Việt Nam y án 11 năm tù đối với 2 tiểu thương ‘chống phá nhà nước’ (VOA, 23/09/2019)
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên y án đối với hai phụ nữ bị kết tội tổng cộng 11 năm tù hồi tháng 5 về các hoạt động "chống phá" nhà nước Việt Nam, theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong 3 luật sư tham gia bào chữa hôm 23/9.
Hai bị cáo Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương tại phiên tòa sơ thẩm ở Đồng Nai hôm 10/5. (Ảnh chụp màn hình Zing.vn)
Bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương cùng bị truy tố về tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Hồi tháng 5, hai người phụ nữ này, đều là những tiểu thương buôn bán ở một chợ ở Định Quán của Đồng Nai, đã bị Tòa án nhân dân tỉnh này tuyên mức án 6 năm tù giam cho bà Dung, và 5 năm đối với bà Sương.
Tuy nhiên, bà Dung và bà Sương đã kháng cáo, theo Luật sư Miếng, người hiện đang là thành viên của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và từng tham gia tranh cãi trong vụ xét xử cho nhóm của Michael Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt bị kết án 12 năm tù tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Hội đồng xét xử phiên tòa kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ hôm 23/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không giảm nhẹ bản án cho hai người phụ nữ Đồng Nai và theo Luật sư Miếng đây là bản án "không công bằng đối với họ".
"Họ đã áp mức án theo tôi là quá cao đối với các bà tiểu thương bán hàng ở chợ", Luật sư Miếng nói. "Hành vi của họ chỉ là rải truyền đơn để kêu gọi biểu tình chống Luật Đặc khu, chống hàng hóa Trung Quốc độc hại".
Bản cáo trạng của hội đồng xét xử tỉnh Đồng Nai đưa ra hồi tháng 5 tại phiên tòa sơ thẩm được truyền thông trong nước trích lời nói bà Dung và bà Sương "sử dụng nhiều tài khoảng Facebook thường xuyên truy cập các các trang mạng xã hội tương tác với các tài khoản Facebook khác để xem, nghe các nội dung, video bài viết có nội dung chống phá nhà nước, kích động biểu tình chống luật đặc khu, an ninh mạng, phản đối Trung Quốc, kích động kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13/10/2018".
Theo luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, cụ thể là hiến pháp Việt Nam, thì công dân Việt Nam có quyền biểu tình và tự do biểu lộ quan điểm của mình, theo Luật sư Miếng.
Bà Dung và bà Sương bị bắt ngày 13/10/2018, 3 ngày sau khi rải truyền đơn kêu gọi mọi người tham gia biểu tình ở Nhà thờ Fatima Bình Triệu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Miếng cho biết, bà Dung và bà Sương đã "thật thà khai báo rằng chúng tôi chỉ muốn kêu gọi mọi người xuống đường biểu tình để nói lên tiếng nói cho nhà nước biết về tâm tư, nguyện vọng của người dân chứ mục đích của họ không phải là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Theo Luật sư Miếng, các vụ án an ninh chính trị gần đây ở Việt Nam bị xử "nặng tay" hơn bất chấp những lên án từ cộng đồng quốc tế.
Hồi tháng 5, Phái đoàn châu Âu ở Việt Nam đã ra thông cáo bày tỏ lo ngại về việc kết án bà Dung và bà Sương và cho rằng Việt Nam tiếp tục xu hướng kết án những công dân của mình chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa trên mạng.
Theo thống kê của Hội Người bảo vệ Nhân quyền, có khoảng 33 nhà hoạt động hiện đang bị cầm tù vì các cáo buộc "tiến hành các hoạt động chống phá nhà nước" ở Việt Nam.
*********************
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tố cáo bị cán bộ quản giáo dọa cắt gân chân (RFA, 23/09/2019)
Tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa, người đang thụ án 7 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", lên tiếng tố cáo anh bị một cán bộ quản giáo thuộc phân trại K1, trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, dọa cắt gân chân hồi tháng 7 trong thời gian bị giam riêng.
TNLT Nguyễn Văn Hóa ở phiên tòa hôm 27/11/2017 tại Hà Tĩnh - AFP
Bà Nguyễn Thị Huệ sau cuộc thăm gặp em trai mình hôm 20 tháng 9 năm 2019 nói với Đài Á Châu như sau :
"Vào thời điểm tháng 7, khi mà Hóa đang ở bên K1 thì có cán bộ ở đây cũng có hành động dọa nạt, đòi cắt gân chân của Hóa.
Giam riêng thì Hóa có nói thì bị ở một mình trong phòng từ 15-20m2. Trong phòng họ giam cả ngày lẫn đêm, vệ sinh và ăn uống đều ở trong phòng giam riêng".
Cũng theo chị gái của Nguyễn Văn Hóa, trong thời gian 4 tháng bị giam riêng biệt, anh bị nhốt hoàn toàn trong phòng, không được phép ra ngoài hít thở khí trời như những người khác đồng thời có camera theo dõi mọi sinh hoạt 24/24.
Phóng viên gọi điện thoại cho trại giam An Điềm theo số điện thoại được phổ biến trên Internet nhưng không thể kết nối.
Theo người tù bị tuyên án về an ninh quốc gia này, anh mong muốn được gia đình xem xét kháng cáo lên Giám đốc thẩm vụ án của mình.
Nguyễn Văn Hóa cũng đồng thời đề nghị đại diện các Đại sứ quán của các nước phát triển đến thăm những tù nhân lương tâm đang thụ án tại đây, với mong muốn nói lên nguyện vọng chính đáng cũng như thực trạng giam giữ các tù nhân nơi này.
Anh Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, là phóng viên cộng tác với Đài Á Châu Tự Do ở Việt Nam, anh là người tích cực đưa tin, phỏng vấn những người dân ở vùng chịu thảm họa môi trường do Formosa gây nên hồi năm 2016.
Đầu năm 2017, Hóa bị công an bắt giữ khi đang quay phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Trong một bức thư gửi cho gia đình anh nói mình bị công an "bắt cóc" 9 ngày và giam giữ trong một khách sạn sau đó mới có lệnh bắt chính thức.
Đến ngày 27/11 cùng năm anh bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".