vui :
"Gia đình dọn về ở chung cư Ngô Gia Tự này từ năm 92, tới nay cũng hai mươi mấy năm. Nói chung, chung cư cũ đó thì từ xưa tới giờ, cuộc sống đa số là người lao động có thu nhập thấp, cuộc sống hơi ồn ào, huyên náo, nhưng mà nó có cái quy củ của cái nét Sài Gòn mình hồi xưa tới giờ. Nó cũng vui vui, cũng có những cái thú vị của chung cư cũ".
Theo năm tháng, nhiều gia đình con đàn cháu đống sống ở những chung cư giờ đã cũ kỹ này buộc phải tận dụng những không gian còn trống để cơi nới thêm diện tích, đủ chỗ ngã lưng qua đêm. Sau năm 1975, đời sống mỗi lúc càng khốn khó, nên cuộc sống của tứ đại đồng đường ở những chung cư cũ kỹ của Sài Gòn là rất đỗi thường tình. Sống trong hoàn cảnh đó nên họ luôn mơ ước có được một căn hộ tươm tất.
Nhiều người lớn tuổi nói rằng chung cư Minh Mạng hồi mới xây rất tốt. Giờ thì tất cả các lô đều quá hạn sử dụng, chất lượng khi kiểm định nghe đâu chỉ còn 30 - 40%. Dù mong ước được cải thiện nơi sinh sống, nhưng các cư dân ở đây canh cánh nỗi lo rằng sắp tới, khi chung cư bị đập bỏ để xây mới, liệu khả năng của họ có với tới.
"Chung cư của mình cũng lâu đời rồi, cũng tới thời gian phải trùng tu, tu bổ, sửa chữa lại ở. Nghe nói hướng tới này, nhà nước có cái gọi là di dời để tái thiết lập lại, xây dựng những căn hộ chung cư, giống như là tái định cư cho những hộ dân ở chung cư mình ở đây nè. Nhưng mà quan trọng là giá cả đền bù có hợp lý hay không để người ta có đủ điều kiện, tại đa phần là người dân lao động nghèo, thu nhập thấp, có đủ điều kiện để người ta tái định cư lại những căn hộ mới hay không. Có một số là người lấy tiền đền bù đó, người ta kiếm những nơi vùng ven, vùng xa để người ta sinh sống, mua bán. Còn đa phần còn lại rất trăn trở về vấn đề đền bù tái định cư". anh Trường băn khoăn.
Rất nhiều chung cư ở Sài Gòn giờ đã rệu rã. Cũng khó trách, thời hậu chiến, cuộc sống quá khốn khó nên ở nhiều căn hộ có đến bốn thế hệ đã cùng nhau sinh sống.
Nhiều người nói rằng nếu muốn tìm nơi thời gian dừng lại, hãy tìm đến các chung cư cũ của Sài Gòn. Đó là nơi chốn để lại trong ký ức trên những bức tường, song sắt lan can, và luôn cả những vệt nắng hoài niệm lỗ chỗ trên tường nhà…
*************************
Các tỉnh thành đều có bom mìn thời chiến sót lại (RFA, 28/03/2017)
Một quả bom còn sót lại từ thời chiến tranh ở Quảng Trị. Ảnh chụp hôm 27/6/2005. AFP photo
Cả 63 tỉnh và thành phố Việt Nam vẫn còn bom mìn, vật liệu nổ nằm rải rác sau chiến tranh. Đó là báo cáo do Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội công bố tại buổi họp báo về tình hình ô nhiễm bom mình và công tác khắc phục hậu quả bom mình trong chiến tranh diễn ra vào chiều ngày 28 tháng 3 tại Hà Nội.
Theo báo cáo, số bom mìn phát nổ từ sau năm 1975 đến nay đã khiến hơn 40,000 người chết và 60,000 người bị thương. Phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Các tỉnh có nhiều nạn nhân do bom mìn còn sót lại nhất là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Đình.
Báo cáo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800,000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích cả nước. Số lượng bom mìn còn sót lại nằm nhiều nhát ở các tỉnh miền Trung.
Việt Nam xác định nạn nhân do bom mìn là nhóm người khuyết tật và được hưởng chính sách dành cho người khuyết tật. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự trợ giúp từ một số các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài trong công tác dọn sạch bom mìn và hỗ trợ những nạn nhân.
******************
Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay (RFA, 28/03/2017)
Chế biến cá tra xuất khẩu. Courtesy of baocongthuong
Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu- EU sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN pangasius) cho biết như vậy trong hội thảo về ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 28 tháng 3.
Trong khi đó cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, bao gồm Hong Kong trong những tháng qua vẫn tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tính đến giữa tháng 2 đạt trên 27,4 triệu đô la, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong khoảng thời gian này chỉ đạt khoảng 25,2 triệu đô la, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến suy giảm kim ngạch xuất khẩu cá tra vào EU được Hiệp hội xác định là do những khó khăn tại thị trường EU khi tập đòan bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam.
Ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Eurocham cho biết việc cá lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị EU trả lại đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Thời gian gần đây, EU đã trả lại 11 lô hàng của Việt Nam vì lý do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thủy ngân và các hàm lượng thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng.