Biển Đông : 'Né' tên Trung Quốc, Việt Nam có kế sách riêng ? (BBC, 02/2019)
Việc Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đưa vấn đề Biển Đông ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nhưng lại tránh nhắc tên Trung Quốc làm dấy lên tranh luận trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại Hà Nội vào ngày 1/4/2018
Nhiều ý kiến bất bình cho rằng Việt Nam đã 'gây thất vọng', trong bối cảnh tàu Trung Quốc vẫn quấy nhiễu tại Bãi Tư Chính. Số khác cho rằng nhà nước Việt Nam có kế hoạch riêng 'không thể tiết lộ' trước khi có thể thực sự đưa 'hành vi bắt nạt' của Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc.
Nhưng có thật Việt Nam đang xem xét cơ hội ấy không ?
Không nhắc tới Trung Quốc 'một lần nào'
Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) ở thành phố New York, Mỹ hôm 28/9, ông Phạm Bình Minh đề cập tới 'vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam' trong bài phát biểu kéo dài 15 phút.
Ngay sau đó, cây bút Phạm Thành, người vừa gây xôn xao với cuốn sách về ông Nguyễn Phú Trọng có tên "Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo", đếm thấy trong hơn 15 phút phát biểu, ông Phạm Bình Minh "nhắc tới luật quốc tế 6 lần, biển Đông 3 lần, 1 lần Indo-Pacific, 1 lần vùng đặc quyền kinh tế". Và "không nhắc tới Tàu một lần nào".
Thay vì thế, ông Minh dùng cụm từ 'các bên liên quan' và 'các quốc gia liên quan'.
"Chúng tôi kêu gọi những bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vốn được xem là "Hiến pháp đối với các đại dương", ông Minh nói.
"Các quốc gia liên quan cần tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương vốn có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển, đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS" - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi", ông Minh nói thêm.
Tờ Bloomberg trong vài viết về sự kiện này nói bình luận của ông Minh 'nhắm vào Trung Quốc nhưng tránh nhắc tên trực tiếp'.
"Nhu nhược" và "gây thất vọng" ?
Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng hành động của ông Minh là "đáng thất vọng", như bài viết trên Facebook của Nguyễn Ngọc Chu.
"Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh tại kỳ họp 74 của UNGA đã làm bao người thất vọng. Không phải chỉ Việt Nam mà cả các nước đang muốn giúp Việt Nam.''
"Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung quốc tại UNGA thì ai sẽ lên án Trung quốc giúp Việt Nam ?" Facebooker này viết.
Luật sư Lê Công Định thì cho rằng những ai quan tâm đến tình hình quốc gia hiện nay đều trông đợi ông Phạm Bình Minh lên án Trung Quốc. Nhưng ông Minh lại chỉ nói đến các 'bên có liên quan' "như thể chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm bởi ai đó vô danh, chưa xác định, chứ không phải Trung Cộng, và người nghe muốn hiểu sao cũng được".
"Như vậy, một lần nữa, hành động xâm lấn trái với luật pháp quốc tế của Trung Cộng đối với chủ quyền của nước ta đã không được tố cáo tại diễn đàn quốc tế quan trọng nhất là UNGA". Người dân Việt Nam còn có thể trông mong gì hơn ở một nhà cầm quyền nhu nhược.".. luật sư Định đặt câu hỏi trên Facebook cá nhân.
Nhà văn Mạc Văn Trang so sánh hành động của ông Bình Minh với "bà già mất gà", chỉ kêu toáng lên chứ không chỉ đích danh được kẻ trộm là ai. "Mình chính nghĩa, tên trộm phi nghĩa, mà không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa, vạch mặt chỉ tên, lên án mạnh mẽ kẻ phi nghĩa, thì ai cảm thông, ủng hộ mình ?
"Thực ra ông Phạm Bình Minh cũng tội, ông đâu có được tự do nói theo ý mình.."., ông Trang viết.
"Chính phủ Việt Nam có nhiều nước cờ" ?
Biển Đông : 'Né' tên Trung Quốc, Việt Nam chờ thời để đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc ? (ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến đồng tình với việc ông Bình Minh thực ra "không được nói theo ý mình", và rằng chính phủ Việt Nam "có nhiều nước cờ" không thể tiết lộ.
Facebooker Anngoc Nguyen viết : "Đây [bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh] là quan điểm của tập thể bộ chính trị mà đứng đầu là tổng bí thư. Quy định của Đảng là mọi đảng viên phải chấp hành nghị quyết của đảng cấp trên, cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương của Bộ Chính trị (trong thời gian Ban chấp hành trung ương không họp). Mọi quan điểm khác với nghi quyết được bảo lưu song không được phát ngôn trái với nghị quyết, và phải nghiêm chỉnh thực hiên nghị quyết của đảng".
Ông Nguyễn Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải Đảo cho rằng ông không rõ nội tình, nhưng "các ông ấy [chính phủ Việt Nam] có tính toán của các ông ấy", và rằng "có những chuyện mà chỉ các ông ấy biết được, thí dụ giả thuyết là Việt Nam đe dọa và Trung Quốc nhượng bộ".
"Cờ đi còn nhiều nước. Vì không có đủ thông tin nên tôi cũng không thể bình luận gì hơn khi các ông ấy đi một nước. Có thể thấy bài phát biểu khác với bài phát biểu ở Bangkok [Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 52. Ông Bình Minh được cho là đã có phát biểu 'thẳng thắn' về vấn đề can thiệp của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính]. Như vậy, có thể bối cảnh đã khác…", ông Ca bình luận.
Đáp lại một số bình luận về việc Việt Nam có nên, và có muốn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không sau sự kiện bài phát biểu của ông Bình Minh, ông Ca phân tích :
"Kiện hay không kiện là một bài toán lợi ích, thiệt hại cần phải tính toán kỹ. Tôi cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ và khi cần thì kiện. Kiện cái gì, ở đâu và lúc nào thì kiện là thông tin không thể công bố".
Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc không ?
Trong khi dư luận mạng xã hội còn tranh cãi về bài phát biểu 'tránh né' của ông Bình Minh, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang mới đây có bài trên AMTI, phân tích góc độ luật pháp và bối cảnh quốc tế về vấn đề này.
"UNGA và Hội đồng Bảo an là hai cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp quốc. Các quốc gia thành viên thường đặt các câu hỏi về hòa bình và an ninh quốc tế với UNGA vì tính hiệu quả của Hội đồng Bảo an thường bị cản trở bởi một quyền phủ quyết từ một trong năm thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ). Nghị quyết được UNGA thông qua có thể mang lại những hệ quả chính trị và pháp lý nhất định mà nhiều quốc gia hy vọng có thể giúp họ giải quyết xung đột.
"Sức mạnh của UNGA phụ thuộc vào thực tế là nó bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, và mọi quốc gia đều có quyền bỏ phiếu và các phiếu bằng nhau. Khi UNGA thông qua một nghị quyết, có thể nói là nó phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế ; các quốc gia tìm kiếm các nghị quyết như vậy để hợp pháp hóa hành động của họ. Nghị quyết của UNGA có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên về mặt chính trị và do đó ảnh hưởng đến các lựa chọn chính sách đối ngoại."..
"Nghị quyết của UNGA cũng có thể mang lại hiệu quả pháp lý nhất định.
"Một số học giả thậm chí coi các nghị quyết của UNGA là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, sau này có thể được coi là một yếu tố cấu thành luật quốc tế. Theo hướng này, các nghị quyết của UNGA thường được trích dẫn tại các tòa án quốc tế".
Trong bối cảnh đó, theo nhà nghiên cứu, Việt Nam có thể xem xét để đưa vấn đề Biển Đông ra trước UNGA. "Với thực tế là Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế, và có tầm quan trọng đối với hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, Việt Nam có thể dễ dàng lập luận rằng tình hình ở Biển Đông vượt ra ngoài phạm vi tranh chấp giữa một số quốc gia hoặc thậm chí là xung đột khu vực và nên được coi là một vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế".
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Minh Trang cũng chỉ ra những trở ngại nghiêm trọng cản trở Việt Nam đạt được thắng lợi đáng khi thực hiện bước đi táo bạo như vậy. Trở ngại đó bao gồm sự hỗ trợ 'chưa đủ' của các cường quốc như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp và Đức ; vẫn còn số lượng đáng kể các quốc gia từng ủng hộ vị thế của Trung Quốc trên Biển Đông ; và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông năm nay không thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế so với năm 2014 - khi Bắc Kinh mang giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam.
Ngoài ra còn cần tính đến ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia Châu Phi, và việc Malaysia và Philippines dường như đang ngả theo Trung Quốc.
Kịch bản này khiến Việt Nam khó thuyết phục các nước khác trong Liên Hiệp Quốc, bao gồm các nước láng giềng ở Biển Đông, ủng hộ nhiệt tình cho mình, theo Phạm Ngọc Minh Trang.
Nhà nghiên cứu cho rằng hiện tại, khả năng thành công có lẽ không đủ cao để Việt Nam chấp nhận rủi ro để đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Nhưng đây vẫn luôn là một lựa chọn để 'các nước nhỏ' như Việt Nam cân nhắc nếu muốn đối kháng với Trung Quốc ở Biển Đông.
*******************
Trung Quốc ra mắt tên lửa Đông Phong, ‘đe dọa gián tiếp’ Việt Nam (VOA, 02/10/2019)
Trung Quốc hôm 1/10 đã trình làng tên lửa hạt nhân chiến lược xuyên lục địa có tên gọi Đông Phong 41, với tầm bắn lên tới 15.000km, trong động thái mà các chuyên gia nhận định là một "tín hiệu" gửi tới các nước tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, và thậm chí cả Mỹ.
Trong cuộc duyệt binh nhân 70 năm ngày lập nước với sự tham dự của 15 nghìn binh sĩ, hơn 160 máy bay cùng với gần 600 các thiết bị quân sự, Đông Phong 41 đã được chở qua quảng trường Thiên An Môn với sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ngày quốc khánh "là dịp để họ bộc lộ rõ hơn, khẳng định hơn nữa tất cả sự đe dọa của họ".
"Trong tháng Tám, họ đã để cho máy bay ném bom chiến lược bay ở Biển Đông, rồi nó còn hạ cánh xuống Đảo Chữ Thập có sân bay họ làm lớn nhất. Họ cũng từng đưa tên lửa ra đó. Trực tiếp nhất là họ đã có tập trận, bắn tên lửa. Đó là lần đầu tiên họ bắn tên lửa thật, có dẫn đường. Đấy là những sự đe dọa và chuyện duyệt binh là đe dọa gián tiếp thôi. Những gì đã xảy ra ở Biển Đông thì đó là đe dọa trực tiếp", ông Hợp nói, cũng đề cập thêm tới chuyện Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam nhiều tuần qua.
Ngoài tên lửa mà các hãng tin nước ngoài nói rằng có thể đánh trúng mục tiêu ở Mỹ trong vòng 30 phút, Trung Quốc còn cho ra mắt các loại khí tài khác như tên lửa siêu vượt âm Đông Phong 17, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 cũng như tàu lặn không người lái HSU001.
Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Đảng cộng sản Trung Quốc, hôm 1/10 dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng "các kẻ thù gần như khó có thể chặn được DF-17 [Đông Phong 17]".
"Nó sẽ đóng vai trò sống còn để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc vì tất cả các khu vực như Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Đông Bắc Á đều nằm trong tầm bắn của nó", tờ báo thường có các bài bình luận thể hiện tinh thần dân tộc của Trung Quốc viết.
Tiến sĩ Hợp nhận định rằng trước khi Đông Phong 41 và17 được Bắc Kinh chính thức công bố trong buổi duyệt binh quy mô lớn mà nhiều nhà quan sát nói là để thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới "đã có tên lửa thừa sức bắn tới Việt Nam".
"Tên lửa tầm 800 cây số là nó đã thừa sức bắn tới Việt Nam rồi. Họ đặt ở ngay đảo Hải Nam thì họ bắn tới tận đảo Phú Quốc", nhà nghiên cứu về tình hình Biển Đông nói.
Hồi đầu tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tiến hành các cuộc phóng thử nhiều tên lửa chống hạm ở Biển Đông, và coi đó là hành động đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa vùng lãnh hải tranh chấp.
Nhận định về tác động của các hành động như vậy đối với quan hệ song phương Hà Nội – Bắc Kinh, ông Hợp nói : "Càng ngày Trung Quốc càng dồn Việt Nam về mặt quan hệ đối ngoại, về mặt an ninh quốc tế, về mặt quan hệ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và về cả quan hệ nhóm, tức là đa phương, trong đó Việt Nam có một vai trò gì đó trong khu vực Đông Nam Á".
Từng có tin Việt Nam có thể mua BrahMos, loại tên lửa vốn từng khiến quân đội Trung Quốc buộc phải bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, hiện chưa rõ là Hà Nội và New Delhi đã đạt thỏa thuận nào về loại tên lửa do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất này hay chưa.
Viễn Đông